Tái dê chấm với tương bần ... Ăn vào một miếng rần rần như dê ... Đêm về vợ thở hê hê ... Tối mai ta lại tái dê tương bần
Chưa bao giờ Canada lạnh dữ dội như năm nay. Ngày Tết mà lạnh hơn 20 âm độ C, tương đương với O độ F bên Hoa Kỳ. Sáng mồng một xuất hành, người đầu tiên tôi gặp là ông hàng xóm da trắng. Chuyện đầu tiên chúng tôi nói với nhau là chuyện trời băng giá. Ông cười rồi bảo trời lạnh cóng như thế này là vì tháng Hai này đặc biệt quá. Theo các nhà làm lịch thì cứ 823 năm mới có một tháng Hai cân bằng như tháng Hai năm nay. Tôi giật mình, và ngó vào lịch. Ừ, lạ ha. Tháng Hai có 28 ngày là chuyện bình thường, điều không bình thường mà ông hàng xóm nói là 28 ngày chia đều cho 7 ngày trong tuần, từ Chúa Nhật rồi thứ Hai thứ Ba cho tới ngày thứ Bảy cuối tuần, ngày thứ nào cũng chẵn 4 lần. Thật là đặc biệt. Chính vì cái đặc biệt như vậy mà cả nước Canada đã chìm vào bầu khí băng giá như thế này. Rồi tôi miên man nghĩ tới người Da Đỏ. Họ đã sống trên đất nước băng giá này bao nhiêu ngàn năm, mà họ vẫn sống, vẫn tồn tại. Sử ghi rằng cách đây mấy trăm năm khi đoàn người Da Trắng mới đến đây thì qua mùa đông thứ nhất, đoàn người tiên phong này đã chết quá nửa.
Nhưng mặc trời lạnh, cộng đồng VN khắp nơi trên giải đất Canada thân yêu này vẫn mừng tết vui vẻ đầm ấm. Xứ này có tên là Đất Lạnh Tình Nồng mà. Đặc biệt làng An Lạc chúng tôi đã có một ngày tết thật là vui vẻ hạnh phúc. Việc này một phần là nhờ cái tài của Ông Từ Hòe hội viên viễn cư. Không khí làng tôi đã vui sẵn rồi, nay có ông từ miền Tây về nên nó sôi động lên hơn nữa. Ông về đây từ ngày cúng ông Táo, và ra đi ngày hạ nêu mãn tết vừa qua. Trước khi về miền tây, ông làm một đại tiệc tạm biệt. Ông cười hà hà : Tạm biệt thôi nha, vì đến đầu tháng tháng Tư tôi sẽ trở lại để mừng đại lễ. Các cụ phương xa có biết ý ông nói đại lễ gì không? Thưa, đó là đại lễ Cụ Chánh tiên chỉ làng và Cụ bà B.95 nhập đạo Công Giáo ngày Lễ Phục Sinh. Nhưng đó là chuyện của đầu mùa xuân đang đến. Bây giờ xin mời các cụ nghe chuyện ông Từ Hòe làm tiệc tạm từ giã dân làng.
Tết vừa qua là tết con Dê nên ông Từ Hòe đã nấu những món dê thật xuất sắc, chuyện này tôi đã kể các cụ nghe rồi. Để thay đổi khẩu vị, bữa nay ông trổ tài làm món gà đút lò. Nghe hấp dẫn chứ, phải không cơ. Món này ông làm khá công phu vì trong bụng con gà là cơm rang với đậu đỗ, với nấm, với tôm khô, với cà rốt, với mắm hành tiêu ớt . Bên trong và bên goài ông quết bơ. Các cụ có biết ông dùng loại bơ gì không ? Thưa, ông cầu kỳ lắm, ông đi chợ cố tìm cho được loại bơ chính hiệu Beurre Bretel của Pháp. Dân làng tới 10 người nên ông làm 2 con lận. Khi lấy gà ra khỏi lò, da nó vàng au, thơm điếc mũi. Ông còn phết thêm một lớp bơ mỏng lên con gà rồi mới bày ra đĩa. Lớp bơ mỏng này tan ngay vì con gà còn đang nóng hổi. Mùi bơ cộng với mùi thịt gà, mùi cơm chiên trong bụng gà, tỏa ra một mùi thơm ngon quyến rũ hết sức.Chung quanh con gà, ông bày thêm các lát cà chua và dưa cải cà rốt. Mời các cụ cầm dao, vừa cắt thịt gà vừa bới cơm chiên trong bụng gà. Mời các cụ xơi ngay lúc cơm và gà còn nóng sốt nha. Nhậu món này rồi đưa cay với hớp vang đỏ, thì ôi thôi, bữa cơm trên thiên đàng cũng chỉ ngon tới cỡ này là cùng.
Rồi rượu vào, lời ra. Chị Ba Biên Hòa là người mở đầu. Chị bảo ông Từ Hòe rằng bữa cơm hôm tết con Dê ông kể chuyện về con dê ít quá. Ông còn muốn kể gì về con dê nữa không? Ông Từ Hòe trả lời ngay : Thịt con dê ít mỡ nên nấu được rất nhiều món ngon, như cà ri dê, lẩu dê, dê nướng ngũ vị hương, dê xào lăn, dê xào xa tế, dặc biệt tái dê chấm với tương bần. Tôi tiếc là ngày tết vừa qua chúng ta ăn tái dê mà không có tương bần. Chị Ba ngạc nhiên lên tiếng hỏi ngay : Tái dê phải chấm với tương bần mới ngon sao? Ông Tử Hòe đáp ngay : Đúng vậy. Mùi tương này kỳ diệu lắm, nó nâng hương vị của miếng tái dê lên rất cao. Chẳng vậy mà cha ông ta đã truyền lại hậu thế câu kinh nghiệm tuyệt bút này :
Tái dê chấm với tương bần
Ăn vào một miếng rần rần như dê
Đêm về vợ thở hê hê
Tối mai ta lại tái dê tương bần
Món dê được tiếng là thuốc đại bổ nên tôi thấy Bác sĩ Thú y Nguyễn Thượng Chánh ở Montreal đã khuyên các bạn trẻ là ăn vừa vừa thôi kẻo ‘nổ bình điện’. BS Chánh cho biết là ở Canada, dân Hồi Giáo ăn thịt dê nhiều nhất. Muốn mua thịt dê thì cứ tìm chợ Ả Rập là có liền. Dân Hồi bảo thịt dê trong sạch nên ăn, còn thịt heo dơ dáy chớ ăn.
À, nhân nói tới dân Hồi Muslim ở Montreal, xin kể ngay một tin thời sự còn nóng hổi là ngay đầu tháng Hai vừa qua, trước tết của chúng ta hai tuần, hội phụ huynh học sinh gốc Hồi giáo ở miền Dorval ngoại ô Montreal đã gửi thư cho hội đồng giáo dục ở đây xin các căng-tin ở nhà trường hủy bỏ các món ăn có thịt heo. Chính quyền Dorval đã trả lời ngay. Rằng các bạn đã xin tới đất nước này chứ chúng tôi không có mời các bạn đến. Đây là đất của văn hóa Thiên Chúa Giáo. Các bạn tới đây thì phải hòa nhập với nếp sống ở đây. Nếu không thì mời các bạn đi chỗ khác.
Ai đọc xong bản tin này cũng đều gật đầu đồng ý với thành phố. Tôi nhớ cách đây mấy chục năm, cũng dân Hồi giáo ở Montreal này đã gửi thư xin chính quyền gỡ bỏ các cây thánh giá treo trong các lớp học. Chính quyền lúc đó cũng đã trả lời ngay, rằng đây là đất Thiên Chúa Giáo, các anh không chịu được thì mời các anh xéo đi chỗ khác.
Các bạn bè tôi ở Canada, nhất là người da trắng, đều rất lo sợ mấy ông bà Hồi giáo này, vì dân số họ lên tới một triệu, tức là hơn 3% dân số Canada. Riêng ở Montreal, dân số Hồi Giáo là 250.000, tức là 23% dân số tỉnh bang này. Đàn bà họ Hồi thường không đi làm, chỉ ăn rồi đẻ, đẻ sồn sồn mỗi năm một, trong khi dân da trắng thì lười đẻ. Cứ đà này thì chỉ trong 10 năm nữa dân Hồi Giáo ở Montreal sẽ chiếm đa số, họ sẽ biến Montreal ra một thành phố Hồi Giáo…
Nhưng thôi, không nói chuyện mấy ông bà Rệp này nữa. Đầu năm mới con Dê phải nói chuyện vui. À, mà phải bá cáo các cụ ngay việc này là bữa ăn gà đút lò lúc đầu vắng bóng anh John. Anh không đến được vì bị cảm lạnh. Chị Ba cho biết tại mấy hôm trước anh xúc tuyết nhiều quá. Vì anh John không có mặt nên Cụ B.95 mới hỏi Chị Ba : Tôi thấy chồng chị có vẻ mê món ăn Việt Nam, vậy xin hỏi nhỏ chị nha : anh John chồng chị có kiêng món VN nào không ? Chị Ba nghe xong câu hỏi rồi tỏ ra vẻ ngần ngại không muốn trả lời. Dân làng túm vào xin chị cứ nói. Mãi rồi Chị Ba mới đáp :
- Chồng con thích mọi món VN, nhất là những món Cụ và các anh chị ở đây nấu. Nhưng chồng con không thích đi ăn tiệc ở nhà hàng, như tiệc cưới, tiệc sinh nhật. Lý do là vì nhiều người thích anh, ai cũng tranh ngồi bên anh rồi gắp thức ăn cho anh. Anh sợ nhất việc này. Anh sợ đôi đũa của người gắp thức ăn. Bạn đang dùng đôi đũa đưa thức ăn vào miệng, đôi đũa đó dính nước bọt, dính rãi, tất nhiên là có dính cả vi trùng từ miệng bạn, nay bạn dùng chính đôi đũa này gắp thức ăn cho người khác, người da trắng sợ việc này lắm. Ngoài ra, trong các món ăn ở nhà hàng, anh sợ nhất món lẩu. Tuy nhà hàng có dọn thìa muỗm để múc thức ăn, nhưng đa số bà con ta tự động dùng chính đôi đũa của mình gắp rau và thịt cá bỏ thẳng vào cái lẩu, rồi còn lấy đũa quấy rau quấy thịt cho chìm xuống, rồi lại dùng chính đôi đũa đó đưa lên miệng vừa nếm vừa mút chùn chụt. Rồi cũng dùng đôi đũa đó và cái muỗng của cá nhân mình mà múc thức ăn từ cái lẩu. Cả bàn ai cũng làm như vậy, cho nên cái lẩu xúp vô tình hóa ra một cái chậu nhỏ để cả làng rửa đũa. Rồi ai cũng múc nước xúp ở cái lẩu này mà húp, vừa húp vừa khen nước lẩu ngon, hóa ra chúng ta đang uống nước rãi của nhau… Lại còn có người lấy đũa của mình gắp món thịt món rau trong lẩu bỏ vào bát cho chồng cháu, ép chồng cháu ăn. Chồng cháu rất sợ cánh ăn lẩu này.
Làng tôi nghe Chị Ba nói đến đây đều giật mình. Ừ, đúng. Bà con ta ăn lẩu ở nhà
hàng đều như vậy cả. Thật mất vệ sinh quá. Các cụ nghĩ sao cơ ?
Đúng ngay lúc đó thì anh John xuất hiện. Anh bảo anh nhớ làng quá nên không thể nằm nhà một mình được. Em nhớ các bác qúa, vừa nhớ vừa thèm. Em thèm nghe, thèm nói và thèm ăn. Vì anh đang bệnh nên anh xin một đĩa thức ăn riêng. Ông Từ Hòe chạy ngay vào bếp rồi đem ra một gói lớn. Ông bảo anh John : Tôi dã chuẩn bị phần ăn cho anh đây, định rằng chút nữa khi Chi Ba về thì sẽ gửi cho anh. Cái ông Từ Hòe này ý tứ và chu đáo thế đấy, các cụ ạ.
Cụ B.95 được gặp thần tượng John thì thích lắm. Cụ để cho anh ngồi ăn hết đĩa cơm gà rồi bắt chuyện : Chúng tôi đang thèm nghe chuyện cười của anh đây. Năm nay là năm con dê, anh có chuyện cười con dê nào mới không? Anh John trả lời ngay : Có. Cháu có chuyện này vừa đọc được trong báo. Chuyện thế này : Con dê, chữ Hán gọi là ‘Dương’. Từ chữ dương này người ta mới suy ra rằng :
- Con dê to lớn có quốc tịch Pháp gọi là Đại Tây Dương
- Con dê hiền lành không thích đánh nhau gọi là Thái Bình Dương
- Con dê nghèo khổ gọi là dương cực
- Con dê lớn gọi là đại dương
- Con dê sống ở miền đông gọi là Đông dương
- Con dê bị cắt hết lông gọi là dương trần
- Đàn dê gọi là dương cầm
- Dê không lương thiện gọi la dương gian
- Dê mạnh khỏe gọi là cường dương
- Dê bệnh không đi lại được gọi là liệt dương
- Cuộc đời con dê gọi la dương thế …
Mọi người nghe xong thì đều vỗ tay khen anh John này dí dỏm. Ông Từ Hòe lên tiếng : Anh là người Canada nói cả tiếng Anh cả tiếng Pháp, xin hỏi anh về những tiếng cười trong Pháp văn. Anh thích chuyện nào nhất ? Ông ODP đã chạm đúng tần số của anh John. Anh thưa ngay :
- Các chuyện cười xưa nay tôi kể, một phần tôi lấy ở trong sách tiếng Pháp đấy
chứ. Tôi thấy làng ta ai cũng biết tiếng Pháp, nhân đầu năm con Dê, xin cho tôi đố làng một câu đố rất dễ về tiếng Pháp nha . Câu đó như thế này : ‘Tôi là lãnh tụ của 25 người lính. Không có tôi thì thành phố Paris bị thất thủ ngay. Xin đố : Tôi là ai ? Tiếng Pháp nói thế này : Je suis le chef de 25 soldats. Sans moi, Paris sera pris. Qui suis-je?
Xưa nay làng chúng tôi đều sống trong thế giới tiếng Việt, lâu lâu có đi vào thế giới tiếng Anh một chút xíu, hôm nay lần đầu tiên dân làng được dẫn vào thế giới tiếng Pháp, hình như mọi người hơi choáng váng. Cụ Chánh, Ông ODP, ông Từ Hòe, anh H.O. Cô Tôn Nữ, Cô Cao Xuân, tất cả đều biết tiếng Pháp mà, thế mà tự nhiên cả làng im re. Lạ qúa ha. Ai cũng vỗ trán suy nghĩ. Mãi một lúc sau thì ông ODP vỗ tay cái bốp rồi cười ha ha. Tôi tìm ra đáp số rồi. Đó là chữ A. Hầu như cả làng chưa ai hiểu gì hết. Sao lại là chữ A ? Anh John chắp tay vái ông ODP ba cái liền rồi thưa : Em xin bái phục đại ca. Em từng đố câu này với người Pháp mà nhiều người Pháp cũng không nghĩ ra. Thưa dân làng, bác ODP đã đáp trúng. Lời giải như thế này: Về chữ viết, tiếng Pháp có 26 mẫu tự ABCD... Chữ A đứng đầu, và sau chữ A là 25 chữ cái tiếp theo. Có phải chữ A là lãnh tụ không ? Trong chữ PARIS, nếu bỏ chữ A đi thì chữ Paris sẽ thành chữ PRIS, mà chữ PRIS thì có nghĩa là bị bắt, bị thất thủ.
Dân làng vì đa số biết tiếng Pháp nên hiểu lời giải, lúc này mới hiểu ra câu đố, liền vỗ tay râm ran. Ai cũng khen câu đố của anh John quá hay. Anh đúng là một người Canada song ngữ vẹn toàn.
Anh John được dịp nói về tiếng Pháp, anh đi thêm một bước nữa, anh kể sang chuyện tên món ăn VN bằng tiếng Pháp. Rằng sau 1975, người Việt đến Montreal thành phố nói tiếng Pháp khá đông, và tất nhiên nhà hàng VN cũng mọc ra khá nhiều. Trong thực đơn, ngoài phần viết bằng tiếng Việt còn phần viết bằng tiếng Pháp. Bữa đó hai vợ chồng anh đi Montreal thăm mấy người bạn, anh chị đã ghé một nhà hàng VN. Món mà anh chị kêu là phở và chả giò. Anh John đọc tên chả giò và lời dịch chả giò là ‘rouleau de printemps’nghĩa là một cuốn mùa xuân, thì anh kêu lên : Trời ơi, thiên tài thiên tài ! Chả giò mà dịch là ‘rouleau de printemps’ thì hay hết ý, quả là thiên tài. Ăn chả giò là ăn một khúc mùa xuân vào lòng thì thật là hay hết ý, hay thấm thía, hay tuyệt vời. Anh John liền đứng lên xin gặp chủ nhà hàng để ca ngợi chữ rouleau de printemps trong thực đơn. Chủ nhà hàng tươi cười và nhũn nhặn trả lới rằng lời dịch này không phải của ông mà là của mấy nhà hàng VN bên Paris mách cho.
Từ hôm đó anh John ghi chữ ‘chả giò / rouleau de printemps vào bụng và đi tìm cái gốc. Mãi sau này khi anh mua được từ điển Việt Hán thì anh mới tìm được nó. Chả giò hay Nem Rán, tiếng Hán dịch là ‘ xuân quyển’ , xuân quyển có nghĩa là ‘ gói lại cả mùa xuân’. Chà, hay quá chứ, phải không các cụ. Chính từ cái ý ‘xuân quyển’ này người ta mới chuyển qua Pháp văn là rouleau de printemps và Anh Văn là ‘spring rolls’. Xin bái phục tác giả phần Hán Văn trong cuốn tự điển song ngữ này. Ngài là người thấy được cái tinh hoa trong cái chả giò nem rán của người Việt nên ngài mới gọi nó là một gói mùa xuân. Ăn chả giò là ăn một gói mùa xuân vào trong lòng.
Cụ B.95 nghe đến đây xong thì lên tiếng. Cụ bảo cụ nghe các bác nói tiếng Pháp thì cụ chả hiểu gì. Cụ xin anh John đổi đề tài. Cụ xin nghe chuyện thời sự.
Cái anh John này đã bị dân làng bỏ thuốc mê. Rõ ràng anh đang bệnh mà đến đây ăn cơm VN, nói tiếng VN, cười ha hả với người VN, thở không khí của đại gia đình VN thì tự nhiên anh hết bệnh. Lúc đầu vừa tới thì anh ho sù sụ, bây giờ tự nhiên hết ho, mặt hết tái mét, bây giờ mặt mũi hồng hào.
Anh John vui vẻ đáp lời yêu cầu của Cụ B.95 ngay : Tháng này có nhiều chuyện thời sự lắm, cháu chỉ xin nói vài chuyện mà cháu cho là nóng nhất. Đầu tiên là việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ Roma sang thăm xứ Phi Luật Tân, có 6 triệu người ra đón. Trong buổi gặp gỡ giới trẻ, một bé gái12 tuổi tên Polomar được chọn đọc diễn văn chào mừng . Đây là một em bé mồ côi bị bỏ rơi được các dì phước đem về nuôi. Cô bé cầm giấy đọc bài đã được viết sẵn, nhưng khi đọc tới những thảm cảnh của các thiếu nhi bệnh tật, nghèo khổ và bị bỏ rơi như bé thì bé khóc nức nở. Bé không đọc tiếp được nữa mà bé ôm lấy Đức Giáo Hoàng, rồi hỏi ngài tại sao trên đời lại có những cảnh đau khổ như thế này. Bé vừa gạt nước mắt vừa xụt xùi hỏi thêm câu thứ hai: Tại sao thế giới hững hờ và có ít người thương giúp chúng con như vậy? Đức Phanxicô bị xúc dộng, ngài vội ôm lấy bé. Ngài trả lời ngay là ngài cũng không biết tại sao. Và vì quá xúc động, ngài đã bỏ hẳn bài giảng đã soạn sẵn bằng tiếng Anh. Ngài ứng khẩu nói ngay tới sự đau khổ và kêu gọi mọi người hãy biết khóc thương những cảnh đau khổ, nước mắt sẽ chỉ cho ta biết việc phải làm tiếp theo.
Cũng trong cuộc thăm viếng Á Châu này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới thăm xứ Sri Lanka xứ của Phật Giáo. Trong buổi gặp gỡ các nhà sư, một vị cao tăng dã choàng cho ngài một tấm khăn vàng rất lớn. Ngài đã mang tấm khăn lịch sử này trong suốt buổi thăm viếng. Một giáo hoàng Công Giáo mang một tấm khăn choàng của một nhà sư Phật giáo, hình ảnh này đẹp vô cùng, nó có giá trị bằng bao nhiêu bài thuyết giảng.
Cụ Chánh tiên chỉ làng góp thêm ý : Xem các hình ảnh dân Phi Luât Tân và dân Sri Lanka đón tiếp giáo hoàng Phan Xi cô, lão không chú ý nhiều đến nhân vật chính là vị giáo hoàng, nhưng lão quan sát rát kỹ nét mặt dân chúng đón rước, lão thấy mặt mọi ngươi đều rạng rỡ vui mừng. Lão cho đây là một điều rất hiếm và độc đáo…
Tin thời sự thứ hai là tin một gia đình người Canada da trắng sang nhận con nuôi bên VN. Đó là ông bà Michael Wagner quê miền Kingston phía đông của Toronto. Ông bà đã có 5 con. Do lòng ‘mến Chúa yêu người’ thúc đẩy, hai ông bà đã sang VN đầu tháng 12 năm 2012 và đã nhận hai em bé mồ côi làm con nuôi. Hai bé là một cặp song sinh, tên Bình và Phước, một tuổi rưỡi, mỗi em chỉ nặng hơn 2 kí lô. Biết hai bé này bị nhiều bệnh trong đó có bệnh gan là nặng nhất, nhưng hai ông bà vẫn vui nhận và đem về Canada . Bây giờ gia đình ông bà Wagner có tất cả 7 người con. Đầu năm ngoái thì bệnh gan của hai bé Phước và Bình lâm vào tình trạng nguy hiểm, phải thay gan. Ông bố nuôi Michael Wagner bằng lòng hiến một phần gan cho một bé vì cùng một mẫu máu và DNA. Bé còn lại thì ông kêu cứu với cộng đồng. Lời kêu cứu vừa được phổ biến thì liền có hơn 400 người Canada đáp ứng. Bệnh viện đa khoa Toronto đã tiếp xúc với các ân nhân này để lập hồ sơ và thử gan thử máu. Tin giờ chót là bệnh viện Toronto đã lọc ra được 8 người để đi vào giai đoạn chót. Ngoài việc hiến gan, gia đình Wagner còn cần tiền để trả bệnh phí giải phẫu. Tuần san Thời Báo gốc Toronto vào ngày trước Tết Con Dê đã phát động ‘ Quỹ Thời Báo giúp hai em Bình và Phước, (416) 925-8607’, và đã đi tiên phong tặng quỹ này 3.000 đồng. Dân làng tôi đang hô hào bạn bè mở lòng. Bà con ơi, đã 400 người Canada mở lòng, còn chúng ta là đồng bào với 2 em Bình và Phước, chả lẽ chúng ta rửng rưng sao?
Chị Ba Biên Hòa nghe chuyện này xong thì phát biểu : Canada xa Việt Nam mình nửa vòng trái đất, không hề có nợ gì với VN, thế mà người Canada yêu thương người VN mình vô biên giới. Chứng cớ thì vô vàn. Sau năm 1975 thì bảo trợ các thuyền nhân tỵ nạn, số người VN hiện nay ở Canada lên tới gần 300.000 thì quá nửa là thuyền nhân đã được nhiều tư nhân Canada bảo trợ. Nói gì đâu xa, ngay dân làng ta đây đa số do nhà thờ Cha Paolo bảo trợ. Hết bảo trợ tỵ nạn rồi đến việc sang Việt Nam nhận trẻ mồ côi làm con nuôi. Họ sang rất nhiều và nhận rất nhiều. Hai em bé Bình và Phước trên đây chỉ là con số tượng trưng. Đó là Canada. Còn phía VN thì sao? Tôi thấy mắc cở và đau lòng. Tôi xin đơn cử một chuyện nhỏ mà thôi. Các bạn có biết ông Linh Mục Bác Sĩ Nguyễn Viết Chung ở Kontum không? Trái tim ông giống như trái tim của vợ chồng Wagner trên đây. Gia đình ông theo đạo Ông Bà. Ông thông minh từ nhỏ nên học y khoa, và đậu bằng bác sĩ. Ông chuyên về bệnh cùi. Nhân chuyến đi thăm các trại cùi Kontum ông biết chuyện Đức Cha Cassaigne ở ĐàLat năm xưa. Vị giám mục này khi về hưu đã lên sống với người cùi ở miền Thượng, và chết bên người Thượng. BS Chung bị xúc động. Một thời gian sau, ông xin nhập đạo Công Giáo. Nhập đạo xong, ông cởi áo bác sĩ rồi xin đi tu. Sau khi thành linh mục, ông dấn thân cho người cùi y như Đức Cha Cassaigne.
Tôi và gia đình có gửi tiền giúp người cùi qua Cha Chung. Gần đây Cha Chung và 6 em bé cùi đang sống với Cha bị chính quyền CSVN đuổi đi. Không biết số phận 6 em bé này thế nào, còn Cha Chung thì sống chui, nhất định Cha bám lấy đất những người anh em đau khổ này. Tôi hằng tự hỏi là mấy ông chính quyền CS không phải là người sao, không phải là người VN sao, mà lại nhẫn tâm và tàn ác như vậy . Người dưng nước lã ở xa nửa vòng trái đất như người Canada mà còn sang VN ôm lấy trẻ VN, còn các ông CS này thì không hề ôm, không hề thương xót, chẳng những thế lại còn xua đuổi. Thật là tai ác và tai ngược.
Anh H.O. nghe đến chữ tai ngược thì thích quá, anh xin góp lời ngay. Anh bảo: Bọn chính quyền VN hiện nay thuộc dòng tai ngược mà! Cả làng nghe mà không ai hiểu gì. Anh bèn cười hì hì: Các bạn có bao giờ quan sát kỹ hình Hồ Chí Minh chưa? Các bạn hãy nhìn kỹ cái mặt ông ta, cái tai bên phải của ông ta mọc ngược. Bên ngoài, tai của con người bao giờ cũng có hai phần, vành tai và giái tai. Giái tai là phần ở dưới, chỗ mà các bà các cô đeo vòng đeo hoa. Tai ai cũng thế. Muôn ngàn người mới có một người mọc tai ngược, nghĩa là giái tai thay vì ở dưới thì nó ở bên trên, nó ngược. Tai bên phải của Hồ Chí Minh là tai ngược. Bây giờ có nhiều Hồ Chí Minh giả. Cứ xem tai mặt của ông ta là biết thật hay giả liền. Người có tai ngược thì đều là người gian ác. Tôi có được xem một tấm ảnh Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp chụp với Mao Trạch Đông năm 1950. Điều đặc biệt của tấm ảnh này là cả 3 lãnh tụ VN đều mặc đồng phục Tàu, giống y như đồng phục của Mao Trạch Đông, nghĩa là áo cao cổ và 4 túi. Hồ Chí Minh luôn luôn mặc áo 4 túi này. Thì ra CSVN đã theo Tàu ngay từ ngày xưa. Trong tấm hình này, cái tai mọc ngược của họ Hồ rất rõ ràng.
Cụ B.95 kêu to lên : Thôi, không nghe chuyện các đấng tai ngược nữa, nhức đầu quá!
Anh John xin nói tiếp tin thời sự. Tin này cũng nóng lắm : Hoa Kỳ vừa phát minh ra một phương pháp mới tìm dầu lửa. Họ đã phát hiện nhiều lớp đá ngầm chứa nhiều dầu khí. Họ dùng hơi nước ép cho đá vỡ ra rồi hút lấy dầu, dầu này mang tên là shale oil. Phương pháp này có tên là Hydrautic Fracturing hay gọi tắt là Fracking. Họ đã khai thác thành công và lấy được dầu ở vùng Bakken thuộc tiểu bang North Dakota. Nghe nói rằng dẫy núi Trường Sơn ở VN là cả một hệ thống đá chứa dầu khí shale oil. Có lẽ chính vì vậy mà Trung Cộng đã ngấp nghé kho dầu vĩ đại này của VN. Năm ngoái VC đã cho Trung Cộng thuê Đèo Ngang, về sau bị phản đối dữ quá nên VC đã rút lại. Nếu Trường Sơn là dãy núi có dầu khí đá thì quả thực đất nước VN chúng ta là đất vàng. Xin Tổ tiên phù hộ cho chúng con biết gìn giữ đất nước gấm hoa này, đừng để VC dâng cho TC.
Tin thời sự cuối cùng là tin thể thao. Nước Canada là nước thể thao. Lúc nào mở
TV cũng thấy thể thao, không đài này thì đài kia. Năm 2015 này Canada phụ trách hai chương trình thể thao lớn của thế giới. Thứ nhất là các cuộc thi chung kết giải nữ về bóng đá toàn cầu, FIFA Women’s World Cup. Thứ hai là Đại Hội Thể Thao Liên Mỹ Châu, 2015 Pan Am Games tại Toronto. Các cụ phương xa thích thể thao nên du lịch Canada trong năm nay nha. Đã lắm. Ông Từ Hòe về miền tây nhưng ông bảo năm nay ông sẽ trở về Toronto nhiều lần. Về để dự lễ nhập đạo Công Giáo của cụ Chánh tiên chỉ làng, về để xem trực tiếp các nữ lực sĩ thế giới đá banh, về để xem các cuộc tranh tài thể thao liên Mỹ châu.
Bữa ăn tiễn Ông Từ Hòe vui quá nên đã kéo dài tới gần nửa đêm. Thời gian bên bạn bè tâm huyết sao mà nó đi nhanh thế.
Cụ Chánh được mọi người mời nói lời kết cho bữa tiệc thân ái này. Cụ phát biểu ngay : Lão đã bước vào tuổi 90 nhờ sự vui vẻ hạnh phúc luôn luôn bao quanh. Khi bạn vui thì bệnh tật sẽ lành, khi bạn hạnh phúc thì bệnh sẽ chóng hết. Khi bạn vui và hạnh phúc thì bệnh sẽ chẳng bao giờ đến. Chứng cớ không phải chỉ riêng tôi mà mọi người. Làng ta có mấy người đau yếu đâu. Chúng cớ nhãn tiền là anh John. Bữa nay khi anh đến thì mặt mũi xanh xao, ho sù sụ, thế mà nhậu một lúc và cười một lúc, bây giờ mặt mũi anh hồng hào và hình như đã hết bệnh. Tôi cầu chúc cả làng năm nay lúc nào cũng đầy tiếng cười. Không những cười khi họp làng, mà còn cười ở nhà, làm cho cả nhà cười, nhất là trong bữa ăn. Tôi mới dự một buổi họp tại giáo xứ của Cha Paolo, Cha Paolo nói rất hay về tiếng cười trong bữa cơm gia đình. Hãy biến bữa ăn trong gia đình thành những giây phút hạnh phúc. Hãy nói những lời yêu thương. Nhiều cha mẹ có thói quen dùng bữa ăn là giờ phán xét con cái, la mắng con cái, còn anh em thì cãi chửi nhau. Chớ. Hãy nói lời yêu thương. Hãy làm mọi người vui cười. Hãy làm bữa ăn thành bữa ăn trên thiên đàng.
Xin chúc các cụ bữa ăn nào cùng đầy yêu thương, đầy tiếng cười nha.
TRÀ LŨ
TIN VUI : Tác giả Trà Lũ đã viết xong bộ ‘ Chuyện Cười Trà Lũ Toàn Tập’, gồm 4 cuốn 300, 400, 500, 600 chuyện cười, tổng cộng hơn 1.800 chuyện cười khác nhau. Đây là món quà tặng trang nhã nhất, bạn và bằng hữu sẽ cười cả năm. Giá bán toàn tập 4 cuốn là 95 Gia kim hay Mỹ kim. Xin liên lạc trực tiếp với tác giả :