main billboard

Vừa ra khỏi cửa, Côn đụng đầu với bà hàng xóm đang quét lá vàng trên sân cỏ trước nhà. Chớm thu, trời se se lạnh,...

tuong co con baoVừa ra khỏi cửa, Côn đụng đầu với bà hàng xóm đang quét lá vàng trên sân cỏ trước nhà. Chớm thu, trời se se lạnh, nhưng những giọt mồ hôi vẫn lấp lửng trên mặt Micheline. Thấy Côn, Micheline chống chổi mỉm cười chỉo. Nụ cười nhẹ làm mấy hạt nước li ti đọng nơi chỗ trũng dưới môi dưới xúm xít vào nhau chảy dài xuống cằm. Mặt Micheline trắng hồng. Mấy sợi tóc nâu mềm ló ra khỏi chiếc khăn cột đầu phất phơ theo gió.

Cơn gió thu nhỏ nhẹ thổi chút sảng khoái vào lòng Côn. Tự dưng anh muốn giỡn chút đỉnh với bà hàng xóm dễ mến.

" Sao bà quét hết lá vàng của tôi đi vậy?"

Micheline nhìn đám lá đa được thu lại thành đống trên cỏ, giả bộ làm mặt giận:

" Để tôi dọn tất cả vào bao rồi mang qua trả ông. Tôi đâu có biết ông cũng có tâm hồn nghệ sĩ thương vay khóc mướn những chiếc lá tàn tạ. Xin lỗi ông nghe! Mà này, ông bạn thân mến, tôi đã xin lỗi ông rồi, ông cũng phải xin lỗi lại tôi chứ."

Côn ngạc nhiên nhìn Micheline. Mình có gì không phải với hàng xóm láng giềng đâu nhỉ? Micheline giương đôi mắt tinh quái đùa giỡn với nét đăm chiêu của Côn. Anh nhẹ rung chiếc chìa khóa xe trên tay với vẻ bối rối.

" Về chuyện gì hà?"

Micheline chỉ chờ có vậy. Bà dùng nụ cười làm nhẹ bớt sức nặng của câu trả lời:

" Ông không mời tôi tham dự đám cưới của My!"

Mặt Côn gian ra thoải mái. Tưởng gì ghê gớm đến thương tổn tình hàng xóm! Anh nhảy xuống nốt hai bực thềm cửa, gác một chân lên chiếc hàng rào sắt sơn trắng vừa thưa vừa thấp, dùng để trang trí hơn là ngăn chặn chó đi qua mèo đi lại, nhìn chăm vào bộ mặt trách móc của Micheline.

" Cưới cháu My làm sao quên mời bà được! Vợ chồng tôi đâu có thất thố đến như vậy!"

Micheline dựng tròn xoe đôi mắt. Mắt Micheline thuộc loại biết nói. Côn đọc được trong đó nét chưng hửng pha thêm chút bất bình. Cặp môi to bản cuộn quanh chiếc miệng nhỏ làm thành một chữ O chật chội điểm một chút duyên mặn mà bằng vành môi dưới mọng lên ở chình giữa. Cặp môi nhìn ra như nũng nịu đó dợm nói mấy lần mới bật ra tiếng:

" Vậy thì tôi hy vọng ngày hôm qua mắt tôi không nhìn lầm có một đám cưới nhộn nhịp và nhiều màu sắc bên cạnh nhà tôi."

Tự nhiên Côn thấy thú vị muốn châm chọc tiếp bà hàng xóm vốn rất xởi lởi nhưng hôm nay bỗng dưng trở nên sắc mắc khác thường. Anh nghiêng mặt, nheo mắt, ỡm ờ:

" Không, tôi thấy mắt bà còn tốt lắm đâu có thể nhầm lẫn được. Cái hôm qua bà thấy không phải là một đám cưới."

Bộ mặt mà Diễm vẫn gọi đùa là bộ mặt trái bí tươi tắn khẽ nhếch lên sửng sốt. Chiếc quai hàm hơi bạnh ra làm thành một đường cong lớn đỡ chiếc cằm dài, sống mũi cao cũng dài quá mức làm thành một cái gạch nối từ chiếc trán hẹp xuống tạo nên hình dạng một trái bí đao. Nhưng nhờ chiếc miệng nhỏ được hai hàm răng nhấc kênh lên tạo nét tươi tắn dễ mến cho con người có tính tình rất dễ thương. Chiếc miệng vẫn cài nỗi thắc mắc với Côn:

" Không phải một đám cưới thì là cái gì?"

Côn không nỡ đùa dai:

" Đó là đám hỏi của cháu My."
" Đám hỏi là sao?"
" Đại khái như là hứa hôn ấy mà!"

Câu trả lời qua quít của Côn làm Micheline kêu lên:

" Chúa ôi! Hứa hôn gì mà phải đến từng ấy người lận!"

Micheline đã chình mắt nhìn thấy một đoàn người ăn mặc trịnh trọng và vui mắt. Bà chú ý nhất tới những chiếc áo thướt tha nhiều màu sắc của các cô thiếu nữ nhỏ nhắn với hai chiếc vạt áo phất phơ trước gió trông thật ẻo lả mềm mại. Dễ chừng có tới hai chục người, trong đó ít ra cũng cả chục người trên tay bưng những vật kềnh càng cái tròn cái vuông được phủ kín bằng những tấm vải đỏ có viền tua màu vàng. Họ xếp hàng đi vào nhà nghiêm trang như đi vào nhà thờ. Micheline chưa bao giờ được ai xỏ vào tay chiếc nhẫn hứa hôn nhưng bà cũng biết đó là một công việc nhẹ nhàng chỉ cần hai người làm trong vòng không đày vài phút kể luôn thời gian trao nhẫn lẫn ôm nhau hôn.

Côn đứng sững trước nét mặt đăm chiêu của Micheline. Anh là người ghét hình thức nhưng chẳng thể thuyết phục sui gia phiên phiến cho có lễ lược đầy đủ là được. Họ là những người ưa thủ tục cưới hỏi rườm rà rắc rối. Đời người chỉ có một lần phải làm cho đày đủ lễ nghi kẻo họ hàng chê cười. Họ đã thuyết phục anh và Diễm như vậy. Anh là người cả nể nên chiều ý để họ muốn sao cũng được. Ai ngờ sự buông xuôi của anh làm Micheline hiểu lầm. Anh cố gắng giải thìch:

" Thực ra tôi không muốn bày vẽ rườm rà như vậy nhưng, bà là hàng xóm lâu ngày chắc biết tính tôi, chẳng bao giờ muốn làm mất lòng ai. Bên sui gia của chúng tôi muốn vậy thì tôi cũng chiều theo cho vui vẻ. Nhưng đó đúng là nghi lễ của nước tôi. Tôi vẫn nghĩ sang tới bên này, đôi khi giữ đúng theo phong tục cũng là một sự phiền toái gây thắc mắc cho những người như bà."

Micheline nói vội như muốn xua đi sự hiểu nhầm của Côn:

" Có gì đâu mà phiền toái với thắc mắc, ông Côn! Tôi lại nhìn thấy trong những nghi lễ trang nghiêm đó một điều hay. Nó làm cho hai người hứa hôn hiểu sự quan trọng của những điều mình làm. Từ đó dẫn đến sự bền vững trong hôn nhân. Chẳng phải vì tôi có tính tò mò, ông biết đàn bà dù da có màu gì thì cái tính ưa dí mũi cũng như nhau, nhưng quả thật tôi rất thích và quí trọng cái phong tục cưới hỏi của nước ông. Rồi chừng nào mới đám cưới cháu My đây?"
" Chúng tôi định khoảng hai tháng nữa."

Micheline nghiêng đầu, nheo mắt.

" Ông bà có định mời tôi không?"

Côn nheo mắt lại.

" Không mời bà sao được! Dù gì bà cũng là mẹ nuôi của cháu My nhà tôi."

Trái bí chín bất thình lình. Micheline đỏ mặt sung sướng. Bà nhớ lại thời mà con gái bà và My quấn quít nhau suốt ngày. Mà có xa xôi gì cho cam. Mới trên dưới chục năm trước. Hai đứa học chung trường từ tiểu học tới trung học. Không cùng lớp nhưng hai đứa quấn quít nhau như hình với bóng. Micheline rảnh rang nên hay đón đưa chúng tới trường. Bà có vẻ thìch thú với công việc này lắm. Mỗi lần gặp Côn hay Diễm bà vẫn khoe là ai cũng tưởng bà có tới hai cô con gái xinh xắn.

Côn thường giỡn với vợ:

" Bà ấy thì dư sức có được hai cô con gái lắm chứ!"

Micheline trông phốp pháp mượt mà lại thêm cái tính mau mắn hay bắt chuyện với hàng xóm láng giềng. Người dè dặt ngại giao thiệp như Diễm mà cũng bị bà bắt hồn, mỗi lần gặp là Diễm tay bắt mặt mừng. Diễm hứ chồng:

" Ham lắm!"

Côn vẫn không buông tha vợ. Hạnh phúc của họ đày ắp từ lúc trao nhẫn cưới cho tới nay đã quá ngày lễ bạc như một bảo đảm vững chắc đủ làm cho những giỡn cợt như những cơn gió mát thoảng qua. Anh giả bộ rùng mình:

" Ham nhưng mà sợ!"

Diễm lấn tới.

" Già đầu mà còn nhát. Sợ chi! Có ông nào bên bà ấy đâu mà sợ!"

Côn vừa bước giật lùi vừa nói thật nhanh:

" Sợ chi bên đó nhưng sợ bên đây ấy chứ!"

Diễm nhảy tới vươn hai tay ôm mặt chồng.

" Biết sợ vậy là tốt! Em thì em xé xác!"

Cái nghiến răng vờ vĩnh được mau chóng đổi thành cái đưa mắt nhẹ nhàng cùng với làn môi dưới bị cuốn vào giữa hai hàm răng tăm tắp của vợ làm Côn như sống lại những ngày tình nhân cũ, thực ra đã quá xa mà anh vẫn cảm thấy chưa xa. Bờ môi này một chiều nhạt nắng đã xả hết thanh tân cho anh trong tiếng rào rạt dưới chân một thác nước cao nguyên. Bờ môi nay vẫn còn nguyên nét tươi tắn. Dường như thanh tân vẫn lẩn khuất đâu đây. Nồng nàn xưa kéo mặt Diễm lại gần. Diễm đẩy chồng ra:

" Con nó thấy bây giờ!"

Côn như hụt hẫng. Anh gượng lại bằng một câu thân tình:

" Anh không hiểu sao một người như bà Micheline lại không có được một gia đình bình thường như mọi người nhỉ?"

Diễm rầu rầu giọng:

" Có thể bà ấy không thích. Cũng có thể số bà ấy như vậy. Mà anh thắc mắc làm chi, bên này ai care chuyện đó. Không chồng mà chửa có làm dựng được một sợi lông mày của ai đâu!"

Diễm có phần đúng. Micheline sống thoải mái với con gái. Dưới một mái nhà đâu cứ cần phải có bóng dáng một người đàn ông. Côn để ý thấy thỉnh thoảng cũng có một vài khuôn mặt đàn ông tới chở Micheline đi chơi. Nhưng bao năm trời nay vẫn chỉ có thế. Có lần anh đã vô tình nghe được mẩu đối thoại giữa Jeanne và My.

" Ba mày đâu?"
" Tao không biết!" Jeanne nhún vai.
" Mày không có ba à?"
" Tao không biết!" Lại một cái nhún vai nữa.
" Mày muốn có ba không?"
" Măng tao bảo không cần!" Đôi môi trề ra chập vào nhau bị một làn hơi trong miệng đảy ra kêu gọn một tiếng bất cần.

Jeanne bỏ dở câu chuyện chạy ra tìm Côn. Nó đứng từ xa lễ phép hỏi:

" Bác ơi, bác có thể cho cháu một gói mì được không?"

Jeanne rất thìch mì ăn liền mà lúc nào Diễm cũng trữ trong tủ bếp. Lối ăn của nó không giống ai. Nó thận trọng lấy kéo dọc đôi bao giấy gói, banh gói mì ra để nguyên trên giấy. Bao bột gia vị được cắt một lỗ nhỏ rắc đều trên mì. Nó dùng tay bẻ từng miếng ra ăn sống. Thỉnh thoảng hớp một hớp coke có lẽ cho bớt mặn. Có lần Diễm nấu chín mì cho nó ăn thử nhưng nó lắc đầu không thích. Ăn mì thường là mục sau cùng của Jeanne mỗi khi qua chơi nhà bạn. Khi nào nó xin mì là Côn biết nó muốn đi về. Mà bao giờ hai đứa nói chuyện liên quan đến người cha nó không biết mặt hoặc khi thấy My vòi vĩnh làm nũng với Côn là Jeanne hỏi xin mì. Ăn xong, nó tới chào Côn, ôm hôn trước khi về. Nghe tiếng cửa đóng, Côn mới dám đưa tay chùi hai bên má đày mùi gia vị mì gói.

Lên tới năm thứ ba trung học thì Jeanne không ham mì ăn liền nữa. Tuổi dạy thì của Jeanne không biết kiên nhẫn. Nó như một cơn bão. Mạnh mẽ và chóng vánh. Ngoảnh đi ngoảnh lại cô bé thìch ăn mì đã được thổi phồng thành một thiếu nữ đày đủ kích thước. Một lần đi học về My thầm thì với mẹ:

" Chị Jeanne có bồ mẹ ơi. Con thấy chị ấy với một anh học năm chót ra bờ tường sau trường ôm nhau hôn."

Giọng nói thú vị của My làm Diễm giật mình. Nàng lo lắng như phóng xạ nguyên tử đang vây quanh đứa con gái cưng. Nàng đo mức phóng xạ:

" Chị Jeanne hư quá phải không con?"

Diễm nhận được cái nhún vai của My. Nàng đọc được trong cái nhún vai rất đầm đó sự khó khăn của người mẹ. Nàng dò tới:

" Con thấy sao?"
" Cũng vậy thôi!"
" Cũng vậy là sao?"
" Thì cũng giống như mấy anh chị khác ở trường."

Không xong rồi. Câu trả lời thản nhiên của My đốt cháy bụng Diễm. Nàng luống cuống:

" Theo mẹ thì khi mình còn đi học chỉ nên chú trọng vào việc học. Các thứ khác, khi lớn có đủ suy xét hay tính sau. Con thấy mẹ nói như vậy có đúng không?"
" Con có làm gì đâu! Chị Jeanne chứ đâu phải con!"

My như con lươn chuồi ra khỏi câu phán đoán của mẹ. Mẹ bao giờ cũng đúng nhưng những gì nó nhìn thấy ở trường lớp, ngoài đường phố lại không ăn khớp với những suy nghĩ của mẹ. Chỉ có một điều nó biết chắc là mẹ thương nó và nó cũng thương mẹ. Thương thật nhiều.

Diễm như một người bơi ngược dòng nước trong tay còn phải ôm chặt đứa con gái đang đi vào cái tuổi chông chênh. Nàng tự nhủ phải thận trọng. Chỉ một vấp váp nhỏ cũng đủ phó mặc đứa con gái trôi theo dòng nước cuồn cuộn như thác đổ.

Dòng thác mạnh hơn là Diễm tưởng. Nàng chẳng cần phải nghe My mách lại nữa. Nàng đã thấy Jeanne dẫn tên bồ chưa có râu mép về nhà chơi vào lúc chập choạng tối. Sáng hôm sau dạy sớm đi làm, Diễm thấy hai đứa cặp tay nhau đi ra. Đụng mặt nhau, Diễm bối rối. Nàng thấy mình như xuất hiện chẳng đúng lúc cũng không đúng chỗ. Nàng còn chưa hết lúng túng thì Jeanne đã cất tiếng chào trước:

" Chào cô. Cô đi làm bây giờ à?"

Diễm không chờ câu chào của Jeanne. Nàng tưởng ít ra Jeanne cũng cố lẩn tránh nàng. Hoặc phải ngập ngừng ấp úng trong giọng nói. Nhưng Jeanne vẫn bơ bơ như không, chẳng thèm bối rối một chút nào cả. Diễm hững hờ:

" Ờ, cô đi làm. Cháu đi đâu sớm vậy?"

Jeanne liếc nhìn đứa con trai, không màng trả lời Diễm, mà khẳng khái hỏi:

" Cô cho tụi cháu quá giang ra bến métro được không?"

Diễm không thể từ chối. Lên xe, Jeanne mới giới thiệu:

" Alain, bạn cháu."

Diễm uể oải giơ tay ra sau cho Alain bắt trước khi cài nịt an toàn.

Jeanne ngồi im lặng cạnh Diễm. Diễm chẳng biết khơi chuyện cách sao. Nàng bối rối liếc vào kính chiếu hậu bắt gặp một khuôn mặt con trai non choẹt cũng bối rối không kém. Chuyến xe buồn bã kết thúc ở trạm métro trong tiếng thở phào của Diễm.

Suốt ngày, đầu Diễm cấn cái như đội lộn chiếc mũ quá chật chội. Buổi chiều về nhà, thấy My ngồi học bài, nàng bỗng thấy con quá thơ ngây yếu ớt. Nàng bước tới sau ghế ngồi của My, nhẹ hôn lên mái tóc con. My vít mặt Diễm xuống hôn.

" Con thương mẹ!"

Diễm mừng muốn khóc. Nàng vẫn có tình thương của con. Nhưng liệu tình thương đó có đủ giữ My trong vòng tay ân cần của nàng không? Nàng gợi chuyện:

" Hồi này mẹ ít thấy Jeanne qua chơi với con. Ở trường hai đứa có còn chơi với nhau không?"
" Có chứ! Nhưng chị ấy bận, ít nói chuyện với con."
" Bận gì?" Diễm làm bộ nói giỡn. " Lại bồ bịch hả?"
" Mẹ biết rồi còn hỏi gì nữa."

My như bụi cây trong một ngày lặng gió. Bình thản. Yên ắng. Diễm quanh co không biết phải bắt đầu như thế nào. Nàng lướt vội:

" Con đó hư quá hà! Sáng nay mẹ gặp nó cặp với thằng bồ. Tên thằng đó là Alain thì phải."
" Chị ấy có nói với con."

Diễm giật mình. Không biết Jeanne còn kể những gì với My. Chuyện tầy trời vậy mà My coi bộ tỉnh bơ như không. Nàng lập ngay hàng rào phòng thủ quanh con.

" Con có thấy con khác Jeanne không?"

My ngạc nhiên nhìn mẹ.

" Mẹ nói gì vậy?"

Diễm khựng lại ấp úng lựa lời:

" Mẹ muốn nói mình là người Việt Nam. Có những cái mà người ở đây họ làm được mà mình không làm được. Jeanne nó làm gì mặc nó nhưng con đừng có bắt chước nghe. Con thương ba mẹ thì phải nghe lời ba mẹ. Mình khác! Họ khác!"

Vẻ khó chịu hiện rõ trên mặt My. Nó nhăn nhó với mẹ:

" Chuyện của chị ấy thì mặc kệ chị ấy. Mẹ nói làm chi. Có liên quan gì đến mình đâu!"

Diễm lại như người đi lộn đường. My không còn là đứa con nhỏ bé như nàng vẫn tưởng nữa. Nó có kích thước của nó. Chững chạc, tự tin, phân biệt rạch rõi biên giới giữa mình và người khác. Nó chín chắn một cách tội nghiệp. Cái chín của một trái cây bị dú làm ngắn lại những ngày vô tư thơ dại. Trường ốc đã trang bị quá kỹ càng và sớm sủa hành trang vào đời cho đám trẻ nhưng lại cho chúng thừa mứa tự do để muốn vào bằng lối nào cũng được. Những bảng cấm, những đèn đỏ, những cảnh sát công lộ được cất đi hết. Mẹ cha, cô dì, chú bác cũng phải tránh ra bên lề. Muốn nắm tay con cháu chỉ lối cho chúng đâu có dễ. Diễm nhớ lại câu chuyện dở khóc dở cười của bà bạn thân từ hồi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường ở Saigon. Bà có đứa con trai đâu chỉ chừng mười mấy tuổi. Bà chăm sóc con kỹ càng đến nỗi mỗi lần đi với bạn bè ở ngoài đường, lỡ gặp mẹ, cậu con cố tránh không muốn giáp mặt. Giọng của bà bạn chưa vơi máu tếu từ thuở học trò làm Diễm cười lăn cười lộn. Bữa đó tao gặp nó đi với mấy đứa bạn, trai có gái có, trong một cái mall lớn. Nó liếc nhìn thấy tao đi lối nào là tránh qua lối khác. Mày thấy có dễ tức không? Mình là mẹ nó chứ có phải con mẹ khùng mẹ điên nào ngoài chợ đâu mà nó tránh kỹ thế! Tự nhiên tao nổi giận ngang. Tao rảo bước đi theo nó. Nó kéo mấy đứa bạn chạy. Lỡ trớn tao cũng chạy theo miệng la bai bải:" My son! My son!" Thiên hạ chẳng hiểu ất giáp gì há hốc miệng nhìn theo. Chắc họ tưởng tao là con mẹ khùng thật!

Diễm chưa gặp cảnh đó. Có lẽ vì My là con gái và là con một. Nhưng My có vẻ ngại nói chuyện với cha mẹ. Những câu trả lời cộc lốc, dấm dẳn của con có làm Diễm xót xa nhưng nàng vẫn cố âm thầm chịu đựng. Lối sống buông thả của Jeanne làm nàng hoảng sợ cố xù lông xoa cánh che chở cho con chim non của nàng. Được cái lúc sau này Jeanne ít thân với My làm nàng yên tâm phần nào. Có lẽ Jeanne đã rẽ qua một khúc đường khác bỏ lại My ở phía sau chẳng thèm ngó ngàng tới. Jeanne đã không đi nhưng chạy trên khúc đường đó. Alain chỉ là đoạn đầu. Đoạn sau là những khuôn mặt khác nối tiếp nhau thấy đổi như những con số chỉ ngày tháng trên tấm lịch.

Những khuôn mặt luôn luôn đổi mới được Jeanne mang về nhà không dấu diếm hình như chẳng mảy may làm bận tâm Micheline. Bà như một thứ lá sen lá chuối dưới cơn mưa. Chẳng có một giọt buồn phiền nào đọng lại được. Diễm vẫn tưởng ít ra Micheline cũng phải bối rối, ngượng ngùng khi gặp và nói chuyện với nàng. Nhưng bà vẫn tròn nụ cười, vẫn lấp lánh đôi mắt, vẫn tươi vui giọng nói. Ngược lại Diễm lại lúng túng, vấp váp khi tiếp chuyện Micheline. Nàng cảm thấy vướng víu khi cứ phải giữ những ái ngại nàng đã tích trữ trong lòng để sẵn sàng san sẻ cho Micheline bất cứ lúc nào bà thở than với Diễm về Jeanne. Diễm mang nỗi bực bội này ra bỏ vào túi Côn.

" Em không hiểu được bà Micheline. Con hư như vậy mà bà ấy vẫn tỉnh bơ như không, chẳng buồn mà cũng chẳng bận tâm trong lòng một chút xíu nào cả. Lạ thật!"

Côn tủm tỉm cười:

" Ừ, kể cũng lạ thật! Chuyện của người ta mà người ta không bận tâm trong khi em như ngồi trên lửa. Chắc em phải ra ứng cử chức trưởng ấp của khu này quá!"

Diễm bực bội:

" Anh thì lúc nào cũng giỡn được! Chuyện của người ta nhưng cũng là chuyện của mình. Còn bé My đó, em phải lo chứ!"
" Thì em cứ việc lo. Sao lại bắt bà Micheline lo?"
" Nói với anh tức anh ách. Em không thèm nói nữa!"

Diễm ngoe nguẩy quay đi. Côn nói với theo bước chân vợ:

" Em không nói thì để anh nói." Diễm dừng lại vênh mặt lên chờ Côn nói tiếp. " Giả dụ em là bà Micheline thì em sẽ nói sao? Con bé Jeanne lúc nào cũng có một ông bố dấu mặt sẵn sàng mang ra làm vật trao đổi với mẹ. Vả lại, em nghĩ khác, bà Micheline nghĩ khác. Chẳng cứ bà Micheline, người bên này đâu có nhất thiết đều nghĩ như em với anh. Mình là người ăn nhờ ở đậu ấy mà! Nhập gia thì phải biết nhắm mắt mà sống."

Câu nói của Côn làm phồng hơn nỗi lo của Diễm. Nàng như bị ném vào một đống tuyết. Cái cơ thể xứ nóng của Diễm co ro vì chịu lạnh. Cái lạnh cứ tăng mai, tăng mai cơ hồ muốn bóp tim nàng ngừng đập. Ngày xưa chỉ có cái hố giữa hai thế hệ ngăn cách cha mẹ nàng với nàng, nề nếp vẫn còn đó, gia phong vẫn còn đó, dư luận vẫn còn đó, tôn ti trật tự vẫn còn đó. Ngày nay My chẳng phải chỉ cách biệt nàng cái lỗ hổng của một thế hệ mà tất cả những lá chắn, những cửa nẻo của gia đình và xa hội cũng rời rã theo. Nàng có nỗi lo sợ của một người sống trong một căn nhà ở một khu hẻo lánh, cửa nẻo đã bị gỡ đi trống hốc trống hác mặc cho gió bao thốc vào.

Nàng chỉ nhẹ nhõm mối lo khi Jeanne, vừa xong bậc trung học, đã ôm đồ đi ở với một tên bạn trai nào đó không héo lánh về nhà. Vùng bụi bậm quanh My đã quang đãng, Diễm thở phào như đổ đi được nỗi lo lắng. Nhưng nàng lại mang mặc cảm với nỗi vui của mình. Diễm nghĩ nàng đã tìm vui trên đau khổ của Micheline.

Micheline một mình vào ra trong căn nhà dư phòng ngủ. Bà có vẻ buồn hơn, bớt xởi lởi hơn, khép kín hơn. Đó là Micheline dưới cặp mắt Diễm. Côn lại thấy Micheline chẳng có gì thấy đổi. Hình như bà đã được sửa soạn cho mọi tình huống. Mà tình huống bà đang gặp cũng không đến nỗi tệ lắm. Chỉ một thời gian sau, thỉnh thoảng Jeanne xẹt về nhà, lúc thì một mình, lúc thì với bạn. Coi như Jeanne đã có chồng mặc dù chẳng có đám cưới. Hai thế hệ đều chẳng có dịp gài giải voan trắng trên đầu.

Đám cưới của My vì vậy, đối với Micheline, là một dịp vui hiếm có. Chỉ mới nhận được thiệp mời, bà đã như người say rượu cưới. Bà tìm dịp gặp Côn và Diễm thường xuyên. Để bàn bạc về áo quần. Để tìm hiểu về nghi lễ cưới hỏi của người hàng xóm không cùng giòng giống. Để chỉ nói dăm ba câu biểu lộ nỗi hân hoan không dấu diếm. Bà cứ loay hoay như vậy cho tới khi bà nói được điều bà thực sự muốn nói.

Gặp lúc hai vợ chồng Côn vừa dừng xe vào nhà, Micheline đon đả mở cửa bước ra. Bà ấp úng:

" Tôi định nói với ông bà chuyện này từ lâu mà ngại quá. Không hiểu có làm phiền ông bà quá đáng không?"

Cả Côn lẫn Diễm đều ngỡ ngàng. Micheline ít khi dè dặt và cẩn trọng như vậy. Nhất là thời gian gần đây bà hay chạy qua chạy lại thân mật trò chuyện, han hỏi về đám cưới My. Côn sốt sắng:

" Bà Micheline! Mình như người trong nhà cả, có chuyện gì bà cứ tự nhiên, cần chi phải rào trước đón sau làm chúng tôi khó nghĩ quá. Chúng tôi có thể làm gì cho bà được bây giờ nào?"

Micheline thân mật cầm tay Diễm.

" Chắc ông bà vẫn còn thương cháu Jeanne?"

Côn cố làm cho câu chuyện bớt nặng nề:

" Con nuôi của chúng tôi mà không thương sao được? Bà nói với cháu là tủ mì gói bên nhà tôi sắp mốc rồi đó!"

Diễm cười. Micheline cười theo. Bà nói vội như sợ nếu không nói ra bây giờ thì chẳng bao giờ có thể nói được nữa:

" Xin ông bà cho cháu và bạn cháu dự đám cưới của cháu My được không? Tôi muốn chúng nó được chúc mừng cháu My. Nhất là muốn Jeanne nhìn thấy My trong ngày cưới!"

Giọng Micheline nghẹt cứng. Mũi ửng đỏ. Mắt chớp chớp liên hồi. Mặt trời đứng bóng trên cao. Chẳng có một vẩy gió nào.