Home Tin Tức Bình Luận Sếp lớn làm vua, ân nhân, bè bạn đua nhau đi làm đại sứ

Sếp lớn làm vua, ân nhân, bè bạn đua nhau đi làm đại sứ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh / Người Việt   
Thứ Hai, 08 Tháng 3 Năm 2010 13:39

Lúc tranh cử, ông hứa hẹn với người dân “sẽ thay đổi lối làm việc ở Washington.”

Không dám vội xét đoán lời hứa này đã được ông thực hiện tới đâu, nhưng nhìn vào danh sách những người được ông chọn làm đại sứ thì thấy ngay lời hứa của ông... không thật sự đi đôi với việc làm.

Hinh minh họa 

Tính từ ngày tuyên thệ nhậm chức tới giờ, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đề cử gần 90 tân đại sứ Mỹ. Danh sách những ông sứ, bà sứ được Tòa Bạch Ốc gửi sang Quốc Hội để xin phê chuẩn cho thấy 56% là những người đã góp công góp sức vận động quyền tiền cho tổng thống từ lúc ông còn đang vất vả vận động tranh cử, 44% ghế đại sứ còn lại được ông dành cho những nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Cứ nhìn vào hoạt động trong năm 2007-08 của những tân đại sứ Hoa Kỳ thì thấy ngay. Bà Beatrice Wilkinson Welters vừa rời D.C. để sang Trinadad & Tobago làm đại sứ ở quốc gia nhỏ bé nhưng nắng ấm quanh năm, nổi tiếng với những bãi biển xinh đẹp. Thành tích chính trị cũng bà đại sứ không có mấy, kinh nghiệm ngoại giao cũng chẳng nhiều, nhưng vợ chồng bà đã có công giúp quyên được nửa triệu dollars cho ứng cử viên Obama. Sau ngày ông Obama đắc cử, bà tân đại sứ và chồng lại quyên thêm được hơn 100,000 dollars cho Quỹ Tổ Chức Lễ Tuyên Thệ Nhậm Chức.

Trường hợp của bà Welters không phải là trường hợp duy nhất. Ông Charles Rivkin giúp 800,000 dollars bây giờ đang ngồi ở Paris, ông Alan Solomont tặng nửa triệu bạc hiện đang ngồi ở Madrid, ông bạn thân Louis Susman - quen biết gia đình tổng thống từ ngày hai nhà còn hàn vi ở Chicago - mới trình ủy nhiệm thư ở London, và ông Cựu Phó Thống Ðốc Don Beyer của tiểu bang Virginia cũng vừa đưa cả gia đình đi trượt tuyết ở Thụy Sĩ. Chẳng phải tự dưng ông Beyer được cử sang quốc gia đẹp nhất Âu Châu: hồ sơ cá nhân ông đệ nạp cho Ủy Ban Ngoại Thượng Viện ghi rõ ông đã giúp quyên được 750,000 dollars cho liên danh Obama-Biden.

Bên cạnh những ân nhân đã góp phần đưa mình vào Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Obama còn cử những người đã có công với đảng Dân Chủ từ những ngày ông chưa xuất hiện ở chính trường. Ðứng đầu danh sách là ông Philip Murphy đang làm đại sứ ở Ðức - người từ năm 1989 đến giờ đã bỏ ra 1.5 triệu dollars tiền túi tặng cho đảng - và kế đến là bà Anne Andrew cũng vừa nhận nhiệm sở ở Costa Rica với khoản tiền đóng góp cũng lên tới cả triệu dollars. Trường hợp của bà này lại đặc biệt hơn: ông chồng từng giữ một chức vụ cao trong Ủy Ban Ðiều Hành Dân Chủ Trung Ương, và là một trong những người đầu tiên đứng ra vận động xin các “siêu đại biểu” bỏ phiếu cho ông Obama, đừng chọn bà Hillary Clinton.

Chuyện tổng thống cử người quen biết đi làm đại sứ Mỹ bắt đầu từ ngày lập quốc và nở rộ trong chính trường Hoa Kỳ từ thời 1960 sau khi ông John F. Kennedy đắc cử tổng thống, và các nhà lãnh đạo nước Mỹ sau đó tiếp tục làm, bất kể sự chống đối của những viên chức ngoại giao chuyên nghiệp. Bà Susan Johnson, Chủ Tịch Hội Các Nhà Ngoại Giao Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ từng nhiều lần thay mặt các hội viên lên tiếng phản đối việc này, và ví von với giọng mỉa mai, “chức vụ đại sứ đâu phải là chức vụ đem cho thuê hay để phân phát cho người thân hoặc ân nhân!!!”

Mới đây trong một buổi nói chuyện ở D.C., bà còn bảo đã từng có thời đại sứ là những người chỉ lo chuyện nghi lễ, nhưng bây giờ “là người đọc những bản báo cáo mật liên quan đến tình báo, an ninh và quốc phòng,” do đó “chuyện cử người không chuyên nghiệp vào các chức vụ quan trọng như vậy là điều hoàn toàn sai.” Bà Johnson kết thúc bài nói chuyện hùng hồn bằng câu, “nếu nước Mỹ luôn luôn đòi hỏi những quân nhân chuyên nghiệp điều khiển chiến trường thì nước Mỹ cũng đòi hỏi những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, đầy kinh nghiệm làm đại diện cho quốc gia ở các nước khác.” Bà không quên nhắc lại lời hứa “sẽ thay đổi” mà ông Obama đưa ra khi vận động kiếm phiếu, “rồi cuối cùng có thấy thay đổi gì trong chuyện đổi chác chính trị này đâu!!!”

Nếu đổ tất cả mọi lỗi cho ông Obama thì cũng hơi oan. Trước ngày rời Chicago để về D.C. làm việc, ông từng tuyên bố sẽ có “một số người” không phải là dân ngoại giao chuyên nghiệp được ông chọn làm đại sứ. Nhưng điều khiến các chuyên gia ngoại giao Mỹ ngạc nhiên là ông bảo “chỉ một số người” nhưng bây giờ “thì nhiều quá.” Ông David Levinthal thuộc tổ chức CRP chuyên quan sát và phê phán hoạt động của chính quyền bảo rằng “cứ nhìn vào các hồ sơ đề cử mà Tòa Bạch Ốc gửi sang Thượng Viện thì thấy ngay phần đông đại sứ là những người hoặc có công đóng góp cho ông Obama, hoặc có công đóng góp cho đảng.”

Dĩ nhiên Tòa Bạch Ốc không bao giờ hài lòng với kết luận đó!!! Ông phụ tá phát ngôn viên Tommy Vierto giải thích phía báo chí “không công bằng khi chỉ dựa vào danh sách đề cử đầu tiên rồi vội vã xét đoán.” Ông Vierto giải thích các ghế đại sứ bị bỏ trống đều là ghế của những người do ông George W. Bush chọn và ông Obama đề cử người “theo đúng truyền thống chính trị” của nước Mỹ. Một viên chức khác thân cận với ông Obama còn quả quyết trong một hai năm tới “mọi người sẽ thấy 70% ghế đại sứ thuộc về dân ngoại giao chuyên nghiệp.”

Nhưng chính giới ngoại giao chuyên nghiệp của Hoa Kỳ cũng chẳng hài lòng với lời cam kết này. Một nhà ngoại giao yêu cầu không nêu tên than trách là các chỗ sang trọng, ngon lành “bè bạn của tổng thống hay ân nhân của đảng chiếm hết rồi, những chỗ còn lại như Haiti, Zimbabwe, Condo, Serbia, Lào, Cam Bốt thì dành cho anh chị em chúng tôi!!!”

Tòa Bạch Ốc cũng đưa dẫn chứng cho thấy không phải những người được đề cử đều là “người thân” của tổng thống, chẳng hạn như ông đại sứ tại Bắc Kinh John Huntsman là người của đảng Cộng Hòa, từng đứng trong Ủy Ban Vận Ðộng Tranh Cử cho ông John McCain, hay bà Eleni Tsakopoulos-Kounalakis mới đi sứ ở Hungary là người “theo ứng viên Hillary Clinton tới cùng, từng quyên góp được cả trăm ngàn dollars cho bà Clinton.”

Chuyện bên lề để chấm dứt bài này: mãi đến cuối năm ngoái Tổng Thống Obama mới tìm được người làm đại sứ ở Vatican. Thoạt đầu ông chọn bà Carolina Kennedy nhưng Tòa Thánh lắc đầu, sau đó ông chọn ông Doughlas Kmiec nhưng Tòa Thánh cũng từ chối. Lý do: cả hai đều đạt tiêu chuẩn vì là người Công Giáo, nhưng Ðức Giáo Hoàng và các vị Hồng Y quyền lực của Tòa Thánh không bằng lòng vì họ ủng hộ phá thai và tán thành ý kiến cho người đồng tính lấy nhau. Cuối cùng để làm hài lòng Ðức Thánh Cha, ông Obama phải đề cử Giáo Sư Miguel Diaz.

Vài hàng về ông tân đại sứ Mỹ ở quốc gia nhỏ bé nhất thế giới: đương nhiên phải là người Công Giáo, từng dạy thần học ở Ðại Học St. John. Trong buổi điều trần trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, ông đại sứ nói, “cả đời chỉ một lần bỏ tiền ủng hộ cho đảng phái chính trị.” Lần duy nhất đó ông ký tấm ngân phiếu 1,000 dollars tặng cho đảng... Cộng Hòa!!!