Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Các Tác Giả Gặp hai ông tướng Thủ Ðức tại New York

Gặp hai ông tướng Thủ Ðức tại New York PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Hoài Thư   
Chúa Nhật, 02 Tháng 1 Năm 2011 20:39

...Như vậy tôi không có một nơi để đốt lại những sợi khói hoài niệm. 

 Nhưng tôi vẫn về cùng Nữu Ước vào những ngày cuối tuần, dù đôi lần, xe tôi phải bị kẹt hàng giờ trên khúc đường Canal dẫn vào khu Phố Tàu, hình như không còn một lối thoát.  Tôi đã tự nhủ lòng đừng đi Nữu Ước nữa. Tôi không đủ kiên nhẫn nhích xe từng bước, giữa muôn ngàn âm thanh hỗn lộn từ còi xe đến còi hụ, từ chiếc xe sang lane này, đến chiếc xe sang lane khác.  Còn nữa.  Còn cả đám người đi băng qua đường như lao vào đầu xe, hay những anh chàng lái tắc xi vàng chạy ẩu.  Có một điều gì kỳ bí thôi thúc tôi trở lại.  Về lại tiệm sách, bước lại vỉa hè, hòa nhập vào cùng cuộc vui khiêu vũ...

  Cho đến một ngày tôi không còn dám bỏ xe đậu đại tại khu Tòa Án nữa.  Tấm giấy phút đậu trái phép để nằm trên kính xe.  Chiếu luật 45, hay 46 gì đó, tiền nộp phạt 60 đô la.  Muốn khiếu nại thì điền đơn gởi về địa chỉ...  Tôi chửi thề.  Phạt gì mà phạt tàn bạo.  Ở quận tôi ở, tiền phạt chỉ tối đa là 10 đồng là cùng.  Có lẽ chỉ có một nơi trên quả đất này Nữu Ước cái gì cũng nhất.  Từ những building chọc trời, những con đường không bao giờ ngớt xe, những bảo tàng viện nghệ thuật, những vở nhạc kịch được trình diễn từ năm này qua năm khác, đến tội ác và cả tiền phạt...

  Thằng bạn làm chung một nhóm đã cười khi nghe tôi kể lại cái số tiền khủng khiếp mà tôi phải trả.  Hắn giải thích dùm tôi: " Ông biết tại sao không? Tui đám phạt là đám thầu, chẳng phải cảnh sát như ông tưởng.  Chúng nó phạt càng nhiều thì lấy hoa hồng càng nhiều.  Nhiều khi không lỗi chúng cũng gắn lên cái windshield cái vé phạt.  Ông khiếu nại à?  Thì giờ đâu ông đi khiếu nại.  Muốn ra toà ông phải bỏ một ngày làm việc.  Ðó là không kể tiền ông phải trả cho luật sư..."

  Lời giải thích đã làm một tay bất cần như tôi phải chùng lòng.
  Tôi kêu Oanh đi cùng.  Và chúng tôi thay phiên nhau canh chừng mấy ông mấy bà tuần cảnh.  Tôi để nàng đi mua sắm.  Sau đó, đợi nàng về, tôi bắt đầu lê la.  Dù không còn được dịp ngồi lại đốt thuốc hàng giờ trong quán cà phê mà mơ mộng nữa.  Một ngày, tôi gặp hai người đàn ông ở một công viên bên Tòa Án.  Một người dáng thấp và nặng nề.  Người kia cao hơn với thân hình cân đối.  Hai chiếc áo quân đội bạc màu dơ bẩn đủ cho tôi biết họ là những người homeless thường thấy tại các nơi công cộng như bến xe lửa hoặc công viên.  Có điều khác biệt với những người tôi hằng gặp - da trắng hoặc da đen- họ là người Á Châu.  Có lẽ họ là người Tàu cũng nên.  Nhưng còn hai chiếc áo nhà binh ở trên mình họ ?  Hai chiếc áo 4 túi của một thời nào mà tôi đã từng khoác gần suốt tám năm trời làm tôi hơi phân vân.  Có lẽ họ xin ở đâu đó, từ một cơ quan từ thiện, hoặc cũng có lẽ là những người cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam nay bị ruồng bỏ.  Hoặc cũng có lẽ họ là những tay nghiện rượu và mấy cái túi áo rộng thùng thình là chỗ chứa lý tưởng nhất tránh những cặp mắt của các thầy cảnh sát.  Sau đó tôi chẳng còn để ý gì đến hai người ấy nữa.  Mắt tôi còn phải láo liên nhìn trước nhìn sau.  Cái giấy phạt 60 đô la vẫn còn là ám ảnh.

  Chợt một lúc nào đó, tôi thấy hai người đàn ông đứng dậy.  Họ cúi đầu cùng đi chung quanh cột cờ giữa công viên.  Họ đi thật bình thản, và quá ung dung.  Tôi không thể tìm một dấu hiệu gì của một con người không nhà không cửa mà tôi hằng gặp.  Tôi lại nhận đôi mắt sưng húp của hai người.  Và có cả dấu hiệu quân đoàn IV đen mờ trên cánh tay áo.  Có ngọn gió nào làm da thịt tôi phải nổi gai ốc.  Hình như tôi đã có lần thấy họ, cũng từng đi cạnh nhau như thế.

  ...Căn phòng chỉ còn lại một màu tối thẩm bao trùm.  Nếu không có tiếng kêu rè rè của những chiếc máy truyền tin, và những ánh đèn chớp xanh đỏ liên hồi cùng chút nắng chiều hắt vào cửa sổ, thì nó chẳng khác gì ngôi nhà mồ.  Những tín hiệu cứ tiếp tục đánh về. Những bức công điện màu vàng thi nhau nhả xuống thềm dồn dập những lời kêu cưú, những chờ-lệnh, những tuyệt vọng, những chiến thắng... "Xin thêm máy bay yểm trợ. Xin pháo binh tầm đạn xa... Báo cáo tiểu doàn đã chiếm được mục tiêu... Báo cáo tịch thu súng phòng không..."  Bao ngày nay, tôi đã lắng nghe những tín hiệu, mà rưng nước mắt.  Là một phóng viên chiến trường tôi đã có dịp gặp nhiều phóng viên ngọai quốc.  Họ đều cảnh cáo tôi về những ngày sắp đến. Quốc hội Mỹ đã giảm viện trợ tối đa.  Dân chúng Mỹ theo những cuộc trưng cầu dân ý đã bắt đầu không tin chính quyền Mỹ về chiến tranh VN.  Mỹ trước sau cũng bỏ rơi Việt Nam.  Họ khuyên tôi nên tìm cách mang cả gia đình lên Saigòn hay ra Phú Quốc, để có cơ hội lên máy bay.  Lúc ấy cao nguyên đã bị thất thủ.  Dù vậy, miền Tây vẫn yên tĩnh, chẳng có dấu hiệu gì cho một cuộc chuyển quân cấp binh đoàn từ bên kia biên giới.  Ông Tư Lệnh vẫn bay thị sát mặt trận suốt ngày trên trực thăng. Ðài phát thanh và truyền hình vẫn tiếp tục loan đi những tin tức từ mặt trận, bằng những trận đụng độ lẻ tẻ tại vùng Ðồng tháp Mười, hay biên giới Miên Việt. Quốc lộ 4, quốc lộ huyết mạch mang lúa gạo cung cấp cho Saigòn vẫn an toàn.  Sư Ðoàn 7 đã tang viện thêm một trung đoàn về Cái Bè Cai Lậy.  Không ai biết được nỗi yên tĩnh này bao lâu.  Qua những tín hiệu buồn thảm từ các quân khu khác, người ta nghĩ đến một con bệnh đang hấp hối.

Ngày 20 tháng tư, 1975,

  Văn phòng Tư Lệnh gọi qua phòng thông tin và báo chí cho biết ông Tư Lệnh cần gặp các sĩ quan của phòng.  Ðiều này làm mọi người kinh ngạc.  Bởi vì từ trước đến nay ông chưa bao giờ nhắc nhở gì đến báo chí.  Ông cũng chưa bao giờ tiếp kiến bất cứ một phóng viên ngoại quốc nào.  Nhiều người cho rằng ông có cái mặc cảm về khoa ăn nói.  Nhiều người nghĩ tại ông là một vị tướng lãnh hơn là nhà chính trị.  Không ai biết một ngày họ được đứng trước lá cờ hai ngôi sao trắng.  Bên cạnh ông là ông Tư Lệnh Phó.  Và ông Tư Lệnh nói. Giọng Huế nặng và khó nghe.  Ông muốn những người đang ở trước mặt ông phải tìm mọi cách nói lên một miền Tây an toàn.  Một miền Tây của niềm hy vọng chớ không phải tuyệt vọng, hấp hối.  Nỗi chua xót đã thấy rỏ ở trong đôi mắt.  Thì ra ông đã hiểu về cái khốc hại khi người ta mất niềm tin.  Ông đặt tin cậy lên chúng tôi, may ra mang niềm tin về lại triệu triệu người tuyệt vọng, trong khi những bản tin bi quan cứ tiếp tục phát thanh từ các đài ngoại quốc.  Trong khi vợ con sĩ quan không quân, hải quân được bí mật chuyển đến các khu an toàn. "Các em phải tìm mọi cách để mang niềm tin về lại đồng bào."  Ông nói chậm và giọng quá buồn. "Các em cứ vào trung tâm hành quân.  Tin tức ở đấy trung thực nhất."

  Nhưng con bệnh đã hết thuốc chữa.  Dù lời phê bắn bỏ của ông tư lệnh phó trên tấm công điện đánh về trung tâm hành quân quân đoàn báo cáo có một tàu hải quân bỏ chạy ra hướng cửa biển, mà sau này người ta được biết trên tàu gồm tướng Tham mưu trưởng, cũng như Ðại Tá Tỉnh Trưởng.  Những báo cáo bị át bởi tiếng thở hổn hển từ người lính truyền tin phải làm việc quá nhiều:  Máy bay lạ xuất hiện ở Phong Ðiền, Phụng Hiệp.  Máy bay gì, ai cũng hiểu về những chiếc phi cơ hốt hoảng rời khỏi phi đạo.  Nhưng cũng giữa muôn ngàn âm thanh ảm đạm ấy, là tin một chiếc phản lực bị bắn rơi trên vùng giáp ranh Ðịnh Tường, Mỷ Tho và những khẩn cầu tiếp viện hay những tin chiến thắng.

30 tháng Tư, 75. Buổi trưa, 3 giờ.

  Văn phòng thông tin quân đoàn nhận lệnh đọc thông cáo đầu hàng.

30 Tháng Tư, 75. Buổi chiều.

  Ông Tư lệnh lên xe Jeep chạy về quân y viện Phan thanh Giản.  Ðằng sau xe chỉ có một người lính gốc Miên đen đúa cầm khẩu M16.  Ông đi đến từng giường thăm hỏi thương binh.  Người lính cụt một chân, còn băng khúc đùi, rán đưa tay chào ông.  Ông dừng lại.  Cặp kính đen che đôi mắt, không hiểu ông có khóc hay không.
 
30 tháng Tư, 75. Hoàng hôn.

 Trời vẫn còn đủ sáng để thấy ông Tư Lệnh và Tư Lệnh Phó chắp hai tay sau đít, đi bách bộ quanh cột cờ.  Hai vai cúi xuống.  Lần này ông Tư Lệnh không còn mang cặp kính đen quen thuộc nữa.  Ðôi mắt hai người sưng húp.  Tuy nhiên, họ vẫn cười, dáng bình thản lạ lùng.

 Cả bộ chỉ huy quân đoàn vắng hoe.  Thông cáo đầu hàng đã được đọc trên đài phát thanh và đài truyền hiình.  Ngoài đại lộ Hoà Bình, thỉnh thoảng vài chiếc xe quân đội chạy vút qua trên mặt lộ vắng tanh.  Người lính Quân cảnh vẫn còn đứng gác ngoài cổng.  Người tài xế già và người lính hộ vệ đen đúa vẫn còn ngồi trên bực tam cấp hút thuốc.

 ...Tôi muốn bỏ xe chạy lại công viên.  Rỏ ràng tôi gặp lại hai ông Tướng cũ.  Nhưng con mẹ tuần cảnh đã hiện ở đầu đường, cắm cúi ghi ghi chép chép.  Tôi rồ lại máy.  Ðường lại một chiều.  Tôi chỉ biết nối đuôi theo giòng xe cộ.  Ðến đầu đường Canal cả đoàn xe bị kẹt.  Trăm ngàn xe thi nhau bóp còi.  Không còn ai nhường nhịn ai.  Rồi chửi thề.  Rồi văng tục.  Ðầu óc tôi muốn nổ bùng.  Từ hình ảnh hai ông tướng cũ. Từ đoàn xe hình như bám cứng không chịu nhúc nhích.

 Khi trở lại công viên,thì đèn đường đã sáng.  Oanh chờ bên một lô thực phẩm.  Tôi thì bỏ mặc nàng nhảy ra khỏi xe, chạy mau vào công viên.  Nhưng hai người đàn ông ấy đã không còn ở đấy nữa.  Tôi trở lại xe.  Oanh hỏi anh có chuyện gì xảy ra mà chạy như ma rượt?  Tôi nói.  Anh vừa thấy hai ông Tướng Tư Lệnh và Tư Lệnh phó.  Rỏ ràng là hai ổng.  Mắt hai ổng sưng vù.  Có cả huy hiệu Quân Ðoàn 4.  Và tôi lấy bàn tay quơ quơ trước mặt tôi.  Anh bị ai nhập rồi.

 Hôm ấy là ngày thứ bảy.  Tôi lại lái xe về Chinatown.  Vẫn một chỗ ngồi trong xe để nhìn những con bồ câu rạp cánh trên công viên, những đứa bé nô đùa cùng những người đàn ông đang ngồi bu quanh bàn cờ tướng.  Ngoài hàng rào sắt sơn đen là vài người đàn bà Tàu đang ngồi xem bói.  Buổi chiều 30 tháng tư, tôi vẫn còn nhớ.  Thì hai người cũ lại hiện ra, vẫn cái dáng đi hơi khom xuống đất, vẫn hai chiếc áo cũ màu xanh ô liu, trên vai là huy hiệu QÐ 4.  Tôi bỏ xe chạy vào công viên, miệng lập cập nói: Thưa thiếu tướng, thưa chuẩn tướng.  Tôi là sĩ quan báo chí của quân đoàn 4.  Mắt tôi nhòa nhạt.  Ông Tư Lệnh lặng yên nhìn tôi.  Gương mặt ông vẫn còn trầm mặc như lúc ông ngồi trên trực thăng, nhìn xuống chiến trường, hay những lần ông ngồi yên lặng trên chiếc ghế bành trong dinh tỉnh trưởng bên chiếc dĩa đựng những trái bắp luộc.

Ông Tư lệnh phó nói:

- Ta nhớ chú em rồi.  Ngày xưa chú em cũng đã từng bay chung với ta mà.

  - Thưa chuẩn tướng, ở mặt trận Mộc Hóa Kiến Tường.  Tôi cũng đã từng bay với Thiếu Tướng Tư Lệnh.  Tôi nhớ buổi trưa Thiếu Tướng ghé dinh Tỉnh Trưởng ăn trưa với những trái bắp luộc... Thưa Thiếu Tướng, tôi nhớ chiếc trực thăng Mỹ bay cả buổi trên dinh Tư lệnh.

Bây giờ ông Tư lệnh mới nói:

- Viên lãnh sự Mỹ đã chờ ta.  Ông ta dù sao cũng là người tốt.  Ông không bỏ ta vào giờ phút cuối.  Nhưng ta làm sao mà can đảm bỏ đi.  Ta nhắc lại cho chú em.  Con người phải sống cho đúng đạo làm người.  Ta ở trong quân đội ta phải tuân phục quân đội, nghĩa là thượng cấp.  Ta là tướng ta phải làm tròn bổn phận tướng.  Ta là tín đồ ta phải làm tròn những điều răn dạy dành cho tín đồ.

  - Buổi chiều cuối cùng, tôi thấy thiếu tướng lên xe về quân y viện Phan thanh Giản.

  - Phải.  Cả cuộc đời ta vui buồn với họ, chết sống với họ, làm sao ta quên được.  Ta không biết sau khi ta bỏ họ đi, họ còn nơi nương tựa nữa không.  Ta đã đến bên giường họ, họ đã nắm tay ta, khóc với ta.  Họ không thể đi được.  Nếu họ có thể đi, thì họ đã đi rồi.  Chân họ bị cưa chưa lành.  Bụng họ bị mổ, vết thương chưa khô.  Có người bị mù cả hai mắt không nhận ra ta.  Có người vừa nhìn ta vừa mếu máo.  Nếu tôi biết Thiếu Tướng kêu gọi đầu hàng, tôi chẳng cần đánh giặc làm gì.  Bao nhiêu điều ta gặp, ta nghe trong buổi chiều hôm ấy.  Công lao và sự hy sinh của họ, và gia đình họ đã bị phản bội.  Chú em không biết, khi trở lại văn phòng, ta nghe lời khẩn cầu của viên lãnh sự trên trực thăng:Chúng tôi chỉ còn 5 phút nữa là bay ra hạm đội.  Ta và tướng Tư lệnh Phó nhìn nhau.  Ta muốn chú Hưng đi.  Chú Hưng muốn ta đi.  Cuối cùng ta và tướng Hưng đi ra ngoài sân cờ.
  Lần đầu tiên ông Tư Lệnh nói chuyện nhiều với tôi như thế.  Tôi chợt nhìn chiếc áo lính cũ của ông.  Chiếc áo sờn hai vai.  Lưng áo thì vá chùm vá đụp.  Nhưng tôi không dám nói lên ý định mua tặng ông một chiếc.  Ðôi mắt ông vẫn còn sưng.

  - Thiếu tướng, đôi mắt thiếu tướng...

  - Ta hiểu điều chú em hỏi ta.  Ta không thể nào không đau khổ khi nhớ đến cả một tập thể quân đội bị bội phản.  Ta không thể nào không đau khi những người nguyên là cựu quân nhân trở về quê nhà, ung dung hưởng thụ trong khi đồng đội của họ, lính tráng của họ, người bị thương tật, người sống đầu đường xó chợ đang cần năm mười đô la.  Bây giờ ta không nhà không cửa, bởi vì miền Nam mất, ta đâu còn nhà còn cửa.  Chỉ tội những người như những thương binh ta thăm chiều ngày 30 tháng tư 75...

Ông Tư lệnh phó nói thêm:

- Ta có đọc bài chú em viết về ta.  Chú em thắc mắc về chữ Bắn bỏ mà ta phê trên tờ công điện năm xưa phải không?

  - Tôi có đọc tờ công điện và lời phê của chuẩn tướng.

  - Chúng ta đã đi một nước cờ sai.  Chúng ta vẫn tin tưởng mọi người chung một lòng một dạ với đất nước.  Chú em hẳn biết trận An Lộc ghê gớm đến như vậy mà ta còn chịu nỗi huống gì quân khu 4, chưa thấy một bóng dáng xe tăng đại pháo của địch ở đâu.  Ta không ngờ những người mà ta trông cậy nhất cũng bỏ chạy.  Chẳng những họ chạy, họ lại còn gọi máy về đơn vị kêu gọi đồng đội họ tử thủ để họ bình yên chạy.  Ta đã ra lệnh bắn bỏ nhưng cũng vô ích.  Không thể thay đổi được thế cờ.  Ta tiếc là tiếc cái vùng đồng bằng màu mỡ, cái quốc lộ bốn đến ngày cuối cùng vẫn yên tĩnh.  Ta thương những người lính đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng.  Ta biết họ giận chúng ta.  Họ đã nằm xuống ngay vào giờ thứ 25.  Có người còn hy sinh sau ngày 30 tháng 4 như Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn...

Bây giờ, ông tư lệnh phó cầm lấy vai tôi.  Ông nhìn tôi bằng đôi mắt đầy vẻ uy quyền:

- Bây giờ ta và thiếu tướng phải đi.  Chúng ta sẽ trở lại quê nhà, dù sao tình ở đó cũng ấm áp hơn tình xứ Mỹ này.  Anh em ở bên đó rất đông, khiến chúng ta đở cô độc hơn.  Chú em nhớ hứa đừng cho ai biết có ta và thiếu tướng ở Nữu Uớc này.  Thôi chúng ta đi.

Tôi cúi đầu khóc như đứa con nít.

- Tôi xin hứa với thiếu tướng và chuẩn tướng.
  ...Bây giờ, Oanh đã chạy đến bên tôi. Nàng hớt hải:

- Anh làm gì mà như bị ma nhập.  Em từ xa thấy anh cứ làm bộ tịch như thể nói chuyện với ai.  Coi kìa, anh lại khóc.  Có sao không anh?  Coi chừng đất đai thổ thần linh hiển...

NJ, Tháng 7, 1995

(trong Ra Biển Gọi Thầm, xuất bản 1995)