main billboard

Mọi tâm tình của tôi về Học Viện đã được giãi bày trong bài viết của tôi đăng trong cuốn Đặc San phát hành hôm nay.

Kính thưa quý Niên Trưởng ngành CSQG, đặc biệt là cựu Đại Tá Viện Trưởng Trần Minh Công và cựu Trung Tá Phó Viện Trưởng Phạm Công Bạch,
Thưa các bạn cựu Sinh Viên CSQG rất thương mến của tôi,

ts tran an bai 40 nam hoc vien

Tiến Sĩ Trần An Bài phát biểu ngày kỷ niệm 40 năm thành lập Học Viện CSQG

Hôm nay chúng ta kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Học Viện CSQG. Riêng tôi, thực sự tôi đến với Học Viện mới từ năm 1969, tức là mới chỉ được có 35 năm. Không hiểu sao con số 35 kỳ cục này nó cứ đeo đuổi cuộc đời tôi hoài như vậy?

Mọi tâm tình của tôi về Học Viện đã được giãi bày trong bài viết của tôi đăng trong cuốn Đặc San phát hành hôm nay. Bây giờ tôi lại còn hân hạnh được Ban Tổ Chức mời lên nói thêm đôi lời. Xin cám ơn BTC và mong được sự lắng nghe của quý vị.

   Hôm nay, cầm máy micro đứng nói trước quý vị, tôi nhớ đến ngày nào ở Học Viện. Người nói và người nghe giống nhau, nhưng ngày xưa, 35 năm về trước, cả người nghe lẫn người nói tóc còn màu đen óng ả, ngày nay tất cả đều tóc bạc da mồi. Ngày xưa tiếng nói tôi thông suốt, ngày nay, giọng nói tôi pha lẫn tiếng nghẹn ngào.

   Các lễ hội lớn như lễ kỷ niệm 40 thành lập Học Viện hôm nay, chúng ta đều tổ chức dưới bóng lá quốc kỳ vàng 3 sọc đỏ thân yêu.

Ngày xưa, lá quốc kỳ của chúng ta được cắm trong lòng Đất Mẹ, nhưng ngày nay, chúng ta phải treo quốc kỳ lên tường vì không còn đất cắm.

   Hãy nhìn kỹ nét mặt các Niên Trưởng:

Ngày xưa, chúng ta kính nể các vị, vì dáng dấp oai phong, thể hiện quyền hành và tình huynh đệ chi binh.
Ngày nay, dáng điệu các vị đã chậm chạp, ngả nghiêng, quyền hành không còn, có chăng chỉ còn chút tình xưa nghĩa cũ mà thôi.

   Tại sao tất cả anh em chúng ta phải ra nông nỗi này?

- Chỉ vì chúng ta mất nước. Đơn giản chỉ có vậy.

Chúng ta như những con hổ bị bắt nhốt vào cũi sắt. Ngày xưa một số anh em chúng ta bị kẻ thắng trận nhốt vào nhà tù cải tạo. Ngày nay, tất cả chúng ta bị nhốt vào chiếc cũi khổng lồ, được vây kín bởi không gian xa cách.

Thi sĩ Thế Lữ đã xuất thần viết bài thơ "Nhớ Rừng" diễn tả tâm trạng của một con hổ, Chúa Tể Sơn Lâm, chẳng may bị sa cơ lỡ vận và bị nhốt trong chuồng. Mỗi một lời thơ, mỗi một câu thơ đã diễn tả rất đúng tâm trạng hiện tại của anh em chúng ta:

Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
... Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu!

Có những đêm tôi nằm thao thức. Tôi tự hỏi tôi: Người ta gọi tôi là "Thầy". Người ta gọi tôi là "Giảng Sư". Thày là gì? Giảng sư là chi? Giảng sư là người dẫn đường chỉ lối cho sinh viên. Vậy thì đường tôi đang đi là đường gì? Lối tôi đang đi sẽ dẫn tôi về đâu?

Thú thực với quý vị: Tôi không có câu trả lời. Tôi hoàn toàn bí. Tôi đau đớn. Tôi toát mồ hôi lạnh.

Người đàn bà mang thai đau đớn, toát mồ hôi, còn cố gắng rặn ra được đứa con. Chứ còn đầu óc tôi rỗng tuếch, không rặn ra được cái gì cả.

Nhưng thật là may mắn. Tôi nhớ lại tư tưởng của một nhà đạo đức học và tôi xin được ứng dụng nó vào hoàn cảnh của những người Việt Nam tị nạn như chúng ta.

   Tôi sinh ra trong lúc thế chiến thứ nhì đang tàn sát thế giới. Nạn đói năm Ất Dậu 1945 đã làm chết 2 triệu người miền Bắc Việt Nam. Tôi ước mơ phải làm một điều gì đó để mang lại hòa bình cho toàn thể thế giới.
Nhưng hiệp định Genève năm 1954 chia đôi đất nước và tôi phải di cư từ Bắc vào Nam. Lúc đó, tôi 14 tuổi. Tôi bỏ mộng xây dựng thế giới hòa bình và thu hẹp giấc mơ lại để chỉ mong phải làm gì cho quê hương đất nước Việt Nam thôi.

   Rồi năm 1975, tôi chưa kịp bước chân vào chính trường thì miền Nam thất thủ. Tôi bỏ nước ra đi. Thế là mộng mị cho đất nước cũng tan thành mây khói. Lại một lần nữa, tôi thu hẹp giấc mộng để cố gắng xây dựng gia đình của tôi mà thôi.

   Sang đến xứ Mỹ này, con cái lấy TV, máy computer và điện thoại làm cha và lấy tủ lạnh làm mẹ. Chúng chẳng cần đến tôi và tôi cũng chẳng cần đến chúng. Năm nay bước vào tuổi già, bắt đầu ăn tiền già và đã mua bảo hiểm để chuẩn bị từ giã gia đình, sống những chuỗi ngày cuối cùng trong viện dưỡng lão. Giấc mộng hiện tại của tôi bây giờ chỉ còn thu hẹp vào sự liên kết với Trời Phật ở bên kia thế giới mà thôi.

Và, kính thưa quý vị, thưa các bạn. Đó là con đường định mệnh mà Trời Phật đã an bài.

Các vĩ nhân trên thế giới,

Các anh hùng của các quốc gia,

Những người cha, người mẹ trong các gia đình cũng chỉ có một con đường đó thôi, không có đường nào khác để lựa chọn.

Nếu tôi tin Phật, tin có kiếp luân hồi thì khi nào gặp Phật, tôi sẽ tình nguyện xin Phật đừng đưa tôi về cõi Niết Bàn vội, mà hãy trả tôi về đầu thai kiếp khác và cho tôi trở về Học Viện CSQG Thủ Đức. Chúng ta cùng hẹn nhau ở đó, xây dựng lại một lực lượng cảnh sát tốt hơn để không bị mất nước nữa.

Còn nếu tôi tin Chúa thì không có kiếp luân hồi. Một mình tôi và chỉ có mình tôi thôi cô đơn với hai bàn tay trắng đi về bên kia thế giới để gặp gỡ Thượng Đế. Vậy tôi phải chuẩn bị cuộc sống ngay từ bây giờ để cho ngày gặp gỡ ấy được tốt đẹp. Tôi phải làm sao? Tôi đã có câu trả lời rồi.

Tôi sẽ gắn trên trán tôi huy hiệu của Học Viện CSQG, với hai khẩu hiệu phải theo:

Thứ nhất, "Kỷ Luật". Sống đúng kỷ luật của quốc gia thì tôi là một công dân tốt. Sống đúng kỷ luật của Thượng Đế thì tôi là một tín đồ tốt của Thượng Đế.

Thứ nhì, "Danh Dự". Trời đã sinh ra tôi là một con người. Con người cai trị mọi loài động vật khác trên trái đất này. Tôi gìn giữ danh dự con người của tôi và tôi tôn trọng danh dự người khác.

Tóm lại, trước đây tôi đã hãnh diện về Học Viện CSQG, bây giờ tôi vẫn còn hãnh diện và mãi mãi tôi sẽ hãnh diện về Học Viện CSQG với hai châm ngôn mà tôi phải tuân giữ cho đến già và cho đến chết: "Kỷ Luật và Danh Dự".