Home Tin Tức Bình Luận Nước Mỹ 'yếu' trong vụ Libya

Nước Mỹ 'yếu' trong vụ Libya PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh   
Thứ Sáu, 18 Tháng 3 Năm 2011 09:17

Khi Hoa Kỳ không đưa ra quyết định cứng rắn, các đồng minh Tây Phương của Mỹ cũng không hành động cứng rắn.

WASHINGTON D.C. - Bất kể tình hình Libya biến chuyển như thế nào trong những ngày sắp tới, Tổng Thống Barack Obam vẫn giữ nguyên quyết định đã có từ đầu: để các nước khác công khai lên tiếng nói về những biện pháp thế giới cần phải làm nhằm cứu nguy các lực lượng nổi dậy, Hoa Kỳ chỉ thực hiện những quyết định được thông qua từ Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

 
Tổng Thống Obama (hình: Olivier Douliery-Pool/Getty Images)

Từ những ngày cuối tháng 2 đến giờ, thái độ của Tổng Thống Obama khiến nhiều người ngạc nhiên, đến khó chịu, và không thiếu lời chỉ trích cho rằng ông không phải là một nhà lãnh đạo tài giỏi hay đủ khôn ngoan để giải quyết những “điểm nóng” toàn cầu, trong lúc cả thế giới đều trông ngóng quyết định của Washington.

Rất nhiều chính trị gia và bình luận gia bảo thủ của nhiều nước đã lên tiếng trách móc ông về điều này, cho rằng thái độ thiếu sáng suốt của ông đã vô tình giúp Moammar Gaddafi cơ hội gia tăng đàn áp thô bạo những lực lượng tranh đấu đòi tự do, dân chủ đang công khai chống lại chế độ độc tài mà họ phải chịu đựng từ hơn 40 năm qua.

Kể từ khi cuộc chính biến diễn ra tại Tripoli và những thành phố khác trên lãnh thổ Libya tới giờ, Tổng Thống Obama chỉ mới đưa ra có 2 lời phát biểu trình bày quan điểm của Washington về biến chuyển chính trị cả thế giới theo dõi từng giây, từng phút.

 Trong lúc các nước Châu Âu lên tiếng nói về giải pháp “no-fly zone,” ông cũng không trả lời câu hỏi liệu Hoa Kỳ có ủng hộ hay không.

Thái độ mạnh mẽ duy nhất của ông là lên tiếng đòi Gaddafi phải ra đi, và ông chỉ nói điều này sau khi tham khảo với Tổng Thống Pháp Nicholas Sarkozi để biết chắc chắn đồng minh có cùng lập trường với mình.

Nhưng tới khi Paris quyết định công nhận chính phủ cách mạng lâm thời Libya và trao đổi đại sứ, Washington chỉ cho biết “đã liên lạc với lực lượng nổi dậy,” và mãi 3 ngày sau đó Tòa Bạch Ốc mới thông báo ông quyết định cử bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton đi Trung Ðông với trách nhiệm tìm hiểu và mở rộng quan hệ với thành phần chống đối Gaddafi.

Một viên chức hành pháp cho biết, ngay trong phiên họp mới diễn ra sáng Thứ Hai đầu tuần này, “hầu như không có thay đổi gì về chuyện có ủng hộ no-fly zone hay không” và các biện pháp được nhắc lại “vẫn là phá sóng hệ thống liên lạc của quân đội Libya cũng như trao cho hải quân trách nhiệm thực hiện các chương trình cứu trợ nhân đạo.”

 Viên chức yêu cầu không nêu tên này cũng cho biết các thành viên của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đều đồng ý “tình hình sẽ thay đổi mỗi giờ, mỗi ngày” nhưng “tất cả mọi quyết định của Washington đều tùy thuộc vào quyết định của Liên Hiệp Quốc.” Ðiều đó có nghĩa là Hoa Kỳ giữ y nguyên thái độ đã có, đừng trông mong gì chuyện Washington sẽ đi bước đầu trong việc sử dụng giải pháp quân sự để giải quyết “vụ Libya.”

Những nguồn tin khác nhau nghe được từ Washington cho hay ông Obama có quyết định như vậy vì tình báo Hoa Kỳ “không biết gì nhiều về những lực lượng đang nổi dậy ở Libya, không thể đoán biết những gì sẽ xảy ra sau khi nhà độc tài Gaddafi bị lật đổ,” và tướng lãnh Mỹ không đồng nhất với nhau về giải pháp quân sự có thể làm để giúp lực lượng nổi dậy.

Vì thế, hầu như chẳng ai ngạc nhiên khi nghe ông Ben Rhodes của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia bảo “Hoa Kỳ sẽ không đơn phương quyết định giải pháp cho Libya. Mọi quyết định đều phải thông qua Hội Ðồng Bảo An.”

Chính thái độ không mấy mặn mà của nước Mỹ khiến các nước Tây Phương cũng phải chần chừ, kéo dài thời gian tranh cãi về câu hỏi nên hay không nên sử dụng giải có giải pháp cứu nguy cho những người tham gia nổi dậy.

Trong lúc cuộc tranh cãi tiếp diễn, Gaddafi tiếp tục áp dụng những biện pháp mạnh với thành phần chống đối, và những cuộc giao tranh đẫm máu đã xảy ra ở nhiều nơi trên lãnh thổ Libya.

Ðến khi đích thân Tổng Thống Pháp Sarkozy gửi thư cho 15 quốc gia thành viên yêu cầu ủng hộ ý kiến ông đưa ra từ những ngày đầu tiên, lúc đó nước Mỹ mới thay đổi thái độ, và chính thái độ muộn màng này của Washington đã khiến cho một số người tin rằng mọi quyết định của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đều là những quyết định quá trễ.

 Một trong những người lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ nhất chính là Cựu Ngoại Trưởng Bernard Kouchner của Pháp, khi ông lên tiếng trên Ðài Pháp Thanh Quốc Tế Thụy Sĩ rằng “rõ ràng đã quá trễ” và giải pháp “no-fly zone” không thôi sẽ không giải quyết được chuyện gì cho Libya cả.

Hoa Kỳ sẽ giữ vai trò gì trong quyết định Hội Ðồng Bảo An mới thông qua hồi tối hôm nay? Các viên chức Tòa Bạch Ốc cho biết Washington sẽ giữ vai trò yểm trợ và tình báo, trong khi Không Quân Anh-Pháp đảm nhận trách nhiệm canh gác không phận, không để máy bay của không quân Libya cất cánh, và các quốc gia thành viên của Liên Ðoàn Ả Rập giữ vai trò ủng hộ tinh thần.

Một viên chức thân cận với Tổng Thống Obama tin rằng đây là giải pháp “hợp lý nhất” để có thể đạt được 3 mục tiêu: ngưng các cuộc giao tranh dưới đất, chấm dứt những vụ thảm sát do quân đội Libya gây nên và đẩy Gaddafi vào thế phải thương lượng với thành phần nổi dậy đòi dân chủ.

Câu hỏi cần được đặt ra ở đây là khi Hoa Kỳ chỉ đóng vai trò yểm trợ và tình báo không thôi, liệu các quốc gia Tây Phương có thể làm tròn trách nhiệm hay không? Trong bài viết được phổ biến trên mạng Internet, sử gia Michael Cox của Viện Kinh Tế Luân Ðôn e ngại “thái độ của nước Mỹ chưa đủ để giải quyết được chuyện cần phải giải quyết.”

Giáo Sư Cox cho rằng lịch sử chứng minh rất rõ: khi Hoa Kỳ không đưa ra quyết định cứng rắn, các đồng minh Tây Phương của Mỹ cũng không hành động cứng rắn.

Ông Cox cũng chỉ trích là sau những lời phát biểu mạnh mẽ ủng hộ người dân Ai Cập, Tổng Thống Obama “không có một chiến lược rõ rệt” đối với phong trào cách mạng ở những nước Trung Ðông khác, để yên cho Gaddafi giết người ở Libya và cũng làm ngơ khi thấy Saudi Arabia đưa quân vào Bahrain, giúp đồng minh thân tín của nước Mỹ đàn áp thành phần đối lập.