Home Tin Tức Bình Luận Phụ nữ VN nghĩ gì về ngày Quốc tế Phụ nữ?

Phụ nữ VN nghĩ gì về ngày Quốc tế Phụ nữ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Mặc Lâm, phóng viên RFA   
Thứ Hai, 08 Tháng 3 Năm 2010 19:54

Ngày Quốc tế Phụ nữ được chú ý và vận động nhiều tại VN từ nhiều chục năm qua.

 Tinh thần tốt đẹp của ngày lễ vinh danh người phụ nữ này có còn giữ đầy đủ ý nghĩa của nó trong xã hội hiện nay hay không, và người phụ nữ nghĩ gì về ngày lễ này?

 Đàn ông chọn mua hoa hồng tặng phụ nữ dịp 8 tháng 3 năm nay tại phố hoa ở Hà Nội. AFP photo/Hoang Dinh Nam

Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8 tháng 3 được thế giới công nhận từ lâu và hàng năm, nhiều nước tổ chức kỷ niệm như một nhắc nhớ đến vai trò của nữ giới trong cuộc sống. Tùy văn hóa từng nước, quà cáp và các lời chúc mừng đuợc gửi tới phái yếu như chia sẻ bớt gánh nặng mà xã hội đang đặt trên vai họ.

Tại Việt Nam, người phụ nữ nổi bật trong vai trò quán xuyến gia đình. Trong một thời gian rất dài, vai trò người vợ người mẹ chỉ gói gọn trong nhà và đa số không cần phải làm việc kiếm sống vì người chồng có thể lo liệu nguồn tài chánh cho gia đình.

Tuy nhiên, trong thế giới ngày càng chạy theo những yêu cầu quá cao của xã hội, người phụ nữ Việt Nam cảm thấy khó khăn nhiều hơn so với thời gian trước vì phải chung vai gánh vác với chồng cho ngân sách gia đình. Điều này một mặt thay đổi bộ mặt thế giới về định kiến đối với nữ giới, nhưng mặt khác cũng đẩy người phụ nữ vào một vị trí khác không kém khó khăn khi cật lực tranh đấu với xã hội để vươn lên.

“Hình như họ bị cái thiệt thòi gì đấy họ mới được xã hội soi lại một chút ưu ái vào một ngày nào đó, còn lại mấy ngày khác là của đàn ông! (Nhà văn Ý Nhi)

Nhà văn Ý Nhi cảm nhận sự khác biệt này khi nhìn thấy phía sau những ngọt ngào kỷ niệm trong Ngày Phụ Nữ 8 tháng 3 là mặt trái của tấm huy chương, cô nói:

"Hình như giới nào mà không được ưu đãi mới có được cái ngày kỷ niệm, ví dụ như Ngày Thầy thuốc, hay Ngày Quốc tế Phụ nữ. Hình như họ bị cái thiệt thòi gì đấy họ mới được xã hội soi lại một chút ưu ái vào một ngày nào đó, còn lại mấy ngày khác là của đàn ông!

Phụ nữ bây giờ khổ hơn. Ví dụ ngày xưa, một ông giáo tiểu học thôi cũng có thể nuôi vợ con, và người vợ có thể chỉ ở nhà chăm con, thậm chí có thể thuê người giúp việc nữa. Còn bây giờ, phụ nữ phải ra đời làm tất cả mọi thứ như là đàn ông, và đồng thời làm tất cả những việc gì trong nhà.

Tôi nghĩ là phụ nữ ngày nay vất vả gấp đôi, theo cách nhìn của tôi, tại vì những việc đấy đàn ông không thể làm được, nhưng mà cũng có vài người họ làm, song nói chung là phụ nữ vẫn làm tất cả những việc trong gia đình - việc nội trợ, đồng thời phải làm việc ở bên ngoài xã hội nữa.

Kèm theo đó thì cách nhìn nhận của xã hội nói chung đối với người phụ nữ khác ngày xưa. Vai trò của người phụ nữ có khác thì cách nhìn nhận của người đàn ông đối với người phụ nữ nó cũng khác. Rất nhiều người phụ nữ họ thành đạt và nó làm thay đổi cách nhìn nhận của người đàn ông.

Thế nhưng trong thâm sâu, không phải ở Việt Nam mà cả thế giới, cả nhân loại này, giữa đàn ông và đàn bà nó vẫn có một sự phân biệt, mà nghĩ sâu sắc nó khó theo dõi lắm anh, nhiều khi người ta không ý thức đâu, nó trong tiềm thức đó. Cách nhìn người phụ nữ từ xưa tới nay vẫn có thành kiến, nghĩ là người phụ nữ có thể là thiển cận, có thể là yếu đuối, có thể là... tức là có một số nhược điểm nào đó."

Khát vọng vươn lên

 Từng đôi chở nhau đi mua hoa hồng trên đường phố Hà Nội vào ngày 8 tháng 3 năm 2010. AFP photo/Hoang Dinh Nam

 Tuy vẫn giữ vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái, nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ ra đời tranh đua cùng nam giới trong nhiều lãnh vực mà phổ biến nhất là kinh doanh.

Bà Tạ Thị Ngọc Thảo một doanh nhân thành công trong lĩnh vực bất động sản chia sẻ thành công của mình qua các điều mà bà cho rằng không thể không coi trọng, bà nói:

"Tôi nghĩ rằng sự trưởng thành và thành đạt của một người phụ nữ chính là cần có nhiều nỗ lực mà đầu tiên là sự nỗ lực của chính bản thân người đó. Họ có một khát vọng vươn lên, cái khát vọng này không có ai thay họ được.

Do đó người phụ nữ đó phải có khát vọng vươn lên, chứ nếu mà bằng lòng với những gì mình có thì không ai khát vọng giùm mình được. Sự thành công, thành đạt của một người phụ nữ còn cần một môi trường xã hội. Môi trường xã hội đó đầu tiên phải là chính nhà nước tạo điều kiện cho họ phấn đấu và sử dụng những người phụ nữ có tài. Ở đây tạo điều kiện cho họ phấn đấu có nghĩa là phải có một vườn ươm nhân tài, những hạt giống đó chú trọng là những hạt giống phụ nữ."

Báo chí vẫn thường nêu lên rằng trong số các đại biểu của Quốc hội Việt nam thì phụ nữ chiếm hơn 27%. Thực tế này được Liên hiệp quốc đánh giá là: "phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới".  Bà Tạ Thị Ngọc Thảo chia sẻ vấn đề này bằng cách so sánh với nữ chính trị gia người Đức: Thủ Tướng Angela Markel.

Bà Tạ Thị Ngọc Thảo: "Trên thế giới, bà nữ thủ tướng của Đức trước đây là một đoàn viên ở bên Đông Đức, bây giờ bà qua Tây Đức trở thành một nữ thủ tướng của một nước Đức thống nhất.

Nếu xét về mặt quá khứ thì gần như bà ở phía đối lập nhưng bên Tây Đức nhận ra, nước Đức thống nhất nhận ra đây là một người tài và sử dụng. Nhờ như thế mà nước Đức mới có một nữ thủ tướng mà tôi cho rằng lẫy lừng hàng đầu trên thế giới."

“Tôi nghĩ rằng sự thành đạt của một người phụ nữ cần có nhiều nỗ lực mà đầu tiên là sự nỗ lực của chính bản thân người đó. Họ có một khát vọng vươn lên, cái khát vọng này không có ai thay họ được.  (Bà Tạ Thị Ngọc Thảo)

Mặc Lâm : Ngay điểm này tôi muốn hỏi bà một câu nữa, bà có nghĩ rằng Việt Nam mình trong tương lai sẽ có một nữ thủ tướng như vậy hay không ạ?

Bà Tạ Thị Ngọc Thảo: "Tại sao không? Tất cả những gì ngày hôm nay chưa thể thì ngày mai hoàn toàn có thể. Và tôi lại còn tin một điều như thế này, hiện nay ở đất nước mình đã có những phụ nữ có thể giữ vai trò thủ tướng, chứ không phải trong tương lai. Vấn đề là tạo cho họ trở thành nữ thủ tướng như thế nào."       

Lịch sử vẫn còn ghi dấu ấn về ngày 8 tháng 3 năm 1857 khi các công nhân ngành dệt của Mỹ đã chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại Thành phố New York. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Mỹ trong hãng dệt đã thành lập công đoàn đầu tiên. Từ viên gạch tiên phong này, người công nhân Mỹ đã xây dựng một hệ thống công đoàn độc lập vững chắc bảo vệ quyền lợi của họ trước các chủ nhân và được xếp vào loại hiệu quả nhất thế giới.

Việt Nam không được như vậy, mặc dù dưới chế độ cộng sản, người công nhân được xem là cốt lõi trong mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, nhiều khuất tất trong việc phục vụ người dân cũng khiến vai trò người phụ nữ càng thêm nặng nề. Một hình ảnh đã trở nên khá phổ biến hiện nay đó là hàng trăm phụ nữ từ các tỉnh kéo về Hà Nội và TP.HCM để khiếu kiện là một bức xúc lớn cho toàn xã hội.

Sự vắng mặt của người đàn ông trong các đám đông này là một điều đáng để suy ngẫm. Hàng trăm phụ nữ vì tranh đấu cho dân chủ vẫn đang bị cầm tù và đón ngày 8 tháng ba trong bốn bức tường trắng lạnh lùng.

Blogger Mẹ Nấm, người từng bị bắt chỉ vì kêu gọi gìn giữ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, trong dịp lễ 8 tháng 3 năm nay chia sẻ:

 Luật sư Lê Thị Công Nhân chụp năm 2006. Chị vừa ra tù ngày 6/3/2010. Photo courtesy of vietnamexodus

"Ngày 8 tháng 3 thì em có niềm vui lớn nhứt, đó là bạn Lê Thị Công Nhân, người bằng tuổi em được ra tù. Em có lời chúc mừng bạn ấy và mong bạn ấy bình an, và tỉnh táo khôn ngoan trên con đường trước mặt. Còn đối với những người khác, đặc biệt như chị Thủy hoặc là chị Nghiên, là những người đang bị bắt giam, thì chỉ cầu xin cho họ bình an và vững vàng ở trong chốn lao tù. Em không mong gì hơn là họ có đủ sức khỏe và bình an để vượt qua khó khăn trước mắt.

Đối với những người phụ nữ khác thì em mong mọi người can đảm hơn một chút vì tương lai của chính con mình. Cuộc đời mình đã như thế rồi, mình không làm gì to lớn nhưng ít nhất, mình thấy những gì sai trái hay bất công thì mình lên tiếng mạnh mẽ hơn một chút trong cái việc dạy dỗ con cái để cho cuộc sống có thể thay đổi. Nếu mà mình thay đổi thì cuộc sống chắc chắn là nó sẽ phải thay đổi."

Dù thuộc thành phần nào của xã hội thì người phụ nữ Việt Nam vẫn chứng tỏ được nguồn nội lực dồi dào vẫn mạnh mẽ chảy trong lòng mà Thượng Đế ban phát cho họ Sức sống này đã thúc đẩy cỗ máy kinh tế và xã hội cũng như văn hóa Việt Nam. Vai trò hết sức quan trọng này của phụ nữ cũng chứng minh rằng vần đề nam nữ bình đẳng vẫn là một suy nghĩ đúng đắn và cần phát huy thêm nữa.