Home Văn Học Tùy Bút Vua Duy Tân và Bài Thơ Còn Lại (Kỳ 2)

Vua Duy Tân và Bài Thơ Còn Lại (Kỳ 2) PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngự Thuyết   
Thứ Ba, 13 Tháng 3 Năm 2012 06:20

“Tay bẩn lấy nước mà rửa. Nước bẩn lấy chi rửa?” ... “Nước bẩn lấy máu mà rửa.”

(Tiếp theo và hết)

                              Vua Duy Tân

Bài Quốc Hận trước hết gây kinh ngạc nơi tôi. Thời Tây đô hộ mà có người dám viết như thế! Không sợ đi tù sao? Báo lại dám đăng, rất tiếc tôi không nhớ tên tờ báo ấy, không sợ bị đóng cửa sao? Nhà cầm quyền Pháp ít người biết tiếng Việt đã đành, nhưng còn tai mắt của họ nữa chứ. Những người làm thông ngôn, dịch thuật, những người điềm chỉ ở đâu cả? Hay là họ cũng còn một chút lương tâm không nỡ lùng bắt người yêu nước cùng nòi giống? Và tác giả bài thơ? N.V.T. là ai? Từ đó về sau tôi cố tìm tác giả N.V.T. trong những tạp chí văn học nhưng không bao giờ gặp. Hỏi mấy vị làm văn học, không ai biết, không ai thấy bút hiệu đó. Hay nhà thơ sau khi cho đăng bài thơ cũng đã bị đi đày? Hay đã chết trong "xiềng xích ngục tù"? Lại còn gọi vua Duy Tân là thi sĩ.


Tôi biết rằng trong ba vị vua bị Pháp đày qua Phi châu, vua Hàm Nghi giỏi về hội họa có nhiều lần trưng bày tranh giá trị tại Pháp, vừa rồi đây, một số tranh của nhà vua được chủ nhân của nó là người Pháp mang ra bán đấu giá tại Los Angeles; vua Thành Thái, thân phụ của vua Duy Tân, thì giỏi thơ. Người ta chỉ nhắc nhở rằng ba vị vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều để lại nhiều thơ, nhất là vua Tự Đức, nhưng ít ai biết vua Thành Thái cũng có làm thơ, nhiều bài hay và đầy giọng cảm khái. Năm 1902 nhân dịp ra Hà Nội khánh thành cầu Paul Doumer nay là cầu Long Biên bắc ngang qua sông Nhĩ Hà tức sông Hồng, vua Thành Thái làm bài thơ sau đây:

Hoài Cổ

Kỷ độ tang thương kỷ độ kinh
Nhất phiên hồi thủ nhất phiên tình
Ngưu hồ dĩ biến tam triều cuộc
Hổ động không dư bách chiến thành
Nùng lĩnh phù vân kim cổ sắc
Nhĩ Hà lưu thủy khấp ca thanh
Cầm Hồ đoạt sáo nhân hà tại
Thuỳ vị giang sơn tẩy bất bình

Ông Nguyễn Trọng Cẩn dịch qua tiếng Việt:
Biển dâu dời đổi trải bao nhiêu
Ngoảnh lại càng đau ruột chín chiều
Bến cũ ba triều trâu mép lấm
Lũy xưa trăm trận cọp nằm queo
Bức tranh mới cũ mây Nùng chấm
Khúc nhạc vui buồn nước Nhĩ reo
Hàm Tử Chương Dương còn chốn đó
Non sông luống để bụi trần đeo

Nhà thơ Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn cũng có làm nhiều thơ ca tụng vua Thành Thái, đi đày vì bị Pháp kết tội “điên”. Bây giờ những nhà yêu nước ngoài tội “điên”, còn có tội “trốn thuế”. Mười bài thơ thất ngôn bát cú của Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn lấy nhan đề chung là “Tiếng Gọi Bên Trời” để thay lời bà Nguyễn Thị Định, vợ vua Thành thái, khóc vua Thành Thái, xuất bản tại Huế năm 1937. Xin ghi lại dưới đây bài thứ nhất:

Xã tắc khôn nhìn, nữa vợ con!
Trăm năm hết tính cuộc vuông tròn.
Nguyền xưa vàng đá trôi dòng nước,
Hồn cũ mây mưa cách mấy non.
Mờ mịt ven trời tin nhạn lạc,
Gập ghềnh đất khách vó câu von.
Phần sầu, phần giận, phần trông nhớ,
Mắt đã mòn thêm ruột lại mòn!

Thế còn vua Duy Tân? Trước kia tôi chỉ nghe nói ông sửa chữa các loại máy truyền tin làm kế sinh nhai khi sống cuộc đời lưu đày trên một hòn đảo ở Phi châu. Đến khi đọc bài Quốc Hận với lời đề tặng “Kính tặng vua Duy Tân thi sĩ” tôi lấy làm lạ. Vua Duy Tân cũng là một nhà thơ chăng? Tôi bèn tìm hiểu về nhà vua qua các sách báo, mà tài liệu chính là Hồ Sơ Vua Duy Tân (Thân Thế và Sự Nghiệp) của Hoàng Trọng Thược, in lần thứ hai, Nhà Xuất Bản Mõ Làng, San Francisco, USA, do Đào Đăng Vỹ đề tựa. Sách dày trên 400 trang.
Thì ra vua Duy Tân không những làm thơ hay mà còn có nhiều tài lạ. Ông thông minh xuất chúng, học rất giỏi nhiều môn kể cả chữ Hán và chữ Pháp, lại giỏi âm nhạc, chơi giỏi cả năm thứ đàn, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị, và đàn bầu. Về sau sống trên đảo, ông chơi đàn vĩ cầm, có chân trong một ban nhạc đại hòa tấu của đảo Réunion.

Theo Georges Chaffard trong cuốn Les Carnets Secréts de la Décolonisation (1965), “...vua Duy Tân tự học đậu tú tài Pháp, học thêm Luật, Sinh Ngữ, Vô Tuyến Điện. Rất giỏi tiếng Pháp, nói thông thạo tiếng Anh và Y Pha Nho. Nhà vua thường làm thơ và viết bài đăng trên báo chí địa phương, hoặc diễn thuyết về các đề tài khoa học. Ông biết cả môn nhiếp ảnh, từng đoạt giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa Học Kỹ Thuật của Réunion. Ông cũng là một nhà kiếm thuật tài ba, những đấu thủ về môn thể thao này thường tìm đến so kiếm với ông.”

Vua Duy Tân qua đời năm 1945, hưởng dương 45 tuổi. Năm 1992 một đại lộ của thành phố Saint Denis (Réunion) lấy tên ông: BOULEVARD du PRINCE VINH – SAN.

Ngay từ khi lên ngôi vua lúc mới tám tuổi, ông đã rất chửng chạc, già dặn, khôn ngoan vượt xa những đứa bé cùng lứa tuổi. Ông cư xử như một người lớn. Một điều lạ lùng, ở tuổi ấy, ông tỏ ra rất quật cường. Ông Eberhardt, người phụ đạo dạy tiếng Pháp cho nhà vua, nhận xét: “Vị Hoàng Đế này sẽ là một nhân vật quan trọng.” Dưới mắt của ông Brieux thuộc Hàn Lâm Viện Pháp, thì: “Cậu vua con nói tiếng Pháp và hiểu tiếng Pháp cũng khá...” nhưng “đôi khi nó thốt ra những câu nói xấc xược.”

Năm mới 13 tuổi, nhà vua đã muốn cử Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài sang Pháp yêu cầu duyệt lại Hiệp Ước Patenôtre ký năm 1884 vì chính phủ Bảo Hộ ở Đông Dương đã không thi hành Hiệp Ước một cách đúng đắn. Cả triều đình sợ hãi, nhưng có lẽ sợ Pháp hơn nên không một ai đồng thuận với vua. Có lần nhà vua hỏi Thượng Thư Bộ Học Hồ Đắc Trung: “Thầy nghĩ sao về người Pháp đô hộ ta?” Một lần khác nhà vua phàn nàn: “Không có ông Thượng Thư nào chịu nghe tôi cả. Tôi làm vua chỉ có hư danh mà thôi...” Thượng Thư Bộ Công Nguyễn Hữu Bài bèn tâu: “Ngài muốn đánh Pháp ư? Được rồi! Nhưng Ngài lấy gì mà đánh. Ngài không có tài chánh cũng không có quân đội...”

Xin ghi thêm một giai thoại:
Một hôm trên bãi biển cửa Tùng ngoài Quảng Trị, nhà vua, tính còn trẻ con, vốc cát chơi. Đến bữa ăn thị vệ mang nước đến cho vua rửa tay. Vua hỏi:
“Tay bẩn lấy nước mà rửa. Nước bẩn lấy chi rửa?”

Tưởng vua chê nước không sạch, các thị vệ hoảng sợ, ấp úng mãi, không biết trả lời làm sao cho khỏi mang tội khi quân. Vua cau mày nói tiếp:
“Nước bẩn lấy máu mà rửa.”

Lòng yêu nước thiết tha và mầm chống Pháp đã nẩy nở nơi nhà vua từ thuở nhỏ. Khi đã đến tuổi 17, năm 1916, vua Duy Tân, sau nhiều lần bí mật gặp các ông Trần Cao Vân, Thái Phiên, đã cùng họ khởi nghĩa đánh Pháp. Kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng, nhưng có người làm phản, cuộc khởi nghĩa thất bại, nhiều người bị bắt. Các vị đầu não của cuộc khởi nghĩa như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu đều bị chém đầu tại làng An Hòa gần Kinh Đô Huế. Nhà vua bị Pháp lột tước hiệu Hoàng Đế (Empereur), đổi thành Hoàng Tử (Prince), và bị đày qua đảo Réunion, một hòn đảo nhỏ thuộc Pháp gần Madagascar, phía nam châu Phi.

Vua Duy Tân sống lưu đày trên hòn đảo ấy kể từ cuối năm 1916. Những năm cuối thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, Đức tung lực lượng hùng mạnh xâm chiếm nhiều lãnh thổ của châu Âu, và Pháp cũng thua trận. Trước tình thế ấy, nhà vua tham gia ngay vào lực lượng kháng chiến của Pháp chống lại Đức gọi là Pháp Tự Do. Ông có dịp tiếp xúc với tướng De Gaulle, lãnh tụ của lực lượng Pháp Tự Do. Sau khi phe Đồng Minh thắng phe trục Đức,Ý, Nhật, bàn cờ thế giới được sắp lại.

Đối với Việt Nam trong ba nước Đông Dương thuộc Pháp cũ, De Gaulle có ý định dùng lá bài Duy Tân để ổn định tình thế. Trong cuốn Hồi Ký Chiến Tranh (Mémoires de Guerre, Plon, Paris 1954 et 1958), De Gaulle viết về vua Duy Tân: “...Đó là một con người đầy cương nghị. Ba mươi năm lưu đày chưa xóa nhòa kỷ niệm của vị vua ấy trong tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Ngày 14 tháng chạp tới, tôi sẽ tiếp Hoàng Tử và sẽ cùng Ngài xét xem, trên cương vị người đối thoại với người, hai chúng tôi cùng nhau có thể làm được những gì.”

Lập trường của tướng De Gaulle: “... Liên Bang Đông Dương sẽ cùng với nước Pháp và các nước khác trong cộng đồng hợp thành Liên Hiệp Pháp. Đối ngoại, quyền lợi của Liên Hiệp Pháp sẽ do nước Pháp đại diện. Trong Liên Hiệp ấy, Đông Dương sẽ hưởng một sự tự do riêng.”

Lập trường của vua Duy Tân được bày tỏ trong Di Chúc Chính Trị: “...nước Việt Nam thống nhất ba kỳ, độc lập hoàn toàn, và quan hệ với Pháp trong khối Liên Hiệp Pháp.” Trong lời Hiệu Triệu gởi Quốc Dân Việt Nam, nhà vua viết:
“... Xin đồng bào hãy quên đi trong giây lát những thống khổ của tâm hồn lẫn thể xác, cũng như hãy quên đi những lạc thú. Đồng bào hãy lắng tai nghe đây: Đó là tiếng nói của đất mẹ, của hồn thiêng tổ quốc. Tiếng nói ấy nhắn nhủ: ...Khi nào các con đã xây dựng được một quốc gia trong tâm hồn của các con, khi nào các con đã tự tay dựng lên một tổ quốc, khi ấy các con mới độc lập thực sự - một sự độc lập không nhờ vả ai mà là do một dân tộc đã ý thức được nhiệm vụ cao cả của mình tạo nên, chứ không phải là kết quả của những tranh chấp giữa các đại cường mà các con, đối với họ, chỉ là những món hàng trao đổi mà thôi.”

Hai lập trường nói trên rõ ràng là có điểm khác nhau.

Vua duy Tân dự định trở về cố quốc Việt Nam vào tháng 3 năm 1946. Trước khi trở về Việt Nam, ông muốn thăm vua cha, vua Thành Thái, và gia đình ở đảo Réunion. Cuối tháng 12, năm 1945, trên đường bay từ Paris đến Réunion, máy bay rơi. Sáu hành khách trên máy bay đều tử nạn, trong đó có vua Duy Tân. Một tai nạn phi cơ hay là một vụ mưu sát, cho đến bây giờ vẫn còn là một nghi vấn.

Ông sinh năm 1900, mất năm 1945, hưởng dương chỉ 45 năm, với gần 30 năm sống lưu đày.

Khi tìm đọc những tài liệu về vua Duy Tân, tôi cũng có dịp đọc khá nhiều thơ, văn, thương tiếc và tưởng niệm cái chết bi thảm của vị Thiếu Đế yêu nước, anh hùng, tài cao, phận bạc. Những thơ văn ấy được viết viết khi nhà vua đã qua đời. Xin ghi lại đây bài Vịnh Vua Duy Tân của cụ Hoàng Trọng Thược:

Vì dân, vì nước phải lưu đày,
Hăm chín năm trường chịu đắng cay!
Tiết nghĩa trước sau bền một dạ,
Cương thường nặng nhẹ vững hai vai.
Đấu tranh sá kể vòng lao lý,
Hy vọng đem về cuộc đổi thay.
Vận nước, hỡi ôi! Còn lận đận,
Đại bàng gãy cánh giữa trời mây!

Và tôi lại nhớ cuốn sổ tay trong đó chỉ có một bài thơ duy nhất mà tôi thích, bài Quốc Hận của N.V.T. đề tặng vua Duy Tân thi sĩ, được viết khoảng cuối thập niên 1930 khi nhà vua đang sống lưu đày trên đảo Réunion.

Tiếc thay tôi không tìm ra được một bài thơ nào của “Vua Duy Tân thi sĩ” dù có nhiều tài liệu nói rằng nhà vua có làm nhiều thơ. Tôi chỉ có thể trích dẫn hai đoạn đầu viết bằng tiếng Pháp -- được biết nhà vua viết tiếng Pháp rất hay theo lời hai tác giả người Pháp E.P. Thébault và E. Revest -- trong bài “Ce Que Dit La Voix Des Choses”của nhà vua. Đó là một áng văn xuôi mang chất thơ, loại thơ trí tuệ:

“J’aime le murmure de la brise, quand elle chante ou pleure dans les branches. J’aime les confidences harmonieuses du vent aux arbres de la forêt, aux vagues de la mer, aux étoiles du firmanent. Mais plus encore ce qui me berce, me ravit, m’enchante, c’est la grande voix de l’océan, la plainte universelle qui retentit dans le silence de la nuit comme un hymne sans fin. Lorsequ’au coeur de l’été, je séjourne aux bords des plages, je me plais à écouter dans l’insomnie les variations de cette voix. Dans les nuits paisibles, on dirat la respiration d’un léviathan endormi, à d’autres heures, la voix s’enfle, gronde, devient menac,ante dans le fracas de la tempête.

La caresse ou la plainte des éléments n’est elle pas un écho de passions terrestres, le chant de la gloire et le cri d’un monde inférieur? Elles expriment tour à tour la joie ou la peine, la peur ou la violence, la douceur ou la colère. C’est un concert d’allégresse ou de souffrance qui se gradue de vibrations en vibrations, d’ondulations en ondulations jusqu’à l’infini pour se frondre dans la symphonie grandiose qui berce la jeunesse du monde et donne l’inspiration au génie. C’est pourquoi elles nous cause des impressions, des sensations indéfinissables et profondes, car elles reproduisent et résument toute la vie des êtres en leur perpétuelles métamorphoses.

Tạm dịch:
Tôi yêu tiếng thì thầm của cơn gió nhẹ ca hát hay than khóc trong cành cây. Tôi yêu những lời tâm sự êm ái của gió nói với cây rừng, với sóng biển, với sao trời. Nhưng hơn thế nữa, âm thanh ru tôi ngủ, khiến tôi thích thú, làm tôi ngây ngất, chính là tiếng nói của đại dương, đó là tiếng than rộng khắp vang dội trong cái tĩnh lặng của đêm khuya như một bản tụng ca bất tận. Ngay giữa lòng mùa hè khi dừng chân trên bãi biển, những đêm thao thức, tôi vui lòng làm sao được nghe những biến khúc của tiếng nói ấy. Vào những đêm êm ả, tôi tưởng như nghe hơi thở của loài thuỷ quái đang ngủ yên, lại có lúc nó vang dội, gào thét, đầy đe dọa như trong cơn bão tố tàn phá.

Tiếng vuốt ve hay tiếng than vãn của cảnh vật quanh ta phải chăng là tiếng dội của những đam mê trên cõi đời này, tiếng hát của vinh quang, tiếng kêu của thế tục. Những tiếng ấy lần lượt biểu lộ niềm vui hay nỗi đau, sự sợ hãi hay bạo tàn, sự dịu dàng hay cơn giận dữ. Đó là điệu hoan ca hay bi ca cứ thế vang lên thành từng chuỗi rung động, thành từng nhịp nhấp nhô bất tuyệt để chan hòa vào bản giao hưởng vĩ đại làm nên điệu ru cho tuổi trẻ, gợi hứng cho thiên tài. Bởi vây, bản giao hưởng ấy mang lại cho ta những ấn tượng, cảm xúc sâu xa, khó tả vì nó tái diễn và tóm lược tất cả cuộc sống của mọi loài trong quá trình biến thái không ngừng...”

Xin trở lại với cuốn sổ tay và bài thơ. Cuốn sổ tay ấy do chính tôi đóng lấy cách đây hơn nửa thế kỷ. Nó vẫn còn đấy sau bao vật đổi sao dời. Tôi rời Huế vào Sài Gòn học, nó đi với tôi. Tôi đi tù, nó ở nhà với vợ con tôi. Tôi lìa quê hương, nó được mang theo. Nay trông nó xộc xệch, xơ xác, nghèo nàn. Những sợi chỉ đóng ở gáy sút hoặc đứt nhiều nơi. Nhiều trang giấy bị mất hẳn hoặc rách. Nhiều dòng chữ phai mờ. Cố đoán cho ra chữ gì.

Tôi giở nhẹ từng trang. Giấy lâu ngày mỏng đi, mục đi, và dòn, mạnh tay nó rách hoặc vỡ ra từng mảnh nhỏ ngay. Lật đến bài Quốc Hận, tuổi nhỏ hiện về, lòng bỗng dưng bồi hồi. Nhưng tiếc thay, bài thơ ấy lâm vào tình trạng tệ hại nhất so với tất cả những bài thơ khác. Vì nó được chiếu cố nhiều nhất. Nó sứt chỉ, nó mòn vì thời gian đã đành, nó còn bị nhoè nhoẹt vì đụng chạm, và cả vì nước mắt nhỏ lên. Hồi đó tôi yêu nó quá, san sẻ cho vài ba thằng bạn, tụi này cũng thích, cũng cho rằng, trong phút nói thật, bài thơ này đôi lúc làm chúng nó khóc. Còn những bài kia, chép cho đầy giấy mà thôi. Tôi bảo chúng nó con trai đọc thơ, khóc, thì bết quá, như con gái. Nói cứng như vậy, nhưng riêng một mình, tôi đọc lui đọc tới bài ấy, nhiều lúc con mắt cũng cay. Nay nhiều chữ không thể đọc được, một số câu hoàn toàn không còn dấu tích, gần nửa trang thơ bị bể mất tiêu.

Tôi tự hỏi tại sao bài thơ ấy gây xúc động nơi chúng tôi đến thế? Vì trước kia chúng tôi bắt gặp được một thân phận ngang trái, một cuộc đời oanh liệt, nhưng quá bi thảm và quá ngắn ngủi. Và nay, vì cái liên tưởng giữa hai hoàn cảnh: Nhà vua trẻ tuổi yêu nước thời Pháp thuộc dưới nanh vuốt ngoại bang, và tuổi trẻ yêu nước hôm nay trong gông cùm tại chính quê hương mình. Và lẽ dĩ nhiên cái xúc động cũng đến từ lời thơ. Lời thơ chứ không phải là hình thức của bài thơ. Ai lại phí công phân tích cho rạch ròi biên giới của nội dung và hình thức của một bài thơ -- một việc làm bất khả. Vấn đề nội dung và hình thức trong tác phẩm văn học còn cần phải tốn thêm giấy mực, và vượt ra ngoài phạm vi của bài này.

Cho đến bây giờ, bài thơ cũ ấy vẫn để lại dấu ấn mạnh nơi tôi: Trang nghiêm, hào hùng, dũng cảm, và đầy xúc động. Như lời của người tôi trung bất lực nói với đấng minh quân thế cùng lực tận; như lời của người đồng chí nói với người đồng chí, của một người bạn với một người bạn, của người tình với người tình. Đó là những tình cảm, những tâm trạng rất đa dạng đan quyện vào nhau. Tôn kính, chăm chút, âu yếm, đau đớn, than van, sầu khổ. Hơn nữa, bài thơ tuy ngắn nhưng đã đưa người đọc đến những vùng không gian mênh mông, thời gian thăm thẳm, cùng với tính cách sử thi của nó. Cho nên nó mang dáng dấp của một bản anh hùng ca trữ tình, trầm buồn.

Rất tiếc bài thơ ấy không còn nguyên vẹn. Tôi cứ tưởng tôi có thể nhớ được trọn bài như hồi còn trẻ, nhưng lâu ngày trí nhớ mòn mỏi, chữ nghĩa mọc cánh bỏ tôi bay đi mất. Tôi đành mạo muội dựa theo ý tứ và cái khí hậu chung của toàn bài, dựa theo một số chữ rời rạc mà tôi còn nhớ, tìm cách chắp vá, thêm thắt, bổ sung, và với một chút tưởng tượng. Tôi ước mong có vị nào biết bài thơ này và tên thật của tác giả N.V.T. giúp tôi đăng lại nguyên văn bài thơ cũ.

QUỐC HẬN

Kính tặng vua Duy Tân thi sĩ


Quân Vương hỡi bao uy linh thuở trước
Nay còn chăng hay chỉ nén hương tàn Vương đã như chiếc én bạt ngàn
Đôi cánh nhỏ cố che trời bão nổi.

Kẻ Văn Thân cũng vì Vương khắc khoải
Nuốt căm hờn trên núi thẳm rừng sâu
Hay uổng thân trong xiềng xích ngục tù
Bỏ Thiếu Đế bơ vơ nơi lửa đạn!

Cho đến ngày
đất tối đen
trời thê thảm
Vương quẳng đao nhìn xã tắc ngửa nghiêng.
Nước đã tan mà nhà cũng đã tan
Thân vạn thặng đành sa vào tay giặc.

Rồi từ đấy trên muôn trùng sóng nước
Dáng Vương buồn sau hớp rượu chia ly
Bóng Vương mờ trong cát bụi trời Phi
Nhưng tiếng Vương hát
vẫn vang hoài
về cố quận.
Khiến muôn dân trong niềm đau vô tận
Vội ghi thời oanh liệt của Vương xưa
Nhắn cỏ cây, mây nước, với hư vô
Tới Vương gởi đôi vần ca Quốc Hận.

3/2012