Home Tin Tức Bình Luận Người trí thức trong chế độ cộng sản?

Người trí thức trong chế độ cộng sản? PDF Print E-mail
Tác Giả: Định Hướng số 2010   
Thứ Bảy, 08 Tháng 1 Năm 2011 06:35

Nếu kẻ sĩ trong truyền thống được hiểu là người học biết, tuân giữ và phát huy đạo nghĩa làm người,

thì người trí thức hôm nay như chỉ được hiểu một cách nông cạn là những kẻ có nhiều bằng cấp, học vị, và kiến thức.

Nhưng dù có hiểu thế nào, thì kẻ sĩ hay người trí thức cũng cần có chút suy nghĩ trước những mâu thuẩn của xã hội mình đang sống, và có một tiếng nói về những nghịch thường đó. Sở dĩ như thế, vì con người trong xã hội đang chờ đợi giới trí thức của thời đại mình những chỉ dẫn tương xứng với lòng kính trọng và tin tưởng mà người ta dành cho thành phần được ưu đãi nầy.

Hôm nay, hơn bao giờ hết, xã hội tại Việt-Nam đang dựa vào bằng cấp, chạy chọt tìm những họ vị thật cao, thật kêu để xác minh vị thế “trí thức đáng trọng vọng của mình !” Đảng đang cố gắng “làm trí thức”, và trí thức đang cố tháp mình thẩm nhập vào đảng để hưởng độc quyền lãnh đạo toàn dân.

Điểm nghịch thường đáng quan tâm mà những con người “trí thức có bằng cấp” trong xã hội nầy không nhận ra hoặc cố ý không muốn nhận ra, và vì thế họ không hề lên tiếng, đó là :

* Một mặt, ý thức hệ cộng sản luôn tôn vinh giai cấp vô sản và tầng lớp lao động là giá trị tối thượng của xã hội, là thành phần đương nhiên có sứ mệnh lãnh đạo. Chính ý thức hệ nầy định hình khuôn mẫu lý luận của giới “ trí thức có bằng cấp”, áp đặt mức thang giá trị cho mọi ứng xử, và biện minh cho sự chính đáng của một đảng nhân danh ý hệ nầy trong cương vị đại diện và độc quyền lãnh đạo toàn dân (xem điều 4 của Hiến Pháp),
  
* Thì mặt khác, không một ai mang đảng tịch công sản hiện nay, ở cấp trung ương cũng như ở các cấp bộ địa phương, là vô sản hay lao động cả. Ngược lại, dựa vào ý hệ mà họ tôn vinh, mỗi đảng viên không những là một tiềm năng mà là một thực tế, đang kết bè kết đảng để độc quyền cai trị toàn dân và tích lũy lợi lộc cho cá nhân mình và phe nhóm mình, làm nên một tầng lớp ưu đãi chiếm hữu của cải và quyền lực trong xã hội.

Kẻ gọi là “trí thức” trong xã hội cộng sản, có thể vì chọn lựa lý tưởng riêng, hoặc cũng có thể vì trình độ hạn chế của mình đã không nhận ra những huyễn hoặc của ý thức hệ cộng sản. Nhưng làm sao đã được gọi là người có học, họ lại có thể mù quáng đến mức không thấy, không ngột ngạt khó chịu trước mâu thuẩn hiển nhiên giữa một bên ý hệ cộng sản mà Đảng Cộng sản Việt-Nam (mà họ là thành phần) tôn vinh để tự biện minh, và bên kia là thực thế trái ngược của xã hội mà đảng ấy đang độc quyền lãnh đạo!

Kỳ cùng, phải chăng vấn nạn có thể được đặt ra hôm nay là: có thể nào có người trí thức trong chế độ cộng sản không?