main billboard

“Lớp tôi là lớp Tiếng Việt 3. Muốn các em học được Tiếng Việt, chúng ta phải tạo cơ hội cho các em biết thêm về lịch sử và văn hoá Việt, để tự hào khi nói được ngôn ngữ này.”

lopsuviet 1GARDEN GROVE (NV) - Vây quanh bởi hơn 30 học sinh trung học, ông Dennis Dunivan chậm rãi đọc một đoạn trích trong cuốn tiểu thuyết Escape from Communist Heaven, với nhân vật chính là một thiếu niên 14 tuổi lăn lộn giữa Sài Gòn những năm “sau Giải Phóng.” Ông Dunivan được mời đặc biệt đến nói chuyện với lớp Việt 3 của trường trung học Garden Grove sáng Thứ Sáu, 18 Tháng Mười.

Ông Dennis Dunivan nói chuyện với học sinh trung học Garden Grove. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Sau năm tuần cho học sinh mượn sách Escape from Communist Heaven về đọc, thầy Robert Nguyễn tổ chức buổi gặp mặt và nói chuyện với chính tác giả Dennis Dunivan. Theo thầy Robert, cuốn sách có tên dịch theo Tiếng Việt là “Trốn Khỏi Thiên Đường Cộng Sản” chứa đựng “những điều mà nhiều gia đình Việt Nam không muốn kể, nhưng các em cần phải biết.”

Thầy Robert Nguyễn giải thích lý do thầy tổ chức buổi nói chuyện hôm đó: “Lớp tôi là lớp Tiếng Việt 3. Muốn các em học được Tiếng Việt, chúng ta phải tạo cơ hội cho các em biết thêm về lịch sử và văn hoá Việt, để tự hào khi nói được ngôn ngữ này.”

“Các em học tốt hơn khi nghe từ nhiều người khác nhau, với những cách nhìn khác nhau. Trong lớp, các em chỉ có mình tôi. Khi về nhà, nhiều em, kể cả nhiều em gốc Việt, không được nghe gia đình kể  chuyện Việt Nam. Cuốn sách giúp các em biết thêm về lý do người Việt đến đây sống sau biến cố 1975.” Thầy nói.

Thầy cũng cho biết chọn sách Escape from Communist Heaven cho chương trình học vì lối viết của cuốn tiểu thuyết dễ hiểu như nghe kể chuyện nhưng vẫn giữ được tính chân thực lịch sử.

Sách được viết như hồi ký của một cậu bé tên Việt, đang 14 tuổi khi bộ đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn. Cha anh là lính Cộng Hòa, “lọt vào tầm ngắm” của bộ máy chính quyền mới tại địa phương. Sách lướt qua hoàn cảnh của người cha và gia đình, tập trung vào câu chuyện của cậu bé Việt khi bắt đầu quyết định giúp nhà kiếm tiền đi vượt biên.

lopsuviet 2Tiểu thuyết "Escape from Communist Heaven" trong một góc lớp học. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Việt đến chợ đen bán thay vì nộp số cá bắt được cho nhà cầm quyền bao cấp. Người nào có chút tiền sẽ trả cao hơn cho những con cá này. Hy vọng kiếm tiền giúp gia đình không thành vì Việt bị công an bắt mang giam tại trại lao động. Cậu bé trải qua cuộc sống khốn khổ như 300,000 khác trong các trại tương tự thời bấy giờ. Tuy nhiên, ý chí và tinh thần mạnh mẽ giúp cậu vượt qua thử thách. Tình tiết nối tiếp tình tiết, lúc gay cấn, lúc trầm lắng xúc động. Câu truyện diễn tiến cho đến khi cậu bé Việt được cho đi vượt biên...

“15% là hư cấu, 85% là sự thật.” Tác giả  Dunivan cho biết.

Ông Dennis Dunivan tốt nghiệp ngành báo chí tại Đại học Missouri. Trong một lần làm việc tại Anh Quốc 20 năm trước, ông Dunivan có dịp gặp và trò chuyện với ông Việt Nguyễn. Nghe được câu chuyện thời niên thiếu “thế giới nên biết đến” của ông Việt, ông Dunivan bày tỏ ý tưởng muốn viết thành sách.

Mất gần 20 năm để cuốn Escape from Communist Heaven được hoàn thành, đến tay người đọc.

Lớp học hôm Thứ Sáu không khác mấy so với một lớp học bình thường. Khoảng 30 em học sinh ngồi vào những bàn học đặt quanh khu vực trung tâm lớp. Điểm đặc biệt hôm đó là vị trí này được thầy giáo nhường lại cho vị khách mời trình bày toàn bộ nội dung buổi nói chuyện.

Tác giả Dunivan đọc một vài đoạn trích, dừng lại sau mỗi đoạn để hỏi cảm nhận của các em. Sau mỗi câu hỏi của ông là nhiều cánh tay đưa lên. Càng về sau, càng có nhiều ý kiến được chia sẻ. Nếu như ban đầu, người hỏi là ông Dunivan và người trả lời là các học sinh, thì sau đó, chính các em đặt câu hỏi ngược lại cho người tác giả.

lopsuviet 3Tác giả Dennis Dunivan cùng hai giáo viên có dùng sách của ông để dạy về Việt Nam: cô Kathryn Jue và thầy Robert Nguyễn. (Hình: Thiên An/Người Hai)

“Người đàn ông trong chương đó có thật không? Ông thực sự bị họ giết sao?” hay “Gia đình anh Việt có vượt biên như anh không?” hay “Vị linh mục đó có thảm hơn nếu ông lên tiếng chống chính quyền?...” Qua những câu hỏi đi vào chi tiết dành cho tác giả, người tham dự có thể thấy nhiều em đã hoàn thành bài tập về nhà: đọc cuốn tiểu thuyết hơn 350 trang mà thầy Nguyễn đưa cho.

Có lúc lớp học trầm hẳn đi khi nhắc lại những đoạn buồn trong cuốn tiểu thuyết. Cũng có lúc, các em cười sảng khoái khi tác giả kể những kỷ niệm vui trong thời gian viết sách. Ông cũng liên tục hài hước kể về những điều ông học được về văn hoá và con người Việt Nam, cũng như những điều ông cố mà vẫn chưa học được, như nói Tiếng Việt.

Câu hỏi nối tiếp câu hỏi, các em học sinh hôm đó tích cực phỏng vấn vị khách mời cho đến khi chuông trường báo hiệu lớp học hết giờ .

“So với các lớp học mà tôi có dịp trò chuyện, nơi này nằm trong khu vực có rất đông dân Việt Nam.Các em không những đặt câu hỏi mà còn đóng góp bằng những câu chuyện của chính gia đình mình. ”Ông Dunivan trả lời phóng viên.

“Với những em gốc Việt chưa có dịp lắng nghe từ cha mẹ, ông bà, hy vọng các em khi về nhà sẽ tìm hiểu thêm. Với những em thuộc sắc dân khác, hy vọng các em đã học được nhiều trong buổi hôm nay, qua cuốn sách và qua những gì mà bạn bè đã chia sẻ.” Ông nói.