Ông thận trọng dò lại từng con số. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông trúng số độc đắc 7 triệu đồng!...
Không rõ khi Ban gọi điện thoại báo tin định lấy con nhỏ hầu bàn ở cái tiệm ăn Nhật mà nó có phần hùn làm vợ có làm ông An bị sốc bằng cái tin nó bỏ học ra đi tìm việc làm cách đây bốn năm không. Chỉ biết sau khi nói chuyện với Ban, gác máy điện thoại xuống, ông An thừ người ngồi im lặng nhìn mình trong tấm gương lớn để cạnh lò sưởi. Nhìn mình trong gương như thể ông cũng muốn dò xét tâm trạng của chính ông trước cái tin bất ngờ con ông muốn lấy vợ. Mái tóc ngã bạc như làm tăng thêm sắc nhạt trên đôi má hóp của ông. Và khi nhìn thấy đôi mắt thẫn thờ của mình trong gương ông An biết lòng ông không chút hân hoan khi nghe con ông báo tin vui. Nhưng ông cũng không nhìn thấy vẻ cau có hay giận dữ nào bộc lộ ra. Nhìn mình trong gương ông An thấy mình là một người đang cam chịu số phận khiêm tốn của đứa con trai độc nhất của ông.
Ly dị vợ từ hơn mười năm nay, ông An không lấy vợ khác. Cuộc hôn nhân đổ vỡ sau mười lăm năm chung sống khiến ông trở nên yếm thế và có cái nhìn tiêu cực về đàn bà. Trong đầu ông, người đàn bà nào rồi trước sau cũng giống vợ ông, nghĩa là chỉ biết hãnh diện về mình mà không hề biết hãnh diện về ông, trong khi ông là một giáo sư danh tiếng được trọng nể tại đại học. Khi hai vợ chồng chia tay Ban được 14 tuổi. Nó khó khăn chấp nhận sự đổ vỡ của cha mẹ. Tình cảm Ban thiên về phía mẹ nhiều hơn nhưng nó vẫn thương và biết ơn ông. Sau khi ly dị, vợ ông dời chỗ ở, sang một tỉnh bang khác và lấy chồng hai năm sau đó. Bạn bè ông An có vẻ ngạc nhiên sao ông vẫn còn độc thân trong khi vợ ông đã có chồng khác. Thường thường đàn ông góa vợ hay ly dị vợ không sống một mình được lâu. Cái lý do luôn được nêu ra là đàn ông không biết lo chuyện nhà nên sớm cần có một người đàn bà săn sóc. Nhưng có một lý do thầm kín khác ít được nói ra là đàn ông khó chịu đựng thiếu sinh lý hơn đàn bà. Trước tin vợ lấy chồng khác, ông An chỉ chắc lưỡi nói với bạn bè:
– Bà ấy tình cảm dồi dào hơn tôi.
Nhưng trong thâm tâm ông, ông An có vẻ coi thường bà vợ cũ của mình khi biết người chồng mới của bà là một thương gia. Với ông, làm vợ của một ông giáo sư đại học vẫn danh giá hơn là vợ của một thương gia, dù giàu có. Niềm tin còn lại ông An đặt tất cả vào đứa con trai của mình. Ban sẽ nối nghiệp ông. Nó cũng sẽ là một giáo sư đại học danh tiếng như ông hay là kỹ sư, bác sĩ. Không ngại tốn kém, ông An gởi con vào học trường tư. Khi ra tòa ly dị ông xin quyền giữ con. Vợ ông không chống đối. Ít ra lúc bấy giờ bà cũng còn đủ lý trí để hiểu rằng ở với ông đời sống vật chất lẫn phát huy trí tuệ của Ban sẽ được bảo đảm hơn. Cũng có thể bà vợ của ông thấy khó nuôi dạy một đứa con trai vào tuổi mới lớn như Ban. Bà đã từng chứng kiến những cơn nổi giận vô cớ của nó cũng như từng nhìn thấy nó ngồi bất động hàng giờ trước bàn học, hỏi không thèm trả lời. Ông An cũng chứng kiến những thay đổi tính tình của Ban nhưng một cách hiểu biết hơn. Ông thấy đây là lúc phải đối xử với con mình như một người bạn hơn là như một người cha. Ông không bực mình cho là vô phép trước những câu trả lời nhát gừng hay cộc lốc của Ban. Ông chỉ bình thản nói: ‘ thế à!’ hay ‘thế sao?’ rồi thôi.
Còn nhớ một lần, ra tiệm thuốc của bà dược sĩ Lý mua thuốc cao máu hằng tháng, ông An khoe con trai mình vừa học xong năm cuối trung học và niên học tới sẽ vào đại học. Là chỗ quen biết ông An mở Iphone đưa cho bà Lý xem tấm hình chụp thằng Ban hôm mãn khóa. Bà Lý nhìn hình Ban bảnh bao trong cái áo thụng đen không tiếc lời khen:
– Chà, cậu cả con anh bảnh trai quá ha! Muốn làm thông gia không? Con Hoa nhà tôi cũng học giỏi lắm nghe!
Ông An đã biết mặt con bé Hoa nên cười đáp:
– Được làm thông gia với anh chị thì còn gì bằng!
Bà Lý nói thêm, nửa đùa nửa thật:
– Có gì thì anh lo ‘đặt cọc’trước cho cháu đó nghe. Con Hoa được nhiều bà có con trai để ý lắm đó.
Ông An chấm Hoa sẽ là dâu tương lai của ông vì gia thế của Hoa hơn vì chịu con bé. Cha mẹ Hoa cả hai đều là dược sĩ. Dưới mắt ông An đó là một bảo đảm về gốc gác. Con bé Hoa hơi tròn trĩnh nhưng mắt sáng thông minh, có nụ cười dễ thương. Nghe bà Lý nói nó đứng đầu lớp về môn Toán. Với ông An, câu nói của các cụ ngàn xưa: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” muôn đời vẫn chí lý. Câu phương ngôn của dân Do thái luôn được ông ghi nhận là thiết thực: “Cha mẹ chỉ có thể để lại cho con cái mình hai thứ: gốc rễ và đôi cánh”. Gốc rễ thì con ông đã có, ông chỉ cần trang bị thêm cho nó đôi cánh. Ông tin tưởng con ông sẽ có đôi cánh lớn, mạnh; nó sẽ vỗ cánh bay cao và xa, không hơn ông cũng phải bằng ông.
Cho nên khi nghe tin thằng Ban, sau khi bỏ thi cuối năm thứ nhất ở đại học, bỏ học luôn ra đi kiếm việc làm, ông An bị sốc nặng. Khám phá ra ông mới biết vào đại học Ban đổi ngành học mà không cho ông hay. Thay vì chọn ngành sư phạm như ông khuyên bảo Ban lại đi chọn ngành nghệ thuật điện ảnh. Hỏi nó, nó trả lời người hướng dẫn ở trường khuyên nó nên theo ngành này, thích hợp với khả năng và nhân dáng của nó. Truy hỏi thêm ông An mới biết mẹ nó cũng tán đồng lời khuyên của hướng dẫn viên.
Ban dọn ra ở riêng, chia phòng với một đứa bạn. Nó tất bật với cuộc sống mới. Ngày làm nhân viên bán hàng cho một tiệm bán và cho thuê vidéo, tối làm nghề soát vé cho một rạp chiếu phim. Điều làm cho ông An vừa đau xót vừa hổ thẹn là Ban có vẻ an nhiên bằng lòng đời sống của mình. Nó không có vẻ gì hối tiếc đã thả trôi đời sinh viên đầy hứa hẹn, cũng không tỏ ra ân hận đã làm sụt giá đẳng cấp của gia đình nó. Hình như hạnh phúc, đối với Ban, không phải là đạt được ước muốn mà ông An đã đề ra cho nó mà là được cảm thấy thoải mái với những gì nó đang có. Nhiều lần ông An tự hỏi con ông sao nó không giống ông? Sao nó không có tinh thần phấn đấu để vươn lên như ông? Có phải Ban thiếu hụt ý chí phấn đấu vì nó mang trong máu một nửa phần từ mẹ nó không? Nghĩ đến đây ông An giật mình khi kiểm kê lại gốc gác của vợ ông. Vị thế của bà vợ cũ của ông chỉ được nâng lên sau khi là vợ của ông. Trước đó bà chỉ là một bà thư ký văn phòng đại học có nhan sắc, có ông bố chủ một tiệm chạp phô, có một bà mẹ làm nghề nội trợ. Nhưng ông An cũng không thể quên chính ông là người trước tiên sững sờ trước sắc đẹp của vợ ông chứ không phải vợ ông chóa mắt vì tước vị giáo sư đại học của ông. Ông đã mê bà ngay từ phút đầu giáp mặt và khi đang yêu ông không hề đắn đo đánh giá gốc gác cao thấp của bà lẫn gia đình bà. Nghĩ lại chuyện cũ của mình, ông An nghe nỗi buồn dịu xuống. Tuy vậy mỗi lần ghé tiệm thuốc của bà dược sĩ Lý lấy thuốc hằng tháng, ông An tự nhiên mang chút mặc cảm. Ông không đá động gì chuyện thông gia nữa và phía bà Lý cũng lờ đi không nhắc tới. Chỉ có một lần bà Lý khoe con gái bà vừa được nhận vào dược khoa.
Ông An vui lên một chút hôm Ban đến gặp ông để nói nó có ý định muốn hùn vốn với bố mẹ của một thằng bạn sang lại một tiệm ăn Nhật. Nó muốn mượn ông một số tiền vì tiền để dành của nó không đủ chung vốn để sang tiệm. Thấy con có vẻ muốn vươn lên, ông An bằng lòng cho mượn tiền nhưng cẩn thận căn dặn: Người Việt làm ăn với nhau phải giấy tờ, sổ sách, lương hướng phân minh, để tránh tranh giành, gian lận, kiện tụng sau này. Ông An quan nìệm chủ tiệm ăn có thể coi là một cái nghề chứ đứng bán hàng, soát vé chỉ là một công việc chứ không phải là một cái nghề. Bây giờ ông không còn hy vọng gì Ban cắp sách đi học lại. Bây giờ ông nhìn tương lai con ông bằng một cái nhìn khiêm tốn hơn. Miễn sao nó sống đầy đủ và tự bằng lòng mình là được. Và ông còn tự an ủi nếu trên cõi đời này đứa con nào cũng đạt được những điều cha mẹ nó mong ước thì trái đất này sẽ dầy đặc những thiên tài, thánh nhân và tỷ phú!
Nhưng cái tin Ban định lấy Mai, con nhỏ hầu bàn ở tiệm ăn của nó làm vợ khiến ông An lại rơi vào trạng thái tâm thần xao động một lần thứ hai. Mặc dù Ban phân trần rằng Mai chỉ làm cuối tuần, trong tuần nó vẫn đi học và trong tương lai, học xong, nó sẽ là kế toán viên, sẽ phụ trách công việc sổ sách, thuế má của tiệm, ông An vẫn thấy con mình thêm một lần tự xuống cấp trong xã hội. Sau mấy đêm trằn trọc suy nghĩ, biết sẽ không cản trở được ý muốn của con, ông An đi đến quyết định ông sẽ tham dự tiệc cưới nhưng sẽ không mời bạn ông tham dự. Nhưng ông cũng để ngỏ cho phía nhà gái tùy nghi tổ chức tiệc cưới và con ông mời bạn bè của nó. Ông An tỏ ra biết điều sau lần Ban dẫn Mai đến ra mắt ông và cho biết thêm Mai là con gái út của bố mẹ thằng bạn mà Ban hùn vốn. Con nhỏ khá đẹp, trông xứng đôi khi đứng cạnh con trai ông. Ông An nghĩ chắc thằng con trai ông cũng sững sờ khi thấy con Mai lần đầu, cũng như ông đã từng sững sờ khi gặp vợ ông lần đầu mấy mươi năm về trước. Cũng như ông, sắc đẹp đã làm con ông coi nhẹ những điều kiện khác. Ông An nghiệm ra rằng thấu hiểu con cái mình không phải là điều phải biết ở vào thế kỷ thứ 21 này mà ông Khổng Tử đã từng đề cập đến từ lâu, mấy trăm năm trước tây lịch, khi ông thuyết giảng: “Các ngươi nên nhớ rằng con của các ngươi không phải là con của các ngươi, chúng là con của thời đại của chúng”. Thời đại của con ông bây giờ là nó lựa chọn và ông chỉ được thông báo.
***
Mặc dù khoác chiếc măng tô mùa đông dày cộm với khăn quàng kín cổ, mũ len chụp kín mang tai, ông An vẫn lẫy đẫy mất cả phút mới mở được cửa để vào nhà. Khóa cửa lại, ông đứng yên một lúc như để tìm lại sự tĩnh táo rồi từ từ cởi bỏ khăn mũ áo mùa đông. Ông đi vào phòng khách, khom người lấy thêm củi bỏ vào lò sưởi nhúm lại đống lửa sắp tàn. Ông liếc nhìn mình trong tấm gương dựng bên cạnh và thấy mặt mình rạng rỡ. Tiếp đó ông quay người thong thả đến chiếc ghế bành ngã lưng xuống mặt nệm da. Với hai bàn tay mười ngón đan nhau lót sau đầu, ông ngồi mắt nhắm, mặt ngữa lên trần nhà như một người bắt đầu nhập thiền. Nhưng chỉ vài phút sau ông An như tỉnh giấc, ông thận trọng một tay móc túi sau lấy bóp, một tay lục túi trước, lần lượt lấy ra hai tờ giấy, trịnh trọng đặt lên chiếc bàn vuông nhỏ trước mặt. Đó là một tấm vé số và tờ kết quả dò số ông vừa lấy ở quầy bán vé số về. Ông thận trọng dò lại từng con số. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông trúng số độc đắc 7 triệu đồng! Một thay đổi vĩ đại cho cuộc sống đang trải ra trước mắt ông! Cả đời làm giáo sư đại học, đến khi về hưu, ngoài tiền hưu hằng tháng đủ để cho ông sống phần đời còn lại tương đối đầy đủ, số tiền dành dụm của ông An không quá được một trăm ngàn đồng. Bây giờ ông sẽ làm gì với món tiền to tát 7 triệu đồng kia? Soi mặt mình trong gương, ông bỗng thấy mặt mình đổi khác, nét xương xương biến mất nhường chỗ cho vẻ đầy đặn của một người phát tướng. Ông An thấy mình bây giờ không những có danh mà còn có thêm tiền, quá nhiều tiền! Danh và tiền ắt hẳn sẽ thêm cho ông nhiều quyền năng. Thay đổi nhà, thay đổi xe? Tại sao không? Kiếm một bà vợ với nhan sắc và số tuổi như ông muốn? Tại sao không? Ông sực nhớ đến thằng con trai duy nhất của ông. Phải kéo thằng Ban ra khỏi cảnh sống tầm thường hiện nay, phải nâng cấp nó lên thật cao trong xã hội. Ông An bỗng có ý sẽ đến gặp bà dược sĩ Lý nhắc lại chuyện bà muốn làm thông gia với ông trước kia. Trước vị thế mới của ông và của con ông, chắc chắn bà Lý sẽ rất vui mừng mà nhận lời; còn con Hoa, dù bây giờ nó là gì đi nữa, có được một ông chồng điển trai, con của ông triệu phú, nó còn mong gì hơn. Nhưng phải hủy bỏ cuộc hôn nhân sắp tới giữa thằng Ban với con Mai. Chúng nó có yêu nhau thiệt, xứng đôi với nhau thiệt nhưng khi con ông ở một địa vị xã hội khác thì con Mai không còn xứng nữa. Ông An tin cho mẹ con chúng nó một số tiền là yên chuyện. Bằng không, nếu bướng bỉnh, ông sẽ thuê du đãng thanh toán. Tính đến đây ông An bất chợt nhìn vào gương và lạ lùng thay ông không thấy ông mà thấy một con quỷ đen đúa hung dữ, trán có sừng, răng có nanh, đang cầm cây đinh ba đâm tới tấp vào người thằng Ban và con Mai; cả hai đứa trẻ ngã gục xuống vũng máu, nằm rên rỉ nhưng tay vẫn không rời nhau. Ông An hãi hùng hét lên một tiếng, mắt trợn ngược, hai tay ôm ngực, ngã xuống tấm thảm . Vừa đúng lúc tiếng điện thoại trong phòng khách reo không ngừng.
Ngày hôm sau nhiều tờ nhật báo đăng tin một ông giáo sư đại học về hưu nằm chết mà trong tay còn nắm tấm vé số trúng 7 triệu đồng. Tờ báo tường thuật thêm rằng người con trai của ông gọi điện thoại cho ông, chuông reo hoài không nghe trả lời, sinh nghi liền báo cảnh sát rồi lái xe đến nơi ông cư ngụ. Khi vào phòng khách, cảnh sát và con ông thấy ông giáo sư nằm chết với tấm vé số nắm chặt trong tay. Xác của ông được đưa đi giảo nghiệm nhưng hầu như mọi người nghe chuyện đều nghĩ ông An, khi dò số biết mình trúng độc đắc, quá xúc động vì mừng rỡ nên đột ngột bị nhồi máu cơ tim mà chết.