Home Tin Tức Bình Luận Liệu Trung Cộng Có Thể Là Siêu Cường?

Liệu Trung Cộng Có Thể Là Siêu Cường? PDF Print E-mail
Tác Giả: Minxin Pei / Minh Huy (Chuyển ngữ)   
Thứ Sáu, 02 Tháng 4 Năm 2010 09:59


Trong khi Hoa Kỳ đang trên đà mất dần khả năng là một siêu cường độc nhất vô nhị thì Trung Cộng có vẻ như đang ngoi lên chiếm lấy ngôi vị này.

 
Sẵn sàng vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới năm 2010, Trung Cộng có tất cả các yếu tố cần thiết cho tham vọng thống lãnh toàn cầu. Với một nền tảng kỹ nghệ rộng lớn, một nhà nước tập trung quyền lực mạnh, một đạo quân hùng hậu được trang bị vũ khí hạt nhân, môt lãnh thổ to bằng cả châu lục, một ghế thường trực ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một dân số đông bậc nhất địa cầu, Chú Ba được coi là hội đủ điều kiện làm đối thủ của Chú Sam. Thật vậy, viễn cảnh Trung Cộng trở thành siêu cường đã và đang phát triển mạnh, thậm chí một số nước phương Tây còn đề nghị một G2 - Hoa Kỳ và Trung Cộng - như là một bộ đôi có khả năng điều hướng các vấn đề quan tâm toàn cầu.

Ðể vững chắc hơn, ý tưởng Trung Cộng là siêu cường kế vị được căn cứ ít nhất một phần vào mức phát triển đáng kinh ngạc trong ba thập niên qua. Với nền kinh tế tăng trưởng gần hai con số từ năm 1979, Trung cộng đã lột xác từ một xã hội bị cô lập, nghèo đói và lạc hậu thành một quốc gia tự tin, thịnh vượng có khả năng giao thương khắp thế giới. Với tổng sản lượng quốc gia 4.4 ngàn tỷ, tổng giá trị xuất nhập cảng 2.6 ngàn tỷ cho năm 2008, Trung Cộng đã thiết lập cho mình một tư thế vững chắc như là một cỗ máy kinh tế hàng đầu thế giới.

Tuy vậy, dù với những thành tựu không thể phủ nhận, có thể còn quá sớm để xếp Trung Cộng vào ghế siêu cường. Không ai nghi ngờ gì, Trung Cộng đã trở thành một đại cường, một địa vị được trao cho các quốc gia không chỉ có khả năng hữu hiệu bảo vệ chủ quyền của mình, mà còn có thế lực ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế và các vấn đề an ninh thế giới. Nhưng, một đại cường chưa hẳn là một siêu cường. Trong lịch sử thế giới, chỉ có duy nhất Hoa Kỳ đã thực sự thủ đắc tất cả các tiêu chuẩn của một siêu cường: một nền kinh tế kỹ nghệ tiên tiến, một bộ máy quân sự kỹ thật cao, một quốc gia được điều phối nhip nhàng, một ưu thế kinh tế và quân sự vô địch, một năng lực để cung cấp hàng hoá toàn cầu, và một hệ tư tưởng hấp dẫn. Ngay cả trong thời vàng son của mình, Liên Xô cũ có lúc cũng chỉ là siêu cường đơn diện - chỉ có khả năng cạnh tranh với Hoa Kỳ về quân sự, nhưng thiếu tất cả các yếu tố quan trọng khác để đạt được sức mạnh đa phương diện.

Trong khi đó, Trung Cộng đang đối mặt nhiều thách thức đáng lo ngại. Ngay cả khi sản lượng kinh tế vượt ngưỡng 5 ngàn tỷ trong năm 2010 như mong đợi, thu nhập bình quân đầu người ở Trung Cộng vẫn dưới 4.000 $, chỉ bằng một phần mười so với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hơn một nửa số dân Trung Cộng sống ở nông thôn, thiếu điều kiện tiếp cận với nhu cầu cơ bản như nước sạch, y tế, giáo dục. Với tốc độ đô thị hóa ở khoảng 1 phần trăm mỗi năm, Trung Cộng mất ba thập niên nữa để giảm kích thước nông thôn cho một phần tư dân số. Chừng nào Trung Cộng còn tồn tại thành phần kinh tế nông nghiệp quá cỡ, với hàng trăm triệu nông dân sống nghèo khó bên lề những thành tựu huy hoàng tráng lệ thì chừng đó Trung Cộng chưa thể trở thành một siêu cường thực thụ.

Ðể chắc chắn Trung Cộng trở thành siêu cường, cũng cần phải giả định rằng mức siêu tăng trưởng trong mấy thập niên qua sẽ còn tiếp diễn. Thật không may mắn chút nào khi chỉ dựa vào thành tựu của quá khứ để dự đoán triển vọng cho tương lai. Mặc cho những kết quả kinh tế đáng kinh ngạc từ cuối thập niên 70, không có gì bảo đảm Trung Cộng có thể duy trì cùng một mức độ tăng trưởng như vậy trong tương lai. Trên thực tế, khả năng tăng trưởng này sẽ chậm đáng kể trong hai thập niên tới vì lẽ một số yếu tố thuận lợi về cấu trúc xã hội, như việc phân bố lợi tức (bắt nguồn từ một dân số tương đối trẻ), khả năng truy cập không giới hạn vào các thị trường toàn cầu, mức tiết kiệm cao và chi phí môi sinh thấp, sẽ dần dần biến mất. Giống như Nhật Bản, xã hội Trung Cộng đang bị lão hóa do hậu quả của chính sách một con. Tỷ lệ số dân trên 60 tuổi sẽ chiếm 17 phần trăm năm 2020, và hiện tượng lão hóa này sẽ gia tăng chi phí chăm sóc y tế và trợ cấp hưu bổng trong khi mức tiết kiệm và đầu tư sụt giảm. Chi phí tăng và tiết kiệm giảm đến mức độ nào thì chưa biết nhưng ảnh hưởng tiêu cực của nó làm chậm mức phát triển là điều không thể phủ nhận.

Một trở ngại khác cho tương lai tăng trưởng của Trung Cộng là mô hình kinh tế xuất cảng. Vì là một nước có thu nhập trung bình với nhu cầu tiêu thụ nội địa hạn chế, Trung Cộng đã dựa vào xuất cảng để gia tăng tốc độ tăng trưởng. Cũng giống như các nước Ðông Á khác, Trung Cộng đã vận dụng thành công chiến lược này trong 2 thập kỷ qua, nhưng liệu có còn hữu hiệu trong tương lai hay không là điều cần phải xét lại. Là nước xuất cảng lớn thứ hai trên thế giới (dự kiến sẽ vượt qua Ðức là nước đứng đầu vào năm 2010), Trung Cộng đang đụng phải cuộc chiến bảo hộ mậu dịch tại các thị trường chính là Hoa Kỳ và Âu Châu. Cụ thể hơn, chính sách định giá thấp đồng nhân dân tệ để hàng xuất cảng dễ cạnh tranh đang bị cáo buộc làm tồi tệ thêm sự mất cân bằng toàn cầu và làm suy yếu nền kinh tế của các quốc gia đối tác.

Không giống như các nước láng giềng Ðông Á có mức giao thương tương đối nhỏ, sức trao đổi mậu dịch khổng lồ của Trung Cộng có khả năng gây gián đoạn nghiêm trọng cho nền kinh tế các nước liên hệ. Nếu Bắc Kinh không từ bỏ chiến lược kinh doanh hám lợi, một chiến dịch phản đối hàng hóa Trung Cộng trên toàn cầu là không thể tránh khỏi. Bởi vì lợi nhuận xuất cảng đã giúp kinh tế Trung Cộng tăng thêm ít nhất 2% trong 5 năm qua, nên khi xuất cảng chậm có nghĩa là mức tăng trưởng tổng thể cũng bị khựng lại. Ðể đối phó, Bắc Kinh có thể bù đắp cho những hụt hẫng do sụt giảm nhu cầu bên ngoài bằng cách gia tăng mức tiêu thụ trong nước. Nhưng quá trình này đòi hỏi một sự chấn chỉnh toàn diện chiến lược tăng trưởng, một bước tiến chính trị khó khăn và phức tạp mà chính phủ đương nhiệm khó có thể kham nổi.

Khó khăn thứ ba kềm hãm tương lai tăng trưởng của Trung Cộng là môi trường suy thoái. Trong ba thập kỷ qua, Trung Cộng đã không đếm xỉa đến môi trường mà chỉ lo đạt chỉ tiêu phát triển, rồi để lại hậu quả thảm khốc cho hôm nay. Ô nhiễm nguồn nước và không khí giết chết khoảng 750.000 người / năm. Tổng số thiệt hại do ô nhiễm gây ra chiếm khoảng 8 phần trăm tổng sản lượng quốc gia. Ước tính chi phí cải thiện môi trường đòi hỏi đầu tư thêm 1,5 phần trăm GDP mỗi năm. HIện tượng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở các vùng phía bắc. Kiểu phát triển ăn xổi của Trung Cộng là dựa vào năng lượng giá rẻ và không có chi phí cho môi sinh sẽ không còn đứng vững trong tương lai gần.

Bỏ qua triển vọng kinh tế bấp bênh, tham vọng bá chủ của Trung Cộng cũng bị kềm hãm bởi một loạt các yếu tố chính trị. Trước hết, lãnh đạo ở Bắc Kinh hãy còn lúng túng để có thể phóng tầm nhìn ra khỏi khu vực cũng như trang bị cho mình một sứ mạng chính trị lãnh đạo thế giới. Một quốc gia không trở thành siêu cường chỉ vì có tiền và có súng (tạm gọi là quyền lực cứng), mà sức mạnh của đồng tiền và họng súng phải được hướng dẫn bởi những nguyên tắc giá trị làm cho thế giới nể phục. Hoa Kỳ đã không trở thành một siêu cường thực sự cho đến khi tham dự thế chiến thứ hai, mà trước đó rất lâu Hoa Kỳ đã đạt được tất cả các yếu tố cần thiết của một siêu cường rồi. Thách thức chính trị cho Trung Cộng trong tương lai là liệu Bắc Kinh có thể tìm ra những lý tưởng chính trị và tầm nhìn để hướng dẫn việc sử dụng sức mạnh của mình hay không. Hiện tại, Trung Cộng là một quốc gia thịnh vượng kinh tế nhưng phá sản chính trị. Chưa hẳn là cộng sản, mà dân chủ tự do lại càng không. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng hệ tư tưởng nhân bản và tầm nhìn cho nhân sinh thế giới (tạm gọi là quyền lực mềm) cũng góp phần làm cho giới lãnh đạo Trung Cộng có đầu óc hẹp hòi ích kỷ, hệ quả là cho tới nay những mời gọi Trung Cộng có thêm trách nhiệm với thế giới vẫn như là nước đổ lá khoai.

Không giống như Hoa Kỳ, khả năng thể hiện quyền lực với thế giới bên ngoài của Trung Cộng bị hạn chế bởi những bất ổn chính trị trong nước. Bắc Kinh có thể đã xem thường những tiên đoán sụp đổ chế độ trong quá khứ, nhưng độc quyền chính trị thì cũng đồng nghĩa với lắm rủi ro. Cộng Ðảng đang bám víu quyền lực bằng sự tự mãn về thành quả kinh tế, nhưng mặt khác lại gia tăng đàn áp đối lập. Xã hội Trung Cộng phát triển ngày càng phức tạp và khi dân trí tăng cao thì đảng CS sẽ khó mà từ chối quyền tham chính của tầng lớp trung lưu thành thị. Song song đó, đảng CS cũng đang rơi vào hố sâu tham nhũng. Từ sự phân rã nội bộ, kết hợp với những đòi hỏi ngày càng gia tăng của quần chúng có thể tạo ra biến động làm thay đổi chế độ trong tương lai.

Một quá trình chuyển đổi dân chủ như thế không phải là điều lo sợ duy nhất cho giới cầm quyền ở Bắc Kinh, mà chủ nghĩa sắc tộc ly khai có thể còn đáng sợ hơn. Nếu nhìn hết các khía cạnh thì Trung Cộng không phải là một quốc gia thuần nhất, mà là một đế chế của những lãnh địa và những vùng lãnh thổ mênh mông (Tây Tạng và Tân Cương) với nhiều nhóm sắc tộc luôn có tư tưởng tách rời khỏi Hoa Lục. Những rủi ro bị bể ra từng mảnh cộng với vấn đề Ðài Loan kéo dài triền miên làm cạn kiệt nguồn lực quân sự và an ninh chỉ vì phải lo bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ. Nhược điểm cấu trúc xã hội này làm giảm khả năng vươn vai ra thế giới bên ngoài, và đồng thời các đối thủ cũng dễ dàng khai thác những căng thẳng sắc tộc để trói tay Hoa Lục.

Vị trí địa lý cũng không kém phần quan trọng. Trong khi Hoa Kỳ may mắn có được những ông hàng xóm hiền hòa thì Hoa lục đụng phải những đối thủ vang danh khu vực như Ấn Ðộ, Nhật Bản, và Nga. Ngay cả những lân bang dưới cơ như Nam Hàn, Nam Dương, Việt Nam cũng không phải dễ nuốt. Sự trổi dậy của Trung Cộng đã hình thành nên một quan hệ chiến lược mới giữa các nước trong vùng để dè chừng tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Thí dụ, Hoa Kỳ mở rộng hợp tác với Ấn Ðộ để Tân Ðề Li có thể đối đầu với Bắc Kinh. Nhật Bản cũng tăng cường viện trợ kinh tế cho Ấn Ðộ với cùng mục tiêu chiến lược. Ngay cả Nga-Tàu có thời là bạn hàng thân thiết nhưng nay vẫn dè chừng lẫn nhau. Cụ thể là Mạc Tư Khoa từ chối bán vũ khí tối tân nhất và hạn chế cung cấp năng lượng cho Bắc Kinh. Nam Hàn, tuy có nhiều thành phần mạnh miệng chửi Mỹ nhưng vẫn phải dựa Mỹ để bảo đảm an ninh và thịnh vượng kinh tế. Việt Nam và Nam Dương là hai nước Ðông Nam Á chịu nhiều rủi ro nhất cho tham vọng tương lai của Trung Cộng, đã cẩn thận đu dây để không xúc phạm Trung Cộng công khai, nhưng âm thầm bắt tay Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai bóng ma luôn ám ảnh Trung Cộng.

Với sự điều chỉnh quan hệ chiến lược giữa các nước như thế, Trung Cộng khó có thể thống lãnh hoàn toàn các đối thủ trong vùng, mà theo định nghĩa, một khi chưa là anh hai trong khu vực thì không thể làm anh cả thế giới. Vì bị bao vây bởi những ông hàng xóm đáng gườm và luôn cảnh giác, Trung Cộng phải liên tục đề phòng phía sau lưng khi muốn dương oai diễu võ trên đấu trường quốc tế.

Dù sao thì một sức mạnh khổng lồ có tầm ảnh hưởng toàn cầu như thế không thể bị coi thường. Nhưng thế giới cũng không nên bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ một Trung Cộng bá chủ hoàn cầu. Thay vào đó, cần phải uyển chuyển để sống chung với sức mạnh khổng lồ này.

Câu hỏi là: Trung Cộng đang sở hữu loại sức mạnh khổng lồ nào?

Trớ trêu thay, trong khi các nước mặc nhiên công nhận Trung Cộng như là siêu cường tương lai, thì giới lãnh đạo Bắc Kinh hơn ai hết hiểu rõ nhược điểm cố hữu của mình. Theo đó Bắc Kinh luôn hành xử hết sức thận trọng, tránh né những vấn đề nan giải, hạn chế hiện diện quân sự ở nước ngoài, thoái thác những trách nhiệm quốc tế nhiều tốn kém, đồng thời chấp nhận trật tự kinh tế và an ninh thế giới do Hoa Kỳ xếp đặt. Tuy nhiên, Trung Cộng rất nhạy cảm với các vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích kinh tế quốc gia. Bắc Kinh sẵn sàng vung tay khi bị đụng chạm tới hai lãnh vực này. Nhưng Bắc Kinh cũng biết người biết ta, không đi quá trớn trong việc mở rộng sức mạnh quân sự ở nước ngoài.

Vì vậy, cho tương lai gần, Trung Cộng sẽ chỉ có thể là một cường quốc kinh tế do có sức trao đổi mậu dịch lớn nhất thế giới (theo nghĩa này, cả hai nước Ðức và Nhật Bản cũng được xếp đồng hạng), trong khi đó tầm ảnh hưởng quân sự và chính trị vẫn bị hạn chế bởi những bất ổn nội tại và những thế lực mạnh quanh vùng.

Trong khi Trung Cộng luôn có một vị trí quan trọng trên vũ đài quốc tế, thì thiện chí và khả năng thể hiện tư cách lãnh đạo của Bắc Kinh sẽ rất có thể làm thất vọng những ai mong đợi họ hành xử giống như một siêu cường. Ðiều này không có nghĩa là Trung Cộng không muốn trở thành siêu cường mà sự thật đơn giản là họ không có đủ khả năng, và sẽ không là một siêu cường trong tương lai.