Home Tin Tức Bình Luận Chiến tranh ma túy kéo dài, liệu Mexico có chịu thua?

Chiến tranh ma túy kéo dài, liệu Mexico có chịu thua? PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang (theo NPR)   
Thứ Hai, 23 Tháng 8 Năm 2010 20:08

Vì đâu đến tình trạng hiện nay?

MEXICO CITY (NPR) - Mexico hiện đang trong cuộc đối đầu đẫm máu nhất với thành phần băng đảng ma túy với khoảng 28,000 người thiệt mạng kể từ khi Tổng Thống Felipe Calderon tuyên chiến với thành phần buôn bán ma túy ngay sau khi ông lên cầm quyền vào cuối năm 2006.

Nhưng tình trạng buôn bán ma túy đã diễn ra từ lâu nay tại quốc gia này, và trong nhiều thập niên, ngay dưới sự mặc nhiên thừa nhận của chính phủ, theo các phân tích gia về ma túy tại Mexico.


Binh sĩ Mexico khám phá một trang trại trồng cần sa ở Tecate, miền Bắc Mexico. (Hình: AP Photo/Guillermo Arias)

 Sự thay đổi chính trị tại Mexico trong thời gian gần đây đã làm thay đổi cách thức hoạt động của các băng đảng ma túy.

Ðảng Thể Chế Cách Mạng (Institutional Revolution Party - PRI) cai trị Mexico trong hầu như cả thế kỷ 20. Năm 2000, sau 71 năm nắm quyền, đảng PRI sau cùng cũng bị mất chức tổng thống.

Trong suốt thập niên 60 cho đến thập niên 80, các tổ chức tội phạm và chính quyền hoạt động rất gần gũi với nhau, nếu không muốn nói là xoắn bện vào nhau, theo lời Diego Enrique Osorno, một nhà báo Mexico và là tác giả cuốn sách mới được xuất bản gần đây, The Sinaloa Cartel, nói về sự hình thành của băng đảng ma túy đáng sợ này.

“Chúng ta phải nhớ rằng trong giai đoạn này PRI kiểm soát tất cả mọi thứ,” ông Osorno nói. PRI kiểm soát báo chí, các mỏ dầu, nền chính trị và ngay cả việc buôn bán ma túy.

Ông Osorno cũng có được cuốn hồi ký của Miguel Felix Gallardo, người sáng lập băng ma túy Guadalajara. “Gallardo tự coi mình là một người làm việc cho PRI,” theo Osorno. “Ông ta làm việc cho chế độ để duy trì trật tự. Vào lúc đó, PRI là trung tâm quyền lực duy nhất.”

George Grayson, một giáo sư tại trường College of William and Mary, cho hay PRI bí mật thỏa thuận với thành phần tội phạm để chia vùng hoạt động, mỗi tay buôn ma túy có một khu vực hoạt động riêng tại Mexico.

“Các ông trùm sẽ hối lộ cho các giới chức cấp địa phương, tiểu bang và liên bang; đổi lại chính phủ sẽ lờ đi không xét đến hoạt động của họ,” Giáo Sư Grayson cho hay.

Nhưng các băng đảng ma túy dưới thời PRI phải tuân theo các luật lệ chặt chẽ. Họ phải hoạt động kín đáo, không được bắt cóc, tránh giết thường dân và không lấn vào vùng hoạt động của băng đảng ma túy khác.

“Và nếu có sự vi phạm thì PRI có khả năng để trừng phạt những kẻ táo gan đó,” theo ông Grayson.


Lính đứng canh cần sa tịch thu được khi đưa giới thiệu với báo chí ở Tijuana, Mexico, hôm 21 tháng 8.
(Hình: AP Photo/Guillermo Arias)

Một trong những ông trùm ma túy nổi tiếng thời đó là Pablo Acosta. Vào giữa thập niên 80, Acosta kiểm soát một khu vực rộng lớn chạy dọc theo biên giới Texas, nằm về phía Nam của El Paso.

Terrence Poppa, một ký giả của tờ El Paso Herald Post, viết một bài về Acosta, giải thích cách thức hoạt động của băng đảng ma túy Mexico. Và những gì ông khám phá, làm cho ông phải bàng hoàng.

“Ðây là một hệ thống bao che cho thành phần tội phạm chạy từ địa phương về đến thủ đô Mexico City và liên hệ tới nhiều tầng lớp viên chức chính quyền, kể cả cấp tổng thống Mexico,” ông nói.

Ông Poppa khám phá ra rằng văn phòng thống đốc tiểu bang Chihuahua bán cho Acosta quyền kiểm soát chuyển vận ma túy quan khu vực biên giới, cạnh vùng Big Bend ở Texas.

Poppa nói rằng mỗi tháng Acosta trả cho cảnh sát địa phương quân đội và một số giới chức PRI một phần tiền lấy từ lợi nhuận buôn bán ma túy của mình. Các giới chức PRI này sau đó hàng tháng gửi tiền đến cấp cao hơn trong hàng ngũ chính phủ.

Với quá nhiều người trong chính quyền nhận hối lộ từ thành phần buôn bán ma túy, chẳng ai thấy có lợi lộc gì để diệt trừ việc buôn ma túy. Hệ thống nhận và chia tiền hối lộ của PRI còn khuyến khích các băng đảng mở rộng hoạt động của họ hơn nữa, theo ông Poppa.

Các băng đảng gia tăng hệ thống đưa lậu võ khí từ Mỹ vào Mexico. Họ khởi sự mở ra các dịch vụ làm ăn buôn bán có giấy tờ hợp lệ để rửa tiền lời từ ma túy. Họ tuyển mộ các cựu quân nhân lực lượng đặc biệt để lập thành các đạo quân riêng của mình.

Và khi PRI mất ghế tổng thống năm 2000 vào tay ông Vicente Fox và đảng Quốc Gia Hành Ðộng (National Action Party - PAN), Mexico lâm vào tình trạng phù thủy không còn kiểm soát được âm binh.

Ông Calderon, cũng từ đảng PAN, thắng cử năm 2006 và thay thế ông Fox. Chính phủ của ông Calderon tìm cách tiêu diệt thành phần băng đảng ma túy, nhưng họ phản công quyết liệt bằng súng nặng, lựu đạn và ngay cả xe bom.

Cuộc chiến này gây ra tình trạng bất ổn ở nhiều nơi trong nước, khiến giới đầu tư ngoại quốc không dám tới và khiến nhiều ngàn người thiệt mạng. Và ngay cả với sự huy động hàng ngàn binh sĩ và cảnh sát liên bang, một số cơ chế tham nhũng thành lập dưới thời PRI vẫn còn tồn tại.

Và ở Quốc Hội Mexico, nay cũng có những lời kêu gọi hãy ngưng ngay cuộc chiến chống ma túy và hợp thức hóa tất cả các loại ma túy.

Và điều trớ trêu là tình trạng bất ổn do cuộc chiến chống ma túy gây ra đang làm cho đảng PRI, từng bị dân chúng ghét bỏ, dần có lại sự ủng hộ, theo lời Denise Dresser, một giáo sư khoa học chính trị ở Mexico City.

Ðảng PRI nay tìm cách xóa bỏ hình ảnh tham nhũng và độc tài của mình và cố để dành lại ghế tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2012.

“Ðiều này cũng giống như việc đảng Cộng Sản vùng dậy ở Nga. Chúng ta đang chứng kiến sự kiện quay trở lại nắm quyền của một đảng độc tài từng cai trị Mexico trong suốt 71 năm,” theo lời Giáo Sư Dresser.

Dù cho ai thắng thế trong cuộc bầu cử năm 2012 đi nữa cũng phải thay đổi cách đối phó với băng đảng ma túy. Nhiều cử tri Mexico nay còn hy vọng có sự quay trở lại của những ngày yên lành thuở trước, thời gian PRI để các băng đảng ma túy mặc tình thao túng, vận chuyển ma túy đổ vào Hoa Kỳ, nhưng để cho đường phố được an toàn, không đổ máu.