Lá bài Cam Ranh và tranh chấp Biển Đông |
Tác Giả: Lê Quỳnh | ||||
Thứ Tư, 18 Tháng 8 Năm 2010 06:34 | ||||
Giữa lúc tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, lại xuất hiện tin đồn Hoa Kỳ muốn thuê cảng Cam Ranh của Việt Nam làm căn cứ quân sự. Nhưng giới quan sát phương Tây hồ nghi Việt Nam lại sẽ cho lực lượng quân sự nước ngoài đóng trên lãnh thổ của mình. Bao vây Trung Quốc? Những tin đồn như thế đã không ít lần xuất hiện kể từ ngày lá cờ Nga hạ xuống lần cuối tại Cam Ranh năm 2002. Nhưng với những va chạm Mỹ - Trung gần đây trên Biển Đông, không ngạc nhiên khi có lo ngại quyền lợi Trung Quốc bị ảnh hưởng nếu Mỹ can dự sâu hơn. Văn Hối Báo lý luận rằng tại Thái Bình Dương, Mỹ đã có hai cảng hải quân ở Guam và Changi (Singapore) và sẽ hoàn tất cụm tam giác bao vây Trung Quốc nếu thuê được Cam Ranh. Tờ báo nói “so với mọi căn cứ hải quân của Trung Quốc, Vịnh Cam Ranh vẫn có nhiều khả năng hơn để điều quân ra bất kỳ đảo nào ở Nam Hải”. Nhưng nói chuyện với tôi, ông David Brewster, Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược (Đại học Quốc gia Úc), cho rằng khả năng Mỹ thuê Cam Ranh hiện nay là “vô cùng khó tin”. Ông nói: “Khó tin là Việt Nam sẽ dùng con bài chiến lược chính của mình trong môi trường an ninh hiện nay.” “Một nước cờ như thế sẽ ảnh hưởng mạnh đến cả Mỹ và Việt Nam và thật khó hiểu bên nào lại muốn đi nước cờ này.” Iskander Rehman, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CERI) tại Paris, đồng ý rằng có nhiều trở ngại cho sự có mặt của quân Mỹ ở Cam Ranh. Anh nói: "Nhiều người trong giới quốc phòng Việt Nam lo ngại việc Mỹ có mặt lâu dài có thể bị Trung Quốc xem là cớ gây hấn và ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Trung." GS. Carlyle Thayer nói Mỹ quan tâm quyền tiếp cận tuy khó xảy ra việc thuê Cam Ranh Chuyên gia kỳ cựu người Úc chuyên về Việt Nam, Carlyle Thayer, cũng nói Mỹ quan tâm “địa điểm hơn là căn cứ”, nghĩa là Mỹ sẽ không thuê Cam Ranh, nhưng muốn được quyền tiếp cận các cảng của Việt Nam khi cần thiết. Nhắc lại chuyện căn cứ Mỹ ở Nam Hàn đã gây chia rẽ dư luận xứ Hàn, ông Thayer nói ông “hồ nghi việc Mỹ đang tìm cách có căn cứ ở Cam Ranh, nhưng quyền tiếp cận lại là câu hỏi khác”. GS. Thayer cũng nhận định Cam Ranh là “một trong những cảng nước sâu tốt nhất trong vùng” nhưng đã xuống cấp nặng từ thời Liên Xô và Nga đồn trú. “Sẽ phải tốn hàng triệu đôla để thiết bị ở đó đạt tiêu chuẩn quốc tế,” ông nói. Sức mạnh hải quân Một tài liệu tuần này của cơ quan nghiên cứu và tham mưu Jamestown Foundation tại Mỹ ghi nhận Tướng Trương Lê, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, kêu gọi xây sân bay và cảng biển ở Bãi Vành Khăn của Trường Sa để tăng sức mạnh chủ quyền. Kết hợp những diễn biến mới như việc Trung Quốc cấm đánh cá ở Biển Đông, Russell Hsiao, phân tích gia của Jamestown Foundation, xem đây có thể là dấu hiệu Trung Quốc ngày càng sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Khó tin là Việt Nam sẽ dùng con bài chiến lược chính của mình trong môi trường an ninh hiện nay. David Brewster Tướng Trương Lê bình luận hải quân Trung Quốc hiện chỉ có tám con tàu có thể điều ra Biển Đông, nên rất khó phản ứng trong tình huống khẩn cấp. Ông này cổ vũ xây dựng sân bay và cảng biển để Trung Quốc kiểm soát quần đảo Trường Sa và bớt phụ thuộc eo biển Malacca, vốn bị các chiến lược gia Trung Quốc xem là tử huyệt cho an ninh quốc gia. Tin Việt Nam định mua sáu tàu ngầm Nga trị giá 1.8 tỉ đôla cũng được nhiều người ở Trung Quốc xem là dấu hiệu Việt Nam phản ứng sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Người ta cũng hiểu chỉ riêng Việt Nam thì không thể đối kháng Trung Quốc, mà như một báo Hong Kong có lần nói “át chủ bài của Việt Nam là quốc tế hoá vấn đề Biển Đông, thu hút thế lực phương Tây làm đối trọng với Trung Quốc”. Lá bài Cam Ranh Nhìn đi nhìn lại, có vẻ Cam Ranh là món quà mà Việt Nam có thể hứa hẹn cho các đại cường nhòm ngó an ninh vùng. Tiến sĩ David Scott, ở Đại học Brunel và đã viết ba tập sách về Trung Quốc, nói với BBC Việt ngữ: Việt Nam thận trọng không muốn làm Trung Quốc quá mất lòng, nhưng cũng sẵn sàng đem quyền tiếp cận Cam Ranh ra như củ cà rốt quân sự - thương mại. Tiến sĩ David Scott “Việt Nam thận trọng không muốn làm Trung Quốc quá mất lòng, nhưng cũng sẵn sàng đem quyền tiếp cận Cam Ranh ra như củ cà rốt quân sự - thương mại, trong lúc gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.” Một nước có thể cạnh tranh với Trung Quốc là Ấn Độ cũng bày tỏ quan tâm đến vịnh Cam Ranh. Trong chiến lược “Chuỗi hạt ngọc” (String of Pearls), Trung Quốc đã xây dựng một loạt cảng tại châu Á, gồm cả nhiều nước vốn có quan hệ không mấy dễ chịu với Ấn Độ. Ở phía Tây Ấn, Trung Quốc tài trợ để xây một cụm cảng cho Pakistan, làm Ấn Độ lo ngại về một mưu toan hợp tác hạn chế ảnh hưởng của họ ở Nam Á. Ở phía đông, có tin nói Trung Quốc giúp Miến Điện xây nhiều cơ sở trên Vịnh Bengal, và rằng chúng có thể được nâng cấp cho mục đích quân sự. Năm ngoái lần đầu tiên một tàu chiến Trung Quốc ghé thăm Campuchia, và người ta tin rằng Trung Quốc đã bảo đảm được quyền tiếp cận cảng của Campuchia. Vì thế một số phân tích gia thuộc phái cứng rắn của Ấn Độ đang cổ súy cho quan hệ hợp tác với Việt Nam và mở rộng sự có mặt ở Đông Nam Á. Hải quân Ấn Độ cũng muốn có vai trò ở Biển Đông Nhưng Walter Ladwig, đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Oxford, ghi nhận khả năng của hải quân Ấn vẫn chưa theo kịp tham vọng của họ. “Trong tương lai gần, khó hình dung tàu Ấn Độ có thể đóng tại Việt Nam. Hải quân Ấn Độ chưa đủ sức kiểm soát đường biển quá xa nhà và quá gần Trung Quốc”. Ông David Brewster nói một số chuyên viên an ninh Ấn vẫn muốn nước này có vai trò ở Biển Đông để phản kích sự có mặt của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Nhưng theo ông, “chuyện này có lẽ phi thực tế vì khả năng hạn chế của hải quân và Ấn Độ cũng thiếu quan tâm thực sự tới Biển Đông”. Ngay cả lời đồn Mỹ muốn thuê cảng Cam Ranh cũng sẽ chỉ là lời đồn, vì nó “tác động nhạy cảm nhất đối với dây thần kinh của Bắc Kinh” (lời một báo Hong Kong). Kịch bản thực tế hơn theo Giáo sư Carl Thayer là Việt Nam có thể trở thành “điểm quá cảnh” cho các đội tàu nước ngoài. Những chuyến thăm thường xuyên từ mấy năm qua của các tàu chiến, cả Mỹ, Ấn, Nga và Pháp, đặt khả năng Việt Nam còn có thể kiếm được tiền từ cung cấp dịch vụ cho hải quân nước ngoài. Iskander Rehman nhận xét: "Việt Nam có thể duy trì sự linh động chiến lược tốt hơn nếu tiếp tục giữ thế cân bằng giữa Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc bằng cách cho quyền cập cảng theo nguyên tắc tạm thời và ngắn hạn." Lê Quỳnh
|