main billboard

Kính gửi Cụ Sức Mấy,

  Đêm qua tôi mơ tôi chết. Tôi nằm trong quan tài - cỗ quan tài đẹp lắm – nghe những lời phân ưu trên đài phát thanh. “Được tin buồn cụ Phaolô Vip KK đã được Chúa rước về Thiên Đàng ... “

ls nguyenvanchucTác giả: Luật sư Nguyễn Văn Chức, bút hiệu: VIP KK Nguyễn Văn Chức


Tôi lẩm bẩm: Được Chúa rước về, thì đó là tin vui chứ, sao lại tin buồn? 

 Tôi nằm trong quan tài suy nghĩ về ý nghĩa của kiếp hiện sinh. Ban đêm nhà quàn đóng cửa, buồn heo hút, tôi đâm ra sợ. Sợ ma. Mỗi khi có tiếng động, tôi lại run lên như bị kinh phong, rồi phều phào: tôi là Vip KK đây, chánh án tư quốc tế rất anh minh đây, ai đó có thiêng thì hãy nghe đây nghe đây, nếu là đàn ông con trai hoặc bà già, thì đi chỗ khác chơi để người chết ngủ nghỉ sáng mai còn phải đi làm; nếu là đàn bà con gái xinh đẹp thì cũng đi chỗ khác chơi, đừng đến đây cám dỗ người chết tơ tưởng những điều xâm phạm thuần phong mỹ tục mà mang tội. Lơ mơ lão kêu phú lít bắt bây giờ.

 Đêm ấy, đêm chót tôi nằm tại nhà quàn. Một người đàn bà xuất hiện. Tôi nhận ra Hoang San cách đây 50 năm.

 Hoang San là người Trung Hoa, quốc tịch Pháp, cùng học dự bị y khoa với tôi năm 1950 tại Hà Nội. Hoang San đẹp và chơi piano rất hay. Nàng là một kỷ niệm của đời tôi. Một buổi chiều, tôi đưa bà chị ruột của tôi đi ăn cơm gà Siu Siu tại chợ An Đông để giới thiệu nàng với chị tôi. Một niêu cơm, với con gà luộc đã được một bàn tay Chuyên Chư nào đó chặt ra và sắp rất đẹp trên chiếc đĩa men trắng. Tôi tiếp đồ ăn cho Hoang San. Chị tôi thì ngồi nhìn đứa em dâu tương lai và có vẻ hài lòng. Phải chi Hoang San cứ ngồi im. Nhưng nàng muốn làm đẹp lòng chị tôi, nàng gắp đồ ăn cho tôi. Thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh. Nàng gắp một miếng phao câu đặt vào đĩa tôi, và nói: “Anh ăn cái lỗ đít gà này đi, ngon lắm”.

 Hai tuần sau, nàng bị tai nạn xe hơi. Tôi đến thăm, nàng chỉ ứa nước mắt: bàn tay trái của nàng bị gẫy xương và phải bó bột. Nàng sợ sẽ phải bỏ piano. Nàng cho biết: sau khi điều trị xong, nàng sẽ theo cha mẹ sang Pháp. Ôi định mệnh!

 Mười tám năm sau (năm 1968), nhân dịp đi dự Hội Nghị Liên Hiệp Nghị Sĩ Thế Giới (Union Interparlentaire) tại Vienna, Áo quốc, tôi có ghé qua Paris. Tôi gặp lại Albert. Albert là tây lai, nói tiếng Việt rất sõi, cùng học với Hoang San và tôi ở Hà Nội. Albert cho biết: Hoang San đỗ bác sĩ, nhưng không hành nghề. Nàng học dương cầm ở một conservatoire. Albert cho tôi biết thêm: Hoang San vẫn chưa lấy chồng và thỉnh thoảng vẫn nhắc đến tôi.

 Tôi nằm trong quan tài, nhìn thấy Hoang San của tôi năm 1950. Nàng đội mấn đen, đến gần quan tài, đặt tay lên trán tôi, nói khẽ: “Adieu”. Rồi tiếng dương cầm từ đâu vang lên cung điệu trầm mặc của bài Marche Funèbre. Tôi gọi tên nàng. Tiếng dương cầm vẫn vang lên trầm mặc.

 Bây giờ chỉ còn một ngày nữa, là tôi bị đưa lên nghĩa địa. Một cụ già râu tóc bạc phơ, chống gậy trúc đến dìu tôi đi thăm viếng thế giới bên kia. Người đầu tiên tôi gặp là thầy dạy tôi, Luật Sư Bùi Tường Chiểu, rồi những bạn cũ tại thượng nghị viện, Thái Lăng Nghiêm, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, Trần Chánh Thành, Đào Văn Vỹ, Trần Văn Lắm ...

 Ở một vườn hoa khác, tôi gặp lại những bạn cũ trong quân đội, Nguyễn Ngọc Loan, Lê Nguyên Khang, Nguyễn Văn Yên, Lại Như Sơn ...  Tôi cũng gặp lại những người lính cũ của tôi đã chết trong những trận Đông Triều, Hòa Bình, Mạo Khê.

 Sau khi đi thăm một vài nơi ở thế giới của Dante, tôi được đưa ra trước tòa phán xét của Thượng Đế. Tôi là người Công Giáo, tôi phải trả lời về tất cả những hành vi và ý nghĩ của tôi lúc còn sống. Ôi “ngày của thịnh nộ” (Dies irae, dies illa). Nếu linh hồn tôi có tội trọng (mortal sin), tôi sẽ phải xuống hỏa ngục, chịu lửa thiêu đốt đời đời. Nếu linh hồn tôi không có tội trọng và trong trắng như gương, tôi sẽ được lên Thiên Đàng ngay lập tức. Nhưng nếu linh hồn tôi, tuy không có tội trọng, nhưng không trong sáng như gương, nghĩa là còn lợn cợn bụi trần, thì tôi sẽ đi đâu? Tôi sẽ phải xuống ngục luyện tội (purgatory) một thời gian để lửa đốt con người tôi cho sạch những lợn cợn, và sau đó tôi mới được lên Thiên Đàng. Thời gian ở luyện tội, có thể là 10 năm, 20 năm, 50 năm . . . Tùy trường hợp nặng nhẹ. Mà tôi thì như cụ đã biết, nhiều lợn cợn lắm, thể xác cũng như tâm hồn. Có lẽ phải ở luyện tội cả mấy trăm năm.

 Tôi được đưa đến tòa phán xét. Chưa đầy 5 phút, có tiếng loa: “Ai có vợ, và đã sống với vợ từ 30 năm trở lên, hãy đứng sang bên phải.” Tôi lễ mễ chạy theo tiếng loa, đứng sang bên phải. Đông lắm, người nào trông cũng thiểu não quá sức. Hai phút sau, có tiếng vọng từ trời cao: “Các con yêu mến, lúc còn sống, các con có vợ và đã ở với vợ trên 30 năm, như thế các con được coi như đã ở luyện tội cả mấy trăm năm rồi, các con sạch mọi tội lỗi và đáng được lên Thiên Đàng ngay lập tức để hưởng Thiên Nhan Chúa”. Mọi người đều hoan hô. Một ông già Mỹ móm mém, phều phào “All right!”. Tôi cũng phều phào “All right!”.

Cụ Sức Mấy ơi, tôi đang nói gì đây, và nói đến đâu rồi. Ô hay cái còm biu tơ của tôi đâu rồi? Tôi đã căn dặn bà nhà tôi rằng: khi tôi chết, nhớ đem bộ còm biu tơ vào quan tài cho tôi, để tôi viết ký ức bên kia nấm mộ.

 Theo chương trình lễ an táng đọc trên đài phát thanh thì sáng hôm nay người ta sẽ động quan và đem tôi ra nghĩa địa. Tôi nằm trong quan tài, bỗng nghe có tiếng chân chạy rầm rập. Tôi thấy cụ và nhà văn Sơn Tùng hớt hơ hớt hải khiêng đến một vòng hoa lớn, với tấm băng phân ưu viết chữ lớn “See you soon”. Thật là chí tình.

 Tôi lại nghe thấy có tiếng ồn ào bên cạnh buồng tôi nằm. Một giọng nói nghe rất quen: “Ấy tôi đi nhầm buồng rồi”. Một lúc sau tôi lại nghe: “Ấy tôi đi nhầm buồng rồi.”

 Tôi quên không nói để cụ biết: bên cạnh buồng quan tài của tôi, có buồng quan tài của một bà Mỹ già, cũng chết vì ung hư phổi. Người nào  đó, đến viếng tôi, chắc đã đi nhầm buồng. Cho nên cứ “ấy tôi đi nhầm buồng rồi.”. Sau cùng người ấy đến đúng buồng của tôi. Người ấy cầm một bó hoa nhỏ, đến gần quan tài, nói bô bô: “Ấy, đây có phải là quan tài của ông Vip KK không?” Rồi người đó nói rất thảm thiết: “Ấy, ông Vip KK ơi, ông với tôi đã từng ăn nằm với nhau, sao ông nỡ bỏ tôi ra đi, sao ông không đợi tôi cùng đi với? Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời. Ôi ông Víp KK ơi.” Tôi nhận ra tiếng của nhà văn Doãn Quốc Sĩ.

 Năm 1998, họ Doãn và tôi lên Hoa Thịnh Đốn tham dự buổi họp của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, do lời mời của nhà văn Sơn Tùng. Họ Doãn và tôi ở trong căn biệt thự của nhà văn Nghiêu Minh. Chúng tôi ngủ chung một giường, họ Doãn nằm đầu giường, tôi nằm cuối giường. Buổi sáng, hai chúng tôi dậy sớm. Họ Doãn ngồi quay mặt vào tường bên đông, ông thiền và đọc kinh Phật. Tôi quay về phía tây đọc kinh Công Giáo. Bây giờ nghe tôi chết, họ Doãn đến phúng viếng tôi và nhắc lại chuyện xưa. Thật là chí tình.

 Chỉ còn 10 phút nữa, người ta sẽ đậy nắp áo quan và đem tôi ra nghĩa địa. Bỗng có tiếng chân chạy rầm rập. Chủ nhiệm Lê Hồng Long hớt hơ hớt hãi bước vào, nói bô bô: “Báo sẽ đem in ngày mai, bài vở của ông đến đâu rồi? Ông nói ông gửi thuốc Viagra cho tôi, ông gửi chưa? Chán ông quá đi mất.”

 Tôi giật mình tỉnh dậy. Căn phòng phảng phất mùi hương Lavande. Nhà tôi nằm bên cạnh, thở dài: “Anh vẫn chưa quên được Hoang San và tiếng đàn dương cầm. Em nghe thấy anh gọi tên nàng.”