Home Tin Tức Bình Luận Văn hóa giành giật

Văn hóa giành giật PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Thứ Ba, 13 Tháng 4 Năm 2010 13:03

Chuyện giành giật “dễ thương” nhất của người Việt Nam là tranh nhau trả tiền sau mỗi lần ăn ở tiệm.

 Bạn cứ tưởng tượng ra cái cảnh mà đã nhiều lần bạn được mục kích tại quầy trả tiền, ít thì tay đôi, nhiều khi tay ba, giành giật nhau để được vinh dự trả tiền bằng cách kéo áo, nắm tay, xô đẩy nhau, đôi khi bất chấp những người có mặt trong tiệm ăn đang ngồi gần đó, những người tốt bụng này đã lớn tiếng với nhau, làm mặt giận và thất vọng khi không được móc túi đãi đằng bạn bè.

Ra ngoại quốc khi mà cái ăn cái mặc không còn là chuyện lớn phải lo lắng nữa, việc giành nhau để trả tiền ăn trong các cửa tiệm lại càng thấy nhiều. Người đang ở địa phương thì có lý do mình là chủ nhà, khách phương xa đến thì lấy cớ lâu lâu mới gặp anh em một lần, không để bạn phải trả tiền. Ôi đẹp đẽ thay cái văn hóa bốn nghìn năm văn hiến của chúng ta, thật khác xa lối văn hóa nước Mỹ mới lập quốc có hơn ba trăm năm, khi đứa cháu ngoại tôi cùng bạn vào tiệm ăn, gọi một tô mì, sớt làm hai, mỗi đứa ăn một nửa, chia nhau mỗi đứa móc túi trả $3.50 và vui vẻ đứng dậy ra về.

Nhưng những thứ giành giật khác quả là văn hóa Việt Nam.

 Cứ nhìn cảnh đi hái lộc trong sân chùa mỗi đêm ba mươi Tết hay những ngày đầu Xuân của người Việt quả thật độc đáo.

 Càng đề cao văn hóa bao nhiêu, văn hóa giành giật càng phát triển bấy nhiêu.

 Lễ Hội Hoa Hà Nội năm 2009, trước lúc bế mạc bốn ngày, người đi xem hoa đã tranh nhau cướp, phá, đập gần như tan nát Lễ Hội Phố Hoa Hà Nội dù đã có sự can thiệp của các lực lượng công an, thanh niên tình nguyện, nhân viên bảo vệ. Mỗi người dân Hà Nội đều cố gắng chôm chỉa, cướp giật một chậu hoa, một cành hoa nào đó của công cộng để mang về làm của riêng ở nhà.

Với lối văn hóa giành giật biến thành văn hóa cướp giật vào tháng 1 năm 2008, khi Tòa Ðại Sứ Nhật tổ chức triển lãm Hội Hoa Anh Ðào tại Hà Nội, thủ đô của “nhân phẩm”, một lễ hội truyền thống lâu đời của người Nhật. Ðến phần cuối lễ hội, hàng loạt những thanh niên cả nam lẫn nữ Việt Nam đã tràn vào khu triển lãm, tranh nhau bẻ cành, hái hoa anh đào mang về.

Hôm nay báo chí Việt Nam vừa đưa tin tại đền thờ các vua Trần tại Nam Ðịnh, hàng trăm nghìn người, nhất là các viên chức nhà nước Cộng Sản chen chúc nhau, đạp lên đầu lên cổ nhau để đến dây xin “ấn tín Vua ban” vì tin tưởng ngày Khai Ấn (28 tháng 2 năm 2010) ai xin được dấu ấn sẽ được chức tước, bổng lộc như ngày xưa Vua nhà Trần mở lễ khai ấn để thưởng công phong hầu cho các quan chức. Chúng đạp lên nhau, giành giật nhau vì danh lợi, dù chỉ là thứ danh lợi qua mê tín. Những đứa biết giành giật mới là những đứa khôn lanh, thức thời.

Ai đã từng đi những chuyến xe lửa ngày trước, mỗi lần tàu dừng lại ga, là cảnh giành giật, xô đẩy nhau lên tàu, để kiếm một chỗ ngồi trong khi vé nhà nước đã bán ra và thu tiền đủ. Những nơi bán vé tàu, hay chỗ “đăng ký” ghi tên đóng tiền hay mua thực phẩm, không nơi nào là không có cảnh giành giựt vô trật tự.

 Ở trong các khu chợ buôn bán, cảnh giành giật, chèo kéo khách mua sắm như ở chợ Bến Thành là chuyện văn hóa. Cảnh lên xe đò, xe buýt, xe lửa khiến cho đàn bà trẻ con và các cụ già đều phải kinh hãi. Ngay cả khi tàu chạy, những bao hàng hóa, vật dụng được tống qua cửa sổ của toa tàu, ai chết mặc ai.

Dưới chế độ Cộng Sản, trong cơ chế bao cấp, thời kỳ dân được chính quyền phân phối tem phiếu khiến người dân, cán bộ phải chầu chực từ nửa đêm xếp hàng để chiếm được vị trí gần đầu trước những cửa hàng phân phối theo tem phiếu, từ cân thịt, cân gạo, cân muối, hay miếng xà phòng.

Có người giữ chỗ để bán lại, hay xếp những viên gạch để xí chỗ. Nhưng tệ hại hơn là ngay giữa khu Little Saigon, tại một đất nước văn minh như nước Mỹ, có lần đi xem phim, tôi vào rạp, bước đến chỗ nào có người Việt “đồng hương” đang ngồi, đều y như rằng, chỗ nào cũng để nón, để áo, để ví gọi là giành chỗ cho bà con, họ hàng lô lốc đang đi vệ sinh, hay thậm chí sẽ vào sau. Cảnh này cũng thường xẩy ra trên xe đò địa phương của người Việt, vì vé xe không ghi số, ai đến trước ngồi trước nên không thể tránh khỏi cảnh chen lấn giành giật nhau để tìm chỗ tốt.

 Ði tour, chỗ ngồi đã xếp sẵn, vậy mà mỗi lần xuống xe thăm viếng một địa điểm nào hay ghé ăn trưa, khi trở lại xe chỗ ngồi đã có người “đồng hương” khác an vị, nên đành phải trở lại với văn hóa nhịn nhục, vốn cũng đã mọc rễ trong những tâm hồn Việt Nam chịu thua thiệt. Văn hóa giành giật cũng gọi là văn hóa “xí phần”, “chiếm chỗ” nhờ lanh tay lẹ chân và không cần liêm sỉ.

Giành giật phản nghĩa với nhường nhịn, cổ nhân lại có câu “một sự nhịn, chín sự lành”. Nhưng một sự nhịn, chỉ có chín sự lành thôi, còn thiếu một mới đủ mười.

Tục ngữ lại so sánh, “một miếng giữa làng, bằng một sàng trong bếp”, cái miếng giữa làng vinh dự thế, nên người Việt mới có những địa phương hiện hữu hai, ba tổ chức cộng đồng, lại có những người đồng hội, đồng thuyền lại lập ra hai ba tổ chức khác nhau. Ai cũng cho mình có chính danh, cũng cố giành giật điều chính nghĩa, hợp pháp về phần mình.

Phải chi người ta muốn giành giật sự hy sinh trên chiến trường hay khốn khổ trong lao tù về phần mình, họ giành giật một chỗ ngồi trên chuyến bay di tản hay một địa vị tốt đẹp, an toàn khác.

 Ở tượng đài Việt Mỹ Westminster hôm nay có hai người lính. Người lính Mỹ tượng trưng cho 58,159 người Mỹ chết trong trận chiến Việt Nam. Người lính VNCH là hình ảnh của gần một triệu người lính miền Nam đã nằm xuống. Ðây hẳn là nơi thiêng liêng, bia mộ tri ân của tất cả người Việt tỵ nạn, hẳn không phải là nơi, mà người ngoại quốc, nhìn thấy được văn hóa giành giật của người Việt xẩy ra.