main billboard

“Cứ thấy các trường bạn, lớn nhỏ đều có những cuộc hội ngộ gặp mặt nhau hàng năm mà trong lòng cứ mong mỏi trường mình học xưa cũng sẽ có người đứng ra tổ chức hội ngộ."


GARDEN GROVE, California (NV) - Các cựu học sinh của trường trung học Văn Hóa Quân Ðội sẽ có cuộc họp mặt lần đầu tiên tại Little Saigon vào chiều Thứ Bảy, 25 Tháng Tư, tại nhà hàng Diamond Seafood, góc đường Beach và Lampson, Garden Grove.

Ðứng ra tổ chức cuộc họp mặt này là cô Diệp Trần, một trong những học sinh của trường suốt từ lớp 6, cho đến lớp 12, rồi ra trường lên Ðại Học Văn Khoa vào năm 1971.


diep tranCô Diệp Trần, người tổ chức buổi hội ngộ Văn Hóa Quân Ðội đầu tiên. (Hình: Diệp Trần cung cấp)

Cô Diệp Trần tâm sự: “Cứ thấy các trường bạn, lớn nhỏ đều có những cuộc hội ngộ gặp mặt nhau hàng năm mà trong lòng cứ mong mỏi trường mình học xưa cũng sẽ có người đứng ra tổ chức hội ngộ. Trường Văn Hóa Quân Ðội đâu có nhỏ gì, cũng có đến 20 lớp với sĩ số học sinh gần cả ngàn, thế mà sau năm 1975, anh chị em thất tán bốn phương, nay đã 40 năm qua rồi mà chẳng thấy ai đứng ra tổ chức cuộc hội ngộ cho anh chị em cùng trường có dịp gặp lại nhau mà hàn huyên biết bao nhiêu tâm sự. Chờ mãi không được nên tôi mới bàn cùng một vài bạn học cũ liều đứng ra tổ chức, nếu mà thành công được anh chị em cũ đến tham dự đông thì sang năm sẽ lại liều tổ chức cuộc hội ngộ toàn cầu.”

Chỉ nghe đến những lời tâm sự này, chắc chắn ai đã từng một thời dù dài hay ngắn được học tại ngôi trường này sẽ không ngần ngại gì mà không đến với nhau.

Mẫu số chung của các cựu học sinh Văn Hóa Quân Ðội là con em của những chiến sĩ trong QLVNCH. Mẫu số chung ấy còn được tạo nên bởi hoàn cảnh khó khăn của gia đình khi cha anh mình là lính mà “tiền lính” thì “tính liền” không bao giờ dư dả để gửi về nuôi gia đình. Trong sự thiếu thốn của gia đình, nếu không đậu được vào trường công thì gia đình không thể lo được tiền học phí nơi các trường tư hay bán công cho con em suốt bảy năm trung học. Thứ nữa, vì là con em của binh sĩ trong QLVNCH nên thường có những lo lắng tâm sự chung trước chiến tranh ngày một khốc liệt khiến mạng sống của người lính, cha anh của mình, thường xuyên bị đe dọa bởi cái chết không rời.

Do đó, theo cô Diệp Trần kể, “Vào những dịp 'Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ' hàng năm, chúng tôi cả nam lẫn nữ đã nao nức xin được ghi danh vào các đoàn học sinh đi thăm và ủy lạo chiến sĩ tại các tiền đồn mặt trận. Chúng tôi chả sợ gì nhũng hiểm nguy bởi chúng tôi đang cùng được chia sẻ với cha anh trong cuộc chiến tranh giữ nước chống quân Cộng Sản xâm lăng tàn bạo. Trong khi các bạn học các trường khác tham dự vào những chuyến đi thăm này như một bổn phận theo lệnh của nhà trường thì chúng tôi coi những chuyến đi này, ngoài bổn phận của người được an bình ở hậu phương, còn là sự chia sẻ thân yêu với người trong gia đình, cho dù nơi đến là các đơn vị có thể không có người thân yêu của mình. Biết bao nhiêu tâm tình của chúng tôi đã gửi tới các anh chiến sĩ ngoài mặt trận qua những đợt thư người em gái hậu phương.”

Một điểm nữa trong mẫu số chung của cựu học sinh Văn Hóa Quân Ðội là bị kỳ thị triệt để của chế độ Cộng Sản ngày 30 Tháng Tư, 1975. Mang cái lý lịch “con ngụy” thì trường lớp chỉ còn là nỗi mơ ước trong tuyệt vọng.

Còn nữa, mẫu số chung của cựu học sinh Văn Hóa Quân Ðội là những chuyến thăm nuôi tù cải tạo để thấy cha anh mình tả tơi không còn ra hình người để thấm thía cảnh đổi đời mà sau này được qua các nước tự do, người cựu học sinh Văn Hóa Quân Ðội có được cái vốn liếng đời to lớn nên đã dốc tâm cùng gia đình làm lại cuộc đời mới và không ít người đã thành công trong sự hòa nhập vào xã hội mới.

Trường Văn Hóa Quân Ðội được thành lập khoảng những năm đầu thập niên 1960 trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục và Bộ Quốc Phòng nên chương trình học cũng như thành phần các giáo sư đều có phẩm chất tương đương với các trung học công lập. Trường được thành lập để đáp ứng nhu cầu giáo dục cho con em binh sĩ trong QLVNCH để người lính được an tâm chiến đấu phục vụ đất nước. Trường có cơ sở rộng rãi nằm trên đường Thống Nhất, bên cạnh Sở Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia. Các học sinh ra trường sau khi thi đậu tú tài II được tiếp tục lên đại học. Một số khá đông nam sinh sau khi ra trường đã gia nhập QLVNCH tại các quân trường Thủ Ðức hay Võ Bị Ðà Lạt theo bước chân của cha anh.

Trường nay đã bị xóa tên sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam.

Năm nay, nhân 40 năm tưởng niệm ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư, cựu học sinh Văn Hóa Quân Ðội tổ chức lần hội ngộ đầu tiên, sẽ không chỉ là hội ngộ mà thôi, mà còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa theo cô Diệp Trần, người đứng ra tổ chức cho biết.

Quý độc giả cần biết thêm chi tiết về cuộc họp mặt này, có thể liên lạc (714) 837-9547.