Home Tin Tức Bình Luận Tây thầy ta hay ta thầy tây: Lắm tài, lắm bạc, du côn và mất dạy

Tây thầy ta hay ta thầy tây: Lắm tài, lắm bạc, du côn và mất dạy PDF Print E-mail
Tác Giả: Phan Văn Song   
Chúa Nhật, 01 Tháng 8 Năm 2010 11:43

  Những người bạn tây phương hay cả người Việt hải ngoại sau khi đi “du lịch” Việt Nam về thường than phiền bị tống tiền,

buộc phải mua hàng, hay bị ép mang quay thúng, đội nón lá gọi là để kỷ niệm, xong rồi buộc phải mua một trái chuối, một miếng khóm, miếng thơm với giá cắt cổ, bởi

 
những cô gái hay những trẻ con côn đồ ăn hiếp người khách du lịch tống tiền trắng trợn. Hiện tượng ấy xảy ra rất nhiều ở Miền Bắc đặc biệt ở Hà nội, hay Vịnh Hạ long. Con một người bạn vừa đi thăm quê hương cha mẹ mình về, than với cha mẹ, sau khi viếng thăm Vịnh Hạ Long:“Ba mẹ ơi, quê hương ba mẹ đẹp lắm! nhưng nếu không có người Việt nam càng đẹp hơn”. Đau chưa?.

Tôi nghe những chuyện nầy đã nhiều lần, cũng như vừa qua, nghe kể chuyện một người Việt hải ngoại viếng Vịnh Hạ Long, thấy anh ngư phủ câu một con cá to, bèn khen. Vừa dứt lời, anh ngư phủ buộc anh Việt nam hải ngoại phải mua con cá ấy với giá 100 dollars mỹ. Không chịu, các bạn bè anh ngư phủ, những người bản xứ (người Việt nam!), bao vây anh hải ngoại (cũng là người Việt nam, nhưng không bản xứ), và đòi hành hung cả gia đình anh Việt nam hải ngoại kia. Cuối cùng để khỏi bị bề hội đồng và giữ tánh mạng, anh Việt nam hải ngoại bèn thí cô hồn 100 dollars. Sau khi về đến Mỹ cả gia đình thề, xin keo, từ nay goodbye and farewell - giã từ và cũng vĩnh biệt luôn Việt Nam. Nhà nước du côn, Đảng cầm quyền thất học, dân chúng mất dạy, Việt Nam hiếu khách, trọng người đi đâu rồi?

 Từ lâu rồi, sau những năm tháng tha hương cầu thực ở những nước kém phát triển, cá nhơn và vợ chồng chúng tôi có cái mặc cảm, chúng tôi sợ các chợ du lịch ở các nước chậm tiến, vợ chồng tôi chỉ đi du lịch ở những quốc gia tiên tiến hoặc Âu châu hoặc bắc Mỹ châu thôi. Chúng tôi chán cảnh mời gọi khách, níu kéo khách du lịch của các nước chậm tiến lắm rồi!

Nhớ những ngày sống ở Sài gòn trước 30 tháng tư năm 1975. Vợ chồng chúng tôi (vợ tôi người Pháp) đã sống ở Sài gòn của những năm tháng chiến tranh từ 1972 đến 1975, vợ tôi thích đi chợ, thích la cà vào chợ An Đông, vì nhà ở gần chợ, sáng nào nàng cũng theo chị giúp việc đi chợ, nàng thích ăn hàng vặt vỉa hè, nàng thích nhứt là chiều chiều cùng chồng đi ăn mì khô của xe mì nằm cạnh bệnh viện Hoa Liễu. Mì Hoa liễu nổi tiếng, nên cỡ 5/6 giờ chiều là vét nồi nước lèo, nên có bán xí quách, nàng thích mua thêm một tô xí quách, ăn chấm với hắc xì dầu và hột cải hết xẩy. Bà xã ngồi ăn cạnh xe, thanh bình yên ổn, bà xã vào chợ An Đông, vào chợ Bến Thành yên ổn có ai lôi kéo buộc mua đâu? Nhiều khi đi chung thấy bả rờ rẫm, nhứt là những lúc mua vải, xổ hai ba cây vải để rồi do dự không mua tôi phát ngượng. Nhưng các bạn hàng cũng vui vẻ, tươi cười, “Cổ hổng mua lần nầy, lần tới cổ mua, cậu Hai đừng có rầy cổ tội nghiệp cổ”.

Càng nghe chuyện bây giờ càng nhớ chuyện xưa, càng giận bọn Cộng sản cầm quyền phá hoại gia phong Việt nam. Dĩ nhiên lúc bấy giờ, thời giặc giã, binh biến, cũng có cảnh giựt đồng hồ, bấm giây chuyền, móc túi... nhưng ấy là thời chiến tranh, bây giờ nghe nói hình như Việt nam là thanh bình rồi mà? Sao dân Việt nam vẫn còn lưu manh vậy? Mà lại dân miền Bắc, quê hương xã hội chủ nghĩa, gần 70 năm xây dựng con người mới, xã hội, Mácxít Lênin nít, Mao ít...! Tôi đã sợ các xứ Phi châu, Thổ nhỉ kỳ, Ai Cập rồi.. nghe Việt nam như vậy hết dám về. Lúc nầy nghe thiên hạ về Việt nam cải táng mộ phần cha mẹ, đem thiêu và đưa tro bố mẹ đi tỵ nạn. Chắc tui cũng nhờ các em tui làm như vậy, đưa ông cụ bà cụ qua tỵ nạn xứ tây với tui cho rồi. Mình tổ tiên hồi xưa tỵ nạn từ bên Tàu qua, bây giờ mình cũng phải đưa ông cụ bà cụ và cả mình tiếp tục cuộc hành trình tỵ nạn và cũng sẽ “hui nhị tì ở Pha Lang Sa” cho xong. Kiếp dân mình từ nay cũng như dân Do Thái khi từ giã nhau thường hẹn nhau “To morrow Jerusalem”, mình cũng vậy từ nay mình sẽ hẹn nhau: “Ngày Mai, ăn sáng chợ Bến Thành!”.

Nói chuyện ta rồi nói chuyện tây

Vừa qua, cả xứ Pháp, mở tròn con mắt ngạc nhiên nhìn nhau hỏi: “Có ai bao giờ thấy mấy thằng tỷ phú đình công chưa?” khi trên màn ảnh TV thiên hạ chứng kiến cảnh các cầu thủ đá banh đình công bỏ trận đá tập dợt ở Field of Dreams ở Knysna, Nam Phi.

Trả lời “Có!”. Năm 1998, năm ngon lành nhứt của làng bóng tròn Pháp, từ cầu thủ đến huấn luyện viên Aimé Jacquet lẫn các nhà lãnh đạo đều là con cưng của dân Pháp (dân ái mộ đá banh hay dân không ái mộ, cả phái nữ), thì ở Mỹ, các cầu thủ bóng rổ NBA đình công, nghỉ chơi trong suốt sáu tháng liền tù tì. Tại sao? vì …. lương bổng quá thấp.

Quá thấp! Mỗi mùa bóng rổ, các cầu thủ lãng trung bình 3 triệu dollars US. Hết ý kiến!

Cái khả ố như vậy không phải chỉ riêng cho làng bóng đá xứ Pha Lang Sa của tôi hay của 23 chàng “cà chớn của tên huấn luyện viên cà tửng Raymond Domenech”. Nhưng cái đặc biệt là cả cái thế hệ của các cầu thủ triệu phú của làng bóng tròn xứ tây của tui đã vượt đến mức thượng thừa. Ở Knysna, nơi trú ngụ của đội tuyển Pháp, muốn nhìn được cảnh của một cầu thủ đang giỡn banh hay đùa bóng phải có một tài nghệ đặc biệt của một anh đi rình bắt cọp. Ngày 14 tháng 6, cả đội tuyển Pháp quyết tâm tôn trọng luật lệ của FIFA dành cho World Cup rằng ít nhứt là một trận tập dợt phải mở cửa đón khán giả: 400 vé được phát ra nhưng chỉ có 150 khán giả mệt nhọc lắm mới chui qua 4 cái hàng rào cản để đến xem. Các cầu thủ không đưa tay ký một cái chữ ký để tặng người ái mộ, và khi đi về cũng như khi đi đến, hai mắt nhìn xuống đất, hai tai bịt bởi những ống nghe nhạc.

Ngón giữa chỉ trời, chưởi thề vung vít… Một dân “yêu đội Xanh” nói: “Đội Ba Tây và đội Bồ đào Nha tập dượt trước 5000 khán giả, đội Xanh của mình, nó chẳng đoái hoài đến mình!”.

Bốn năm trước, ở World Cup tổ chức Đức quốc, đội tuyển France đã dựng chung quanh khách sạn nằm ở ngoại ô Hannover một bức tường kiên cố, bất khả xâm phạm. Mặc dù, Liên đoàn Túc cầu Pháp đã ra khuyến cáo “Phải tỏ ra thiện chí, đoàn kết và sẵn sàng hợp tác với báo chí truyền thông và giới ái mộ, đặc biệt là với từng lớp người bình dân” Nhưng chứng nào vẫn tật nấy. Đối với giới truyền thông, báo chí chuyên nghiệp thể thao, theo dõi hội tuyển Pháp còn khó hơn đi tìm vàng. Các cầu thủ không trả lời. Nicolas Anelka, ai cũng biết, là tay ngậm miệng. Hồi xưa Sylvain Wiltord cũng thế. Khi hắn ta nói, rất hiếm, là để trả lời những phỏng vấn, (với cặp mắt dán vào đồng hồ đeo tay), do hãng buôn bán dụng cụ, quần áo và giầy vớ thể thao tổ chức đúng theo hợp đồng quảng cáo. Nghề đá banh ngày nay không bắt buộc một cầu thủ của một Hội nhà nghề, hay của một Hội tuyển phải trả lời những phỏng vấn các ký giả. Bên nghề Quần Vợt, từ chối đi đến phòng phỏng vấn báo chí sẽ bị phạt tiền rất nặng.

Ngày 17 tháng 6, việc tay trung vệ William Gallas đưa ngón giữa chỉ trời… để trả lời một anh nhà báo đài TF1 của Pháp, không làm ngạc nhiên dư luận. Đó cũng chỉ là một trong một lô cử chỉ vô phép, vô giáo dục, của những chàng cầu thủ chuyên nghiệp. Bản “listing” dài thườn thượt ngày nay được nối tiếp bởi những tiếng chưởi đổng tục tĩu, nay đi vào lịch sử của Nicolas Anelka hướng về Raymond Domenech, nhà dìu dắt mình. Chẳng phải lỗi do không khí của World Cup 2010 tạo ra đâu!!! Chúng ta đừng quên, vào tháng 5 năm 1988, Eric Cantonna, trung phong của đội United Manchester, nổi khùng vì không được tuyển vào đội quốc gia Pháp đã chưởi thề và mắng Henri Michel, nhà tuyển lựa và dìu dắt lúc bấy giờ: “mầy là đồ C …/Sac à merde!”. Và chúng ta cũng chớ quên tay trung phong David Trézéguet cũng đã phun nước miếng vào chưn Jacques Santini, một nhà dìu dắt khác của hội tuyển Pháp. Cũng trong thời gian ấy, vào khoảng 2 năm trước Nicolas Anelka, khi biết mình không được chọn đã lên báo tuyên bố: “Tôi không thèm nhập cuộc để làm cầu thủ chầu rìa thay thế cho một cầu thủ ngồi băng thay thế. Bây giờ nếu Jacques Santini (nhà dìu dắt lúc bấy giờ) muốn chọn tôi, ông ấy phải quỳ xuống lạy tôi”.

Năm ngoái, 2009, Hatem ben Arfa, trung ứng Hội Olympic de Marseille, đã dám mắng Didier Deschamps, huấn luyện viên “Mầy cà chớn / Tu me casses les couilles!”. No comment, miễn bàn Ban Giám Đốc Hội Marseille trả lời báo chí. Chán chường hơn nữa, Frank Ribéry, lúc ấy còn đá trong Hội Marseille, khi vừa xong trận tập dượt, không bằng lòng vì một khán giả chỉ trích trận cầu hôm trước sẵn sàng nhào tới ăn thua đủ với người ái mộ Hội túc cầu nhà mình? may có một anh nhơn viên an ninh kịp thời can thiệp.

Nghề túc cầu làm loạn tinh thần các cầu thủ? Các nhà xã hội học, các nhà báo chuyên nghiệp không trả lời nổi.

Vậy thì hãy hỏi các kinh tế gia? Tiền? Phải! ….đúng là tiền. những số tiền to lớn, to tướng không tưởng tượng nổi. Ở Ligue 1 Pháp (các Hội hàng đầu) số lương trung bình mỗi cầu thủ là 35,000 euros /mỗi tháng, chưa kể những khế ước quảng cáo, tiền thưởng…3 lần hơn lương bổng của Zinedine Zidane thuở mới vào nghề. Và lương những cầu thủ quốc tế còn hơn thế nữa, Yoann Gourcuff, thí dụ, lãnh trên 300,000 euros/ mỗi tháng trong Hội Bordeaux, Thierry Henry, tay giàu nhứt của các cầu thủ Pháp, cứ mỗi năm giàu thêm khoảng 18 triệu euros. Tổng số lương bổng chiếm 64% ngân sách một Hôi túc cầu. “Trong suốt đời cầu thủ của tôi, tôi không lãnh tiền bằng một vài cầu thủ ngày nay trong một mùa” Michel Platini tâm sự.

Tiền và tiền: Đến cả những Huấn luyện viên ngày nay cũng nhào vào phá giá thị trường: Claude Puel, huấn luyện viên Hôi Olympic Lyonnais, hiện lãng 250 000 euros /tháng. Fabio Capello, dìu dắt và tuyển lựa Hội Tuyển Anh quốc nhận một gói tiền là 9 triệu euros cho vai trò mình. Raymond Domenech, ngoài đồng lương là 560 000 euros một năm, nhận thêm 820 000 euros tiền vì đã đưa Đội tuyển Pháp vào World Cup (nhờ bàn tay của Thierry Henri).

Tiền căn bệnh mới? “Không đâu, một nhà báo chuyên nghiệp trả lời, đó là cách nhìn méo mó ngày nay của dư luận đối với các cậu tài tử mới nầy. lúc xưa đã như vậy rồi. Cầu thủ lúc nào cũng cầu thủ, mặc dù thời gian ấy những con số lương bổng có vẻ bình thường hơn. Thế hệ 1998, thí dụ, thế hệ mà ngày hôm nay thường lên giọng dạy đời đám đàn em. Thế hệ 1998 cũng thế thôi. Quý vị còn nhớ bốn năm sau khi là Vô địch túc cầu thế giới, năm 2002, đi dự World Cup ở Á Châu (Đại Hàn/Nhựt Bổn) Pháp đã bị loại ngay vòng đầu không thắng được một bàn, cũng như ngày hôm nay.”. Các nhà báo và quan sát chuyên nghề thể thao, lúc bấy giờ, không làm sao quên được cảnh tượng ở Hôtel Sheraton ở Seoul, những tuyển thủ đội Xanh suốt ngày ôm điện thoại tính toán, mặc cả những giao kèo khế ước, làm ăn với các Hãng quảng cáo, và lơi là tập dợt các trận đá.

Tháng 4 năm 2009, Lilian Thuram, đòi 200,000 euros để đến nói chuyện với học sanh tỉnh Alsace về những vấn đề Nhơn quyền và Sống chung trong vòng một tiếng rưởi đồng hồ. Adrien Zeller, Chủ tịch Hội Đồng Tỉnh chỉ có đủ ngân khoản để đề nghị 1,500 euros và đài thọ mọi chi phí di chuyển thôi. Tay Hữu vệ Hội tuyển Pháp của Aimé Jacquet từ chối. Adrien Zeller than dài “Chúng ta và họ không ở chung cùng một khung trời”.

Ở Marseille, các thành viên Hội đồng Thị xã điên lên khi biết cầu thủ người Ba Tây Alessandro Mancini, đầu năm 2010, được Hội đồng Thị xã chấp thuận tài trợ cho Hội Marseille trả với giá 300,000 euros một tháng, không thèm nhận lời, mặc dù cầu thủ nầy tuy hiện đá ở Hội Inter de Milan, nhưng gần suốt mùa qua ngồi ghế phòng hờ ngoài biên. Trả lời phỏng vấn, tay nầy tuyên bố tỉnh khô “Thà ngồi nhìn Inter đá qua Truyền hình còn hơn đến Marseille đá với đồng lương ấy (300 000 euros/ tháng)”.

Ở Paris, vào tháng 4/2008, Hội PSG (Paris Saint Germain) đang phá sản, sắp sập tiệm và có thể xuống hạng, nhưng các cầu thủ vẫn tỉnh rụi đòi phải có tiền thưởng mới tiếp tục phục vụ Paris.

Hay Foot Ball là một Business?: Christophe Bouchet, cựu Chủ tịch Hội Marseille, ngày nay là CEO Hãng Agence Sportfive France, chuyên môi giới buôn bán cầu thủ cắt nghĩa tất cả là do Quyết định của Toà án Liên Hiệp Âu châu về nghề Túc cầu chuyên nghiệp gọi là Quyết định Bosman, năm 1995, bãi bỏ định suất (quota) cầu thủ ngoại quốc trong một đội. “Từ đấy cầu thủ không còn khái niệm quốc gia, đội nhà, màu áo, quá trình lịch sử đội. Cầu thủ chơi đội đây sáu tháng, đá đội nọ hai năm, rày đây mai đó. Cầu thủ chỉ biết tiền, có phải lỗi của cầu thủ không? Một cậu bé, ngay từ thuở nhỏ, có tài được tuyển lựa vào trong một Trường Huấn luyện, Thành tài đã là khó khăn rồi. Tranh nhau, ra trận, được tuyển để thành chuyên nghiệp. Họ sống trong một cái hủ, cái lọ, cái tháp ngà, cái lầu đài hoàn toàn biệt lập. Nghề Túc cầu chuyên nghiệp đòi hỏi gắt gao lắm! vì vậy cầu thủ chuyên nghiệp là những người bất bình thường.”.

Một hợp đồng cầu thủ ở Ligue 1 Pháp trung bình 40 tháng: trên 3 năm. Mỗi chợ trao đổi, mua bán (mercato), một năm hai kỳ, mùa Đông và mùa Hè, một huấn luyện viên có thể bán một cầu thủ để thay đổi, và cũng có thể vì cần tiền.

“Người ta xem cầu thủ như là một món hàng, thì làm sao cấm họ không tự xem họ là những món hàng được” Christophe Bouchet nói tiếp.

Sao khi Hội tuyển Pháp Xanh, tiu nghỉu trở về, Bà Tổng trưởng Thể Thao Roselyne Bachelot tuyên bố: “Chắc chắn ngày mai sẽ thay đổi!!!”. Bà có chắc không? Tôi đây xin keo.

Trông người lại nghĩ đến ta:

Còn Việt Nam thân yêu của chúng ta! Nếu cứ vì tiền mà quên Đạo đức thì chẳng chóng thì chày, thế giới sẽ coi người dân Việt Nam hay cả nước Việt Nam như một món hàng. Bán buôn tự do, nhường qua, sớt lại.

Hay hiện tượng mua bán đã bắt đầu rồi?

Buôn bán người, trai làm nô lệ xuất khâu lao động, gái làm nô lệ tình dục xuất khẩu làm vợ ngoại nhơn. Người thì đã bán theo người; đất cũng bán theo đất, biên cương, rừng núi, tài nguyên, hầm mỏ, bô-xít Cao nguyên Trung phần, mỏ dầu, mỏ khí Biển Đông. Lãnh hải thì bán theo lãnh hải, Hoàng Sa bán theo Hoàng Sa, Trường Sa bán theo Trường Sa, lãnh hải teo lại, ngư dân đã không có biển để đánh cá, Hải quân Việt nam cũng không có biển để giữ bờ.

Bởi thế, làm dân thì giựt khách du lịch. Làm quan thì ăn chặn tiền viện trợ. Làm thầu khoán thì ăn gian cát, làm thợ nề thì ăn cắp xi măng. Cốt sắt biến cốt tre, cầu đúc biến cầu khỉ, thậm chí có những giòng sông phải dùng giây treo vượt sông, vì cầu nay đã sập…(Tin Việt Nam, cầu trên sông Pô Kô đọc tuần qua)

Cầu thủ Tây nó mất dạy, chỉ thua một trận cầu, tiu nghỉu vác xe không trở về nước, chả chết thằng Tây nào .

 Còn Việt Nam ta, cả nước ta mất dạy, Việt Nam sẽ thua thằng Tàu, chúng ta dân Việt Nam chẳng còn nước Việt Nam nữa đâu. Lúc đó Việt Nam ta chết cả, hết về!!!
 
Phan Văn Song