Home Tin Tức Bình Luận Tiến thoái

Tiến thoái PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan   
Thứ Hai, 24 Tháng 10 Năm 2011 08:02

Trong số những phản ứng trước cái chết của ông Muammar Gaddafi, ý kiến của phát ngôn nhân chính phủ Iraq Ali Al-Dabbagh, tuy bộc trực nhưng đúng nhất.

Ông Al Dabbagh, khi bị các nhà báo túm hỏi ý kiến, đã thản nhiên bảo họ là Ðại Tá Gaddafi đáng lẽ phải học bài học của cựu Tổng Thống Saddam Hussein của Iraq. Ông còn bảo là chính ông đã từng nhắc nhở ông Gaddafi. Ông nói: “Tôi nhắc nhở Gaddafi về số phận của Saddam Hussein khi tôi gặp ông ta, bởi Saddam giết dân mình. Nay Gaddafi cũng chịu chung số phận vì ông cũng đã có những tội với nhân dân Libya.” Hơn thế ông khẳng định: “Ðây là một thí dụ, một thí dụng sống. Saddam Hussein đã là một thí dụ như vậy. Chính Gaddafi đã khuyến cáo các lãnh tụ Ả Rập về một số phận tương tự. Nay chuyện cũng lại như vậy, và chúng ta cần phải có những thí dụ đó cho các lãnh tụ Ả Rập khác thấy chuyện gì sẽ xảy ra từ một chế độ độc tài. Ðây là một kết liễu tự nhiên cho một chế độ độc tài.”

Mà quả ông Al Dabbagh nói đúng. Sau khi Hoa Kỳ mang quân lật đổ Saddam Hussein, chính ông Gaddafi đã thấy thời thế đã thay đổi. Kể từ lúc đó ông đổi giọng với Tây phương, hủy chương trình hạt nhân của mình, tìm cách làm hòa. Nhưng như ông Al Dabbagh cũng đã giải thích, ông Gaddafi mới chỉ học được một nửa bài học. Ông chiều lòng Tây phương để được mở cấm vận kinh tế, nhưng ông vẫn tiếp tục ức hiếp nhân dân của mình.

Kể từ khi cuộc Cách Mạng Hoa Lài bắt đầu, Mùa Xuân Ả Rập xảy ra, dân chúng không còn chấp nhận chịu lùi bước trước đàn áp nữa.

Ở một khía cạnh nào đó, cái chết đẫm máu của ông Gaddafi là chuyện hầu như là định mệnh an bài. Cách đây vài tháng, khi cuộc chiến của phe nổi dậy đang còn gặp khó khăn, đồng minh Tây phương bắt đầu mất bình tĩnh, nhất là trong hoàn cảnh Anh và Pháp khám phá ra là họ đã phải sử dụng hết khả năng Không Quân của mình cho việc yểm trợ cho lực lượng nổi dậy, ông có thể cứu mạng sống của mình và của gia đình, trốn đi lưu vong, với sự đồng ý của các nhóm Libya đối lập và các đồng minh Tây phương.

Ngay cả cáo trạng của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế cũng có một giai đoạn có thể điều đình được.

Nhưng không, ông đại tá nhất định sống trong thế giới của riêng mình, cai trị Libya như là một cơ sở kinh doanh gia đình, gia đình ông dĩ nhiên, và buộc nhân dân sống dưới sự tàn bạo của một con người mà nhận thức bắt đầu mang tính hoang tưởng.

Ngay cả khi Tripoli rơi vào tay phe nổi dậy cách đây hai tháng, ông vẫn tin là nhân dân Libya ủng hộ ông. Chạy về quê hương ở Sirte, ông tiếp tục chỉ huy cuộc “kháng chiến,” bảo với số ủng hộ ngày càng ít ỏi là chiến thắng sẽ chỉ trong nay mai. Cách đây chỉ vài tuần thôi, ông còn lên tiếng kêu gọi “tổng nổi dậy, tổng khởi nghĩa” của toàn dân. Và ngay trong những ngày qua, trong khi thúc giục những người trung thành với mình tiếp tục chiến đấu, ông đã tính lẻn ra vào lúc hừng sáng, để trốn thoát thân. Nhưng lần này thì ông đã để quá trễ.

Thực ra thời đại Gaddafi ở Libya đã kết thúc từ mùa Hè năm nay, khi phe nổi dậy ăn mừng tại Quảng trường Xanh, và xông vào khu dinh thự của ông để nhảy vào hồ bơi ông tắm thử xem lãnh tụ hưởng thụ sướng đến mức nào. Lúc đó, hầu hết gia đình ông đã tìm cách trốn khỏi Libya. Cậu Seif, người mà đã có lúc Tây phương tưởng sẽ là bộ mặt của một Libya tiến bộ hơn, có lẽ đã chết, cậu Muatassim, được nói chính là chỉ huy của lực lượng đã cố thủ Sirte, có lẽ đã bị bắt hay bị chết cùng với cha.

Cái chết của ông Gaddafi sẽ làm nổi da gà của những nhà độc tài còn lại của vùng Trung Ðông và Bắc Phi, một số cho đến nay vẫn tin tưởng là có thể dẹp yên được cuộc nổi dậy của dân chúng. Phải nói chiều hướng tương lai của họ không có gì là lạc quan. Hiện nay có ba thí dụ cho sự kết liễu một chế độc tài Ả Rập hay Phi Châu: Tổng Thống Zine al-Abidine Ben Ali của Tunisia bỏ trốn hôm Tháng Giêng, và hiện đang sống sung sướng ở Saudi Arabi; Hosni Mubarak của Ai Cập, bị lật đổ hôm Tháng Hai, nay đang ngồi tù; và Muammar Gaddafi thì đã chết.

Nhưng có một lý do sâu xa hơn khiến những nhà độc tài ở Phi Châu và trên thế giới phải e ngại. Một nhà tranh đấu cho dân chủ ở Ghana, ông George Ayitteh thì giải thích lý do một cách hệ thống hơn. Ông nói các nhà độc tài này cai trị nhờ nắm độc quyền trong sáu định chế quan trọng: các lực lượng an ninh, truyền thông, hệ thống công chức, quốc hội, tòa án, và ủy ban bầu cử. Nhưng trong số sáu định chế này, truyền thông ngày càng trượt ra khỏi tay các nhà độc tài vì sự bành trướng của các đài phát thanh FM thương mại và hơn thế, sự bành trướng của Internet, nhất là ở thành thị.

Ông Ayitteh nói là chính quyền hầu như bất lực trong việc kiểm soát Internet, trong khi radio là một phương tiện truyền thông rất mạnh ở Phi Châu. Và chính vì vậy mà “ngày họ sẽ càng khó có thể tiếp tục duy trì quyền lực.”

Hơn thế, sự sụp đổ của Bức Tường Berlin và sự tan rã của Liên Xô sau đó đã chấm dứt vai trò của Phi Châu như là chiến trường cho hai phe trong Chiến Tranh Lạnh đối đầu, với hai siêu cường và đồng minh của họ hỗ trợ cho những nhà độc tài tuy đàn áp dân mình, nhưng sẵn sàng chấp nhận chủ thuyết của cường quốc. Một sự thay đổi trong chính sách của Pháp cũng đã làm cho một số nhà độc tài đương nhiệm ở các cựu thuộc địa hổng cẳng.

Ông Laurent Gbagbo đã học được kinh nghiệm cay đắng đó khi vào Tháng Tư, sau khi để cho binh sĩ của mình bắn đạn thật vào dân, đã mất chức bởi một lực lượng nổi dậy hỗ trợ bởi quân đội Pháp.

Nhưng có lẽ yếu tố quan trọng nhất là đô thị hóa và tuổi trẻ. Phi Châu ngày nay là một lục địa rất trẻ và áp lực dân số khiến ngày đa số của họ đều lớn lên trong các đô thị. Và những thanh niên đô thị này thường có kiến thức hơn, hiểu biết hơn, và đa số biết Internet ở một mức độ nào đó.

Cũng như Trung Quốc đã khám phá ra, số thanh niên lưu dân từ nông thôn ra tỉnh làm việc nay không có ý định trở về nông thôn nữa. Họ cũng có học hơn, hiểu biết hơn, và đòi hỏi hơn. Ðồng lương rẻ mạt mà cha anh họ chấp nhận giờ đây không được họ đồng ý nữa.

Tình trạng này sẽ tạo áp lực lên các chế độ độc tài, ngay cả các chế độ ở Ðông Á. Trung Quốc có thể đang lão hóa rất nhanh nhưng có lẽ chưa đủ nhanh để làm nhẹ bớt sự bất mãn và đòi hỏi của giới thanh niên đô thị. Việt Nam còn tương đối lão hóa chậm hơn thành ra lại càng dễ bị ảnh hưởng của phong trào này hơn.

Và dĩ nhiên, đúng truyền thống của những nhà độc tài, họ tin vào tuyên truyền của mình. Tuy sợ biến động, bạo loạn, tìm cách kiểm soát đủ thứ, nhưng họ vẫn tin là chỉ có họ mới có quyền cai trị đất nước.

Rồi cũng có lúc họ sẽ thấy như ông Gaddafi là lúc cần thoái lui đã qua rồi.