Home Tin Tức Bình Luận Quýt Giang Nam, Quýt Giang Ðông

Quýt Giang Nam, Quýt Giang Ðông PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Chúa Nhật, 08 Tháng 8 Năm 2010 10:09

Cũng giống quýt đó, trồng ở Giang Nam thì chua, trồng ở Giang Ðông thì ngọt. Ðó chính là nhờ phân, nước, khí hậu mỗi nơi cho những thứ trái có phẩm chất khác nhau.

 

 
Học sinh gốc Việt ở Mỹ sao học giỏi thế? Chỉ nhìn riêng một tiểu bang tiêu biểu như California năm nay (2010) trường Trung Học Bolsa Grande, trong số các tân khoa của trường năm nay có 15 em Việt Nam có điểm trung bình từ 4.45 trở lên, tốt nghiệp thủ khoa là em Denny Trần, Á Khoa là Hannah Nguyễn; trường Trung Học La Quinta Thủ khoa là Ðặng Kim, Á khoa là Nguyễn Terry; trường Trung Học Rancho Alamitos, Thủ khoa là Nguyễn Phương Chi, Á khoa là Sheely Quân; trường Santiago Thủ khoa là Blair Thanh Liễu, Á khoa là Benjamin P. Nguyễn; trường trung học Edison, Thủ khoa là Amy Lê. Nhìn chung trong nước Mỹ, trong số 31 học sinh được xếp hạng xuất sắc toàn quốc, đã có 25 em là Việt Nam.

Năm 2009 Học Khu Garden Grove có 8 thủ khoa, thì đã 5 là người Việt Nam.

Cũng không phải tất cả các em xuất sắc đều sống ở Mỹ lâu và cha mẹ giỏi tiếng Anh. Tại Suffok, Virginia, nơi dân Á Châu chỉ có 1%, hai em Linh Ðoàn và Hạnh Ðoàn mới sang Mỹ chỉ có ba năm, lúc Linh đã 17 tuổi và Hạnh đã 16. Ngày mới sang không biết tiếng Anh, mỗi khi cần nói với giáo viên, hai em phải viết xuống giấy, nay hai em đều tốt nghiệp trung học Nansemond River với hạng danh dự.

Báo chí trong nước, than phiền nền giáo dục xuống cấp tệ hại. Học sinh lớp 12 viết Việt ngữ còn sai, không biết gì về lịch sử, chạy theo thị hiếu thấp hèn, đua đòi ăn diện, ăn chơi. Ðến kỳ thi thì mua đề thi, ký cóp, gian lận đủ kiểu để dạt mục đích, nhiều người đỗ đạt bằng cấp nhưng thực chất không có gì, vì văn bằng được mua bán, trao đổi. Nhà trường mang bệnh thành tích của chế độ không đủ điểm vẫn có bằng, nâng cao tỷ lệ đạt kết quả để có kết quả thi đua.

Cũng giống quýt đó, trồng ở Giang Nam thì chua, trồng ở Giang Ðông thì ngọt. Ðó chính là nhờ phân, nước, khí hậu mỗi nơi cho những thứ trái có phẩm chất khác nhau.

Ðiều gì, môi trường nào đã làm cho những hạt giống Việt trên mảnh đất người, nẩy mầm tốt đẹp, hứa hẹn cho những vụ được mùa cây trái trong tương lai như thế? Ở Mỹ, cần học giỏi có điểm cao mới vào được trường đại học tốt, tốt nghiệp có điểm cao và từ những đại học tốt mới dễ kiếm việc làm và có đồng lương cao. Nhiều sinh viên xuất sắc chưa lãnh bằng tốt nghiệp đã được các công ty trải thảm đỏ đón mời. Ở Việt Nam, không cần học hay học giỏi, không cần điểm cao cũng vào được đại học. Không cần tốt nghiệp đại học, dốt hay điểm thấp cũng có việc làm, lại việc làm tốt, lương cao và lại có nhiều quyền lực.

Thật ra con người ở trong quê hương và con người Việt Nam ở nước ngoài có thừa thông minh, cần cù và hiếu học, năng lực cũng như nhau, có khác là ngày nay sách vở chuyên khoa hầu hết bằng Anh ngữ, sinh viên trong nước có khuyết điểm không có nhiều cơ hội học hỏi nhiều. Nhưng giỏi giang, xuất sắc để làm gì, nếu tài năng đó không được dùng đúng chỗ và trả công xứng đáng. Ở ngoại quốc, chính phủ cũng như các công ty tư nhân chọn người có bằng cấp chuyên môn, có khả năng điều hành công việc, trái lại ở Việt Nam chính phủ chọn người có lý lịch, quen biết và con cái những người có thế lực trong đảng và chính quyền. Người không có thế lực, học giỏi, có bằng cấp cao, dù là ở ngoại quốc về, mang tấm bằng của các trường đại học nổi danh cũng phải xếp xó hay đứng hàng thứ yếu nếu không có thế, có lực trong bộ máy điều hành của đảng và chính quyền. Trước đây chúng ta đã nghe câu chuyện một nữ sinh viên tốt nghiệp ở Nga, mang mảnh bằng về Hà Nội, nhưng đi đến cơ quan nào cũng bị tiếp đón lạnh nhạt, dè bỉu là “bằng chạy,” “lo lót để được du học,” “sang Nga để buôn lậu” (vì mẫu số chung là như thế), cô sinh viên cảm thấy lạc lõng trên quê hương “khốn nạn” này và cuối cùng đành giã từ đất nước ấy ra đi, trở lại Nga dù không biết sẽ làm gì, tương lai ra sao!

Học sinh không cần giỏi, chỉ cần biết sống theo hoàn cảnh Việt Nam. Bản tin báo điện tử VNExpress ngày 26 tháng 3, 2004: Theo Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo, luận văn đạt điểm xuất sắc của một số cơ sở đào tạo đang chiếm gần 90%, học viên hầu hết đạt điểm tối đa. Phó Giám Ðốc Học Viện Quân Y Nguyễn Xuân Nguyên, còn ví tình trạng chấm luận văn điểm cao hiện nay như một “bệnh dịch.” Tình trạng cho điểm “dễ dãi” bất chấp phẩm chất luận án tốt nghiệp đã xảy ra chỉ nhờ học trò “tiếp cận” tới nhà riêng của giáo sư. Ngay đến tình trạng học sinh tiểu học muốn có điểm cao, lên lớp không cần phải có khả năng nhưng phải đóng tiền học cho cô giáo dạy kèm thêm, nên giờ ở lớp, cô giáo lãnh lương chính phủ không quan trọng bằng giờ dạy kèm tại nhà riêng, cô thầy giáo nhận tiền từ phụ huynh học sinh. Ai có can đảm không cho con mình theo học những lớp dạy kèm này. Ðiều đáng xấu hổ là hiện này ở Việt Nam, học sinh mẫu giáo cũng phải đi học thêm ở lớp dạy kèm của cô giáo để có đủ điểm vào bậc tiểu học. Từ đó, ngoài tiền học thêm, gia đình còn phải lo quà cáp Lễ, Tết, cho thầy, cô giáo. Dân lo chạy gạo từng ngày, bây giờ việc cho con đến trường là một gánh nặng lớn không thể không lo. Thầy cô giáo từ đó, không cần phải dạy giỏi, cũng trở thành giáo viên ưu tú nhờ biết điều với ban giám hiệu cũng như cấp lãnh đạo giáo dục. Nền giáo dục trong nước bây giờ là một thứ chợ trời, ở đó người ta mua vào bán ra nhiều thứ, không thiếu một món nào.

Người ta tùy tiện bổ nhiệm người vào các chức vụ theo ý thích, xong rồi “cơ quan sẽ tạo điều kiện cho anh đi lấy bằng cấp” để hợp thức hóa bằng cách cho đi học “đại học tại chức” tức là học đại, vì cán bộ có trình độ lớp ba làm sao nuốt nổi bài vở đại học. Tổng giám đốc đi học bằng xe con, có cận vệ, có cả túi tiền, bố thằng nào dám không cho chúng tốt nghiệp. Không theo đại học tại chức thì bây giờ có phong trào mua bằng, đủ loại Tiến Sĩ, Thạc Sĩ cho giám đốc hay cỡ Tú Tài cho trưởng phòng, nhân viên, công an. Hiện nay Ðại Học Quốc Gia Hà Nội đang liên kết với một loại trường đại học ở Mỹ chuyên cấp bằng tiến sĩ loại mua bằng với giá từ $17,000 đô la. Do đó chúng ta có một giám đốc Sở Văn Hóa, Thể Thao & Du Lịch tận Phú Thọ là Nguyễn Ngọc Ân có tới bằng tiến sĩ “kinh tế quản trị kinh doanh.” Ông này cho biết ông đã “học” tiến sĩ này tại Mỹ hai lần cách nhau hai năm, mỗi lần một tuần, nghe giảng bằng tiếng Anh được phiên dịch ra tiếng Việt và cả khi bảo vệ luận án cũng có người dịch cho ông. Nghe nói bằng tiến sĩ của ông giám đốc này có cả chữ ký của Tổng Thống Bill Clinton nữa mới kinh!

Trong một cơ quan, người chuyên viên giỏi thường bị ganh ghét, gièm pha nếu không nằm trong hệ thống phe đảng, con ông cháu cha. Cơ quan nào cũng kéo bè lập đảng, người ngoài khó lọt vào và cuối cùng cơ quan nào cũng đạt những thành tích. Bệnh thành tích là một bệnh kinh niên trong chế độ Cộng Sản “làm láo, báo cáo hay.” Học sinh có thành tích học giỏi, giáo viên có thành tích dạy giỏi, hãng xưởng sản xuất vượt chỉ tiêu, đại hội đảng nào cũng thành công rực rỡ, cá nhân nào cũng là xuất sắc nhờ làm việc “theo gương bác Hồ,” mà không cần phải có tài năng đích thực.

Bây giờ hầu hết giống quýt đều muốn được trồng ở Giang Ðông, chứ không muốn mọc ở Giang Nam. Sinh viên Việt Nam muốn ở lại Mỹ, dù làm việc vất vả, nhưng nhân phẩm được tôn trọng, tài năng được sử dụng, và công lao được bù đắp xứng đáng. Nhưng con cháu của cán bộ cao cấp thì lại muốn mau mau trở về, vì chức vụ đã dành sẵn, bổng lộc đang chờ đợi từ những ông bố tận lực “củng cố đời con” trong khẩu hiệu mới: “còn đảng, còn mình!”

Ðiều khó cho một xã hội mai sau khi chế độ Cộng Sản không còn tồn tại trên đất nước chúng ta, không phải là chuyện làm giàu cho đất nước, mà chuyện khó lòng cải tạo được một nếp sống đã hóa thạch và làm sao cho mỗi công dân được sống cho ra con người. Hiện nay con cái chúng ta ở Mỹ cố gắng học hành, tin vào sức mình thì học sinh Việt Nam đến kỳ thi lo học tủ, chạy đề thi hay rủ nhau đi sờ “đầu rùa” trong Văn Miếu để lấy hên, làm sao đất Giang Nam ấy không sinh ra giống quýt chua được?