Home Tin Tức Bình Luận Gió đã đổi chiều ở châu Á?

Gió đã đổi chiều ở châu Á? PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Giang   
Thứ Năm, 19 Tháng 8 Năm 2010 21:39

Sau khi khối hiệp ước Varsava sụp đổ đã có ý kiến đòi nhìn lại an ninh châu Âu và để Moscow tham gia khối Nato, điều không thành vì phản đối từ các nước Đông Âu.

 

 

Quân dân Hàn Quốc có cuộc tập trận vì tự do cùng Hoa Kỳ

Nhưng Nga vào Nato không chỉ khiến Đông Âu lo ngại mà còn buộc Trung Quốc phải xem lại chiến lược an ninh.

Vì một khối quân sự đối thủ nằm dọc biên giới phía Bắc không phải là điều Bắc Kinh mong muốn.

Nay, với quyết định rút quân tác chiến khỏi Iraq cuối tháng 8 này và dồn sức vào Afghanistan, trên thực tế, Hoa Kỳ và Nato đã sáp lại gần Trung Quốc hơn vào giờ hết từ phía Tây.

Nghị trình không đổi

Biên giới Trung Quốc với Afghanistan ở vùng Taxkorgan từng bị đóng lại hồi 2001 vì lo ngại chiến sự và nạn Hồi giáo cực đoan tràn sang.

Cùng lúc, từ phía Đông, Hoa Kỳ cũng diễu võ dương oai ngoài biển vì đồng minh truyền thống Nam Hàn và răn đe Bắc Hàn, một đồng minh của Trung Quốc.

Liệu chính quyền Obama đang đổi hướng từ dùng 'sức mạnh mềm' sang dùng vũ lực, hay chỉ làm tiếp các hồ sơ từ thời Bush?

Trả lời Fred Kaplan trên tờ Foreign Policy, Bộ trưởng Quốc phòng Bấm Robert Gates nhấn mạnh đến các chủ đề khó khăn với Hoa Kỳ kể từ nhiệm kỳ Bush sang đến nhiệm kỳ Obama:

"Các vấn đề không thay đổi đó là những vấn đề hóc búa. Đó là các cuộc chiến, là Iran, là Bắc Hàn, là làm sao ứng xử với người Nga và người Trung Quốc. Nghị trình làm việc vẫn không thay đổi - nạn khủng bố."

Nhưng ông Gates, người theo kế hoạch sẽ rời Ngũ Giác Đài tháng 1/2010, cũng xác nhận trong lĩnh vực chống khủng bố, chính quyền Obama nay còn bạo hơn so với chính quyền trước.

Trong tiếng Anh, từ ông dùng là 'aggressive', còn có nghĩa là 'hung hăng'.

Câu nói của ông Gates có thể đem vào đánh giá không sai chính sách quân sự - quốc phòng của Hoa Kỳ với Nga và Trung Quốc.

Với các ưu tiên không thay đổi, việc rút quân tác chiến khỏi Iraq theo lịch từ cuối tháng 8 năm nay sẽ chỉ giúp Hoa Kỳ tập trung hơn vào các tuyến làm việc đã định.


Ông Robert Gates nói chính quyền Obama còn mạnh bạo hơn thời Bush trong cuộc chiến chống khủng bố

Hoa Kỳ đã đổi cách tuyên bố và cách thể hiện quyền lực toàn cầu.

Với Nga, quan hệ xoay quanh các tuyến tiếp liệu và nhu cầu ổn định của vùng Trung Á.

Còn ở cả hai khu vực Đông Bắc và Đông Nam Á, Trung Quốc hiện ra như đối thủ chính của Mỹ.

Dù trong Quốc hội đang có những tiếng nói nhắc nhở Tổng thống Obama đừng để 'ngoại giao chìm như tàu Cheonan', có vẻ như Tòa Bạch Ốc coi ngôn ngữ ngoại giao Đông Bắc Á chỉ có thể có sức mạnh cùng các chiến hạm.

Điều đáng chú ý là hai cuộc tập trận liên tục của Hoa Kỳ và quân đội Nam Hàn được tổ chức bất chấp hăm dọa từ Bình Nhưỡng và thái độ bất bình từ Bắc Kinh.

Cuộc tập trận Ulchi không chỉ mang tính biểu tượng về tên gọi (Người bảo vệ Tự do), mà còn có tính thực tiễn: đây là lần đầu công nghệ thông tin nắm phần chủ đạo.

Tác động đối nội

Khác với những lần trước hay cuộc tập huấn phi tác chiến giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, cuộc tập trận Ulchi có cả sự tham gia của quân và dân Nam Hàn.

Bên cạnh quân đội, 400 nghìn công chức chính quyền Hàn cũng tham gia huấn luyện chống khủng bố.

Tổng thống Lee Myung-bak xác định rằng Hội nghị G-20 cần được bảo vệ trước nguy cơ miền Bắc cộng sản tấn công.


Vụ Hải quân Việt Nam đón tàu USS John McCain thu hút dư luận trong và ngoài nước 

Hai cuộc tập trận liên tiếp diễn ra ngay trước G-20 ở Seoul tháng 11 tới chắc chắn đang củng cố vị thế cho tổng thống Lee và nước chủ nhà.

Còn tại Đông Nam Á, với tuyên bố của bà Bấm Clinton ở Hà Nội làm Trung Quốc bất ngờ, Hoa Kỳ cũng rõ ràng hơn trong việc định ra luật chơi ở Biển Đông.

Với Trung Quốc, đây là một bài học về việc xử lý quan hệ toàn cầu.

Theo một số bình luận, chính quyền Obama quyết định Bấm 'nhìn lại' Trung Quốc sau Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu ở Copenhagen và vụ bán vũ khí cho Đài Loan.

Ngoài ra, trong quan hệ giữa hai vùng Đông Bắc và Đông Nam Á, Hoa Kỳ cũng giảm niềm tin vào thuyết rằng Bắc Kinh là đối tác tốt nhất để tác động tới Bình Nhưỡng.

Thái độ của Mỹ khiến các nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam được khích lệ và không còn quá e dè khi chuyển sang hướng quốc tế hóa vùng biển tranh chấp.

Câu hỏi đặt ra là liệu Hoa Kỳ có quyết tâm với các cam kết của họ hay không?

Điều này sẽ có ý nghĩa sống còn với Việt Nam về ngoại giao vì nước này chưa thể có hiệp ước quân sự với Mỹ như Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Về đối nội, có ý kiến từ Việt Nam hy vọng rằng đây là lúc 'thời thế tạo anh hùng'.

Một nhân vật có nhãn quan chính trị vượt lên tư duy bè phái, thể hiện năng lực lãnh đạo và định hướng đúng cho quốc gia trong bối cảnh 'gió đã đổi chiều' sẽ có thể nhân đà này tạo quyết định thay đổi nội bộ vào kỳ Đại hội Đảng tới.