Home Tin Tức Bình Luận Phe bảo thủ VN đang 'áp đảo'

Phe bảo thủ VN đang 'áp đảo' PDF Print E-mail
Thứ Hai, 15 Tháng 2 Năm 2010 06:19
Hãng thông tấn AFP ngày 14 tháng 2 có bài nhận định ảnh hưởng của phe bảo thủ tại Việt Nam có thể gia tăng.

 
        Vụ xử bốn nhân vật đối kháng vì tội 'lật đổ chế độ' bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ.

Bài của AFP nhìn lại một số sự kiện trấn áp các nhân vật đối kháng cũng như phản ánh đánh giá của một số học giả và giới ngoại giao về chủ đề này.

Các nhà phân tích nói. Nhà chức trách cộng sản bắt đầu ra tay kể từ sau khi tổ chức thành công Hội nghị hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hồi năm 2006 cũng như sau khi Hà Nội gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng Một năm 2007.

Kể từ đó, các tòa án đã kết tội một loạt nhân vật đối kháng trong đó có người công đoàn hoạt động độc lập, các nhà báo viết về tham nhũng, các luật sư ủng hộ dân chủ, một linh mục, và các nhà văn.

Nhà chức trách cũng đang "cố rằn mặt” những người dùng Internet để chỉ trích, nhận định của một nhà ngoại giao phương Tây sau khi một blogger Việt nổi tiếng nói trang của ông đã bị tấn công.

'Tin tặc ra tay'

Nhà ngoại giao muốn ẩn danh này nói: "Trong một hai tháng qua đã có ít nhất 10 trang web đã bị tấn công hoặc bị xóa sổ".

 
 Huy Đức nói blog của ông bị hack và không vào được email vì bị đánh cắp mật khẩu.

"Có thể những hành động cứng rắn hơn trong vài năm gần đây cho thấy nhà chức trách ngày càng không muốn dùng cách tiếp cận nhẹ tay và bớt đối đầu hơn đối với giới chỉ trích", ông Ben Kerkvliet, giáo sư danh dự và là chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Quốc gia Australia cho hay.

Ông nói thêm rằng nói khác đi là có thể những người ủng hộ đường lối theo “Luật lệ và kỷ cương” đang thắng thế.

Các nhà phân tích cũng nói về việc khó xác định nguyên nhân một loạt các vụ bắt bớ, đem ra xử và tuyên án tù.

Một số người xem đây có thể là sự liên kết với Đại hội Đảng Cộng sản được tổ chức vào năm sau, khi người ta quyết định ghế của các vị trí cao trong giới lãnh đạo.

Còn ông Stein Toennesson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Oslo thì cho rằng giới lãnh đạo có thể nghĩ rằng họ đã có "quá nương tay cho phép người dân bày tỏ ý kiến đối với họ, và đã quyết định trấn áp để tạo ra một ví dụ".

"Nhưng cũng có thể là trước Đại hội Đảng... nhiều người thuộc phe bảo thủ có thế thấy khó chịu, và một số người khác sợ bị coi thiếu trung thành", ông nói.

'Đừng mong đa đảng'

Vào tháng trước diễn ra phiên xử gây nhiều chú ý nhất trong một loạt các vụ bắt các nhân vật đối kháng và người viết blog trong năm qua.

Bốn nhà hoạt động dân chủ bị tuyên án từ 5 tới 16 năm vì tội định lật đổ chế độ và phiên xử đã bị Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Anh quốc chỉ trích.

Theo Shawn McHale, Giám đốc Trung tâm Châu Á học Sigur tại George Washington University, thì thông điệp gửi đi là rất rõ ràng: "Hãy quên đi khả năng có đa nguyên chính trị bên ngoài đảng."

 
 Giới phân tích đề cập khả năng có các cuộc 'đấu đá chính trị' trong nội bộ đảng.

Ít nhất 16 nhà đối kháng đã bị ngồi tù kể từ tháng Mười.

Giới phân tích nói nội dung chỉ trích giới lãnh đạo ngày càng tăng và đa dạng, bao gồm cả việc yêu cầu thành lập một hệ thống đa đảng và có cả các khiếu nại về tham nhũng trong giới quan chức nhà nước cũng như việc nhà nông lên án những vụ thu hồi đất mà họ nói là bất công.

"Nhiều người ở Việt Nam nghĩ rằng một vấn đề lớn đối với đảng bấy lâu nay là làm thế nào để đối phó với tham nhũng” ông Ben Kerkvliet từ Đại học Quốc gia Australia nói.

“Những người này không chỉ là giới chỉ trích mà là dân thường và họ coi mình chẳng dính líu gì tới chính trị".

Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng thực trạng nhân quyền tại Việt Nam “chẳng hề sáng sủa” và cho rằng có một loạt các yếu tố liên quan.

"Một số người nói về chuyện ra tay trước đại hội đảng. Một số người cho là do các cuộc đấu đá chính trị trong nội bộ đảng trong bối cảnh có một số sức ép từ nhiều phía", nhà ngoại giao muốn ẩn danh nói.

"Tôi cho rằng có thể là sự kết hợp của cả hai yếu tố này.