main billboard

 

Sài Gòn, 20.07.19..

Thao thân,

Nhận được thư mày sáng hôm kia, tối nay, tao mới rảnh để trả lời. Mong thư mày kinh khủng, có những lúc tao ngóng từng ngày, từng ngày, nhưng chẳng nhận được gì cả, đến khi bắt đầu nản thì thư mày lại đến, có khi hai ba bức một lượt. Đúng là chơi trò cút bắt, buồn cười quá hả mày?

Lần này, thư mày gửi cho tao và cho con Quỳnh đến cùng một lúc, nó mừng dữ lắm đó Thao. Tội nghiệp con nhỏ, trưa nào, khoảng 2:30, 3 giờ, nó cũng đứng lóng ngóng trước cổng đợi ông phát thư, rồi lúc ổng đi ngang, nó vào nhà, mặt buồn xo. Còn 1 tháng nữa là tựu trường, mẹ tao với tao tính mua cho nó một chiếc xe đạp để đi học. Lúc trước có mày chở, bây giờ nó toàn đi bộ đến trường rồi lại lóc cóc đi bộ về, trường tao lại ngược hẳn đường, giờ học cứ tréo cẳng ngỗng, nên không thể nào đưa đón nó được. Nó đã ốm như mèo, năm nay lại thi tú tài… Xót cho con Quỳnh, nhưng kẹt quá Thao à, không biết có mua nổi xe cho nó không nữa, cả nhà vừa làm thêm, vừa nhịn ăn nhịn tiêu, mà tiền dành dụm được chẳng là bao nhiêu so với giá mua xe đạp. Mày biết đó, bố tao vẫn còn học tập ngoài Bắc, mẹ tao, ngoài quầy hàng, bây giờ còn nhận đan thêm dép nylon, cả con Quỳnh khi rảnh cũng xúm vào đan phụ, còn tao, ngoài giờ học, nhận dạy kèm thêm chỗ này chỗ nọ. Đồng tiền kiếm được mỗi lúc một khó khăn, mà vật giá cứ leo thang vùn vụt, nên dành dụm được một món tiền nhỏ lại đúng là chuyện lớn của gia đình tao.

Thằng Đức vẫn liên lạc với tao đều. Nó khoẻ, đang ở Battambang, làm hậu cần nên không phải trực tiếp chiến đấu. Tao phục nó sát đất, ở đâu, nó cũng tếu được mày ạ. Chép cho mày đọc một đoạn thư của nó để thấy thằng bạn “trời đánh” của tụi mình vẫn y như hồi nào: “Ô! Côn s’rây, côn p’rô kh’mao kh’mao ná! Côn s’rây Kampuchia óc sa-át, mao nâu kh’mao. Kh’nhôm óc chô-chất côn s’rây Kampuchia, kh’nhôm chô-chất, sa-lanh côn s’rây P’ring-Cô, côn s’rây P’ring-Cô so chiêng, sa-át chiêng. Có nghĩa là : Ôi! Con gái, con trai đen, đen lắm! Con gái Kampuchia không đẹp, lại còn đen nữa. Tôi không thích con gái Kampuchia, tôi thích và yêu con gái Sài Gòn, con gái Sài Gòn trắng hơn, đẹp hơn… Cảm tưởng của tao về con người Kampuchia chỉ có nhiêu đó thôi. Nói vậy chứ, cũng tuỳ nơi, tuỳ chỗ mà nhận xét, tao nghe nói mấy cô ở Phnom Penh cũng “chiến” chẳng kém mấy cô ở Sài Gòn …” Nó vẫn khỉ khọt quá mày hả, có cái, nó không viết thư trực tiếp cho mày được đâu, vì sao, chắc mày cũng hiểu, còn nếu muốn viết cho nó, cứ gửi, để tao chuyển.

Còn nhớ Mộng Dung tổ 4 lớp mình không? Dung mới lấy chồng, sừ Hân cận 12C5, không ai khác hơn! Tụi nó hay quá hả Thao? Hôm đám cưới Dung, tao có gặp thầy Thức, thầy nhắc mày mãi, đúng là học trò cưng có khác! Nhớ viết thư thăm thầy nghe Thao.

thu cho thao

Bảo Huân

Ngân với tao vẫn vậy thôi, vẫn yêu nhau và vẫn lo sợ. Nghe nói ba Ngân bên Pháp đang chạy vạy ráo riết, gia đình Ngân sẽ qua đó trong vòng vài tháng nữa thôi. Thời gian còn lại quá ít ỏi, nên tao phải cố tiết kiệm từng phút, từng giờ để đến với Ngân và phải luôn luôn làm mặt “tỉnh” dù trong bụng cứ rối bòng bong. Không có mày, nhiều lúc tao điêu đứng vì không còn ai làm “sứ giả hoà bình” chịu dàn hoà mỗi lúc hai đứa giận nhau. Nhưng rồi cũng đến lúc đâu còn ai thèm giận tao nữa, đến lúc đó, tao cũng sẽ “mồ côi” như mày, như con Quỳnh vậy, hả Thao?

Lúc này mày khoẻ và lên cân đều đều chứ? Tao vẫn vậy, chẳng có gì đặc biệt cả, nếu khác trước, chắc chỉ gầy và già đi thôi. Ba mẹ mày mạnh khoẻ, tao vẫn thường ghé qua thăm hai bác. Con Uyển, thằng Sơn nhớ mày lắm. Tụi nó ngoan và chăm học, y hệt mày… hồi nhỏ!

Thao ơi, bây giờ mày đang làm gì vậy? Đang ngồi nghe giảng bài trong lớp, đang cặm cụi tìm tài liệu trong thư viện, hay lại đang ngồi nhớ đến Sài Gòn, đến người thân? Quanh tao, mọi người đều đã ngủ cả, trời mưa dầm dề, mấy hôm nay cứ u ám cả ngày như đang bão rớt. Mày biết không, có những lúc tao đi qua một con đường hay bước vào một quán chè, một quán cà phê quen thuộc, bỗng chợt nghĩ đến mày, đã có lần cùng tao góp mặt ở chỗ đó, kể cho tao nghe một mẩu chuyện nhỏ, bình phẩm cái này, chê bai cái nọ, tâm sự lẩm cẩm, linh tinh … tao lại nhớ mày thật nhiều, nhớ lắm, Thao à! Có những buổi chiều không giờ dạy thêm, tao lang thang khắp trung tâm thành phố, đi mà chẳng biết đi đâu, chẳng thiết mua sắm gì. Chắc lúc đó, trông tao không giống ai cả, và thiên hạ có thể sẽ tưởng tao là một thằng khùng hay một thằng thất tình chán đời nào đó. Ừ, mà tình bạn, cũng là một thứ đáng quý, đáng trân trọng lắm chứ, phải không Thao? Làm sao mà không buồn khi mất nó, khi thiếu vắng nó được. Đọc thư, tao biết mày cũng đang buồn lắm, tâm hồn mày khó có thể hợp được với cái xã hội quay cuồng vội vã nơi mày đang sống, và mày lại một thân một mình, không gia đình, bè bạn, người yêu … Có lẽ tao với mày phải tự khuyên mình và khuyên nhau cố gắng vượt qua tất cả, vì tụi mình vẫn còn trước mặt con đường dài của cuộc sống, còn tuổi trẻ và tương lai. Tương lai của mày, hãy cố nắm lấy và vươn lên, còn của tao – ít nhất là trong lúc này – chỉ đáng cười mỉa và lắc đầu.

Tao vẫn tập đàn đều. Những buổi tối, như hôm nay, mưa và buồn, tao cứ muốn ôm mãi cây guitare trong lòng. Những nốt nhạc như chảy ra theo ngón tay bấm phím, bài đàn như tuôn ra từ nơi sâu kín nhất của tâm hồn. Tao đàn, nhiều lúc quên mất cả thời gian, quên mất cơn buồn ngủ, quên hết! Mày vẫn còn thích bài “Come back to Sorrento” chứ? Mỗi lúc đàn lại bài đó, tao lại nhớ đến những lúc mày ngồi bên tao, hút thuốc, nghe đàn và đôi khi hát theo nho nhỏ. Tao cứ mong mày sẽ về với tao, dù chỉ trong giấc ngủ chập chờn, và một ngày nào đó, thật gần, mày bằng xương bằng thịt sẽ “trở về mái nhà xưa”, trở về với Việt Nam, với Sài Gòn, với mọi người. Lúc ấy, tao sẽ dang rộng hai tay để đón mày, để nhìn mày, để cười và khóc… Chắc mày cũng chờ đợi cái ngày đó phải không Thao, và có thể, mày còn mong nó đến hơn tao gấp bao nhiêu lần nữa, đúng không Thao?

Thư viết dài quá rồi, tao ngừng ở đây. Đã hơn nửa đêm, cơn mưa chưa dứt, tao cũng chưa thấy buồn ngủ, nhưng vẫn phải đi nằm để lấy sức ngày mai còn làm việc. Tao tắt đèn đây. Chúc mày ngủ ngon, Thao.

Thân,

Sài Gòn, 21.11.19..

Thao thân,

Trước tiên, phải xin lỗi ngay vì mấy tháng nay không viết thư cho mày. Thông cảm nghe! Không nói ra, chắc mày cũng hiểu vì sao rồi chứ hả, mày vẫn tự nhận là luôn đoán trúng phóc ý nghĩ của tao mà! Chủ Nhật vừa rồi về nhà, thấy có thư mày trên bàn, tao mới sực nhớ là quên chưa trả lời thư trước, nhận được cách đây cũng hơn 2 tháng. Nhưng con Quỳnh thì chắc viết cho mày đều, phải không, nên hy vọng mày cũng biết được kha khá tin tức ở nhà mấy tháng qua.

Con Quỳnh rớt đại học rồi, nó khóc suốt 2 ngày đó mày. Tao có nhờ người quen xem điểm, biết nó đậu, nhưng lý lịch gia đình tao đen quá, nên điểm phải tăng thêm, rốt cuộc, con nhỏ đủ điểm thi nhưng thiếu điểm lý lịch nên bị rớt. Phải giấu mẹ tao và nó, biết chỉ thêm buồn, thêm ức. Tội nghiệp con nhỏ, vẫn đang ôn bài để chuẩn bị thi lại năm sau. Nó vẫn hy vọng, tao thì không muốn nó mất niềm tin, nên cứ phải tiếp tục giấu…

Ngân sang Pháp đã 3 tháng nay, vẫn viết thư cho tao thật đều, có tuần, nhận một lúc 3 bức thư, nên tao nghĩ, vẫn yêu tao. Nhưng Thao ơi, tao sợ cái thuyết tương đối lắm, sợ thời gian và sợ cả câu ngạn ngữ “Xa mặt, cách lòng”. Ngân chờ đợi tao được bao lâu, và chờ đợi để làm gì? Mày thấy đó, gia đình tao đâu có thân nhân để bảo lãnh như gia đình Ngân, lại càng không có tiền bạc, cây cối để ra đi như mày, biết dựa vào đâu mà dám mơ ngày gặp lại? Cao quá tầm tay vói của tao, viển vông và vô vọng! Ngân đang thích ứng dần với cuộc sống mới, tao cũng đang phải vật lộn để làm quen với đất đai và con người ở vùng nông thôn ngoại thành này. Tụi tao chỉ có thể kể lể, tâm sự với nhau qua những dòng chữ, và thỉnh thoảng, gặp gỡ nhau trong những giấc mơ ngắn ngủi, để khi tỉnh dậy, lại ngẩn ngơ. Không biết Ngân thế nào, chứ tao, chỉ một viên ô mai, một cơn mưa bóng mây… cũng đủ để tao nhớ đến Ngân, đến tình yêu của hai đứa. Nhiều lúc, tao tìm đủ mọi cách để tập quên, nhưng những vật vô tri quanh tao hình như đều ẩn chứa một linh hồn trong suốt, và chúng cứ bắt tao phải soi gương vào kỷ niệm để mà buồn, mà nhớ, nhớ rồi lại buồn. Tao không biết cái vòng luẩn quẩn đó sẽ theo ám ảnh tao cho đến khi nào mới dứt nữa, Thao.

Tao đi dạy được gần 2 tháng rồi đó. Bị bổ nhiệm về cái vùng khỉ ho cò gáy này, tao chưa biết sẽ dùng thời gian rảnh rỗi để làm gì nữa, chứ cứ nhìn nó trôi phí đi thì tiếc quá! Buổi sáng, tao với một tên nữa, Khải, chèo xuồng đến phân hiệu, cách trường hơn 2 cây số. Phân hiệu của tụi tao chỉ đúng có 2 lớp, mái lợp tranh, trống hốc trống hoác, nằm chơ vơ giữa đồng, với lèo tèo khoảng 30 học sinh. Tụi tao tha hồ làm vua, muốn dạy thì dạy, muốn nghỉ cứ nghỉ. Nói vậy, chứ nhìn đến học sinh, ai lại nỡ làm vậy! Học sinh của tao nghèo và chơn chất lắm mày, khác hẳn trẻ con Sài Gòn. Lúc mới về dạy học, thấy tụi nó đi chân đất, tao bắt phải mang dép. Tụi nó cũng cố cày cục xin tiền mua, rồi vẫn đi chân đất trên mấy bờ ruộng, một tay cầm tập vở, bình mực, một tay xách đôi dép, tới lớp, mới len lén xỏ vào chân, vì một mặt sợ thầy, mặt khác, lại sợ làm… mòn dép! Nhìn cảnh ấy, tao vừa buồn cười, vừa thương tụi nó. Mày biết không, hôm qua 20 tháng 11, ngày nhà giáo, tụi nó khệ nệ bưng đến nào chục trái cây, nào rổ trứng vịt, với hàng ôm hoa sen, hoa súng, hoa râm bụt… Những món quà, những bông hoa cũng đơn sơ, mộc mạc như tâm hồn tụi nó vậy. Tao cảm động đến nghẹn lời và hiểu rằng nghề giáo viên bán cháo phổi, tuy bạc bẽo, nhưng vẫn có những giây phút quý báu mà không nghề nào khác có thể có được. Nhiều khi tao không nghĩ mình là thầy nữa, mà là một người anh lớn của 18 đứa em nhỏ ngây thơ, chậm hiểu, nhưng hiếu học và biết vâng lời. Có đứa đến lớp ngồi khóc suốt buổi vì ba má bắt nghỉ học ở nhà chăn vịt, làm ruộng, tao phải đến tận nơi, nói tới nói lui chỉ để xin một điều bình thường mà nhiều đứa trẻ khác xem như gánh nặng, như hình phạt: tiếp tục bài luận văn, con tính đố, bản đồ địa lý, trang lịch sử… Học trò nhà nghèo thường hiếu học, đúng không mày? Buổi chiều, tao chấm bài, soạn giáo án, tập đàn hoặc đọc sách, tắm giặt, cơm nước xong là trời đã xâm xẩm tối. Cả phòng chỉ vặn có mỗi một ngọn đèn ú nhỏ xíu để tiết kiệm dầu. Lúc đó, tụi tao chỉ còn biết chui vào mùng tán dóc, vì muỗi ở đây cũng thuộc loại “kêu như sáo thổi”, chán rồi ngủ quên. Một ngày trôi qua như vậy, và, ngày nào cũng như ngày nấy. Tụi tao thiếu thốn đủ mọi thứ của thành phố, từ người thân, TV, ciné, báo chí đến ly cà phê, que kem, cục nước đá, thậm chí nước để tắm giặt, nấu nướng đôi khi cũng thiếu. Kinh rạch quanh đây như mạng nhện, nhưng chỉ rặt một nòi nước lợ, vì vậy, đứa nào cũng ngong ngóng sáng thứ Bảy về Sàigòn, để rồi chiều Chủ Nhật ra bến Bạch Đằng đón đò lên đây với một lô chuyện làm quà kể cho nhau nghe suốt 5 ngày còn lại trong tuần. Cho nên tụi tao dễ thân và thông cảm với nhau lắm, có khi còn hiểu nhau hơn anh em trong nhà nữa. Đứa nào cũng biết bạn mình có những niềm vui, nỗi buồn nào, thương ai, nhớ ai, thù cái gì, ghét cái gì và biết giúp đỡ nhau khi ốm đau, thiếu thốn. Nói vậy chứ, thỉnh thoảng vẫn có cãi cọ, so bì, giận dỗi – con người mà – nhưng những đứa còn lại tự động đứng ra dàn hoà, khuyên bên này một tí, bên kia một chút, rồi đâu cũng vào đó… Nếu cuộc sống chỉ có khó khăn vật chất và thoải mái tinh thần như vậy, tao chấp nhận được, đàng này, mỗi lần về nhà, thấy mẹ tao vừa buôn bán vừa phải chạy đôn chạy đáo mượn tiền mua thuốc gửi ra Bắc cho bố bị đau dạ dày nặng, con Quỳnh vừa lo cơm nước vừa ôm cuốn sách học gạo thi với mấy đôi dép đan, trong khi tao, đã không kiếm được tiền dạy thêm như hồi trước, lại thỉnh thoảng phải ngửa tay xin mẹ, vì tiền lương có tằn tiện cách mấy cũng chỉ đủ tiêu trong vòng 3 tuần lễ. Tao đã làm quen được phần nào với cuộc sống xa gia đình, xa thành phố, với tiếng mưa sàn sạt trên mái tranh thay vì bồm bộp trên lớp tôn ở nhà, với tiếng gió đẩy rạp hàng vạn lá lúa xáo xác níu lấy nhau thay cho cái vặn mình nặng nhọc của cây me trước cửa, với tiếng ễnh ương kêu khuya thế chỗ khúc giao hưởng trong radio ông cụ nhà hàng xóm thường vặn mỗi tối, với cả những đêm không ngủ vì mưa dột ướt chỗ nằm … nhưng không thể nào tao quen được với cái ý nghĩ mình phải làm một con vật ký sinh sống bám vào gia đình, không thể nào tao quen được đôi mắt buồn buồn và tiếng thở dài cố nén của mẹ mỗi chiều Chủ Nhật khi xách túi ra khỏi nhà để lên đây. Tao cứ tự dằn vặt mình vì không biết rồi đây sẽ phải nghĩ gì, làm gì. Có lúc tao nổi loạn, tao phát khùng, tao muốn hét thật to, tao muốn xé, muốn đập, muốn hất tung những gì nắm trong tay, thấy được trước mắt, những gì trói buộc tao vào cuộc sống tù túng này. Có lúc tao hút thuốc rồi lại ngồi vơ vẩn đốt từng que diêm, nhìn ánh lửa sáng loè lên rồi tàn lụi đi trong chớp mắt, cho đến khi hộp diêm trống rỗng. Nhìn những xác đen nằm còng queo, vương vãi quanh chân, nhiều khi tao nghĩ đến thân phận mình. Người ta cứ hô hào “Tất cả vì học sinh thân yêu”, ừ, đúng đấy, không cần nói, tự tao thấy trách nhiệm của một giáo viên phải là như vậy, nhưng ai sẽ vì bố tao còn chưa biết ngày về, vì mẹ tao đầu đã bạc mà vẫn còn tất tả ngược xuôi, vì con Quỳnh chân chưa bước vào đời mà đã nếm mùi thua thiệt, vì cả cái thằng tao này, gọi là có việc, có lương hẳn hoi, vẫn chưa tìm được điểm sáng nào trong tương lai mịt mù phía trước…

Thằng Đức mới viết cho tao, báo đã nhận được thư mày kèm chung với thư tao gửi. Nó kể: đơn vị ở gần một cái hồ thuỷ lợi, mùa mưa, dân đóng cửa đập, nước tràn vào doanh trại, nên nó nằm ngủ cách mặt nước có 3 tấc, một hôm, đang đêm, cựa mình lăn tòm xuống, được uống nước sình một chầu no bụng. Nó cũng khoe là mới lên thêm một ký nữa, mặc dù ăn cơm chỉ toàn với rau muống và nước chấm ‘đại dương” hoặc thỉnh thoảng có thêm chút canh “bát tiên quá hải”! Mày thắc mắc hả: nước muối với 8 con tôm khô! Có lúc, tao muốn được như nó, làm việc, tếu và ít nghĩ ngợi, để dòng đời muốn đưa, muốn đẩy đến đâu thì đến, chấp nhận tất cả… Nhưng có một thứ gì đó trong tao lúc nào cũng cản lại, lúc nào cũng thôi thúc trí óc tao phải suy nghĩ, so sánh, phải biện giải, phân tích những sự việc đang xảy ra quanh đây, cứ bắt tao phải khổ sở với những bài toán không lời giải đáp…

Còn mày thì sao? Vẫn đi học, đi làm thêm, chơi thể thao? Tao nghĩ mày đã bắt đầu hoà nhập vào với cuộc sống mới rồi đó Thao. 2 năm rồi còn gì, thời gian trôi nhanh quá! 2 năm, với mày, với tao, có biết bao thay đổi. Mày như dòng sông đổ ra biển, càng đi xa, càng thấy nhiều, càng lớn rộng. Còn tao cứ mãi quẩn quanh bên mặt ao tù nhỏ cạn, mỗi ngày một chật hẹp, đen đúa thêm. Mày đi, thằng Đức đi, Ngân đi, tao cứ phải ở lại để làm người đưa tiễn, để thấy mất dần từng phần xác, phần hồn yêu quý. Một hôm, đọc Nguyên Sa, tao nổi da gà vì thấy tâm trạng mình được nhà thơ viết ra đúng hệt từ bao nhiêu năm trước:

Sao người không là một con đường

Sao tôi không là một ga nhỏ

Mà cũng có những giờ gặp gỡ

Cũng có những giờ chia tan?

Mày có tin rằng hợp rồi sẽ tan không? Mày có tin vào số phận không Thao? Tao không muốn tin, tao cố chống lại, nhưng rồi đôi khi, tao cảm thấy bất lực, tao cảm thấy mình nhỏ nhoi, yếu đuối, nhu nhược quá, không điều khiển nổi chính bản thân mình nữa là tính đến những chuyện cao xa, lấp biển vá trời. Nhiều đêm khó ngủ, tao cứ tự hỏi có phải tao là một thằng bất tài, vô dụng, chỉ biết mơ mộng và nghĩ ngợi bâng quơ, hay tao là một kẻ quá nhiều tham vọng nhưng lại quá ít mưu trí? Cứ hỏi và cứ mãi tìm câu trả lời…

Đọc lại thư, thấy tao viết hơi điên, kệ, mong mày hiểu được những gì tao nghĩ. Đừng chờ thư, khi tiện, tao sẽ viết. Không quên mày đâu, lúc nào mày cũng là thằng bạn thân hiểu tao nhiều nhất mà, phải không Thao?

CN – Thiais 03.2024