Cô Tề Làng Tôi |
Tác Giả: Đức Ban | |||
Thứ Tư, 12 Tháng 1 Năm 2011 11:19 | |||
Cô Tề về làng sau hơn bốn chục năm. Cô về một mình lặng lẽ. Theo sau cô là một chiếc xe ngựa, thùng xe gọn gàng mấy cái hòm sắt, hòm gỗ. Phía trên cùng có những cái gì đó giống khung kính, giữa trưa, nắng dọi loang loáng. Dân làng từ trong các lối ngõ ùa ra, kéo đến thăm cô. Có ai đó đã mở cửa ngôi nhà xây tường lợp ngói bỏ hoang từ ngày cha cô mất. Nó nằm phía cuối làng, cạnh một cái hố bom từ lâu đã biến thành cái giếng nước ngọt dùng cho cả làng. Chúng tôi đứng giữa sân nhìn vào khoảng trống lờ nhờ như phủ bụi lúa trong nhà và lập tức ngửi thấy mùi ẩm mốc thum thủm. Trong đám nông dân làng có tiếng thở dài nghe thật buồn. Có lẽ đó là nỗi buồn cho một thần tượng bị sụp đổ, cho hình dáng yếu ớt, già nua trước tuổi của cô Tề. Cô mời chúng tôi vào nhà, đặt trên cái bàn gỗ ba đĩa bánh quy, ba đĩa kẹo, ba bao thuốc lá và những chai nhựa đựng nước trắng. Ngoài bọn trẻ con, chỉ một số người ăn chậm rãi. Với dân làng tôi, bánh quy là một thứ xa xỉ; của đáng tội, đã mấy ai biết mùi vị thứ bánh quy vàng màu da lươn ấy. Cô nhìn chúng tôi, đôi mắt có vẻ linh lợi lắm, rân rấn nước mắt. Tôi đồ rằng, cô bị xúc động. Cô Tề không ăn, không uống, chỉ đi đi lại lại dáng vẻ nặng nề, chậm chạp. Vốn to cao, da mặt chảy xệ, bụng lùm lùm, hai vú trĩu xuống, nom cô béo một cách bệu rã. Cô hỏi thăm sức khoẻ người này người kia, giọng cô nhỏ nhẹ, hơi rè. Tôi nhớ ngày cô về thăm trường, tiếng cô lanh lảnh. Ngày ấy lâu rồi. Từ một thằng bé mặc quần cộc nay tôi đã có vợ và một cô con gái hai tuổi tí xíu như con mèo hen. Cô Tề bảo, một năm ở chiến trường được tính bằng hai năm công tác, nên cô nghỉ trước tuổi. Cô về làng, ở với dân làng là dễ chịu nhất. Chúng tôi không nghi ngờ về điều ấy. Có tiếng bỗ bã những dân làng tôi cũng tế nhị, không ai hỏi chuyện chồng con của cô. Ra khỏi nhà cô, chúng tôi mới thì thào với nhau: "Chắc xảy ra chuyện gì đấy, chứ làm sao một người như cô Tề lại về ở làng?" Có thể lời thì thào ấy động lên tới xã, cũng có thể họ cũng nghĩ như chúng tôi nên tối ấy chủ tịch xã đến nhà cô Tề. Anh ta là thế hệ trưởng thành sau chiến tranh, học hết lớp 10 còn học xong trường trung cấp nông nghiệp của tỉnh. Cô Tề mời chủ tịch xã ngồi rồi đi vào gian nhà trong. Lâu lắm cô mới quay trở ra. Cô thay bộ quần áo lụa mỏng bằng bộ quân phục đã sờn màu. Đi đến trước mặt chủ tịch xã cô đứng lại, khoanh tay trước ngực, đầu hơi ngửng lên: - Nào! Chắc anh có chuyện cần nói với tôi. - Trước tiên đại diện chính quyền địa phương, tôi đến thăm sức khoẻ cô. Sau thì... Cô Tề không để anh ta nói hết: - Chẳng phải anh đến thăm tôi. Người ta đến thăm nhau bản mặt nó khác cơ. Chủ tịch xã gượng cười: - Cô cũng biết xem tướng cơ à? Cô Tề nhíu mày. Cô bỗng nhớ người bố anh ta cũng từng làm chủ tịch xã suốt mấy nhiệm kỳ thời sau chiến tranh. Cô nói: - Tôi còn biết nhiều thứ nữa, nhưng không phải để nói với anh. Chủ tịch xã đỏ mặt và đáng ra phải tự trấn tĩnh mình thì anh lại gằn giọng hỏi: - Sao cô không lên Uỷ ban hành chính xã trình báo giấy tờ? Cô bất giác thở dài, rồi nói: - Tôi có giấy tờ nào đâụ Chủ tịch xã nói: - Cô Tề ạ, chúng tôi biết cô từng là anh hùng. Cũng biết cô làm lãnh đạo trên thành phố. Nhưng đây là làng. Đây có Đảng, có chính quyền. - Nom tôi có vẻ chống Đảng lắm à? - Không. Tôi không có ý nói thế... Nhưng mà... - Anh ta đưa bàn tay khua khua trước mặt, rồi độp hỏi - Có phải cô bị kỷ luật không? Cô Tề ngửa cổ ra cười. Tiếng cười của cô nghe lanh lảnh khiến chủ tịch xã phải ngoảnh nhìn ra ngoài trời, lúc này đã vàng rượi trăng. Cuối cùng cô nói: - Anh lên thành phố mà hỏi. Chủ tịch xã đứng dậy, lầm rầm câu gì đó rồi bước ra cửa. Mấy ngày liền sau hôm ấy cô không xuất hiện. Ngôi nhà im lìm, mốc mác như khi cô chưa về. Trưa và chiều thấy những làn khói xanh lam vờn lên ngọn tre rủ trên mái ngói biết được cô vẫn ở trong nhà. Có tin chủ tịch xã ra thành phố điều tra cô Tề. Vậy là chúng tôi ngóng anh ta. Một bữa, mới mờ sáng làng bị đánh thức bởi tiếng ôtô. Chúng tôi mở cửa nhìn và thấy từ trên xe bước xuống hai người đàn ông, một là chủ tịch xã, còn người kia chúng tôi chưa từng gặp. Họ vào nhà cô Tề, lát sau người lạ mặt quay ra. Chúng tôi hỏi cô Tề: "Khách nào vậy?". Cô đáp: "Người cùng cơ quan cũ". Lại hỏi chủ tịch xã: "Sáng nay ai đến nhà cô Tề thế?". Chủ tịch xã đáp: "Một người quan trọng". Chủ tịch xã nói đúng. Người đàn ông mặc com lê đến nhà cô Tề rồi vội vàng ra đi là một người quan trọng. Chuyện ấy mãi sau này chúng tôi mới hay biết. Kể từ hôm có khách lạ đến nhà chừng mươi ngày, một sáng chúng tôi thấy cô Tề ra khỏi làng. Trời không mưa chỉ có sương mù mỏng tang, nhưng cô mang áo bạt, đội nón lá. Chúng tôi đoán cô lên phố huyện sắm đồ dùng, vật dụng trong nhà. Hôm ấy không thấy cô về. Hôm sau, rồi hôm sau nữa cũng không thấy. Cánh cửa nhà cô vẫn đóng kín, cái khoá đồng vàng choé nằm ngửa đít lên trời. Chúng tôi hỏi bà Dục goá chồng ở đầu ngõ nhà cô, bà ta chỉ lắc đầu. Dân làng tôi lạ lùng. Khi cô Tề ở nhà có mấy ai nhắc tới, còn những ngày này tuồng như ngoài cô Tề họ chẳng có gì phải quan tâm nữa. Họ đoán già, đoán non mục đích chuyến đi của cô. Thậm chí có người còn giở "Đàm thiên thuyết địa luận nhân" tìm đoạn ông Ngô Bạch nới về tuổi Ất Dậu. Từng mẩu, từng mẩu chúng tôi chắp vá lại thành ra câu chuyện về người đàn ông mặc com lê về nhà cô Tề. Ông ta tên Nghi, đúng như cô Tề nói với chúng tôi là cùng cơ quan cũ. Hẳn cô ngẫm ngợi lại, quyết định đến cơ quan. Đám phụ nữ làng tôi bình luận: "Làm dân tưởng dễ! Cứ lại phải quay đầu trở lại làm vương làm tướng. Xem ra làm việc gì với loại như cô Tề không phải lúc nào cũng dễ". Chúng tôi cũng chỉ như lũ cóc ngồi đáy giếng. Cô Tề chẳng phải như chúng tôi nghĩ. Một tuần sau cô xuất hiện trên đường làng. Lần cô Tề đi khỏi làng vừa kể trên là ra thành phố làm thủ tục giấy tờ nghỉ hưu. Nghe kể cô nói với lãnh đạo thành phố thế này: "Các đồng chí giao cho tôi đứng đầu một cơ quan quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trước tôi nghĩ việc ấy là đương nhiên. Tôi cống hiến, tôi tận tâm, tận ý với các đồng chí. Nay, ngoái nhìn lại, thật không hiểu vì sao các đồng chí lại làm thế? Tôi muốn nghỉ, các đồng chí bắt đồng chí Nghi về tận làng bàn tôi trở lại làm việc, tôi cũng không hiểu nốt". Ấy là cô nói theo cách dân làng tôi: Một lời hai ba nghĩa. Chứ chắc là cô hiểu hết... Từ bữa ấy, nhà cô Tề luôn mở cửa. Thỉnh thoảng cô ăn mặc rất đẹp có cả vôi ve nhàn nhạt trên môi, trên má đi ra đầu làng, vào quán cố Tuyên. Khi tôi lớn lên đã thấy cái quán của cố nằm nép dưới gốc duối già. Chiến tranh, cố lên núi Sạc tránh bom. Hoà bình cố trở về lại dựng lều bên gốc duối bán rượu trắng với cua đồng rang lá chanh, con nào con ấy nần nẫn vàng ươm và thơm phức. Cô không uống rượu, chỉ ăn mỗi món cua đồng. Cô Tề lương caọ Dân làng tôi nói: "Đời thế mới là đời". Thì mỗi người một cách nghĩ chứ chúng tôi thấy, đàn bà không chồng có nằm trên núi vàng, đồi ngọc cũng cứ khổ. Người xưa đã nói thế. Chúng tôi qua lại nhà cô nhiều hơn. Nhưng chúng tôi vẫn như không hiểu hết cô, vẫn như có một đường ngăn cách nào đó giữa cô với chúng tôi. Mùa hè năm ấy nắng to. Cây cối vàng suộm lá. Mùa gặt châu chấu cào cào bay cả vào làng trốn nắng, đập cánh tanh tách suốt đêm qua ngày. Chủ tịch xã đứng giữa sân nhà cô Tề, tay xua đuổi lũ cào cào xúm xít trên mái tóc rối bù. Sau lưng anh ta một chiếc ôtô con đang nổ máy khật khừ. Đến lúc ấy chúng tôi mới biết cô Tề bị ốm nặng. Nghe bảo vết thương cũ bị tái phát. Chủ tịch xã báo lên huyện, huyện báo lên thành và Ban bảo vệ sức khoẻ thành phố cho ôtô về đón có đi chữa bệnh. Chúng tôi dìu cô bước liêu xiêu ra xẹ Dân làng nhìn mãi theo chiếc ôtô chở cô Tề cho đến khi mất hút sau khúc đường ngoặt, chỉ còn những làn bụi đường trắng đã xoài xuống đồng lúa mới ai về nhà nấy. Tôi có người anh cùng cha khác mẹ bỏ làng vào Đắc Lắc năm 1980, nhanh chóng tậu được hàng chục hécta đất đỏ bazan màu mỡ. Anh trở lên giàu có, tiền của dư dả. Về quê thấy vợ chồng tôi nhếch nhác mới động lòng thương, anh đưa tôi vào coi vườn càphê. Cùng làm việc với tôi có một ông già sống câm lặng một cách khó hiểu. Anh tôi bảo "ông người ngoài ta" trước từng chiến đấu ở vùng Tây Nguyên này. Ông làm cho anh tôi hơn mười năm rồi. Có tiền nhưng ông chẳng làm nhà, chẳng sắm sửa đồ đạc gì cho mình. Ngoài công việc, ông chỉ thích mỗi đọc báo. Tôi hỏi chuyện riêng của ông, ông trừng mắt buông xõng: - Nếu nói được thì ta đã nói. Ta không nói tức là không nói được. Đừng có hỏi. Bẵng đi một dạo, một hôm, ông gọi tôi vào lều của ông. Ông ngồi trên chiếc chiếu trải dưới đất, trước mặt một chai rượu đã vơi nửa, lăn lóc hai cái chén và bừa bộn vỏ lạc, mẩu thuốc lá. Ông im lìm, ngỡ như ông đã ngồi thế lâu lắm rồi. Tôi nhìn khuôn mặt tái xanh của ông, lo lắng hỏi: - Ông ốm à? Ông giật mình, ngơ ngác, rồi đáp: - Từ trưa tới giờ cứ thấy nóng ruột, chắc trời động... Nào, uống đi! - Ông đẩy về phía tôi một chén rượu. - Để tôi hái ít lá cỏ mực giã nhỏ lấy nước ông uống... Ông nhìn tôi, mắt thảng thốt thế nào ấy. - Mai tôi có việc đi xa dăm ngày - Ông nói. Tôi hỏi: - Đi đâu? - Đã nói là đi xa - ông nói, vẻ khó chịu - Thôi về vườn đi. Biết tính ông, tôi không dám hỏi gì thêm lút cút ra đường. Một mình gánh công việc của hai người, tôi hầu như không được nghỉ. Cứ trông ngóng ông ta vàọ Ngày thứ năm kể từ bữa ông đi, anh trai tôi trao cho tôi hai lá thư ở ngoài quê gửi vào. Một của chủ tịch xã, một của vợ. Tôi xin trích hai đoạn trong hai bức thư ấy để kết thúc câu chuyện kể trên: Thư Chủ tịch xã: Cô Tề mất rồi. Lễ tang được tổ chức ngoài thành phố đầy đủ quan khách. Long trọng lắm. Tôi đại diện cho xã ta dự lễ tang và đưa thi hài cô về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Hồng Đoan. Nhớ khi xưa, chú là người quý nhất cô Tề, tôi viết mấy dòng tin chú hay. Thư của vợ tôi: Anh về đi thôi. Có đói chút cũng được. Còn một việc cần anh về giải quyết: Cô Tề chết rồi. Cô chết ở bệnh viện tỉnh, di chúc phải đưa về nghĩa địa làng ta. Cả làng đưa tang cô. Em tính ta nên mua. Đất vườn nhà cô Tề tốt lắm...
|