Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-07-2012 |
Tác Giả: Thụy My |
Thứ Bảy, 07 Tháng 7 Năm 2012 11:23 |
Di sản văn hóa Pháp vào tay người nước ngoài
Lâu đài Sauvan được mệnh danh là Điện Trianon miền Provence (DR)
Theo báo Le Figaro, các tòa lâu đài và các di tích lịch sử của nước Pháp được người ngoại quốc mua lại nhiều hơn là người Pháp, vì thuế má đánh lên các sở hữu chủ Pháp quá nặng. Và thế là có những di sản văn hóa khi vào tay người nước ngoài đã bị biến dạng, hay đóng cửa với công chúng. Bài báo nêu ra trường hợp lâu đài Sauvan ở Provence, được xây dựng năm 1719 và được xếp hạng di tích lịch sử năm 1957. Chủ nhân của lâu đài là nữ bá tước Forbin-Janson, bạn thời thơ ấu của Hoàng hậu Marie-Antoinette và có ngoại hình rất giống Hoàng hậu, đã từng đề nghị thay bà lên đoạn đầu đài nhưng bị từ chối. Lúc hai anh em Jean-Claude và Robert Allibert mua lại tòa lâu đài được xây cùng một kiểu với lâu đài Versailles, cách đây 31 năm, lâu đài Sauvan đang ở trong tình trạng hoang phế, không điện nước, trở thành nơi cư ngụ của loài dơi. Hai người đã cật lực làm việc để phục hồi lại tòa lâu đài, đầu tư cả gia sản vào đây, kể cả việc tìm mua lại từng món đồ đạc cũ đang nằm rải rác ở nhiều nơi. Nay thì lâu đài Sauvan đã trở thành một địa chỉ độc đáo được nhiều bảo tàng thèm muốn, còn khu vườn rộng 15 hecta bao quanh cũng đã được xếp hạng. Ở lứa tuổi gần 70, anh em Allibert muốn tặng lại tòa lâu đài trị giá nhiều triệu euro cùng với các bộ sưu tập vô giá cho chính quyền địa phương, chỉ với điều kiện là có được ai đó thay chân họ bảo quản di tích này, và họ được ở lại đây đến mãn đời. Nhưng chính quyền Alpes-de-Haute-Provence lại tỏ ra ngần ngại, cho rằng với ngân sách eo hẹp, khó thể gánh lấy trách nhiệm này. Người đứng đầu làng Mane tỏ ra lo ngại cho giới kinh doanh tại đây, mà 30 đến 40% doanh thu là từ khách du lịch. Chủ một khách sạn nhỏ cạnh lâu đài báo động : « Sẽ thật khủng khiếp nếu một tỉ phú Nga hay Liban mua lại lâu đài Sauvan. Họ sẽ cho xây một hồ bơi ở phía trước, và bãi đáp trực thăng ở phía sau, còn người dân địa phương chúng tôi thì mất đi một di sản ». Cũng vì thế mỗi khi chuyến viếng thăm lâu đài vừa kết thúc, Jean-Claude Allibert luôn kêu gọi khách tham quan : « Hãy kể về Sauvan cho những người xung quanh, để lâu đài luôn được trang bị, mở cửa cho những ai muốn thưởng lãm, và vẫn là của Pháp ». Tại Pháp, phân nửa trong số 43.000 di tích lịch sử là thuộc sở hữu tư nhân. Chủ tịch hiệp hội Nơi cư ngụ lịch sử nhấn mạnh : « Đây không chỉ là tài nguyên văn hóa mà còn về kinh tế, vì nó góp phần phát triển du lịch và tạo công ăn việc làm. Nhưng đối với các sở hữu chủ, thì họ lại bị nghèo đi vì sưu cao thuế nặng ». Patrice Besse, thuộc một công ty địa ốc chuyên về các công trình độc đáo xác nhận : « Các lâu đài thuộc sở hữu gia đình qua nhiều đời ngày càng ít dần. Do thuế đánh vào tài sản, vào quyền thừa hưởng gia tài, lớp trẻ ra nước ngoài làm việc…nên các tòa lâu đài thường cứ khoảng 5 năm lại đổi chủ ». Và những người chủ mới thường là người ngoại quốc. Theo chủ tịch tập đoàn Daniel Féau chuyên về địa ốc hạng sang, thì « thị trường này chủ yếu là khách nước ngoài. Với cái giá trên 4 triệu euro, thì phân nửa số người mua là người ngoại quốc, còn từ 10 triệu euro trở lên thì tỉ lệ này lên đến 85% ». Vì muốn bảo vệ cuộc sống riêng tư, những người chủ mới thường đóng cửa không cho ai vào tham quan. « Họ chỉ lưu lại có vài ngày trong năm, và mang theo các gia nhân. Rất hiếm khi họ chịu bán lại di tích ». Nhà nước Pháp đang cho bán một số tòa nhà tại Paris, và người ta cho rằng chỉ có các ông hoàng Qatar, triệu phú người Nga hay người Trung Quốc mua được. Chẳng hạn một tòa nhà thế kỷ 18 tại Paris của một thành viên Hoàng gia Pháp trước đây, vừa bán với giá 68 triệu euro, cộng thêm 20 triệu chi phí sửa sang dự kiến, là do một gia đình hoàng tộc vùng Vịnh mua lại. Nếu người mua là người Pháp, thì sẽ phải đóng thuế tài sản 850.000 euro. Gia đình Vogué, chủ nhân lâu đài Vaux-le-Vicomte, một công trình kiến trúc bậc thầy vào giữa thế kỷ 17 cho biết trong những năm gần đây, họ đã được ba người muốn mua liên hệ. « Tất cả đều là người ngoại quốc, trong đó có Michael Jackson ! ». Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ thắng cảnh và vẻ đẹp nước Pháp Alexandre Gady muốn nhấn mạnh : « Tất nhiên không phải tất cả người nước ngoài đều thô bạo, nhưng họ không chịu hiểu là phải trân trọng các công trình văn hóa, trong khi một di tích lịch sử không thể mang lại những tiện nghi như một khách sạn Sofitel. Các hội đoàn đã thành công trong việc ngăn trở chủ nhân mới, là anh em của Tiểu vương Qatar cho khoan thủng trần khách sạn Lambert được sơn phết từ thế kỷ 17, để lắp đặt thang máy, nhưng không thể cản được họ phá lớp lát nền để thiết trí máy lạnh ». Patrice Besse nhớ lại một người khách Nhật đã đến công ty ông nhờ tìm mua « bảy hay tám lâu đài », và do nghi hoặc, ông đã từ chối. Sau này người ta phát hiện, nếu Kiiko Nahara, con gái một tỉ phú Nhật trong thập niên 90 đã mua 9 di tích lịch sử Pháp, thì thực ra để bán đi toàn bộ đồ đạc cổ, thảm, tranh…của các lâu đài này. Còn Jacques Guyot, người dành cả cuộc đời để cứu vãn các lâu đài ở Pháp báo động : « Bảo vệ di sản là nhiệm vụ của tất cả mọi người ». Ông vừa mua lại lâu đài Bridoire ở Dordogne trong tình trạng thảm hại. Lâu đài này do một công ty Sénégal đứng tên mua cho gia đình cựu Tổng thống Trung Phi Bokassa năm 1978, nhưng lại bị bỏ mặc hoang phế. Nhờ một công sức của hiệp hội, nay lâu đài Bridoire đã được xếp hạng công trình thời Trung cổ, và vừa mở cửa cho tham quan từ ngày 1/7, tuyển dụng 75 người làm việc toàn thời gian. Tai nạn hàng không: Tự động hóa làm phản xạ con người không còn nhạy bén Về an toàn bay, xã luận của nhật báo Le Monde mang tựa đề « Airbus, con người và máy móc » nhận định, nếu máy bay trở thành phương tiện vận chuyển an toàn nhất, đó là nhờ tất cả các tai nạn đều được phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân để không lặp lại. Vì thế mà bản báo cáo về tại nạn chiếc Airbus trong chuyến bay Rio-Paris năm 2009 làm 228 người chết, cũng là một đóng góp theo hướng này. Báo cáo nhắc lại, tai nạn không chỉ do một nhân tố gây ra mà là một chuỗi những xáo trộn, mà cả máy móc và người đều không thể khắc phục. Bản thân từng yếu tố như thời tiết xấu, máy đo vận tốc trục trặc, tổ bay phản ứng không thích hợp…có thể làm cho chiếc Airbus 447 bị rơi. Như vậy không nên tìm kiếm thủ phạm bằng mọi giá, hay lúc nào cũng đặt câu hỏi : tai nạn do máy móc hay do con người ? Theo tờ báo, khi các nhà lãnh đạo Airbus năm 1992 chấp nhận thử thách mới là sử dụng hệ thống điều khiển bay tự động, họ đã làm một cuộc cách mạng về lái máy bay và về an toàn. Các lệnh của phi công được chuyển đến cánh lái và động cơ bằng các xung động điện, thông qua các máy tính được lập trình, nhằm ngăn trở các sai lầm khi điều khiển bay, vốn là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn. Vấn đề là ở chỗ, việc cải thiện an toàn bay lại dẫn đến sự xuất hiện xung đột giữa máy móc và con người. Tự động hóa, vốn chính xác hơn con người rất nhiều trong hoàn cảnh bình thường, nhưng lại cần đến người thật trong những tình huống khẩn cấp. Thế mà những con người thường xuyên phó thác cho hệ thống lái tự động lại mất dần đi khả năng ứng phó trong trạng huống nguy ngập. Le Monde cho rằng Airbus đã sai lầm khi có thời gian tuyên truyền rằng những chiếc máy bay được bán có độ tin cậy tuyệt đối. Điều này khiến cho cả công ty lẫn phi công đều mất cảnh giác, một phản xạ sống còn khi người ta bay trên độ cao 10.000 m, ở -60°C với vận tốc 980 km/giờ, và chỉ có vỏn vẹn vài phút đồng hồ để phản ứng trước sự cố. Tờ báo kết luận, ngay cả nếu ngày mai hệ thống điều khiển của Airbus, và cả Boeing được cải thiện để thích ứng hơn với con người, thì vẫn không thể bỏ qua công tác huấn luyện kỹ càng để có thể làm chủ được tình hình khi nguy cấp. Ngôi trường trong rừng rậm Miến Điện của phe nổi dậy Karen Liên quan đến châu Á, Le Monde cho biết có một « Ngôi trường của phe nổi dậy trong rừng rậm Miến Điện ». New Generation School do Liên minh Quốc gia Karen (KNU) thành lập, đây là một phong trào du kích lâu đời nhất trên thế giới, thành lập từ năm 1949 và đến nay luôn đấu tranh chống lại chế độ Miến Điện. Trường nằm sâu trong rừng rậm, khuất sau cây cối và một khúc sông. Căn nhà lớn nhất được dùng làm phòng ngủ, một căn khác là nhà ăn tập thể, và những gian nhỏ hơn được dùng làm phòng học, tất cả được làm bằng tre nứa và có đầy đủ toa-lét. Trường có 152 học sinh từ 16 đến 23 tuổi, được dạy các môn địa lý, lịch sử người Karen, tiếng Anh, Miến Điện và Karen, khoa học, vi tính. Đáng ngạc nhiên là trong khu rừng, không có điện cũng như các phương tiện thông tin, các pin quang điện đã giúp một phòng vi tính có thể hoạt động. Cho dù đã ký kết thỏa thuận ngưng bắn, các lãnh tụ KNU và nhánh vũ trang KNLA vẫn luôn nghi ngờ chính quyền, vì họ chưa bao giờ thực lòng với các dân tộc thiểu số. Theo hiệu trưởng của trường, dù bàn cờ chính trị đã có thay đổi và tiến trình dân chủ hóa đang diễn ra trên đất nước, thì một chương mới đối với người Karen vẫn chưa thể mở ra. Họ muốn bản sắc Karen được công nhận, và lãnh địa của họ sẽ trở thành một bang tự trị trong Liên hiệp Miến Điện. Cuba: Bảo tàng di động xe hơi cổ « Cuba, bảo tàng di động », đó là tựa đề bài viết trên nhật báo công giáo La Croix, giới thiệu một phóng sự trên kênh truyền hình Arte nói về việc do bị cấm vận về xe cộ, người Cuba đành cố tân trang các loại xe hơi Mỹ có từ thập niên 50. Kể từ khi Hoa Kỳ cấm vận thương mại năm 1962, Cuba không thể nhập khẩu được xe hơi, ngoại trừ một ít xe từ các nước anh em xã hội chủ nghĩa. Nhưng những chiếc Lada hay Volga không được tạo dáng sang trọng như xe hơi Mỹ dù cũ kỹ, và với thu nhập bình quân 25 đô la một tháng, người dân không có khả năng mua xe cá nhân. Một số người Cuba trở thành những thợ cơ khí có bàn tay vàng, họ có thể tân trang một xác xe Studebaker đời 1953 với động cơ của Nga và bộ phận làm lạnh của Trung Quốc. Nhờ đó Cuba trở thành một bảo tàng di động của những người thích sưu tập các loại xe cổ, với những chiếc Chevrolet, Plymouth, Cadillac…đời 1950 bóng loáng di chuyển dưới ánh mặt trời La Habana. Có người còn dùng những chiếc Buick ra đời từ năm 1949 làm taxi, hay cho thuê đám cưới.
|