Kẻ biểu ngữ. Đứng trước một tấm vải có chữ giăng ra, người đọc sẽ hiểu cái đám đông lặng lẽ này muốn gì...
Kẻ biểu ngữ. Đứng trước một tấm vải có chữ giăng ra, người đọc sẽ hiểu cái đám đông lặng lẽ này muốn gì, người đi sau tấm biểu ngữ biết là mình muốn gì.
Khi người đàn bà đặt bàn tay nhỏ nhắn trên ngực anh, Trường lại chợt nghĩ đến khoảng không gian bao la ở phía trên và bên ngoài căn phòng. Khung cửa sổ sáng mờ một màu xanh nhạt, qua đó, Trường nhìn thấy cửa sổ mở toang của căn nhà ở bên kia đường. Trên chiếc rèm cửa, anh không biết là màu gì, thỉnh thoảng như có một bóng đen vụt qua. Bóng người hay bóng lá rung động? Ở nhà bên cạnh có tiếng nước chảy róc rách, thoáng nghe như tiếng nước mưa nhỏ giọt ở cuối máng xối, nghe kỹ hình như tiếng động ở một cái vòi đóng không kỹ.
Bàn tay nhỏ nhắn cựa quậy trên ngực Trưòng: Nó có vẻ vừa muốn đùa rỡn, vừa muốn tìm một chỗ bám víu chắc chắn hơn. Cuộc phiêu lưu trên khoảng không gian mênh mông bên ngoài chấm dứt. Trường trở về với bầu không khí tù hãm, bồng bềnh như chiếc thuyền lạc trong sương mù.
Đêm sẽ rất êm đềm và dịu dàng, nếu buổi sáng mở mắt ra,Trường không nghĩ: “Đời mình là thế sao?” Sự thắc mắc không gói trọn trong một câu hỏi gọn gàng, nhưng vẫn quanh quẩn ở ý ấy. Và như thế, niềm thắc mắc cuồn cuộn tiến tới đốt những ngày trong tương lai. Sự phân vân biến dần thành tuyệt vọng. Câu hỏi như một lời chào nhắc nhở sự nhục nhã vào mỗi buổi sáng.
Từ ngày có ý định bỏ bút không viết lách gì thêm, Trường cảm thấy hoang mang như một lữ khách đã trút bỏ hành lý mà vẫn bước những bước nặng nề, chệnh choạng. Anh chỉ một là kẻ mặc quần áo muốn đi chơi, gặp trời mưa, đứng buồn rầu ở trước bậc thềm. Cuộc sống hiện tại của anh: sau lưng là căn phòng đã khóa cửa, đàng trước là mưa gió. Anh muốn vừa huýt sáo vừa tiến lên mà chưa đủ can đảm.
Bắt đầu chú ý đến mùi tóc thơm dịu của người đàn bà, Trường sắp sửa xoay nghiêng người, quên và vui với những cử chỉ phá phách, quanh quẩn. Bỗng nàng cất tiếng hỏi, giọng vỡ vụn, cố thu nhỏ như chỉ gợn lên trong giấc mơ:
– Làm nhà văn sướng thật nhỉ.
Câu nói chẳng có dụng ý gì nhiều, sống như một tiếng thở dài của người chớm mệt. Trường nằm yên. Cảm giác bần thần khó chịu trở lại. Nỗi buồn như một mũi tên bay vùn vụt suốt một buổi chiều và bây giờ xuyên qua tâm trí anh. Ý nghĩ giống như có một vết sước, gờn gợn.
Trường nắm bàn tay của người đàn bà. Bàn tay nhỏ bắt đầu cựa quậy, vùng vẫy. Nó thích tự do, phiêu lưu như nàng. Nàng thuộc loại đàn bà mang số phận bi đát và không thích khóc.
Buổi chiều nàng đến thăm Trường. Hai người ngồi nói chuyện trên mái nhà lợp tôn. Nắng tắt từ lâu nên tôn đã mát. Gió thổi những cành cây nhỏ quệt lao xao trên mái nhà. Người đàn bà cố xoay trở tìm một dáng ngồi tự nhiên. Nhưng cuối cùng thì hai tà áo dài của nàng cũng bị gió hất tung lên và nàng gần như nằm hẳn ra mái tôn.
– Ở đây mát ghê ông Truờng nhỉ.
– Cô đến đúng ngày có gió lớn và hình như trời sắp mưa.
Trên nền trời còn sáng rực rỡ phía phi trường, hai chiếc máy bay nhỏ xíu trôi lừ đừ. Bao giờ nhìn về phía đó Trường cũng nhớ đến những người bạn ở xa và muốn được xếp quần áo vào va-ly thêm một lần nữa.
Đáng lẽ câu chuyện phải vui. Nhưng buổi chiều và có lẽ chính nét mặt Trường đã làm cho câu chuyện trở nên buồn. Trong những lúc miệng không thể mỉm cười và tâm hồn đang xao xuyến, người đàn bà luôn luôn nhắc đến nhân vật thứ ba. Người đàn ông ấy nói đi nói lại rằng đã trao trọn tâm hồn và lòng yêu thương cho nàng và nàng tin. Đôi khi, Trường đùa: “Có cái gì cũng trao hết cho cô, vậy vợ con ông ta được ông ta phát cho thứ gì.” Nàng cười rồi lúng túng và sau đó thì hơi bực bội. Nhưng Trường không thích phá các ảo giác. Anh ngừng lại hoặc tìm một câu khen ngợi ông ta. Để giữ nàng trọn đời, mỗi ngày ông đành cho nàng vài giờ tâm sự. Một vàì cuộc gặp gỡ ngắn ngủi vì công việc được trang trí bằng lý do “nhìn nhau cho đỡ nhớ”. Giờ tâm sự cũng được diễn ra theo đúng thời khắc biểu.
Nếu hôm nào nàng được hưởng một thời gian rộng rãi thì bà vợ ông ta bị thiệt thòi và chắc chắn bà sẽ tra hỏi về sự thiệt thòi ấy. Người đàn ông bị kẹt trong một gọng kìm tình cảm. Và nàng cảm thấy đời mình chênh vênh.
Gặp Trường nàng quý mến và thân ngay. Tình cảm giữa hai người được gọi là tình bạn theo cái nghĩa mập mờ nhất. Trường vui vì thấy có người dám tin cậy vào mình, tìm an ủi ở mình.Chuỗi hạt. Nguồn: daquyvietnam.info
Chiều tối, anh theo nàng về nhà để xem chuỗi tràng hạt. Nàng được một người bạn thân tặng món đó, và mong được khoe anh với một câu nói có ý nghĩa:
– Một ngày nào đó, tôi sẽ mở cái hộp này ra và đi tìm một ngôi chùa.
Trường công kích cái ý nghĩ ấy một cách tàn nhẫn cho đến lúc người đàn bà đỏ mặt giận và anh ngồi thượt ra ghế, mệt mỏi, chán nản vì chính sự lẩm cẩm của mình.
Cuộc tranh luận, một chương trình ti vi hấp dẫn và cuối cùng giờ giới nghiêm đã giữ anh lại với người đàn bà.
Nhưng bây giờ, khi cái tình bạn đã có vẻ bẻn lẻn, sắp chuyển hướng, anh bỗng lại suy nghĩ những điều lẩn thẩn. Suốt đời, anh loay hoay, với những điều lẩn thẩn.
Anh chợt thấy một đám biểu tình: Đó là sản phẩm của giấc mơ sắp tới hay chỉ là những điều anh đang tưởng tượng? Bóng tối, sự lười biếng của thần trí khiến Trường không phân biệt được. Chắc lại là ý nghĩ có tính cách thời trang. Bây giờ, ngôn ngữ chung của con người thời đại là biểu tình.
Tất cả là một đám đông dài khủng khiếp. Họ kéo nhau đi qua một thành phố đã đổ nát. Nơi đây chỉ còn trơ mấy cây chết khô và năm ba bờ tường chưa đổ hết. Người ta có thể mở rộng tầm mắt về phía chân trời màu xám đục.
Họ bước qua những khu vườn bỏ hoang, cỏ mọc đầy xóa hết những dấu chân trẻ thơ đã từng vui đùa trên đó. Họ bước qua những nền nhà cháy xám, nơi còn lăn lóc chiếc đinh mà bà mẹ đã hì hục đóng cho đứa con về treo áo. Tất cả những người Trường nhớ đến đều có quyền nhập vào đám biểu tình. Cả những mảnh gạch vụn, những chiếc áo rách, những chiếc lá khô… Anh muốn thấy một cuộc biểu tình thật vĩ đại. Cuộc biểu tình không bỏ sót một người oan ức, đau đớn nào.
Trường khoái trá với cái khối người vật vĩ đại đang đi qua trong trí. Anh không muốn một người nào lên tiếng, hô khẩu hiệu. Họ lặng lẽ đi, giữ nguyên nét mặt ở cái phút kinh hoàng nhất. Nếu lỡ có những giọt nước mắt, chúng phải đóng thành hàng trên mọi khuôn mặt. Những người già khệ nệ đem theo kỹ vật của những đứa con, đứa cháu đã khuất. Họ đi, chân lê lết trên vùng nhà cửa đã vỡ vụn. Họ mệt mỏi như đã đi qua đủ một vòng địa cầu.
Đám trai tráng phía sau có vẻ tinh nghịch hơn. Họ kéo theo cả những xác chết, những khúc chân, khúc tay vô chủ. Người chết cũng có quyền biểu tình, có quyền lên tiếng nói. Họ nói bằng đôi mắt vô hồn và cái miệng không bao giờ nói nữa. Trong trò nghịch ngợm bi thảm, họ kéo xác chết theo một cách đầy nhiệt tình. Những xác chết, trong cái vẻ nằm ì ra một cách lười biếng, hình như lại đóng vai trò nạn nhân một cách tuyệt hảo. Nhưng nhìn kỹ, Trường thấy cái đám kéo theo người chết có ý muốn chơi ăn gian, làm cho to chuyện. Có nhiều xác thiếu chân, thiếu tay hay đầu. Trong khi đó, lại có những người chỉ vác một khúc chân hay ôm một cái đầu mà tiến bước một cách khỏe khoắn, nhẹ nhàng. Tuy rằng cái đầu, cái chân ấy không phải là những món mà mấy cái xác kia thiếu. Nhưng nếu có thiện chí, người ta vẫn có thể ghép tạm chúng lại để cho cuộc biểu tình bớt to lớn, cồng kềnh. Một là nhiều phần tử trong đám quá lười biếng, chỉ ưa làm việc nhẹ, hai là người ta cố tình bôi bác ra cho to chuyện. Hàng ngũ đám người kéo xác do đó Iộn xộn thiếu trật tự và làm phương hại đến tính cách mỹ thuật của đám biểu tình rất nhiều. Thêm nữa, vài đứa bé con, kéo theo cái xác em chúng bị cháy đen thui không còn ra cái hình thù gì rõ rệt. Nếu có kẻ muốn phá, họ sẽ giả là các nạn nhân, chen vào đám biểu tình, với những cái xác giả mạo thật dễ dàng.
Điều sơ sót cuối cùng nằm trên bàn tay của chính các xác chết. Trong phút lâm chung cưỡng bách, có người cố bám lấy một cành cây khô. Có ngưòi bấu chặt một ít đất bên bờ suối. Lại có người còn cầm bát cơm! Người ta lười biếng đến độ không chịu gỡ tất cả thứ đó ra. Tư thế tranh đấu của họ thành ra thiếu mất phần nghiêm trang cần thiết.
Đi đầu đoàn người kéo xác là một đứa bé con. Nó lôi một cái cẳng chân to gần bằng người nó và cho biết đó là phần còn lại của một ông bố bị thất lạc. Đứa bé có vẻ kiêu hãnh vì cái cẳng chết của nó thật đặc biệt, lúc nào cũng sáng lập lòe như có lân tinh. Hỏi tại sao nó giải thích: “Phơi cả đêm trong ánh hỏa châu nên bây giờ dư ánh sáng.”
Trường phải đứng chỗ nào trong đám biểu tình khổng lồ này, với tư cách một nhà văn? Anh chạy ngược chạy xuôi, loay hoay tìm kiếm. Cuối cùng anh cũng tìm được một công việc hết sức khiêm tốn.
Kẻ biểu ngữ. Đứng trước một tấm vải có chữ giăng ra, người đọc sẽ hiểu cái đám đông lặng lẽ này muốn gì, người đi sau tấm biểu ngữ biết là mình muốn gì.
Khi Trường nhận việc, người ta không giao cho anh một tấm vải với sơn cọ mà lại đặt vào tay anh cục phấn trắng với miếng gỗ sơn đen vuông vắn, mỗi bề chừng hai mươi phân. Trường loay hoay, bị xô tới, không biết nên viết câu gì. Trong lúc cuống quít, anh nhớ ra cái câu hỏi lẩn thẩn mình vẫn thường đặt cho mình mỗi buổi sáng. Anh ghi nghệch ngoạc:
– Đời tôi là thế sao
Trường đem tấm bảng treo tòn ten trước ngực một bà lão bị mất hết con cháu vì pháo kích. Anh ngắm nghía và bắt đầu ngượng nghịu vì sự lười suy nghĩ của mình. Nhưng, đột nhiên đám đông chuyển động. Mỗi người tạo một tấm bảng và đeo vào ngực mình như một thứ thời trang. Đứa con nít cụt tay, anh thanh niên mù hai mắt cũng bày đặt hỏi bằng cái bảng đeo trước ngực: “Đời tôi là thế sao?” Rồi người ta còn nghịch ngợm gắn luôn cả những tấm bảng cho các xác chết. Một cái đầu lạc thân thể hỏi: “Đời tôi là thế sao?” Khúc cẳng sáp lấp lánh của thằng bé cũng hỏi. Những xác chết cầm bát cơm, cầm nắm đất cũng hỏi.
Trường khiếp sợ, cuống quít gào lên: “Tôi đùa đấy. Tôi lười suy nghĩ. Đồng bào nên làm ăn đàng hoàng hơn.” Nhưng đám đông vẫn lặng lẽ tiến tới. Cứ với tấm bảng kỳ cục, với đám xác chết vô trật tự, họ lũ lượt kéo nhau tới đứng cúi đầu trước mặt Thượng Đế và chờ đợi…
Sáng hôm sau, Trường xin lỗi người đàn bà vì anh đã làm hai chữ “tình bạn” mất hết ý nghĩa và nhất là anh đã công kích cỗ tràng hạt vì lầm lẫn. Có thể suốt đời, nàng chẳng bao giờ tìm đến ngôi chùa.
Nhưng cái hộp còn đó để nàng yên tâm rằng đời mình có một lối thoát, một ngã rẽ. Mỗi người thấy đời mình chênh vênh đều có quyển tìm một cái hộp để dọa mở.
Chuyện bỏ bút của anh thật giản dị, dễ dàng, không làm phiền ai vậy mà nó cũng là chuyện của “một ngày nào đó”.