Home Tin Tức Bình Luận Hư thật về lãnh tụ Bắc Hàn

Hư thật về lãnh tụ Bắc Hàn PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Hiếu   
Chúa Nhật, 01 Tháng 8 Năm 2010 11:49

   Chúng ta đã bàn qua xung đột Nam- Bắc Hàn trong hiện tại và trong quá khứ và sẽ là một thiếu sót lớn nếu bỏ qua những cái đầu đằng sau thùng thuốc súng tại đây.

 Đó là lãnh tụ Kim Chánh Nhất.

 

Ca dao Việt Nam có câu “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng / Thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân” thì có lẽ Nhất còn đáng sợ hơn là kẻ “cố cùng liều thân”.  Trong bài này chúng ta sẽ đề cập đến lãnh tụ điên này: sau những hào quang mà bộ máy tuyên truyền đã dựng lên về “lãnh tụ kính yêu” thì Nhất là một con người như thế nào?

 Huyền thoại

 Tháng 10 năm 2003 chính phủ Nga đã cho giải mật những tài liệu liên quan đến quan hệ giữa Nga và Bắc Hàn, phơi bày những sự thật về cuộc đời đầy huyền thoại của hai cha con Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) và Kim Chánh Nhất (Kim Jong-il).

Theo các tài liệu chính thức của đảng hay nhà nước Bắc Hàn thì Nhất chào đời năm 1942 trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, rất hào hùng và rất là linh thiêng.

Tài liệu tuyên truyền cho biết lúc này bố Thành đang lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nhật tại vùng biên giới Bắc Hàn – Mãn Châu, chỉ huy những “trận đánh vô cùng anh dũng” chống lại quân Nhật. Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng nhưng hào hùng đó, Nhất đã chào đời trên đỉnh núi Paekdu, ngọn núi cao nhất và thiêng liêng nhất của Triều Tiên.

Tài liệu tuyên truyền mô tả sự ra đời của Kim Chánh Nhất như là sự tụ hội của “nguyên khí quốc gia”: tối hôm đó trên vòm trời đỉnh núi xuất hiện một ngôi sao mới, rất sáng và sáng hôm sau túp lều cậu chào đời xuất hiện hai dải cầu vồng vắt ngang.

Trong tâm trí của dân chúng còn nặng tư tưởng Khổng Giáo thì những hình ảnh trên chính là “điềm” cho thấy “thằng cu Nhất” có chân mệnh đế vương. Từ huyền thoại này, bộ máy tuyên truyền nhà nước thi nhau tung hô bố Thành như là “lãnh tụ vĩ đại” (Great Leader) và Nhất như là “lãnh tụ kính yêu” (Dear Leader).

Thế nhưng sự thật thì hoàn toàn khác vì  Nhất chào đời tại vùng Siberi lạnh lẽo của nước Nga. Hai cha con Thành và Nhất lúc đó sống trong sự bảo vệ của quân đội Nga và việc này đã được các tài liệu lưu trữ của chính phủ Nga xác nhận vào năm 2003.

Đơn giản là chuyện phịa cực tồi.

 Sự thật

 Một ngày mùa đông năm 1940, đơn vị du kích của Kim Nhật Thành bị quân Nhật truy đuổi ráo riết nên chạy cầu cứu ngườii Nga. Lúc đó Thành 28 tuổi và chính phủ Nga đã ký với Nhật một hiệp ước bất tương xâm, cam kết không giúp đỡ đơn vị chống Nhật nào cả. Để bao che, giới chỉ huy Nga đã cấp phát trang phục của lính Nga cho đơn vị của Kim rồi hộ tống về Nga.

Đến Nga, đơn vị của Kim Nhật Thành được đưa về thành phố Khabarovsk rồi chuyển về đóng quân tại khu rừng ở gần Vyatskoye, một làng quê hẻo lánh ở gần sông Amur, cách Khabarovsk 70 cây số về phía bắc. Trên danh nghĩa và thực tế, đơn vị du kích  của Thành bị đồng hoá như một đơn vị thuộc Lữ đoàn đặc biệt 88 của bộ binh Xô viết.

Thành và các đồng chí đã không tham gia một “trận chiến hào hùng” nào cả; thay vào đó, họ được giữ lại trên đất Nga để huấn luyện cũng như học tập chủ nghĩa Stalinist. Chỉ thỉnh thoảng đơn vị này được cấp chỉ huy Nga điều động vào những cuộc hành quân viễn thám với mục đích thu lượm tin tức tình báo.

Vợ Thành là Kim Jong Sook, sinh năm 1917, gia nhập kháng chiến năm 18 tuổi để rồi trở thành vợ của Kim Nhật Thành. Chính tại căn cứ trên đất Nga này bà đã sinh hạ “cu Nhất” vào năm 1942 rồi đứa con thứ hai Kim Pong Il vào năm 1944. Sau này, khi về nước, đứa con thứ hai bị chết trôi ở Bình Nhưỡng vào năm 1947 và hai năm sau thì bà mẹ qua đời (sau đó bố Thành đã dùng tên Kim Pong Il để đặt cho đứa con của mình với người vợ thứ hai).

Giữa tháng 8.1945, khi bộ binh Liên Xô tiến vào Bình Nhưỡng với sự dẫn đường của các du kích Bắc Hàn thì Thành vẫn còn nằm yên tại Vyatskoye. Hai tuần sau khi cờ búa  liềm của Liên Xô bay trên nóc toà thị chính Bình Nhưỡng thì Thành mới được Nga dùng máy bay quân sự đưa từ căn cứ Vyatskoye đến Vladivostock, hải cảng duy nhất của Nga ở Thái Bình Dương. Từ đây Kim Nhật Thành được đưa lên tàu để về quê lãnh đạo cách mạng. Sau chuyến hải hành dài ngày, tháng 10.1945, Kim Nhật Thành đặt chân lên Bình Nhưỡng, đúng ngay dịp cử hành lễ mừng chiến thắng. Lúc đó, vợ và hai con của ông – tức cu Nhất mới 3 tuổi rưởi và đứa em 1 tuổi – còn ở  lại Siberia. Phải mất vài tháng sau thị họ mới được người Nga sắp xếp để hồi hương. Đến tháng 2.1946, theo lệnh Josef Stalin, Bộ chỉ huy quân đội Liên Xô ở Bắc Bắc Hàn đã dựng Thành lên làm chủ tịch nước “Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Bắc Hàn”.

Những điều này đã được lưu giữ bằng giấy trắng mực đen trong văn khố của chính phủ Nga. Đồng thời, hiện vùng Vyatskoye với khí hậu  lạnh  lẽo và băng tuyết quanh năm vẫn còn lưu giữ dấu tích về căn cứ của Kim Nhật Thành, từ văn phòng chỉ huy của ông ta cho đến phần mộ của các chiến sĩ du kích đã bỏ mình vì bệnh tật hay tai nạn trong khi huấn luyện. Đồng thời, sự thật này còn được chứng thực bởi những sử liệu “sống”.

Thật ra, trước khi Nga giải mật các văn kiện trên vào năm 2003, từ đầu thập niên 90 nhiều sử gia Tây phương đã đến làng quê hẻo lánh nói trên để tìm hiểu. Nhiều dân làng tại đây cho biết họ vẫn còn nhớ rành rành hình ảnh hai vợ chồng lãnh tụ nhóm du kích ngoại quốc, có bà vợ thường tìm đến họ để đổi khẩu phần mà quân đội Nga cấp phát lấy gà và trứng. Những cụ già ở đây cho biết vì không biết tiếng Nga, người vợ phải dùng “sign language” để trao đổi. Họ cũng kể lại cảm giác ngạc nhiên, sửng sốt khi phát hiện ra rằng, chỉ qua một đêm, toàn bộ đoàn quân lạ này đột nhiên biến mất như thể tất cả đã mọc cánh và bay lên trời.

 Vua cha

 Từ năm 1977, Kim Nhật Thành công khai tuyên bố rằng con trai trưởng của mình sẽ là người kế tục quyền lãnh đạo và năm 1980 ông ta đưa điều này vào hiến pháp. Lúc đó toàn bộ những anh em khác của Kim Nhật Thành đều nắm những chức vụ chủ chốt trong guồng máy cai trị. Một em trai tên Kim Du Nam là đại tướng, nắm bộ quốc  phòng; một em trai khác là Kim Yong You thì nắm một chức vụ chủ chốt trong Đảng Công nhân Bắc Hàn.

Người vợ đầu qua đời năm 1949 và năm 1952 Kim Nhật Thành kết hôn với nữ thư ký riêng Kim Song Ae. Ngay sau đó cô này trở thành Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Bắc Hàn. Con trai bà trở thành đại sứ của Bắc Hàn tại nhiều nước Âu châu trong khi con gái được gả cho các tướng lĩnh thân cận.

 Vua con

 Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950 thì Nhất được 8 tuổi và thằng cu này được đưa qua Trung Quốc để lánh nạn và chỉ trở về nước năm 1953, sau khi hai bên ký kết hiệp định ngừng bắn.

Theo tiểu sử chính thức thì sau khi học xong trung học, tháng 9 năm 1960 Kim theo học ngành kinh tế chính trị Mác –Lê nin tại Đại học Kim Nhật Thành. Năm 1961 Kim trở thành đảng viên và bắt đầu theo cha trong các “chuyến đi lãnh đạo tại chỗ”. Đó là các cuộc viếng thăm các nhà máy, nông trại quốc doanh và các công trình xây dựng trên khắp Bắc Hàn.

Sau khi tốt nghiệp vào tháng 4 năm 1964, tức lúc 22 tuổi, Kim được đưa vào Trung ương Đảng. Lúc này xảy ra sự chia rẽ Xô – Trung và Bắc Hàn đi theo đường lối “chống xét  lại” của Trung Quốc và Kim trở thành ngừời lãnh đạo chiến dịch chống xét lại mà thực chất là một cuộc thanh trừng.

Sau đó Kim bắt đầu đứng tên trong một số bài viết về kinh tế, trong đó nội dung chính là đả phá ý kiến cho rằng vật chất là động lực chính của sự phát triển kinh tế. Trong thời gian này  Kim cũng xía vào lĩnh vực tuyên huấn, giám sát Ủy ban Tuyên truyền và cổ động, nhấn mạnh các nghệ sĩ phải sáng tác với nội dung và hình thức mới, từ bỏ các truyền thống nghệ thuật cũ.

Từ năm 1967 đến 1969, Kim chuyển sang lĩnh vực quân sự, tấn công tướng lĩnh đang cản trở các tổ chức đảng bên trong quân đội và bóp méo các mệnh lệnh nhà nước. Kim xem đó là một mối đe dọa và với sự kiểm soát quân đội của đảng, Kim đã thanh trừng hàng lọat tướng lãnh.

Đến đầu thập niên 1970, Kim đã dự các khoá học tiếng Anh tại Đại học Malta. Lúc đó Kim là  khách mời của Thủ tướng Dom Mintoff.

Tháng 2 năm 1974, Kim trở thành ủy viên Bộ chính trị và chính thức nhận danh xưng  "lãnh tụ kính yêu" kèm "lãnh tụ thông minh", chỉ sau bố mình là “lãnh tụ vĩ đại”.

Năm 1982, Kim trở thành đại biểu của Quốc hội Tối cao Nhân dân và được xem là người sẽ kế tục bố mình với danh  nghĩa: "người kế thừa vĩ đại của chính nghĩa cách mạng". Từ đó, Kim trở thành nhân vật số hai của Bắc Hàn.

Kim Nhật Thành mất ngày 8.7.1994, sau một cơn đau tim, thọ 82 tuổi. Kim chính thức thay bố và trở thành lãnh tụ tối cao. Tuy nhiên Kim Chánh Nhất chủ trương bỏ trống danh vị “chủ tịch” của bố, chỉ “khiêm nhường” ngồi vào ghế Tổng bí thư đảng cùng ghế Chủ tịch ủy ban quốc phòng, nghĩa là cầm đầu những tướng lãnh đứng đầu các binh chủng trong quân đội.

Em gái Nhất, bà Kim Kyong Hui, là Ủy viên trung ương đảng và là Bộ trưởng bộ công nghiệp nhẹ. Còn chồng bà này, ông Chang Song Taek, là Trưởng ban tổ chức trung ương đảng, đã nhiều lần dẫn đầu các phái đoàn thương thảo của chính phủ đến Nam Hàn.

Theo Roald Savelyev – một chuyên viên về Bắc Hàn, từng làm việc trong Toà đại sứ Nga ở Bình Nhưỡng trong hai thập niên 70 và 80 – thì Chang từng lãnh đạo một bộ phận gọi là “Bộ ba dòng thác cách mạng” (Three Revolutions) , có trách nhiệm tổ chức và tuyên truyền đối với thanh niên.

Theo Helen-Loise Hunter – một chuyên viên về Bắc Hàn, từng làm việc cho CIA – thì Chang Song Taek là một  nhân vật khá đắc lực trong guồng máy cai trị: ngay từ đầu thập niên 70 ông ta đã  đưa ra “sáng kiến” buôn lậu để tìm kiếm ngoại tệ.

Giống cha, Kim mắc hội chứng sợ bay và luôn sử dụng đoàn tàu hoả bọc thép riêng cho các cuộc viếng thăm tới Nga và Trung Quốc.

Đài BBC trích lời thông tín viên Konstantin Pulikovsky của Nga cho biết khi đi bằng tàu lửa xuyên Nga, Kim được máy bay cung cấp tôm hùm tươi hàng ngày để ông ăn bằng đũa bạc. Theo Kim thì  đũa bạc có thể phát hiện thuốc độc.

Kim mê các loại xe hạng sang và đã chi 20 triệu Mỹ kim để nhập 200 chiếc Mercedes Benz S500 hạng sang thêm vào đoàn xe Mercedes đã lên tới 7,000 chiếc của Bắc Hàn. Kim cũng là người hâm mộ phim ảnh, có bộ sưu tập hơn 20,000 băng video

Năm 1978, Kim ra lệnh bắt cóc đạo diễn Nam Nam Hàn Shin Sang-ok và người vợ tài tử Choi Eun-hee về xây dựng ngành điện ảnh Bắc Hàn.

Những người đào thoát cho biết Kim có 17 dinh thự và nơi cư ngụ khác nhau.

 Kế vị

 Hiện tại người ta không biết đích xác Nhất quan hệ với bao nhiêu phụ nữ và có bao nhiêu con, chỉ ước chừng là ông ta có ít nhất 6 đứa con với 4 người đàn bà.

Vợ chính thức của Nhất là Kim Young Sook, là con gái của một vị tướng và được đích thân bố Thành chọn làm dâu và hôn lễ tổ chức vào đầu thập niên 70. Thế nhưng bà vợ này chỉ sinh hạ duy nhất một cô con gái tên Kim Sul-song, sinh năm 1974. Sau đó hai người ly thân.

Con trai trưởng của Kim là Kim Jong Nam, sinh năm 1971, là con trai của Kim và Sung Hae Rim, một nữ tài tử điện ảnh bị ép duyên, bị buộc phải bỏ chồng là một nhà khoa học để về sống với “lãnh tụ kính yêu”. Sung Hae Rim đã phải sống chung với Kim Chánh Nhất trong suốt 20 năm nhưng chưa bao giờ được xem là vợ và về sau đã thừa lúc đi Nga nên trốn luôn, sống lưu vong tại Mạc Tư Khoa cho đến khi qua đời vào năm 2002.

Thoạt đầu thì trưởng nam Kim Jong Nam là người có cơ may kế vị cha. Kim Jong Nam từng được cử phụ trách Trung tâm Tin học Bắc Hàn, được xem là cơ quan nghiên cứu và phát triển chiến tranh tin học của chính phủ. Tuy nhiên Kim Jong Nam đã bị thất sủng sau vụ tai tiếng tại Nhật: tháng 4.2001, Kim Jong Nam đã bị bắt khi mang hộ chiếu giả tại phi trường Nhật.

Lúc đó cậu hoàng tử này vờ vĩnh là một công dân của Cộng hoà Dominican để đến Nhật du hí; khi bị bắt thì khai tuốt là muốn đưa con cái đến “tham quan” Disneyland ở Tokyo. Thỉnh thoảng, báo chí Nhật và Nam Hàn đưa tin cho biết Nam là một tay chơi, đang vung tiền như rác trong các sòng bài tại Macau.

Sau Nam thì báo chí nhắc đến Kim Jong Chul, sinh năm 1981, con trai của Nhất và bà vợ hờ Koh Young Hee, vốn là một nữ vũ công trong Đoàn nghệ thuật Mansudeae. Thuở nhỏ, Kim Jong Chul được đưa sang học tại một trường tư tại Thụy Sĩ và sau đó trở về làm việc trong Bộ Tuyên truyền Bắc Bắc Hàn.

Chiến dịch huyền thoại hoá đứa con Kim Jong Chul bắt đầu với việc “nâng” bà mẹ: dù chưa bao giờ chính thức kết hôn, chưa bao giờ được Kim Chánh Nhất chính thức nhìn nhận là vợ, nhưng bà đã được Kim đưa đi theo những khi đến thăm các đơn vị quân đội. Từ mấy năm nay bộ máy tuyên truyền và báo chí tại Bắc Bắc Hàn bắt đầu sử dụng từ “Mẹ kính yêu” (Respected Mother) để nói về Koh Young Hee.

“Thủ tục” này được rập theo y chang khuôn mẫu của việc thần thánh hoá bà Kim Chong Suk, mẹ của Kim Chánh Nhất, trước khi Kim Nhật Thành chính thức cho ghi vào hiến pháp quyền kế vào năm 1977. Trong thời chiến bà cùng sống lưu vong với chồng và đẻ hai đứa con tại Siberia, thường đem khẩu phần mà quân đội Nga cấp phát cho mình để mang đi đổi gà thịt hay trứng gà; thế nhưng lúc đó bộ máy tuyên truyền Bắc Hàn thi nhau tán tụng những kỳ tích anh hùng của bà trong cuộc kháng chiến chống Nhật!

Mới đây báo chí lại nói đến Kim Jong Chul, không rõ là sinh năm 1982 hay 1983. Theo tin đưa ra thì khi học tại Thụy Sĩ, cậu này rất nổi tiếng về môn trượt tuyết và đánh lộn.