Home Tin Tức Bình Luận Khi Hoa Kỳ 'chọc tay vào mắt' Trung Quốc

Khi Hoa Kỳ 'chọc tay vào mắt' Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Ðỗ Dzũng/Người Việt (tổng hợp)   
Chúa Nhật, 29 Tháng 8 Năm 2010 21:14

Quốc tế bình luận Biển Ðông

Sự trở lại của Hoa Kỳ tại Ðông Nam Á trong lúc Trung Quốc ngày càng bành trướng cho thấy có thể có sự tranh chấp quyền lực giữa hai cường quốc thế giới trong tương lai gần.


Hàng không mẫu hạm USS George Washington. (Hình: Mate Second Class Robert Catalano/US Navy)

Hiện nay, Trung Quốc ngang nhiên nhận chủ quyền tới 80% Biển Ðông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tiềm tàng nhiều nguồn năng lượng và đang có tranh chấp với một số nước trong khối ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Tại hội nghị an ninh khu vực có tên The Shangri-La Dialogue tại Singapore hồi Tháng Sáu năm nay, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates đã nói: “Lợi ích an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ gắn liền với Châu Á. Chính sách của Mỹ rất rõ ràng: sự ổn định, tự do hàng hải và tự do phát triển kinh tế mà không bị cản trở là rất cần thiết và phải được duy trì. Chúng tôi không đứng về phía nào, nhưng chúng tôi phản đối mọi hành động sử dụng vũ lực và hành động để cản trở tự do hàng hải.”

Tại một hội nghị an ninh khác có tên ASEAN Regional Forum, tổ chức tại Hà Nội vào hạ tuần Tháng Bảy năm nay, Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố: “Hoa Kỳ, như những quốc gia khác, có quyền lợi quốc gia gắn liền với tự do hàng hải tại Châu Á và tôn trọng luật biển quốc tế tại Biển Ðông.

Chúng tôi chia sẻ quyền lợi này không chỉ với các nước ASEAN hoặc các nước tham dự hội nghị này, mà với tất cả các nước có bờ biển khác và cộng đồng thế giới. Hoa Kỳ ủng hộ một giải pháp ngoại giao hợp tác giữa các bên để giải quyết vấn đề đang tranh chấp. Chúng tôi phản đối bất cứ hình thức đe dọa hoặc sử dụng võ lực của bất cứ quốc gia nào.”

Cho tới nay, thế giới chưa biết Mỹ sẽ thật sự làm gì tại Biển Ðông trong những ngày tới.

Tuy nhiên, sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS George Washington, một trong những con tàu lớn nhất của Mỹ, tại Biển Ðông, biển Nhật Bản, cũng như chuyến thăm Việt Nam của khu trục hạm USS John McCain và nhiều hoạt động khác giữa hai quốc gia cựu thù làm nhiều nhà phân tích chú ý.

Thông điệp cho Trung Quốc

Sự hiện diện tích cực của Hải Quân Mỹ tại Biển Ðông cho thấy Washington muốn gởi một thông điệp cứng rắn nào đó cho Bắc Kinh.

Nhà báo Margie Mason, của hãng thông tấn AP, khi thăm con tàu này hôm 8 Tháng Tám viết rằng: “Siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ đến đây để gửi đi thông điệp rằng 'Trung Quốc không phải là quốc gia lớn duy nhất trong vùng.'”

Nhà báo Gordon Chang của báo Forbes còn đi xa hơn. Hôm 6 Tháng Tám, ông viết trên tờ báo này như sau: “Và thông điệp đó là gì? Mặc dù nhiều quan chức Mỹ sẽ không bao giờ nói công khai ra như thế, nhưng họ muốn chuyển tải điều gì đó giữa những dòng chữ này: ‘Chúng tôi hy vọng quý vị (Trung Quốc) hiểu rằng chúng tôi đã nhận đủ những đòi hỏi không bao giờ chấm dứt của quý vị và giờ chúng tôi đang chọc tay vào mắt quý vị đó. Chúc một ngày tốt lành!’”

Việt Nam dè dặt

Hà Nội vẫn dè dặt về sự hiện diện của Mỹ vì không muốn làm phật lòng Trung Quốc, một nước lớn sát nách với mình, mặc dù trong thâm tâm rất muốn có sự cân bằng giữa các cường quốc trên Biển Ðông.

 Ðô Ðốc Robert Willard, chỉ huy trưởng hạm đội Thái Bình Dương, tại cuộc họp báo ở Manila, Philippines, kêu gọi các quốc gia Ðông Nam Á nên gia tăng trang bị quân sự để bảo đảm an ninh trong vùng. (Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

Nhà báo Margie Mason dẫn lời giáo sư nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, Carlyle Thayer, nói: “Việt Nam không ủng hộ kiềm chế Trung Quốc, nhưng giống như phần lớn các nước ASEAN khác, họ muốn thấy có các siêu cường khác hiện diện cân bằng lẫn nhau.”

Cũng theo Giáo Sư Thayer: “Không phải tinh tế lắm cũng nhìn thấy Việt Nam muốn Hoa Kỳ hiện diện trong khu vực để cân bằng lực lượng với Trung Quốc.”

Ký giả Kelly Currie của tuần báo Weekly Standard hôm 6 Tháng Tám, 2010 cho rằng: “Khu vực (Biển Ðông) cần những người bạn để các quốc gia khác có thể dựa vào, bởi vì Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện diện ở đó.”

Phát biểu với BBC từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy nói: “Việc Hoa Kỳ quay trở lại Biển Ðông là quyết định đáng hoan nghênh.”

Tuy nhiên, ông Dy cũng cảnh báo: “Việt Nam không nên xem thường thái độ của phái diều hâu ở Trung Quốc.”

Ông Dy từng là đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh trong nhiều năm.

Cùng chung vai chung sức

Những gì xảy ra Biển Ðông, mặt khác cho thấy Hoa Kỳ không muốn “đơn thương độc mã” trong việc bảo đảm an ninh trong khu vực.

Trong một cuộc họp về an ninh định kỳ Mỹ-Philippines, tổ chức tại thủ đô Manila hôm 18 Tháng Tám, Ðô Ðốc Mỹ Robert Willard, chỉ huy trưởng hạm đội Thái Bình Dương, sau khi khẳng định sự hiện diện của Mỹ tại Biển Ðông đã yêu cầu các quốc gia trong vùng nên tự trang bị vũ khí để bảo đảm an ninh cho chính mình.

Ông nói: “Một điều rất quan trọng là các nước trong vùng nên đầu tư vào sức mạnh quân sự và mua thiết bị quân sự để bảo vệ lãnh hải của mình. Ðây là phương cách đề phòng đụng độ, không cho phép bất cứ tình huống nào trong khu vực dẫn đến chiến tranh.”

Hôm Thứ Tư, 25 Tháng Tám, vừa qua, nhật báo The China Post, xuất bản tại Hongkong, trích dẫn lời quan chức ngoại giao Bắc Kinh cho rằng Hoa Kỳ hiện đang bị sa lầy trong hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan đồng thời đang đương đầu với khó khăn kinh tế và ngân sách, sẽ dẫn đến việc giảm chi phí quốc phòng.

“Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates mới đây nói rằng mặc dù ngân sách quốc phòng tăng khoảng 1% hoặc 2% mỗi năm, điều này vẫn không đủ để duy trì lực lượng quân sự Mỹ hiện nay, một lực lượng đòi hòi ngân sách quốc phòng phải tăng từ 2% tới 3% mỗi năm,” nhật báo The China Post viết.

Phản ứng của Trung Quốc

Về phía Trung Quốc, sau một thời gian ngắn im lặng, đã bắt đầu cho thấy họ khó chịu, cho rằng Việt Nam đang “âm mưu” lợi dụng sự hiện diện của Hoa Kỳ.

Nhật báo The China Post đã trích lời bà Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, cảnh cáo Việt Nam có các cuộc tập trận với Hoa Kỳ trong thời gian qua và nói rằng như vậy sẽ “không tốt cho sức khỏe của họ.”

“Việt Nam đang ở trong tình trạng 'mong manh như vỏ trứng' với nhiều nguy cơ đến từ mọi phia,” nhật báo The China Post trích lời đại diện Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói.

“Việt Nam,” bà Khương Du cảnh cáo, “đang làm cho người Trung Quốc không hài lòng,” theo nhật báo The China Post.

Nhà nghiên cứu Douglas Paal của The Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu quan hệ quốc tế có văn phòng tại Washington, DC, giải thích: “Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ nhanh chóng nhận ra ý đồ của Mỹ. Nhưng không ai nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ im lặng và để vấn đề này trôi qua.

Vấn đề ở đây là Trung Quốc sẽ điều chỉnh vị thế của họ như thế nào trong những ngày tới sẽ là một ẩn dụ cho thấy ưu tiên của họ là gì và làm thế nào họ có thể cân bằng lực lượng trong khu vực.”

Về hàng không mẫu hạm USS George Washington, bà Khương Du còn thẳng thừng nói: “Hà Nội có thể đánh giá quá cao khả năng bảo vệ của Mỹ. Nếu Trung Quốc và Việt Nam giao chiến, không có chiếc hàng không mẫu hạm nào của bất cứ quốc gia nào có thể bảo đảm an ninh cho Việt Nam.” Nhật báo The China Post trích tiếp lời của bà Khương Du.

Bà còn “cố vấn” Việt Nam nên “từ bỏ ảo tưởng là muốn làm gì thì làm tại Biển Ðông dưới sự bảo vệ của hải quân Mỹ.”

Xung đột khó xảy ra

Các hoạt động nêu trên rõ ràng làm Biển Ðông “dậy sóng,” nhưng nhiều người cũng hoài nghi có một cuộc xung đột xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc hoặc giữa các quốc gia trong vùng.

Tiến Sĩ Richard Cronin, giám đốc chương trình Ðông Nam Á thuộc Viện Chiến Lược Stimson, Hoa Kỳ, trong một cuộc phỏng vấn của BBC, giải thích: “Ðộng lực tranh chấp tại Biển Ðông không phải là kỳ vọng vào nguồn lợi thiên nhiên tại đây, mà là các yếu tố khác như chủ quyền, tham vọng, lòng tự hào dân tộc. Tôi không cho rằng sẽ có xảy ra đụng độ vũ lực lớn tại Biển Ðông vì lý do năng lượng.”

“Việc sử dụng quân sự, nếu có, sẽ liên quan nhiều hơn tới an ninh, xung đột lợi ích giữa các quốc gia Ðộng lực lớn nhất cho sự tham gia của Hoa Kỳ là tiếp cận quân sự và hàng hải trong khu vực.

 Căng thẳng Mỹ-Trung bắt nguồn từ những vấn đề rộng lớn hơn là vấn đề Biển Ðông. Ðó là các vấn đề về địa chính trị, ai sẽ giành phần quyết định trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư,” ông Cronin nói tiếp.

Liệu ASEAN có thể đoàn kết?

Sau những ngày tháng sôi động, có thể Việt Nam, và nhiều quốc gia ASEAN, bắt đầu nghĩ cách để tận dụng sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.

Nhà báo Chua Chin Hon, trưởng văn phòng tại Hoa Kỳ của nhật báo The Straits Times (Singapore) hôm 7 Tháng Tám viết: “Nhưng cuối cùng, đây là một cuộc thử nghiệm cho các nước ASEAN. Sau khi hai cường quốc 'nhảy tango' với nhau, liệu các nước ASEAN có đoàn kết được để cùng nhau chống Trung Quốc hay lại bị 'tan hàng' vì áp lực của quốc gia lớn nhất Châu Á này.”

Về phía Mỹ, rõ ràng họ muốn xác định những gì Bộ Trưởng Gates, Bộ Trưởng Clinton và Ðô Ðốc Willard nói.

Trong một cuộc họp báo mới đây, Bộ Trưởng Ngoại Giao Philippines Alberto G. Romulo nói không cần sự hiện diện của Mỹ trong vùng và các tranh chấp tại Biển Ðông nên giải quyết song phương theo quy tắc ứng xử giữa các nước trong khu vực, một mục tiêu mà Trung Quốc vẫn theo đuổi bấy lâu nay.

Sự hiện diện của Mỹ là cần thiết

Nhật báo The Straits Times trích lời ông Ernest Bower, một chuyên gia về Ðông Á tại The Centre for Strategic and International Studies, nói rằng chính quyền Tổng Thống Barack Obama muốn có một cam kết tại Biển Ðông.

Ông giải thích: “Nếu quý vị làm ồn ào như vậy và làm Trung Quốc khó chịu rồi bỏ đi thì có lẽ không thể tha thứ được. Thật sự mà nói, hiện đã có đầy đủ sức ép, nhất là với hành động của Trung Quốc gần đây, để Hoa Kỳ nắm vai trò lãnh đạo tại Biển Ðông vào lúc này.”

“Cho tới nay, tôi không thấy quốc gia ASEAN nào đủ can đảm để đi đầu trong nỗ lực chống lại sự bành trướng bá quyền tại Biển Ðông trong tình trạng 'trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết,'” ông Ernest Bower nói thêm, hàm ý rằng nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ xung đột, các quốc gia xung quanh Biển Ðông sẽ lãnh hậu quả.

Dù sao, những gì xảy ra tại Biển Ðông trong những ngày qua rõ ràng làm Việt Nam hài lòng.

Ông Ed Ross, cựu phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, trong bài viết “Hoa Kỳ và Việt Nam: Cơn đau nửa đầu của Trung Quốc,” trên trang web của báo The Daily Caller hôm 27 Tháng Tám, viết: “Trong khi vẫn theo mô hình kinh tế thành công của Trung Quốc và chia sẻ những quan tâm của mình với Mỹ và các nước ASEAN liên quan đến tranh chấp ở Biển Ðông, Việt Nam vẫn không muốn khiêu khích láng giềng phương Bắc của mình.”

“Nhưng Việt Nam rõ ràng trân trọng sự trở lại của Mỹ,” theo ông Ed Ross.