Từ 'Tàu Lặn' tới 'Tàu Bay': 'Bộ mặt nhân đạo' của chiến tranh |
Tác Giả: Sơn Tùng | |||
Thứ Bảy, 06 Tháng 3 Năm 2010 20:11 | |||
Chiến tranh đã gắn liền với lịch sử loài người, từ thời ăn lông ở lỗ cho tới thời hiện đại, từ đánh nhau bằng gậy gộc cung tên cho đến bằng hoả tiễn nguyên tử nhấn nút. Và nói đến chiến tranh là nói đến tàn bạo, chết chóc, từ quân lính ngoài chiến địa cho đến thường dân vô tội. Cảnh trấn nước của Khmer Đỏ trên bức tranh treo tại Viện Bảo Tàng Tuol Sleng ở Phnom Penh. Không thể tránh được chiến tranh, con người đã cố làm cho nó bớt tàn bạo bằng những hiệp ước quốc tế và những luật pháp để ngăn ngừa những “tội ác không cần thiết”. Nhưng, những “tội ác không cần thiết” vẫn cứ xảy ra và đã có nhiều vụ xét xử những tội ác chiến tranh, nhiều người đã bị kết tội sau các cuộc chiến tranh, từ đại chiến đến nội chiến. Ngày nay, nước Mỹ đang theo đuổi một cuộc chiến tranh chống lại Hồi giáo cực đoan, và mặc dù bị tấn công bằng chiến thuật khủng bố ngoài quy luật chiến tranh, người Mỹ đang muốn chứng tỏ là một dân tộc văn minh, tôn trọng luật pháp, tôn trọng con người, dù là phe địch. Câu chuyện này khởi đầu từ vụ Hồi giáo cực đoan tấn công nước Mỹ ngày 11.9.2001 khiến hơn 3,000 người thiệt mạng trong một cuộc đánh trộm tàn bạo bằng cách cướp ba phi cơ dân sự chở hành khách và chứa đầy xăng đâm vào Trung tâm Mậu dịch Thế giới ở New York và Ngũ giác đài ở ngoại ô Washington DC. Chiếc phi cơ thứ tư bị hành khách chống cự, rơi xuống một cánh đồng ở Pennsylvania. Tổng thống George W. Bush mới nhậm chức được 8 tháng đã phản công quyết liệt, một mặt đưa quân tấn công Afghanistan, lật đổ chế độ Taliban của phe Hồi giáo cực đoan và truy lùng thủ lãnh Osama bin Laden của tổ chức khủng bố Al Qaeda đặt căn cứ tại nước này, mặt khác tăng cường các biện pháp an ninh nội địa để không xảy ra một vụ tấn công thứ hai như ngày 11.9.2001. Một trong những biện pháp này là khai thác các can phạm để thu thập tin tức về các kế hoạch khủng bố của các tổ chức Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là al Qaeda. Nhưng các can phạm khủng bố đều là những kẻ cuồng tín lì lợm, không sợ chết, và không hé răng khai bất cứ điều gì mà người Mỹ muốn biết. Để phá vỡ “bức tường im lặng” này, CIA đã lập một kế hoạch điều tra với những kỹ thuật hỏi cung can phạm “nặng tay” hầu có thể thu thập những tin tức quan trọng nhưng không vi phạm luật pháp Hoa Kỳ cũng như công ước quốc tế cấm tra tấn tội nhân. Một trong những kỹ thuật lấy cung này là “trấn nước” (waterboarding), mà tiếng lóng Việt Nam gọi là cho “đi tàu lặn”. CIA định nghĩa kỹ thuật “waterboarding” trong một bản văn “Top Secret” năm 2002 như sau: “Trong thủ tục này, đương sự được trói (nằm ngửa) một cách an toàn trên một chiếc ghế dài nghiêng một đầu, bề dài khoảng bảy feet, ngang bốn feet. Hai chân đương sự ở phía cao. Một miếng vải được đặt trên trán và hai mắt. Nước được đổ từ từ trên tấm khăn. Trong lúc việc này diễn ra, chiếc khăn được hạ xuống cho đến khi che kín cả mũi và mồm. Khi chiếc khăn bão hòa (thấm đầy) nước và hoàn toàn che kín mồm và mũi, luồng không khí bị giới hạn một phần từ 20 tới 40 giây do sự ngăn cản của chiếc khăn ướt. Trong khoảng thời gian 20 tới 40 giây ấy nước được tiếp tục đổ xuống từ độ cao khoảng 12 tới 24 inches. Sau giai đoạn ấy, chiếc khăn được lấy ra, và đương sự được cho thở tự do ba hoặc bốn hơi... rồi sau đó, thủ tục lại tiếp tục. Nước thường được đổ xuống từ một cái cốc ở nhà ăn trong trại lính hay một thùng tưới nước nhỏ với một cái vòi. Các anh phải báo cáo rằng thủ tục này không được lâu hơn 20 phút cho mỗi lần áp dụng.” Năm 2007, có tin cho biết CIA đã áp dụng phương cách trấn nước các tù nhân bị giam giữ tại Guatanamo và đã được Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho phép. Tin này đã gây ra sự chống đối ở nhiều nơi trên thế giới, hiển nhiên là từ những nước thù nghịch với Hoa Kỳ và chính những tổ chức khủng bố. Al Qaeda nghi ngờ trong số những tù nhân bị trấn nước có Khalid Sheikh Mohammed, Abu Zubaydah, và Abd al-Rahim al-Nashiri, những can phạm quan trọng sắp được Mỹ đem ra xét xử. Để biện minh việc áp dụng phương cách trấn nước các can phạm khủng bố, chính quyền Bush đã viện dẫn những quan điểm pháp lý cho thấy sự định nghĩa chặt chẽ chữ “tra tấn” (torture) trong luật pháp Hoa Kỳ. Theo hồ sơ của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, tin tức lấy được từ Khalid Sheikh Mohammed do trấn nước đã giúp ngăn chặn được một vụ khủng bố tấn công theo kiểu 11.9 tại Los Angeles. Tháng 1.2009, sau khi nhậm chức, TT Obama đã ra lệnh cấm áp dụng phương cách trấn nước tù nhân. Nhưng qua tháng 4.2009, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ từ chối cho biết trấn nước có còn được dùng với mục đích huấn luyện hay không. Và cũng từ đó đã gây ra những cuộc tranh cãi ồn ào về đề tài này. CIA nói rằng việc trấn nước một số can phạm khủng bố là cần thiết để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ và không vi phạm luật pháp, hơn nữa kế hoạch ấy đã được thông báo cho Quốc Hội. Dân biểu Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ Viện, lại nói rằng CIA đã cố ý làm cho mình hiểu lầm trong cuộc điều trần năm 2002 về một chương trình không liên quan đến việc “tra khảo nặng tay” các nghi can khủng bố. Giám đốc CIA Leon Panetta đáp rằng CIA không nói dối và bà Pelosi đã biết về việc trấn nước tù nhân. Các cựu viên chức chính phủ tiền nhiệm do cựu Phó Tổng thống Cheney hướng dẫn đã lên tiếng cảnh cáo về nỗ lực đào bới những việc trong quá khứ sẽ gây nguy hại cho an ninh nước Mỹ. Trong một bài diễn văn tại American Enterprise Institute vào tháng 5 năm 2009, ông Cheney nói chương trình thẩm vấn nặng tay là “hợp pháp, có căn bản, và được biện minh”, và khẳng định: “Các nhân viên tình báo đã thẩm vấn những tên khủng bố có thể tự hào về việc làm của họ và tự hào về kết quả đã đạt được.” Ông Cheney nói thêm: “Mối nguy hiểm ở đây là sự lạc hướng đối với an ninh quốc gia và không chú tâm đến những nhu cầu của nó. Tôi muốn khuyên chính quyền hiện nay nên suy nghĩ kỹ càng về chiều hướng đang làm.” Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Eric H. Holder, một người cực tả, đã chỉ định một công tố viên hình sự để điều tra xem nhân viên CIA có tra tấn các nghi can sau vụ khủng bố tấn công ngày 11.9.2001 hay không. Vậy thì phương pháp trấn nước trong thủ tục thẩm vấn tù nhân đã có từ bao giờ và có phải là tra tấn hay không? Phương pháp trấn nước tù nhân để tra khảo đã có một lịch sử lâu dài vào thời trung cổ từ Tây Ban Nha tới Trung Hoa bằng cách nhét một chiếc khăn vào mồm tội nhân, bắt họ nuốt vào bụng một lượng nước được đổ từ một cái bình khiến họ có cảm giác đang bị chết đuối trong khi lấy cung. Thời kỳ bành trướng thuộc địa vào Thế kỷ 17, các chế độ thực dân cũng dùng phương pháp trấn nước để tra khảo các “đối tượng” hình sự hay nổi dậy bằng cách quấn một cái khăn chung quanh đầu tù nhân rồi đổ nước lên cho đến khi khăn sũng nước lên tới mồm và lỗ mũi khiến y mỗi lần cố hít thở thì lại uống thêm nước “cho đến khi thân thể phình lên to gấp hai hay gấp ba bình thường, má phồng lên như quả bong bóng, mắt trợn trừng...” Phương pháp này cũng được thực dân Pháp áp dụng tại Việt Nam và đã khai sinh ra tiếng lóng “đi tàu lặn”. Tại Mỹ, một bài viết trên tờ New York Times vào năm 1852 có tố cáo một vụ “trấn nước” tù nhân tại nhà tù Sing Sing ở New York. Trong Thế Chiến II, Quốc xã Đức và Quân Phiệt Nhật cũng áp dụng phương pháp trấn nước tù nhân cộng với đánh đập để tra khảo. Khi tù nhân không thể tiêu thụ thêm nước, các tên điều tra viên đánh đập hoặc nhảy lên bụng họ cho nước phọt ra từ miệng. Trong những năm chiếm quyền ở Campuchia từ 1975 đến 1979, Khmer Đỏ đã áp dụng phương pháp trấn nước để tra khảo tù nhân tại khám đường Tuol Sleng ở Phnom Penh mà đã được một cựu tù nhân đã mô tả trong một bức tranh hiện treo tại Viện Bảo Tàng Diệt Chủng Tuol Sleng (xem hình bên dưới). Viện bảo tàng này cũng trưng bày những dụng cụ thật sự mà Khmer Đỏ đã dùng để trấn nước các nạn nhân. Hiện nay, các đơn vị đặc vụ của quân đội Hoa Kỳ và CIA đều dùng một hình thức trấn nước trong các trường huấn luyện để tồn tại SERE (Survival, Evasion, Resistance and Escape), chuẩn bị tâm lý cho các binh sĩ hay gián điệp chống lại tra tấn một khi bị rơi vào tay đối phương. Trở lại với cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ về vụ cho tù nhân “đi tàu lặn” (trấn nước), cuộc tranh cãi vẫn chưa chấm dứt, và sẽ trở nên sôi nổi hơn khi chính quyền Obama quyết định đem các tội phạm của vụ 11.9.2001 ra xét xử trước toà hình sự ở New York, trong đó quan trọng nhất là Khalid Shaikh Mohammed, được coi là đầu não của vụ 11.9 và đã bị điều tra khai thác bằng cách cho “đi tàu lặn”. Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ vừa chỉ định 9 luật sư để biện hộ cho các bị cáo mà người ta tin rằng các luật sư này sẽ phanh phui tất cả việc thân chủ bị “tra tấn” ra sao, và sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho an ninh nước Mỹ. Vì vậy đang có những áp lực đòi TT Obama thay đổi quyết định của Bộ Tư Pháp, đem các bị cáo ra xét xử trước toà quân sự như chính phủ Bush trước đây đã quyết định. Chưa biết Ông Obama sẽ quyết định ra sao. Trong khi đó lại đang có những tranh cãi liên quan đến việc sử dụng “máy bay không người lái” (drone) tấn công giết chết các lãnh tụ của Taliban và al Qaeda ở Afghanistan và Pakistan. Nhờ tiến bộ trong kỹ thuật phi cơ không người lái, Hoa Kỳ đã có thể dùng những “drone” xâm nhập nhiều nơi trên thế giới và tiêu diệt những tên khủng bố tại những vùng không thể dùng quân đội vì lý do chiến thuật hay ngoại giao. Những cuộc tấn công của “drone” đã gia tăng từ hơn 6 tháng nay đồng thời rút bớt tổn thất của dân chúng nhờ sự chính xác của vũ khí và tin tình báo. Tuy nhiên, việc sử dụng phi cơ “không người lái” đã bị chỉ trích cả từ phiá tả lẫn phiá hữu. Những vụ tấn công của “drone” đã bị cánh tả dán nhãn hiệu là “giết người bất hợp pháp”, dù là việc này được cho phép dưới các luật lệ về chiến tranh. Chỉ trích của phe hữu thì phần lớn dựa trên lý luận rằng một tên khủng bố còn sống và còn nói được có giá trị hơn là một xác chết. Trong khi điều này đúng trên lý thuyết, nhưng trên thực tế có nhiều yếu tố khiến cho việc tấn công của “drone” được thi hành thay cho việc bắt sống. Trước hết, không phải tất cả các tên khủng bố mục tiêu của “drone” đều là những kẻ có thể bắt sống, đặc biệt là những kẻ sống trong vùng do các nhóm nổi dậy địa phương kiểm soát mà quân đội nước sở tại không thể xâm nhập. Thứ hai, các lãnh tụ quân khủng bố bị bắt sống thường do chính quyền địa phương thẩm vấn hơn là do quân đội Mỹ. Thứ ba, ngày nay những phương pháp thẩm vấn “nặng tay”, như trấn nước, không còn được sử dụng tại Mỹ. Khi lâm trận, binh sĩ tận dụng hoả lực để giết quân thù, nhưng khi một địch quân bị bắt sống, phe bắt giữ có trách nhiệm phải đối xử nhân đạo với kẻ thù. Tra khảo cưỡng bách tù binh, bạo hành tù binh có thể bị truy tố, như một binh sĩ người nhái của Hải quân Hoa Kỳ (Navy SEAL) đang bị đưa ra Toà án Quân sự về tội đấm một loạn quân khủng bố bị bắt sống. Trong khi ấy, những thủ phạm của vụ tấn công tàn bạo trên đất Mỹ ngày 11.9.2001, và cả tên khủng bố giấu bom trong quần lót xuýt làm nổ tung chiếc phi cơ dân sự với hơn 200 hành khách trên không phận thành phố Detroit vào Ngày Lễ Giáng sinh 2009 lại sẽ được đưa ra xử trước Toà Hình sự thường và được bảo đảm mọi quyền pháp lý như một công dân Hoa Kỳ! Chính quyền Obama đã chống lại chỉ trích từ mọi phiá tại quốc nội để mong chứng tỏ với thế giới “bộ mặt nhân đạo” của chiến tranh và sự tôn trọng luật pháp của người Mỹ, như họ đã chứng tỏ trong Chiến tranh Việt Nam khi truy tố và trừng phạt các quân nhân Mỹ trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Ngược lại, Cộng sản Hà-nội không bao giờ nhận tội về vụ thủ tiêu khoảng 3,000 người tại Huế trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, và dĩ nhiên không có toà nào xét xử và cũng không có thủ phạm nào bị trừng phạt. Vụ này cùng với những tội ác khác do cộng sản gây ra tại miền Nam Việt Nam trong suốt cuộc chiến đã là nguyên nhân đưa đến những cuộc di tản kinh hoàng của dân chúng khi quân CS Bắc Việt tiến vào các tỉnh miền Trung năm 1975, trong lúc tại Sài-gòn, “Tổng thống” Dương Văn Minh, nhà “Chính khách Hoa Lan”, vẫn tin rằng sẽ có một cuộc “hoà hợp hoà giải” với “người anh em ở phiá bên kia”. Ông Dương Văn Minh đã bị nhiều người lên án là khờ khạo, là tiếp tay cho giặc, và 35 năm sau, CSVN vẫn rao bán món hàng giả “hoà hợp hoà giải” và vẫn được một số người ở hải ngoại tự xưng “chống cộng” hăm hở đem dùng trong một trò chơi không kém khờ khạo để tiếp tay cho bọn giặc cờ đỏ đánh hạ những kẻ thù nguy hiểm của chúng, nhưng cũng chẳng đi đến đâu. “After all, tomorrow is another day”, đó là câu nữ tài tử Vivian Leigh (đóng vai Scarlett O’Hara) nói trong đọan kết cuốn phim “Gone With The Wind” về cuộc đời trôi nổi của cô. Gió cuốn mây trôi… Lại thêm một ngày vô vị của một kiếp giang hồ…
|