Home Tin Tức Bình Luận Hải sản bị đe dọa, nếu phóng xạ rơi xuống Thái Bình Dương

Hải sản bị đe dọa, nếu phóng xạ rơi xuống Thái Bình Dương PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Năm, 17 Tháng 3 Năm 2011 11:17

Các báo Pháp hôm nay đều tiếp tục chia sẻ nỗi đau với Nhật Bản và mối lo ngại của toàn thế giới.

 Nhật báo Le Monde chạy tít lớn trên trang nhất « Những nỗ lực vô vọng ở Fukushima ». Libération dành trọn trang nhất cho bức ảnh một cụ bà Nhật đang chấp tay cầu nguyện với hàng tựa « Sống sót ».

Xả thịt cá voi tại cảng Wada Minamiboso, đông nam Nhật Bản, 28/6/2008.
REUTERS/Toru Hanai/Files   

Trang nhất tờ L’Humanité đăng bài « Fukushima trước thềm địa ngục ». Tờ báo cho biết, một dân biểu thuộc đảng Cộng sản Nhật tố cáo sự thất trách của tập đoàn Tepco, tập đoàn trực tiếp khai thác nhà máy Fukushima.

Nhật báo La Croix và Le Figaro cũng dành trang nhất cho chủ đề hạt nhân với bài « Những chiến sỹ cứu cấp » và « Nhật Bản cố gắng tránh để xảy ra thêm một vụ Tchernobyl ». Les Echos thông tin sâu về tình hình rối rắm do thảm họa Fukushima với bài viết đăng trên tranh nhất « Thảm họa làm thay đổi mọi thứ ».

Theo hướng gió hiện tại, các chất phóng xạ thoát ra từ lò hạt nhân Fukushima sẽ bị đẩy về hướng Thái Bình Dương, và có thời gian phân tán trong bầu khí quyển và lòng đại dương. Nhưng như thế thì lợi bất cập hại, bởi đại dương sẽ bị ô nhiễm phóng xạ. Về vấn đề này, Le Monde cảnh báo « Sự nhiễm chất phóng xạ của Thái Bình Dương sẽ đe dọa nguồn hải sản ».

Nếu lòng biển bị nhiễm xạ, hải sản cũng bị nhiễm theo. Người chịu thiệt nhất chính là người Nhật, bởi họ nằm trong số những người ăn hải sản nhiều nhất thế giới, với từ 70 đến 80 kg/người/năm.

Tờ báo nhắc lại, vụ nổ Tchernobyl vào năm 1986 đã ảnh hưởng phần nào đến biển cả, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là biển Baltique và Biển Đen.

Le Monde cho biết, nguồn nhiễm phóng xạ cho biển cả chủ yếu đến từ các vụ thử tên vũ khí hạt nhân được tiến hành trong những năm 1960, và đến từ các nhà máy xử lý chất đốt La Hague của Pháp và Sellafield của Anh.

Hiện tại, nước biển sử dụng làm nguội các lò phản ứng ở Fukushima sẽ bốc hơi, và trên lý thuyết thì nước này sẽ không bị thải vào môi trường thiên nhiên.

 Tuy nhiên, qua đường không khí, các phân tử phóng xạ có thể gây ô nhiễm cho môi trường nước. Một chuyên gia nhận định, nếu có mưa thì những đám mây bụi chứa phóng xạ sẽ đến với đại dương dễ dàng hơn ».

Theo kinh nghiệm từ vụ Tchernobyl, các phân tử phóng xạ có thể bị cuốn rất nhanh xuống lòng đại dương thông qua những động thực vật nổi. Đáng chú ý là, những sinh vật nổi lại là tầng đầu tiên trong chuỗi thực phẩm trong đại dương.

Các phân tử phóng xạ như vậy sẽ có thể gây nhiễm cho tất các các sinh vật biển, vì thế, cũng sẽ gây hại cho con người. Người Nhật ăn rất nhiều rong biển, mà rong biển thì lại chứa rất nhiều chất phóng xạ i-ốt. Chất này có trong tự nhiên hoặc được thải ra từ các lò hạt nhân.

Hiện tại, chưa có lệnh cấm dùng hải sản nào được đưa ra. Ấn Độ, Singapore, Ski Lanka, Đài Loan, Philippines và Malaisia đã thông báo vào hôm thứ hai là có ý định tiến hành kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhất là thực phẩm tươi sống.