Home Tin Tức Bình Luận Trịnh Hòa Chiếm Hoàng Sa Trường Sa Năm 1413 Và Khám Phá Mỹ Châu Năm 1421 ?

Trịnh Hòa Chiếm Hoàng Sa Trường Sa Năm 1413 Và Khám Phá Mỹ Châu Năm 1421 ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Luật Sư Nguyễn Hữu Thống   
Thứ Tư, 06 Tháng 10 Năm 2010 11:13

Mới đây, các học giả trong Viện Nghiên Cứu Chính Sách Hoa Kỳ đã phê phán chính sách bá quyền của Trung Quốc là Chính Sách Phát Xít Cổ Điển.

Thay vì thực thi chế độ đa nguyên, đa đảng theo sự mong đợi của mọi người, Trung Quốc càng ngày càng trở nên giáo điều và bảo thủ. Cũng như tại Ý 50 năm sau khi Phát Xít sụp đổ, nước Ý vẫn theo chế độ độc tài và đàn áp đối lập. Để biện minh cho chế độ họ đề cao Dân Tộc Ý Vĩ Đại thời Đế Quốc La Mã 2000 năm về trước.

Ngày nay, bắt chước Đế Quốc La Mã, Trung Quốc cũng đề cao “Dân Tộc Hán Vĩ Đại” để giữ độc quyền lãnh đạo. Với “tứ hiện đại hóa” Trung Quốc ra sức bành trướng về kinh tế và lãnh thổ. Họ phóng kim ngân thu nhân tâm, vận dụng truyền thông để giành cảm tình của các dân tộc trên thế giới, kỳ vọng rằng quốc tế sẽ khâm phục họ và mặc nhiên để họ thôn tính các lãnh thổ và hải đảo tại Á Châu Thái Bình Dương.

Tiếp theo Thế Vận Hội Bắc Kinh và Hội Chợ Quốc Tế Thượng Hải, trong thời gian gần đây, Trung Quốc còn phát động hai chiến dịch phô trương, tuyên truyền rằng:

1. Năm 1421, trong Chuyến Đi Thứ Sáu (1421-1422) của Chiến Dịch Thất Hạ Tây Dương, Trịnh Hòa đã khám phá Mỹ Châu, trước Christopher Columbus 71 năm (năm1492).  So với Vasco Da Gama là người đã khám phá Mũi Hảo Vọng và đi xuyên 3 đại dương, từ Đại Tây Dương qua Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương (năm 1498), Trịnh Hòa đã thực hiện cuộc hành trình xuyên 3 Đại Dương từ năm 1421, nghĩa là trước Vasco Da Gama 77 năm.

2. Và trước đó, trong Chuyền Đi Thứ Tư (1413-1415), Đô Đốc Thái Giám Trịnh Hòa đã xâm chiếm Chiêm Thành cả trên lục địa lẫn ngoài hải phận trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đây là hai chiến dịch truyền thông, mạo nhận thành tích để phô trương thanh thế. Dầu sao sự mạo nhận này đã bị lịch sử phủ nhận.

 
                                      Chiến thuyền của Trịnh Hòa
TRỊNH HÒA KHÁM PHÁ MỸ CHÂU NĂM 1421?

Trước hết, theo chính sử Trung Quốc, cuốn “Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ” do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978 đã viết như sau:

“Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Trung Hoa không tha thiết đến đại dương. Thản hoặc, trong các thế kỷ thứ ba và thứ hai Trước Công Nguyên (thời Đế Quốc Tần Hán), Trung Hoa đã gửi những đoàn thám hiểm đến Biển Nhật Bản. Và trong thế kỷ 15, Minh Thành Tổ  đã gửi những phái đoàn thám hiểm Tây Dương  đến  Đông Nam Á, Ấn Độ và Phi Châu. Riêng tại Thái Bình Dương, không có những vụ xâm nhập quy mô của Trung Quốc”.

Theo Minh Sử,  dưới các đời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc) và Minh Tuyên Tông (Tuyên Đức), Trịnh Hòa đã 7 lần thám hiểm Ấn Độ Dương hay Tây Dương tọa lạc về phía tây Trung Quốc.

 Theo cuốn Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ,  trong 28 năm, từ 1405 đến 1433, phái bộ Trịnh Hòa đã viếng thăm hơn 30 quốc gia duyên hải tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các địa điểm xa nhất là Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải về phía tây bắc, và đông Phi Châu về phía cực tây Ấn Độ Dương.

Đó là những chuyến đi về ngoại giao và thương mại (tribute  and trade). Những sự kiện này đã được ghi chép trong 3 loại tài liệu lịch sử:
a. Cuốn Minh Sử là chính sử
b. Các bia kỷ niệm và các đồ bản tuyên dương thành thích được tồn trữ tại Phúc Kiến là nơi xuất phát Chiến Dịch.
c. Các  cuốn sách  trước tác bởi các thành viên  tham gia Chiến Dịch như Doanh Nhai Thắng Lãm của Mã Hoan  năm 1451 (Ma Huan, Ying Yai Sheng Lan: Triumphant Vision of the Boundless Ocean); hay Tinh Tra Thắng Lãm của Phi Tín năm 1436 (Fei Xin, Hsing Cha Sheng Lan: Triumphant Vision of the Starring Raft). 
Ngoài ra cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi năm 1621 cũng tường thuật về 7 chuyến Thất Hạ Tây Dương trong đó Trịnh Hòa chỉ đi qua Biển Nam Hoa để khai phá Ấn Độ Dương (to cross the South China Sea and explore the Indian Ocean). Thông thường mỗi cuộc hải trình kéo dài 2 năm.

Trong ba chuyến đi đầu tiên (1405-1411) phái bộ Trịnh Hòa xuất phát từ Phúc Kiến, tới Phi Luật Tân, Nam Dương  và Mã Lai tại Thái Bình Dương, và đến Ấn Độ Dương tại Tích Lan và Calicut về phía tây Ấn Độ. 

Trong các Chuyến Đi Thứ Tư (1413-1415) và Chuyến Đi Thứ Năm (1417-1419) Trịnh Hòa đã đi quá Ấn Độ tới Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải đến các địa điểm xa nhất tại đông Phi Châu về phía cực tây Ấn Độ Dương. 

Về  Chuyến Đi Thứ Sáu (1421-1422) chiến dịch truyền thông hiện nay quảng bá rằng  Trịnh Hòa đã đi xuyên qua Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương và đã khám phá Mỹ Châu năm 1421.

Sau khi Minh Thành Tổ mất năm 1424, Trịnh Hòa không còn được trọng đãi. Dưới đời Minh Nhân Tông Chiến Dịch bị đình chỉ. Mãi 9 năm sau, năm 1431, dưới triều Minh Tuyên Tông Trịnh Hòa mới thực hiện Chuyến Đi Sau Cùng (1431-1433). Nhưng cũng chỉ đến Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải và Đông Phi Châu, địa điểm xa nhất là Malindi phía nam đường xích đạo.

Tuy nhiên, theo chính sử, Chuyến Đi Thứ Sáu của Trịnh Hòa là chuyến đi ngắn nhất chỉ kéo dài trong 7 tháng,  từ tháng 2-1421 đến tháng 9-1421. Trong chuyền đi này Trịnh Hòa chỉ đi từ Phúc Kiến đến Sumatra (Nam Dương). Kể từ đó hai sĩ quan tùy viên Yang Ching và Hung Pao đã điều khiển cuộc hải trình. (Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ, trang 290-292).

 Tổng kết lại, theo Trung Quốc Sử, trong 7 chuyến công du, Trịnh Hòa không đến Đại Tây Dương, mà chỉ đi qua Thái Bình Dương (Biển Nam Hoa) và Ấn Độ Dương mà họ gọi là Tây Dương. Và như vậy không có việc, trong thế kỷ 15, Trịnh Hòa đã đi xuyên qua 3 đại dương (Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương). Và cũng không có việc Trịnh Hòa đã đi qua 3 châu (Á, Phi và Âu) để khám phá Mỹ Châu năm 1421. 

Cùng với các nhà sử học Trung Quốc, các nhà khảo cứu về thám hiểm đại dương danh tiếng trên thế giới trong tập Bách Khoa Toàn Thư Anh Quốc cũng viết: “Đầu thế kỷ 15, Minh Thành Tổ phát động chính sách thổ địa và hải dương tích cực, cử Đô Đốc Thái Giám Trịnh Hòa phụ trách những cuộc hải trình qui mô bành trướng ngoại giao (massive tribute–collecting voyages) tại Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, Vịnh Ba Tư, đến Đông Phi Châu là địa điểm xa nhất”. (Encyclopedia Britannica 1981, p. 350)

 Hơn nữa, trong cuốn Tân Lịch Sử Trung Quốc, Giáo Sư John King Fairbank tại Đại Học Harvard đã vẽ bản đồ 7 cuộc hải trình của Trịnh Hòa, xuất phát từ Phúc Kiến, ghé qua Đồ Bàn hay Trà Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành, đến Java, Sumatra (Nam Dương), Colombo (Tích Lan), Calicut (Ấn Độ), Hormuz (Vịnh Ba Tư), Jiddah (Biển Hồng Hải) về phía tây bắc, rồi đến các hải cảng Magadishu và Malindi tại Đông Phi Châu về phía cực tây Ấn Độ Dương. (John King Fairbank, China, A New History, Map 18: The Voyages of Zheng He, Harvard University Press, 1991, p. 133).

 Ngoài ra, theo cuốn “Trung Hoa Thao Túng Đại Dương” nhà văn Louise Levathes  viết cho Nữu Ước Nhật Báo và là học giả thỉnh giảng tại Đại Học Nam Kinh, cũng xác nhận như sau:  “Trong thời gian từ 1405-1433,  đoàn bảo thuyền (treasure ships) do Đô Đốc Thái Giám Trịnh Hòa chỉ huy đã thực hiện 7 cuộc hành trình vượt qua các Biển Trung Hoa và Ấn Độ Dương, đến Đài Loan về phía đông, rồi đến Vịnh Ba Tư và bờ biển Đông Phi Châu về phía tây.

 Trong những cuộc tiếp xúc với các thương gia Ả Rập, người Trung Hoa cũng có nghe nói về Âu Châu. Tuy nhiên họ đã không đến miền “cực tây” đó, vì Âu Châu chỉ sản xuất len dạ và rượu vang là những sản phẩm không được thị trường Trung Quốc ưa chuộng”. (Louise Levathes: When China Ruled the Seas, Simon & Schuster, New York, 1994, p. 20)

 Như vậy, theo các sử liệu Trung Quốc và thế giới, Trịnh Hòa không lai vãng đến Đại Tây Dương và cũng  không khám phá Mỹ Châu năm 1421. Đây chỉ là một chiến dịch tuyên truyền dối trá, bịa đặt thành tích để phô trương thanh thế và bóp méo sự thật. Tuyên truyền dối trá là võ khí chiến lược số một của cộng sản.
 Trung thành với  sách lược này, ngày nay Bắc Kinh còn dựng đứng câu chuyện Trịnh Hòa đã chiếm Chiêm Thành cả trên lục địa lẫn ngoài hải phận với Hoàng Sa Trường Sa từ thế kỷ 15.
 
TRỊNH HÒA CHIẾM HOÀNG SA TRƯỜNG SA NĂM 1413?

 Sau khi đảo chánh cướp ngôi của cháu ruột là Minh Huệ Đế (1398-1402), để làm lạc hướng dư luận, về mặt quốc tế, năm 1405, Minh Thành Tổ phát động chiến dịch Thất Hạ Tây Dương. Về mặt quốc nội, huy động hàng trăm học giả Trung Quốc soạn thảo và phổ biến cuốn Vĩnh Lạc Đại Toàn để đề cao cá nhân kẻ soán đoạt là Chu Đệ hay Yên Vương nay là Minh Thành Tổ hiệu Vĩnh Lạc.

 Điều mỉa mai là, viện cớ khôi phục nhà Trần, Minh Thành Tổ, một kẻ soán đoạt, đã đem quân trừng phạt Hồ Quí Ly là một kẻ soán đoạt khác. Trương Phụ, Mộc Thạnh truyền hịch loan báo quân Tầu chỉ sang Việt Nam  để tái lập ngôi vua nhà Trần, một triều đại vinh quang được toàn dân kính mến sau 3 trận đại thắng quân Mông Cổ. Với chiêu bài “cứu dân phạt tội” nhằm thu phục nhân tâm, quân nhà Minh đánh đâu được đó, quân nhà Hồ phần giã ngũ, phần qui hàng. Chủ yếu Minh Thành Tổ đã lợi dụng thời cơ để đem quân thôn tính Đại Việt trong suốt 20 năm (từ 1407 đến 1427). Cũng như hồi đầu thế kỷ thứ hai, năm 111 Trước Công Nguyên, Hán Vũ Đế đã xâm chiếm nước Nam Việt do Triệu Vũ Đế thiết lập từ đầu thế kỷ thứ 3 Trước Công Nguyên (năm 207).

 Về Chiến Dịch Thất Hạ Tây Dương, trong Chuyến Đi Thứ Nhất (1405-1407), với một hạm đội hùng mạnh trên 27 ngàn sĩ tốt và hơn 300 chiếc tàu, trong đó có 62 bảo thuyền lớn (large treasure ships), Trịnh Hòa đã không đổ bộ tại Việt Nam, chỉ ghé bến Đồ Bàn hay Trà Bàn (Chaban) trong cuộc hải trình đến Phi Luật  Tân, Nam Dương, Mã Lai, Tích Lan và Ấn Độ (Calicut). Lúc này, nếu có kế hoạch thôn tính Chiêm Thành, Minh Thành Tổ chỉ cần điều động hạm đội hùng mạnh của Trịnh Hòa trong Chuyến Đi Thứ Nhất, chứ không cần phải đợi đến Chuyến Đi Thứ Tư (năm 1413) mới dùng thủ đoạn đồng minh giả hiệu để xâm chiếm Chiêm Thành cả trên lục địa lẫn ngoài hải phận.

 Vả lại, theo chính sử, về Chuyến Đi  Thứ Tư (1413- 1415), Minh Sử chỉ ghi Trịnh Hòa đã đến Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải và Đông Phi Châu, chứ không ghi việc Trịnh Hòa đã chiếm Hoàng Sa Trường Sa. Đặc biệt Trịnh Hòa đã ra huấn thị: “phải tránh xa các vùng đá ngầm và các đảo nguy hiểm tại Biển Nam Hoa”. Trong nhiều chuyến đi sau này, nhiều bảo thuyền đã bị mất tích vì bão tố.

 (The fleet headed across the South China Sea toward Champa. Special care was taken to avoid the hazardous reefs and islands in the South China Sea. On later voyages some of the treasure ships were lost there in storms, Louise Levathes: When China Ruled the Seas, p. 93).

Điều đáng lưu ý là, lập trường hiện nay của Chính Phủ Bắc Kinh cho rằng Trịnh Hòa đã chiếm Chiêm Thành và vùng hải phận Hoàng Sa Trường Sa dưới đời Nhà Minh (thế kỷ 15) hoàn toàn mâu thuẫn với lập trường của chính họ năm 1951 trong Bản Chú Giải về Đảo Nam Uy và Quần Đảo Tây Sa  ngày 1-9-1951, theo đó Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa Trường Sa từ đời Nhà Tống (thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 13). (Notes on the Nanwei and Sisha Islands of 9-1-1951: People’s China Foreign Language Press).

Tuy nhiên, 5 năm sau, khi Phi Luật Tân đòi chủ quyền các hải đảo tại Trường Sa, ngày 29-5-1956 Trung Quốc đã lên tiếng phản kháng  và chủ trương rằng các hải đảo này đã thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc từ đời Nhà Minh (thế kỷ 15). Dầu sao, trong cả hai trường hợp, đây chỉ là những quyết đoán hồ đồ hay những khẩu thuyết vô bằng. Vì nếu Bắc Kinh dám tuyên bố Trịnh Hòa đã khám phá Mỹ Châu năm 1421, thì họ cũng không ngần ngại bịa đặt rằng Trịnh Hòa đã thôn tính Chiêm Thành và các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa năm 1413.

Kết luận:
 Về hai chiến dịch truyền thông cho rằng Trịnh Hòa đã khám phá Mỹ Châu năm 1421, và đã chiếm hữu Hoàng Sa Trường Sa năm 1413, chúng ta chỉ có thể kết luận: Phải là người Đại Hán có đảm lược (to gan lớn mật) mới dám lấy những chuyện hoang đường võng tưởng làm sự thật lịch sử.
                            
(Tháng 8-2010)