Thằng Mát PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngô Minh Hằng   
Chúa Nhật, 25 Tháng 7 Năm 2010 11:24

Thành Mát vừa dứt lời, một cú đấm  như trời giáng bay  vào mặt. Nó choáng váng. Một dòng máu đỏ từ mũi chảy rạ Mát  một tay ôm rổ quạt, một tay ôm mặt ngồi xuống lề đường

Thằng Mát ôm rổ quạt giấy màu mè vẽ đủ loại chim cò hoa lá rảo chân đi theo một đôi  vợ chồng khoảng gần năm mươi tuổi đang dắt tay nhau nhàn hạ trên đường mà theo nó, qua cách ăn mặc, nó biết ngay là cặp vợ chồng Việt kiều về du lịch.  Người đàn ông đội một cái nón vải trắng, trên có chữ USA thêu bằng chỉ màu lam, quần soọc trắng, áo thun màu vàng nhạt, sau lưng đeo một cái túi thể thao nhỏ. Người đàn bà mặc chiếc áo thun đỏ hở rộng cổ  ngắn tay, quần jeans xanh, đeo một cái túi da quanh bụng, đầu đội một cái nón vải màu trắng vẽ hình chú chuột Mickey và trên tay cầm chai nước suối  Mát chạy theo, giơ cái rổ đựng đầy quạt trước mặt khách vừa cười cầu tài, vừa đon đả:
- Trời nóng, cô chú mua giùm con cái quạt này để quạt cho mát đi. Che nắng cũng được nữa.  Quạt làm bằng gỗ trầm, thơm, đẹp, rẻ mà lại bền. Mua giùm con đi, con cám ơn cô chú...

Người chồng nhìn Mát không nói nhưng không tỏ vẻ gì khó chịu. Người vợ thì có vẻ ái ngại quay nhìn chồng. Chưa ai kịp phản ứng gì thì lập tức, gần cả chục đứa trẻ trên dưới tuổi Mát, bán đủ thứ hàng, ở đâu không biết, túa ra, chạy lại  vây tròn lấy  ba người. Chúng chen lấn, xô đẩy,  tranh nhau chào hàng của mình một cách ồn ào, hỗn loạn làm ai không hiểu chuyện thì tưởng là một đám cãi nhau nhỏ. Mát sợ vuột mất khách hàng, nó nhìn người đàn bà với ánh mắt van lơn:
-    Cô ơi...cô mua giùm con đi  cô. Cô mở hàng giùm con đi. Sáng  giờ con chưa bán được cái nào hết á...cô mua làm ơn làm phước ....
- Được được. Bao nhiêu?
- Thưa cô năm ngàn.

Để mau thoát khỏi vòng vây của lũ trẻ, người đàn bà duí vội vài tờ giấy bạc vào tay thằng bé và lấy một cái  quạt trong lúc người đàn ông một tay dắt vợ, một tay gạt mấy đứa trẻ ra, và hai người  bỏ đi như chạy. Một  vài đứa chạy theo nài nỉ nhưng phần lớn đứng lại chửi vói theo.
- ĐM. Việt kiều gì mà kẹo! Nhìn cái mặt thấy ghét.
- Ừ, bọn Việt kiều này chơi hổng ngon.
Bỗng có tiếng  quát :
- ĐM. thằng này xạo. Trưa trật trưa trờ rồi mà nó bảo chưa mở hàng. Đ. M. mày, đồ ba xạo !
Cùng với lời quát mắng, thằng Mát bị một cái cùi chỏ thục mạnh vào cạnh sườn. Nó oằn người lại, té  xuống lề đường. Cái rổ rời khỏi đôi tay gầy guộc và những chiếc quạt văng tung tóe quanh người nó. Bọn trẻ dãn ra đứng thành hình vòng tròn xung quanh nạn nhân. Mát đau đớn nhưng sợ hãi không dám ngước nhìn người đánh nó.  Giữa đám trẻ, Thành Sứt đứng vênh váo, một tay chống nạnh, một tay cung ra  trong khi bọn trẻ  vỗ tay cổ võ.
- Ông nội mày đánh cho mày chừa tật xạo nghe mày.  Muốn sống, từ nay không được giựt khách của ông nội mày nữa nghe con!
Thằng Mát vừa đau vì đòn, vừa đau vì uất ức. Nó biết rõ là nó không giành khách của ai, nhất là với thằng Thành Sứt, vì với đám trẻ bụi đời này. Thành Sứt là hung thần. Nó vừa to con, dữ dằn, hung ác,  vừa vô cùng côn đồ và ngang ngược.
- Không biến ngay còn đứng cho ngứa mắt ông nội mầy hả thằng Mát ? Mầy muốn nếm vài củ nữa không ?
Không dám cãi, thằng Mát rơm rớm nước mắt  lồm cồm bò dậy. Hai tay nó run run vơ thật nhanh những chiếc quạt lăn lóc ở lề đường.
Đến chiếc quạt cuối cùng, thằng Mát đã muốn bỏ đi, vì thằng Thành Sứt đạp chân lên đó. Nhưng thằng Thành Sứt không để nó đi dễ dàng  như vậy được. Vẫn một chân đạp lên chiếc quạt, một tay nắm lại thành nắm đấm dứ trước mặt thằng Mát:
- Ê, chưa đi được. Còn cái quạt này mày không lượm lên à ? Sao, có lượm lên không?
Thằng Mát vẫn không nói, cúi xuống định lượm chiếc quạt thì thằng Thành Sứt cười cười, đưa tay ngăn lại:
- Không được lượm bằng taỵ Muốn sống, quì xuống, lấy răng mà lượm.
Đến lúc này thằng Mát không còn nhịn được nữạ Nó đứng im, nhìn thằng Thành Sứt.
- Tao không quì !
Thành Mát vừa dứt lời, một cú đấm  như trời giáng bay  vào mặt. Nó choáng váng. Một dòng máu đỏ từ mũi chảy rạ Mát  một tay ôm rổ quạt, một tay ôm mặt ngồi xuống lề đường.  Lũ trẻ cười khoái chí. Trước khi bỏ đi, thằng Thành Sứt thuận chân đá bồi vào mặt, vào vai thằng Mát vài cái nữa.  Ngay góc phố, một người cảnh sát đứng gác ở góc đường . Anh ta thản nhiên cầm cây súng, nhìn người qua lại.
 
Suốt buổi  chiều còn lại, thằng Mát không bán thêm được bao nhiêu quạt vì nó đau quá. Đầu nó nhức và nặng, mỗi bước đi là nó nghiêng đổ  như muốn té. Về nhà bây giờ thì sớm quá. Thế nào nó cũng bị má Tám la . Có thể còn bị đòn. Nó  bèn vào một công viên, kiếm một gốc cây nằm nghỉ và định chờ lên đèn  mới dám về nhà. Gọi là"nhà" vì đó là nơi nó về ăn bữa cơm tối, dù đôi khi chỉ có nửa chén cơm với chút nước mắm, và ngủ mỗi đêm. Nơi đó, có một người đàn bà sồn sồn, to béo, phốp pháp, lúc nào miệng cũng phì phèo thuốc lá và quần áo thì xốc xếch, bẩn thỉu mà nó gọi bằng Má Tám. Má Tám có một  bày tới năm đứa "con". Ba đứa sàn sàn tuổi nó, một đứa lên bốn và đứa nhỏ nhất, lên hai. Sáng sáng, má Tám gọi tụi nhỏ dậy, cho mỗi đứa một củ khoai lang luộc bằng hai ngón tay và xua bọn nó đi  "làm việc". Con Tư lớn nhất, 12 tuổi, có bổn phận ẵm thằng Ròm, hai tuổi, đi ăn xin. Trước khi đi, má Tám luôn dặn con Tư:
- Nhớ là phải ẵm em dí sát vào người ta mà xin. Nhớ nói là bố lấy vợ bé, mẹ ung thư sắp chết nên phải dắt em đi xin nghe. Chăm làm nghe Bé Tư! Mầy mà lười về tao đập thấy mẹ mày. Buổi trưa, nhớ mua cho thằng nhỏ chén cháo. Một chén thôị Nó ăn dư thì mầy ăn. Tối về ăn cơm.

Thằng Ba Thọt,  11 tuổi nhưng chỉ bằng đứa trẻ lên bảỵ Nghe  má Tám nói với người ta rằng hồi nhỏ nó bị té gẫy chân  nên chân teo lại, đi cà thọt. Nhưng  hàng xóm thì lại xầm xì với nhau rằng má Tám mua  nó từ lúc nó gần ba tuổi. Ba thằng Ba Thọt bẻ què nó ngay từ lúc mẹ nó đem nó từ nhà bảo sanh về để mẹ nó ẵm  đi  ăn xin. Nhưng được gần ba năm thì mẹ nó bịnh chết. Ba nó bán nó cho má Tám. Về với má Tám nó được má Tám cho một bà già "mướn" nó để cõng nó đi ăn xin, gặp ai bà cũng kể rằng con gái bà thật là tệ, đẻ con ra thấy nó tàn tật không nuôi, bỏ lại cho mẹ rồi đi mất biệt. Nay hai bà cháu phải đi ăn xin mà sống.  Nghe chuyện, ai cũng động lòng.  Khi thằng Ba Thọt được sáu bảy tuổi, má Tám không cho  "bà ngoại" nó mướn nữa. Câu chuyện thương tâm con gái bỏ đứa con tàn tật lại cho mẹ già nuôi  đã đến đoạn kết để cuộc đời thằng Ba Thọt lại chuyển sang một giai đoạn thương  tâm khác. Bây giờ thì thằng Ba Thọt có đứa em gái là con Thơm Ghẻ, bốn tuổị Mẹ chúng nó chết. Ba chúng nó bị mù không làm ăn gì được. Nó phải dắt em gái đi xin để nuôi nhau và nuôi bố.  Đứa mới nhất vàcuối cùng là nó, thằng Mát, 10 tuổi.  Nó không biết ai đặt tên cho nó là thằng Mát nhưng nó  biết rõ nó không phải là con ruột má Tám vì nó nhớ  rằng  xa xưa lắm, nó cũng có mẹ, có ba. Một hôm, ba mẹ nó đi làm rồi không bao giờ về nữa. Người bạn gái mướn nhà chung với mẹ nó nuôi nó. Được ít lâu, cô ấy lấy chồng. Chồng người bạn mẹ nó là một người đàn ông bê tha, nghiện ngập. Một hôm người bạn mẹ nó vắng nhà, người đàn ông này đem nó đi giao cho  một người đàn bà lam lũ, dơ dáy. Từ đó, nó không hề gặp lại người bạn của mẹ nó nữa và nó sống với người đàn bà. Bà ấy gọi nó là con và bảo nó gọi bà là má. Hằng ngày " hai má con" đi  ăn xin, đêm về ngủ ở chân cầu, được che chắn bởi những miếng ván ép, những miếng gỗ vụn  má nó nhặt được. Nhưng "má " nó thương nó thật. Những đêm mưa gió lạnh lùng, bà nhường cả cho nó tấm chăn đơn và ôm nó vào lòng ru cho nó ngủ.  Xin được gì ngon, bà dành cho nó. Thỉnh thoảng có tiền, bà mua cho nó cái bánh, cây kem hay cục kẹo và bà ngắm nhìn nó ăn với nụ cười  hạnh phúc. Quần áo của nó, bà cũng chịu khó giặt giũ và  luôn thay đổi để nó được sạch sẽ và tươm tất.  Thường thì má nó thức dậy trước nó, nướng cho nó một củ khoai hay đơm cho nó một chén cơm nguội rồi đánh thức nó dậy ăn  trước khi một ngày mới bắt đầu. Nhưng buổi sáng hôm ấy, nó còn nhớ rõ là khi nó thức dậy thì "má" nó vẫn còn say ngủ. Một tay nó dụi mắt, một tay kéo tay gọi Má, Má. Nhưng tay má nó lạnh ngắt và má nó nằm yên. Thấy lạ, sợ qúa, nó khóc to lên. "Hàng xóm", những người ở chung một chân cầu với má con nó, thấy nó gọi má và khóc thì mở tấm ván nhìn vào. Người ta chộn rộn bàn tán  rồi  thắp vài nén nhang cắm vào kẹt ván phía đầu má nó nằm. Sau đó, người ta đưa má nó đi đâu nó không nhớ được.

Chỉ vài tiếng đồng hồsau khi đưa má nó đi, "hàng xóm" của nó lại bình lặng như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Chỉ có nó là ngồi một mình buồn thiu, nhớ má. Trưa hôm đó nó đói, nó tìm thấy chén cơm má nó còn để dành cho nó từ chiều hôm qua trong chiếc nồi nhôm. Gia tài của má nó để lại cho nó là "căn nhà" dưới gầm cầu , hai cái soong cũ, ba cái chén ăn cơm, một cái đĩa  vài cái muỗng.

Vắng má, nó đói. Sáng hôm sau, nó, một mình tìm đến những con đường mà xưa kia hai mẹ con nó đã đi. Nó làm những việc má nó xưa kia làm. Thế là nó trở thành đứa trẻ mồ côi đi ăn xin thực thụ. Thằng Mát đi xin, ai cho gì, ăn nấy. Khi xin được tiền, nó để ra vài ngàn, đến tiệm tạp hóa của ông Tư mua lẻ vài nén nhang xong đến đến quán cơm bình dân của bà Hai, mua một chén cơm và xin chút nước cá chan vàọ Ăn xong, nó về nhà, bắt chước lúc người ta đốt nhang, nó đốt nhang cho má nó. Những lúc ấy, mặt nó thật buồn, nó nhìn đốm nhang cháy đỏ im lặng đến khi nhang tàn nó mới chui vào tấm mền tìm giấc ngủ.  Nhiều  hôm không may mắn, nó không mua nhang, nhưng  mang bụng đói đến quán bà Hai, đưa cho bà vài trăm bạc, xin phụ rửa chén,
đổi cơm.Bà Hai không bao giờ giao chén cho nó rửa, cũng không lấy tiền của nó  nhưng sai nó vài việc vặt rồi cho nó lưng chén cơm với chút nước đậu kho.

Nó ở một mình như thế không  lâu thì một buổi sáng khi nó đang lang thang  kiếm ăn, má Tám đến làm quen nó, rủ nó về má Tám nuôi và hứa rằng sẽ kiếm việc cho nó làm và nó không còn phải đi ăn xin nữa.

Có một điều Thằng Mát  không bao giờ biết  được rằng mẹ nó là một cô gái quê xinh đẹp, bố chết sớm, được mẹ cho ăn học, đậu xong bằng tiểu học  thì đất nước "được cách mạng giải phóng" và ruộng vườn, lúa gạo của  bà ngoại nó cũng  được cách mạng quản lý luôn.  Tài sản mất vào tay cách mạng, bà ngoại nó uất ức bị bịnh chết và mẹ nó bỏ quê lên Sai Gòn tìm sống. May mắn,  được  một người quen tìm được việc giữ kho cho một  hãng xuất cảng  may mặc quốc doanh.  Rồi mẹ nó yêu một người tài xế của hãng. Hai người lấy nhau và sanh nó trong cảnh nghèo nhưng hạnh phúc. Khi sanh xong, gái một con, mẹ nó đẹp hơn. Sắc đẹp và vẻ duyên dáng của mẹ nó đã làm ông giám đốc công đoàn xuất cảng đêm ngày mơ tưởng. Một buổi chiều, ông giám đốc đến kho hàng chỉ định cho mẹ nó phải lấy các hồ sơ ra  kiểm soát lại hàng hoá và chờ lúc công nhân đã ra về hết, ông ta giở trò chiếm đoạt .  Bị mẹ nó kháng cự, cào cấu sứt mặt và cắn sứt tai chảy máu,  ông giám đốc sợ chuyện đổ bể, bèn bóp cổ mẹ nó cho đến chết. Bố nó, sau một chuyến đi giao hàng về, thấy kho hàng cửa còn khép hờ thì đi vào  tìm vợ. Sau khi lách mình qua cánh cửa kho, đến phòng giữ hóa đơn, nơi mẹ nó làm việc  thì cũng là  lúc bố nó chứng kiến cảnh thân thể mẹ nó lõa lồ, tóc tai rũ rượi nằm  bất động trên bàn giấy  và ông giám đốc đang hốt hoảng lau chùi vết máu trên mặt. Hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra, bố nó vớ cái thanh sắt chặn cửa kho, đưa lên tính giáng vào đầu tên giám đốc. Nhưng ngay lúc đó, bố nó bị một người đàn em của hắn tiến đến từ phía sau, giằng lấy và đập mạnh thanh sắt ấy lên đầu. Xong xuôi, ông gíam đốc và tên đàn em bỏ xác bố mẹ nó vào hai cái bao đựng vải, lấy dây buộc hàng buộc kỹ lại,  khiêng  ra, chất lên ngay chiếc xe bố nó vừa lái về. Sau đó, chiếc xe chở hàng có hai xác chết được ai lái đi đâu và làm gì thì không ai biết nữa.

Vừa thò đầu vào nhà, nó đã nghe má Tám nghiến răng kèn kẹt:
- Thằng Mát, sao giờ này mầy mới vác xác về ? Tao tưởng mầy chết   bầm ở đâu rồi chớ. Mầy đi đâu.... đi đâu mất  biệt cả chiều nay ?  Tụi nó méc tao là mầy đi  chơi, không thấy bán hàng gì ráo.
Má Tám nhìn vào chiếc rổ còn bộn quạt, chu chéo:
- Y chang, quạt còn cả rổ . Mày đi đâu, mày  làm gì... làm gì mà không bán hàng? đồ quỉ
Vừa nói, má Tám vừa vung tay tát mạnh vào đầu vào mặt nó:
- Thứ con hoang. Nuôi mày tốn cơm. Tết nhứt đến nơi, có vài cái quạt mà cũng  bán không  xong lấy gì cho mầy ăn tết ? Tao tử tế với mày nên mày lờn phải hông? Này đi chơi! này lười biếng!
Má Tám giận dữ xáng lên đầu nó thêm vài bạt taị Thằng Mát đổ xuống như một thân cây đổ.
- A, lớn gan. Mầy còn đóng kịch nữa hả. Cút đi khuất mắt tao ngay không còn nằm đó ăn vạ tao đánh chết mẹ mày à !
Thằng Mát cố gắng đứng lên, đưa tay vào túi móc ra ít tờ giấy bạc để lên bàn cho má Tám rồi lảo đảo đi về góc nhà,nơi nó ngủ.

Cảm thấy một bàn tay mát lạnh đặt lên trán, thằng Mát mở mắt. Trước mắt nó tất cả hình ảnh như đang nhảy múa, nhạt nhòạ Tiếng con Bé Tư xót xa:
- Mày nóng qúa, Mát.  Má Tám đánh mày đau hông?  Bả đi sang nhà bà Năm Rỗ đánh bài rồi. Thấy mày chưa ăn gì, tao phần mày nửa phần ăn của taọ Nè, ăn đi hổng đói.
Bé Tư đưa lưng chén cơm ra trước mặt Mát nhưng nó lắc đầụ  Bé Tư chặc lưỡi:
- Mày nóng qúạ Để tao lấy cho mày miếng nước.

Thằng Mát không thấy đói, nhưng nó thấy đầu nhức, đau và khát nước. Con Bé Tư đem ly nước lạnh đến đưa vào tay nó. Nó nghiêng người uống hết ly nước rồi mệt nhọc:
- Bé Tư, mầy biết cầu Trương Minh Giảng xa hay gần mày ?
- Không xa lắm. Mà mày hỏi làm gì ?
- Tao muốn đến đó.
- Làm gì ?
- Tao về với má tao.
- Mày có má hả. sao hông nghe nói ?
- Má tao chết rồi. Nhưng tao có nhà. Tao muốn về đó.
- Có nhà ? Về nhà, mày làm gì mà sống ?
- Tao chưa biết, nhưng tao phải về.
Thằng Mát nhìn ra cửa hỏi nhanh:
- Chừng nào má Tám về ?
- Chắc tới khuya. Bả đi đánh bài thì không khi nào về sớm. Ừ nếu mày muốn về nhà mày thì đi  ngay đi, trước khi bả về tới.Tối rồi, mày lại đang đau, không đi bộ được đâụ Để tao cho mầy tiền đi xích lô.
- Tiền ở đâu mầy  có ?
- Đừng nói với má Tám nghe. Tao đi xin, bữa nào được nhiều, tao giấu đi chút đỉnh.

Lần đầu tiên được ngồi xích lô, nếu không bị đau thì chắc là Thằng Mát thích lắm. Nhưng cơn sốt đang hoành hành, Thằng Mát nhắm mắt, ngồi co ro  trong lòng chiếc xích lô, không màng đến cảnh tập nập rộn ràng náo nhiệt của Saigon những đêm gần Tết.  Xuống xe ở đầu đường, móc tiền trả xích lô , thấy còn dư,  nó đếm  thì thấy còn đủ tiền ăn cho ngày mai và tiền mua vài cây nhang lẻ.

Thằng Mát bước vào nhà. "Căn nhà" của thằng Mát đã đổi chủ. "Chủ" mới là ông Chín, người quen cũ của mẹ con nó. Vừa thấy nó, ông Chín la lên:
- Mèn ơi, mấy tháng nay mầy đi đâu vậy thằng Mát ? Tao tìm mầy muốn hụt hơi. Khi không đi biệt tích rồi bất thần  hiện về như một bóng ma. Mà kìa, mặt mầy sao xanh lè vậy ? Mắt mầy thâm tím thế kia. Đứa nào oánh mày ? Đứa nào oánh mầy, nói , nói ngay, thằng này đục chết mẹ nó liền !

Thằng Mát lắc đầu mệt mỏi rồi thả người ngay xuống miếng ván kê làm giường. Nó chợt thấy mùi  nhang thơm. Nhìn quanh, trên một cái bàn chắc là ông Chín mới lượm ở đâu về, một nén nhang đang nghi ngút trong cái lon sữa bò. Nó nhìn ông Chín. Hiểu ý, ông nói như tâm sự:
- Thằng Mát à, ngày má mày còn sống, tao thương bả nhưng làm không đủ tao ăn nên không dám nói. Bả chết, mầy bỏ đi, tao buồn qúa nên dọn vào đây ở cho đỡ nhớ. Chắc bả cũng thương thầm tao nên từ ngày tao ở căn nhà này, má mày phò hộ cho tao làm ăn phát tài. Ngày nào tao cũng có nhiều khách đánh giày nên tao mua nhang cúng má mày đó. Tết nhứt đến nơi, có trái cam tao mua cúng bả kìa, để tao lột cho mầy ăn. Thôi, mầy về thì mầy ở đây với tao. Đừng đi đâu nữạ Qua tết,  khi đi làm tao sẽ đưa mày đi theo.
Ông Chín ngưng lại, đưa mắt nhìn làn khói bay nghi ngút, xoa đầu nó, dịu dàng :
-  Con đừng đi đâu nữa Mát. Ra tết, Ba sẽ dậy cho con nghệ thuật đánh giày....

Thằng Mát ăn nửa múi cam rồi thiếp đi. Trong cơn sốt cao độ, nó thấy lại cảnh lúc nhét nắm tiền vào túi nó, con bé Tư rưng rưng nước mắt:
-  Mầy ráng mạnh lên nha.. Hôm nào tao sẽ tìm tới thăm mầy.

Hai hôm sau, sáng ba mươi Tết, trong khi loa phóng thanh ở phường , đám văn công,  hát những bài ca tụng đảng ta quang vinh,  nhà nước ta anh hùng, đánh thắng ba cường quốc và đất nước đang đà tiến nhanh, tiến mạnh  lên xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, xen kẽ  là tiết mục quảng cáo những danh lam thắng cảnh thơ mộng, hữu tình, những trung tâm du lịch tuyệt vời và sang trọng trên khắp miền đất nước  thì thằng Mát  không dạy nữa. Trong “căn nhà” cạnh chân cầu, nó đã đi theo "má" nó và không có cơ hội cho "ba" nó dạy nó nghệ thuật đánh giầy.
Xuân Ất Dậu