Tình xưa |
Tác Giả: Tạ Quang Khôi | |||
Chúa Nhật, 10 Tháng 10 Năm 2010 06:48 | |||
Ði làm về, bà, bà nấu cơm, rồi lấy đồ ăn cũ trong tủ lạnh ra hâm lại. Tuy giận, bà vẫn dọn bàn cho hai người. Ông Kiệm và bà Phượng yêu nhau từ hồi còn trẻ. Ông là sinh viên đại học, còn bà mới là nữ sinh lớp đệ Tứ trung học. Hai người thề thốt sẽ thành chồng thành vợ. Nhưng lời thề của ông bà không được hai bên cha mẹ chấp thuận. Ông bà đành ngậm ngùi chia tay sau một buổi khóc lóc như mưa như gió. Rồi, khi tốt nghiệp đại học, ông lấy vợ. Bà chưa học hết trung học cũng sang ngang với một ông sĩ quan cấp tá, bạn học cũ của anh bà. Cuộc đời tưởng thế là xong, mỗi người đi một ngả đường, không còn bao giờ gặp lại nhau nữa. Nhưng hình như duyên vẫn còn, nợ chưa dứt, ông bà tình cờ gặp lại nhau trên mảnh đất xa quê hương nửa vòng trái đất này. Trong một tiệm ăn Việt Nam, bà nhận ra ông vì ông tuy có già đi nhiều nhưng những nét chính vẫn còn nguyên. Ông không nhận ra bà vì bà thay đổi quá nhiều, mập gấp đôi hồi trẻ. Chỉ khi bà nhoẻn miệng cười ông mới nhận ra nụ cười tươi tắn ngày xưa. Hai người nhanh chóng thân mật trở lại, rồi gắn bó khi biết hoàn cảnh cảnh hiện tại của nhau. Cả hai ông bà cùng góa. Chồng bà chết trong trại tù cải tạo, vợ ông mới ra đi bất ngờ khoảng một năm trước vì tai biến mạch máu não. Con cái đều đã lớn và đã ở riêng. Tình xưa lại “lai láng không hàn”. Ông bà quyết định nối lại lời thề cũ. Một đám cưới liền được tổ chức một cách đơn giản. Gọi là đám cưới cho vui, thực ra chỉ là một bữa tiệc nhỏ để trình diện “cụ dâu”, “cụ rể” với bà con hai họ, gồm con ông, con bà và đàn cháu nội, ngoại, không quá ba thồi. Sau đó, ông về nhà bà để động phòng hoa chúc. Sở dĩ rể phải đến nhà dâu vì rể đang ở trong một nhà già, còn dâu chưa đến tuổi về hưu nên vẫn còn đi làm và có nhà riêng, một biệt thự nhỏ, xinh xắn trong một khu yên tĩnh. Khỏi nói cũng biết ông mừng lắm. Ðã được gặp lại người xưa, lại được ở nhà khang trang, riêng biệt. Từ ngày sang Mỹ, Ông cũng đã từng mua nhà, nhưng chỉ là nhà phố mà người ta gọi là townhouse, chưa bao giờ đủ khả năng mua biệt thự (hay cũng gọi là single house). Ông tính rằng nhà già thì cứ để đó, ông sẽ chạy đi chạy về khi bà đi làm vắng. Ðã gặp được người xưa lại được ở nhà đẹp, ông tự coi mình đã “chuột sa chĩnh gạo”. Vui ơi là vui ! Các con ông cũng mừng cho ông. Cuộc đời ông không đến nỗi ba đào, chìm nổi, nhưng cũng chỉ vào loại mát mày mát mặt, không phải vay mượn. Khi sang Mỹ, hai vợ chồng ông đều đi làm để lo cho lũ con năm đứa học hành đến nơi đến chốn. Bà vợ ông chưa kịp về hưu đã vội về với tổ tiên. Ông thầm nghĩ rằng thà bà đi nhanh như vậy mà lại sướng cái thân, chứ nằm liệt nửa người, không những khổ thân mình mà còn khổ lây cả chồng con nữa. Bây giờ được gặp lại người xưa, ông rất vui, không ngờ hậu vận mình lại tốt đẹp như vậy. Bà Phượng tuy hơi mập nhưng cũng vẫn còn những nét xinh đẹp, dễ thương ngày xưa. Bà rất chiều ông. Mỗi khi có việc đi phố, bà thường ghé vào chợ Việt Nam mua những món ông thích ăn. Ðể đáp lại, ông cũng lo việc nội trợ rất chu đáo. Ông đi chợ, mua đồ ăn về nấu nướng để hai vợ chồng cùng ăn. Ngoài ra, ông cũng dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ. Ông bầy biện lại, trang hoàng căn nhà cho thành một tổ ấm. Các con ông, con bà đều vui vẻ, hòa thuận. Họ mới quen nhau mà đã thân mật rất nhanh. Họ coi nhau như anh em ruột thịt. Nhưng cuộc trăng mật của hai ông bà chỉ kéo dài vừa đúng hai tuần thì cơm đã không lành, canh cũng không ngọt nữa. Lủng củng bắt đầu vào đêm cuối cùng bà được nghỉ hàng năm để làm đám cưới với ông. Bà phải đi ngủ sớm để hôm sau đi làm lại, ông ngồi xem ti vi đến quá nửa đêm. Khi ông vào giường thì bà đã ngủ say. Ông nằm xuống cạnh bà rồi mơn trớn, vuốt ve làm bà thức giấc. Bà xin ông cho bà ngủ yên để hôm sau tỉnh táo đến sở. Nhưng ông không nghe, bắt bà phải chiều. Bà đành chiều nhưng lòng ấm ức. Xong việc, ông nằm lăn quay ra ngủ. Bà trằn trọc mãi vì giở giấc, vì tiếng ngáy của ông lớn quá. Cuối cùng, bà phải chuyển sang phòng ngủ dành cho khách. Ðến gần sáng, thức giấc, ông không thấy bà nằm cạnh thì ngạc nhiên, vội đi tìm. Ông lại đánh thức bà dậy, bắt về nằm chung với ông. Bà không chịu, ông đành nằm cạnh bà. Lần này thì ông không đòi hỏi gì, chỉ ôm bà rồi ngủ tiếp một cách dễ dàng. Bà lại mất ngủ cũng vì giở giấc và vì…mùi hôi từ miệng ông phì ra. Lần này bà không ấm ức nữa mà giận ông đã quấy phá giấc ngủ của bà. Không còn kiêng nể nữa, bà hất tay ông ra, rồi vùng ngồi dậy. Trời đã hửng sáng, không dám ngủ lại nữa, sợ quá giấc, bà đành dậy luôn. Suốt ngày hôm ấy bà mệt mỏi, buồn ngủ, làm việc uể oải. Hàng ngày bà chỉ uống có một ly cà phê, hôm nay bà đã phải uống tới ba ly mà vẫn không hết buồn ngủ. Bà giận ông đã hành hạ bà quá đáng. Ông là người độc đoán, không biết chiều vợ. Buổi tối đi làm về, bà không nói chuyện với ông, dù hai người vẫn ngồi ăn chung bàn. Ông hỏi gì bà chỉ trả lời cụt ngủn “có” hoặc “không”. Sau bữa ăn, bà lại vào phòng ngủ dành cho khách, rồi khóa trái cửa lại. Nửa đêm, xem ti vi xong, ông gọi cửa, bà nhất định không mở. Cuối cùng ông đành về phòng ngủ một mình. Hôm sau, bà đi làm trước khi ông dậy. Ong thấy bà giận hờn, tỏ vẻ lạnh nhạt, cũng hơi ngạc nhiên. Chuyện có gì quan trọng đâu. Vợ chồng ân ái là thường, tại sao bà lại tỏ ra khó khăn với ông ? Mới đâu ông cũng định xin lỗi để giàn hòa, sau nghĩ lại, ông cho là bà vô lý, nên làm ngơ luôn. Ðã giận thì cứ việc giận, ông thầm nghĩ. Không những thế, ông cho là bà ỷ của, giầu hơn ông nên làm phách. Lòng tự ái nổi lên, ông củng giận bà. Ông không thèm nấu cơm như mọi bữa nữa. Ði làm về, bà, bà nấu cơm, rồi lấy đồ ăn cũ trong tủ lạnh ra hâm lại. Tuy giận, bà vẫn dọn bàn cho hai người. Nhưng ông không thích ngồi chung bàn với bà, lấy đồ ăn khác trong tủ lạnh ra, rồi ra phòng khách vừa ăn vừa xem ti vi. Hai người không hề trao đổi với nhau một lời. Ăn xong, bà chỉ rửa chén riệng phần của bà, rồi vào phòng riêng ngủ ngay. Bà cố ý không khóa cửa xem ông có vào làm hòa không. Bà tính nếu ông làm hòa, bà sẽ quên chuyện cũ để lại ngủ chung với ông với điều kiện ông phải để bà ngủ để có sức đi làm ngày mai. Việc ân ái dồn vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Bà nghĩ rằng vợ chồng thỉnh thoảng đụng chạm nhẹ để hiểu rõ nhau hơn, không lẽ chỉ có một bất hòa nhỏ đã vội bỏ nhau. Nhưng đêm hôm đó, ông cho bà ngủ yên một mạch đến sáng. Rồi đêm hôm sau cũng vậy. Bà ngạc nhiên về sự lạnh nhạt của ông. Tuy thế, bà vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Cho đến cuối tuần, ông vẫn làm ngơ. Sáng thứ bảy, bà đành làm quen trước, đề nghị trưa nay hai vợ chồng đi ăn buffet ở một tiệm Tầu. Ông vẫn giữ vẻ mặt lạnh nhạt chăm chú xem ti vi. Bà đên ngồi cạnh ông trên ghế đệm dài, nhắc lại đề nghị cùng đi ăn trưa. Ông không trả lời, cũng không có phản ứng gì khi bà ngồi sát vào ông, coi như không biết bà là ai. Chờ một lúc, không thấy ông nói năng gì, bà đành đứng lên, vào phòng riêng để trang điểm, rồi lái xe đến thăm người con gái và mấy cháu ngoại. Thấy mẹ buồn, cô con gái hỏi lý do, bà không trả lời. Cô lại hỏi đến “bác Kiệm”, bà cũng làm ngơ. Cô tinh ý hiểu hai ông bà già giận hờn nhau nên không hỏi tiếp nữa. Chơi với cháu ngoại một lúc, bà ra về. Khi tiễn mẹ ra cửa, cô con gái ngỏ lời chúc “bác Kiệm” mạnh khỏe. Bà liền nói : “Muốn chúc thì sang tận nơi mà chúc, tao không rỗi hơi mà chuyển lời.” Cô con gái biết có chuyện bất hòa giữa hai ông bà già, bèn cười phá lên : “Trời đất ơi, các cụ mà cũng giận lẫy nhau nữa sao ?” Lúc đó bà mới ấm ức nói : “Ông ấy làm phách, tao lã làm hòa mà mặt cứ vác lên, không thèm nói với tao một lời. Ðã làm phách, tao cho phách luôn. Tao đâu cần.” Cô con gái sốt sắng đề nghị : “Ðể con sang nói chuyện với bác…” Bà liền ngăn lại : “Ðừng có dây vào chuyện riêng của tao. Mày tới, ổng lại tưởng tao cầu cứu mày.” Cô con gái biết tính mẹ, không dám nói gì thêm. Bà đi chơi loanh quanh, vào các trung tâm thương mại, đến thăm một người bạn cùng sở, rủ bạn đi ăn trưa. Rồi hai người đi mua bán lặt vặt đến tận chiều tối. Bà về nhà, thấy nhà vắng tanh. Bà tìm khắp nơi cũng không thấy ông đâu. Bà cũng hơi buồn vì nhớ ông. Phân vân một lúc, bà gọi diện thọai tới nhà già cho ông. Chuông reo nhiều hồi nhưng không ai trả lời. Bà băn khoăn không hiểu ông đi đâu vào giờ này. Bà đành ăn cơm một mình, nhưng chưa ăn xong, bà chợt nhớ tới các con ông. Bà vội buông bát buông đữa, gọi điện thoại cho người con gái lớn của ông. Bà rụt rè hỏi cô có biết ông hiện ở đâu không ? Cô tỏ vẻ hơi ngạc nhiên cho biết cô vừa nói chuyện điện thoại với ông, tưởng ông đang ở nhà với bà. Cô hứa sẽ gọi cho anh chị em cô để hỏi tin tức về ông, rồi trả lời cho bà. Chừng 15 phút sau, bà vừa rửa chén xong, cô gọi lại cho biết ông đang ở nhà già vì cô lại vừa nói chuyện với ông. Bà chợt hiểu ông không muốn nói chuyện với bà. Ông có máy ghi số điện thoại người gọi. Ông không nhắc điện thoại lên khi thấy số của bà hiện ra trong máy. Muốn thử xem dự đoán của mình có đúng không, bà lái xe tới một trung tâm thương mại gần nhà, dùng điện thoại công cộng để gọi cho ông. Chuông reo chưa hết hồi thứ nhất, bà đã nghe tiếng ông trong máy. Nhưng khi bà vừa nói “Anh ơi !” thì ông cắt ngay. Lần này thì bà giận đến run cả tay chân. Rõ ràng ông không muốn nói chuyện với bà. Thì ra ông vẫn thù bà. Người gì mà hẹp hòi, thù dai như vậy. Bà đã cố gắng làm hòa nhiều lần mà vẫn không hết giận. Về nhà, bà quyết định không liên lạc với ông nữa, nhưng vẫn sẵn sàng chờ đợi ông trở lại. Bà thầm nghĩ dù sao hai người cũng đã yêu nhau từ hồi còn trẻ, bây giờ gặp lại, đã thành chồng thành vợ, đầu gối tay ấp, dễ gì mà bỏ nhau được. Nếu xét kỹ, bà cũng chẳng có lỗi gì. Ngày chủ nhật qua đi một cách buồn tẻ. Không có ông, bà cũng thấy nhà vắng vẻ. Hai tuần lễ trăng mật, căn nhà đã biến thành một tổ ấm. Bây giờ bà lại cô đơn như trước. Ðã có lúc bà định cầu cứu các con ông, nhưng rồi lòng tự ái không cho phép bà hạ mình thấp quá như vậy. Thứ hai, bà đi làm như thường. Suốt ngày bà chỉ nghĩ đến ông nên công việc sở hơi bê trễ. Buổi chiều về, vừa mở cửa, bà có cảm giác nhà có một chút hơi ấm quen thuộc. Nhưng bà tìm khắp nơi, không thấy ai hết. Bà hơi thất vọng, cho là mình vì nhớ nhung nên tưởng như vậy. Hôm sau và hôm sau nữa, khi đi làm về, bà vẫn có cảm giác đó. Bà nghĩ bà không lầm. Trong khi ngồi ăn cơm, bà chợt có ý kiến thử nghiệm. Trước khi đi làm, bà viết cho ông một lá thư, xin ông đừng quá nhỏ nhen, cố chấp để cuộc tình không bị tan vỡ. Bà để lá thư giữa bàn ăn và kín đáo đánh dấu. Buổi chiều về, bà thấy thư vẫn để đúng chỗ cũ, nhưng dấu đã mất. Dấu là một sợi tóc nhỏ để giữa trang giấy. Nếu có người vô tình cầm lá thư lên, sợi tóc sẽ rơi mất. Dù lá thư được để lại đúng chỗ cũ, nhưng không còn sợi tóc thì bà biết đã có người đọc. Nhà đóng kín cửa, không có gió, sợi tóc không thể tự bay đi được. Bà thử nghiệm như vậy thêm hai ngày nữa, mỗi lần một lá thư mới viết và một dấu khác. Hôm thì một cây tăm bẻ đôi để ở cuối trang giấy, hôm thì nửa hột đậu phọng sát cạnh chữ ký của bà. Thư vẫn còn nguyên chỗ cũ, nhưng dấu không còn. Như vậy là ông vẫn đến nhà bà mà không chịu hòa với bà. Bà thắc mắc tại sao ông lại chơi trò ú tim như vậy ? Ông đến nhà bà tức là ông còn yêu bà, sao vẫn khăng khăng không chịu hòa với bà ? Ông đúng là con người kỳ cục. Bà chờ thêm một tuần nữa, nhưng trong tuần này bà không viết thư cho ông nữa, xem ông sẽ đối xử với bà thế nào. Ông vẫn đến nhà bà, nhưng vẫn không chịu xuất đầu lộ diện. Tại sao lại có thể như vậy được ? Ông đã không cần bà, còn đến nhà bà làm gì nữa ? Bà rất bực mình về thái độ khó hiểu của ông. Hay ông vẫn yêu bà, cần hơi hướm của bà, nhưng lại vì tự ái mà không muốn tiếp xúc thẳng với bà ? Như vậy, ông tự mâu thuẫn chăng ? Bà nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều phải có giới hạn, đi quá mức sẽ thành nhàm chán và có thể đưa đến đổ vỡ. Ông đã đi quá mức và coi thường bà khiến tự ái của bà bị tổn thương nặng nề. Bà không muốn kéo dài trò chơi này nữa. Cuối tuần, bà gọi thợ khóa đến thay hai ổ khóa, cửa trước và cửa sau. Tuy vậy, bà vẫn sẵn sàng trao cho ông chìa khóa mới nếu ông chịu đến gặp bà, chấm dứt trò chơi ú tim này. Nếu ông không muốn nối lại mối tình của hai người nữa, bà coi như không còn liên hệ gì với nhau. Nghĩ đến sự tan vỡ, bà nghe lòng buồn tê tái. Hồi trẻ, khi hai người bị gia đình ngăn cấm, bà đã khóc nhiều đêm đến nỗi mỗi khi ra khỏi nhà bà phải đeo kính đen để che giấu cặp mắt xưng húp. Bây giờ bà không khóc nữa, nhưng lòng xót xa, tiếc nuối. Mới gặp lại nhau, tưởng sẽ cùng hưởng hạnh phúc cuối đời, ai ngờ chỉ trong một thời gian ngắn đã lại phải chia tay. Chiều thứ hai, đi làm về, vừa mở cửa, bà trông thấy một tờ giấy luồn dưới khe cửa. Bà vội nhặt lên, nhận ra tuồng chữ của ông ngay :”Xin bà cho tôi vô lấy hết đồ của tôi còn để trong nhà bà. Kiệm.” Lúc đó bà mới nhớ ra rằng khi dọn đến ở chung với bà, ông đã mang hết quần áo và nhiều đồ dùng hàng ngày đến nhà bà. Tất nhiên bà phải cho ông lấy về. Suy nghĩ một lát, bà gọi điện thoại cho ông. Chỉ mới một hồi chuông reo, bà đã nghe tiếng ông ở đầu dây bên kia. Bà hỏi : “Anh định đến lúc nào, em sẽ đợi ?” Bà vẫn xưng em với ông một cách ngọt ngào. Ông trả lời bằng một giọng lạnh nhạt, cứng cỏi : “Bà rảnh giờ nào, tôi đến giờ đó.” “Em đi làm, chỉ rảnh buổi tối thôi…À, hay ngay bây giờ em đến đón anh nhé ? Trong vòng mười lăm phút nữa, em sẽ găp anh.” Không đợi ông trả lời, bà cắt điện thoại, rồi hấp tấp ra xe. Phố xá vào giờ tan sở hơi bị kẹt, nhưng bà cũng đến đúng hẹn. Ông đã đợi sẵn ở bãi đậu xe của khu bin đinh. Ông vừa lên xe, bà vui vẻ hỏi : “Anh vẫn mạnh ?” Ông lạnh nhạt : “Cũng chưa đến nỗi chết đường chết chợ.” Bà phì cười vì cái giọng hờn giận của ông, nhưng không nói gì thêm. Khi xe chạy được một quãng, ông bỗng ngạc nhiên kêu lên : “Bà định đưa tôi đi đâu thế này ? Tôi muốn tới nhà bà để lấy đồ mà.” Bà cười, vui vẻ nói : “Tối nay, mình đi ăn tiệm.” Ông vẫn lạnh lùng : “Tôi ăn cơm rồi.” Bà lắc đầu : “Không, em biết anh chưa ăn gì hết…Dù mới chỉ ở chung với anh có vài tuần, em cũng đã biết thói quen của anh. Giờ này chưa phải là giờ ăn của của anh,” Ông im lặng, Một lát sau, ông nói một cách gượng gạo : “Tôi chỉ muốn tới nhà bà lấy đồ thôi.” Bà nghiêm nghị nói : “Em yêu cầu anh đừng kêu em là bà nữa mà cũng đừng xưng tôi với em.” Ông lại im lặng, nhưng ngoan ngoãn đi theo bà vào một tiệm ăn Tầu. Sau khi gọi món ăn, toàn những món ông thích, bà mỉm cười hỏi : “Sao ? Anh hết giận em chưa ?” Ông không đáp. Bà phải nhắc lại câu hỏi một lần nữa, ông mới lừng khừng nói : “Bà ỷ giầu chơi khó tôi…” Bà liền ngắt : ” “Không có ông bà gì nữa, chỉ có anh em thôi. Anh đừng nghĩ vậy, oan cho em. Có bao giờ em ỷ giầu để lên mặt với anh đâu. Mà em đâu có giầu gì cho cam…Anh mới là người chơi khó em. Sau đêm hôm đó, em đã làm hòa mấy lần với anh, nhưng anh vẫn làm ngơ. Mình già cả rồi, ai cũng có thói quen riêng, bây giờ phải thích ứng để sống hòa thuận với nhau không phải là dễ, cần có thời gian…Mình đâu còn là con nít mà mỗi lần hờn giận lại nghỉ chơi nhau ra. Các con chúng nó cười cho chết. “ Ông ấp úng : “Nhưng…nhưng em…lên mặt với anh…” Thấy ông đã đổi cách xưng hô, bà vui lắm. Vừa lúc đó hầu bàn đem đồ ăn ra. Bà liền hỏi ông thích uống rượu chát hay bia ? Ông nhìn những món ăn bày la liệt trên mặt bàn, lắc đầu nói : “Em kêu nhiều thế này thì làm sao ăn hết được. Thôi, anh uống trà nóng cũng được rồi.” Bà thầm nghĩ :”Thế là xong !” Ðúng như bà nghĩ, mọi chuyện đã êm xuôi. Ông đã vui vẻ trở lại. Khi ra xe về nhà, ông thú nhận đã đùa quá dai nên không giận bà khi bà đổi ổ khóa, một cách gián tiếp đuổi ông. Nhưng ông thật buồn vì tưởng rằng mối tình dang dở ngày xưa vừa nối lại đã tan vỡ nhanh chóng. Ông hứa sẽ chiều bà hơn và thay đổi một số thói quen để thích ứng với hoàn cảnh mới. Bà nắm chặt tay ông, nghẹn ngào không nói nên lời vì cảm động.
|