Home Tin Tức Bình Luận Đảng CS Việt Nam giữ nguyên đường lối, bất chấp nguy cơ bất ổn kinh tế

Đảng CS Việt Nam giữ nguyên đường lối, bất chấp nguy cơ bất ổn kinh tế PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Phương   
Thứ Tư, 19 Tháng 1 Năm 2011 11:51

 Việt Nam sẽ không bao giờ có đa đảng và những ai hoạt động cho dân chủ và nhân quyền sẽ tiếp tục bị đàn áp.

Trong thành phần Bộ chính trị vừa mới được bầu lên, tân tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng trên nguyên tắc là nhân vật lãnh đạo số một của chế độ, nhưng trên thực tế, quyền lãnh đạo, ít ra là về mặt kinh tế, là nằm trong tay thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người sẽ tiếp tục nắm quyền thêm 5 năm nữa.

Lên làm tổng bí thư, có lẽ vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ mờ nhạt như ông Nông Đức Mạnh trong nhiệm kỳ vừa qua.

Các lãnh đạo đảng CS VN chụp hình chung với các đại biểu ngành Công an, tham gia đại hội XI (18/01/2011) REUTERS/Kham 

Sở dĩ ông Nguyễn Tấn Dũng có thế lực không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, đó là nhờ ông biết tranh thủ sự ủng hộ của giới báo chí trong nước, giới doanh nghiệp, của các sứ quán phương Tây, nhưng vẫn giữ được sự yểm trợ của lực lượng công an và quân đội.

Theo lời ông Benoit Tréglodé, giám đốc Viện nghiên cứu về Đông Nam Á đương đại ( IRASEC ), được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, « sự can thiệp của quân đội để bảo vệ ông Dũng là đã là một trong những yếu tố chủ chốt giúp ông giữ được quyền lực ».

Nắm quyền thủ tướng thêm một nhiệm kỳ, ông Nguyễn Tấn Dũng phải tìm giải pháp đối phó với khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam, quốc gia vẫn có mức tăng trưởng cao, nhưng nay đang có nguy cơ bị mất ổn định kinh tế do lạm phát tăng vọt và do mức thâm thủng mậu dịch, thâm thủng cán cân vãng lai ngày càng lớn.

Có một chi tiết đáng chú ý là đa số các đại biểu dự Đại hội Đảng đã bác bỏ cái gọi là « chế độ công hữu về tư liệu sản xuất » được ghi trong bản dự thảo Cương lĩnh, một bước lùi về đường lối kinh tế, gây quan ngại cho giới chuyên gia và giới doanh nghiệp. Khoảng 65% đại biểu đã bỏ phiếu tán thành phương án thứ hai, định nghĩa đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa là « nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp ».

Thật ra thì cái định nghĩa được thông qua vẫn cho thấy sự bế tắc về học thuyết của cái gọi là « kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa », một nền kinh tế mà trong đó, khu vực Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo, cho dù đa số các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ và phần đóng góp của khu vực này vào tổng sản phẩm nội địa ( GDP ) ngày càng thấp, trong khi đó khu vực kinh tế tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử và gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ ngân hàng.

Đại hội lần thứ 11 đã cho thấy là Đảng Cộng sản Việt Nam có vẻ như không hề thay đổi chính sách tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng, để tiếp tục đạt được những tỷ lệ cao, bất chấp nguy cơ tăng trưởng quá nóng.

 Tuy nhiên, một số nhà kinh tế, như ông Alan Pham, thuộc công ty VinaSecurities, thì nghĩ rằng, có thể là bây giờ ban lãnh đạo mới sẽ quản lý tốt hơn nền kinh tế và họ đã học được nhiều bài học từ những xáo trộn vừa qua.

 Một số nhà doanh nghiệp được hãng tin Bloomberg News trích dẫn, như ông Ngô Thế Triệu, điều hành Quỹ đầu tư cân bằng Prudential, cũng nghĩ rằng việc ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục giữ chức thủ tướng có thể là điều tốt đối với thị trường nói chung, vì nay chính phủ đã nhận thức rõ những nguy cơ.

Các nhà phân tích dự đoán là ngay sau Đại hội Đảng, chính phủ Việt Nam sẽ tăng lãi suất và phá giá tiền đồng một lần nữa, trong nỗ lực kềm chế lạm phát.

Nhưng làm gì thì làm, ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải giải quyết dứt điểm vụ Vinashin, vì tình trạng gần như phá sản của tập đoàn này (cũng như tình trạng cũng đáng ngại không kém của một số tập đoàn kinh tế khác) đã làm tổn hại mức độ tín nhiệm của Việt Nam đối với giới đầu tư quốc tế. Xa hơn, chính phủ Hà Nội sẽ buộc phải đẩy mạnh tiến trình cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước, mà cho tới nay vẫn bị chỉ trích là quá chậm chạp.

Cho dù tiếp tục cải tổ kinh tế, ban lãnh đạo mới của Đảng sẽ không thay đổi gì về mặt chính trị,  Việt Nam sẽ không bao giờ có đa đảng và những ai hoạt động cho dân chủ và nhân quyền sẽ tiếp tục bị đàn áp.

Chỉ có điều, trong một xã hội mà Internet có tác động ngày càng lớn trên suy nghĩ của người dân, Đảng Cộng sản Việt Nam cảm thấy cần phải tự cải tổ, tự « dân chủ hóa nội bộ » để có một bộ mặt dễ coi hơn, như nhận định của ông David Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore.