Home Tin Tức Thời Sự Cầu Bình Lợi, 'cây cầu tự vận'

Cầu Bình Lợi, 'cây cầu tự vận' PDF Print E-mail
Tác Giả: Bài và Hình: Nguyễn Đạt- Người Việt   
Thứ Bảy, 23 Tháng 6 Năm 2012 18:50

Thoạt đầu, cầu Bình Lợi có một nhịp quay, và mặt cầu được lắp ghép bằng gỗ 

SÀI GÒN - Cầu Bình Lợi ở cuối đường Nơ Trang Long, trước thuộc tỉnh Gia Ðịnh, bây giờ thuộc phường 13, quận Bình Thạnh. Qua cầu Bình Lợi gặp Bình Triệu, là khu vực giáp ranh quận Thủ Ðức. Con đường mang tên Kha Vạn Cân đi vào thị trấn Thủ Ðức, ngó thẳng sang một đầu cầu Bình Lợi.

 

 

Cầu Bình Lợi được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20.

 

Trước 30 tháng 4, 1975, nhắc nhớ cây cầu Bình Lợi, mọi người tức thì liên tưởng tới những người tự vận; từ cây cầu này, gieo mình xuống dòng nước sông Sài Gòn.

Cầu Bình Lợi là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn, do hãng Lavelois Perret của Pháp thi công xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20; cây cầu có đường rầy cho xe lửa tuyến Sài Gòn-Biên Hòa, bây giờ thuộc tuyến đường sắt Bắc-Nam. Thoạt đầu, cầu Bình Lợi có một nhịp quay, và mặt cầu được lắp ghép bằng gỗ.

Từ nhiều năm nay, đi qua cầu Bình Lợi rất nguy hiểm. Chúng tôi nói đùa mà thật, rằng không khéo mình cũng trở thành kẻ tự vận ở cầu Bình Lợi: đường chính của cầu trở thành tuyến đường sắt dành riêng cho xe lửa; đường phụ rất hẹp ở bên phải - nhìn từ đầu cầu ở cuối đường Nơ Trang Long - dành cho xe 2 bánh, kể cả xe 3 bánh, lưu thông hai chiều.

Mặt cầu ở đường phụ này ghép bằng những tấm sắt trơn; điều khiển xe lệch tay lái một chút, cầm chắc cả xe và người rớt xuống sông, qua những khe hở khá lớn ở thành cầu. Nghĩa là cây cầu Bình Lợi không hề có lưới che chắn ở thành cầu; những thanh chắn của thành cầu lại quá thưa, thật thích hợp với mọi loại tự vận!

Hẳn nhiều người không quên tin tức trên các nhật báo, từng đăng nhiều vụ quyên sinh ở cầu Bình Lợi, trước 30 tháng 4.

 Tính trung bình, mỗi năm có tới chục người, từ trên cầu Bình Lợi gieo mình xuống dòng sông Sài Gòn. Chị người bạn thân của chúng tôi, là trưởng nữ của cố nhà báo kỳ cựu Lê Tràng Kiều - từ những năm 1940, nhà báo Lê Tràng Kiều từng là cây bút tham gia tranh luận sôi nổi về thơ cũ & thơ mới - lẽ ra đã chọn cây cầu Bình Lợi làm điểm khởi hành cho chuyến đi vào cõi hư vô ở tuổi 20. Chị đã gieo mình từ lan can căn gác của gia đình, xuống mặt đường Phan Ðình Phùng (bây giờ là đường Nguyễn Ðình Chiểu). Bạn tôi đọc được trong nhật ký của người chị để lại, biết chị đã dự định quyên sinh từ cây cầu Bình Lợi.

Sau 30 tháng 4, một buổi trưa vắng người, tình cờ chúng tôi gặp nhà thơ Hoài Thương - anh rể của nhà thơ Phạm Thiên Thư - đứng trầm ngâm trên thành cầu Bình Lợi. Ở cổ chân bên trái, nhà thơ Hoài Thương đã cột sẵn một bao cát. Chúng tôi đã rủ được ông đi uống rượu ở một quán nhậu gần đó, để nhà thơ quên nỗi sầu đời. Ấy tuy nhiên khoảng một tuần lễ sau, chúng tôi nghe tin ông đã tự vận ở cầu Ðồng Nai. Như vậy là, chị người bạn thân, và anh rể nhà thơ “Ðộng Hoa Vàng,” cả hai đều tự vận, nhưng đã lỡ hẹn với cây cầu Bình Lợi.

Ông Ba Chúc ở phường 13, quận Bình Thạnh thì vừa là chứng nhân, vừa là ân nhân của những người chán sống, tìm cái chết trong lòng nước sông Sài Gòn, phía dưới chân cầu Bình Lợi. Ông Ba Chúc là dân thuyền chài đã trên 40 năm; “nhà” của ông chính là con thuyền cũ gắn máy đuôi tôm, đậu mé sông gần cầu Bình Lợi, thuộc khu phố 2,phường 13.

 Bà con ở khắp vùng cầu Bình Lợi đều biết: trên 40 năm làm dân thuyền chài, là từng ấy năm ông Ba Chúc cứu người tự vận ở khúc sông này.

Chúng tôi làm quen ông Ba Chúc tốt bụng và thật thà một cách dễ dàng; ông lại là người đồng hương với chúng tôi - quê quán ở tỉnh Vĩnh Phúc - và cùng là dân Bắc kỳ di cư năm 1954.

 Chúng tôi được biết, từ năm mười lăm mười sáu tuổi, ông Ba Chúc đã cứu được cả hai vợ chồng và hai người con một gia đình làm nghề chở mía trên sông. Chiếc ghe của họ bị đụng chìm tại sông Sài Gòn, khúc gần cầu Bình Lợi. Ðấy là vụ cứu người gặp tai nạn dưới nước đầu tiên của ông Ba Chúc. Sau đó, và tới tận bây giờ, cứ nghe thấy tiếng “ùm” dưới sông, là ông biết có người mà ông phải cứu vớt lên; không cứu được là ông không ăn không ngủ được.

Chúng tôi hỏi ông, thuở trước cầu Bình Lợi nổi tiếng là cây cầu tự vận, sau này không nghe ai nói tới cây cầu này như vậy nữa; tình trạng ấy đã thay đổi rồi chăng? Ông lắc đầu, nói: “Thuở trước thuở sau cũng như vậy cả thôi. Lúc nào cũng có người chán sống, muốn tự vận. Tôi vẫn thấy người chán sống đến cầu Bình Lợi, nhìn đăm đăm xuống dòng nước một hồi, rồi luồn mình qua thanh lan can cầu, nhảy ùm xuống sông. Ðàn ông chán sống vì làm ăn thất bát nợ nần kêu réo, đàn bà thì buồn giận chuyện gia đình chồng con, các cô thì thất tình hay chửa hoang hay thi rớt... Thời nào chả từng ấy chuyện để chán đời...”

Nghĩ về những người tự vận, chúng tôi cho rằng, hiển nhiên họ không muốn sống nữa. Thế nên rất có thể họ sẽ không bằng lòng, họ oán giận nữa là đằng khác, người đã cứu họ thoát khỏi cái chết.

Ông Ba Chúc cũng biết như vậy, nhưng ông không thể để mặc người ta tìm tới cái chết.

“Mỗi lần cứu vớt được người tự vận, tôi đều khuyên nhủ họ bằng lời lẽ chân thành của mình. Tôi ít học, chả biết văn chương triết lý gì, cứ nói thẳng ra cái ý nghĩ đơn giản: con kiến nó bé tí tẹo thế kia mà nó vẫn muốn sống; con chó nó ăn ‘cỏ’ mà nó vẫn muốn sống, sao anh trai trẻ bảnh bao thế này lại đi tìm cái chết? Cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng mình, cho mình cái thân xác này; mình lại nhảy xuống sông cho ba ngày nó trương phình lên, nó sình thối thế kia mà được sao? Ðấy, tôi chỉ biết khuyên nhủ họ như thế....” ông Ba Chúc nói với chúng tôi, trong con thuyền cũ nhưng ngăn nắp sạch sẽ.

Con thuyền của ông chỉ rộng hơn chiếc chiếu đôi chút, mà đầy đủ cho việc cấp cứu người tự vận; chỗ ăn chỗ ngủ cho vợ chồng ông. Các con ông đã thành thân, lập gia đình ở riêng nơi khác.

Cầu Bình Lợi 2, cầu mới đang được xây dựng.

Qua ông Ba Chúc, chúng tôi được biết, sau 30 tháng 4, khu vực chân cầu Bình Lợi (phía quận Bình Thạnh) lại phát sinh một tệ nạn ghê gớm, để cây cầu này mang thêm cái “danh” (tai) tiếng là Hang Ổ Của Cái Chết Trắng.

Cầu Bình Lợi, cây-cầu-tự-vận trở thành một địa chỉ mua bán ma túy tấp nập, con nghiện khắp nơi tụ tập ở đây trao đổi hút chích heroin.

 Năm 2007 là thời điểm cực thịnh ở hang-ổ-của-cái-chết-trắng tại chân cầu Bình Lợi; đại gia đình bà trùm ma túy Nguyễn Thị Hòa đã phải ra trước vành móng ngựa, với thành tích tiêu thụ 55 ký heroin.

Cây cầu mới mang tên Cầu Bình Lợi 2, cách cầu Bình Lợi hiện tại khoảng vài trăm mét (gần cầu Bình Triệu), đang được tiến hành thi công, do một công ty xây dựng cầu cống của Hàn Quốc đảm nhiệm.

 Theo một cán bộ thuộc Ủy Ban Nhân Dân quận Bình Thạnh cho biết, dự kiến cây cầu Bình Lợi 2 sẽ khánh thành vào giữa năm 2014. Có cây cầu Bình Lợi 2, không hẳn là đồng nghĩa với việc chấm dứt cây-cầu-tự-vận, cùng việc xóa đi hang-ổ-của-cái-chết-trắng.