Home Tin Tức Bình Luận Quan hệ Mỹ-Pakistan khó khăn hơn sau vụ triệt hạ Ben Laden

Quan hệ Mỹ-Pakistan khó khăn hơn sau vụ triệt hạ Ben Laden PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Tư, 04 Tháng 5 Năm 2011 08:41

Trong vụ trừ khử Ben Laden, Pakistan đã bị mất mặt.

Vụ lực lượng đặc nhiệm Mỹ triệt hạ trùm khủng bố Oussama Ben Laden ngay trên lãnh thổ Pakistan đã đặt chính quyền Islamabad vào tình thế lúng túng.

Trong vụ trừ khử Ben Laden, Pakistan đã bị mất mặt. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan, vốn đã phức tạp, nay lại càng có nguy cơ khó khăn thêm.

Tổng thống Obama và đồng nhiệm Asif Ali Zardari (RFI / P. Moussart)

Hôm qua, Pakistan tố cáo vụ tấn công của Mỹ để tiêu diệt Ben Laden. Bộ Ngoại giao nước này « bầy tỏ sự lo ngại sâu sắc và dè dặt về cách thức chính phủ Mỹ thực hiện thành công hoạt động này mà không thông báo và xin phép trước chính phủ Pakistan », Islamabad không chấp nhận « những hoạt động đơn phương không xin phép như vậy », kể cả đối với Hoa Kỳ. Thậm chí, Pakistan còn đe dọa là những vụ tấn công theo kiểu này làm « tổn hại sự hợp tác và đôi khi trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế ».

Trong vụ trừ khử Ben Laden, Pakistan đã bị mất mặt. Trả lời phỏng vấn tạp chí Time, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, Leon Panetta, không ngần ngại cho biết, Mỹ đã không thông báo cho Pakistan về vụ đột kích bởi vì nước này có thể sẽ báo động cho thủ lãnh Al Qaeda.

Từ nhiều năm nay, Pakistan đã bị nghi ngờ áp dụng chính sách hai mặt trong cuộc chiến chống khủng bố. Tháng 10 năm 2009, chính Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi công du Pakistan đã nói thẳng với chính quyền Islamabad, xin trích, « Al Qaeda đã ẩn náu tại Pakistan từ 2002. Tôi khó có thể tin rằng không một ai trong chính phủ của các ngài lại không biết những kẻ này ở đâu và không thể bắt giữ được chúng nếu như họ thực sự muốn làm việc này ».

Sự kiện Ben Laden bình thản sống cùng vợ con trong một khu biệt thự ở Abbottabad, cách Islamabad khoảng 80 km càng củng cố những cáo buộc nói trên. Thủ tướng Anh David Cameron, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cũng đòi Pakistan phải làm rõ vấn đề này.

Trên tờ Washington Post, tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã bác bỏ những nghi ngờ và khẳng định rằng việc trừ khử Ben Laden là kết quả của một thập niên hợp tác và quan hệ đối tác giữa Mỹ và Pakistan.

Việc triệt hạ được thủ lãnh Al Qaeda không chỉ là một thắng lợi đối với nước Mỹ mà còn là một thắng lợi của cá nhân tổng thống Barack Obama, trong bối cảnh có nhiều khả năng ông sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm tới. Theo một cuộc thăm dò dư luận do Reuters và Ipsos thực hiện, thì 39% số người được hỏi nói rằng quan điểm của họ về ông Obama đã được cải thiện sau khi Ben Laden phải đền tội.

Bất chấp những nghi ngờ về thái độ của Pakistan, Hoa Kỳ vẫn cần đến vai trò của nước này trong cuộc chiến hiện nay tại Afghanistan. Do vậy, Washington tìm cách tránh làm cho quan hệ với Islamabad xấu đi.

Thế nhưng, theo giới phân tích, chính quyền Obama sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục Nghị viện Hoa Kỳ viện trợ cho Pakistan. Kể từ biến cố 11/09/2001 đến nay, viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ cho Pakistan lên đến 20 tỷ đô la.

Một số nghị sĩ Hoa Kỳ đòi xem xét lại chính sách viện trợ cho Pakistan bởi vì chính phủ hiện đang gặp khó khăn về tài chính, tại sao lại đi giúp đỡ một quốc gia không hoàn toàn ủng hộ Hoa Kỳ chống khủng bố.

Nhà Trắng thừa nhận sự bất bình của các nghị sĩ là có cơ sở và hứa sẽ thảo luận với phía Pakistan về việc tại sao Ben Laden lại có thể lẩn trốn ngay sát Islamabad trong một thời gian dài như vậy.

Còn phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner thì nhấn mạnh rằng viện trợ cho chính quyền Islamabad là vì lợi ích lâu dài của Pakistan đồng thời cũng phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.