Trường học cách chung cư chúng tôi nhiều khu phố, nhưng có thể đi bộ. Mọi người, trẻ và già, đều phải đi học...
Tháng chín. Khi chúng tôi chuyển về một thị trấn nhỏ phía bắc Alberta, theo chương trình bảo trợ của nhà thờ Mennonite, mùa tựu trường đã tới.
Trường học cách chung cư chúng tôi nhiều khu phố, nhưng có thể đi bộ. Mọi người, trẻ và già, đều phải đi học. Những người bạn bản xứ giúp chúng tôi lúc bỡ ngỡ, mang tặng quần áo, bàn ghế, sách vở. Nhà thờ cung cấp bữa ăn tối miễn phí, nấu sẵn, nhưng không có ngân sách cho bữa ăn trưa và sáng.
Cùng với tháng chín là tiếng động cuối cùng của mùa hè, tiếng cười nói trên hành lang, tiếng bước chân lạo xạo trên đường lát đá cũ, tiếng lách cách của túi xách, ba lô, tiếng chuông vào lớp, tiếng động của tương lai và của ký ức dội về từ thế giới bỏ lại. Đối với nhiều người, học hành chỉ là kỷ niệm đẹp, nhưng đối với kẻ cắp sách tới trường, dù nhỏ hay lớn, tâm trạng phức tạp hơn, hứng khởi xen với lo âu, căng thẳng. Những ngày đầu của bạn mới, thầy mới, mùi mực, mùi giấy, mùi phấn, mùi của các kỳ thi, bảng điểm, nụ cười, cái nhìn nghiêm khắc. Những khả năng dẫn tới chuyện tốt lành hay hỏng bét. Gánh nặng gia đình quê cũ, gánh nặng bài vở, tiền bạc, mặc cảm.
Những người mới đến có thể làm nhiều việc kiếm tiền như lau rửa xe hơi, đổ xăng ở trạm xăng, rửa chén. Thị trấn có mười tiệm ăn, chừng ấy quán cà phê, năm tiệm fastfood, vài trạm xăng, một bưu điện, thư viện mở cửa thứ hai đến thứ bảy, vài quán bars. Các gia đình phần lớn đều có đạo, nhà thờ Mennonite, Anh giáo, nhà thờ các trưởng lão, với những người có nguồn gốc từ Đức, Ba Lan, Ukraine, hiền lành. Hàng xóm giúp đỡ nhau, các bà nội trợ dừng lại bên hàng rào trò chuyện. Nhà thờ mở cửa trong ngày chủ nhật, thứ ba, thứ năm, những nhóm học thánh kinh, đám cưới, tang lễ, những buổi hòa nhạc Giáng sinh, các lễ cầu nguyện, những vỏ bia lăn lóc ở xóm người lao động, trước cửa các tiệm Tàu.
Đường phố vắng vẻ vào cuối tuần, yên tĩnh, an toàn. Có sự cô độc nhưng không buồn chán, có tật nghiện rượu và nạn tự tử của thổ dân nhưng hầu hết dừng lại trong vài khu phố. Những ngày nghỉ chúng tôi tụ tập trong phòng thể thao của nhà trường coi bóng rổ, ngoài công viên coi bóng chày. Những người mới đến ngồi chen chúc với những đứa trẻ tóc vàng hoe, những người đàn bà Mennonite mặc váy đồng phục đen, đội mũ rộng vành, cùng nhau cười đùa la hét trước các màn đấu bóng, khi hoàng hôn xuống, sao xanh lấp lánh trên nền trời.
Trời mát, núi lẩn vào sấm chớp, sau đồng cỏ bảng lảng khói, trải nhiều dặm, những bó cỏ lớn lăn đi, cuộn tròn, chất thành đống cho ngựa ăn. Mùi của đá bốc hơi nắng, cỏ, dâu, đậu, bắp, bò, ngựa, mùi băng giá sẽ tới. Mùa đi săn cũng tới với blueberries chín mọng. Chúng tôi đi từng đoàn xuống vùng quê, đàn ông leo cây hái trái, những người thợ săn bản xứ vào núi săn moose, phụ nữ cúi gập người bên những chùm dâu, cho chúng vào đầy các bao tải. Sau ngày tựu trường, nắng nhạt đi, gió thổi ào ào, sương che khuất ngôi nhà trơ trọi giữa đồng.
Sau lưng chung cư, cánh rừng bao bọc bởi những bãi cỏ thả ngựa và gia súc, chạy dài hút mắt trổ đầy cúc và lilacs. Dưới những lùm cây, bạn có thể nhìn thấy những cửa hang của chồn và cáo, của chuột chũi. Gần một bụi rậm, một chiều đi học về, tôi gặp một con chồn hoang lông đỏ, đuôi cong, mặt dữ, mũi nhọn hoắt. Tôi chưa bao giờ gặp một con vật nào ghê gớm thế, nhỏ bằng nắm tay, mạnh mẽ, lanh lẹ, bộ lông hung đẹp mịn như tơ, tia nhìn sắc xuyên mắt đối phương. Nó đứng sững, im, không bỏ chạy. Cả hai bất động. Tôi không biết sự sợ hãi, sự giận dữ, hay lòng yêu mến đã làm chúng tôi sững lại. Tôi nhìn nó, nó nhìn tôi, không chớp mắt. Rồi nó biến mất, bất ngờ như khi mới đến, đồng tử co lại. Vào giây phút ấy, tôi biết tôi đã bắt gặp sự hoang dã, bắt gặp cái khác, sự thích thú, nỗi sợ hãi trước tương lai, lòng yêu cái đẹp, cảm giác về kẻ thù, bạn hữu mà chúng ta thế nào cũng gặp trên đời. Tôi cảm thấy tình yêu đối với một đất nước không phải là đất mẹ.
Thế còn bữa ăn sáng và trưa? Trong chúng tôi có người không ăn sáng, nhưng khi bạn còn trẻ, bạn thấy đói lắm, muốn nhét nhiều thứ vào bụng. Thế thì bạn phải tự lo liệu lấy. Những người bạn bản xứ mang vào lớp đủ thứ: xúp nấu kiểu Ba Lan, thịt cừu hầm Tây Ban Nha, đầy váng mỡ, spaghetti của Ý, và cơm, một loại ngũ cốc kinh khủng, hạt to bằng trái cóc, để nguội ba ngày, nhai mỏi cả răng. Buổi sáng, và đôi khi trưa, hầu hết chúng tôi đói, không phải vì không đủ thức ăn, mà vì không biết ăn. Thực phẩm thừa, hè nhau tuồn vào bao rác, lẳng lặng giấu biến. Buổi tối nhiều đứa ăn bù lại, đâm tức bụng, không ngủ được. Sau ba giờ chiều, hết học, rủ nhau đi làm thêm: phụ nữ vào tiệm giặt ủi, con trai vào hiệu rửa xe, tiệm Mc Donald, đào giun đất, đi hái đào, strawberries, mulberries, cranberries, blueberries, tùy tháng. Nhiều khi công việc đồng áng sử dụng cả bọn trẻ mười ba, mười bốn tuổi, vì vậy chúng tôi giấu nhẹm chuyện ấy, sau giờ học trốn trong bụi rậm sau nhà trường, chờ xe tải đến chở vù đi.
Không biết cách nào để nói cho những đứa học cùng lớp biết chúng tôi không ăn được thức ăn chúng mang tới. Áo quần nhà thờ cấp phát rộng thùng thình. Tôi đi học với đôi ủng trắng to tướng, sở di trú Canada phát khi đến phi trường. Nhiều đứa trẻ thích đi chân trần, vì không quen giày dép. May chưa phải mùa đông, trời không lạnh. Chẳng ai để tâm chuyện áo quần, thức ăn, trang điểm, những đứa trẻ và thanh niên mới lớn, lem luốc từ trại tạm cư, sống trong niềm vui bất tận của tự do, sẽ nhớ năm tháng đầu tiên của họ về một điều gì khác.
Tôi muốn nhớ mãi mùi cỏ dại khi băng qua nghĩa trang, tâm trí đầy màu sắc của đào và lê, nhìn những cuộn khói bốc lên từ đống lửa người thợ săn, sự bồi hồi nhẫn nại của cảm giác cứu chuộc, sự thăng bằng giữa công việc thường ngày vụn vặt và sự thơ mộng, chúng bao phủ tôi, dẫn tôi đi. Tôi muốn ghi nhớ cặp mắt đen của con chồn hoang hôm ấy, tôi muốn đi tìm ý nghĩa của ngày khởi đầu như khi bạn cho tay vào hộp thư trước nhà một kẻ đi xa, đựng đầy thư lẫn lá vụn.
Có một điều gì khó diễn tả trong vòng tay người bạn bản xứ chào đón chúng tôi, những người trong nhà thờ, thiện nguyện viên, học sinh, thầy giáo. Nơi ở của chúng tôi chất đầy những thùng đựng quần áo, mới và cũ, những thùng đựng sách vở, mới và cũ, mang tới liền liền, và khi chúng được mở ra, cái nào cũng tươi tắn thơm tho. Khi vào những lớp học cuối bậc trung học, chúng tôi đứa nhỏ nhất mới mười lăm mười sáu, kẻ lớn nhất râu tóc đã bạc; có những nhân vật trong lớp không bao giờ tôi quên. Một người thanh niên ngoài ba mươi tuổi, anh K., bị bọn cướp biển dùng mái chèo đánh vào mặt và chân tay nhiều lần, tra khảo để tìm vàng, vỡ xương mắt cá chân trái. Anh đi không vững, đôi khi phải dùng cái gậy, nhưng vì đã quen, nên di chuyển cũng mau lẹ chẳng kém chúng tôi.
Chướng mắt, cô Lorie, cô giáo dạy tiếng Anh, dẫn anh đi gặp bác sĩ và tự bỏ tiền túi mua cho anh một cái nạng gỗ chắc chắn. Từ đó nó không bao giờ rời khỏi tay anh.
Cái nạng gỗ ấy đã đi theo anh, vài năm sau, lúc anh chậm chạp bước xuống giữa hai hàng ghế đầy người ngồi, một tay dẫn người phụ nữ choàng khăn voan trắng, trong ngân vang tiếng đàn dương cầm của nhà thờ, giữa hoa hồng, huệ, và dưới bóng những chùm confetti bay rợp phòng.