Thủ tục làm ra luật cải tổ y tế hết sức cam go, cho đến giờ chót vẫn còn bị phe kỳ đà cản mũi ngăn cản với số phiếu chênh lệch thật là khít khao, nhưng rồi sau gần một năm trời tranh đấu, cuộc cải tổ hệ thống y tế đã kết thúc tối Chủ Nhật vừa qua, đem lại thắng lợi cho rất nhiều người người Mỹ. Những người từng là nạn nhân, hay bị bỏ quên, bởi một hệ thống chăm lo y tế què quặt. Ông Barack Obama đã đem cả chức vụ tổng thống của ông ra để thử thách. Đổi lại, ông đã đạt được một thành tựu có giá trị lịch sử. Dự luật cải tổ y tế được Thượng Viện chấp thuận hồi tháng Chạp, và được Hạ Viện biểu quyết chấp thuận hôm Chủ Nhật thể hiện một sự cam kết của quốc gia sẽ cải tổ những điểm xấu nhất trong hệ thống chăm lo sức khoẻ hiện nay. Luật này sẽ cung cấp bảo hiểm y tế cho hàng chục triệu người Mỹ hiện không có bảo hiểm sức khoẻ, ngăn chặn những hành động lạm quyền của các công ty bảo hiểm, và bắt đầu phải cố gắng tìm cách cắt giảm những khoản chi phí tăng cao – trong lúc phải giảm bớt thiếu hụt ngân sách trong tương lai. Một số điều khoản tu chính được Hạ Viện chấp thuận, đang chờ Thượng Viện biểu quyết sẽ mở rộng thêm phạm vi bảo hiểm y tế, đồng thời cắt giảm mức khiếm hụt ngân sách nhiều hơn. Tất cả những khó khăn trên đều đã được thu xếp ổn thoả, mặc dù không có một dân biểu Cộng Hoà nào bỏ phiếu ủng hộ đạo luật này. Toà Bạch Ốc và các đại diện đảng Dân Chủ ở Quốc Hội tìm mọi cách thuyết phục đảng Cộng Hoà để đạt được sự đồng thuận lưỡng đảng, song chỉ gặp toàn những chống đối bằng những lý luận mị dân, với dụng ý xấu. Sự chống đối này sẽ còn tiếp tục dài dài, chưa hết đâu. Những lãnh tụ của Đảng Cộng Hoà hy vọng họ có thể gây lúng túng, thất bại cho đảng Dân Chủ để tạo lợi thế trong kỳ bầu cử sắp tới. Vì vậy, họ vẫn tiếp tục tuyên truyền bằng những điều doạ dẫm tưởng tượng nói rằng rồi đây chính phủ sẽ nắm hết hệ thống y tế, và chi phí về y tế sẽ lên rất cao, chịu không nổi. Ông Obama cắn răng nhẫn nhục chịu đựng, không ra mặt chống lại, để rồi cuối cùng, ông dành toàn nỗ lực của mình để đẩy mạnh việc hình thành dự luật, giải thích cho dân Mỹ hiểu rõ ích lợi của công cuộc cải tổ y tế. Hầu hết dân chúng Mỹ sẽ không nhận thấy có sự thay đổi rõ nét - nhất là đối với những người đang có bảo hiểm sức khoẻ do chủ hãng mua cho - vả lại từ nay cho đến ngày bầu cử chỉ còn có bảy tháng. Có một ích lợi quan trọng mà họ nhận thấy ngay đó là cha mẹ nào có con trưởng thành, chỉ cần đóng phụ thêm một khoản tiền nhỏ là con cái có bảo hiểm sức khoẻ cho đến năm 26 tuổi. Đây là một tin mừng, vì hiện nay nhiều bạn trẻ, học ra trường, song vẫn chưa tìm được việc làm, vì hoàn cảnh suy thoái kinh tế. Điều khác biệt lớn nhất cho người Mỹ là những ai hiện đang có bảo hiểm sức khoẻ do việc làm sẽ có thể yên tâm biết chắc rằng kể từ năm 2014, nếu rủi họ có bị mất việc làm, họ sẽ có thể tiếp tục mua bảo hiểm sức khoẻ cho riêng mình, không thể bị từ chối, hay đòi tăng thêm tiền, vì điều kiện sức khoẻ của mình. Trước hạn kỳ trên, nếu rủi ro họ bị những bệnh nặng trầm kha, họ vẫn có thể có bảo hiểm với điều kiện trả thêm một chút trong một nhóm những người có nhiều rủi ro, và con cái của họ cũng được bảo hiểm dù có bị bệnh nặng trong người. Trọng tâm của cuộc cải cách kỳ này là để cải sửa thị trường bảo hiểm sức khoẻ quá đắt, chịu không nổi, đánh lên đầu những người làm nghề tự do, hay các cơ sở tiểu thương, đồng thời mở rộng phạm vi cho người nghèo được hưởng Medicaid. Sự mở rộng lớn thêm của chương trình cải tổ y tế thực ra chỉ bắt đầu từ năm 2014, nhưng có một vài cải tổ sẽ có hiệu lực tức thì, ví dụ cho hưởng tax credits (chước giảm thuế) để các cơ sở tiểu thương có khả năng mua bảo hiểm sức khoẻ. Với thời gian, chương trình cải tổ y tế sẽ đem lại những thay đổi rất lớn trong việc cung cấp, hay trả tiền cho chương trình chăm sóc sức khoẻ. Rồi đây, những cải tổ đó sẽ có tầm vóc quan trọng về phương diện lịch sử ngang với các chương trình Social Security (An Sinh Xã Hội), hay Medicare (Bảo hiểm y tế cho người già và người nghèo). BẢO HIỂM CHO GẦN HẾT TẤT CẢ MỌI NGƯỜI Hoa kỳ là quốc gia kỹ nghệ tân tiến duy nhất không cung cấp bảo hiểm sức khoẻ cho tất cả mọi người dân. Trách nhiệm đạo đức buộc chúng ta phải làm cuộc cải tổ, chấm dứt sự thiếu xót không thể bào chữa được trong việc chăm lo y tế cho những người Mỹ làm việc cực khổ. Đạo luật cải tổ y tế chưa hoàn toàn bảo hiểm cho tất cả mọi người dân, nhưng đến năm 2019, khoảng 94 đến 95% tất cả công dân Mỹ đều có bảo hiểm y tế, dù cho họ còn trẻ chưa đủ tuổi để hưởng Medicare. Đaọ luật làm được điều này bằng cách bắt buộc mọi người dân Mỹ phải có bảo hiểm sức khoẻ, và giúp đỡ cho giới trung lưu một số trợ cấp phụ để họ có thể mua được bảo hiểm sức khoẻ, hay mở rộng mức cung cấp Medicare cho những người nghèo, kể cả những người thành niên không có con nhỏ, hay những người khác hiện nay không đủ điều kiện để hưởng Medicaid. NHỮNG CẢI TỔ TRONG HỆ THỐNG BẢO HIỂM Luật mới sẽ kiểm soát không cho kỹ nghệ bảo hiểm tiếp tục làm những chuyện tồi tệ như trước. Từ nay các công ty bảo hiểm sức khoẻ sẽ không được từ chối bảo hiểm cho những người muốn mua bảo hiểm, nhưng “có bệnh sẵn trong người”, hay bắt họ phải trả giá biểu quá đắt. các hãng bảo hiểm cũng không được phép thu hồi hợp đồng bảo hiểm vì người mua bảo hiểm trở bệnh nặng (nguyên tắc này sẽ áp dụng ngay sau khi luật cải tổ y tế được ký) hay hạn định mức chi trả tối đa tiền chữa bệnh cho người mua bảo hiểm trong một thời gian nào đó, hay cho suốt đời họ. Cải tổ quan trọng nhất của luật mới là bắt buộc các công ty bảo hiểm phải chấp thuận mọi đơn mua bảo hiểm bất kể tình trạng sức khoẻ của người mua như thế nào chăng nữa. Điều này chỉ có thể làm được khi hầu hết tất cả mọi người dân Mỹ đều có bảo hiểm sức khoẻ, khi đó, chi phí sẽ được chia đều cho người mạnh khoẻ cũng như người có bệnh. BẮT ĐẦU KIỂM SOÁT CHI PHÍ Y TẾ. Luật mới không thể mau chóng cắt giảm chi phí y tế, hay tiền mua bảo hiểm – không ai có thể nghĩ ra cách nào để cắt giảm những chi phí này cả - Tuy nhiên, luật cải tổ sẽ bắt đầu việc cắt giảm này. Một số chuyên gia nghĩ rằng luật cải tổ sẽ đặt ra một nền tảng tốt để nhiên hậu có thể kiểm soát được chi phí y tế tăng cao vì lạm phát. Luật mới sẽ tạo ra thị trường bảo hiểm cạnh tranh với nhau, để làm hạ chi phí bảo hiểm cho cá nhân, và cơ sở kinh doanh tiểu thương. Luật mới đề nghị rất nhiều loại bảo hiểm khác nhau, với nhiều giá biểu cạnh tranh cho từng cá nhân, hay nhóm nhỏ dễ có điều kiện mua bảo hiểm. Luật mới sẽ áp dụng thuế tiêu dùng (excise tax) kể từ năm 2018 với mục đích không cho chủ hãng hay công nhân xuất thêm tiền túi để mua các loại bảo hiểm đắt tiền. Các kinh tế gia về chi phí y tế cho rằng loại thuế tiêu dùng là hình thức kiểm soát chi phí hữu hiệu nhất. Với loại thuế này, người đi mua bảo hiểm, cũng như các bác sĩ sẽ phải suy nghĩ thận trọng hơn, coi xem có phải làm những cuộc thử nghiệm quá tốn kém hay không. Với thời gian, loại thuế excise tax này sẽ đem lại tác dụng rất hiệu nghiệm để kiểm soát chi phí y tế. Luật mới cũng đề ra hàng loạt những chương trình lần đầu tiên áp dụng trong loại bảo hiểm của Medicare, cùng những cuộc thử nghiệm vừa sáng tạo, vừa ít tốn tiền. Luật mới cũng khuyến khích nên có sự phối hợp của nhiều bộ phận khác nhau trong việc chăm sóc bệnh nhân bị bệnh nặng, để có sự chăm sóc y tế có chất lượng cao, thay vì có nhiều dịch vụ, nhưng không cần thiết. Luật mới sẽ lập ra những ủy ban độc lập để thúc đẩy mạnh việc sử dụng những phương pháp y khoa tân tiến trong chương trình Medicare, để rồi cuối cùng sẽ áp dụng trong khu vực tư. Với rất nhiều sáng kiến đưa ra để cắt giảm y tế phế, thế nào cũng sẽ đem lại kết quả, nếu chưa thấy trong vài năm sắp tới, cũng sẽ thấy trong vài thập niên nữa. Giống như chương trình An Sinh Xã Hội được khai sinh ra hồi năm 1935. Lúc đầu nó giữ vai trò rất khiêm nhường. Bây giờ nó trở thành điểm tựa chính cho hệ thống hồi hưu của cả nước. Vâng, hệ thống cải tổ y tế mới ở giai đoạn khởi sự, chưa bước vào giai đoạn cuối. Tương lai của nó sẽ còn tùy thuộc rất nhiều vào các vị tổng thống và quốc hội trong những năm sắp tới, liệu chừng những vị này có sẽ cố gắng theo đuổi chủ đích tiết kiệm, và giảm khiếm hụt ngân sách do đạo luật đề ra hay không? Họ sẽ áp dụng luật mới theo chiều hướng như thế nào, một cách tích cực hay thờ ơ? Các định chế chăm lo y tế sẽ phản ứng ra sao với luật cải tổ khi luật này không ít thì nhiều đòi hỏi họ phải uốn nắn theo tình hình mới, và công chúng sẽ phản ứng như thế nào để hoàn tất sứ mạng được đề ra, đó là, mọi người đều phải mua bảo hiểm sức khoẻ, nếu không sẽ bị phạt vạ. Chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng cuộc cải tổ y tế sẽ hoàn thành được mục tiêu của nó. Ngay lúc này, chúng ta chỉ mới có một tin vui là mặc dù có rất nhiều động lực chính trị kỳ đà cản mũi, song nó đã vượt qua được, và bắt đầu, hãy để nó tiến hành xem sao. Ghi chú của người dịch: Ngày thứ Ba 23 tháng 3 năm 2010, Tổng Thống Obama đã long trọng ký ban hành đạo luật cải tổ hệ thống bảo hiểm sức khoẻ, tên chính thức của nó là Affordable Health Care for America Act. Ông dùng 20 cây viết để ký ban hành đạo luật trước sự hiện diện của khoảng 200 dân biểu nghị sĩ Dân Chủ, và bà Qủa Phụ Cố Thượng Nghị Sĩ Ted Kennedy, một người khi sinh thời chỉ ước ao làm ra đạo luật bảo hiểm sức khoẻ cho tất cả mọi người dân Mỹ.
|