Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Thầm Yêu Bà Mai

Thầm Yêu Bà Mai PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Hữu Thời   
Thứ Hai, 28 Tháng 9 Năm 2009 14:48
Tác giả tự sơ lược về mình: Trước năm 1975, dạy học, quân nhân QLVNCH (khóa 18 Thủ Đức). Hiện giúp việc bán thời gian cho Sypris Data System Los Angeles. Bài viết mới của ông là câu truyện  nhiều bất ngờ của một chàng kỹ sư đi tìm vợ vào tuổi ngũ tuần.  Xa lộ liên bang số 5, quãng đường từ Fresno lên Sacramento nửa đêm về sáng vắng ngắt, thênh thang. Thỉnh thoảng có những chiếc xe chở hàng mười tám bánh lầm lì, ầm ầm vun vút trong đêm tối. Kim đồng hồ dạ quang trên chiếc BMW trước mặt Dũng chỉ đúng mười một giờ rưỡi đêm. Dũng đang chăm chú phóng xe nhanh trong đêm.  Bỗng tiếng điện thọai cầm tay vang lên.
- Nè! cậu Dũng, cậu đi tới đâu rồi. Tôi thức chờ cậu từ 11 giờ khuya đến giờ. Cậu nói 12 giờ sẽ đến nơi mà. Bây giờ đã gần mười hai giờ rồi. Có trục trặc gì không? Đã gần tới chưa? Trở ngại gì cho tôi biết ngay nhé. 
-Tôi mới tới Stockton thôi. Đường vắng, tôi kéo tới 90 miles/ giờ nhưng cũng không thể nào đến đúng 12 giờ như đã hẹn với chị. Xin lỗi chị. Tôi lỗi hẹn vì lấy xe trễ hơn hai tiếng đồng hồ; phải chờ đợi xe "tune-up" cho xong.
-Không sao. Đừng lái quá tốc độ sở giao thông cho phép, lại nguy hiểm nữa.  Gặp cảnh sát ăn giấy phạt đấy.
-Cảm ơn chị. Khuya quá rồi! Chị đừng chờ nữa. Sáng mai 10 giờ tôi sẽ đến nhà gặp chị. Chúc chị ngủ ngon.
Đó là lời đối đáp giữa chị Năm Melissa và Dũng.
Chị tính làm mai cho Dũng cô cháu chị ở Mỹ Tho tuổi vừa đôi mươi. Dũng quen chị trong tiệc cưới con trai người bạn học cũ  ở Paracel Sea Food Restaurant, Little Sài gòn. Dũng được sắp ngồi gần chị. Qua câu chuyện, chị biết Dũng đang sống độc thân với Mẹ ở Garden Grove, và đang có ý tìm vợ. Chị muốn giới thiệu cô cháu chị cho Dũng, tuy biết tuổi Dũng hơn cháu mình gần ba mươi. Chị Cả của Melissa tha thiết muốn gởi Hương qua Mỹ du học nhưng chưa có cách nào. Chỉ có cách kết hôn với người có quốc tịch Mỹ là nhanh nhất.
Chị Năm Melissa biết tuổi Dũng và tuổi Hương cách nhau quá xa; nhưng vì tương lai của cháu, và nể nang, thương yêu bà chị ruột suốt nửa cuộc đời thay mẹ nuôi nấng mình lúc chị mới lên mười. Chị em sống cảnh côi cút thiếu mẹ. Bác Niễng gái qua đời trong cơn bạo bệnh. Bác trai thì bệnh họan quanh năm. Chị Cả thay mẹ tần tảo buôn bán, nuôi các em khôn lớn, cho học hành đàng hoàng. Cha chị thường nói không có chị Cả, cha con mình vất vả ngược xuôi cũng không đủ sống đâu con. Đừng mong nói đến chuyện các con được ôm sách vở đến trường. Chị nghĩ, ơn dưỡng dục của chị Cả ngang ngữa ơn sinh thành. Chị không bao giờ quên. Vì vậy, chị đành nước liều giúp chị mình đạt được ước nguyện.  Hy vọng cháu Hương sẽ tìm được tình yêu sau hôn nhân. Hơn nữa, có chồng người lớn tuổi thường được cưng chiều.
Tan tiệc cưới hôm đó, chị Năm và Dũng vẫn thường liên lạc e-mail và điện thoại cho nhau, chị mới biết Dũng là người đàn ông tốt bụng, thật thà, có công ăn việc làm vững chắc, và nhất là chưa lần nào trong đời lấy vợ. Người Việt nam mình thường gọi là trai tân, người Mỹ gọi là  "never married", tính  nết Dũng lại hiền lành, chân thật, và là người con rất có hiếu với mẹ. Điều đặc biệt là chàng đang "mót" vợ.
Dũng qua Mỹ đã gần ba mươi năm, lo làm, lo học thêm, quên đi chuyện lứa đôi, ngoãnh lại thì tuổi đời đã năm mươi. Mẹ già thúc dục mỗi ngày: "Nè! Dũng ạ! Con biết Mẹ tuổi đã cao, không còn sống bao năm nữa, và nhà mình chỉ có mình con là trai. Hai chị con, chúng nó đều an phận với gia đình riêng. Trước khi nhắm mắt, mẹ muốn thấy con có gia đình đàng hoàng, và  để cho mẹ thấy đứa cháu nội đích tôn nối dõi tông đường, hương khói bàn thờ Tổ tiên. Cha con trước khi nhắm mắt lìa đời đã cầm tay mẹ trăn trối là phải lo cho con có vợ con, không thể để con chăn đơn gối chiếc mãi. Bây giờ, con thấy đời sống độc thân là thoải mái, không bận bịu vợ con, thê tróc tử phọc gi; muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm; nhưng về già con sẽ thấy cô đơn, trống vắng, lạnh lùng vô cùng! Rồi đau ốm không có ai bầu bạn, tâm sự, nương tựa, chia xẽ giúp đỡ lẫn nhau. Những khi tắt lửa, tối đèn, mưa to, gió bão, thiên tai, động đất, khủng bố, tai nạn, một mình con làm sao xoay xở nỗi, khi tuổi đã già, sức đã yếu. Sống không ai biết, chết không ai hay." Những lời mẹ dạy bảo làm Dũng suy nghĩ lung lắm.
Tuổi đã năm mươi mà đi kiếm vợ thấy cũng lạ lùng, quê sao ấy. Chàng muốn yên phận, sống lặng lẽ cạnh mẹ già cho qua ngày tháng; phụng dưỡng giúp đỡ mẹ trong những năm tháng cuối đời của mẹ; nhưng khi nghĩ tới lời nói khẩn thiết của mẹ, Dũng không khỏi phân vân. Chàng cảm thấy mình phạm tội vì không nghe lời me. Nỗi lòng mẹ muốn mình có vợ con để bà yên tâm trước khi về với tổ tiên cứ ám ảnh mãi chàng; nên Dũng quyết định lần nầy phá lệ đi kiếm vợ. 
Dũng đã đăng báo tìm bạn bốn phương, và cũng được sự hồi đáp từ các nơi gởi đến. Có những cái hẹn gặp mặt; nhưng chàng thất vọng và thầm hiểu là chính mình cũng làm nhiều “đối tượng” thất vọng.  Dũng thầm nghĩ mình chỉ là anh kỷ sư quèn, đắm mình trong công việc, hớ hênh một chút là xếp phàn nàn, không giao   "project", cho ngồi chơi xơi nước là phải ôm gói ra đi, đâu phải là Thái tử Tàu hồi xưa đâu! Làm quen được với chị Năm Melissa, và được chị hứa hẹn giúp giới thiệu vợ cho Dũng, chàng mừng như "Mèo Mù Vớ Được Cá Rán."
Chị Melissa tên cúng cơm là Mừng. Lê Thị Mừng. Cha mẹ chị sinh ra năm người con, ba trai, hai gái. Dân gốc Mỹ tho, Định tường. Melissa là con gái út nên được cha mẹ và các anh chị thương chiều, và năm chị sinh ra nhà được trúng mùa gặt lớn, nên hai cụ mừng quá đặt tên chị là Mừng. Qua Mỹ khi thi quốc tịch đổi là Melissa cho Mỹ và người ngoại quốc dễ gọi. Chị cùng chồng vượt biên qua đảo Bidong năm 1979 lúc đó chị mới 21 tuổi, chưa con cái gì.
Đến Mỹ, hai vợ chồng cắm đầu làm việc, bảy ngày một tuần, ngày làm mười tiếng. Tiết kiệm tối đa,  có chút vốn, anh chị vay thêm tiền chính phủ mở "small business". Vận may đến, cơ sở làm ăn của anh chị ngày càng phát triển, và có đại diện ở nhiều city khác. Nhưng thật là lạ lùng! Làm việc vất vả cực nhọc như vậy mà mỗi năm chị đều mang bầu, và 5 năm liền chị sinh tù tì ra năm thằng nhóc.
Năm cậu con trai, hai cậu lớn hiện là kỹ sư, cậu thứ ba hùn với người chú ruột mở sở landscaping, thuê Mễ, thuê Tàu, Mỹ đen và cả Mỹ trắng làm việc, thầu trồng hoa ở các building, nhà hàng, khách sạn, công sở, công ty tư nhân và trường học. Lợi tức mỗi năm sau khi trả thuế, tiền lương nhân công, bảo hiểm v...v...chú cháu chia ra mỗi người gần hai trăm ngàn đô-la.Vợ cậu Ba là cô Mỹ trắng gặp ở nhà thờ, và có cùng chung một ý nguyện là siêng đi lễ, tin tưởng tuyệt đối vào Đức Chúa Trời, và luôn luôn cầu nguyện. Cô Susan  ở nhà đưa con đi học, làm part time cho công ty landscaping của chú và chồng, khi rảnh chơi đàn piano, làm việc thiện nguyện. Cha vợ cậu Ba là  mục sư Bromen nói tiếng Việt rất sõi. Ông giảng đạo bằng tiếng Việt cho người tỵ nạn Việtnam. Nhờ đó, Susan biết chút ít tiếng Việt. Nàng còn biết rất rõ phong tục, tập quán của người Việt. Đồ ăn, thức uống, nàng còn rành hơn nữa.
 
Cậu thứ tư là sĩ quan quân đội Mỹ đang đánh trận dẹp bọn khủng bố ở A Phú Hãn. Cậu thứ năm là sinh viên trường Luật ở Harward. Mộng cậu Út tính theo hướng đi của Thượng nghị sĩ  Obama là sẽ ứng cử Tổng thống Mỹ  trong tương lai. Bây giờ ở trường học, cậu hoạt động mạnh trong Tổng hội Sinh viên người Việt quốc gia, cậu còn quãng bá tinh thần yêu nước, tôn trọng nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn trọng luật pháp quốc gia trong đám sinh viên ngọai quốc, bạn cậu. Có ai dám nghĩ năm người con trai của anh chị Năm Melissa là ngũ quỉ đâu.
Nhưng chuyện đời cũng không ít trục trặc. Câu "Giàu Đổi Bạn, Sang Đổi Vợ" thật đúng với hoàn cảnh gia đình chị Năm.  Anh Năm thường qua lại Việt nam vì lý do buôn bán. Anh say đắm sắc đẹp một cô người mẫu nỗi tiếng Sài gòn. Anh thường khoe với bạn bè là mỗi lần về Saigon, gặp cô  Loan, anh lên tiên, đốt bao nhiêu tiền, anh cũng không tiếc. Kết cục là gia đình không yên. Chị Năm đâm đơn xin ly dị. Anh Năm về ở hẳn với người đep xây tổ uyên ương ở Vũng Tàu. Chị Năm thấy tình đời đen bạc; chị quay ra ghi tên học lại Đại học, dung dăng, dung dẻ với lũ trẻ sinh viên nam nữ bằng tuổi con chị. 
Tuy tuổi đời đã hơn năm mươi nhưng người chị mảnh mai, nhỏ nhắn "mình hạc xương mai" trông trẻ như gái "một con trông mòn con mắt", lại thêm có cái trán cao, mắt sáng thông minh tuyệt vời. Chị luôn lấy điểm A trong các môn học. Niềm vui thú thích nhất của chị là đi học và mai mối cho người ta nên vợ, nên chồng. Chị cũng biết câu nói của người xưa là: "Ở đời có bốn cái ngu: Làm mai, Gánh nợ, Canh cu, Cầm chầu." Chị nói " Tôi biết vậy nhưng là nghiệp dĩ mà! Thêm nữa, đó là một "hobby" của tôi" Có những cặp khi chị mai mối xong, nên vợ, nên chồng, "xuôi chèo mát mái" thì lặn kỹ, biệt tăm, không bao giờ hỏi thăm đến chị; nhưng khi "Cơm Không Lành Canh Không Ngọt" thì kêu chị mắng vốn, phàn nàn là tại chị chỉ vẽ, mai mối làm chi, giờ họ mới khổ thân. Chị phải trổ tài ăn nói, khuyên can, giãi thich, an ủi, chia xẻ tốn bao nhiêu thời giờ, thế mà chị vẫn thích làm mai.
Khi vừa gặp Dũng trong tiệc cưới hơn năm trước đây, biết Dũng chưa vợ con, chị có ý tưởng sẽ làm mai vợ cho Dũng, và  chị đã  tìm hiểu Dũng qua e-mail, điện thọai, xem Dũng có phải là người tử te không; rồi quyết định  giới thiệu cháu mình cho Dũng. Biê1át thêm về Dũng, chị hoàn toàn yên tâm.
Chuyện giới thiệu Dũng cho cháu mình, chi không do dự, phân vân gì cả. Chị có gởi hình của Dũng về Việt nam cho chị Cảø và Hương xem. Họ tỏ ra rất hài lòng. Hương còn nói: "Anh Dũng năm mươi mà trông như ba mươi."
 
Đúng hẹn, mười giờ sáng hôm sau, Dũng ăn mặc chỉnh tề, dò theo máy Garmin (máy chỉ đường) lái xe thẳng đến nhà chị. Bấm chuông. Chị trong bộ y phục thời trang, không son phấn, niềm nở đón tiếp. Chị vồn vã hỏi:
- Chào cậu Dũng! Đi đường mệt không? Đêm qua cậu ngủ có được không?
Dũng đứng tần ngần như trời trồng nhìn chị, ngạc nhiên.  Sao chị khác đi nhiều so khi mới quen chị trong đám cưới năm qua. Ban ngày, ban mặt thấy rõ chị Năm còn đẹp hơn, trẻ trung hơn. Tiếng chị nói nhẹ nhàng, êm ái, lôi cuốn người đối diện làm sao! Cái giọng nói Sài gòn pha âm hưởng xứ Huế làm Dũng  mơ màng, say đắm. Hàm răng trắng ngà, đều đặn như răng tài tử hoặc người mẫu. Mái tóc búi lên phía sau ót giống như tóc của mẹ chàng thuở còn con gái. Chàng đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Dũng hết nhìn chị lại  thoáng  nhìn qua căn nhà đầy hoa tươi đủ màu sắc, chưng dọn kiểu cọ, lớp lang, hương hoa tỏa ra thơm ngát. Xuyên qua cửa kính, Dũng thấy những luống hoa đủ loại đua nhau khoe màu, khoe sắc. Dũng hết nhìn hoa qua nhìn chị, nghĩ vẩn vơ, mơ ước mông lung. Dũng không hiểu mình nhờ chị Năm giới thiệu vợ hay mình đang xem mắt vợ đây. Ý nghĩ ấy chợt thoáng trong đầu nhưng Dũng cố gạt ngay đi. Dũng như bị hốt hồn nên không quan tâm đến câu hỏi người đối diện. Thấy vậy, chị Năm bèn lên tiếng bồi thêm:
-Ô kìa! Cậu sao vậy? Mời cậu ngồi. Bộ cậu còn mệt lắm à. Thiếu ngủ sao?
Dũng như tỉnh giấc mơ, giật mình:
- Xin lỗi chi. Không có gì.
Qua vài ba câu chuyện trời nắng, trời mưa, chị Năm bước vội qua bàn bên cạnh lấy cái thư của chi Cả vừa gởi sang, trao cho Dũng:
- Tuần trước, tôi nhận được thư của chị Cả gởi sang; trong thư có hình cháu Hương đấy. Cậu có thể đọc, và xem hình rồi cho ý kiến nhé.
Dũng miễn cưỡng mở ra đọc. Thư viết:
            
Sài gòn, ngày 15 tháng 5 năm 2009.
Em Út Mừng thân yêu,
Chị thân gởi lời thăm em và các cháu. Nỗi nhớ thương em không lúc nào nguôi ngoa trong lòng chị. Chị em mình xa cách đã mấy mươi năm rồi, chưa một lần gặp lại. Người tha phương, kẻ ở quê nhà. Dượng Năm về Sài gòn hoài. Sao em lại không về thăm quê một chuyến. Hồi cha mất, em đang sinh cháu út nên không về được. Giờ thì các cháu đã lớn khôn, em về chơi một chuyến đi em. Tình nghĩa chị em mình thật là đậm đà, tha thiết nhưng là ngăn cách, chia lia. Đươc biết, em chia tay với dượng Năm đã sáu năm rồi. Những năm đầu chị lo lắm! Sợ em không chịu nỗi sự đau khổ, hận, cô đơn vì người chồng đầu ấp tay gối đã phản bội mình chạy theo một người đàn bà khác, trẻ hơn, đẹp hơn. Nhưng chị rất vui khi biết em đã không buồn khổ mà còn vươn lên sống mạnh, sống hào hùng, tự chiến đấu với bản thân mình, hăng say làm việc, và hiên ngang trở lại học đường. Nghe em đã đỗ xong bằng MA với hạng tối ưu, và đang dọn đường ghi danh học PhD. Chị hãnh diện vô cùng! Em còn lo cho con gái chị qua Mỹ du học nữa. Thật em làm chị cảm động lắm!   Tiện đây, chị gởi cái hình của cháu chụp tháng qua; nhân hôm sinh nhật anh Cả. Nếu tiện em đưa cho cậu Dũng xem cho biết mặt cháu. Chị và cháu cũng đã nhận được hình cậu Dũng rồi. Trông mặt cậu Dũng phúc hậu, hiền lành đây chớ.
Cầu chúc em và các cháu an bình.
Thương nhớ em,
Lê Thị Hằng
 
Dũng đọc thơ xong, xem hình, không nói gì, lặng lẽ trao lại chị Năm. Chị Năm lên tiếng:
- Cậu thấy sao? Cậu thấy Hương thế nào?
-Tôi thấy nàng còn quá trẻ, và quá đẹp!
- Cậu về suy nghĩ và cho tôi biết ý kiến nhé.
Dũng phân vân, bàng hoàng  không biết trả lời ra sao cho khỏi mất lòng chị Năm, và điều khó nhất là làm sao cho chị hiểu rằng mình rất thích chị, muốn chị là người thay thế Hương; là người yêu, người vợ minh trong tương lai, mặc dù với tuổi đời chị không còn sinh nở gì được nữa. Minh sẽ có cách giải thích với Mẹ. Con riêng của chị là con của mình cũng có sao đâu. Dũng đã hiểu biết phong cách chị qua những lần nói điện thoại và e-mail cho nhau. Giờ đây, ngồi đối diện chị trong căn nhà này, Dũng như thấy lạc lõng, xa vời, ngăn cách, và cái ý tưởng muốn thổ lộ tâm tình với chị nó cứ ngập ngừng, chập chờn rồi tắt lim đi từ lúc nào không rõ nữa. Dũng không còn can đảm nói lên sự suy nghĩ chân thật của mình cho chị hiểu là mình yêu chị và rất thích chị. Ngượng lắm!  Hơn nữa, chị vô tư, dửg dưng không để ý gì thái độ của Dũng bây giờ. Chàng như đứng trước ngã ba đường, chưa biết đi lối nào.
Cuối cùng, Dũng lấy hết can đảm, ấp úng nói:
- Chị Năm à! Hương còn quá trẻ, quá đẹp, nếu Hương muốn du học Hoa Kỳ, tôi có cách giúp Hương; chứ không cần buộc Hương phải kết hôn với người đáng tuổi cha chú mình. Tôi không muốn lợi dụng người con gái còn quá trẻ; tha thiết muốn đi du học Hoa kỳ lại phải chịu làm vợ người lớn hơn mình tới ba mươi tuổi. Hơn nữa, theo tôi nghĩ, xây dựng hôn nhân phải là do tình yêu chân chính, đôi lứa, tự phát ra từ con tim, chứ không phải là một sự đổi chác, tính toán. Đọc thư chị Cả, tôi rất cảm động nên thật lòng muốn giúp cho Hương, và để cho chị tròn lời hứa với chị Cả là đem Hương sang đây du học, tôi sẵn sàng giúp Hương bằng mọi cách hợp pháp, còn chuyện hôn nhân với Hương, tôi không nghĩ đến nữa. Tôi cảm ơn chị đã có ý giúp tôi. Tôi mong chị hiểu dùm.
Chi Năm như từ cung trăng rớt xuống, mở to mắt ngạc nhiên, chới với!  Bao công trình của chị từ bấy lâu nay thật là vô bổ, như dã tràng xe cát biển Đông. 
Dũng ngập ngừng, lúng túng nói tiếp:
- Chị Năm tha thứ cho tôi. Tôi mong sau lần gặp gỡ này mình vẫn giữ liên lạc qua email, điện thoại. Tôi mong được chị coi là... bạn.
Không hiểu chị Năm nghĩ sao. Riêng người viết chuyện này tin là sẽ tới lúc bà mai hiểu được lòng Dũng.