Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Các Tác Giả Chuyện Tình Nhà Quê

Chuyện Tình Nhà Quê PDF Print E-mail
Tác Giả: Văn Quang   
Chúa Nhật, 25 Tháng 7 Năm 2010 10:24

Chuyện tôi sắp kể với các bạn là một chuyện tình rất đặc trưng ở vùng quê, từ thời chiến sang thời bình.

Và, chỉ ở nhà quê tôi mới biết được chuyện này cùng những chuyện tương tự như thế. Có rất nhiều tình tiết lạ lùng và cũng không kém phần hấp dẫn, tôi đã định viết thành

 
một truyện dài mới diễn tả được hết những con người cùng những chi tiết trong đời sống những nhân vật có thật đó. Nhưng ở đây, tôi buộc phải tóm tắt nên đành phải gác lại một số những tình tiết với những câu chuyện không kém phần thú vị xoay quanh những nhân vật chính. Có dịp viết truyện dài, tôi sẽ viết tỉ mỉ hơn.

Trong dịp xuân về, mời bạn đọc vừa giải trí vừa tìm hiểu tính chất thời đại, của một trong những chuyện tình ở vùng quê ra sao.

Ông Phú là một ông “sếp” trong hai toán thợ làm nhà cho ông chủ xe đò. Nghe nói toán thợ này từ Bình Dương qua, chứ ở xóm này không còn thợ giỏi. Những thợ có tay nghề cao, hầu hết về thành phố kiếm ăn, còn những thợ vớ vẩn thì nhào vô làm ở những công trình của nhà nước, như xây mấy cái nhà tập thể, làm mấy cái trụ sở, mấy cái vườn hoa dọc theo những con đường lớn. Những nơi đó thì làm kiểu nào cũng được, có nghiệm thu cũng là anh em nhà cả, hoặc có cái “phong bì” là xong.

Ông chủ xe đò sắp cưới vợ cho cậu con trai lớn nên xây một cái nhà “ra cái nhà”, hoành tráng để “không mất mặt” với bà con trong ấp, trong xã nên phải đi Bình Dương kiếm thợ. Lúc này, dân có tiền, có tí danh vọng ở nhà quê, như quản lý thị trường, ông chủ tiệm buôn bán xe máy, anh thư ký xã, bà chủ nhà hàng bán vật liệu xây dựng, chịu khó thi đua xây nhà đẹp, nhà lớn chứ không thi đua sản xuất cho hợp tác xã, không thi đua lập thành tích cho hội nông dân, hội phụ nữ nữa. Những kiểu thi đua như thế chỉ dành cho mấy anh còn bám vào mấy cái chức vụ linh tinh trong Uỷ Ban nào đó ở huyện, ở xã thôi. Và thi đua lấy lệ cho có “phong trào” chứ ai hơi đâu đi lo “chuyện tào lao”.

Ông Phú là một ông “sếp” đám thợ xây, có tí chuyên môn cao. Khác với toán thợ hồ, chuyên làm những công việc táp nham, khuân xi măng, trộn hồ, đẩy xe “rùa”. Ông là người nhiều tuổi nhất và cũng được hơn hai chục thợ trẻ “khoái” nhất. Công việc của ông không rảnh và cũng chẳng bận bịu gì lắm. Lúc nào cần như làm móng, đổ tấm thì ông xắn quần, cởi áo, hò hét đám thợ làm túi bụi. Nhưng khi thợ xây làm công việc bình thường thì ông mắc võng dưới tàn bằng lăng nằm phì phèo thuốc lá. Ông có mấy tay thợ đàn em, lo cơm nước ngay trên “công trường”. Gọi là công trường cho oai chứ thật ra chỉ là cái bãi cát sỏi lồi lõm đầy vết bánh xe trước cửa nhà ông chủ xe đò chạy đường Bù Đốp - Bến xe Miền Đông Sài Gòn.

Khi căn nhà xây gần xong, tôi sang chơi nhà ông chủ xe đò và nhờ ông Phú cho thợ xây giùm tôi cái hàng rào trước nhà để chắn nước lũ từ triền đồi đổ xuống.

Hai hôm sau, ông Phú sang nhà tôi. Có vẻ như ông biết đến gia đình tôi do mấy người trong xóm nói lại. Ông có vẻ thân mật, cởi mở ngay từ phút ban đầu. Trò chuyện về công việc xong, ông thổ lộ:

– Nói chuyện với ông dễ dàng hơn mấy ông chủ nhà ở đây. Mặc dù tôi với ông là “hai chiến tuyến” từ xưa. Nhưng thú thật tôi không hợp chuyện với mấy tay từ thời đó cho tới bây giờ.

Tôi chẳng hiểu nguyên nhân tại sao và cũng không tiện hỏi, nhưng tôi thấy ông Phú rất chân thật, dễ gần. Tôi mời ông ở lại ăn cơm tối với chúng tôi, nhà chỉ có hai người. Ông vui vẻ nhận lời. Buổi tối, chúng tôi ăn cơm ngoài hàng hiên nhìn ra khu vườn trước mặt. Bữa cơm chỉ có món tép rang khế, tô canh cá diêu hồng ao nhà, đĩa rau ghém thái chỉ theo kiểu “Bắc kỳ” chính hiệu. Ông gật gù khen ngon và ăn như… tàu hoả. Thấy khách vừa lòng món ăn nhà mình nên chúng tôi cũng vui lắm. Ông chỉ cho chúng tôi cách trồng cây sao có nhiều trái ngon, nuôi cá thế nào cho mau lớn, giữ gìn vườn tược cách nào đỡ tốn kém và hiệu quả nhất. Rõ ràng ông là dân làm vườn chính hiệu. Ông tặc lưỡi nói:

– Nghề của tôi có phải là nghề xây dựng đâu. Thằng bạn tôi làm nhà thầu lớn ở Bến Cát, nó lôi tôi về ở với nó một thời gian rồi thành nghề luôn.

Ông mỉm cười nói tiếp:

– Trước kia tôi cũng là dân cách mạng đấy chứ. Nhưng… là dân cách mạng bất đắc dĩ thôi. Thời đó ở những vùng quê như vùng này, không cách mạnh cũng không được. Cũng như các ông không đi lính “quốc gia” cũng không được. Phải không?

Tôi ừ ào cho qua, bởi giải thích với ông là không đúng lúc. Ông Phú lại kể tiếp:

– Lẽ ra tôi cũng… như những anh khác, bây giờ cũng làm lớn, cũng xe hơi nhà lầu đấy. Nhưng… có nhiều chuyện khó nói lắm. Mỗi người một số phận. Tôi có lỗi nên bị tụi nó gạt ra ngoài, khi “giải phóng” rồi, mấy đứa bạn tôi, đứa nào cũng khá cả. Chỉ có tôi là long đong. Nhưng xét cho cùng, tôi không ân hận gì cả.

Câu chuyện không đầu không cuối đó, chỉ là thứ chuyện nói cho vui, cho hiểu nhau chút ít mà thật ra chẳng hiểu gì. Ông Phú ngồi với tôi khá lâu, một lúc sau ông mới lại ậm ờ kết luận:

– Có những thằng bất mãn vì bị bỏ quên, vì không được làm lớn, không được ăn nhiều như những anh em khác, nó cũng chửi vung tàn tán. Nhưng tôi chưa hề chửi ai cả. Những thằng chửi bậy chửi bạ toàn là những thằng ghen ăn tức ở thôi. Tôi hiểu rõ như thế nên không bao giờ vào hùa với tụi nó. Tôi chỉ giả ngu giả điếc cho nhàn. Vả lại chuyện của tôi khác hẳn với những chuyện lôm côm của tụi nó.

Ông Phú nhìn quanh rồi ghé tai tôi nói nhỏ như tiết lộ một bí mật ghê gớm lắm:

– Ông biết không, tôi chỉ là thằng chết vì tình.

Tôi trố mắt nhìn. Ông Phú giải thích kỹ hơn:

– Chết vì đàn bà, ông hiểu chưa?

Tôi gật ra cái điều tâm đắc, tôi nắm bàn tay gân guốc sù sì của ông:

– Hiểu. Tôi cũng không thua gì ông đâu.

Tiếng cười ồm ồm của ông Phú vang lên trong khu vườn tĩnh mịch làm những con dế im bặt, những ngọn cây ngọc lan dường như bất mãn vì ông phá giấc ngủ êm đềm của chúng nó. Ông Phú gật gù:

– Tôi đã nghe người hàng xóm của ông kể về ông rồi. Ông cũng là tay có “số đào hoa” lắm. Vì thế tôi mới nói với ông chuyện của tôi. Để lúc nào sang làm hàng rào cổng nhà ông, tôi sẽ kể ông nghe.

Tôi thú vị coi như vớ được ông bạn “tri kỷ” ở chốn thôn quê này. Dân thành phố có chuyện tình thành phố, dân nhà quê có chuyện tình nhà quê. Tôi cũng sẵn sàng kể cho ông nghe tuốt mọi chuyện của tôi, tôi có thói quen chẳng cần giấu giếm ai bao giờ, mà có giấu cũng chẳng được. Việc gì phải giấu. Cái số như thế thì cứ để nguyên cho nó như thế. Vả lại mình không dám kể chuyện của mình thì làm sao người ta thành thật với kể hết với mình được. Cho nên tôi cứ định bụng tuần sau, khi toán thợ sang làm, tôi sẽ lại mua thịt rừng về mời ông Phú ăn cơm tối để “moi” chuyện của ông cho vui thôi.

Nhưng khi mấy người thợ sang làm ở nhà tôi thì ông Phú chỉ đưa sang rồi về gấp Bến Cát, vài hôm sau mới trở lại.

Có một anh thợ cả, khoảng trên bốn mươi, trong một lúc nghỉ trưa, tôi hỏi về ông Phú, anh Thợ cả này kể:

– Bố ạ, bác Phú đến bây giờ vẫn chưa có vợ đấy. Cháu là cháu họ và là người cùng quê với bác Phú nên cháu biết rõ. Chuyện của bác Phú… lôi thôi lắm.

Có lẽ anh ta muốn nói là “chuyện ly kỳ lắm”.

*

Duyên, cô gái 16 tuổi con bà thợ may ở cái xóm chợ này rất xinh đẹp, trắng trẻo, khác hẳn với những cô gái lam lũ ở vùng này. Cô cũng chỉ học hết lớp ba rồi về phụ mẹ may đồ, suốt ngày ngồi bên chiếc máy may Singer ngay trước mặt chợ. Căn nhà khá khang trang, phía ngoài là cửa hàng, phía sau là nhà ở với người anh trai và một cô em gái.

Phú, con trai ông thư ký đồn điền, 17 tuổi học ở trường huyện gần đó, có vẻ như đang “gò gẫm” cô gái mới lớn phổng phao này. Nhưng tất nhiên, một cô gái như thế chẳng phải một mình Phú để ý, có năm bảy cậu vừa đôi phải lứa cũng đang tán nhăng tán cuội mỗi khi có dịp lượn qua hàng thợ may.

Trong số đó có Tân, một anh chàng vừa bằng tuổi Phú cũng có hy vọng lọt vào mắt xanh của Duyên. Tân không được đi học như Phú, song anh ta lại được ông chú ruột truyền cho cái nghề làm thợ điện, ở nhà quê thời đó là một nghề hiếm có thợ chuyên môn. Ngoài những công việc sửa chữa ba thứ đồ điện gia dụng cho các nhà khá giả, Tân còn có thể quấn mô tơ cho những cái máy bơm nước để bán hoặc đi sửa chữa cho những nhà làm vườn trong vùng. Nhờ vậy có đồng ra đồng vào rủnh rỉnh, ban ngày thì quần áo dầu mỡ đen đủi, song tối đến cũng ăn mặc bảnh bao, lượn qua lượn lại qua hàng thợ may.

Có thể nói lúc đó Phú và Tân là hai đối thủ của nhau, nhưng hai cậu này lại khá thân với nhau. Bởi họ học với nhau từ hồi còn nhỏ và cả hai đều thích đá bóng và đá khá hay. Có lần trường của Phú đá với đội của công ty cao su, Phú phải mượn Tân đá “thuê”, uống một chầu nước mía. Nhưng việc bại lộ, đội banh công ty cao su thua to nên khám phá ra Tân không phải là học sinh của trường huyện, họ bèn kiện lên ty Giáo Dục. Rồi cũng huề, đội của trường huyện chỉ bị đội của công ty cao su… chửi một thời gian, có lần hai phe suýt đánh lộn. Dĩ nhiên Tân và Phú phải đứng cùng một phe. Nếu có chuyện cãi vã, thậm chí sô sát là hai người luôn “sống chết bên nhau”. Nhưng đến chuyện của Duyên thì chẳng ai nhường ai.

Tuy có “chiến tranh”, nhưng là những cậu học trò mới lớn, mới biết yêu lần đầu nên chẳng ai thổ lộ với ai. Cả hai cùng làm ra vẻ lững lờ, thỉnh thoảng chịu không nổi, nói chuyện về Duyên, cả hai cậu đều giấu biệt “cái đuôi” của mình.

Tình thế nhập nhằng đó kéo dài khoảng hơn một năm. Phú là người tấn công trước. Trong lớp học của Phú có nhiều tay “quân sư” rất khá. Chúng nó bày cho Phú đủ thứ trò tán tỉnh để chiếm lấy tình yêu. Phú cũng nhiều phen mang thư tình đi qua hàng thợ may rồi lại mang về, run quá không dám gửi.

Người chị của Phú thường hay ra may đồ ở cửa hàng nhà Duyên. Chị Ly vốn là học sinh ở thành phố nên chị hiểu rõ lòng em. Duyên cũng lại rất thân và kính trọng chị Ly của Phú. Thỉnh thoảng ở thành phố về nhà, chị Ly mua cho Duyên một hai món quà nhỏ, cái trâm cài tóc, cái lược đồi mồi hoặc đôi dép “con hổ” Thái Lan.

Một lần chị Ly vô tình nhìn trong hộc bàn học của Phú, thấy lá thư tình chưa gửi hay không dám gửi. Chị lăng lẽ cầm ra, ngồi tâm sự với Duyên rồi trao luôn lá chư cho Duyên. Duyên rất bất ngờ, song vẫn nhận thư. Chị Ly đòi Duyên trả lời, nhưng Duyên cứ đỏ mặt làm thinh. Chị Ly nói là Phú đang mong và gia đình chị cũng đang mong.

Với một gia đình như Duyên, bố làm phu đồn điền, mẹ làm thợ may, được một chàng rể có học hành, con nhà gia giáo là mừng lắm rồi. Và Duyên cũng vậy. Tất nhiên, vào cái tuổi 15-16, cô gái thừa biết những cậu con trai nào muốn “bờm xơm” với mình nhưng cứ giả vờ như không biết gì. Tự trong lòng Duyên, cô đã thầm để ý đến Phú nhiều hơn cả.

Cho đến gần ngày chị Ly phải trở lại thành phố theo học, lúc đó chị mới nói cho Phú biết lá thư đã được gửi đi. Phú choáng váng, bởi khi lá thư biến mất, Phú đã tìm nhưng không thấy làm cậu băn khoăn mãi. Đến lúc đó Phú rất khó chịu với chị song chuyện đã rồi, có trách chị Ly cũng thế thôi. Vả lại, cậu cũng mừng đã có người quyết định giùm mình một dự tính làm cậu mất ăn mất ngủ.

Cậu mắc cỡ đến nỗi không dám đi qua hàng thợ may. Thế nhưng tình yêu vẫn chiến thắng tất cả, cậu Phú lại lảng vảng qua hàng thợ may. Phú để ý thấy Duyên lén nhìn mình rồi đỏ mặt cúi xuống. Hai ba lần như thế, Phú tin rằng Duyên đã “chịu đèn”. Ánh si nhan chớp chớp làm Phú nôn nao. Một ngày trước khi chị Ly trở về Sài Gòn theo học, chị nhờ Duyên đưa vào sóc Thượng mua mật ong cho mấy người bà con ở thành phố. Tất nhiên chị Ly cho Phú đi theo. Chị Ly đèo Duyên trên chiếc xe đạp của bố, Phú đi xe đạp của mình. Ở vùng này, thời đó có cái xe đạp là bảnh lắm rồi.

Chuyện tình của hai người bắt đầu từ đó. Duyên trở nên bạo dạn hơn. Những buổi hẹn hò bắt đầu ở những con đường vắng. Đôi khi họ sử dụng đến những chiếc chòi của mấy nhà trồng tiêu, trồng điều giữa rừng, làm tạm để trông coi và có chỗ trú chân khi mùa tiêu chín. Khi tiêu còn non, những cái lán, cái chòi bỏ không. Tha hồ tâm sự chẳng ai biết. Mỗi người đến nơi hẹn vào một khoảng thời gian và con đường khác nhau. Những cô gái quê hiền lành chân thật tưởng như không bao giờ cho ai đụng đến bàn tay mình, lại trở nên rất đằm thắm, cuồng nhiệt trong mối tình đầu. Khi nụ hôn thứ nhất đã trao đi, men say của tình yêu không kìm hãm được. Nhất là trong một nơi hoàn toàn vắng vẻ giữa chốn rừng già.

Hai cô cậu đắm mình trong hạnh phúc và hai gia đình cũng đã biết cả. Họ dự định cho Phú đậu xong cái bằng tú tài mới làm đám cưới. Mối tình như đã trở thành công khai. Hai gia đình đã xích lại gần nhau hơn, họ thân thiện đi lại thăm hỏi nhau. Thật ra cái khoảng cách giữa gia đình một “ông thư ký” và một “anh phu đồn điền” là một khoảng cách khá xa ở chốn này. Nhưng ông bà Phiên, bố mẹ Phú, lại là những người vốn sinh trưởng ở thành phố, làm việc với người Pháp ở đồn điền, nên có quan niệm sống khá mới. Ông không hề phân biệt gì với gia đình Duyên. Ngược lai gia đình Duyên vẫn giữ lễ phép hơi thái quá với gia đình Phú.

*

Nhưng rồi thời thế đổi thay. Chiến tranh ác liệt tràn về vùng này. Những người Pháp dần dần rút khỏi đồn điền. Cả một cơ sở lớn gần như bỏ hoang. Ông Phiên không còn chỗ làm và cũng sợ vạ lây nên tạm thời xin được một chỗ dạy học ở Bến Cát. Gia đình ông bóp nhặt lâu ngày, mua được vài mẫu đất ở đây. Bà Phiên đành phải ở lại trông coi vài mẫu cà phê và mở tạm ngôi hàng bán tạp hoá ở chợ kiếm sống. Phú theo bố về Bến Cát, việc học hành của cậu cũng dang dở. Chị Ly lấy một người chồng Pháp trước kia cũng làm việc ở đồn điền, đã theo chồng về Pháp.

Phú về Bến Cát một thời gian với bố rồi khi tình hình chiền sự tạm yên mới trở lại sống với mẹ. Nhưng mọi sự đã đổi thay. Gia đình Duyên đi đâu không rõ, bỏ cái tiệm may vắng khách cho người em chồng trông coi. Một thời gian sau, Phú mới biết, gia đình Duyên đã theo “kháng chiến”. Bố Tân cũng theo “cách mạng”. Nhưng Tân vẫn ở căn nhà cũ với ông chú và Tân cũng chẳng cần biết bố mình đi đâu. Bố Tân đi được một thời gian, mẹ Tân bỏ nhà theo người tình đi biệt, chẳng bao giờ có tin tức. Nhưng nghề làm thợ điện của chú cháu Tân lúc có chiến sự đói khách lắm, cho nên có khi Tân phải làm phu hồ.

Rồi đùng một cái “giải phóng”, mọi sự lại đổi thay, rối tung rối xoè. Gia đình Duyên lừng lững trở về cùng với đoàn tiếp thu các cơ sở hành chánh. Bố Duyên lên chức bí thư huyện. Mẹ Duyên làm chủ tịch công đoàn, được phân công quản lý nhân viên của công ty cao su. Duyên trở thành một cô gái “cách mạng” hoạt động hăng hái nhất.

Trong khi đó bà Phiên, mẹ Phú phải trở về Bến Cát vì ở đây họ coi gia đình bà như một gia đình làm việc với Tây, có vài mẫu đất là thành phần địa chủ. Ông Phiên cũng phải bỏ nghề dạy học đi lên Sài Gòn kiếm ăn với bạn bè, làm đủ thứ nghề mà chẳng ra nghề ngỗng gì. Cái thời buổi này chữ nghĩa không còn giá trị gì, chỉ còn là cái lý lịch cá nhân.

Phú học hành dở dang, anh cũng làm đủ thứ việc kể cả việc làm thợ hồ cho những ông chủ quen biết với bố anh từ xưa.

Nhưng có một biến chuyển quan trọng nhất là bố Tân trở về, lúc này ông làm việc ở một cơ quan trung ương. Sau đó ông được cử về giữ một chức then chốt trong bộ máy hành chánh của tỉnh. Tân đang là một anh thợ hồ, thợ điện, bỗng được bố cất nhắc cho làm ở sở điện lực huyện và chẳng mấy lúc giữ chức trưởng ty. Từ trưởng ty nhảy sang quản lý thị trường. Gặp thời “mở cửa” nên tiền vào như nước. Rồi nhảy lên chủ tịch.

Đám cưới của Duyên và Tân được tổ chức rất lớn. Cái thời ăn thịt một con gà phải cắt bằng kéo để che tiếng chặt thịt, giấu kỹ như làm truyền đơn phản động, qua rồi, lúc này người ta cần khoe của, khoe nền văn minh hiện đại trên con người và trong căn nhà của mình.

Lúc này Phú cũng đang cùng ông chủ thầu xây dựng làm một cơ sở lớn ngay tại đây, nhưng chẳng ai còn nhớ đến anh. Vợ chồng Duyên và Tân dường như chỉ có những người bạn mới, khá đông quan chức đi xe hơi từ tỉnh về dự. Họ là bạn của bố Tân và vài người trẻ tuổi “trèo cao” là bạn của Tân. Duyên vẫn đẹp và còn rực rỡ hơn vì cô đã biết son phấn, đi giày cao gót, mặc áo veste, hột soàn đeo vài cái như hạt ngô trên những ngón tay mũm mĩm.

Duyên biết Phú làm ở công trình gần thị trấn, đôi lần cô đi ngang, nhìn thấy Phú, cô ngần ngại rồi quay lưng đi luôn. Hai người sống trong cùng thị trấn nhỏ này, có khi họ vô tình gặp nhau giữa đường, song cứ làm như không quen biết. Nỗi đau tím ruột, nhưng Phú đành câm lặng. Cho đến một ngày, trong toán thợ của Phú có một vài anh say rượu đánh lộn ngoài quán cà phê. Phú phải lên công an bảo lãnh cho họ về. Họ bị nôp phạt và bồi thường tiền cho chủ quán. Phú và cả toán thợ không có một đồng cắc dính túi nên chưa được thả. Bữa đó chẳng hiểu Duyên có việc gì hoặc lên họp với ty công an. Cô nhìn thấy cảnh đó nên can thiệp cho toán của Phú được trở về tiếp tục làm việc. Đủ biết uy tín của vợ chồng Duyên rất lớn. Nhưng khi Phú định ngỏ lời cảm ơn thì Duyên đã biến vào phòng họp.

Lại một lần nữa Phú cay đắng, anh nghĩ thái độ đó của người yêu cũ coi như trả nợ tình xưa vậy thôi. Anh đã định bỏ đi nơi khác, nhưng công trình không có người trông coi nên đành nấn ná ở lại. Suốt ngày Phú lầm lì không buồn nói chuyện với ai. Phú vẫn còn có một số bạn bè cũ ở đây, họ biết rất rõ về mối tình của Phú và Duyên. Vài anh thợ trẻ cũng biết chuyện này. Có những người bạn trách móc vợ chồng Duyên và Tân bạc bẽo và có những anh thợ trẻ hung hăng, nhưng cũng chỉ dám chửi bới lèm bèm vì cái tội bỏ rơi bạn bè.

Những lời an ủi đó càng khiến Phú đau thêm, vết thương càng rỉ máu. Ngoài mặt, Phú làm ra vẻ bình thản, song chẳng đêm nào Phú không nghĩ đến Duyên và những giây phút âu yếm thuở đầu đời. Phú nhớ từng cử chỉ ngượng ngập nhưng rất tình tứ của Duyên, từng tiếng nói, từng hơi thở trong từng nụ hôn của cô gái nhà quê mới lớn. Mối tình tưởng đã có thể quên nhưng càng gợi nhớ khi hàng ngày trước mặt Phú, Duyên vẫn hạnh phúc, cao sang bên chồng… danh giá, tưởng như chọc vào mắt Phú. Anh không thể quên và càng thêm thù hận.

*

Bữa đó một người bạn cũ của Phú mới làm xong một ngôi nhà phía trong lô cao su. Vào buổi trưa ngày chủ nhật, Phú được mời tới dự. Người bạn cũng có chút chức tước ậm ờ trong cái Uỷ Ban Chữ Thập Đỏ, thân chinh đến mời cả vợ chồng Duyên và Tân. Nhưng Tân đi công tác trên tỉnh nên không đến được. Chỉ có Duyên đến với hai chai rượu Tây trên tay, chứng tỏ mình thuộc thành phần “cấp cao” ở nơi này.

Chuyện trò rôm rả, nhưng hầu như Duyên chỉ liếc qua nhìn Phú và cố tránh không bao giờ ngồi chung bàn với Phú. Sự thờ ơ trắng trợn đó của Duyên không qua mắt được những người bạn cũ của hai người. Họ cũng tỏ vẻ khó chịu nhưng chỉ nhìn Phú bằng ánh mắt thương hại. Càng như thế Phú càng đau thêm. Không chịu nổi, Phú lấy xe gắn máy ra về trước .

Hôm nay lần đầu tiên Phú uống khá nhiều rượu. Chiếc xe chuyếnh choáng rời khỏi con đường nhựa cũ mấp mô, xen lẫn đất đỏ, quành vào một khu vườn tiêu. Đây cũng chính là nơi xưa kia Phú và Duyên đã từng hẹn hò. Bây giờ khu vườn này lại cũng chính là của vợ chồng Duyên mới mua lại với cái giá rẻ mạt trong khi tiêu rớt giá. Bây giờ tiêu lại lên giá nên vuờn tiêu đáng giá bạc tỉ.

Phú dừng xe lại, một phần vì con đường hẹp và lầy lội, Phú lại hơi say. Một phần khác, chính Phú cũng không hiểu vì sao mình lại không đi nữa. Chàng nhìn cái lán mới làm sau vườn tiêu xanh tốt ngút ngàn. Kỷ niệm ùa về như thác lũ, khiến Phú không thể nào đi được. Anh dừng lại bên vệ đường trong buổi xế trưa âm u.

Một lát sau, khi trời đổ mưa, bóng dáng Duyên bất ngờ hiện ra cuối con đường đất đỏ. Chiếc xe gắn máy mới tinh, loạng choạng bò trên mặt đường trơn trượt. Phú thấy tim mình đập rộn ràng. Con đường vắng ngắt, chỉ có Phú và Duyên. Phú nẩy ra ý định gặp Duyên và nói… những gì cần nói mà từ bao lâu nay Duyên không cho Phú cơ hội. Nghĩ vậy, nhưng ngay lúc này, Phú cũng chẳng biết phải nói như thế nào, nói những gì.

Như con mèo rình chuột, khi Duyên đi qua, Phú bất ngờ nhảy ra, cản tay lái. Duyên hốt hoảng sững người ra, chiếc xe lăn kềnh xuống con mương. Duyên hỏi lớn:

– Anh muốn gì ?

Phú cố cất tiếng ôn tồn:

– Tôi muốn cảm ơn vì bữa nọ cô đã can thiệp cho chúng tôi ở công an.

– Anh khỏi cần cảm ơn. Tôi thương hai những người thợ thôi. Nhưng anh không được phép cản đường tôi như thế.

Phú giận tái mặt, chàng gầm lên:

– Em có thể tệ bạc như vậy sao?

– Chuyện của tôi và anh hết rồi, tôi đã có chồng. Chồng tôi là gì thì anh biết chứ?

– Biết thì sao ?

– Anh ấy có thể bỏ tù anh bất cứ lúc nào.

Sự đe doạ đó càng làm Phú uất thêm. Duyên không hiểu rằng trong trường hợp này, điều đó còn hơn là một liều thuốc kích thích cho đối phương hăng máu thêm. Phú hất hàm:

– Ừ, có giỏi nó bỏ tủ tôi đi. Tôi thử xem nó bỏ tù tôi được không.

Phú như người điên, anh túm lấy cổ áo Duyên kéo về phía mình. Duyên ngã vào vòng tay Phú, chiếc cổ áo bằng thứ lụa mỏng manh rách toạc làm lộ bộ ngực căng đầy nõn nà. Phú kéo Duyên vào con đường mòn. Duyên càng giẫy dụa, Phú càng xiết chặt. Anh bế xốc Duyên lên mang vào căn chòi gần đó sau những lùm tiêu, lên tiếng doạ nạt:

– Em kêu là anh giết em rồi tự tử theo. Anh không mất em dễ dàng như thế đâu.

Quả nhiên lời đe dọa của Phú với những cánh tay lực lưỡng đang xiết lấy cô đến nghẹn thở, có hiệu lực. Duyên không dám phản kháng mạnh nữa. Phú quăng Duyên lên chiếc sàn tre ọp ẹp.

Chẳng biết tự bao giờ, thân hình Duyên phơi ra trong bóng tối mơ hồ của chiếc chòi chập hẹp. Như một hành động vô thức, Phú chồm lên, hung hãn và thèm khát tưởng có thể nuốt sống người đàn bà dưới mình.

Cơn điên dã thú vừa xong, Duyên vẫn nằm thở dốc. Phú ngơ ngác, đẩy đống quần áo cho Duyên. Không nói một câu nào, Phú cũng chẳng biết phải làm gì thêm nữa. Duyên lại đe doạ:

– Tôi sẽ đi tố cáo anh hiếp tôi. Đồ… tồi.

Phú vẫn im lặng. Dường như lúc này Phú ý thức được mình là tên tội phạm nguy hiểm sẵn sàng chờ bất cứ hình phạt nào đến với mình. Mặc cho Duyên vừa mặc quần áo vừa nguyền rủa đe doạ, sau cùng Phú nói:

– Anh không thèm trốn đâu, em cứ làm cái gì em thấy phải làm.

– Được, anh cứ đợi đấy. Cho anh rũ tù.

Phú lì lợm:

– Đi tù vì em cũng đáng lắm. Anh không hối hận đâu. Anh đòi lại cái gì của anh.

Duyên bước xuống những bậc thang tre. Cô thất thểu bước giữa những hàng tiêu rậm lá, ra đường tìm chiếc xe còn nằm dưới đường mương đầy cỏ dại. Phú lững thững đi theo, anh đứng sững chứng kiến Duyên leo lên xe, hầm hầm nổ máy cho xe lao nhanh trên con đường vẫn còn mưa như trút nước.

*

Câu chuyện đó im bặt. Chẳng biết Duyên có nói với chồng hay không. Phú vẫn sẵn sàng chờ đợi một lúc nào đó mấy cậu công an đến còng tay mình đưa về trụ sở. Đúng như anh đã hứa không thèm trốn. Nếu bị điều tra, anh sẽ khai hết sự thật và nếu phải ra trước toà anh cũng chẳng làm họ mất thì giờ, anh nhận hết mọi tội lỗi.

Nhưng mọi chuyện xảy ra sau này khác hẳn với những gì Phú dự đoán.

Một buổi tối, Phú vừa về đến nhà trọ, anh nhận được một mảnh giấy của đứa bé mang lại. Đứa bé nói:

– Con đợi chú từ chiều.

Đó là lá thư ngắn của Duyên. Nét chữ như gà bới nhưng lời lẽ lại quá… tình tứ:

“Tối nay, 7 giờ, gặp em ở chỗ anh đã h… em nhé”.

Phú không kịp ngạc nhiên, anh xem đồng hồ, lúc đó đã là 7 giờ kém 15. Phú hấp tấp nhảy lên xe phóng tới nơi hẹn. Trời đầy sao, lại có mảnh trăng thượng tuần lơ lửng đầu núi. Phú không thấy xe của Duyên, có lẽ cô đã giấu xe ở một lùm cây nào đó. Phú dúi đại xe vào sau đống cỏ dại um tùm, nhảy ba bước lên thang tre. Căn chòi hơi tối, Phú đã thấy Duyên nằm dài ra đó. Và… dường như cô không mặc gì.

Phú ngẩn ngơ một chút rồi cúi xuống. Duyên choàng lấy đôi vai lực lưỡng của Phú. Tiếng nàng vẳng lên nũng nịu như một người tình thiết tha nhất:

– Đi đâu làm người ta đợi …

– Ờ thì anh mới nhận thư của con bé mang lại là phóng đến ngay.

Phú chỉ thấy hàm răng trắng của Duyên ánh lên. Chàng ngây ngô hỏi:

– Em không bỏ tù anh sao?

Tiếng Duyên cười nhỏ:

– Sợ hả?

Phú dứt khoát:

– Đã nói anh không thèm trốn là anh không sợ. Có chết vì em anh cũng vui, còn hơn là chết hay ở tù vì những thứ khác lãng nhách. Không đáng là đàn ông.

Duyên xúc động quằn người lên xiết chặt lấy Phú:

– Chính vì tìm được người đàn ông như anh quý thế cho nên làm sao em bỏ tù anh được. Phải để anh tự do mà… yêu em chứ.

Phú vẫn chưa hiểu hết những diễn biến trong lòng Duyên. Anh lừng khừng hỏi lại:

– Không ai biết chuyện của chúng mình chứ?

– Tất nhiên là không, mà dù có biết cũng phải im.

– Sao vậy?

Duyên lắc mình như con rắn:

– Thôi, lát nữa em nói cho nghe. Anh giỏi chữ nghĩa, nhưng đến những chuyện như thế này thì anh không biết được đâu. Thời này thằng giỏi làm phu hồ, thằng dốt làm quan là chuyện thường tình. Lát nữa em mới nói.

Phú chỉ còn biết làm theo lời Duyên. Ánh trăng lờ mờ chiếu qua những tấm phên mỏng rách vừa đủ soi hai thân hình trong cuộc tình vụng trộm điên dại.

Chẳng biết thời gian trôi qua bao lâu, Duyên mới lại rì rầm hỏi Phú:

– Thế nhận được thư em anh không ngạc nhiên sao?

– Ngạc nhiên lắm chứ.

– Anh không sợ đây có thể là một cái bẫy để chồng em bắt quả tang, đưa công an đến còng tay anh cho vào tù à?

– Anh không bao giờ nghĩ tới điều đó. Mà dù có biết như thế thì anh cũng vẫn cứ tới. Ở tù vì em còn hơn là ở tù vì hối lộ, vì ăn cắp…

Và với sự thông minh của mình, Phú nói thêm:

– Để em hiểu rằng lúc nào anh cũng còn yêu em như ngày xưa, còn hơn xưa…

Nụ hôn cháy bỏng của Duyên bít môi Phú lại và quăng Phú xuống sàn tre một lần nữa. Họ nằm bên nhau, khi những bông hoa rừng mùa xuân cũng vừa nở.

Ngón tay Duyên vẽ trên vai Phú hai chữ P. và D. như ngày xưa họ vẫn vẽ trên con đường đất đỏ đầy xác là khô khi mới yêu nhau. Duyên lại thủ thỉ:

– Anh yên tâm, dù Tân có biết cũng không dám làm gì đâu. Một người đang có chức có quyền như anh ấy không ai dại gì mang chuyện lôi thôi của gia đình mình ra mà kiện tụng um sùm. Mất uy tín và mất chức như chơi. Cho ăn kẹo anh ấy cũng không dám hé môi. Vả lại, anh biết không, hồi sau này có chức có quyền, thằng chồng em cũng đi liên miên, bồ bịch loạn xạ, rượu chè đàn đúm với đám quan to quan nhỏ, đàn em đàn anh lu bù. Nó có con bồ ruột là một con bé chân dài, mới 20 tuổi, là sinh viên ở Sài Gòn, nghe nói nó cho con kia nhiều tiền lắm. Em nói thật nhé, có khi nó bỏ “đói” em cả tháng không buồn hỏi đến.

– Sao em không mướn người điều tra cho ra lẽ?

– Có điều tra ra con này thì nó lại đi với con khác chứ ăn thua gì. Khi nó đã chán mình thì mình tha thiết với nó làm gì. Em cũng có tiền, có thừa điều kiện để ăn chơi, tội gì em phải bám theo nó.

Phú ngập ngừng một chút rồi cười:

– Vì thế nên em mới đến với anh phải không?

– Em không chối, nhưng xét cho cùng thì chỉ có anh là người yêu em nhất. Người đàn bà đến một lúc nào đó, có đủ thứ rồi thì chỉ cần tình yêu. Một tình yêu chân thật, bất chấp mọi thứ. Em cũng không chối với anh là xung quanh em có khối anh ve vãn, ngay cả những thằng mang tiếng là bạn của chồng em, cũng vai vế đàng hoàng, tán ngầm, tán thẳng cánh. Em cũng đã từng “cho” để trả thù. Nhưng bọn đó chán ngắt, yếu xìu. Phải có thuốc, có rượu và còn thì thầm to nhỏ với nhau “khoe thành tích ngủ với vợ người khác” nữa. Một bọn mất dạy.

Rồi Duyên thở hắt ra:

– Em chán những thứ như thế lắm rồi. Có lẽ nhiều gia đình cũng như tụi em thôi. Chồng làm gì cứ làm, vợ làm gì mặc kệ để bảo đảm “an ninh” cho địa vị của mình. Cứ thế là được, cứ thế mà sống. Vì thế anh đừng lo, em có nói thẳng vào mặt Tân, nó cũng chỉ gầm lên trong nhà rồi lại im thin thít. Anh tưởng nhà em chưa từng xảy ra chuyện như thế à ? Nó mà dở trò, em cũng dở trò với những con bồ của nó, em làm tan hoang là nó đi đứt. Có khối chuyện em hở ra là nó đi tù trước. Còn em bỏ về thành phố mở cái phòng ngủ cũng thừa sống. Muốn làm gì thì làm. Nó yếu thế hơn em. Ông già nó bây giờ mất tín nhiệm vì vụ gỗ lậu rồi, ông già em khôn hơn nên rất có uy tín với cấp trên. Nếu không vì tình nghĩa anh em bạn bè chiến đấu với nhau thì ông già em thừa sức nắm đầu bố nó, chứ nó mà ăn thua gì.

*

Rồi tiếp tục những ngày sau đó, Duyên vẫn hẹn với Phú. Nhưng bây giờ lên đời rồi, có những lần họ đưa nhau về thành phố Bình Dương, lên Sài Gòn, ra Vũng Tàu, chui vào những căn biệt thự cao cấp ở với nhau vài ngày. Chuyện đó thiên hạ cũng đồn râm ran và những chú thợ xây láu cá cũng biết. Song mọi thứ vẫn cứ yên lặng, những bộ mặt vẫn cứ nghiêm chỉnh, thản nhiên lo công việc của mình. Nhà quê vẫn yến ắng bình dị như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Khi hàng rào nhà tôi làm sắp xong, ông Phú tâm sự. Sau này Duyên không còn mặn mà với ông nữa, cô đã có thêm những người khác. Sống nhởn nhơ như những mệnh phụ miệt vườn thứ thiệt. Ông Phú vẫn chỉ là anh thợ xây và ông tiết lộ thêm một bí mật. Duyên ở với Tân nhiều năm không sinh con. Sau này, khi đã hẹn hò với Phú rồi, Duyên mới sinh được một đứa con gái. Ông Phú thắc mắc không biết có phải là con mình không. Và chính Duyên cũng không biết chắc có phải là con ông hay không. Ông lắc đầu:

– Trong trường hợp của tôi và Duyên thì không bao giờ đi xét nghiệm ADN được. Thôi thì cứ để vậy cho xong, làm ra cũng chẳng để làm gì cả. Con ai thì cũng thế thôi. Cứ coi như con của thằng Tân đi. Xã hội bây giờ là thế đấy ông ạ. Chẳng thiếu gì những đứa con như vậy.

Ông Phú nhìn ra ngoài trời khi nắng mùa xuân trải vàng những thảm cỏ trong vườn. Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn:

– Thế cô Duyên không đặt vấn đề ly dị để kết hôn với ông sao?

Ông Phú cười sặc lên:

– Làm gì có chuyện đó được. Có lẽ đôi khi Duyên lại sợ tôi đặt vấn đề đó với cô ấy nên cô ta cứ chặn xa chặn gần rằng em chỉ muốn sống như thế này. Cứ hưởng thụ những cái gì Tân mang lại, cứ tự do làm những gì mình muốn mà lúc nào cũng có danh nghĩa là vợ ông chủ tịch, lúc nào cũng có quyền hành đối với ông chủ tịch. Thế không sướng hơn sao. Ly dị là lỗ vốn to. Tôi cũng nhận ra rằng mình biến thành một thứ cho cô ta giải trí, một thứ nhu cầu xác thịt như cơm áo hàng ngày của cô ta mà thôi. Tôi không cho rằng cô ta cần tình yêu đầu đời hay cuối đời của tôi đâu. Bây giờ những thứ đó chẳng còn có nghĩa gì với những người như thế. Nhưng tôi thì cần cô ta, không phải vì cô ấy giàu mà vì… tôi chưa thể quên được cô ấy. Tình yêu hay thù hận cũng chẳng còn đúng. Vì thế tôi vẫn chưa lấy vợ. Tôi cũng hưởng thụ cái gì cô ấy mang lại. Thế thôi. Con người lúc này, đôi khi không định nghĩa nổi chính mình nữa, phải không ông?

Tôi chịu, không trả lời được câu hỏi này. Nhìn những mái nhà êm đềm bình dị sau những khu vườn cây, bên những triền dốc, lâu nay tôi cứ tưởng là bình dị. Nhưng sau những đổi thay của thời thế, của quyền lực, mỗi mái nhà là một câu chuyện, mỗi câu chuyện ẩn chứa một bi kịch hay thảm kịch và cũng có thể là hài kịch hoặc có cả ba thứ đó.