Home Tin Tức Bình Luận Ngăn cản lễ trao giải Nobel cho Lưu Hiểu Ba : Trung Quốc cả giận mất khôn

Ngăn cản lễ trao giải Nobel cho Lưu Hiểu Ba : Trung Quốc cả giận mất khôn PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành RFI   
Thứ Hai, 15 Tháng 11 Năm 2010 06:33

Bắc Kinh đã yêu cầu các nước châu Âu tẩy chay lễ trao giải Nobel Hòa bình vào ngày 10/12 tới, tại Oslo cho ông Lưu Hiểu Ba, nhà ly khai Trung Quốc, hiện đang bị cầm tù.

 
 Biểu tình ủng hộ Lưu Hiểu Ba tại Hồng Kông (10/10/2010)
REUTERS/Bobby Yip
« Bắc Kinh không nguôi giận », là đầu đề của một bài xã luận được tuần báo New York Times bằng tiếng Pháp của Le Figaro, tuyển chọn và tóm lược. Bỏ ngoài tai tất cả, sự hung hăng của Trung Quốc là không có giới hạn. New York Times cho biết : Bắc Kinh đã yêu cầu các nước châu Âu tẩy chay lễ trao giải Nobel Hòa bình vào ngày 10/12 tới, tại Oslo cho ông Lưu Hiểu Ba, nhà ly khai Trung Quốc, hiện đang bị cầm tù.

Chính quyền Trung Quốc muốn giành được ảnh hưởng và sự kính nể, thông qua con đường đe dọa. Trước hết, Bắc Kinh dọa nạt Ủy ban trao giải Nobel, với thông báo việc trao giải có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy. Tuy nhiên, Ủy ban đã không bị lay chuyển.

Dù sao, Trung Quốc đã gặt hái được một thành công trong trường hợp tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon. Trong cuộc gặp vừa qua với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, ông Ban Ki-moon đã không đề cập đến việc giải Nobel Hòa bình bị bắt giam. Trong khi đó, chính phủ Pháp cho biết vấn đề nhân quyền đã được nêu ra trong cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước tại Paris. Công chúng không biết trường hợp ông Lưu Hiểu Ba có được đề cập đến trong dịp này hay không, nhưng Paris đã cử đại diện tham dự lễ trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba tại Na Uy.

Một thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng thông báo rằng những người tham gia vào lễ trao giải, « sẽ phải hứng chịu những hậu quả ». Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng giải Nobel Hòa bình là « lá bài chính trị mà Hoa Kỳ và một số nước châu Âu sử dụng, vì họ lo sợ trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc », nhằm mục tiêu làm Trung Quốc mất ổn định.

Ông Lưu Hiểu Ba, giảng viên đại học 54 tuổi, nhà văn và nhà phê bình xã hội, là người Trung Quốc đầu tiên nhận được giải thưởng cao quý này. Lòng dũng cảm và tài năng mang lại hòa bình của ông thật là hiếm có. Trong cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, ông đã thực hiện một đợt tuyệt thực, rồi đứng ra thương thuyết để các sinh viên có thể được phép rút ra khỏi quảng trường, trước một đội quân hàng nghìn binh sĩ có trang bị vũ khí, mà không xảy ra đụng độ nào.

Kể từ đó, bất chấp việc bị bắt bớ thường xuyên, ông đã không chịu im lặng. Việc chính quyền vừa kết án ông Lưu Hiểu Ba 11 năm tù, vì tội danh tuyên truyền lật đổ, là để trừng phạt việc ông đã tham gia soạn thảo bản Hiến chương 08, kêu gọi cải cách dân chủ, và chấm dứt chế độ độc đảng.

New York Times nhận xét : Sự giận dữ của Trung Quốc một lần nữa nhắc cho chúng ta thấy rõ, giới cầm quyền độc đoán tại Bắc Kinh đã giận quá mất khôn, họ đã bị mất liên hệ với thực tế. Chính vì thế, bài báo kết luận : Xã hội Trung Quốc lại càng cần đến tự do.

         Hàng hóa rẻ hơn, Hồng Kông trở thành nơi mua đồ thông dụng của người Thẩm Quyến

Cũng về Trung Quốc, Courrier International tuần này có bài « Hồng Kông, thiên đường mua sắm của Trung Quốc », với hàng tựa :Với việc giá cả tăng cao phía lục địa, các thói quen cũ bắt đầu đảo ngược. Nhiều người trong lục địa sang đi chợ tại Hồng Kông. Số lượng người Trung Quốc sang Hồng Kông, trong quý một năm nay đã tăng 26%, với khoảng 10,5 triệu lượt người.

Bài báo mở đầu với một quan sát, tại cửa khẩu Hồng Kông/Thẩm Quyến, phần lớn những người đến từ Hồng Kông đều mang theo rất nhiều hàng hóa tiêu thụ thông thường (muối, dầu, dấm, sữa, thực phẩm,…), khác hẳn với việc trước kia người ta đến Hồng Kông chỉ để mua những hàng « xịn ». Còn năm 2000, theo lời kể của một nhân chứng, khi cửa vào khu vực lãnh thổ đặc biệt này bắt đầu được mở, có rất nhiều người từ Hồng Kông sang Thẩm Quyến mua hàng vì giá rẻ.

Những người thu nhập thấp tại Hồng Kông còn có ý định sang định cư tại Thẩm Quyến. Nhưng trong vòng 10 năm nay, năng lực tiêu thụ của người Trung Quốc đại lục tăng vọt, nhờ đồng yuan tăng giá so với đồng đô la Hồng Kông (100 đô la ăn 87 yuan, trong khi trước đó, con số này là 97 yuan).

Một người phụ nữ Hồng Kông thường sang Thấm Quyến cho biết, giá cả bên đó tăng từ 10-20% chỉ trong vòng một quý. Một số người Hồng Kông có ý định sang sống ở Thẩm Quyến, sau khi về hưu, nay có thể sẽ thay đổi ý định.

Chỗ đứng nào cho « ý thức hệ đa văn hóa » trong các xã hội đương đại ?

Với hình ảnh khối rubic nhiều màu sắc, với những dấu vân tay trên từng mặt ô trên trang bìa, là biểu tượng căn cước của một cá nhân, đề tài chính của Courrier International tuần này là chủ đề đa nguyên văn hóa, với nhận định : tại Đức và Canada, « ý thức hệ đa văn hóa » (multiculturalisme) bị tấn công.

Cách đây hơn ba tuần (17/10), trong hội nghị thanh niên đảng CDU (Dân chủ Thiên chúa giáo), thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra một tuyên bố : ý thức hệ đa văn hóa « đã chết ». Nói một cách khác, mô hình xã hội chung sống hài hòa giữa các nền văn hóa khác nhau của Đức (Multikulti) đã hoàn toàn thất bại. Câu nói của thủ tướng Đức đã chuyển tải thông điệp về một vấn nạn lớn trong xã hội Đức, liên quan đến quan hệ giữa nền văn hóa của đa số người Đức và văn hóa của thiểu số người nhập cư, đặc biệt là người theo đạo Hồi. Lời tuyên bố này, được ví như « một tảng đá ném xuống ao nước », đã gây ra một chấn động lớn. Trong số báo này, Courrier International tập hợp nhiều cách nhìn khác nhau về một vấn đề rất được công chúng quan tâm : khả năng chung sống hòa bình giữa những nền văn hóa khác nhau trong các xã hội đương đại.

Ý thức hệ phổ quát và sự hội nhập triệt để

Mở đầu cho các quan điểm là nhà báo và nhà tùy bút chính trị Đức, Richard Herzinger, viết cho tờ Die Welt, một tờ báo vốn được coi là thuộc về cánh hữu. Chỉ trích quan điểm của thủ tướng Đức, tác giả nhận xét, mặc dầu bị phê phán trên thực tế, ý thức hệ đa văn hóa đã được các xã hội phương Tây chấp nhận. Hiện nay, không còn có bất cứ nhà chính trị Đức nào coi văn hóa Đức nằm ở vị trí bên trên trong bậc thang tiến hóa, so với các nền văn hóa khác. Tuy nhiên, ý thức hệ đa văn hóa ở hình thức cực đoan của nó thì lại rất mạnh trong các quốc gia Hồi giáo, từ đó, dẫn đến một số nhân nhượng ở phương Tây, cho rằng có những nền văn hóa về bản chất không thích hợp với dân chủ. Đối cực của ý thức hệ đa văn hóa là ý thức hệ phổ quát (universalisme), theo tác giả, chỉ có ý thức hệ phổ quát mới có thể bảo vệ được sự thống nhất của các xã hội đa nguyên, tự do.

Cũng về vấn đề này, Courier International dẫn một thực tế rất khác tại Ý, được tờ L’Espresso cung cấp, đó là quan điểm của phong trào chính trị Liên minh Phương Bắc, do nhà chính trị Umberto Bossi đứng đầu, cổ vũ cho một mô hình đòi hỏi những người nhập cư phải tuân thủ hoàn toàn các luật định và các truyền thống của xã hội tiếp nhận.

Những chiến lược chung sống trong xã hội đa nguyên :

quy tắc lịch sự bất thành văn, tôn trọng quan điểm khác biệt và quản lý công khai việc phê phán « các đức tin nền tảng », ...

Từ một tiếp cận khác, nhà triết học Slovenia nổi tiếng Slavoj Zizek, cho rằng ngay cả các giá trị tự do và ý thức hệ phổ quát cũng chỉ là một truyền thống đặc thù. Về thái độ cực đoan trong các phê phán, cũng như sự trả đũa mang tính cực đoan, ông Zizek, đồng thời cũng là một nhà phân tâm học, đã nêu ra một nhận xét đáng chú ý  sau đây. Quyền tự do ngôn luận chỉ vận hành được, nếu như tất cả mọi người đều tuân thủ cùng một loại quy tắc bất thành văn của thái độ lịch thiệp trong giao tiếp, cho dù xét cho cùng, các chỉ trích cực đoan được luật pháp cho phép. Như vậy, nếu các thành viên của xã hội không chấp nhận các quy tắc bất thành văn, là nền tảng của sự đối xử lịch thiệp này, thì ý thức hệ đa văn hóa có thể chuyển thành cơ hội hợp pháp để những hận thù và vô minh xả ra bên ngoài. Chính vì thế, đối với những ai muốn phấn đấu cho sự giải phóng con người, thì điều ưu tiên là khuyến khích việc tôn trọng con người một cách thật giản dị và xây dựng được một nền văn hóa mới, khả dĩ cho phép các nền văn hóa dị biệt cùng tồn tại và hòa trộn được với nhau.

Về khả năng chung sống hòa bình giữa những nền văn hóa khác nhau trong các xã hội đương đại, Courrier International dẫn ra một góc nhìn thứ tư của Charles Taylor - nhà triết học Canada, được coi là nhà tư tưởng hàng đầu của ý thức hệ đa văn hóa hiện nay. Chúng ta biết, với 20% thành viên của xã hội Canada sinh ra ở nước ngoài, Canada là nước có tỷ lệ người nhập cư cao hàng đầu trong số các nước phương Tây (tỷ lệ này ở Pháp là 8,4% và ở Mỹ là 13,7%). Theo Charles Taylor, trong lịch sử, đạo lý chính trị của các xã hội phương Tây theo Thiên chúa giáo luôn luôn dựa trên một nền tảng đơn giản và duy nhất. Theo ông, ở châu Âu, nhiều loại hình xã hội trung lập về mặt ý thức hệ tôn giáo (laicité) đã được thử nghiệm, nhưng sai lầm được lặp lại liên tục, trong các xã hội này, là sự áp đặt độc đoán một tôn giáo dân sự khai sáng (religion civile des Lumières). Hiện nay, theo nhà triết học Charles Taylors, không còn có thể xây dựng xã hội dựa trên niềm tin vào Chúa, vào chủ nghĩa thế tục độc đoán, hay vào các quyền con người chung chung. Nhân loại hiện nay đang bước vào một giai đoạn hết sức mới mẻ, với một thách thức chưa từng có trong lịch sử.

Thách thức đó là làm thế nào để tạo ra được một đạo lý chính trị mới mẻ, có khả năng khuyến khích tinh thần đoàn kết, thông qua con đường thừa nhận những cách nhìn rất khác nhau, cũng như những nhận thức rất khác nhau đối với những cái nhìn kể trên. Đối thoại để xác lập một thái độ tôn trọng những cách tiếp cận khác nhau là một điều mấu chốt trong quá trình này.

Để tạm thời khép lại cuộc thảo luận về ý thức hệ đa văn hóa, Courrier International đưa ra quan điểm, đến từ một tờ báo Canada, của nhà khoa học giáo dục gốc Ấn Độ Kenan Malik, hiện làm việc tại đại học Surrey (Anh). Nhà khoa học này kêu gọi : Đừng hy sinh tự do ngôn luận, với việc nâng ý thức hệ đa văn hóa trở thành một học thuyết chính trị chính thống. Bởi vì, đứng từ quan điểm của ý thức hệ đa văn hóa, các phát ngôn được đưa ra trong không gian công phải tự kiểm duyệt để giảm thiểu sự va chạm giữa các nền văn hóa và để tránh làm tổn thương những người thuộc các văn hóa khác. Ngược lại với điều này, theo ông, trong một xã hội đa nguyên, nơi sự khác biệt ngự trị, thì điều không thể tránh khỏi là việc « các đức tin mang tính nền tảng » (croyances fondamentales) của một nền văn hóa có khả năng bị đụng chạm, bị phê phán quyết liệt. Như vậy, để giúp cho sự tiến bộ của xã hội, cần quản lý các va chạm một cách công khai (gérer ouvertement), chứ không được tránh né.
Tham gia vào cuộc tranh luận mang tính phê phán về « những đức tin mang tính nền tảng », chính là con đường thoát ra khỏi nền chính trị của sự sợ hãi, nỗi sợ hãi trước người khác, trước văn hóa khác ; thoát ra khỏi ý thức hệ đa văn hóa cực đoan, với chủ trương đặt mỗi cá nhân vào một khuôn khổ sắc tộc mang tính áp đặt. Bên cạnh đó, phải cố gắng bảo vệ được những kinh nghiệm sống đa dạng, trong các lĩnh vực khác nhau : trong đời sống di cư, nhập cư, trong cuộc đấu tranh cho tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận, cho đòi hỏi đối xử bình đẳng.