main billboard

31- TỪ THÂU BĂNG CHA THIỆP ĐẾN ĐĂNG THƯ CHA TỊNH

 Trước đây sáu tháng phe Cha Dương đã thâu băng Cha Thiệp khi Cha trò chuỵen với họ về giáo dân ở Trung Tâm. Giáo dân bị bất công vì thái độ thiếu chính chắn và thiên vị của Cha Thiệp. Phe Cha Dương tưởng họ đã nắm được một võ khí văn năng để mặc sức đánh phá giáo dân. Họ đã tung ra cuốn băng đó bán khắp nơi. Trong mấy tuần liền giáo dân bị bà con các nơi nghe băng, gọi về trách móc. Nhưng phe Cha Dương đã phạm một lầm lỗi rất lớn; vì lập trường của giáo dân là “cây ngay không sợ chết đứng”. Khi biêt được mưu mô đó, giáo dân đã mạnh dạn lên tiếng vạch trần sự bất công đó của Cha Thiệp và mưu mô đen tối của phe Cha Dương, nên đã kịp thời chận đứng được mưu lược bất chính này. Chẳng những phe Cha Dương không lợi dụng được băng nhựa đó mà còn phải chịu những hậu quả rất tai hại, vì giáo dân khắp nơi đều nhận ra hành vi ám muội của họ, chán ngán họ, mất tin tưởng vào lời nói và công việc của họ và bắt đầu hiểu rõ hơn về cuộc tranh đấu của giám dân, có cảm tình và ủng hộ giáo dân như ta thấy trong những số bao Chính Nghĩa gần đây. Mấy tuần trước Cha Dương lại cho đăng bức tâm thư của Cha Tịnh gửi cho Ngài, chứa đựng những lời lẽ thật là khiêm tốn, bày tỏ những cảm xúc, tâm tình riêng tư của Cha Tịnh đối với Ngài. Giáo dân chúng ta, dù quen biết Cha Tịnh ít hay nhiều, cũng đều nhận thấy đức khiêm nhường của Cha Tịnh đã được biểu lộ rất rõ trong bức tâm thư này. Một người khiêm nhường, thấm nhuần tâm đạo thì tự coi mình như con số không. Linh Mục Kim Định, một triết gia Việt Nam, khi bàn về tâm đạo, đã nhắc lại lời Thánh Gandhi, nhà lãnh đạo tài đức vẹn toàn của Ấn Độ: “Tôi tự diệt cho đến số không” (Je me reduis à zero) và “nhân sinh lý tưởng của con người đặt ở VÔ: Thánh nhân vô công, vô kỷ, vô danh” (Những dị biệt giữa hai nền Triết lý Đông Tây, trang 96). Một khi ta hiểu được đức khiêm nhường của Cha Tịnh thì ta không còn ngạc nhiên gì về những lời lẽ tự trách mình mà Cha Tịnh đã dùng trong thư gửi Cha Dương. Trong bài này tôi không dám bàn về Đức khiêm nhường của Cha Tịnh vì tôi không có khả năng để làm việc đó. Tôi chỉ xin góp vài ý kiến thô thiển về Đức TÍN của Cha Tịnh trong Tín Hữu số 17, ra ngày 6-4-87. Trong bài “Tôi đọc thư Cha Tịnh” đăng trong Tín Nghĩa số 41, trang 23 tôi đã suy đoán là Cha Dương cho đăng bức tâm thư của Cha Tịnh mà không xin hay không được phép của Cha Tịnh, Trong CN 41, trang 15, ‘Tin đặc biệt’ xác nhận là Cha Dương không hề hỏi Cha Tịnh; vì thế khi được biết về việc này là Cha Tịnh đã rất buồn vì Cha “không ngờ một bức tâm thư cá tính cách kín đáo riêng tư trong tình nghĩa anh em Linh Mục mà LinhMục Lưu Đình Dương lại đem ra phổ biến, bêu rếu như vậy”. Tôi nghĩ là Cha Dương là thế là đã lỗi đức TÍN đối với Cha Tịnh. Tôi xin trình bày như sau: Trước hết ta hãy tìm hiểu ‘TÍN’ là gì. Theo định nghĩa trong ‘Việt Nam Tự điển’ của Lê Văn Đức, Khai Trí: ‘TÍN’, một trong năm đức tốt (ngũ thường: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) của con người theo luân lý phương Đông, là sự biết tin cậy lẫn nhau và giữ lòng tin cậy của kẻ khác đối với mình. Như vậy, ta thấy Cha Tịnh là người thành tín vì Ngài đã thật lòng tin tưởng ở Cha Dương, thổ lộ tâm tình thầm kín với Cha Dương. Ngài làm thế vì đức khiêm nhường. Lẽ ra Cha Dương phải tỏ ra là người trung tín đối với Cha Tịnh. Nhưng tiếc thay! Cha Dương đã thất tín đối với Cha Tịnh, đã phản bội lòng tin cậy của Ngài vì đã tự ý cho đăng bức tâm thư của Ngài trên báo chí cho mọi người đọc. Tôi không thể nào hiểu được hành động này của Cha Dương. Là một Linh Mục, chắc Cha biết là lòng tin cậy giữa người với người quan trọng như thế nào. Ngay những người phần đời có chức vụ liên hệ đến sự tin cậy của người khác như Luật Sư, Bác Sĩ, Cố Vấn (Counselor) . . . mà còn phải nhất thiết tôn trọng Đức Tín, huống chi là một Linh Mục, vị linh hướng của giáo dân. Nếu không, thì làm sao Linh Mục có thể thi hành nhiệm vụ được. Có ai còn dám nhờ cậy vị đó giúp đỡ khi có những khó khăn thầm kín, riêng tư? Đối với người Á Đông nói chung và đối với người Việt Nam nói riêng, tính kiêu hãnh, tự ái lại rất lớn trong mỗi người. Vì vậy, nhiều khi gặp khó khăn, có khi hiểm nghèo, mà vì hãnh diện, tự ái họ giấu kín đi để thà chịu khổ một mình còn hơn là để người ngoài biết. Với cái tính cố hữu đó, họ chỉ còn biết chạy đến các vị linh hướng tôn giáo, vì họ tin tưởng vào tư cách, vào lòng thương, vào đức TÍN của các vị đó. Việc Cha Dương lỗi đức TÍN đã làm họ tuyệt vọng nơi Cha. Từ trước đến nay qua các cơ quan truyền thông, tôi đã theo dõi vụ giáo dân chống đối Cha Dương vì những tình cảm và hành động xung khắc giữa Cha và giáo dân. Nhưng nay tôi được mục kích rõ ràng sự thất tín của Cha trên giấy trắng mực đen. Tôi phải tự kết luận rằng Cha Dương đã làm trái với tư cách và chức vụ của một vị Linh Mục. Tôi không hề dám đả kích Bảy Chức Thánh của Linh Mục vì đó là do Chúa ban truyền. Ở đây tôi chỉ phê bình tư cách của cá nhân Cha Dương. Cha Dương không có một lý do nào để bào chữa cho sự thất tín này. Sách Nho có câu: “Nhân vô tín bất lập” (Người không giữ chữ tín không làm nên được). Quả thật như vậy. Thử hỏi: Ai muốn tin cậy người thất tín? Ai muốn giao dịch với người thất tín? Đức TÍN là nền tảng trong mọi mối quan hệ giữa người với người, là nền tảng của sự an hoà, của sự thành công. Không có Đức TÍN, chắc chắn sẽ sinh ra bất hoà, sẽ gây ra thất bại, đổ vỡ. Có thể hành động này của Cha Dương không phải do ác tâm muốn bêu xấu Cha Tịnh, nhưng là do sự nông nỗi, ích kỷ, muốn khoe cho mọi người biết điều hay, điều tốt của mình. Nhưng một người đàng hoàng, tự tín, không bao giờ phải làm như thế, vì “Hữu xạ tự nhiên hương.” Nếu mình có tài, có đức thì rồi ai cũng nhận thấy; khoe khoang ra chỉ làm lộ sự bất tài của mình mà thôi. Ông Potter, một nhà luân lý đã nói: “Đừng lo là người ta không biết đến khả năng của mình, hãy lo rằng mình không có khả năng” (Do not worry about people not knowing your ability, worry about not having it. – The Faiths men live by, page 73). Hành vi thất tín này của Cha Dương là một lầm lỗi to lớn, vì ở bất cứ địa vị nào, nhất là địa vị Linh Mục của Cha, sự thất tín là một điều không thể chấp nhận được. Đang lúc Cha cần lấy lại lòng tin của giáo dân thì hành động thất tín này lại càng làm cho giáo dân mất tin tưởng ở tư cách của Cha, ở khả năng phán đoán của Cha, ở đức độ của Cha. Có thể những người trong phe Cha Dương sẽ khai thác triệt để bức thư của Cha Tịnh cũng như họ đã khai thác cuốn băng nhựa Cha Thiệp. Họ tưởng là họ đang nắm được cục vàng trong tay. Nhưng họ đã lầm. Họ càng khai thác bao nhiêu thì càng làm lộ tư cách thấp kém của họ bấy nhiêu. Giáo dân khắp nơi càng thấy rõ bộ mặt thật, bất xứng của họ như trong trường hợp cuốn băng nhựa Cha Thiệp. Một lần nữa giáo dân lại thấy là Cha Dương phản bội Cha Tịnh. Và lần này công khai rõ ràng như ban ngày, không ai còn phải nghi ngờ gì nữa.

Monterey ngày 2-5-87

32- TÂM THƯ KÍNH GỬI GIÁO DÂN VIỆT NAM TRANH ĐẤU SAN JOSE

LTS. Cuộc họp báo của ĐGM Du Maine mà ông Đỗ Văn Hiến đề cập đến trong bức tâm thư này xảy ra ngày 5-3-1987, theo đó, ĐGM tuyên bố:

1. Cho mở lại Thánh Lễ Việt Nam.

2. Xin trát toà trục xuất giáo dân ra khỏi Họ Đạo. 3. Cắt liên lạc với những người Đại Diện Giáo Dân. Bức tâm thư nầy được viết ngày 12-4-1987 trước khi có cuộc họp báo hoà giải ngày 12-5-1987. Hy vọng tác giả sẽ bàn tiếp vấn đề này dựa vào các tin tức mới nhất.

Tôi xin phép có vài lời tự giới thiệu để quý vị thông cảm với tôi khi đọc thư này. Năm nay tôi 60 tuổi và đã ở Mỹ 30 năm. Trong thời gian trước năm 1975, số người Công Giáo VN ở Mỹ rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. Ở đâu chúng tôi cũng tự gia nhập giáo xứ ở đó. Lúc đầu ai cũng bận bịu lo sinh sống nên chưa cảm thấy thấm thía sự thiếu thốn về cuộc sống đạo của mình. Nhưng sau khi đã ổn định rồi, chúng tôi mới hiểu thấu lời Chúa nói, “Người ta không chỉ sống vì bánh mà thôi . . .” Chúng tôi thèm khát có được đời sống tâm linh của quê hương với những truyền thống quý báu, với phong tục đẹp đẽ, với nghi lễ sốt sắng, với tiếng hát ngọt ngào, nó thấm thía ăn sâu vào xương tuỷ của chúng tôi. Vì thế, khi có làn sóng tỵ nạn với các Cha VN cử hành nghi lễ VN, chúng tôi vui mừng vô cùng, như hạn hán gặp cơn mưa rào, như kẻ đói khát được ăn của ngon lành. Vì vậy, mặc dù ở xa San Jose, mỗi khi Họ Đạo VN có tổ chức nghi lễ, rước kiệu trọng thể, chúng tôi cố gắng thu xếp mọi việc để có thể đến dự. Mỗi lần như thế, chúng tôi cảm thấy thoải mái, sung sướng và sốt sắng. Cảm tạ Chúa đã cho chúng tôi có những dịp này. Khi được biết là Giáo Hội đã cho phép dân tỵ nạn – bất kỳ từ nước nào đến nước nào – được có giáo xứ thể nhân để được sống đạo theo truyền thống, phong tục và ngôn ngữ của mình, chúng tôi càng vui mừng hơn nữa. Những điều tôi viết ra đây không hề có ý nói rằng mục vụ Mỹ không tốt bằng mục vụ Việt Nam. Tôi chỉ muốn nói rằng mỗi dân tộc có lối sống đạo riêng của mình và Giáo Hội thật là Người Mẹ khôn ngoan, nhân từ, tìm đủ mọi cách để cho mỗi đứa con của mình có phương tiện tấn tới trên đường đạo đức. Vì vậy, khi được biết là giáo dân VN ở San Jose gặp khó khăn trong việc xin lập giáo xứ thể nhân và bắt đầu tranh đấu cho mục tiêu đó, tôi đã tự nguyện ủng hộ cuộc tranh đấu này. Cuộc tranh đấu này trải qua biết bao gian nan đau khổ, nhưng giáo dân vẫn đoàn kết, bền gan, vững chí. Họ đã đấu tranh với tất cả khả năng của họ. Họ đã hy sinh hết mức. Dần dần những người ngoại cuộc cũng đã nhận ra mục tiêu cao cả của họ và bắt đầu có cảm tình với cuộc tranh đấu. Riêng tôi, tôi thật hãnh diện về họ, cảm mến họ và được kề vai sát cánh với họ trong cuộc tranh đấu cho chính nghĩa này. Nhưng buồn thay! Kẻ cầm vận mệnh của giáo xứ thể nhân lại là Đức Giám Mục Du Maine. Giáo dân đã van nài Ngài, đã can đảm vất vả theo Ngài đến tận Hội Đồng Giám Mục ở Washington để năn nỉ với Ngài, nhưng mà Ngài vẫn làm ngơ. Giáo dân xin gặp Ngài, Ngài không cho gặp. Nhưng rồi, ngày 5-3-87, lần đầu tiên Ngài gặp giáo dân; nhưng không phải trong cảnh trí để cha con trò chuyện, bàn luận, nhưng là để nghe những câu tuyên bố của Ngài trong một cuộc họp báo. Vì ở xa, tôi chỉ được đọc báo và xem Tivi. Nghe và đọc những lời tuyên bố của Ngài, tôi thấy lặng người đi, lòng buồn vô hạn. Tôi không hiểu được cách làm việc của Ngài. - Trước kia, Ngài nói nhóm giáo dân chống đối Ngài chỉ là mộ số rất ít. Nay trong cuộc họp báo chính Ngài công nhận là số giáo dân chống đối Ngài có tới ba ngàn người (Việt Nam Nhật Báo ngày 6-3-87). Yếu tố đó cũng không làm Ngài thay đổi ý kiến. - Ngài nói là Ngài bị hiểu lầm. Thật sự, tôi chẳng biết giáo dân hiểu lầm Ngài ở chỗ nào, vì chính sách của Ngài còn rõ ràng trên giấy trắng mực đen. - Ngài nói Ban Chấp Hành họ đạo là những người tự chỉ định, không đại diện cho giáo dân. Ngài đã lầm. Ban Chấp Hành được toàn thể giáo dân bầu lên và làm việc theo đúng nội qui. - Ngài nói là người lãnh đạo giáo dân không có thiện chí. Tôi không biết các ông ấy phải làm gì nữa để tỏ thiện chí, vì Ngài không chọ họ gặp Ngài. Thật ra chính Ngài không có thiện chí khi Ngài cứ bắt họ phải gặp Cha Sullivan, một người thiếu tư cách xã giao, lấy trịch thượng nhục mạ họ. Rồi khi việc đổ bể thì Ngài đã cấm Thánh Lễ để phạt giáo dân. - Ngài nói là người lãnh đạo giáo dân là một ngăn trở. Thật ra, Cha Sullivan và Cha Dương mới là những ngăn trở. Ông Bài đã rút lui để tỏ thiện chí. Nhưng Cha Sullivan và Cha Dương vẫn còn đó và được Ngài bênh đỡ một cách vô lý. - Ngài nói là giáo dân chưa trưởng thành vì không biết chấp nhận ý kiến của người khác. Vậy còn Ngài thì sao? Chính Ngài cũng không biết chấp nhận ý kiến xây dựng của giáo dân. - Ngài nói là giáo dân không đoàn kết. Nhưng chính Toà Giám Mục chủ mưu dùng phe Cha Dương để chia rẽ giáo dân thì làm sao giáo dân đoàn kết được. - Ngài nói là giáo dân chưa đủ khả năng tài chánh. Nhưng Ngài không cho giáo dân cơ hội để đóng góp thì làm sao giáo dân đóng góp được. Cứ xem thời kỳ còn Cha Tịnh, mới đầu, quỹ giáo dân không có gì cả. Thế mà họ cố gắng lam lũ, góp tiền mua được nhà thờ, trả tiền lãi hàng tháng cho Ngài và khi Cha Tịnh bị đổi, trong quỹ còn 65 ngàn Mỹ kim. Ngài đã thừa biết khả năng tài chánh của giáo dân. Vậy tại đâu mà có tình trạng bất an này? Tại Ngài chứ tại ai. - Ngài đã đệ đơn lên Toà Thượng Thẩm để trục xuất giáo dân khỏi Trung Tâm mà chính họ đã bỏ tiền ra mua. Trong phiên toà ngày 3-4-87 vị chánh án đã bác đơn của Ngài và cho phép giáo dân được sử dụng Trung Tâm. Đây là một biến cố quan trọng, chứng tỏ thế quyền cũng chống lại chính sách độc tài, cố chấp của Ngài. Nhưng rủi ro cho giáo dân vì Ngài là người có quyền. Giáo dân biết thế. Giáo dân chỉ cầu mong Ngài nhận định được sự phải lẽ của nguyện vọng giáo dân mà chấp thuận cho họ. Nhưng sau khi đọc và nghe Ngài nói trong cuộc họp báo, tôi thất vọng vô cùng. Tôi phải kết luận rằng Ngài có định kiến đối với giáo dân VN. Ngài đã đi quá xa trong sự cố chấp, và trong hoàn cảnh hiện tại, tự ái của Ngài quá lớn. Ngài không muốn thay đổi ý kiến, mặc cho hậu quả muốn ra sao thì ra. Ta biết là Ngài đã lầm. Nhưng khốn nỗi, Ngài là người có quyền. Tôi thấy như một cánh cửa sắt đã đóng sập lại trước mặt giáo dân. Lòng tôi ngẩn ngơ, buồn tê tái, uất ức. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi xin có vài ý kiến sau đây. Tôi nhận định đây là giai đoạn đầu của cuộc tranh đấu và giai đoạn này đã kết thúc vì, như hai ông Thiện, Bài đã viết trong San Jose Mercury News và trong Chính Nghĩa, “Chúng ta đã nói tất cả những gì phải nói và làm tất cả những gì phải làm . . .” Sở dĩ tôi nói đây mới là giai đoạn đầu vì tôi quan niệm rằng cuộc tranh đấu này còn nhiều giai đoạn. Ta phải, từng giai đoạn, tranh đấu cho mục tiêu tối hậu của ta là giáo xứ thể nhân được thực hiện. Những nhà cách mạng đi tiên phong có đem lại được thắng lợi tức thời đâu. Nhưng cuối cùng, nhờ sự bắt đầu của các Ngài mà kẻ đi sau gặt hái được kết quả mỹ mãn. Tôi còn nhớ ngày trước, thày tôi đã dạy tôi rằng: “Trên đường đời, con luôn luôn phải cố gắng thì mới thành công được. Nhưng nếu trên đường đi bị một tảng đá chắn lối và sau khi con cố và biết là tảng đá đó quá lớn, quá nặng đối với sức con, thì con đừng cố dùng sức nữa, phí sức, mệt người. Con phải kiên nhẫn, khôn ngoan tìm cách khác mà đi qua. Thế mới là khôn”. Tục ngữ của dân tộc ta cũng dạy ta rằng: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào.” (Xin đừng hiểu lầm tôi dám ví ai với voi. Đây là một câu tục ngữ, và không ai được thauy đổi chữ dùng trong tục ngữ). Chắc nhiều người trong chúng ta biết kinh cầu nguyện sau đây của một Đấng Thánh. Lời giản dị nhưng ý nghĩa sâu sắc, thích hợp với mọi hoàn cảnh, nhất là hoàn cảnh của giáo dân chúng ta. Kinh này dạy chúng ta một bài học về sự khôn ngoan, sự khôn ngoan của Chúa. Lời kinh như sau: “Lạy Chúa, xin cho chúng con được sự can đảm để thay đổi những gì nên thay đổi. Cho chúng con được sự thanh thản trong lòng để chấp nhận những gì không thay đổi được. Và cho chúng con sự khôn ngoan để nhận biết được sự khác biệt giữa những điều đó”. (Oh God, give us courage to change what should be changed, serenity to accept what can not be changed and wisdom to know the difference) Theo tôi nghĩ thì dù có sự khuyến cáo của Toà Thánh, Đức Giám Mục Du Maine cũng sẽ không thay đổi, và trong trường hợp này, tôi đoán là Toà Thánh sẽ không ra lệnh cho ĐGM. Vậy sau khi đã làm tất cả những gì phải làm, chúng ta hãy khôn ngoan chấp nhận những gì không thay đổi được như trong kinh cầu nguyện của Vị Thánh trên đây. Và Ông Bertrand Russell, một triết gia và cũng là một văn sĩ lỗi lạc, người nước Anh, được giải thưởng Nobel về văn chương năm 1950, đã nói một câu bất hủ: “Có một sự còn tốt đẹp hơn sự chiến thắng, đó là sự tránh được chiến tranh”. (There is something better than victory and that is the avoidance of war). Hiện giờ chúng ta là bề dưới đang tranh đấu cho quyền lợi của mình đối với Bề Trên là kẻ nắm trọn quyền bính. Nhưng chúng ta phải khôn ngoan đừng để cho cuộc tranh đấu của ta trở thành “chiến tranh”, vì như vậy là ngoài Thánh Ý Chúa. Tôi biết là có rất nhiều quý vị không đồng ý với tôi, và tôi kính trọng ý kiến các vị đó. Nhưng tôi đã tự vạch cho mình một con đường để đi, đó là khi thấy điều gì phải thì theo và điều gì sai thì chữa. Từ khi có cuộc tranh đấu của giáo dân tôi thấy đó là điều phải nên tôi đã tự ý theo và theo nhiệt thành với tất cả khả năng của tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn tin cuộc tranh đấu này là đúng. Nhưng vì thấy nó bị bế tắc trong một hoàn cảnh không thể thay đổi được như tôi đã trình bày ở trên nên tôi nghĩ là tôi phải nghe theo lời cầu nguyện của Vị Thánh kia mà “chấp nhận những gì không thay đổi được” và tin theo lời khuyên của vị triết gia kia là “sự tránh được chiến tranh còn tốt đẹp hơn sự chiến thắng. Cũng cùng một ý nghĩa như đã trình bày trên đây, và để bảo vệ nền tảng gia đình, giữ được hoà khí giữa cha mẹ và con cái, Đức Khổng Tử đã dạy chúng ta rằng: “Nếu cha mẹ sai lầm thì con cái phải can ngăn. Nếu can ngăn mà cha mẹ không nghe thì con cái khóc mà theo cha mẹ”. (Phụ mẫu quá tắc gián, gián nhi bất thính tắc hảo khốc nhi tuỳ chi). Tôi không biết tư tưởng này còn hợp thời không. Nhưng ít nhất nó nói lên sự hy sinh cao cả của người con muốn bảo vệ nền tảng gia đình trước sự cố chấp của cha mẹ. Tôi rất hãnh diện vì cuộc tranh đấu của giáo dân và tôi luôn luôn tin rằng dù ta chưa đạt được thắng lợi nhất thời, nhưng ta đã gieo được hạt giống cho những thành công trong tương lai. Nhất định chúng ta sẽ đạt được mục đích của chúng ta. Ông Adolfo Perez Esquivel, người Argentina, mới được giải thưởng Nobel về Hoà Bình năm 1986 đã nói: “Không ai nắm tay mà có thể gieo được hạt giống. Muốn gieo hạt giống, họ phải mở tay ra” (No one can sow seeds with fists. To sow seeds one must open one’s hand. ĐGM đã không mở tay ra. Nếu ta cũng không mở tay ra thì làm sao hạt giống HOÀ BÌNH được gieo trong Cộng Đồng của ta. Ngài nắm tay lại. Nếu ta cũng nắm tay lại thì làm sao cầm tay nhau được. Ta cứ mở tay ra và cầm lấy nắm tay của Ngài. Chắc Ngài sẽ thấy rõ thiện chí của ta và sẽ cùng ta tiến tới mục tiêu tối hậu của Cộng Đồng giáo dân. Kính thưa quý vị, tôi đau buồn cũng như quý vị, vì tôi là đồng hương, đồng đạo, đồng tình, đồng hành với quý vị. Tôi cảm thấy những gì quý vị đang cảm thấy. Tôi nghĩ những gì quý vị đang nghĩ. Nhiều khi, cũng như quý vị, tôi muốn thét lên cho vơi bớt nỗi u uất, muốn gào lên để lấp tiếng nghẹn ngào, muốn vùng lên cho đỡ cơn bực bội, mặc cho muốn ra sao thì ra. Nhưng thưa quý vị, lương tâm và trách nhiệm của người con Giáo Hội không cho phép chúng ta làm như thế. Là con cái Chúa, chúng ta luôn luôn nghĩ rằng có Ý Chúa nhiệm mầu mà chúng ta còn hèn mọn chưa hiểu được. Chúng ta có “địa lợi nhân hoà”, nhưng có lẽ Chúa còn giữ lại một chút “thiên thời” để thử lòng ta. Nếu ta tự kềm chế được, chắc chắn Chúa sẽ trả công ta gấp bội. Chúng ta đã hoàn tất giai đoạn đầu. Chúng ta hãy để cho HOÀ BÌNH có một cơ hội vãn hồi và phát huy như người Mỹ thường nói, “Let’s give PEACE a chance” Chúng ta hãy tỏ cho mọi người biết chúng ta là con người trí dũng, có can đảm dám nói, dám làm; nhưng cũng có sự khôn ngoan, tuỳ cơ ứng biến để rồi cuối cùng đạt được mục tiêu trong phẩm giá con người. Chúng ta hãy bỏ ngoài tai những lời bất xứng mà chúng ta đã và sẽ nghe thấy. Nó không đáng cho chúng ta phải bận tâm. Chúa biết lòng ta. Ta phó thác mọi sự trong tay Chúa để cho “DANH CHA CẢ SÁNG, Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI.” Xin kính mến chào quý vị.

Monterey ngày 12 tháng 4 năm 1987

33- TRẢ LỜI BÀI ‘Tại San Jose, cuộc nổi loạn đã biến thành phản loạn’

Trong Công Giáo Thời Luận Đây là lần thứ hai tôi viết bài góp ý với Công Giáo Thời Luận. Lần thứ nhất là khi CGTL, trong số 6 tháng 10-1986, đăng bài ‘Giáo dân San Jose nổi loạn’. Dịp đó tôi có gửi bài thẵng cho CGTL xin đăng, nhưng bài của tôi không được đăng. Vì vậy lần này tôi gửi bài và xin đăng trong Chính Nghĩa. Công Giáo Thời Luận, nơi trang 5 trong mỗi số, đều chạy một hàng ‘tít’ lớn lời Phúc Âm, Thánh Gioan 18 câu 23: “NẾU TA NÓI SAI, HÃY CHỨNG MINH SAI Ở CHỖ NÀO, NẾU TA NÓI PHẢI, SAO LẠI ĐÁNH TA.” Đọc câu này, tôi có cảm tưởng là CGTL muốn mượn Lời Chúa để áp dụng cho mình, hiên ngang thách thức bất cứ ai chứng minh được có điều nào sai đăng trong CGTL. Nếu quả thật đó là chủ ý của CGTL thì tôi nghĩ rằng CGTL đã quá tự phụ, đã đi quá xa phạm vi thông thường của một người, của một tờ báo; vì cho dù thông thái, giỏi giang, thánh thiện đến đâu đi nữa, ai mà dám tự phụ không bao giờ sai lầm. Thánh Phaolô đã cảnh cáo những kẻ tự phụ rằng” “Ai tưởng mình đứng vững thì hãy lo kẻo ngã.” Điều khác biệt giữa hai người tốt và xấu ở chỗ là khi sai, người tốt dám tự nhận là mình sai và cố gắng sửa chữa, còn người xấu thì dù biết mình sai, cũng cứ cố chấp. Người Mỹ có câu: “Người khôn thì biết nhận lỗi mình, còn người dạy thì bào chữa lỗi mình.” Trong bài này tôi muốn chứng minh là CGTL đã sai lầm trong bài bình luận ‘Tại giáo phận San Jose, cuộc nổi loạn đã biến thành phản loạn’ (CGTL số 12, tháng 4, 1987) (Báo ra quá muộn. Ngày 11-5-87 tôi mới nhận được). Đã là người làm báo chuyên nghiệp của bất kỳ tờ báo nào, ai cũng phải biết về vai trò và trách nhiệm của mình. Trách nhiệm đó đặt trên căn bản: Tin tức đúng, ý nghĩ sáng suốt và phán đoán hợp lý. Bởi vậy, muốn chứng minh được với độc giả là tin tức mình đưa ra là đúng, là trung thực thì kẻ viết bài phải nêu rõ xuất xứ của nó. Nếu không thì tin đó không có giá trị gì. Sau khi biết được xuất xứ rồi kẻ viết bài còn phải có óc suy luận sáng suốt để đi đến điểm của mình; như thế mới hy vọng ảnh hưởng được độc giả, như ông Ernest Hynds đã viết trong American Newspaper: Roles and Responsibilities, page 12. “Correct information is essential to clear thinking and clear thinking is vital to making sound judgments”. Đó mới là cách làm báo nghiêm chỉnh, có trách nhiệm. Nếu là một tờ báo hay một mục phiếm luận, hài hước, tầm phào thì lại có tiêu chuẩn khác và độc giả đều biết và đánh giá tờ báo hay mục báo theo tiêu chuẩn đó. CGTL là một tờ báo chủ trương ‘GIEO LỜI CHÚA”, tức là một tờ báo rất mực đúng đắn, nghiêm chỉnh, nên càng phải theo đúng vai trò và trách nhiệm của người làm báo như đã nói ở trên. Đọc bài ‘Tại giáo phận San Jose, cuộc nổi loạn đã biến thành phản loạn’, tôi thấy tác giả tỏ ra rất non nớt trong việc loan tin cũng như trong việc bình luận. Lý do được trình bày sau đây: Trước hết tác giả đã không hề đưa ra xuất xứ của những tin tức mà họ đăng trong bài. Độc giả không thể nào đánh giá được các tin tức đó, và nếu muốn kiểm chứng thì cũng không có cách nào. Vì thiếu phần cốt yếu nầy (xuất xứ) nên độc giả có quyền được nghĩ là hoặc tác giả bài báo, vì có thái độ thiên vị chống đối giáo dân nên đã bịa ra những tin tức đó, hoặc tác giả được nghe kể lại những mẩu chuyện bông đùa của một vài người khi họ đàm tiếu tầm phào với nhau; và rồi vì có sẵn thiên kiến chống giáo dân, tác giả đã vội tin ngay đó là đường lối hành động chính thức của khối giáo dân tranh đấu. Với trình độ kiến thức mà người làm báo phải có, tác giả phải có khả năng phân biệt đâu là đàm tiếu tầm phào, đâu là trung thực. Tôi xin trưng dẫn sau đây một vài thí dụ về những điều mà tác giả nói là “sự kiện đã xảy ra.” Tác giả viết, “(Giáo dân) kẹp cổ Giám Mục để hỏi tội và chửi bới.” Tôi không tin rằng “sự kiện” này đã có thật. Thực sự, tôi muốn tìm hiểu về tin này nhưng tôi không làm sao kiểm chứng được vì tác giả không cho xuất xứ của nó. Tôi theo dõi cuộc tranh đấu này rất kỹ và tôi chưa hề đọc thấy trong bất cứ bài nào hay nghe thấy bất cứ người nào nói là “sự kiện” này đã xảy ra. Một ví dụ khác: Tác giả viết, “(Giáo dân) hò nhau đến một nhà thờ Mỹ (nhà thờ Chánh Toà) âm thầm tham dự Thánh Lễ của người Mỹ rồi tới một lúc đã hẹn nhau trước. (Kinh Lạy Cha) thì cùng nhau lớn tiếng đọc kinh tiếng Việt, làm cho giáo dân Mỹ ngơ ngác, phẫn nộ, lắc đầu v.v. . .” Tôi dám cả quyết là tác giả đã hoàn toàn sai khi viết như trên; vì từ khi cấm Thánh Lễ tiếng Việt, tôi đã tham dự Thánh Lễ Chúa Nhựt 10 giờ sáng tại Nhà Thờ Chánh Toà 3 lần. Mỗi lần trước khi đọc Kinh ‘Lạy Cha’ Cha chủ tế đều nói là giáo dân có thể đọc bằng thứ tiếng mà họ cảm thấy thoải mái: Ý, Y Pha Nho, Pháp, Bồ Đào Nha, Việt Nam v.v. . . Tôi đã nghe mấy bà Mễ ngồi cạnh tôi đọc bằng tiếng Y Pha Nho trong khi tôi đọc bằng tiếng Việt. Vậy theo cách loan tin trên đây, tác giả có ác ý nói là giáo dân VN cố tình mưu mô làm rối Thánh Lễ bằng cách đọc Kinh ‘Lạy Cha’ bằng tiếng Việt. Chính tôi đã nghe, đã thấy, đã chứng kiến, đã tham dự việc này. Tôi thấy tác giả sai lầm một trăm phần trăm. Làm sao tôi có thể tin được những tin tức ngớ ngẩn khác do tác giả đưa ra mà không có bằng chứng, chẳng hạn như tin ‘Tự Thiêu’, nó mới buồn cười làm sao! Nếu tác giả đăng những tin này vào mục ‘Tin Đồn’ thì còn hiểu được. Nhưng tác giả trịnh trọng dùng những ‘tin’ này trong bài bình luận ở ngay đầu tờ báo thì quả là tác giả đã coi thường trí thông minh của độc giả và, vì thế, để lộ sự ấu trĩ về nghề nghiệp của mình. Là một trong những độc giả đầu tiên của CGTL, tôi đã ghi tên mua báo trước khi báo ra đời; vì khi đọc quảng cáo về báo này, tôi muốn ủng hộ, tiếp tay để thực hiện được chủ trương ‘GIEO LỜI CHÚA” của họ. Tôi đã nghe thấy nhiều người chỉ trích, chống đối báo này. Tôi chắc là ban chủ trương CGTL cũng biết điều này. Riêng tôi, tôi coi CGTL cũng như trăm ngàn tờ báo khác. Mỗi báo có một chủ trương, khuynh hướng. Tôi đọc để biêt, chứ không phải để chi phối. Nhưng bài ‘Tại giáo phận San Jose, cuộc nổi loạn đã biến thành phản loạn’ đã làm tôi thất vọng về trình độ nghề nghiệp thấp kém của tác giả bài báo này. Ngay từ khi bắt đầu cuộc tranh đấu, giáo dân đã gặp phải những bất công, những sự đánh giá từ mọi phía; và trong những thời kỳ nghiêm trọng thì lại bị đánh phá hơn: Khi cuộc tranh đấu vừa mới khởi sự trong giai đoạn phôi thai thì bị Cha Trác, với danh nghĩa là chủ tịch Cộng Đoàn giáo sĩ, tu sĩ gửi điện tín ủng hộ ĐGM và chống đối, trách móc giáo dân. Khi Cha Thiệp đến San Jose để tìm cách ‘hoà giải’ thì báo Dân Chúa với bài ‘Nước Mắt Đầy Máu’ đã chỉ trích và miệt thị giáo dân thậm tệ. Khi ĐGM cấm lễ VN thì Cha Trác lại cho đăng trên Đồng Vọng bài ‘Vụ lộn xộn ở San Jose’ đã vu cáo và buộc tội giáo dân. Sau khi ĐGM mở cuộc họp báo, cho mở lại Thánh Lễ VN, tuyệt giao với những người đại diện giáo dân và đưa giáo dân ra toà, thì Cha Hà, với tờ Hiệp Thông đả kích và chụp mũ giáo dân. Hiện nay trong giai đoạn mới, ĐGM đã hồi phục phép thông công cho hai ông Thiện, Bài và đang nói chuyện trực tiếp với hai ông, không còn qua Cha Sullivan như trước thì CGTL lại tung bài ‘Tại giáo phận San Jose, cuộc nổi loạn đã biến thành phản loạn’, loan tin vịt ngớ ngẩn, vu cho giáo dân có những “đòn độc” . . . Tất cả những biến cố này xảy ra do sự trùng hợp ngẫu nhiên hay do ác ý của những người chống đối giáo dân thì ta không biết được. Nhưng ta biết được một điều chắc chắn là những sự cố gắng phá phách giáo dân, trước cũng như sau, đã và sẽ chịu chung một số phận, tức là bị mọi người khinh chê vì nó bất xứng và không lừa bịp được ai. Ngược lại nó làm cho người ngoài cuộc càng thấy rõ sự bất công mà giáo dân phải chịu và nhờ vậy, họ càng thấy rõ sự chánh đáng của cuộc tranh đấu của giáo dân, có cảm tình với giáo dân và ủng hộ giáo dân hơn. Một điều nữa đáng quý hơn cả là càng bị đánh phá, giáo dân càng cảm thấy thương yêu nhau hơn và đoàn kết chặt chẽ hơn. Với lòng trông cậy mãnh liệt ở sự quan phòng của Chúa và sự cầu bàu của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, các Thánh Tử Đạo, giáo dân tin tưởng sẽ được hưởng AN BÌNH một ngày gần đây.

34- LÀM THẾ NÀO RA KHỎI BẾ TẮC ĐỂ TIẾN TỚI HOÀ GIẢI VÀ HỢP TÁC?

Từ ngày Đức Giám Mục, hai ông Thiện Bài có cuộc họp báo về Bản Tuyên Cáo về Hoà Giải và Hợp Tác, chúng ta nhận đó là một tin mừng và đặt nhiều hy vọng vào tương lai của cộng đồng giáo dân. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu trong công cuộc đem lại hoà bình cho cộng đồng. “Vạn sự khởi đầu nan.” Ta có thể nói rằng công viêc khó khăn nhất là bước mở đầu này mà đã thắng vượt được thì những bước sau, với thiện chí và hy sinh của mọi người từ mọi phía, chắc cũng sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, ai cũng nhận thấy là còn nhiều gai góc và chúng ta phải rất thận trọng mới mong bước được những bước vững chắc, từ từ tiến tới mục tiêu. Thật tình, tôi không dám đưa ra một mẫu mực nào để giải quyết vụ này, vì nhận thấy tầm mức quá quan trọng của nó và vì nhận thấy mình quá nhỏ bé trong một cộng đồng to lớn. Tôi chỉ xin được phép góp một vài ý kiến thô thiễn trong số những ý kiến mà có lẽ quý vị đã nhiều lần đem ra bàn luận trong những lúc riêng tư có dăm ba người thân tín với nhau. Theo tôi nghĩ, điều thiết yếu đòi hỏi mọi người chúng ta phải có là thiện chí và hy sinh để dọn đường cho ta tiến tới mục tiêu. Chúng ta phải cố gắng loại bỏ mọi tư tưởng, hành động tiêu cực, thiếu xây dựng và thay thế bằng những tư tưởng, hành động tích cực, xây dựng. Sở dĩ tôi nhấn mạnh vào hai chữ cố gắng là vì tôi biết việc này rất khó, tất cả mọi người đều phải cố gắng thì mới thay đổi được. Bây giờ không còn phải là thời kỳ tranh luận ai phải, ai trái, không còn phải là lúc tố cáo, chụp mũ, vì thực sự, không một điều gì có thể che giấu được tai mắt của thời gian. Dần dần mọi sự sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Kẻ chụp mũ người khác chỉ tự làm hại mình. Vu cáo, chụp mũ là làm cản trở việc chung, là phá hoại, là vô trách nhiệm, nhất là trong giai đoạn này. Chúng ta hãy cùng nhau tạo nên một bầu không khí thuận lợi để cộng tác mưu cầu ích lợi chung. Về phương diện này tôi thấy người Mỹ có những đức tính rất hay, ta nên học để áp dụng vào trường hợp của ta. Tôi xin đơn cử ví dụ sau đây. Năm 1979-80, trong cuộc vận động sơ bộ của hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ để chọn ứng cử viên cho cuộc tuyển cử Tổng Thống năm 80. Ông Reagan và Ông Bush cùng một số người khác đã vận động tích cực để được chọn làm ứng cử viên, đại diện cho Đảng Cộng Hoà. Trong lúc vận động, Ông Reagan và Ông Bush đã đả kích nhau thậm tệ như là “xúc đất đổ đi”. Nhưng rồi, cuối cùng Ông Reagan được chọn làm ứng cử viên Tổng Thống. Ngay từ lúc đó, họ chấm dứt mọi sự đả kích nhau. Họ chúc mừng và tuyên hứa hợp tác với nhau. Ông Reagan đã chọn Ông Bush, đối thủ của ông trước đây, làm ứng cử viên Phó Tổng Thống trong liên danh với Ông. Và liên danh này đã thắng như ta đã biết. Trở lại trường hợp của cộng đồng giáo dân. Nay ĐGM đã phục hồi Phép Thông Công cho hai ông Thiện, Bài, đã tiếp xúc trực tiếp với hai ông, không còn qua Cha Sullivan như trước, đã mời hai ông vào Uỷ Ban Hoà Giải và hai ông đã nhận lời. (chúng ta mong đợi Uỷ Ban này chóng được thành hình). ĐGM không còn đòi hỏi những điều kiện bất khả kháng cho việc lập Giáo Xứ Thể Nhân như Cha Sullivan đã đưa ra. Giáo Xứ Thể Nhân, theo bản Tuyên Cáo Chung, chỉ còn là thủ tục giấy tờ mà thôi. Vậy giáo dân vững tâm là sẽ đạt được. Nhưng vấn đề thứ hai còn nhiều gai góc khó khăn. Đó là vấn đề Cha Dương trong chức vụ Chánh Xứ. Vấn đề này thật là nan giải, vì nó liên hệ đến mọi người trong mọi phía và mỗi phía lại có những ý kiến trái ngược nhau đến mức dường như không thể dung hoà được. Tất cả chúng ta đều nhận thấy là trong hoàn cảnh hiện tại, không thể nào có được một giải pháp hoàn hảo. Sự xúc động của mọi phía đã tới cao độ tột cùng, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Vì hiểu rõ điều này nên trong bản Tuyên Cáo Chung ĐGM đã không ấn định một thời biểu hay hạn kỳ nào. Đó là điều rất khôn ngoan, vì nếu chưa sẵn sàng mà cố tình áp đặt thì hậu quả sẽ rất tai hại như ta đã thấy xảy ra tại nhà thờ Chánh Toà và nhà thờ Maria Goretti hồi tháng tám năm ngoái. Sau khi nhận định về tình trạng hiện nay từ mọi phía, tôi xin có một vài đề nghị như sau: 1. Vì cảm xúc của giáo dân, thuận và nghịch, còn cao quá và đã kéo dài quá lâu nên phải có một thời gian để nguôi dịu (người Mỹ gọi là cooling off period) trước khi đi tới một giải pháp lâu bền. Để giúp thực hiện thời kỳ nguôi dịu này, xin các vị có thẩm quyền, nhất là Cha Dương nên đề nghị với ĐGM cho phép hai Cha Phó trở về nhiệm sở cũ tại Họ Đạo để bình thường hoá mọi hoạt động như trước. Điều này còn lợi ích nữa là giải quyết được vấn đề giáo dân VN khỏi phải đi Lễ 10 giờ sáng Chúa Nhật tại nhà thờ Chánh Toà và như vậy, xoá bỏ được sự phiền toái cho giáo dân trong xứ Mỹ. Nhưng điều lợi ích và quan trọng hơn cả trong việc này là, do hành động của Cha Dương, giáo dân sẽ bắt đầu nhận thấy thiện chí và sự hy sinh của Cha. 2. Trong thời kỳ để nguôi dịu này, xin Cha Dương phát triển tiếp xúc với giáo dân để họ từ từ thay đổi cảm nghĩ của họ về Cha. Không nhiều thì ít họ sẽ nhìn thấy sự hy sinh và thiện chí của Cha. 3. Nếu họ thay đổi và vui mừng đón Cha thì đó là một điều tốt đẹp nhất và mọi sự sẽ tiến hành êm đẹp: cộng đồng sầm uất, sống đạo sốt sắng, cha con mọi người, từ trong gia đình, họ hàng cho đến phe nhóm trong cộng đồng cùng đoàn kết, dâng thỉnh nguyện lên ĐGM xin lại giáo xứ. Chắc chắn Ngài sẽ cho như Ngài đã tuyên bố trong bản Tuyên Cáo Chung. 4. Nếu họ vẫn dè dặt đối với Cha, nhưng ít nhất họ không còn chống đối Cha như trước, thì có thể đi đến dung hoà bằng cách xin ĐGM để Cha làm Chánh Xứ một thời gian được ấn định rõ ràng. Trong Ngài ĐGM tuyên bố Cha nhậm chức thì cũng tuyên bố Cha rời nhiệm sở như ĐGM đã làm đối với Cha Tịnh. Như vậy, ĐGM giữ được uy quyền của Ngài trong việc cai quản con chiên; Cha Dương bảo vệ được uy tín của mình trong chức vụ Linh Mục, giáo dân được an lòng vì tiếng nói của mình được Cha Bề Trên để ý cứu xét và chấp thuận. 5. Đến đây chắc nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Nếu trong trường hợp ĐGM cho hai Cha Phó về Họ Đạo, bình thường hoá mọi việc, nhưng rồi giáo dân không xúc tiến gì nữa, như vậy ĐGM và Cha Dương sẽ làm gì? Xin thưa: Nếu ĐGM muốn, Ngài vẫn có quyền ra lệnh cho hai Cha Phó rời Họ Đạo và giáo dân sẽ lại sống trong tình trạng khó khăn như hiện nay. 6. Mặt khác, chắc nhiều người cũng sẽ hỏi: Nếu trong trường hợp Cha Dương, với chức vụ Chánh Xứ, không đệ đạt lên ĐGM nguyện vọng xin giáo xứ, ngược lại, Ngài xin ĐGM hạ qui chế Họ Đạo xuống hàng Trung Tâm Mục Vụ thì sao? Xin thưa: Khối giáo dân còn đó, và lần này có tổ hợp Cộng Đồng Công Giáo làm hậu thuẫn, cuộc tranh đấu giai đoạn hai chắc chắn sẽ bùng nổ, sẽ gây được tiếng vang, cảm tình và sự ủng hộ từ mọi phía, còn mạnh hơn giai đoạn này nữa. Dù bi quan hay đa nghi đến đâu đi nữa, không ai có thể nghĩ rằng trường hợp ghi trong số 5 và số 6 trên đây sẽ xảy ra. Nhưng để bàn luận thì nêu ra đây cũng là điều hợp lý. Như tôi đã trình bày ở trên, tôi không dám có tham vọng gì ngoài việc đưa ra vài ý kiến thô thiển để thêm vào những ý kiến mà mọi người đang bàn luận. Dĩ nhiên, công việc hoà giải và hợp tác còn phải bao gồm nhiều chi tiết cần được mổ xẻ, nghiên cứu, đàm luận, đồng ý . . . mới mong thành công được. Dù sao chăng nữa, chúng ta phải bắt đầu một cái gì. Nếu cứ dậm chân tại chỗ thì không bao giờ tiến tới được. Trên hết, sự thành công đòi hỏi thiện chí, thành tâm và hy sinh của tất cả mọi người chúng ta. Đây là lúc giáo dân VN từ khắp nơi đang hướng con mắt nhìn về San Jose để quan sát, nhận định và phán đoán về thái độ và hành động của chúng ta, và tôi tin chắc là họ cũng đang cầu nguyện cho chúng ta nữa. Chúng ta hãy tỏ ra xứng đáng với sự quan tâm và ưu ái của họ. Tôi mong ước chóng đến ngày mà tất cả giáo dân chúng ta, từ mọi phía, đều là con cái Chúa, được tay bắt mặt mừng, ôm lấy nhau, cười ra nước mắt vì sung sướng để bù lại những chuỗi ngày buồn rơi nước mắt vì đau khổ. Ngày đó sẽ là một trong những ngày quan trọng đáng ghi nhất trong đời của mỗi người chúng ta. Xin Thiên Chúa toàn năng, Mẹ nhân từ và các Thánh luôn luôn dẫn dắt và che chở chúng ta trong tình thương của Chúa Kitô.

35- THƯ NGỎ KÍNH GỬI QUÝ VỊ TRONG LỰC LƯỢNG CỰU QUÂN CÁN CHÍNH CÔNG GIÁO SAN JOSE

Tôi xin được phép gọi quý vị là anh cho tiện việc xưng hô. Vả lại, theo đúng tinh thần “QUÂN DÂN NHẤT TRÍ”, thì quý vị là bạn dân, nên gọi bạn là dân thì cũng là một điều hợp lý vậy. Đàng khác, tôi cũng là một cựu quân nhân trong thời Đệ Nhất Cộng Hoà, trước đây hơn 30 năm. Tôi đã ngần ngại rất nhiều, tự nghĩ không biết có nên viết thư ngỏ này gửi các anh hay không vì nhiều lý do phức tạp. Nhưng cuối cùng, lý trí đã thúc giục tôi viết và tôi đã nghe theo lý trí. Vậy nếu khi đọc thư này các anh thấy bị phật lòng thì tôi xin lỗi vì đó là ngoài ý muốn của tôi. Đối với tôi và tất cả mọi người Việt Nam, các anh là những phần tử ưu tú nhất của xã hội, là những đứa con hiếu thảo dũng cảm và tận hiến của quê Mẹ Việt Nam. Trước cảnh cộng phi hung bạo tàn phá quê hương, các anh đã quyết tâm bảo vệ đất nước cho người dân được an cư lạc nghiệp. Với sứ mạng cao cả đó, nhiều người trong các anh đã bị thương tích đầy mình, nhiều chiến hữu của các anh đã bỏ mình vì Dân vì Nước. Thế rồi dân ta bị đồngminh phản bội, trong cảnh rả cánh tan đàn, mạnh ai nấy chạy, người dân cũng như các anh đều cảm thấy lòng mình cay đắng, căm hờn. Bao nhiêu bạn bè của các anh hiện đang rên xiết trong lao tù, không biết ngày nào mới thoát khỏi cảnh cùng cực. Nhưng thôi, đó là chuyện đã qua. Sở dĩ tôi nhắc lại là để tỏ lòng tri ân, cảm phục đối với các anh. Ngày nay các anh cũng như cả triệu người dân ta, cương quyết không chịu sống với cộng phỉ, kẻ thù không đội trời chung của ta, nên đã rời quê Mẹ ra đi, tản mác khắp năm châu với một lời nguyền “chờ một ngày sẽ trở về trả thù cho Dân Tộc, xây dựng lại quê hương, làm lại cuộc đời cho mình, cho gia đình trong lòng quê Mẹ Việt Nam mà chúng ta phải nuốt hận tạm xa lìa”. Vì muốn nuôi mộng cao đẹp đó, nên trên khắp cùng trái đất, bất cứ ở đâu các anh cũng họp lại thành đoàn thể ái hữu với mục đích nâng đỡ nhau, an ủi nhau, đùm bọc lấy nhau để giữ lấy truyền thống tốt đẹp, anh dũng của người Quân, Cán, Chính và của Dân Tộc. Các đoàn thể khác cũng tổ chức thành những hội ái hữu không ngoài mục đích như các anh. Mục đích của các anh tốt đẹp thay! Sau khi đã hiểu mục đích của hội ái hữu của các anh như vậy, tôi rất ngạc nhiên thấy xuất hiện bên cạnh Phong Trào Bảo Vệ Đức Tin một tổ chức mang tên “Lực lượng cựu Quân, Cán, Chính San Jose” để chống lại giáo dân tranh đấu. Tôi không tin đó là một tổ chức có thực vì nó không đúng với tinh thần của người Quân, Cán, Chính, không hợp với mục đích của tổ chức ái hữu của các anh. Cuộc tranh đấu của giáo dân Việt Nam chống lại lệnh bất công của ĐGM hoàn toàn thuộc phạm vi hành chánh giữa Toà Giám Mục và Cộng Đồng Giáo Dân đồng hương của ta. Các anh cũng thừa biết rằng trong hàng ngũ giáo dân tranh đấu, có biết bao nhiêu chiến sĩ thuộc mọi ngành, mọi binh chủng và cấp bậc, Tá, Uý, Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ, Cảnh Sát, Cán Bộ, Công Chức . . . đủ mọi tầng lớp, thành tích chiến đấu, huy chương đầy mình. Họ rất tích cực trong cuộc tranh đấu nhưng họ chỉ muốn được coi là giáo dân như mọi giáo dân khác. Họ không muốn đưa danh nghĩa LLCQCCCG vào trong cuộc tranh đấu này vì nó không thích hợp, nó vô nghĩa và trái với mục đích của người Quân, Cán, Chính. Trước đây độ hai tháng, tình cờ tôi đi qua một nhóm ba, bốn người. Tôi nghe thấy một người nói, “để cho tụi Mũ đỏ đập cho bọn chúng nó một trận.” Nghe thêm vài câu nữa, tôi biết là mấy người đó đang chửi bới giáo dân tranh đấu. Tôi vừa thấy buồn cười vừa tội nghiệp cho mấy người đó. Ở nước Mỹ dân chủ, tự do, pháp trị này mà họ không hiểu biết luật pháp gì cả. Có lẽ mấy người này coi giáo dân như một đám con nít và những “anh Mũ Đỏ” như là thần thánh, ai thấy cũng phải sợ. Nếu thật phe Đức Tin có LLCQCCCG thì tôi dám nghĩ là lực lượng này không thấm vào đâu nếu đem so sánh với khối Quân, Cán, Chính khổng lồ trong hàng ngũ giáo dân tranh đấu. Tôi tin là việc đưa danh nghĩa LLCQCCCG đứng bên cạnh Phong Trào Bảo Vệ Đức Tin chỉ là mánh lới của một vài người có đầu óc lệch lạc, thiếu hiểu biết, thiếu chín chắn, vì, đã là một chiến sĩ vào sinh ra tử bao nhiêu lần, không ai có thể ngây ngô đi dùng danh nghĩa Quân, Cán, Chính để chống giáo dân đồng hương, trái với mục đích của tổ chức mình, gây chia rẽ giữa đồng đội và ác cảm với đồng bào. Thưa các anh, tôi gửi thư này tới các anh với một mục đích duy nhất là trình bày với các anh rằng, ở nước Mỹ tự do, pháp trị này, các anh muốn phản đối hay ủng hộ ai, đó là quyền của các anh, nhưng xin các anh đừng dùng danh nghĩa LLCQCCCG chống đối giáo dân đồng hương vì nó vô nghĩa và gây tiếng xấu cho các anh. Xin thân mến chào các anh trong tình yêu Quê Hương, yêu Tổ Quốc, yêu Đồng Bào ruột thịt và trong niềm tin tưởng ở tương lai của Dân Tộc, của Đất Nước yêu quý.

Monterey, ngày 26-5-1987

36- NHỮNG ĐIỀU VUI

Từ ngày 12-5-1987, Đức Giám Mục cũng như hai Ông Thiện, Bài có cuộc họp báo về việc hoà giải và hợp tác, khởi đầu cho một giai đoạn mới, mọi người chúng ta đều phấn khởi hy vọng giai đoạn này sẽ dần dần đem lại An Bình cho Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam ở San Jose. Ai cũng biết đường đi còn nhiều chông gai nhưng với thiện chí và tình thương và bác ái của những người con một Chúa, giáo dân nhất định thắng vượt đuợc mọi khó khăn, vì chúng ta tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và không có điều gì mà Chúa không làm được. Trải qua những sự đau buồn, tôi bắt đầu nhận thấy những điều vui đang lần lượt xảy ra: 1. Đọc Bản Thông Cáo chung về việc hoà giải và hợp tác (12-5-87). Ta nhận thấy rằng ĐGM đã rút vạ tuyệt thông cho hai ông Thiện, Bài mà không có thành kiến và Toà Thánh không hề phán đoán về Ông Thiện hoặc Ông Bài. Mới đọc lần đầu, câu này có vẻ khó hiểu, nhưng thật sự nó rất rõ ràng, dễ hiểu nếu ta chú ý vào những chữ sau đây” “Quyết định của Toà Thánh đã không hề phán đoán về Ông Thiện hoặc Ông Bài”. Câu này rất quan trọng, là căn bản của sự suy luận của tôi. Tôi xin trình bày như sau: Sau khi hai ông Thiện, Bài bị vạ tuyệt thông của ĐGM, nhưng vì hai ông kháng cáo lên Toà Thánh thì, theo giáo luật, đương nhiên vạ tuyệt thông ấy bị vô hiệu hoá, nghĩa là hai ông Thiện, Bài không phải chịu hậu quả gì của vạ tuyệt thông này cho đến khi Toà Thánh phán quyết về sự kháng cáo của hai ông: Nếu Toà Thánh y án thì hai ông phải chịu hậu quả của vạ tuyệt thông, nếu Toà Thánh đồng ý với đơn kháng cáo thì vạ tuyệt thông của ĐGM bị huỷ bỏ. Chính ĐGM và Cha Sullivan cũng đã phải công nhận điều này và cũng chính ĐGM đã cho hai ông Thiện, Bài rước Mình Thánh Chúa dịp Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh như ta đã thấy. Nay Toà Thánh tuyên bố “không hề phán đoán về hai ông”. Vậy thì vạ tuyệt thông của ĐGM vẫn bị vô hiệu hoá vì sự kháng cáo của hai ông, và như vậy, cho dù ĐGM không rút vạ tuyệt thông thì hai ông vẫn không bị gì, nghĩa là hai ông vẫn được chịu các phép Bí Tích và hưởng mọi ân sủng của Giáo Hội như mọi người chúng ta. Nói cách khác, bao lâu Toà Thánh không phán quyết như đã khẳng định trong Bản Thông Cáo chung thì việc ĐGM rút hay không rút vạ tuyệt thông cho hai ông “không hề gây thiệt hại gì cho địa vị của các ông trong Giáo Hội và trong Cộng Đồng”. Lời lẽ trong Bản Thông Cáo chung rõ ràng như thế mà làm sao Cha Dương lại có thể cắt nghĩa là Toà Thánh đã y án của ĐGM? (Chân Lý, ngày 17-5-87). Như vậy, có nghĩa là Cha Dương hoặc không hiểu hoặc cố tình không muốn hiểu chủ ý của Toà Thánh. Toà Thánh “không hề phán đoán” mà tại sao lại nói Toà Thánh y án? Quyết định của Toà Thánh thật rõ ràng, làm sao có thể hiểu khác đi được? Đến đây có người sẽ hỏi: Nếu nói rút hay không rút vạ tuyệt thông cũng không thiệt hại gì cho hai ông thì tại sao lại gọi việc ĐGM rút vạ tuyệt thông là một tin mừng? Xin thưa: Việc ĐGM rút vạ tuyệt thông là một tin mừng, vì tỏ ra ĐGM muốn mở đường cho sự hoà giải và hợp tác với hai ông Thiện, Bài, đại diện giáo dân. Vì không lẽ ĐGM lại trực tiếp nói chuyện hoà giải và hợp tác với những người mà chính Ngài đã ra vạ tuyệt thông? Như thế không hợp lý. Vậy chúng ta hãy cám ơn ĐGM vì Ngài thay đổi lập trường cứng rắn của Ngài và đã mở đường cho sự hoà giải và hợp tác với đại diện giáo dân. 2. Sự lớn mạnh của Cộng Đồng. Mới su chưa đầy 2 tháng mà cộng đồng đã lớn vượt múc, cho đến ngày 24-5-87 số đoàn viên lên tới 2,532 (CN 46). Trong tương lai con số này sẽ tăng lên nhiều. Các hoạt động của cộng đồng sẽ đi vào nền nếp, quy củ, đời sống của đoàn viên sẽ được cải thiện rất nhiều về mọi phương diện: tâm linh, tinh thần, vật chất. Chúng ta sẽ cảm thấy gần gủi nhau hơn, nâng đỡ, đùm bọc lấy nhau, yêu thương nhau trong lúc xa quê hương, xa gia đình, xa những người thân thuộc, chúng ta không còn thấy bơ vơ, lạc lõng vì chúng ta có một đại gia đình cộng đồng để cùng chia sẻ mọi nỗi vui buồn. Tôi ao ước cộng đồng sẽ qui tụ được mọi lớp người. Chúng ta hãy rộng lượng với nhau, đừng gây thù oán gì nữa, “chín bỏ làm mười” để đoàn kết lại với nhau. Công việc này đòi hỏi ở ta nhiều hy sinh và thiện chí. Chỉ những người giáo hữu chân chính theo đúng tinh thần Phúc Âm mới có thể thắng vuợt được mọi hiềm thù chia rẽ, để đón nhận nhau và đối xử với nhau như anh em một nhà, như chi thể của Chúa Kitô. 3. Cha Tân, vị Tổng Tuyên Uý đầu tiên của cộng đồng. Cha đã đến với chúng ta giữa lúc ta bị khó khăn cùng cực, bị ruồng bỏ, côi cút, không một ai đoái hoài dẫn dắt ta trên đường thiêng liêng. Ngài len lỏi đến với ta trong lúc ta bị hoàn toàn cô lập, vì các ngã đường đã bị ngăn chận. Ngài đã phải qua nhiều gian truân, cấm cách. Nhưng Ngài kiên trì, chịu đựng, lặn lội đêm ngày với ta. Chúng ta ghi lòng tạc dạ công ơn của người Cha lành đầy lòng hy sinh thương mến. Chúng ta cảm tạ Chúa đã gửi Ngài đến với chúng ta trong lúc mà đời sống tâm linh của chúng ta bị ngăn trở, khó khăn gần như vô vọng. Xin Chúa xuống nhiều ơn cho Ngài để Ngài tiếp tục sứ mạng làm sáng danh Chúa và lợi ích cho phần rỗi chúng ta. Ta cũng nhận thấy có nhiều Đấng thương ta, thấy ta gần chết đuối, đã muốn vứt phao xuống cứu ta, nhưng khốn nỗi, các Ngài ở xa, vứt phao không tới, mà nếu đến gần thì bị cấm cách. Chúng ta cũng cảm tạ các Ngài, vì tuy các Ngài không trực tiếp giúp ta được, nhưng đã rất quan tâm, khích lệ và cầu nguyện cho ta. (*) 4. Trong Đồng Vọng số 18 ngày 15-5-87 Bài “Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ” đã xác định lại quyền hạn của mình là “Liên Đoàn không có quyền giây mình vào (công việc nội bộ của các cộng đoàn). Nếu có thì chỉ là những can thiệp có tính cách cố vấn hoặc giàn xếp theo tình chứ không theo lý.” Thật là rõ ràng. Nếu từ đầu khi xảy ra công cuộc tranh đấu của giáo dân San Jose, Cha Trác, Cha Hà và Dân Chúa theo đúng tinh thần và trách nhiệm của Liên Đoàn như đã được xác định trong bài nói trên thì đã không xảy ra những điều đáng tiếc giữa các Ngài và giáo dân cộng đồng San Jose. Trong bài “vấn đề San Jose” Hội Đồng Chỉ Đạo Trung Ương Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã viết: “Dựa trên tinh thần Bác Ái Công Giáo và tình huynh đệ của đoàn chiên Chúa, chỉ có tinh thần Bác Ái mới giúp giải quyết được những khó khăn của nội vụ. Hội nghị đề nghị toàn thể các thành viên thuộc Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng thêm lời cầu nguyện và hy sinh, để xin Chúa dẫn dắt, tìm ra giải pháp thoả đáng. Một Uỷ Ban Đặc Nhiệm được thành hình để nghiên cứu và đề nghị những giải pháp thích hợp, hầu giải quyết được những vấn đề như trên.” Người ta tiếc rằng nếu lúc đầu Liên Đoàn đã có thái độ khách quan và hành động đúng đắn, xây dựng như hiện nay để nghiên cứu và đề nghị những giải pháp chẳng những với giáo dân tranh đấu mà cả với Đức Giám Mục và Cha Dương thì có lẽ tình hình đã không quá rối ren và khó khăn như hiện nay. Nhưng muộn còn hơn không. Đọc những lời lẽ trên đây, ta được khích lệ bởi sự quan tâm của Liên Đoàn. Ta hy vọng là với tinh thần Bác Ái Công Giáo, mọi rạn nứt trong cộng đồng sẽ được hàn gắn, để ta cùng nhau hết thẩy tiến bước trên đường giữ đạo cho phần rỗi của ta và làm rạng rỡ Giáo Hội Mẹ Việt Nam trên miền đất này. Nếu chúng ta biết tổ chức và đoàn kết thì chắc chắn Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển, lớn mạnh; nếu không hơn thì ít nhất cũng được như các sắc dân khác vì lòng mộ đạo truyền thống của giáo dân ta. Trong báo The Observer, địa phận Monterey, số ra ngày 28 May 1987, Đức TGM Pio Laghi, Sứ Thần Toà Thánh tại Hoa Kỳ đã nói lại là Ngài rất quan tâm đến việc tăng thêm các chức vị trong phẩm trật của Giáo Hội cho các sắc dân. Ngài nói thêm rằng từ ngày Ngài nhậm chức Sứ Thần Toà Thánh tại Hoa Kỳ, Ngài đã tăng thêm số các Giám Mục gốc Mỹ La Tinh, da đen, da đỏ. Ngài đưa ra ví dụ: trong số 11 Giám Mục da đen hiện nay, có 6 vị là do Ngài chọn cử. Ngài cũng nói là Ngài cho phép các vị đó được thành lập một uỷ ban đặc biệt riêng để thảo luận và đề cử những ứng viên của họ vào chức vụ Giám Mục trong tương lai. Số giáo dân Việt NAM tại Mỹ hiện nay vào khoảng 150,000 người (Đồng Vọng 18), lớn hơn số giáo dân của địa phận Monterey (130,000), chúng ta có chừng 300 giáo sĩ và tu sĩ hiện nay có nhiều chủng sinh và tập sinh VN sẽ là những giáo sĩ và tu sĩ trong tương lai. Thế mà (nếu tôi không lầm) chỉ mới có một mình Cha Dominic Mai Thanh Lương là được chức vị Đức Ông. Như vậy, theo tỷ số giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ chúng ta còn thiếu kém quá xa về các chức vị trong phẩm trật Giáo Hội so với các sắc dân khác. Vậy, như tôi mới trình bày ở trên, nếu chúng ta biết tổ chức và đoàn kết, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ theo kịp với các sắc dân khác về phương diện này. Đó sẽ là niềm hãnh diện cho Giáo Hội Mẹ Việt Nam và dĩ nhiên điều đó cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho sự sống đạo của giáo dân Việt Nam vậy. Monterey ngày 7-6-87 (*) Tôi được nghe một số người trách móc các Linh Mục Việt Nam vì các Ngài đã im lặng, không lên tiếng bênh vực cuộc tranh đấu của giáo dân VN San Jose. Tôi không đồng ý sự trách móc này vì, theo tôi, các LM Việt Nam tỵ nạn ở Mỹ hay ở bất cứ quốc gia nào đang ở trong một tình trạng hết sức tế nhị và khó khăn, phần vì hoàn cảnh tỵ nạn, phần vì chức vụ Linh Mục của các Ngài. Ngay cả LM Duyên Mậu và LM Nguyễn Quang Hiền v.v. . . mà ông Phạm Kim Vinh đã ca tụng trong cuốn ‘Cuộc tự vệ văn hoá Việt tại San Jose’, các Ngài cũng chỉ lấy tinh thần anh em Linh Mục khuyên LM Lưu Đình Dương nên suy nghĩ lại mà từ chức để tạo ra điều kiện thuận lợi cho cuộc hoà giải. Theo chỗ tôi biết được, khi thấy LM Dương làm lơ những lời khuyên kia thì nhiều Linh Mục khác đành im lặng vì biết rằng có khuyên cũng vô ích. Vậy, sự im lặng của các Linh Mục Việt Nam, tự nó, không có nghĩa là các Ngài chống đối hay không ủng hộ cuộc tranh đấu của giáo dân Việt Nam, San Jose.

37- BÀI HỌC VỀ LUƠNG TRI TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ CHỐNG ĐỐI TOM HAYDEN VÀ LM. DƯƠNG

Trước sự chống đối mãnh liệt của các tổ chức cựu quân nhân Mỹ, phe bảo thủ và cộng đồng Việt Nam, Tiến Sĩ Byron Skinner, Viện Trưởng Viện Đại Học Cộng Đồng San Jose (SJCC) đã huỷ bỏ buổi diễn thuyết của ông Tom Hayden trong lễ phát bằng cho các sinh viên SJCC ngày 5-6-87. Quyết định này của ông Skinner đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về vụ giáo dân Việt Nam San Jose chống đối Cha Dương trong chức vụ Chánh Xứ Họ Đạo VN. Hai vụ này giống nhau về nhiều khía cạnh. Nhưng vụ Tom Hayden đã được giải quyết một cách khôn ngoan, mau lẹ, tránh được sự rối loạn hiềm khích trong dân chúng. Trái lại, vụ giáo dân chống đối Cha Dương vẫn còn kéo dài một năm nay, gây ra bao nhiêu đau thương, rối loạn hiềm khích, chỉ vì ĐGM Du Maine đã không biết sử dụng sự khôn ngoan như ông Skinner. Chúng ta thử kiểm điểm lại các sự việc của hai vụ này xem nó giống nhau và khác nhau ở chỗ nào. I. NHỮNG ĐIỂM GIỐNG NHAU: 1. Về con người của Tom Hayden: Bất cứ ai có chút hiểu biết về những hành động phản chiến của một số sinh viên Mỹ trong thập niên 60’ và đầu thập niên 70’ đều biết, không nhiều thì ít, Tom Hayden và vợ là Jan Fonda. Đôi vợ chồng này đã trắng trợn sang tận Hà Nội để tỏ sự ủng hộ chính phủ Hà Nội trong khi quân đội Mỹ đang giao chiến tại Nam Việt Nam và tù binh Mỹ đang bị giam cầm, tra tấn ở Hà Nội. Họ lớn tiếng đòi quân Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. Về con người của Cha Dương. Ai cũng biết là trong thời kỳ trước khi Cha Tịnh bị đổi, Cha Dương luôn luôn giữ một thái độ xa cách, bất cần đối với giáo dân VN. Nhiều lần Họ Đạo mời Cha về để cùng các Cha và giáo dân dự những buổi lễ trọng thể, Ngài không bao giờ về và cũng không bao giờ trả lời. Cha Dương lại đã có những hành động tích cực chống lại thỉnh nguyện của giáo dân về việc xin lập Giáo Xứ Thể Nhân. Cha Dương còn trắng trợn báo cáo với ĐGM là Cha Thịnh hướng dẫn sai lạc giáo dân và đòi Cha Tịnh phải từ chức (CN 5, văn kiện 4, trang 16) 2. Khi mời ông Hayden, ông Skinner đã bỏ qua việc thăm dò ý kiến của giáo sư và đại diện Hội Sinh Viên Việt Nam là nhóm đông nhất trong số các sinh viên – 40% tổng số sinh viên - . Giới thức giả cho đó là một cử chỉ thiếu chín chắn, khinh thường của ông Skinner (San Jose Mercury News, June 8-87). Khi bổ nhiệm Cha Dương vào chức vụ Chánh Xứ Họ Đạo, ĐGM đã không hề thăm dò ý kiến của Ban Chấp Hành Họ Đạo hoặc giáo dân như giáo luật điều 524 đã quy định. Người ta cho đó là một cử chỉ thiếu khôn ngoan của ĐGM hiện nay. Hiện nay Toà Giám Mục đang thăm dò ý kiến các giáo hữu Mỹ trong xứ St. John Vianney, San Jose, trước khi ĐGM bổ nhiệm linh mục chánh xứ cho họ trong một ngày rất gần đây (CN 45, trang 31). Tại sao ĐGM đã không làm như thế đối với giáo dân Họ Đạo VN trước khi bổ nhiệm Cha Dương? Cách làm việc của ĐGM như vậy, thử hỏi ai là người không nghĩ là ĐGM kỳ thị, khinh thường giáo dân VN. 3. Các đoàn thể cựu chiến binh Mỹ, phe bảo thủ, một số giáo sư Mỹ và cộng đồng người Việt đều nhất loạt chống lại sự có mặt của Tom Hayden trong địa vị diễn thuyết viên trong buổi lễ phát bằng cho các sinh viên, vì họ cho rằng, khác với các dịp khác, lễ phát bằng là dịp cho các người trong gia đình tham dự chia vui với nhau mà Tom Hayden, mà đối với họ, là thù địch nên họ sẽ không có được sự vui mừng đó, nếu họ phải ngồi nghe Tom Hayden diễn thuyết (San Jose Mercury News, June 5-87). Các đoàn thể giáo dân VN, với sự ủng hộ của một số người Mỹ đặc biệt là của các phụ huynh trường St. Joseph, đã cực lự chống lại sự bổ nhiệm Cha Dương vào chức vụ Chánh Xứ Họ Đạo, vì họ cho rằng, khác với địa vị của một Cha khách, chức vụ Chánh Xứ đòi hỏi một Linh Mục phải có tư cách để dẫn dắt giáo dân, được giáo dân mến phục và cùng giáo dân chia sẻ vui buồn. Với Cha Dương, ở chức vụ Chánh Xứ, họ sẽ không có được sự hoà hợp đó, và vì thế, không có ích lợi cho sự sống đạo của giáo dân. 4. Khi bị dân chúng chống đối, Tom Hayden, trước kia là một tay phá rối và ngăn cản các thuyết trình viên khác, thì nay lại trơ trẽn tố cáo những người chống đối mình là những phần tử băng đảng trong cộng đồng VN, trước kia thường làm mưa làm gió ở Sài Gòn và nay vẫn còn thói quen đe doạ, bắn giết, tống tiền để gây quỹ mua súng ống, đánh đổ chính phủ Hà Nội (AP – Monterey Herald, June 6-87). Khi bị giáo dân chống đối, Cha Dương, trước kia là tác giả của nhiều thư nặc danh, vu cáo và nhục mạ Cha Tịnh (CN 13, trang 2) thì nay lại trơ trẽn tố cáo những người đại diện giáo dân là “vừa đánh vừa đàm”, “Một tay thì ký một tay thì xúi giáo dân phản bội . . . bất tín, bất trung . . .” (Chân Lý 24-5-87). Cha Dương cho biết rằng sở dĩ giáo dân “No Fr. Dương” hôm họp báo là để phản đối Cha vì Cha đã “muốn phá vỡ cuộc họp báo, gây rối loạn và khiêu khích giáo dân bạo động” (CN 45, trang 8) vì cuộc họp báo này của ĐGM và hai ông Thiện, Bài không có lợi cho phe nhóm của Cha? 5. Ông Skinner đã nói rằng ông mời ông Hayden vì ông Hayden đã có nhiều nổ lực ở Sacramento để giúp cho các trường Đại Học Cộng Đồng Mỹ (SJCC) (San Jose Mercury News June 3-87). Nhưng ông Skinner đã bỏ qua một điều quan trọng là ông đã không nghĩ gì đến tâm khảm của những người Mỹ và VN đối với hành động phản bội của ông Hayden trong thời chiến tranh VN. Có lẽ ông Hayden sẽ được đón tiếp ở nơi khác như quê ông chẳng hạn, nhưng chắc chắn ở San Jose thì sự có mặt của ông sẽ gây ra rối loạn và chia rẽ mà thôi. ĐGM nói rằng Ngài bổ nhiệm Cha Dương vào chức vụ Chánh Xứ vì Cha Dương có khả năng và quyết tâm (Thông Cáo chung 10-5-87). Nhưng ĐGM đã bỏ qua một điều quan trọng là không nghĩ gì đến tâm khảm của giáo dân VN đối với những hành động phản bội của Cha Dương như đã được phơi bày rất nhiều từ trước tới nay. Có lẽ Cha Dương sẽ làm việc đắc lực và được tiếp đón nồng hậu ở nơi khác như trong các xứ Mỹ chẳng hạn, nhưng ở Họ Đạo VN thì chắc chắn sự có mặt của Cha lúc này sẽ gây ra nhiều rối loạn và chia rẽ như đã xảy ra trong quá khứ. II. NHỮNG ĐIỀM KHÁC NHAU: Sau khi nhận thấy là sẽ có sự bất an trong buổi lễ phát bằng, ông Skinner đã khôn ngoan, cương quyết, dứt khoát rút lại lời mời ông Hayden và do đó đã tránh được cho vùng San Jose những rối loạn hoặc bạo động có thể xảy ra. Ông Skinner đã được nhiều người khen ngợi là khôn ngoan, thực tế, và những người cố vấn của ông đã tỏ ra có tài năng, kinh nghiệm, đã giúp ông có một quyết định đáng khen và lợi ích cho vùng San Jose. Ngược lại, sau khi nhận thấy sự chống đối của giáo dân đối với Cha Dương mãnh liệt và cương quyết, ĐGM vẫn không rút lại lệnh bổ nhiệm Cha Dương, vì vậy đã để cho cuộc tranh đấu kéo dài thê thảm, đau thương cho hết mọi người. Những kẻ cố vấn cho Ngài đã tỏ ra bất tài, bất xứng, càng ngày càng đào sâu hố chia rẽ giữa Ngài và Giáo Dân Việt Nam. Đã đến lúc ĐGM phải có quyết định thực tế, dứt khoát với Cha Dương để cứu vãn tình thế. Nếu không, chưa biết bao giờ cuộc khủng hoảng này mới kết liễu được. Giáo dân VN càng bị bất công thì càng đoàn kết, càng bền chí. Không một sức mạnh nào, cho dù hàng ngàn cảnh sát, cả ngàn chó săn cũng không uy hiếp được họ. Họ sẵn sàng chịu đựng và không bao giờ nản lòng. Cha Dương và cảnh sát Milpitas đã không học được bài học của biến cố ở nhà thờ Maria Goretti ngày 16-8-86. Hình ảnh cảnh sát và chó săn đàn áp giáo dân VN còn mãi mãi ghi lại trong cuốn băng Video “ƯỚC MƠ GIÁO XỨ” làm cho mọi người khắp nơi phải lắc đầu ghê tởm cho những phương cách đàn áp dã man mà ĐGM đã dùng đối với giáo dân Việt Nam. Trong biến cố gần đây tại nhà thờ St. Elizabeth, Milpitas ngày 7-6-87, phe Cha Dương cũng dùng cảnh sát và chó săn để đàn áp, bắt bớ và hạ nhục giáo dân. Hành động tàn nhẫn này chỉ làm cho giáo dân thêm cương quyết và đoàn kết hơn mà thôi. Ai mà nghĩ là sức mạnh trần thế có thể uy hiếp được giáo dân Việt Nam thì người đó chưa biết gì về người Việt Nam cả. Tôi đã lạc quan tin tưởng là giai đoạn hoà giải sẽ đem lại bình an thực sự cho Cộng Đồg Công Giáo Việt Nam San Jose, dù còn nhiều chông gai khó khăn. Biến cố này đã làm cho viễn tượng hoà giải càng mong manh hơn, vì những kẻ có quyền chỉ biết dùng quyền của mình một cách mù quáng mà không thèm đếm xỉa gì đến lương tri của con người.

38- TÔI ĐÃ ĐỌC. TÔI ĐÃ THẤY

Moterey ngày 21-6-87

I. Vần đề Cha Dương Trong cuộc tranh đấu của giáo dân Việt Nam, San Jose, những người chống lại giáo dân, khi bình luận về biến cố này, đều cố tình bỏ qua một vài then chốt, nguyên nhân gần của cuộc tranh đấu, đó là Cha Dương. 1. Cha Thiệp, Cha Trác, Cha Hà và những người viết báo chống giáo dân (mặc dù họ tuyên bố là họ loan tin một cách trung thực và lập trường của họ trung lập, không thiên vị bên nào (sic!), không hề đề cập đến Cha Dương. Sở dĩ tôi đã dùng chữ cố tình là vì vai trò của Cha Dương trong cuộc khủng hoảng này nổi bật và quá rõ rệt, không ai là không nhận thấy. Vậy, chỉ có cố tình thì các vị ấy mới có thể lờ đi được. Khi tôi nhắc họ, xin họ cho biết ý kiến về Cha Dương để việc bình luận hoặc phân tích của họ khỏi bị thiếu sót điểm chính yếu này, họ vẫn cứ làm ngơ, giả điếc. 2. Gần đây, ông Nguyễn Mạnh, điều hành chương trình TV Việt Nam Tự Do, đài 48, khi nhắc đến Cha Dương, đã phải nói một cách bất đắc dĩ là ông đã xin phỏng vấn Cha Dương để Ngài có dịp làm sáng tỏ lập trường của Ngài với công luận, nhưng Ngài từ chối! Người được phỏng vấn, khi trả lời ông Mạnh, có cho biết là đến lúc cần thì chắc Cha Dương sẽ lên tiếng (trên TV). Trời ơi! Đã đến mức này rồi mà chưa cần cho Cha lên tiếng sao? Ta cứ hy vọng là một ngày rất gần đây Cha sẽ cho ông Nguyễn Mạnh phỏng vấn Cha trên đài truyền hình. Nếu ông Mạnh thu xếp được để Cha Dương và những người ủng hộ Cha cùng các đại diện giáo dân tranh đấu được đối diện tranh đấu với nhau thì thật ích lợi cho công chúng. Vấn đề sẽ được sáng tỏ và chắc sẽ giúp cho cuộc khủng hoảng chóng kết thúc. 3. Cho đến bây giờ tôi vẫn thắc mắc tự hỏi: tại sao các vị nói trên đã tránh né vấn đề Cha Dương và chính Cha Dương cũng tránh né các cơ quan truyền thông? Ta thấy các nhân vật chính trong vụ này đều đã lên Tivi cả: ĐGM, Cha Sullivan, Ông Thiện, Ông Bài và ngay cả phong trào bảo vệ đức tin mà cũng còn lên Tivi huống chi là nhân vật chính và quan trọng như Cha Dương, Ông Thiện, Ông Bài còn lên cả Tivi Mỹ đối diện Cha Sullivan và còn có tổ chức họp báo cả Mỹ lẫn Việt. Ở đâu cũng vậy và nhất là ở Mỹ, việc đời cũng như việc đạo, bất cứ một việc gì liên quan đến công luận thì các nhân vật liên hệ đều lên Tivi, họp báo, phỏng vấn . . . để bày tỏ cho dân chúng biết. Vì đó là quyền lợi của người dân, như ông Morgenthau, vị Biện Lý của thành phố Nữu Ước đã nhắc lại truyền thống của Mỹ như sau: “Hệ thống pháp luật Mỹ của chúng ta được đặt trên sự tin tưởng rằng ai cũng phải trả lời về những hành động của mình. Our American system of justice is based upon the belief that no man can escape answering for his actions – AP, New York, The Herald 17-6-87). Vậy xin Cha Dương cho phép đại diện giáo dân được gặp Cha trên Tivi để thảo luận, đối thoại với mục đích làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến Cha trong cuộc khủng hoảng này, cho dân chúng biết. Tôi nghĩ không làm sao Cha có thể từ chối một việc làm hữu ích như vậy. 4. Trong bài phân tích “ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG BẤT ỔN VÀ BẤT LỢI HIỆN NAY” đăng trong Dân Việt ngày 11-6-87, Ông Nguyễn Đạt Thịnh đã viết “Tôi đã nhiều lần phân tích và trình bày với hai ông Trần Công Thiện và Trần An Bài rằng mục tiêu tranh đấu của giáo dân đòi một Giáo Xứ Thể Nhân cho người VN, đòi Thánh Lễ phải được cử hành bằng Việt Ngữ, là những chính nghĩa sáng ngời, những chính nghĩa có sức hút tất cả người Việt, dù giáo dân hay không, vào một khối duy nhất và thuần nhất . . .” Tôi không được đọc những bài mà Ông Thịnh vừa nói ở trên. Nhưng trong bài phân tích này Ông Thịnh cũng tuyệt nhiên không phân tích vai trò Cha Dương trong cuộc khủng hoảng này. Tôi thành thực xin Ông Thịnh nghiên cứu vấn đề này, rồi lên tiếng về Cha Dương để chúng tôi được biết ý kiến của ông. Nếu không thì ông cũng chẳng khác gì mấy vị tôi đã nhắc đến ở đầu bài này là các vị cố tình giả điếc làm ngơ. Như vậy thì bài phân tích của ông đã thiếu sót một điểm quan trọng và sẽ không được dân chúng để ý đến. Tôi thấy cần nhắn lại là thỉnh nguyện xin ĐGM rút lại lệnh bổ nhiệm Cha Dương vào chức vụ Chánh Xứ Họ Đạo là một trong hai thỉnh nguyện chính yếu của giáo dân. Nếu ông Thịnh đã phân tích vai trò của Cha Dương trong những số báo trước thì xin ông vui lòng cho tôi biết để tôi tìm đọc, vì tôi ở xa San Jose nên thỉnh thoảng mới được đọc vài số Dân Việt do bà con gửi cho. 5. Ông Thịnh còn viết tiếp, “Tôi chăm chú đợi để ca tụng một hành động thức thời và phục thiện như tôi đã ca ngợi Ông Trần Công Thiện khi ông lên tiếng các nhận sát cánh với Sinh viên trong cuộc tranh đấu bất bạo động của họ.” Theo ý trong bài này thì Ông Thịnh dùng câu trên để nói với hai ông Thiện, Bài. Nếu ông Thịnh thực tình muốn giúp đỡ hoà giải vụ này, ông nên tỏ ra, bằng hành động và bài vở của ông, cho giáo dân tranh đấu thấy rõ thái độ trung lập, đúng đắn của ông thì họ mới tin vào thiện chí và tinh thần xây dựng của ông, chẳng hạn như ông kêu gọi hai ông Thiện, Bài thì ông cũng nên kêu gọi Cha Dương nữa. Câu này sẽ đẹp đẽ và hiệu lực nếu được thêm như sau: “Tôi chăm chú đợi để ca tung một hành động thức thời và phục thiện (của hai Ông Thiện, Bài và của Cha Dương) như tôi đã ca ngợi ...” Cho đến nay ai cũng biết là Dân Việt và các vị viết bài trong báo đó có thái độ chống giáo dân tranh đấu một cách rõ rệt. Bao lâu giáo dân còn nghĩ như thế (và họ có lý do để nghĩ như thế) thì những lời kêu gọi của quý báo đều vô ích đối với họ vì (1) “Ai mà thèm đọc những thứ đó” (Lời của một giáo dân tranh đấu) và (2) “Không ai muốn nghe theo lời của kẻ chống mình và muốn làm hại mình” (Lời của một giáo dân tranh đấu khác). Vậy nếu quý vị trong Dân Việt muốn lấy lại được uy tín, được vai trò lãnh đạo dư luận của người dân Việt thì phải làm sao lấy lại được lòng tin của họ bằng cách có thái độ loan tin một cách khách quan; tin tức chính xác, trung thực, chứ không như là độ 50 mà tăng lên 500, hay là độ 1000 mà hạ xuống còn 282. Và chỉ nên tỏ lập trường và khuynh hướng của mình trong những bài về “QUAN ĐIỂM, BÌNH LUẬN” mà thôi. 6. Cũng trong bài phân tích này ông Thịnh đã viết, “Tôi cũng nghĩ rằng đã đến lúc mà toàn thể người Việt vùng Vịnh cần tổ chức một đại hội để nói thẳng với cả hai phe ông Bài, Thiện và Toà Giám Mục rằng ảnh hưởng của cuộc tranh đấu nội bộ Công giáo đã đến mức quá bất lợi không riêng cho giáo dân mà cho tất cả người Việt Nam nữa.” Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến này của ông Thịnh. Tôi nghĩ rằng nếu tổ chức được một đại hội như thế thì thật là hợp với nguyện vọng của giáo dân và của hết mọi người VN. Đó là điều chẳng những nên làm mà cần phải làm, nếu thực tình những người liên hệ muốn giải quyết vấn đề. Vậy xin ông Thịnh và báo Dân Việt đứng ra yêu cầu ĐGM và Cha Dương đồng ý cho thực hiện được buổi đại hội với sự hiện diện của ĐGM, Cha Dương, các người VN, dù giáo dân hay không. Đó là một hành động rất mực xây dựng. Về phần giáo dân tranh đấu và hai ông Thiện, Bài thì không có gì khó khăn cả, vì chính họ ước ao như thế và họ đã xin với ĐGM từ lâu, nhưng Ngài không cho phép. Nếu ông Thịnh và Dân Việt thực hiện được điều ông đã đưa ra trên đây thì đó là một thành công lớn lao của ông và của Dân Việt. Tôi cầu chúc ông và quý báo thành công trong công việc này. II.VẤN ĐỀ BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI 1. Biểu tình phản đối là một trong những quyền căn bản, đứng hàng đầu của người dân Mỹ, được ghi nhận rất rõ ràng trong Bản Tu Chính Nhân Quyền của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ta thường thấy những cuộc biểu tình xảy ra hàng ngày ở mọi nơi trên nước Mỹ. Quyền này được sử dụng nhiều nhất bởi những nhóm người, những đoàn thể thiểu số, thấp cổ bé miệng bị bất công mà thiếu phương tiện áp dụng pháp luật: người da đen, phụ nữ, công nhân các hãng . . . bị chính quyền hay các chủ nhân bất chấp, không lắng nghe những đòi hỏi hay thỉnh nguyện của họ. Vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình, họ bắt buộc phải dùng đến phương pháp biểu tình phản đối. Phương pháp này, theo ông Douglas, vị Thẩm Phán của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, có thể gây ra phiền hà, sôi động làm cho dân chúng tức giận. Nhưng ông nhấn mạnh rằng, tuy vậy, việc biểu tình phản đối không nên vì lý do đó mà phải hạn chế, giới hạn và nên được Toà Án khuyến khích (Đọc The Rights of American, page 207-210, by Norman Dorsen). 2. Trước đây gần 2 năm dân chúng Phi Luật Tân đã đứng lên chống chế độ độc tài thối nát Marcos. Ta thấy trên Tivi cả các Linh Mục, tu sĩ nam nữ trong chiếc áo nhà tu nổi bật cùng với dân chúng biểu tình trước họng súng đại bác của lực lượng hùng hậu Marcos. Nhưng chế độ độc tài Marcos đã sụp đỗ trước sự đoàn kết, kiên trì, hy sinh của dân Phi. Ngay tuần trước đây, cũng tái diễn cảnh tượng này ở Nam Hàn. Ta thấy các giáo sĩ, tu sĩ nam nữ đứng trong hàng ngũ sinh viên và dân chúng để biểu tình phản đối chính phủ Nam Hàn trước lực lượng đông đảo của cảnh sát. Trước đây, khi Đức Thánh Cha thăm các nước Nam Mỹ, một sinh viên Chile trên mặt còn thương tích vì bị lính đánh đập đã được Đức Thánh Cha ôm vào lòng và được nghe Ngài khuyên nhủ: “Hỡi con, Chúa chúc lành cho con. Cha biết chúng con đã đau khổ nhiều. Cha muốn chúng con tiếp tục tranh đấu cho tự do của quê hương chúng con.” (AP, Chile, April 4, 87). Và mới tuần trước, khi thăm Ba Lan, Đức Thánh Cha đã cổ võ ủng hộ nghiệp đoàn Đoàn Kết (Solidarity) chống lại lệnh bất công của chính phủ Ba Lan. 3. Giáo Hội của ta là Giáo Hội của người nghèo, của người bị ức hiếp. Trong mọi thời đại, nhất là thời đại của Đức đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, Giáo Hội càng quan tâm đến những kẻ thấp hèn, xấu số. Trong các bài diễn văn Ngài luôn luôn nhắc đến nhân quyền và khuyên ta phải tranh đấu chống bạo quyền, chống áp lực để đòi lại quyền lợi của mình như Ngài đã nói với sinh viên Chile. Gợi lại hình ảnh đoàn người biểu tình, bị lực lượng của cảnh sát và quân đội Ba Lan đàn áp dã man. Đức Thánh Cha Gdansk, nơi phát sinh ra nghiệp đoàn Solidarity: “Chúng ta sẽ không thể tiến được, nếu chúng ta chịu để cho xe tăng, tàu bè tung hoành, cưỡng chế, lấn át chúng ta, vì đó là điềm báo trước một viễn tượng chiến tranh và tự diệt” (We can not forge ahead if we are pushed and shoved by the imperative of dizzing military armor, because this forebodes the prospect of wars and self-destruction – (San Jose Mercury News, June 12-87). Trong dịp khác, Ngài lại nói, “Cuộc tranh đấu cho nhân quyền và quyền làm người, cho sự phát triển thuần tuý của con người đang tiếp diễn. Đây là cuộc tranh đấu cho một nếp sống trưởng thành hơn” (A struggle for human rights and his (man’s) right, for his genuine progress is in order. This is a struggle for a more mature human way of life) – AP. Monterey Herald, June 12, 87). Chúng ta thấy là Đức Thánh Cha đang cổ võ chống lại đàn áp, bất công để giành lại tự do, nhân quyền. Chúng ta đừng để những kẻ nhát gan hoặc tự ti mặc cảm khủng bố tinh thần ta. 4. Sự dã man của cảnh sát Milpitas trong biến cố ngày 7-6-87 là một vết nhơ chẳng những cho sở cảnh sát mà còn cho cả thành phố Milpitas nữa. Tiếng xấu này đang lan truyền đi khắp nơi và không thể tẩy gột rửa được. Càng ngày càng có nhiều người có cảm tình với ta vì sự bất công mà ta phải chịu. Việc Hội Luật Gia Á Đông lên tiếng phản đối hành động dã man của cảnh sát Milpitas sẽ gây được một tiếng vang rất xa và rất lợi cho cuộc tranh đấu của chúng ta. Tôi xin mọi người tâm niệm điều này là: hành động của chúng ta phải luôn luôn ở trong vòng pháp luật. Chúng ta dùng pháp luật như kim chỉ nam để hướng dẫn mọi hành động của ta. Những kẻ cầm quyền bính, hống hách, lộng quyền, đàn áp ta hoặc những kẻ lăng mạ, chụp mũ, vu khống cho ta, rồi đây chúng sẽ bị luật pháp trừng trị đích đáng.

39- TÔI ĐỌC BÀI CỦA ÔNG NGUYỄN TRỌNG VÀ ÔNG TÚ RUA TRONG ‘VĂN NGHỆ TIỀN PHONG’ VỀ VỤ GIÁO DÂN SAN JOSE

I. Từ lâu tôi chưa được đọc bài nào có tính cách loan tin tường thuật về vụ tranh đấu của giáo dân San Jose mà có một thái độ khách quan như bài ‘KHÚC QUANH BẤT NGỜ TRONG VỤ GIÁO DÂN SAN JOSE’ của ông Nguyễn Trọng đăng trong VNTP, số 275, trang 16. Ông Trọng dù ở xa nhưng đã dùng điện thoại viễn liên phỏng vấn những nhân vật chính yếu của cả hai bên (bên tranh đấu và bên ủng hộ ĐGM), rồi xếp đặt thứ tự lớp lang làm cho độc giả có một hình ảnh khá trung thực về các sự việc đã xảy ra. Rồi để tuỳ độc giả nhận định. Đó là cách loan tin tường thuật đúng đắn và có trách nhiệm của người làm báo chuyên nghiệp. Những tin tức và những sự kiện ông đưa ra đều có xuất xứ rõ ràng và rất cân đối. Vì là bài tường thuật nên Ông Trọng đã tránh góp ý kiến riêng của mình về các sự việc trong vụ này. Độc giả nhận thấy là dù ở xa, nhưng với cách làm việc đúng đắn và khách quan của ông, ông đã nắm được khá vững về vụ tranh đấu của giáo dân San Jose. Đến đây tôi xin tạm đổi vấn đề và sẽ trở lại sau. II. Bài của ông Trọng khách quan bao nhiêu thì bài của ông Tú Rua trả lời cho ông Phạm Quốc Hùng, cũng đăng ở VNTP số 273, trang 15, chủ quan, thiên lệch bấy nhiêu. Dĩ nhiên ông Tú Rua có quyền không thích và chống giáo dân VN San Jose; nhưng những điểm ông đưa ra để chống giáo dân không chính đáng. Những điểm đó như sau: 1. Ông Tú Rua nói là “các anh (nhóm tranh đấu) đưa Bùi Chu, Phát Diệm ra để chia rẽ giáo dân.” Tôi nghĩ ông Tú Rua đã hiểu nhầm. Sự thật, trong Chính Nghĩa có nói đến điều này vài lần, nhưng không phải là để chia rẽ mà là để tố cáo trước công luận những kẻ có ý đồ dùng Bùi Chu, Phát Diệm để chia rẽ giáo dân và các Linh Mục. Xin ông Tú Rua đọc cẩn thận để khỏi buộc tội nhầm người như thế.

2. Ông Tú Rua nói trước khi ông viết bài báo ấy, ông “đã thăm dò dư luận của một số khá đông giới Công Giáo và đặc biệt là phản ảnh dư luận giáo dân qua những tờ báo Công Giáo, chẳng hạn như Hiệp Thông, Trái Tim Đức Mẹ, Dân Chúa . . . và các ý kiến của những nhà lãnh đạo Công Giáo có thẩm quyền nhất, chẳng hạn LM Vũ Đình Trác (Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ), LM Đỗ Thanh Hà (Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ Orange County), Linh Mục Nguyễn Đức Thiệp, Bề Trên Dòng Đồng Công, đặc phái viên khâm mạng Toà Thánh tại Hoa Kỳ) . . . Tất cả những tờ báo Công Giáo nói trên và quý vị lãnh đạo tinh thần này đều cho rằng cuộc tranh đấu của một số giáo dân ở San Jose chống lại giáo quyền địa phương là thiếu chính nghĩa, không hợp lý và nhất là không hợp tình.” Tôi nghĩ Ông Tú Rua không am tường về vụ giáo dân San Jose . Vì nếu ông am tường thì ông đã biết là Cha Thiệp, Cha Trác, Cha Hà, báo Dân Chúa, Hiệp Thông đã công khai chống đối giáo dân San Jose trong vụ tranh đấu này vì lý do gì, chúng ta không bàn đến trong bài này và giáo dân đã phải lên tiếng trong nhiều số báo Chính Nghĩa để trả lời và vạch rõ những điều sai lầm của họ có tính cách bất công, miệt thị, vu khống, chụp mũ giáo dân. Ông Tú Rua đã đọc Chính Nghĩa mà sao lại không biết sự kiện này. Khi viết về vụ tranh đấu của giáo dân San Jose mà ông hỏi ý kiến các vị đó thì làm sao biết được sự thật, chẳng khác gì một người viết về chiến tranh VN mà lại đi hỏi ý kiến Tom Hayden, Daniel Ellsberg hay George Mc Govern v.v . . . thì làm sao biết được sự thật về chiến tranh Việt Nam. Ai cũng biết là ba người nay tượng trưng cho phe phản chiến ở Mỹ. - Tom Hayden và vợ là Jane Fonda đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình bạo động chống chiến tranh tại các đại học Mỹ và nhất là đã phá vỡ cuộc đại hội của đảng Dân Chủ năm 1968 ở Chicago; vì vậy mà trước đây Tom Hayden đã bị cộng đồng VN và một số khá đông người Mỹ phản đối mãnh liệt tại San Jose. - Daniel Ellsberg là cựu nhân viên trong Bộ Quốc Phòng Mỹ trong thời kỳ chiến tranh VN. Ông đã từ chức và công bố cuốn bạch thư ‘The Pentagon Paper’ tiết lộ các bí mật quân sự của Mỹ trong chiến tranh VN. Ông đã bị truy tố. - Ông George Mc Govern, ứng cử viên của đảng Dân Chủ tranh chức Tổng Thống với Ông Nixon, dùng chiêu bài phản chiến. Ông đã nói là ông sẽ đi Hà Nội và nếu cần ông sẽ quỳ xuống xin Hà Nội thả tù binh Mỹ. Dân Mỹ đã quá khinh ông vì thế ông đã thua ông Nixon một cách thê thảm. 3. Ông Tú Rua trách báo Chính Nghĩa là đã dùng những tên xấu xa để chỉ ĐGM, Cha Sullivan, Cha Boyle. Là người làm báo chuyên nghiệp lâu năm, chắc Ông Tú Rua biết là trong một tờ báo có nhiều mục: tin tức, bình luận, hài hước, châm biếm v.v. . . Mục châm biếm được báo chí Mỹ sử dụng rất nhiều. Trong mục này họ không trừ một ai. Những người họ không ưa bị họ đặt cho tên xấu xa (Tổng Thống Johnson bị người phản chiến gọi là “tên sát nhân” (murderer). Họ còn ám chỉ những người đó có những hành động ghê sợ nữa. Ngay trong báo VNTP, hai năm trước đây có mục châm biếm ‘KIỂN TỐ’ do Kiến Lửa phụ trách mở cuộc thi cho độc giả cắt nghĩa hai chữ viết tắt C.H. (Chiến Hữu) để chế diễu ông Hoàng Cơ Minh và ông Phạm Văn Liễu trong mặt trận TNGPQGVN. Có biết bao nhiêu nghĩa bẩn thĩu, tục tĩu đã được đưa ra trên báo để gọi hai ông này. Ông Tú Rua chỉ cần đọc lại mục ‘KIỂN TỐ’ trong VNTP từ số 221 liên tiếp chín, mười số thì sẽ rõ. Vậy mục ‘THỜI KỲ VONG QUỐC’ là mục hài hước phiếm luận trong báo Chính Nghĩa do Tôn Thất Thiệt phụ trách. Tôi nghĩ Ông Tú Rua không nên quá khắt khe mà trách tác giả về sự đặt tên này. Ông nên đối xử một cách công bằng với Tôn Thất Thiệt như ông đã đối xử với Kiến Lửa, vì nhiều người nghĩ rằng đặt tên xấu xí cho người mình không ưa trong mục hài hước không có gì quá đáng mà Ông Tú Rua phải bận tâm trách móc, trừ khi ông muốn bới lông tìm vết. Khi đọc bài của Ông Tú Rua, tôi thấy ngay là ông đã có cái nhìn một chiều nên đã có những nhận định sai lầm về giáo dân. Ông Tú Rua xác nhận là “chưa có hân hạnh được quen biết” ông Hùng. Thế nhưng trước khi kết bài, ông đã tỏ vẻ tội nghiệp cho ông Hùng vì ông nghĩ ông Hùng “hiện rất cô đơn”. Tôi nghĩ Ông Tú Rua có ý nói mỉa mai, chẳng hạn như ông muốn nói là giáo dân tranh đấu, trong đó có Ông Hùng, không được ai ủng hộ cả vì thế “cô đơn”? Nếu đó là chủ ý của Ông Tú Rua thì tôi thấy ông càng sai hơn nữa. Chưa lúc nào giáo dân tranh đấu ở San Jose đoàn kết, thật tình thương nhau, đùm bọc giúp đỡ nhau như trong vụ này. Tôi đã có nhiều dịp gặp họ và tôi biết như thế. Ông Tú Rua chỉ tiếp xúc với Cha Trác, Cha Hà, Cha Thiệp thì làm sao biết được những người ủng hộ giáo dân. Tôi xin nhắc lại lời của Ông Hùng mời Ông Tú Rua nếu “có dịp xin mời ông tới San Jose vào tận nơi để xem cho biết sự thật” III. Bây giờ tôi xin trở lại bài của Ông Trọng. Đọc bài của Ông Trọng, độc giả thấy là khả năng nghề nghiệp của ông rất vững chắc, đứng đắn. Độc giả mong là trong tương lai ông sẽ lên tiếng phân tích để góp ý vào việc giải quyết vấn đề gai góc này. Tuy nhiên, ta phải công nhận một điều rất khó khăn ở đây là giáo dân VN, San Jose, đang phải đương đầu với một vị Giám Mục Hoa Kỳ, người nắm giữ mọi quyền hành, Ngài đâu có hiểu tiếng nói của mình. Ngài đâu có đọc báo của mình. Cho dù những bài báo tiếng Việt ủng hộ Ngài hay chống đối Ngài có giá trị mấy đi nữa thì cũng chẳng giúp ích là bao nhiêu, vì “mình nói, mình nghe”. Ngài có nghe mình đâu. Vì thế việc giải quyết càng khó khăn gấp bội. Đến đây, tôi chắc nhiều người sẽ tự hỏi: Không lẽ cứ bế tắt mãi sao? Vậy phải làm gì để hy vọng giải quyết vụ này? Theo thiễn ý của tôi, Cha Dương và giáo dân nên giải quyết với nhau. Dù muốn dù không, hai bên nên tìm cách tiếp xúc với nhau. Cả hai bên đã ý thức được sự quan trọng của vụ này. Với tinh thần xây dựng, trách nhiệm và hy sinh, tôi tin hai bên sẽ tìm được một điểm đồng ý. Nếu Cha Dương và giáo dân tìm được điểm đồng ý thì tôi nghĩ là ĐGM sẽ rất vui lòng chấp nhận sự đồng ý này và như vậy mới hy vọng kết thúc được cuộc khủng hoảng trầm trọng đã kéo dài quá lâu. Xin Cha Dương và giáo dân hãy suy nghĩ lại. Đồng thời xin các vị có uy tín, các uỷ ban đặc nhiệm tìm hiểu tình hình, rồi góp ý với ĐGM, Cha Dương và giáo dân sẽ tìm ra được một giải pháp dung hoà tốt đẹp. Ai cũng sẽ biết ơn quý vị và Chúa sẽ chúc lành cho quý vị, như Chúa đã dạy: “Ai làm cho người hoà thuận, ấy là phúc thật vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy.”

40- HIỂU LẦM

Nhân dịp nghĩ hè, tôi xuống miền Nam Ca-li thăm bà con và bạn hữu. Gặp nhau, chúng tôi vui mừng trò chuyện thăm hỏi về gia đình của nhau. Rồi dĩ nhiên chuyện gì phải đến, đã đến: Họ hỏi tôi về chuyện giáo dân San Jose. Tôi rất mừng được dịp trình bày cho họ và sẵn sàng trả lời những thắc mắc của họ. Trước đây, tôi cũng đã có dịp nói chuyện về vụ giáo dân San Jose với một số người quen biết khi họ, từ xa, ghé Monterey thăm chúng tôi. Tôi phải thú thật rằng tất cả những người này, trước khi nói chuyện, đều có một ý nghĩ giống nhau, nghĩa là họ đã nghĩ giáo dân San Jose sai trong vụ tranh đấu này. Lý do chính họ đưa ra là: con chiên chống lại chủ chiên là sai, vì chống Cha là chống Chúa . . . Họ không cần nghĩ gì thêm nữa. Tôi đã phải kiên tâm trình bày với họ là giáo dân không chống chủ chiên mà chỉ chống lệnh bất công của Ngài. Tôi đã phân tích những sự việc từ ngày còn Cha Tịnh và San Jose còn thuộc giáo phận San Francisco. Những điều tôi nói với họ là những điều mà giáo dân San Jose hiểu biết rất rõ ràng và nắm vững từ lâu rồi; nhưng nhiều người như họ chưa hề được nghe nên tôi tự nhũ phải kiên nhẫn để trình bày cho họ hiểu. 1. Có người đã hiểu lầm giáo xứ thể nhân là một giáo xứ biệt lập, không thuộc về giáo phận San Jose và không dưới quyền ĐGM. Họ trách giáo dân, tại sao ở Mỹ mà không muốn thuộc về giáo phận Mỹ. Tôi đã phải cắt nghĩa cho họ là giáo xứ thể nhân hoàn toàn thuộc về giáo phận và dưới quyền ĐGM địa phương như các giáo xứ Mỹ . . . Họ sững sờ khi nhận thấy là họ đã hiểu lầm. Có người không phân biệt được giáo xứ thể nhân với các cộng đoàn VN trong các giáo xứ Mỹ. Tôi đã phải đưa ví dụ đơn giản, so sánh cái thân phận bất lợi của người đi ở nhờ nhà người khác với cái lợi ích và hãnh diện của người làm chủ ngôi nhà mình ở, họ mới hiểu. Khi họ hiểu ra, có người thét to lên: “Thảo nào mà mình chỉ được dùng nhà thờ khi người Mỹ không cần. Nếu họ cần thì mình lại phải đổi giờ, hay nếu chậm một chút là bị họ giục, có khi, không kịp đọc kinh ‘Cám ơn’ đã phải vội vàng ra khỏi nhà thờ, nghĩ lại mà tủi thân. Sau khi hiểu rõ hai điều sơ đẳng này, họ nói với tôi: “Yêu cầu các ông viết trong Chính Nghĩa, cắt nghĩa cho các giáo dân khác hiểu vì phần đông không hiểu và vì thế không ủng hộ các ông.” Tôi có trình bày với họ là đã cắt nghĩa những điều này trong Chính Nghĩa, nhưng vì họ không được đọc liên tiếp các số Chính nghĩa nên không biết. 2. Sau đó, họ yêu cầu tôi tiếp tục kể cho họ nghe các diễn biến. Tôi kể cho họ nghe từ khi ĐGM Quinn đã chấp thuận cho giáo dân VN được có Họ Đạo và chuẩn bị lên hàng giáo xứ . . . Các giáo dân (đàn ông, đàn bà, già trẻ, lớn bé) đi nhặt lon, báo cũ, hái rau, hái ớt, góp tiền để gây quỹ mua được ngôi nhà thờ v.v . . . Tiếp đến là San Jose được tách rời thành giáo phận riêng dưới quyền cai quản của ĐGM Du Maine. Ngài bỏ quy chế họ đạo và áp dụng chính sách mục vụ của Ngài đã được hoạch định rõ ràng trong bức thư Ngài gửi các Linh Mục VN đề ngày 31-5-84, chia gia đình VN ra làm ba thành phần v.v. . . Tôi cũng nhắc cho họ biết về giáo điều 518 cho phép các sắc dân được có giáo xứ thể nhân. Hiện Sam Jose đã có mấy giáo xứ thể nhân cho người Mễ, Ý, Bồ Đào Nha v.v . . . và trong cả nước Mỹ đến nay đã có 17 giáo xứ thể nhân VN ở các địa phận. Tôi cũng nhắc cho họ biết về giáo điều 524, yêu cầu các ĐGM thăm dò ý kiến giáo dân trong xứ trước khi bổ nhiệm một vị chính xứ. Tôi nhấn mạnh với họ là hiện nay ĐGM Du Maine đang thăm dò ý kiến giáo dân Mỹ trong xứ St. Vianney’s trước khi bổ nhiệm cha xứ họ đạo; nhưng đối với giáo dân VN, chẳng những Ngài không thăm dò ý kiến mà khi giáo dân đệ đơn xin Ngài tạm đình việc bổ nhiệm Cha Dương, Ngài cũng từ chối, không xét đơn và cứ một mực làm lễ tấn phong Cha Dương, dùng chó săn và cảnh sát trước sự phản đối của giáo dân. Khi giáo dân không chấp nhận Cha Dương, ĐGM bắt hai cha phó về Toà Giám Mục . . . và sau đó là việc cấm lễ VN . . . vụ Toà Giám Mục nộp đơn ở toà án phần đời để đuổi giáo dân ra khỏi Trung Tâm mà họ đã bỏ tiền ra mua. Nhưng toà án đời đã bác đơn của ĐGM và cho phép giáo dân được tiếp tục ở lại Trung Tâm. Bây giờ họ mới thấm thía thấy cảnh giáo dân VN San Jose bị bất công, bị khinh thường, bị chèn ép. 3. Về Cha Dương thì họ không thắc mắc nhiều. Họ tự cắt nghĩa cho nhau. Ngay cả những người già, rất bảo thủ mà cũng lý luận một cách đơn sơ là: “Nếu giáo dân chống đối mình (Cha Dương) quá xa như vậy thì còn mặt mũi nào mà về Họ Đạo nữa. Đi đâu mà chả làm việc Chúa mà sao cứ khư khư bám lấy địa vị này. Cái ông Cha Dương này kỳ quá”. Có người đã tỏ ra hiểu biết hơn vì đã đọc Chính Nghĩa. Họ đã cắt nghĩa cho những người khác về thái độ, cách đối xử của Cha Dương đối với Cha Tịnh và giáo dân trong quá khứ. Họ cũng đã đọc những văn kiện của “support group” do Cha Dương ghi lại, tán thành chính sách mục vụ của ĐGM và chỉ xin Trung Tâm mục vụ cho người VN. Tôi thấy họ không thắc mắc về vấn đề Cha Dương vì nó đã quá hiển nhiên. Có lẽ vì thế mà các Cha như Cha Thiệp, Cha Trác, Cha Hà và các người chống giáo dân San Jose đã hoàn toàn bỏ qua vấn đề Cha Dương, vì thấy không có lý lẽ gì có thể dùng để bênh đỡ cho Cha Dương được. Đến lúc này, họ tỏ vẻ đã hiểu khá rõ về vụ giáo dân San Jose. Tuy vậy, có người lại quá lo xa và đưa ra lý lẽ: “Nếu bây giờ các ông đòi gì được nấy, rồi sau này cứ đòi hỏi mãi thì ĐGM làm việc sao được?” Kẻ nói đi, người nói lại rất sôi nổi. Họ hỏi rồi họ lại tự tìm câu trả lời. Tôi cũng góp ý kiến với họ. Cuối cùng, một ý kiến đã được mọi người đồng ý. Đó là: “Làm sao lại có thể kết luận mọi việc như thế được. Sở dĩ việc này đã rõ rệt trắng đen, sai quấy thì mới phải tranh đấu. Còn khi làm việc đúng luật, đúng cách thì ai mà ngu dại gì tranh đấu; mà tranh đấu cũng chẳng có ai theo.” Đến đây, mấy người từ trước vẫn ít nói, bây giờ lên tiếng. Họ hỏi những câu hóc búa tỏ ra họ đã theo dõi nội vụ khá kỹ. 4. Họ hỏi về vạ tuyệt thông của hai ông Thiện, Bài. “Theo Bản Thông Cáo Chung thì Toà Thánh nói rằng hành động của ĐGM (vạ tuyệt thông) là đúng thủ tục và vẫn thành sự và có hiệu lực. Như vậy, tại sao khi Cha Dương nói là Toà Thánh đã y án thì các ông lại bảo là Ngài xuyên tạc?” Tôi đã phải xin họ bình tĩnh, cho phép tôi được trình bày rằng: “Theo tôi hiểu, như Toà Thánh nói, án vạ tuyệt thông của ĐGM là đúng thủ tục, là thành sự và có hiệu lực; vì thế các ông Thiện, Bài mới phải chống án. Nếu không, thì ai lại đi chống cái án không phải là cái án? Theo luật đời cũng như luật đạo, khi một người bị án, rồi chống án thì tự động, án đó trở thành vô hiệu; vì thế mà chúng ta thấy chính tay ĐGM đã cho hai ông Thiện, Bài rước Mình Thánh Chúa. Ngài cũng tuyên bố là vì các ông chống lên Toà Thánh nên các ông không bị gì cả, chờ đến khi Toà Thánh phán đoán về hai ông. Trong Bản Thông Cáo Chung Toà Thánh tuyên bố rằng Toà Thánh đã không hề phán đoán về hai ông. Như thế làm sao nói được là Toà Thánh đã y án? Vậy ta phải hiểu rằng trong thời gian trước khi ĐGM giải vạ tuyệt thông, các ông vẫn không bị gì vì hiệu lực của sự chống án. Còn lý do nào đã thúc đẩy ĐGM giải vạ tuyệt thông thì không ai biết được. Ai cũng chỉ đoán mà thôi, vì văn thư này mật . . .” Thoáng nhìn một lượt, tôi thấy những cái đầu gật gù. Tôi mừng thầm là họ đã hiểu ra được điều khúc mắt nầy. 5. Tiếp đến là câu hỏi sau đây: “Trong Bản Thông Cáo Chung, hai ông Thiện, Bài đã ký giấy công nhận ĐGM là người duy nhất có quyền bổ nhiệm cha xứ. Vậy thì tại sao hai ông không nhận Cha Dương do ĐGM bổ nhiệm. Như thế có phải là bất trung, bất tín không?” Tôi đã đọc kỹ Bản Thông Cáo Chung nên đã đề phòng câu hỏi này; vì thế tôi trả lời ngay như sau: Tôi xin phép đưa ra một ví dụ, về nguyên tắc, như sau đây: Chắc ai cũng phải công nhận rằng trong gia đình, cha mẹ có quyền sửa phạt con cái khi con cái có lỗi. Nhưng khi sửa phạt, cha mẹ phải ra hình phạt vì lòng thương và hình phạt cân xứng với lỗi của con. Nếu hình phạt quá nặng thì cha mẹ đã làm sai và đã lạm dụng quyền của mình. Nếu hình phạt đó gây nguy hiểm cho con thì cha mẹ có thể bị truy tố về tội lạm dụng con cái (child abuse). Trở lại câu hỏi trên, tôi xin thưa: Ai cũng phải công nhận rằng trong giáo phận ĐGM là người duy nhất có quyền bổ nhiệm cha xứ. (hai ông Thiện, Bài ký công nhận điều này là một việc thừa). Nhưng giáo hội đã khôn ngoan lập ra giáo điều 524 làm tiêu chuẩn cho các Giám Mục theo trong việc bổ nhiệm các cha xứ như tôi vừa trình bày trên đây. Nhưng ĐGM Du Maine đã không làm theo giáo điều này và đã bổ nhiệm Cha Dương vì lý do riêng như Ngài đã xác nhận trong Bản Thông Cáo Chung, bắt buộc giáo dân phải chấp nhận một vị chính xứ mà họ có lý do để chống đối, họ thấy sự bổ nhiệm này bất lợi cho việc sống đạo của họ. Như thế tức là Ngài đã sai, đã lạm dụng quyền của Ngài, chẳng khác gì cha mẹ, tuy có quyền sửa phạt con nhưng đã sửa phạt không đúng cách như tôi vừa trình bày trên đây. Như vậy ta có thể kết luận rằng: công nhận cha mẹ có quyền sửa phạt con cái không có nghĩa là cha mẹ muốn sửa phạt con cái thế nào cũng được. Cùng một cách suy luận đó, công nhận ĐGM có quyền bổ nhiệm cha xứ không có nghĩa là Ngài có thể bổ nhiệm một cha xứ mà có thể gây thiệt hại và chia rẽ giữa giáo dân như trường hợp Cha Dương đã được chứng minh bằng các sự kiện xảy ra từ một năm nay. Vậy nếu ai nghĩ rằng hai ông Thiện, Bài đã công nhận là chỉ có ĐGM có quyền bổ nhiệm cha xứ và vì vậy hai ông phải công nhận Cha Dương làm chính xứ thì người đó đã không hiểu toàn diện vấn đề. 6. Đến đây, chúng tôi đồng ý rằng vấn đề chính bây giờ là tuỳ ở Cha Dương. Nếu Cha muốn làm chính xứ Họ Đạo thì Cha nên, bằng mọi cách, tiếp xúc với giáo dân chống đối Cha để từ từ Cha và họ có thể làm việc với nhau. Bằng không thì Cha nên từ chức để kết thúc cuộc khủng hoảng hiện nay. Như thế mới tỏ ra Cha thật tình thương con chiên và muốn làm việc cho lợi ích của con chiên. Nếu Cha cứ tiếp tục cố tình kéo dài tình trạng như hiện nay thì người ta phải đặt nhiiều câu hỏi về hành động của Cha. Sau khi truyện trò, tất cả chúng tôi đều vui vì họ đã nói ra được những thắc mắc của họ và tôi đã giúp họ hiểu thêm được về cuộc tranh đấu của giáo dân San Jose. Tôi đã mời họ khi có dịp ghé lại Trung Tâm để gặp gỡ bà con. Họ vui vẻ nhận lời và hứa sẽ cầu nguyện cho mọi việc được kết thúc tốt đẹp. Monterey ngày 12 tháng 7 năm 1987