“ Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên chồng vợ ngàn năm vẫn chờ “.
Sáu giờ chiều trời vẫn còn nắng le lói khiến tôi liên tưởng đến câu “ nắng quái chiều hôm “ tình cờ đọc được. Ban nãy trong bài giảng về ngày tháng bốn mùa của cô giáo, nào là Xuân phân Hạ chí, Thu phân Đông chí và giải thích tại sao có ngày dài đêm ngắn, ngày ngắn đêm dài. Với tôi không cần nhức đầu dài dòng theo lý thuyết nghiên cứu về trái đất in trong sách vở, chỉ cần câu ca dao truyền khẩu “ Tháng năm chưa nằm đã sáng, tháng mười chưa cười đã tối “ của người bình dân đủ giúp tôi phân biệt đêm ngày dài ngắn một cách thật đơn giản. Những năm học ở bậc tiểu học tôi cứ thắc mắc đã là mùa hè tại sao những ngày nghỉ hè của học trò tụi tôi lại mưa nhiều hơn nắng, lời giải đáp thật ngắn gọn đã trả lời là do xứ sở mình có khí hậu của miền nhiệt đới, lại thêm nằm trải dài bên bờ biển Thái bình dương nên nhiều hơi nước từ biển thổi vào.
Đang lan man nghĩ ngợi, nếu không có đám đông tụ tập trước khoảng sân tôi không hay mình đã về đến nhà, thầm nghĩ chắc mấy đứa nhỏ lại đánh nhau khiến ba má tụi nó phải ra can thiệp, đàng xa đã nghe tiếng ông Bảy mập la lối:
– Tao là tao còng đầu tụi bây đem về bót nếu đụng trúng con tao.
– Hôm qua chút nữa tụi này làm con Tuyết té bể hai thùng nước nó đang gánh.
Bà Chín má con Tuyết chỉ tay xỉ xỏ bên cạnh là bà Hai ốm ngoại thằng Liêm vuốt ngực thở dốc:
– Tụi nó làm tui giựt mình đứng tim khi mới vừa bước ra cửa, nó phóng xe cái ào qua suýt trúng tui rồi.
Con hẻm vốn dĩ không rộng rãi lắm giờ lại lao xao mỗi người một câu. Đứng giữa đám người vây quanh mấy ông bà hàng xóm là hai thanh niên với chiếc xe Kawasaki màu đỏ. Tôi hỏi thằng Liêm:
– Chuyện gì vậy Liêm, có ai bị họ đụng hả ?
– Hổng phải, hai ảnh mới chạy xe vô bị ông Bảy nhảy ra vác củi phang vô xe chận đường chửi quá xá nãy giờ.
Thì ra là anh con nhỏ Mười Ba, tôi không biết anh ta tên gì nhưng nghe cô em gái gọi là anh Mười một. Gia đình này dọn về ngụ cuối xóm mới hơn nửa năm nay. Tên gọi theo thứ bậc cho thấy nhà này rất nhiều con, nhưng chỉ có bà má dáng người mập mạp và hai đứa con một trai một gái ở với nhau. Con gái út được con nít gọi là chị Mười ba. Anh con trai còn đang đi học, mỗi lần anh ta chạy xe vào hẻm, người chưa thấy đã nghe tiếng xe bị bể bô nổ điếc tai lại thêm rú ga ào ào. Vài lần tôi nghe có người ném theo câu chửi bâng quơ khi anh ta chạy ngang nhà:
– Thứ đồ hippy ôn dịch.
Hôm nay thì nổ ra chuyện lớn. Ba tôi cũng vừa đi làm về đến nhà, thấy đám đông tụ tập liền hỏi ngay cớ sự. Đa số dân tình trong xóm là người lao động tay chân nên rất nể nang ba tôi vì ông là dân “ thầy chú “ theo như họ nghĩ. Ông Bảy mập phân bua:
– Thầy Sáu nghĩ coi cái hẻm bây lớn hè, mỗi lần nó vô là chạy xe ào ào còn rú ga khiến cả xóm điếc con ráy bất kể giờ giấc sáng trưa chiều tối. Tui chờ mà đụng trúng con tui là tui quánh liền rồi đi thưa cho ở tù.
Má con Kim Năm đế vô thêm:
– Tụi nó chạy xe kiểu vậy có ngày trúng con tui làm sao ! Hẻm thì toàn con nít nhỏ hay chơi trước nhà.
Hai người thanh niên biết lỗi nên đứng im ru. Ba tôi ôn tồn nhắc nhở:
– Hẻm nhỏ hai cháu chạy xe nên cẩn thận chạy chậm, coi chừng trúng mấy đứa con nít sinh chuyện rầy rà cho mình.
Quay sang bà con trong hẻm ông nói tiếp:
– Tụi nó cũng giống như là con cháu của mình “ Bán anh em xa mua láng giềng gần”, đã là hàng xóm có gì thì mình khuyên bảo nhẹ nhàng thôi, chuyện đâu có gì lớn lao nên vui vẻ bỏ qua đi.
Ông Bảy mập vẫn còn hậm hực đe nẹt:
– Từ rày về sau tụi bay vô hẻm là phải xuống xe dắt bộ, nếu không, bà con ở đây cấm không cho dô.
Nghe vậy tôi che miệng cười khúc khích, nhìn bộ mặt thiểu não của anh thanh niên lạ mặt đi chung với anh Mười Một, cậy đông người tôi thốt lên giọng tài lanh, nói leo chọc quê:
– Vậy là mấy anh phải nhớ nha vô hẻm là coi như khu quân sự phải “ Xuống xe dắt bộ “, nếu không thì sẽ bị phạt nặng à nhen.
Hai người đồng loạt quay qua nhìn tôi với ánh mắt ngụ ý trách tôi đang cười trên sự đau khổ của họ làm tôi mất hứng bẽn lẽn quay ngay vào trong nhà.
Sau cái ngày đụng độ với mấy ông bà hàng xóm, Anh Mười Một mỗi ngày đi học không dám chạy ào ào vào hẻm như trước. Thỉnh thoảng một tuần vài hôm anh chở thêm người bạn về nhà. Không biết là cố ý hay vô tình hễ cứ đúng giờ trưa tôi dắt xe đạp ra đi học là thấy hai người cũng lò dò chở nhau đi theo. Có lần tôi liếc thấy túi áo bạn anh Mười Một đính phù hiệu trường Petrus Ký. Thì ra anh ta là học sinh trường này.
Một hôm được nghỉ lễ buổi trưa ngồi trước nhà, đang nhâm nhi chén chè mè đen của bà xẫm già bán dạo, con nhỏ Mười ba đi đến xà xuống ngồi bên cạnh tôi nói với bà xẫm:
– Cho tui một chén mè đen.
– Em cũng thích chè này hả ? Ngon ghê há, trong mấy thứ chè bà xẫm bán chị chỉ thích món này. Ban nãy thấy em mua hai chén “ lục tàu xá “ mang về rồi mà.
– Mua giùm hai ảnh đó chị ơi. Mấy người con trai khôn lắm, muốn ăn gì toàn kêu mình đi mua, người ta tưởng con gái mình ăn quà vặt dữ dội, ai dè họ mới là sư phụ.
– Bộ hai người đó thích chè đậu xanh lắm hở em.
– Ảnh nói năm nay đi thi ăn đậu xanh, đậu đỏ để gặp may mắn, nhưng tuyệt đối đừng có mua bánh lọt cho ảnh.
Cười thầm trong dạ tôi nghĩ, thanh niên gì mà cũng tin dị đoan giống con gái:
– Hi hi, đi thi sợ bị lọt nên cữ ăn bánh lọt, mà anh em học lớp mấy vậy ? Sao chị thấy đi học ngày tới hai buổi lận. Buổi chiều chị đi học cũng thấy ảnh đi nữa.
– Ảnh đang học lớp Đệ Nhất, mấy bữa bạn anh tới rủ ảnh đi học thêm luyện thi. À bạn ảnh có hỏi em, chị tên gì học lớp mấy đó ? Em đâu biết chị học lớp mấy đâu mà trả lời ảnh.
Nghe con nhỏ kể hóa ra mình cũng được người ta chú ý nên tôi ỏn ẻn làm điệu trả lời:
– Chị học lớp Đệ Ngũ em ơi, tên chị thì em biết rồi.
Giấu niềm kiêu hãnh trong lòng tôi chuyển sang câu hỏi:
– À mà sao em thứ Mười Ba lại nhỏ tuổi hơn anh của em nhiều vậy ?
– Ai cũng nói “ giàu út ăn, khó út chịu “, sanh anh Mười Hai xong má nói tưởng hết sinh con, ai dè năm năm sau lại mang bầu nên em thua anh Mười Một bảy tuổi lận.
Buổi trưa đang thong thả đạp xe đến trường, chợt thấy chiếc gắn máy chạy chầm chậm song song xe tôi, quay nhìn sang tôi thấy anh Mười Một và người bạn, anh này lên tiếng:
– Chào em. Em gái có mái tóc dài sau lưng đẹp quá.
Mắc cỡ tôi ngậm miệng im lặng giấu mặt dưới vành nón lá. Đi một đỗi đến ngã ba anh lại nói:
– Thôi em đi tiếp nhen, tụi anh cũng đến trường đây.
Thế là nhiều buổi trưa đi học thỉnh thoảng tôi lại gặp hai người trên đường. Biết là người quen cùng xóm nhưng tôi có tính hay cả thẹn, nhất là đang đi một mình. Đôi lúc bạo dạn lắm chỉ biết gật đầu đáp lại lời chào của hai người. Suốt nhiều tháng kế tiếp, mối giao hảo láng giềng quen biết của chúng tôi cũng chỉ dậm chân tại chỗ không tiến thêm bước nào do tôi vẫn giữ im lặng với vẻ mặt nghiêm trang.
Tháng năm, còn một tháng là nghỉ hè. Vào những ngày đầu tháng năm, Saigon lại có một cuộc tổng tiến công đợt hai của Việt Cộng sau khi lãnh thất bại đợt một vào dịp Tết Mậu Thân. Lần này khu vực nhà tôi ở đã không còn được thần may mắn bảo hộ. Giao tranh xảy ra ác liệt, cả xóm dắt díu nhau chạy dạt theo đoàn người đi lánh nạn bỏ lại nhà cửa tài sản. Trở về sau khi im tiếng súng, mọi người không còn nhìn thấy ngôi nhà của mình, toàn bộ giờ chỉ là đống đổ nát hoang tàn, cháy đen nham nhở gạch vụn. Làm sao tả hết nỗi thất vọng buồn bã trên từng khuôn mặt, nhất là của ba má tôi. Kể từ ngày hôm ấy gia đình tôi lặng lẽ bỏ đi không về dựng lại ngôi nhà khác giống những người hàng xóm chung quanh.
Thời gian đầu sống chen chúc trong trại tạm cư, lúc nào tôi cũng nhớ về căn gác nhỏ sau nhà, cái bàn học bên cạnh cửa sổ nhìn ra trước hiên, nhớ khoảng sân nhỏ trong hẻm lúc nào cũng có bầy con nít chơi đùa đủ thứ trò chơi trong ngày nắng ráo, mùa mưa rủ nhau tắm mưa chạy lông nhông giành nhau hứng nước dưới những máng xối. Nhớ tiếng rao hàng của những người bán rong thành thông lệ tiếp nối hàng ngày vào mỗi buổi sáng trưa chiều tối. Nhớ chén chè lục tàu xá, “ chí mà phủ “ của bà xẫm già. Những kỷ niệm đúc kết lại thành một khối buồn bã khiến tôi không dễ dàng quên chúng một sớm, một chiều !
oOo
Kể từ năm Đệ Tứ trở lên tất cả các lớp kế tiếp là Đệ Tam, Nhị và Nhất của trường đều phải học vào buổi sáng. Mỗi trưa tan học trước lớp bà chị một giờ, tôi hay có thói quen vào sân chùa ngồi trên chiếc băng đá dưới tàng cây đang nở từng chùm hoa cát đằng tím đỏ.
Hôm nào cũng vậy, thơ thẩn bên chùa mãi nên tôi biết khắp ngõ ngách và thuộc lòng từng cội cây, nhánh cỏ nơi này. Cổng chính nhìn ra đường Bà Huyện Thanh Quan lúc nào cũng đóng kín chỉ mở khi có việc cần thiết. Bên ngoài trên lề nằm gần góc cửa cạnh ngã ba, nơi các hàng quà rong tụ tập lúc nào cũng có bầy nữ sinh với tà áo dài trắng đang xúm xít chung quanh.
Từ trong chùa nhìn ra, phía bên trái cũng có một cổng vào kiến trúc y hệt như cổng chánh, nhưng im ắng hơn, nơi đây có một gian nhà trệt nằm song song với gian chính điện được xây hai tầng. Thỉnh thoảng ngôi nhà mở cửa tôi lại nhìn thấy những tà áo xô, vành khăn trắng quấn trên đầu nhiều người đang quỳ mọp quanh chiếc quan tài đèn nến lung linh đặt phía trong. Là người xa lạ tôi chỉ có thể ngầm chia sẻ nỗi buồn đau của họ bằng ánh mắt tiếc thương của mình. Vài lần tình cờ chứng kiến lễ di quan của người đã mất, biết họ là quân nhân của các binh chủng khác nhau, qua bộ quân phục của những người tham dự tiễn đưa chiến hữu của mình, cùng theo sau xe chở quan tài là những chiếc xe GMC có gắn vòng hoa tang. Đứng bên hông chùa nhìn cảnh tượng ấy lúc nào lòng tôi cũng buồn bã ngậm ngùi.
Chỉ một điều hơi lạ khiến tôi nghĩ ngợi, hình như trong cuộc sống của mình từ khi hiểu biết đến giờ đều có liên quan đến ngôi chùa. Từ lúc tôi còn là con bé bốn năm tuổi đã thường xuyên về nhà bà nội mình ở quê vào những ngày hè. Bà nội tôi xuất gia nên sống trong cái “ am “ nhỏ giữa đồng không mông quạnh để một mình tu hành. Lớn lên một chút nhà tôi lại ngụ cạnh một ngôi chùa cho đến ngày nhà bị cháy. Suốt bảy năm trung học ngôi trường lại nằm bên cạnh chùa. Có phải vô tình một chuỗi liên quan trong đời sống xảy ra như được sắp đặt sẵn, nhà Phật gọi đây là “ duyên sinh “ ?.
Năm ngoái chị tôi đã học xong lớp Đệ Nhất, năm nay còn lại mình tôi học năm cuối. Không còn được theo chị, tôi đành phải đi một mình. Cũng may, tôi có người dì họ nhà gần trường, chỉ cần đi bộ qua hai ngã tư đường là đến. Đúng lúc này dì lại xin ba má cho tôi đến ở trông chừng nhà giúp cho dì. Căn nhà ba tầng dì đang cho những người ngoại quốc thuê, gian dưới đất có một phòng riêng dành cho tôi ở để làm bạn với bà giúp việc. Không muốn giam mình trong bốn bức tường nửa ngày cho đến tối, sau mỗi buổi học, cơm trưa xong là tôi lại ôm sách vở đến ngôi chùa cạnh trường ngồi đến chiều.
Chẳng phải chỉ mình tôi đến đây, trong sân chùa có rất nhiều học sinh, sinh viên hiện diện. Chùa có một giảng đường ở tầng dưới của chánh điện có đầy đủ bàn ghế, ai muốn vào cũng được và giống như thư viện tất cả đều tự học. Tuy nhiên phải tôn trọng nội quy là phải im lặng, đi nhẹ nói khẽ vì đây là nơi chốn tôn nghiêm.
Tôi ít khi vào đây, chỉ thích ngồi ngoài hành lang dựa vách nhìn ra đường, hôm nào đến muộn đã bị người khác chiếm chỗ vì cũng có nhiều người cùng ý thích giống mình. Lác đác khắp cây cột sát vách đều có người, trên tay cầm ít nhất là một quyển sách được mở ra và họ chìm sâu tâm trí vào đó bỏ mặc mọi tiếng lao xao bên ngoài.
Hôm nay tôi lại đến muộn vì phải thay bà giúp việc rửa mớ chén sau khi tôi với bà ăn trưa. Bà hối hả lên giúp chị bồi phòng trên lầu làm buổi tiệc để ông chủ chị này thết đãi vài người bạn dịp ông ta trở về nước vì hết hạn phục vụ.
Đến chùa chỗ ngồi hàng ngày đã bị người khác chiếm, tôi đành phải ngồi trên vạt cỏ dưới gốc cây sứ trắng. Đắm chìm với trang sách tôi không hay bóng nắng lung linh nhảy múa trên chòm lá đã lần lần xê dịch ngay trên đầu, một lát mồ hôi túa ra tôi mới biết mình đã bị mặt trời chiếu cố. Vươn vai đứng dậy đảo mắt nhìn quanh tìm chỗ khác, bắt gặp cô bạn mới quen sơ ở đây ngoắt tay rủ tôi lại chỗ cô ấy ngồi. Thì thầm nhỏ hỏi:
– Chị đến hồi nào, ban nãy đến chỗ thường khi chị ngồi em thấy đã có người khác, tưởng chị hôm nay ở nhà.
– Tôi có chút việc nhà nên đi muộn hơn mọi hôm. Ngồi chỗ này tê chân quá, tìm bực thềm thả chân xuống ngồi lâu mới được.
Nhỏ đứng bật dậy rủ tôi:
– Chị đi với em tới chỗ bí mật này.
Những tưởng nó khám phá nơi nào mới dè đâu là hành lang trống trải nằm phía sau gian nhà trệt. Nơi đây có chiếc băng ghế dài lưng tựa đặt sát vách, nhỏ rủ:
– Mình ngồi đây là nơi yên tĩnh hơn ngoài kia học dễ vô nhất.
Cô bạn mới này học cùng trường nhưng thua tôi một lớp và năm nay thi Tú tài 1. Lần đầu ngồi cạnh nhau ở hành lang, lúc ấy tôi đang xem nốt phần cuối truyện Ngọn cỏ gió đùa của nhà văn Hồ Biểu Chánh, say sưa thả hồn vào từng trang sách nhưng trực giác cho biết cô bé ngồi bên đang nhìn lén mình. Bất giác tôi ngẩng đầu nghiêng mắt để bắt quả tang, bị phát giác nhìn trộm con bé cười gượng giọng giả lả:
– Thấy chị đọc có vẻ say mê quá. Bộ chị thích nhà văn này lắm hả ?
– Tôi thích đọc sách nên nhà văn nào tôi cũng thích, riêng với ông này tôi có cảm tình đặc biệt hơn nên tôi đã tìm đọc gần hết các tác phẩm của ông.
– Vì sao vậy ?
Cô bé hỏi giọng tò mò:
– Vì ông có lối viết và dùng những từ ngữ chơn chất của người bình dân miền Nam xử dụng trong những năm đầu thế kỷ. Tiểu thuyết ông viết mang tính giáo dục, đề cao đạo đức làm người theo Nho giáo và thuyết nhân quả nhà Phật. Đọc truyện của ông thấy đầu óc nhẹ nhàng sau khi kết thúc. Nhưng quan trọng nhất là ông hay lấy bối cảnh ở địa phương, tên gọi một con lộ, vùng đất, quận lỵ khiến tôi cảm thấy mình yêu mến thêm đất nước khi hình dung nó qua trang sách.
– Ủa ! Lạ quá hen, mà sao chị lại có cảm giác như vậy.
Tôi cười sảng khoái:
– Tại đa số danh xưng, tên gọi làng mạc địa phương ông diễn tả trong truyện là làng quê của ông bà nội tôi, của cha tôi và là nơi tôi sinh ra chứ sao ! Đọc một bài báo, một quyển truyện được tác giả đề cập, dù chỉ dính líu một cái tên quen thuộc nhắc đến xứ sở, gốc gác mình thì tự nhiên thấy lòng lâng lâng, vui vui và hãnh diện, tự hào khó diễn tả được hết.
Bỗng nhiên cô bạn tôi cười hớn hở lạ thường và nói:
– Chị có quen tác giả này không ?
– Biết tên thôi, nếu còn sống chắc cũng bằng ông nội, ông ngoại mình.
– Ông là ông ngoại của em đó chị ơi, em là cháu ngoại của nhà văn Hồ Biểu Chánh.
Sửng sốt tôi kêu lên:
– Ý trời, sao lại có chuyện hy hữu này nữa ha. Hổng lẽ mình có duyên với nhau.
Tôi còn nhớ có lần cô giáo dạy Văn đã giảng: Nhà văn khi dựng nên tác phẩm, nguyên tắc chung khi đề cập đến bối cảnh diễn tả có liên quan đến từng chi tiết của vùng, miền, tên gọi của làng xóm, người diễn tả tinh tế nhất thông thường phải là người sinh ra hoặc lớn lên từ nơi ấy hoặc ít nhất là sống một thời gian ngắn hoặc có lần đi ngang địa phương đó. Bài văn hay quyển tiểu thuyết được người đọc đánh giá cao tùy thuộc vào những chi tiết chính xác khi đề cập đến không gian, thời gian trong đó cho dù chuyện chỉ là hư cấu. Môn học Sử Địa thường được ghép song song cùng môn Văn thành bộ ba Văn Sử Địa. Các giáo sư dạy môn Văn của trường tôi đa số đều có khả năng dạy luôn hai môn Sử Địa. Ai bảo chương trình học hai môn này là thừa thãi.
Lòng vui vui khi tình cờ quen em tôi ỡm ờ:
– Biết đâu em với tôi là bà con thời ông cố nội, cố ngoại mình mà mình không biết.
Cả hai mỗi đứa đang ngồi ôm quyển sách “ tụng niệm “ để chuẩn bị “ vượt vũ môn “, bỗng nhiên một nhà sư trẻ từ trên chùa đi ngang qua chỗ hai chúng tôi ngồi. Ông đến mở chốt và bung hai cánh cửa ra. Đứng bật dậy tôi nhìn thấy bên ngoài lao xao một đám người, họ thận trọng hạ bửng chiếc xe GMC xuống và nhấc cẩn thận một cổ quan tài trên phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ.
Thì ra chỗ chúng tôi ngồi là hành lang dẫn đến hai cánh cửa thông ra bên ngoài. Từ nơi này người ta sẽ chuyển những chiếc quan tài vào quàn bên trong gian nhà trệt trong sân chùa.
Chỉ huy là một anh lính trẻ mặc bộ quân phục màu xanh tím sậm, trên vai mang lon có vòng tròn màu vàng, tôi không biết cấp bậc gì nhưng thấy anh ra lệnh cho nhóm lính di chuyển chiếc quan tài theo chỉ dẫn của nhà sư. Đi theo sau là một nhóm người gồm đàn ông đàn bà và cả trẻ con. Tôi đoán họ là thân nhân của người quá cố. Có lẽ anh lính trẻ chỉ có nhiệm vụ giúp thân nhân mang quan tài từ đơn vị ở mặt trận về chùa. Việc còn lại là do nhà chùa sắp xếp nên sau khi mọi việc xong xuôi anh này bước ra bên ngoài, ngồi đàng kia dở gói thuốc ra hút gương mặt có vẻ mệt mỏi. Tôi nhìn thấy anh lính rất quen, ngờ ngợ. Nhất thời chưa thể nhớ ngay nên hạ giọng thì thầm với con nhỏ:
– Nhìn anh lính ngồi hút thuốc đàng kia trông hao hao một người quen.
– Là người quen vậy lại hỏi thăm là biết liền chớ gì !
– Chẳng biết có phải hông sợ người giống người, lỡ không đúng thì mình quê lắm.
– Có gì mà quê, hỏng phải thì thôi, ai ăn thịt mình mà sợ.
– Khoan đã, để từ từ mình nhớ xem đã gặp anh này ở đâu nè, hình như ba bốn năm về trước lận.
– Xời ơi, lâu vậy hả làm sao chị nhớ !
– A nhớ rồi ! Vào năm nhà chị bị cháy.
– Bộ anh giúp chữa lửa nhà chị à ? Anh ấy tên gì vậy ?
Tôi phì cười trước câu hỏi trật lất của con nhỏ:
– Hổng phải, anh ấy là bạn anh hàng xóm thôi, kẹt cái là mình không biết tên anh ta.
– Nhưng anh ấy có biết chị không ?
– Hồi đó thì biết nhưng bây giờ chắc gì anh ta còn nhớ.
Con bé hăm hở nói:
– Hông nhớ thì mình nhắc cho anh ấy nhớ.
Nói xong con bé xăm xăm đi đến chỗ anh lính đang ngồi hút thuốc. Không kịp ngăn cản con nhỏ nên tôi thẹn quá cúi mặt nhìn xuống mũi giày vì ai ngờ nó bạo dạn quá mức. Trái tim tôi đập hồi hộp vì tôi đã nhớ ra, anh lính này giống bạn của anh Mười Một năm ấy. Khi anh ta đứng dậy bước đến chỗ tôi, ngần ngại một chút tôi bạo gan hỏi:
– Xin lỗi, phải anh là bạn anh Mười Một, ngày trước có một thời gian anh hay ghé xóm chùa để đi học chung với anh ấy.
Không cần đề cập dông dài, anh xác nhận ngay:
– Đúng năm, anh là bạn của Mười Một đây. Anh nhớ rồi em là cô nữ sinh có mái tóc dài nhà ở bên hông chùa, trưa nào đi học cũng gặp em. Nhìn phù hiệu trên áo em là anh nhớ ngay.
Tôi mỉm cười mừng rỡ vì cũng đã hơn bốn năm mà anh cũng còn nhớ đến tôi mặc dù chỉ biết nhau sơ qua:
– Dạ đúng, nhưng bây giờ em học buổi sáng và em đã cắt bớt tóc rồi, chỉ còn để quá vai một chút như vầy thôi. Lâu vậy mà anh cũng còn nhớ ra.
Con nhỏ chen vô:
– Vậy anh chị đúng là người quen cũ rồi ha, chị phải đãi em một chầu chè mới được.
Ra vẻ đàn ông anh nói:
– Cho phép anh đãi hai cô nhân dịp gặp lại người quen.
Chúng tôi rủ nhau sang cái quán nước đối diện bên hông chùa. Quán nhỏ chỉ có vài bộ bàn ghế nằm dưới những tàng cây trong căn biệt thự cũ. Quán bán độc nhất một món chè đậu xanh nguyên hạt cả vỏ, thêm vài chai nước ngọt bày sơ sài trên bàn, được một thứ là chỗ ngồi kín đáo không phải đứng túm tụm quanh mấy cái xe ngoài kia. Tôi nói với anh:
– Năm nay là năm thi, tụi em ăn chè đậu xanh để lấy hên và nhất là không có bánh lọt. Hồi trước, khi em Mười ba mua chè đậu xanh cho hai anh hay nói vậy.
Tôi và anh cùng cười khi nhắc lại những kỷ niệm cũ ở Xóm Chùa, chuyện cũ trong xóm nhắc lại lan man làm cô bạn đi chung phát chán nên xin phép về trước sau khi thanh toán sạch sẽ hai ly chè.
Anh kể, sau đợt hai Mậu thân anh có ghé lại xóm thăm gia đình anh bạn nhiều lần nhưng không gặp tôi. Anh hỏi bé Mười ba mới biết gia đình tôi rời chỗ đó đi luôn không về cất nhà lại. Anh học thêm một năm đại học rồi đi lính theo luật tổng động viên.
Tôi ngậm ngùi kể lại nỗi buồn của gia đình trong cơn chiến nạn nên ba tôi không muốn về lại chốn cũ, chúng tôi lăn lóc sống trong các trại tạm cư do chính phủ xây dựng trong khi chờ nhà nước cất lại các chung cư cấp phát cho dân. Thấy tôi buồn khi nhắc lại chuyện cũ, anh pha trò:
– Lúc ấy anh đang tham gia với đoàn Sinh viên học sinh đi cất nhà cho đồng bào trong trại tạm cư, biết đâu căn nhà em ở lúc đó là do anh cất cho.
Tôi cũng cười:
– Nếu đúng như thế là do duyên mà ra. Nhưng hồi đó anh đen hơn, bây giờ hơi khác và “ già “ hơn.
Nói xong tôi giơ tay bịt miệng mình giấu nụ cười. Lắc đầu ngắm tôi cười anh kể:
– Thời gian anh đi học trường OCS bên Mỹ khi về ở nhà bảo anh trắng ra. Chắc nhờ thay đổi khí hậu và môi trường. Còn em bây giờ cũng thay đổi hơn xưa, nhất là không nhát như “ cáy “ nữa. Đi ngoài đường anh không thể nào nhận ra cô bé tinh nghịch hồi đó bây giờ lớn và dễ thương như vầy.
Tôi cúi đầu mắc cỡ mặt đỏ ửng trước lời tán tỉnh khéo léo này, nhưng bản tính lém lỉnh ngày trước cũng vẫn chưa thay đổi, tôi trả đũa ngay:
– Nhưng mà thương không dễ.
– Ừ, đúng rồi, muốn thương cũng không dễ. Mười Một nó kể “ trong xóm chỉ duy nhất nhà em có hai cô con gái học trường GL nó muốn làm quen nhưng khó quá. Mỗi lần chạy ngang nhà rồ ga liếc mắt nhìn vào xem có cô nào nhìn ra không thì gặp ngay đôi mắt “ cảnh sát chìm “ của má em canh chừng ngay cửa làm nó bỏ chạy tóe khói. Mười Một báo hại hôm đó anh đi chung chút xíu bị ăn củi đòn của cái ông mập phang vào.
Tôi cười nắc nẻ:
– Ha ha lúc đó nhìn mặt hai anh tức cười quá trời.
– Xui mà hên vì nhờ vậy mới có cơ hội gặp mặt nhau và “ Phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng, lòng đang giá băng bỗng ngập tràn muôn tia nắng “.
Riêng tôi không biết mình may mắn hay xui xẻo gặp anh chàng tán gái dẻo miệng như thế này, nhưng thú thật lòng tôi vui và ấm áp trước ánh mắt nồng nàn anh đăm đăm nhìn tôi.
Qua ngày hôm sau khi đến chùa tôi lại trông thấy anh mặc bộ quân phục trắng toát mới biết anh là Sĩ quan trong Quân chủng Hải Quân. Anh mới vừa ghé qua Bộ tư lệnh để xin toán dàn chào dành cho ngày mai làm lễ hạ huyệt. Sau ngày đưa xác người bạn cùng đơn vị về cho thân nhân mai táng, Anh còn nghỉ phép thêm một tuần và chúng tôi có dịp gặp nhau thêm nhiều lần nữa. Hôm chia tay trước khi trở về đơn vị đóng ở duyên hải miền Trung. Anh đã nắm tay hẹn ước sẽ viết thư cho tôi và mong nhận được hồi đáp. Bàn tay nhỏ mềm của tôi bất giác run rẩy như có làn điện truyền qua bởi cái nắm tay đầu đời với người khác phái. Có phải định mệnh đã gieo mầm gắn bó từ đây ở hai chúng tôi ? Những ngày sắp đến với tôi sẽ vui hay buồn tôi chưa thể biết nhưng lòng tôi không còn yên ả như mặt hồ thu trước kia nữa rồi !
oOo
Không cần dài lâu sau khi đáp lời lá thư đầu tiên, lá thư thứ hai tôi nhận được không phải là lá thư bình thường như cái trước. Lời lẽ trong thư làm cho nhịp tim tôi thay đổi, lòng xao xuyến bối rối mặc dù biết rằng sẽ có ngày nầy. Tôi không biết những người con gái khác lần đầu tiên được tỏ tình cảm giác có giống tôi chăng ? Tôi đọc trong sách, xem phim, coi cải lương thấy không có trường hợp nào giống để tôi trả lời cho anh ! Cũng may là trong thư, không phải ngoài đời, nếu không tôi chẳng biết mình sẽ ra sao ! Bí mật chỉ riêng mình tôi giữ không thể thổ lộ cùng ai, chỉ biết tìm góc vắng cầm lá thư đọc lại không biết bao nhiêu lần. Từ chối thì chắc chắn là không rồi, chẳng lẽ viết vào câu thú nhận “ em cũng yêu anh “ như vậy dị quá. Má tôi lúc nào cũng răn đe chị em tôi và rao giảng luân thường, đạo lý là con gái phải ngồi chờ người ta đem trầu cau đến xin bàn tay về làm vợ, giống như những cây cột phải để trâu tìm đến. Còn bàn tay tôi đã trót cho anh nắm cùng hôm ấy rồi, đối với riêng lòng tôi nó giống như lời đính ước. Suy nghĩ tôi quá cổ lỗ so với thế kỷ hai mươi này nhưng biết làm sao hơn. Tôi ngắt từng cánh hoa để hỏi rằng nên thổ lộ lòng mình hay im lặng !
Theo lệ khi nhận được thư là tôi hồi âm ngay và anh sẽ nhận được trong tuần. Lần này phải đến hai tuần suy nghĩ tôi mới viết thư trả lời, trong thư tôi không nhắc gì đến lời tỏ tình của anh. Tôi vẫn vui vẻ bình thường kể chuyện Saigon dạo này đang có mode các cô gái trẻ mặc áo dài bằng lụa màu đen tuyền với quần trắng. Chắc do dư âm đau buồn của mùa hè đỏ lửa từ chiến trận lan về, các cô bỗng trông thấy “ hay hay “ nên thành mode.
Bỗng dưng tôi nhớ một câu trong Chinh phụ ngâm khúc “ … Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng ! “. Chỉ một câu thơ đã gợi mở nỗi buồn ai oán của người vợ lính cố vui trong những ngày chàng về phép. Câu thơ nhắc tôi nhớ lại hơn nửa năm trước, khi giặt quần áo đi làm việc của ba tôi, soát các túi áo tôi trông thấy tờ giấy đánh máy gấp lại là thư mời dự tiệc của người bạn chung sở nhân dịp ông có người con rể được vinh thăng Đại Úy Hải quân. Vậy mà bây giờ ở trang tư của tờ nhật báo tôi đọc một tin chia buồn Cố Thiếu Tá Hải Quân Đoàn Hồng Hải đã anh dũng hy sinh !! Cái tên và cấp bậc không thể trùng với ai khác.
“ … Lấy chồng thời chiến chinh, mấy người đi trở lại ! Mà lỡ mình không về thì thương người vợ chờ.. bé bỏng chiều quê “.
Hình như tôi sinh ra là để làm người yêu, là vợ của lính bởi trong mắt tôi không có ai khác đẹp đẽ, hào hùng, anh dũng hơn hình ảnh người lính. Lá thư kế tiếp tôi không trực tiếp trả lời mà chỉ viết “ Với em tình yêu không chỉ là nói suông “. Thâm tâm tôi chỉ muốn nhắc cho mình luôn nhớ quy định của riêng là “ chỉ yêu người nào khi biết chắc mình sẽ lấy người đó làm chồng “. Thời buổi chiến tranh đến hồi khốc liệt, được về phép là chuyện hiếm hoi, nhưng một lần chia tay anh trở về đơn vị, tôi ví anh giống như con cá ra sông về biển có thể lâu lắm mới về hay sẽ biệt tăm ! Nhưng ca dao đã có câu:
“ Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên chồng vợ ngàn năm vẫn chờ “.
Tôi hiểu mình từ cái nắm tay đầu tiên mầm yêu thương đã hé nụ khiến tôi phải gắn bó và đợi chờ anh.