Mỹ, Trung Quốc và Biển Đông đầy sóng gió |
Tác Giả: Lê Phước / RFI | |||
Chúa Nhật, 24 Tháng 10 Năm 2010 18:54 | |||
Gần đây, đề tài Biển Đông ngày càng thu hút dư luận thế giới. Trung Quốc tuyên bố 80% chủ quyền trên vùng biển này. Các nước tranh chấp lo ngại sự hung hăng của Trung Quốc nên luôn tìm cách quốc tế hóa vấn đề. Hoa Kỳ thì tìm thấy cơ hội tái lập ảnh hưởng trong khu vực. Hồi tháng 7 rồi, tại Hà Nội, bà Hillary Clinton đã khẳng định quyền lợi cốt lõi của Washington trên Biển Đông. Đầu tháng 10, cũng tại Hà Nội, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng tái khẳng định quyền tự do thông thương hàng hải trên vùng biển này. Với tựa đề : « Bắc Kinh, Washington và vùng nước đầy nguy hiểm », tuần san Courrier International phân tích tình hình phức tạp ở vùng biển đang tranh chấp này.
Đi từ đảo Hải Nam, đảo Palawan Philippin đến vùng biển Nha Trang, du khách sẽ dễ dàng bị nguyến rũ bởi vẻ đẹp vùng Biển Đông. Thế nhưng, trớ trêu thay, đây lại chính là khu vực tranh chấp từ lâu nay, và hiện tại cũng là mối bất hòa giữa Washington và Bắc Kinh. Biển Đông là trục giao thương quan trọng nhất ở vùng Đông Á. Đó là con đường ngắn nhất giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đến Trung Đông và châu Âu. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu dầu hỏa chủ yếu qua con đường này. Trong khi mức cầu đang càng tăng thì trữ lượng khí đốt trong khu vực ngày càng giảm, vì thế, Trung Quốc ngày càng lệ thuộc vào việc nhập khẩu dầu. Ngoài ra, vùng biển này cũng rất có giá trị trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản. Trên đảo Hải Nam, hiện diện một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất của quân đội Trung Quốc, đó là căn cứ hải quân Tam Á, bộ phận chủ lực của hạm đội tàu ngầm của Bắc Kinh đang rất phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Trong vài năm nữa, Tam Á sẽ là căn cứ của những tàu ngầm nguyên tử, bao gồm cả những tàu khổng lồ trang bị tên lửa đạn đạo, được xem là « chủ lực » trong lực lượng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Từ căn cứ này, Trung Quốc có thể làm bàn đạp để triển khai sức mạnh hàng hải qua khỏi các đảo thuộc Nhật Bản và đảo Guam, lãnh thổ thuộc Mỹ ở Thái Bình Dương, thậm chí đến tận những nơi cần thiết để phát triển kinh tế. Tác giả cũng đề cập đến vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Đây là một vịnh thiên nhiên lớn nhất vùng Đông Á, do Hoa Kỳ xây dựng hồi chiến tranh Việt Nam. Sau đó, khi quan hệ Hà Nội - Bắc Kinh xấu đi vào cuối những năm 70, Việt Nam đã giao lại cho Liên Xô. Những người Nga cuối cùng đã rời Cam Ranh vào năm 2002, nhưng hiện tại, du khách có thể nhìn thấy những chiến hạm Việt Nam do Nga sản xuất. Tác giả cũng cho hay, chắc chắn Cam Ranh sẽ sở hữu 6 tàu ngầm tối tân hạng Kilo mà Hà Nội đang đặt hàng với Matxcơva. Quân đội Philippin được xếp vào hàng yếu nhất khu vực. Vì thế, các tướng lãnh quân đội nước này hiện tại vẫn không dám mạnh miệng như trước đây. Tác giả nhắc lại : Về vụ tranh chấp trên đảo Mischief Reef với Trung Quốc cách đây mười năm, một tướng Philippine từng nói rằng « chỉ cần một quả bom 500 kilo là có thể giải quyết mọi chuyện », mọi chuyện ở đây có nghĩa là các cơ sơ quân sự mà Trung Quốc cho xây dựng trên đảo nằm trong khu vực mà Philippine cho là thuộc đặc quyền kinh tế của họ . Thậm chí vào thời đó, bộ trưởng Quốc phòng Philippine còn so sánh Trung Quốc « như là một con chó đi tiểu khắp nơi để đánh dấu lãnh địa của mình ». Còn hiện tại, khó mà tưởng tượng được rằng một quan chức Philippine dám mạnh miệng như vậy trước sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự của Trung Quốc. Để hiểu rõ hơn vấn đề Biển Đông, tác giả đưa ta ra vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tâm điểm của những căng thẳng trong khu vực : Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố toàn bộ chủ quyền tại hai vùng này, còn Philippine, Malaysia và Brunei thì tuyên bố một phần chủ quyền ở Trường Sa. Đài Loan cũng có cùng yêu sách như Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc chiếm toàn bộ Hoàng sa và đã cho xây dựng một hệ thống đồn quân sự , và một trạm nghe lén chiến lược hiện đại trên đảo Phú Lâm. Còn ở Trường Sa, Việt Nam hiện tại quản lí khoảng 30 đảo nhỏ và bãi đá ngầm, và đã cho triển khai ở đó 600 lính phòng thủ. Phlippine cũng đang giữ 10 đảo, Trung Quốc 9 đảo, Malaysia 7 đảo. Đài Loan chỉ được 1 đảo, nhưng là đảo lớn nhất : đảo Ba Bình, nơi duy nhất có nguồn nước ngọt thiên nhiên ở Trường Sa. Cách đó chừng 2,2 cây số, là một căn cứ quân sự qui mô của Việt Nam trên đảo Sơn Ca. Một nguyên nhân khác ít là việc hiện diện những mỏ dầu chưa khai thác. Hiện tại Trung Quốc và Việt Nam sản xuất dầu hỏa và khí đốt chỉ ở khu vực phía bắc và tây nam, còn một phần lớn trữ lượng tiềm tàng dưới đáy biển vẫn chưa được xác định. Cách dây vài năm, nguồn tài nguyên tiềm ẩn này là trung tâm của mọi xung đột. Thế nhưng, vấn đề đã thay đổi. Vai trò là cửa ngõ hàng hải huyết mạch của Biển Đông đối với tham vọng bá quyền của Trung Quốc đã gây quan ngại cho các quốc gia trong khu vực. Mấy tháng gần đây, Bắc Kinh đã cho bắt hàng trăm ngư dân Việt Nam. Hải Quân Trung Quốc cũng tiến hành diễn tập với qui mô chưa từng có, rồi Bắc Kinh lại gây sức ép buộc các tập đoàn dầu hỏa chấm dứt hợp đồng thăm dò với Hà Nội. Bắc Kinh cũng liên tiếp cảnh báo những hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ trên Biển Đông, trong khi đó Mỹ và các nước đồng minh khẳng định rằng những công ước hiện hành cho phép hoạt động quân sự thông thường trên hải phận quốc tế. Về phía Việt Nam, tác giả cũng nhận định, hiếm có nước nào phải chịu nhiều chiến tranh để giành lại độc lập chủ quyền như Việt Nam. Vì thế, các tướng lĩnh Việt Nam ngại có xung đột, dù là một xung đột nhỏ, với cường quốc mới nổi Trung Quốc. Họ muốn trang bị phương tiện răn đe để Bắc Kinh phải có sự e dè trước khi muốn tấn công. Chính vì thế, Việt Nam đã tăng cường mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao quân sự, tìm kiếm một quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, yêu cầu đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của Asean. Hoa Kỳ thì khẳng định ưu tiên cho « một thỏa thuận hòa bình và đa phương ». Tác giả cảnh báo, hiện tại đáng quan ngại nhất là chỉ một sai lầm nhỏ hay một trục trặc nào đó sẽ làm cho tình hình mất kiểm soát. Lo lắng này cũng đến từ những chuyện mới đây mà tác giả nhắc lại : Năm 1988, pháo hạm Trung Quốc đã giao chiến với quân tuần tra Việt nam ở quần đảo Trường Sa, kết quả là Trung Quốc chiếm thêm 6 đảo. Còn câu chuyện Hoàng Sa thì phải trở lại năm 1974. Khi đó, Hà Nội đang chuẩn bị cho trận tấn công «mùa xuân » để chấm dứt 20 năm chiến tranh, mà phần lớn là nhờ sự hỗ trợ của Bắc Kinh. Thế là, một buổi sáng, các tướng lĩnh Việt Nam chợt nhận ra tình đồng chí của họ với Bắc Kinh vốn có giới hạn và người đồng chí Trung Quốc của họ đã lợi dụng cơ hội và sự yếu kém của hải quân Việt Nam Cộng Hòa để đánh chiếm Hoàng Sa. Tác giả kết luận : « Nếu những mỹ từ không còn có gia trị nữa và khi vũ khí lên tiếng, thì rõ ràng Biển Đông sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm trong những ngày tháng tới. Như vậy, chỉ còn phải trông chờ vào khả năng giữ được bình tĩnh của lãnh đạo các nước trong khu vực».
|