Trong đầm gì đẹp bằng Sen.
Mắt to mắt nhỏ, lại chen cục ghèn.
Nhắc đến Hoa Sen, không ai không liên tưởng đến bốn câu thơ lục bát đã khoát lên vỏ đóa hoa này như một huyền thoại:
Trong đầm gì đẹp bằng Sen.
Lá xanh bông trắng, lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng bông trắng lá xanh.
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Nhưng riêng đối với tôi, trong ký ức chỉ còn mẩu chuyện nho nhỏ dưới đây để nhớ đến một loài hoa không vỡ này.
Lúc tôi học Đệ Tam trường Bùi Thị Xuân ở Đà Lạt, thầy dạy Toán rất trẻ và rất đẹp trai. Chỉ phải tội thầy là dân ở miền ngoài, nên giờ Hình Học khi phải giảng về mấy cái hình tròn tròn vuông vuông mặt phẳng.
Chúng tôi phải bấm bụng nhịn cười, khi nghe thầy gọi nó là “Mợt Phởng”.
Năm sau về lại Nha Trang học Đệ Nhị, nhân duyên vẫn đưa đẩy xui khiến sao cho tôi gặp một ông thầy dạy Toán khác, cũng vẫn trẻ và vẫn đẹp trai. Lần này thầy gọi cái hình vuông là “Mẹt Phẻng”.
Tuy tiếng nói có làm giảm đi phần nào sự thu hút của thầy với đám học trò con gái mới lớn, nhưng vẫn có người Ra ngẩn vào ngơ với thầy.
Chẳng thế sao một lần vào lớp, thầy phải vội dùng khăn chùi nhanh hai câu thơ Vịnh Đóa Sen một cách châm chọc:
Trong đầm gì đẹp bằng Sen.
Mắt to mắt nhỏ, lại chen cục ghèn.
Có người ghen với người yêu của thầy đó! Tên nàng là Sen, nên phải hứng chịu hai câu thơ cải biên gợi hình gợi cảm đến thế.
Nếu tôi mở đầu cho Truyện Hoa Sen bằng những giọng điệu phũ phàng như thế, các bạn sẽ tự hỏi: Cần gì Hoa Lan phải mất công biến thành Hoa Sen. Cứ ở nguyên tình trạng cũ, có phải đẹp hơn là Mắt to mắt nhỏ lại chen cục ghèn.
Ấy! Cái hay của Hoa Sen là Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Cho dù ai có nói ngả nói nghiêng, Hoa Sen vẫn ung dung tự tại vươn lên cao khỏi vũng bùn.
Nhìn một đóa Sen, đa số đều tỏ lòng kính trọng, không dám giỡn cợt, đùa vui.
Các bậc làm cha mẹ, sinh con gái hay chọn những tên mỹ miều như: Liên Hương, Ngọc Liên …
Riêng tôi chỉ thích tên bằng chữ Nôm, hay nhất là tên Hương Sen, thơm như mùi trà Tàu ướp hoa sen, đượm đầy hương vị tình tự dân tộc.
Nhắc đến chữ Nôm, các bạn cho phép tôi được lạc đề kể câu chuyện này: Chẳng là văn chương chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Hoa, tên tuổi đặt ra phải dùng từ Hán Việt cho hay. Con gái phải tên là Hồng Vân, chứ không ai dám gọi là Mây Hồng, yêu mến hoa sen phải đặt là Liên Hương chứ không gọi Hương Sen. Riêng tôi rất chịu đèn hai cái tên Việt Nam chay này, nghe nó dễ thương làm sao ấy!
Để cách mạng hóa tên gọi thuần túy đầy tính chất nước mắm nhĩ này, tôi nhất định đòi một vị cao tăng ở Việt Nam cho Pháp danh là Diệu Lòng thay vì Diệu Tâm như từ thuở khai sinh lập địa đến giờ.
Vị Đại lão Hòa Thượng phải khuyên tôi: Thầy cho con pháp danh Diệu Hạnh rất hợp với chị bạn con là Diệu Tiết. Con gái được chữ Tiết Hạnh Khả Phong là hay lắm rồi! Nói xong Thầy lấy card visit ra trở mặt sau, viết tên cúng cơm của tôi cùng pháp danh Diệu Hạnh rồi ký tên lên phái quy y kiểu mới trao cho tôi.
Vài hôm sau tôi lặn lội lên tận Thao Hối Am ở Bình Dương thăm thầy.
Chị Thị giả của thầy ra mở cổng hỏi lớn:
Có phải chị Diệu Lòng đó không?
Tôi hân hoan ra mặt, cái tên Diệu Lòng dầu sao cũng được đón nhận một cách chân tình, mặc dù trên giấy tờ vẫn chưa được chính thức.
Lúc về lại xứ Đức, chị bạn đạo với pháp danh Diệu Tiết đã thán phục tôi sát đất, khi thấy tôi mang về một pháp danh mới mà khi ghép hai tên lại. Thôi tôi không dám viết ra, sợ các bạn lại liên tưởng đến đĩa Tiết Lòng béo ngậy mà hỏng hết đường tu phải tội.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc, hôm Tết con gà vừa rồi Thầy có gửi thiệp chúc Tết cho các Phật tử phương xa. Vì không biết địa chỉ của tôi, Thầy viết lên phong bì hàng chữ: Nhờ chuyển dùm cho phật tử Diệu Lòng.
Thế là tôi được chính thức mang pháp danh hằng đêm mình thường ấp ủ.
Trở về Đóa Sen tinh khiết, nghe đâu Sen có rất nhiều màu, trắng xanh vàng đỏ đủ loại. Nhưng trên thực tế tôi chỉ biết có hai màu là trắng với hồng, còn những màu kia chắc phải đến cõi Tịnh Độ của Phật A Di Đà mới gặp.
Một đặc điểm của Hoa Sen là hoa và quả xuất hiện đồng thời. Thuở bé tôi hay lấy hột sen non màu vàng óng làm nải chuối cau thật xinh.
Nhắc đến Hoa Sen, tôi lại liên tưởng ngay đến Bộ kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật đã thuyết giảng trước khi nhập diệt. Trong đó có Phẩm số 2 phương tiện, nhờ xử dụng thuần thục phẩm này, tôi đã hóa giải cho những lần đi chui, trốn chồng lên Chùa hay Thiền Đường, về không bao giờ bị bể.
Tôi phải kể rõ thêm về đoạn này, không các bạn lại hiểu lầm. Vợ đi chùa là điều tốt phải mừng, tại sao lại cấm cản. Các bạn ạ! Cũng tại tôi quá trớn, thời gian trước cứ bỏ chồng con ở nhà, lên chùa làm công quả liên miên.
Cứ tưởng thế là giúp đời, giúp người, nhưng người đáng được giúp nhiều nhất vẫn là ông chồng ở ngay cạnh mình. Người đã còng lưng ra đi làm nuôi mình, mình lại bỏ bê.
Mỗi cuối tuần được vợ cho ăn mì gói, hay bát cơm nguội hẩm hiu, hỗ trợ cho vợ lên chùa làm công quả. Lỡ vợ có đạt được quả vị nào sẽ được chia đôi theo đúng tinh thần: Có phước cùng hưởng, Có họa cùng chia.
Tình trạng này kéo dài được vài năm, con đường công danh sự nghiệp bên cửa Phật của tôi càng ngày càng thăng tiến như tên lửa xuyên lục địa. Tôi giữ một lúc đến mấy chức vụ, điện thoại lúc nào cũng reo vang tìm cô Thiện Giới.
Chồng tôi hết chịu nổi cảnh dưới mắt nhìn của ông đó là Ăn cơm nhà vác ngà voi của vợ mình.
Chàng nhất định ra tay, lôi cổ vợ về áp dụng 8 điều Đức Phật dạy người phụ nữ. Chỉ cần thực hành cho chàng điều thứ nhất thôi cũng đủ mãn nguyện rồi.
Phải thương yêu và chiều chuộng chồng.
Tôi không còn đường nào khác hơn là ở nhà áp dụng triệt để đường lối và chính sách lãnh đạo của chồng.
Các bạn đạo phải quán câu Thành Trụ Hoại Diệt, duyên đến rồi duyên đi cho đỡ đau lòng.
Tôi thuộc loại chân đi, bây giờ bị quản thúc tại gia với mật lệnh Cấm Khẩu, chịu sao cho thấu. May nhờ tu giỏi phát sinh Trí Tuệ, tôi dùng phẩm phương tiện để thoát vòng vây.
Mỗi thứ bảy đẹp trời, tôi vác xe đạp ra dạo vài khúc nhạc:
Anh ơi! Em đi xe đạp dạo bờ hồ ăn kem nghe!
Cơm nước để sẵn đó, bố con ăn trước đi đừng chờ em.
Chàng rất hài lòng, thấy tôi chịu khó giữ gìn sức khỏe, phải sống lâu để phục vụ chàng. Ra khỏi nhà tôi đổi lộ trình, thay vì quẹo phải ra bờ hồ, tôi cua trái đến thiền đường. Vì đến trễ tôi bỏ mất mục Thiền Hành, nhưng chẳng sao tôi đã Thiền Xe Đạp rồi. Ăn cơm Chánh Niệm xong, ca hát nhạc Thiền đã đời cho đến gần giờ nấu cơm chiều, tôi từ từ Xả Thiền, đạp xe qua hai cánh rừng về nhà.
Từ ba năm nay, áp dụng phẩm phương tiện để đi chùa. Các bạn đừng tưởng tôi mang tội nói dối. Không, tôi không nói dối một tí ti nào, tôi chỉ bảo rằng Em đi xe đạp và ăn kem. Hai điều đó tôi đã thực hiện, còn phần cuối đến chùa ai bắt mà mình phải khai.
Tuy nhiên trong ba năm nay chàng đã biết tỏng là tôi có đến chùa thường xuyên, bằng chứng là mỗi lần tôi về đều mang cho chàng xôi chè, bánh chuối… để hối lộ. Chàng vẫn ăn tỉnh bơ, không thèm tra hỏi ở đâu, lại còn hỏi sao lần này xôi vị không có mấy cọng dừa.
Cái quả ngon ngọt của hoa Sen là Hạt Sen, ai mà chẳng biết ly chè hạt sen Sâm Bổ Lượng giải nhiệt mỗi trưa hè oi ả. Mứt Sen trần không thể thiếu trong ngày Tết, ăn hạt sen sẽ chữa bệnh mất ngủ.
Ngó Sen làm gỏi chay mặn đủ kiểu, chỉ khác nhau ở mấy con tôm luộc đỏ au nằm hóng gió trên mặt đĩa.
Tôi phải ngừng tả chân ở phần này, vì ruột gan muốn xuống đường đòi quyền sống. Người Nam hay nói là Nghe tả làm người ta thèm muốn chết!
Trong thời gian đi sinh hoạt ở chùa chiền hoặc thiền đường, tôi hay được diện kiến với những câu chuyện vui hay những mẩu đối thoại, tôi cho là tâm đắc.
Muốn chia xẻ với các bạn, nhưng nếu bạn nào đọc xong phê câu Chuyện nhạt như nước ốc, tôi cũng đành chịu, vì tài kể chuyện của mình chỉ có thế thôi.
Nhắc đến bạn đạo, tôi phải kể đến một nhân vật khá quan trọng, xuất hiện khá nhiều trong cuộc đời tu hành của tôi.
Các bạn đừng hiểu lầm hai chữ Tu Hành tôi dùng ở đây, rồi tưởng tượng ra hình ảnh tôi với đầu tròn áo vuông. Không, Tu tức là Sửa, Hành tức là Làm. Nghĩa là luôn luôn Sửa sai, Sửa Tâm, Sửa Ý, Sửa những cái gì chưa được tốt…
Đấy là bác Diệu Thủy, người mà suýt tí nữa tôi phải mua nải chuối để ra mắt nhận làm sư phụ.
Bác có tài văn thơ, hở ra câu nào là toàn ca dao tục ngữ, gần bác ai chịu khó học hỏi sẽ tiến mau tiến mạnh trên con đường văn học.
Chẳng hạn khi giao công việc cho ai không đúng khả năng, bác chêm câu: Không có chó bắt mèo ăn cứt. Mới đầu nghe cũng chối tai, nhưng sau nghe riết cũng quen, có người dám bạo gan xài tiếp.
Bác có tài bói quẻ bàn xâm, ngày Tết bác mặc áo tràng ngồi đoán quẻ, thu hoạch cho chùa không biết bao nhiêu tài lộc. Vì bác đoán đúng quá, nên các thí chủ thưởng công bác ào ào.
Có khó gì đâu, tay nào đến xin xăm cũng xoay qua ba chữ Tình, Tiền và Danh Vọng, bác chỉ cần bắt nọn vài câu là tự khai ra hết, chỉ cần dựa theo đó mà tán rộng ra thôi.
Cuối câu bao giờ bác cũng thòng vào đoạn: Tu là chuyển nghiệp, Ở hiền gặp lành, Có đức mặc sức mà ăn. Con ạ!
Các đám con cháu ở chùa của bác cần được bác dạy dỗ nhiều.
Ai đời đến chùa còn mang cả con gà luộc, thuốc lá ba số Năm, tiền Đô-la do Ngân hàng Âm Phủ phát hành, rượu đế để lên mâm cúng.
Mở nắp chai rượu cho các cụ ngửi mùi, hết tuần hương đậy lại đem về nhậu tiếp.
Sau một thời gian khuyên bảo, đám con cháu của bác đã khá ra, không dám đem những vật bất tịnh đến chùa.
Nhưng không ai có thể cản được những câu khấn treo giá đánh bạc với Phật kiểu fifty fifty như:
Con xin khấn đầu ăn mày lộc ngài. Xin ngài phù hộ cho con trúng được mối này, con sẽ chia đôi cho ngài một nửa.
Dĩ nhiên nếu trúng mánh, cái thùng Phước Sương của chùa sẽ nhận được hết tài lộc. Còn vấn đề chia chác như thế nào, có giữ đúng lời hứa cho Ngài năm chục phần trăm hay không, chỉ có đương sự mới biết được.
Tôi sở dĩ muốn làm đệ tử của bác, vì muốn kế thừa sự nghiệp bói toán của bác.
Dùng phương tiện bói quẻ xin xăm, để đưa các thiện nam tín nữ lên cứu cánh niết bàn.
Tuy nhiên đường tu còn lắm chông gai, mục đích chưa đi đến đâu, chồng tôi đã lôi cổ về nhà bắt tu tại gia, theo đường Tịnh Khẩu và hướng Nhập Thất không giao thiệp với bên ngoài.
Tôi đành ngâm hai câu giải sầu:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu.
Gặp thời thế thế thời phải thế.
Bác Diệu Thủy tu theo trường phái “Thiền Tịnh song tu. Như mãnh hổ thêm vuốt“.
Mỗi lần các Thầy Cô bên Làng sang mở khóa tu, bác đều mời đến nhà tiếp đãi, theo đúng tinh thần Khách Tăng đến thăm như Phật Bà giáng thế.
Vì là đệ tử tập sự, tôi được bác gọi đến chung vui. Tuy trong bụng mừng được đi ăn, nhưng tôi vẫn khách sáo dùng câu bác hay nói: Ăn một bát cháo, lội ba quãng đồng.
Có lần bác tiếp đãi các Thầy trẻ tuổi từ Việt Nam và Đài Loan sang, bác thường lên mặt kẻ cả khuyên các Thầy hãy gắng tu hành tinh tấn, đừng để các Ma Nữ quyến rũ mà hỏng đường tu.
Một Thầy rất vui tính trả lời:
Bác ơi! Ma Nữ chỉ bắt những người đẹp trai học giỏi con nhà giàu như Ngài A Nan thôi. Còn như tụi con đây, chẳng Ma Nữ nào chịu thèm bắt hết. Bác đừng lo!
Những năm trước còn khỏe, bác làm công quả cho chùa thật đáng ngại.
Với tài gói bánh chưng trứ danh của bác, đến dịp Tết thiên hạ thi nhau đặt bác gói đến hàng chục chiếc, chay mặn tùy khẩu.
Có lần Thầy trụ trì ở Hannover về hướng dẫn khóa tu, bác chọn những chiếc bánh chưng hấp dẫn nhất, đem lên cúng dường.
Khi mở ra, một miếng thịt ba chỉ mỡ màng rơi trên đĩa, làm bác ngỡ ngàng than câu: Mỗi tuổi nó đuổi xuân đi, bây giờ già rồi đâm lẫn, chắc Phật cũng xá tội.
Phật có bao giờ bắt tội ai đâu, lúc nào Ngài cũng ngồi trên đài sen, nở nụ cười từ bi, nhìn lũ con ngài lăng xăng phía dưới, hay dở gì ngài cũng cười cả.
Một nhân vật khác quan trọng còn có phần hơn nữa, đó là bác Năm Trực Ngộ, nhưng tôi nhắc đến sau vì theo truyền thống Âu Tây, Lady first bác Diệu Thủy là phụ nữ được ưu tiên hàng đầu.
Bác Năm Trực Ngộ được mệnh danh là Ông già Ba Tri, quê ở Bến Tre.
Có người cho bác thuộc loại ngang tàng Điếc không sợ súng, nhưng đối với tôi bác mang hình ảnh của một Triệu Tử Long về già. Đơn thương độc mã, một người một ngựa tung hoành trong Núi Thứu, bảo vệ cho lý tưởng Đạo Pháp của mình.
Cái pháp danh Trực Ngộ của bác cũng mang một huyền thoại.
Vì lỡ sinh ra trong giới trí thức, quanh người được quấn một vòng đai Nhị Nguyên. Bác không tin, không phục bất cứ chủ thuyết tôn giáo nào.
Chỉ cần hiểu sai câu niệm Phật, cái gì mà Nam dzô, thay vì Nam Mô, bác đã khước từ bao nhiêu cơ hội đến với đạo pháp.
Cho đến một hôm, nhân duyên chín mùi, một vị Đại Lão Hòa Thượng với giọng nói thật hiền từ như ông Ngoại khuyên cháu, đã khõ đầu khai thị cho bác mở con mắt Tuệ và tặng bác pháp danh Trực Ngộ.
Trong ngôi Niệm Phật Đường mang tên một ngọn núi nơi Đức Phật ngày xưa hay thuyết pháp, bác là người có công sáng tạo ra nhờ tài ngoại giao với chính quyền Đức.
Tôi lúc ấy chỉ theo mẹ đi lễ chùa rồi làm quen với vợ chồng bác.
Bác Năm gái với pháp danh Đạt Huệ, phụ giúp những việc từ thiện, thư từ giúp đỡ tài chánh cho các thuyền nhân còn kẹt trên đảo.
Nên có lần được một người không quen biết ái mộ viết thơ xin tiền, đề ngoài phong bì: Kính gởi Đại Đức Đạt Huệ.
Nghe đâu Đại Đức Đạt Huệ lúc trước là cô giáo dạy môn Toán, nên chùa tận dụng tài năng cho giữ chức Thủ Quỹ.
Chắc tài tính toán cộng trừ nhân chia tiền cúng dường quá chính xác, nên năm nào cũng được bầu lại.
Họ định cho làm thủ quỹ suốt đời, nhưng nửa chừng Đại Đức phải theo chồng đi về miệt dưới ở với con cháu.
Cái công lớn nhất của vợ chồng bác Năm là khi mở cửa bức tường ở Bá Linh, bác đã áp dụng câu Cửa Chùa rộng mở, chứa hết tất cả các người tỵ nạn tràn sang.
Mãi về sau này khi ngôi Niệm Phật Đường chuyển sang ngôi Chùa Núi Thứu. Tôi mới chập chững bước vào làm công quả cho chùa.
Lúc ấy bác giữ chức Gia Trưởng, trông coi đám nhi đồng trong Gia Đình Phật Tử.
Với vốn liếng Phật Pháp nhỏ nhoi của tôi lúc bấy giờ, làm sao tôi không bái sư nhận bác làm sư phụ.
Tuy chưa được chính thức truyền tâm ấn, nhưng mỗi lần gặp bác ở chốn hội hè nào, tôi đều mang theo nải chuối cau nhỏ tặng bác làm quà.
Bác thường dúi tay tôi những bản photocopy về kinh điển hay những bài Pháp của các bậc Thiền Sư nổi tiếng.
Chúng tôi sinh hoạt chung với nhau, một già một trẻ thật tương đắc, như có cùng một tần số, một mục đích chung muốn làm tốt hơn nơi mình đang sinh hoạt, để mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Ấy thế mà không dễ! Thiên hạ đại đa số chỉ muốn giậm chân nơi phương tiện, có vẻ thoải mái hơn là lên cứu cánh Niết bàn.
Năm nào cũng cái trò lắc xăm, gặp quẻ xấu hạ hạ, vất đi xin quẻ khác, lắc đến khi nào gặp quẻ thượng thượng mới hớn hở đem ra cho bác Diệu Thủy đoán giải.
Đầu năm tiền vô như nước, làm ăn phát tài, gặp người trong mộng và một điều ước mới là được giấy tờ ở lại, ai cũng hài lòng.
Bác Năm rất ưu tư cho tình trạng đám con cháu bác Diệu Thủy, cứ sợ người thân chết đi sẽ bị đày xuống địa ngục, nên đổ hết tiền của vào làm ma chay tụng niệm mong Phật A Di Đà thương tình cho tỵ nạn bên trển.
Tôi nhớ mỗi sáng thứ bảy, ngày cúng Thất cho các hương linh quá cố.
Bác với tôi nháy nhau ra hàng giậu sau sân chùa giao công tác phát truyền đơn, băng giảng phản tuyên truyền. Chống đối chính sách cấp thông hành giả cho lên cõi Tịnh Độ.
Bác bảo tôi:
Cô làm thì được, chứ tui như con cọp chưa làm gì chỉ đi sột sột đã bị chụp mũ rồi.
Tôi sốt sắng:
Chú đừng lo, cháu là con rắn loại rắn lục, luồn lách hay lắm, không bị bể đâu.
Càng ngày tôi càng thấy công lao gây dựng của bác tan tành theo mây khói, người ta tìm cách thu hẹp môi trường hoạt động của bác.
Nhiều người phẫn nộ khi nhìn cảnh vắt chanh bỏ vỏ, nhưng bác vẫn cười trừ không nói năng gì, chỉ đi xuống bếp làm Bồ Tát rửa chén, dọn sạch sẽ nơi mình đến.
Đối với tôi bác là một vị Đại thiện hữu tri thức, biết bao kinh điển, băng giảng bác trao tận tay cho tôi về nghe, có băng bị câm thu không ra tiếng.
Bác Diệu Thủy cũng mến bác, mỗi lần con cháu bác không biết trời trăng đem thuốc lá thơm lên cúng, bác tịch thu ngay tại chỗ, đem giấu về cho bác Năm hút đỡ ghiền.
Bác Năm rất thích sưu tầm tài liệu về Đạo Pháp, từ những bài giảng mang tính chất cao siêu đến những câu vè được dân gian hóa, hay thơ cải biên kiểu:
Mồ tổ bay ơi! Nó chửi tao.
Khi chưa hiểu đạo giận làm sao.
Đến khi hiểu được không gì lạ.
Mồ tổ bay ơi! Nó chửi tao.
Tôi phải ghi lại bản chánh dưới đây cho các bạn đối chiếu, xem nghệ thuật cải biên của ai đó đáng mặt cao thủ thượng thừa:
Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang.
Khi chưa đến đặng hận muôn trùng.
Đến rồi về lại không gì lạ.
Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang.
Từ ngày bác Năm từ giã xứ Bá Linh, cả tăng thân như thiếu đi bóng mát của một cây cổ thụ ngàn năm.