Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Các Tác Giả Lễ vật đời người

Lễ vật đời người PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Mộng Tú   
Thứ Tư, 08 Tháng 12 Năm 2010 12:38

 Khi mùa thu bắt đầu tuốt hết những chiếc lá vàng, lá đỏ trên cây, để trơ những cành xương như những cánh tay gầy khua lên bầu trời xám đục,

khi lối đi rắc những bông hoa tuyết rơi xuống tình cờ và khi các báo gọi bài cho số Xuân năm mới, tôi biết, thời gian đang thản nhiên bóc những tờ dương lịch cuối cùng.

Hình: photos.com Chia sẻ

Một năm! Tiếng rơi nhẹ như chiếc lá chao nghiêng, như tiếng chim khẽ đập cánh sớm mai, như tiếng giọt nước nhỏ trên phiến đá trong vườn. Chẳng có gì nghiêm trọng cả, chỉ là thời gian đi về phía trước, dòng sông chẩy qua, không ngoái cổ lại nhìn vết sóng lăn tăn, thế thôi.

Tôi quay đầu nhìn lại một quãng đường ngắn đã đi qua. Năm nay tôi đã nhìn thấy gì, đã học được thêm bao điều gì, đã khóc, đã cười bao nhiêu lần. Tôi nhớ giọt lệ, hay quên tiếng cười? Bao nhiêu đêm mất ngủ, bao nhiêu ngày quên rằng mình đang sống vội vàng, bao nhiêu dòng chữ, bao nhiêu câu thơ trên cái khung hình trắng toát này; mảnh giấy nào ghi vội, bỏ quên trong xe, trong túi áo, trong giường ngủ.

Chỉ một quãng đời ngắn ngủi hơn ba trăm ngày Thượng Đế giao vào tay, tôi đã đối diện như thế nào với những mảnh vụn thời gian:

Đầu năm vừa qua chúng tôi trở về thăm Việt Nam, nước non ngàn dặm, có nói, có viết bao nhiêu cũng không tả hết được những hưng phế của quê nhà yêu dấu. Mỗi lần về lại tròn to hai mắt nhìn sự khác biệt đổi thay. Quê cha, đất mẹ mà mình về như khách, làm sao tránh được niềm đau.

Ở quê hương thứ hai này, trong họ đạo Công Giáo, mỗi khi nhận được tiếng khàn khàn trong điện thoại của một cụ bà, gọi, đóng góp thực phẩm cho một đám tang mới ở nhà thờ, tôi vẫn phân vân tự hỏi: “Bao giờ thì sẽ có một người khác, gọi mang thực phẩm cho đám tang của cụ?” Tôi vẫn mỗi thứ ba đầu tháng đi nấu cơm, rửa bát cho các cụ già từ các nhà già đến tụ họp ăn trưa ở trong xứ đạo. Tôi làm hai công việc này với tất cả niềm vui và đôi chút ngậm ngùi.

Trong đại gia đình tôi, cô Út có thêm hai cháu ngoại gái, hai con cọp nhỏ. Một con cọp lúc nào cũng cười và tròn như cái bánh bao, một con thanh mảnh và khó tính hơn, hay khóc to. Tôi có thêm cô con dâu mới, con gái tôi lấy chồng hai năm, sắp cho gia đình một “Thằng mèo”. Đó là đứa cháu ngoại đầu tiên của vợ chồng tôi. Rồi chúng tôi sang tận thành phố Manila, Phillipines, cưới vợ cho con trai của chị tôi. Đó là những niềm vui, tiếng cười của cả gia đình.

Giữa năm, người bạn thân quý của tôi mất đi một cô con gái vào tuổi ngoài bốn mươi sau hơn mười năm bệnh. Cuối năm, một người bạn văn rất thân từ những năm tháng xa xưa mất ở tuổi sáu mươi tư. Đó là những giọt lệ quệt ngang đời sống của tôi.

Tôi biết, sinh tử chỉ là những hạt bụi bay đến, rơi xuống, ở lại trên mặt đất sau đó lại bay bổng lên rồi biến mất, mỗi ngày. Con người cứ khóc, xong lại tự lau khô giọt nước mắt mình và lại nở nụ cười. Bước chân vẫn bước về phía trước, vẫn đi trong dòng sóng nhân loại trôi đi. Và chúng ta có biết bao điều phải làm song song với đời sống đó. Cho dù, bây giờ, ở tuổi không còn phải bương chải với vật chất, lo ăn học cho con nữa, chúng ta vẫn có những việc phải làm, những điều phải lo, nếu không biết tự mình buông bỏ.

Tháng Chín vừa qua, chồng tôi phải đi California gần ba tuần để cùng với con trai anh, thu xếp cho bà dì (không có con) của anh vào trong “nhà già” ở. Cụ 94 tuổi, nhưng cứ cương quyết không chịu vào nhà già, và không chịu vứt những đồ đạc cũ của mình đi. Anh phải thuyết phục mãi, cuối cùng cụ mới chịu một cách miễn cưỡng để anh lo cho cụ. Anh lo xong việc về nhà nói với tôi:

- Em nên dọn dẹp quần áo, sách vở của em mà cho hay vứt bớt đi. Đừng bắt con mình phải lo khi em 90 tuổi nghe.

Còn lâu lắm tôi mới vào tuổi chín mươi, nhưng chỉ có Trời mới biết tôi sống bao lâu, tôi đi lúc nào thôi, và ông Trời đâu có báo trước cho mình.

Tôi bắt tay vào việc, thu xếp một khoảng trống cho mình chung quanh tuổi già. Không dễ như tôi nghĩ. Quần áo bỏ đi thì dễ, chỉ cần ngó qua là xếp vào thùng cho đi được rồi. Dọn những cuốn sách nằm chiếm chỗ trong nhà không dễ. Dọn sách, có nghĩa là ngồi mở từng quyển ra, đọc lại vài trang, để sang một bên cuốn muốn bỏ và cuốn muốn giữ. Cuối cùng chồng sách giữ cao hơn chồng sách bỏ đi. Một số sách của các bạn văn ký tặng không nỡ bỏ đi, dù đã đọc xong, số sách này cũng khá nhiều, rồi còn những cuốn thơ, truyện ngoại ngữ, tự điển, kinh thánh, v.v, cả là một vấn đề không nhỏ.

Tôi nhìn loanh quanh đời mình, chỉ thấy sách, thấy chữ. Chữ vào bụng không biết được bao nhiêu? Ra vườn vẫn thấy đầy lá, dù gió có cuốn đi, vẫn thấy những tảng đá xanh rêu, nhìn nhau lặng im. Đôi khi ngồi giữa căn nhà vắng, yên tĩnh, thấy mình như bình trà, như cái ghế, cái bàn, một mai không còn dùng được nữa, không biết có hữu ích như vật, cho vào đống phế thải, xay ra dùng sang việc khác được không?

Thời gian trôi như mây trôi, gió thổi, cánh chim bay; mặt trời mặt trăng thay nhau đổi chỗ, chiêm bao len vào cả trong chăn. Tôi rồi sẽ theo thời gian chuyển hóa dần dần thành hạt bụi bay xa, đi đến đâu nào ai biết được!

Một năm nữa lại qua đi, tôi bắt đầu những mảnh mới của đời mình bằng những câu thơ, những câu thơ bay vào không gian, bắt đầu cho một mùa xuân trước mặt, rồi cứ thế cuốn theo dòng sông thời gian, tôi sẽ trôi đi, trôi đi, Xuân, Hạ, Thu, Đông, rồi lại Xuân về. Tiếng cười, giọt lệ của tôi, sẽ rắc lên như kim nhũ trang hoàng cho lễ hội đời người, như gia vị cho bữa tiệc trên bàn tiệc của Thượng Đế.

Tôi viết một câu thơ cuối năm gửi Thượng Đế, hy vọng ngài mải đọc thơ, ngài quên lên giây chiếc đồng hồ, thời gian ngưng lại một khoảnh khắc, đủ cho một thiên thần bay qua, một câu thơ rơi xuống.

Hỡi Thượng Đế hồn tôi là lễ vật
Giọt lệ tôi là kim nhũ trang hoàng
Tiếng cười tôi tẩm hương thơm gia vị
Đã sẵn sàng trên bàn tiệc thời gian

Ngài hãy nếm đời tôi lương thực mới
Và quên đi năm tháng đã trao ban.