Ô kià! Sau một đêm mưa gió dữ tợn, thế mà trên bức tường gạch kia, một chiếc lá vẫn còn bám víu, dựa sát vào tường. Chiếc lá cuối cùng trên cái giàn cây trơ trụi...
Vài hàng về tác giả O. Henry
William Sydney Porter, được độc giả thế giới biết nhiều hơn qua bút hiệu O. Henry, sanh ngày 11-09-1862 tại Greensboro, North Carolina, Hoa Kỳ, là một ngòi bút nổi tiếng khắp thế giới, chuyên về truyện ngắn.
Sự thành công của O. Henry trong kỹ thuật viết truyện ngắn, theo nhiều nhà phê bình, là ở bút pháp trong sáng và lối hành văn giản dị. Ðiểm đặc biệt là truyện nào của ông cũng có một kết cục rất bất ngờ, không ai đoán trước được.
Chưa có một tác giả nào làm tốn giấy mực của các nhà phê bình như O. Henry, khen cũng nhiều mà chỉ trích cũng nhiều, nhưng rồi không ai phủ nhận được là ông đã được xếp vào một trong bốn tác giả nổi tiếng nhất về truyện ngắn của Mỹ là: Poe, Hawthorne, Bret Harte và O. Henry. Nhiều nhà phê bình còn cho rằng ông còn vượt trội hơn cả ba tác giả kia.
Ngay cả sau khi ông mất vì trọng bệnh tại Polyclinic Hospital, New York, ngày 05-06-1910, các tuyển tập truyện ngắn của ông vẫn được tiếp tục phát hành mạnh mẽ. Tính tới năm 1920, có 5 triệu quyển sách của ông được bán ở Hoa Kỳ, và một số lượng tương tự đã được phổ biến tại các quốc gia khác trên toàn thế giới, kể cả Liên Sô.
Truyện “Chiếc Lá Cuối Cùng” (The Last Leaf) là một trong những truyện ngắn nổi tiếng và tiêu biểu của O. Henry, đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên toàn thế giới, kể cả tiếng Tàu, Nhật, Ðại Hàn, cũng như đã được nhiều tác giả viết lại thành kịch bản bằng nhiều ngôn ngữ.
Hân hạnh giới thiệu “The Last Leaf” đến quý độc giả, được dịch ra Việt ngữ dưới tựa đề “Chiếc Lá Cuối Cùng” qua ngòi bút của Hải Phong…
Ở khu phía tây của Washington Square, đường phố ngoằn ngoèo một cách kỳ lạ, và cắt nhau thành những mảnh nhỏ, như ở Canada ta hay gọi là “Places”, như Place Naubert, Place Victor Hugo chẳng hạn. Những “Places” này tạo thành những góc cạnh và những khúc quanh rất ngộ nghĩnh, có khi một con đường lại tự cắt lấy chính nó vài lần là thường. Cho nên, nếu không quen thuộc với khu này, thì cái chuyện bạn loay hoay loanh quanh “đi dăm phút đã về chốn cũ” cũng là chuyện thường tình thôi.
Nhưng rồi đến một ngày, nhóm nghệ sĩ đã khám phá ra cái nét độc đáo đặc thù của khu này và tụ tập đến đây. Vô số nghệ sĩ kéo tới, lùng kiếm những căn phòng nhỏ bé và cũ kỹ như những tổ chim, kiểu thiết kế từ thế kỷ thứ 18, có cửa sổ quay về hướng Bắc, nhất là tiền thuê phòng phải thật rẻ. Nghệ sĩ mà, giầu sao nổi! Rồi với vài cái ly to tướng mạ bạc, vài cái nồi đất nồi đồng tha từ đại lộ số 6 về để trang trí phòng, thế là họ trở thành một nhóm, một tập thể cá biệt trong làng Greenwich.
Ở tầng trên cùng của một căn nhà cổ bằng gạch, hai cô họa sĩ Xuân và Giao cũng có một căn phòng nhỏ trên đó. Xuân tới từ Maine và Giao tới từ California. Tình cờ gặp nhau trong một quán ăn ở đường số 8, hai cô thấy mình hợp nhau đủ mọi sở thích về nghệ thuật, về ăn uống và tư tưởng, rồi đưa đến việc rủ nhau thuê chung căn phòng này. Lúc đó là vào tháng năm.
Tháng mười một năm ấy, một người khách lạ len lén xâm nhập vào Xóm Nghệ Sĩ, sờ soạng đó đây với bàn tay lạnh giá và reo rắc bệnh sưng phổi một cách tàn bạo từ đầu đường đến cuối con hẻm cũ kỹ rong rêu. Người khách lạ này cũng chẳng hào hiệp gì đâu, ngay cả một đứa trẻ nhỏ ông ta cũng không tha.
Giao cũng không thoát khỏi bàn tay của ông ta. Cô nằm liệt giường không nhúc nhích trên một tấm ván lót giường sơn phết đủ màu sắc. Xuyên qua tấm màn cửa sổ, cô cứ nằm đó, nhìn chăm chăm về phía vách tường trống trải của căn nhà gạch kế bên. Từ nhiều ngày qua, cô không ăn không uống gì.
Một buổi sáng, sau khi khám bệnh cho Giao xong, bác sĩ Thạch gọi Xuân ra hành lang. Ðôi mắt ông mệt mỏi dưới hàng lông mày rậm rạp đang nhíu lại. Tay ông vẩy vẩy chiếc nhiệt kế trên tay, bảo Xuân:
– Ðiệu này, cô ấy chỉ còn một phần mười hy vọng thôi, và phần hy vọng còn lại này chính là ý chí sinh tồn của chính cô ấy mới được. Bệnh nhân nào mà cũng yếu đuối như cô ấy thì chắc là phải dắt nhau xếp hàng cả đám trước nhà quàn để giữ chỗ mất. Cô bạn nhỏ của cô đã đinh ninh là cô ấy không thể nào lành bệnh thì tôi cũng đành đầu hàng thôi. Hiện giờ, cô có biết là trong đầu cô ấy đang có điều gì mà cô ấy nghĩ tới nhiều nhất không?
Xuân nhíu mày suy nghĩ rồi nói:
– Cô ấy ao ước một ngày nào đó vẽ được vịnh Naples.
Bác sĩ Thạch kêu lên:
– Vẽ! Vớ vẩn. Có gì đáng hơn cho cô ấy nghĩ không? Một người đàn ông chẳng hạn?
– Một người đàn ông? Xuân nói trong giọng nói run rẩy: ồ, không bác sĩ ạ. Cô ấy không có ai trong lúc này.
Bác sĩ Thạch gằn giọng:
– Thế thì hết hy vọng rồi.
Ông thở dài:
– Tôi sẽ cố gắng tận sức, nhưng ngày nào con bệnh đã tính trước trong đầu cái ngày sẽ vào nhà quàn, thì thuốc men cũng chỉ còn hiệu quả phân nửa thôi. Nếu như cô có cách nào chỉ cần làm sao cho cô bạn của cô quan tâm hỏi han đến thí dụ như thời trang của mùa đông này ra sao chẳng hạn, thì coi như có năm phần hy vọng đấy, thay vì một phần hy vọng trên mười.
Khi bác sĩ Thạch đi rồi, Xuân quay vào phòng bóp nát chiếc khăn giấy trong tay. Rồi cô xông vào phòng bệnh của Giao, với giá vẽ, cọ và màu sơn trong tay, vừa huýt sáo om xòm.
Thế mà, Giao vẫn nằm nguyên đó, chỉ khẽ cựa quậy trong lớp áo ngủ mỏng, quay mặt về phía cửa sổ. Xuân ngừng huýt sáo, tưởng là Giao đang ngủ.
Cô dựng giá vẽ và bắt đầu hý hoáy phác một truyện bằng tranh cho một tờ báo. Những họa sĩ trẻ mới vào nghề như bọn nàng thì chỉ có thể lót đường đi cho mình bằng cách vẽ truyện bằng tranh cho tạp chí thôi.
Lúc Xuân vừa phác xong cái quần ngắn của chú cao bồi cưỡi ngựa và cái mắt chột trên khuôn mặt, thì nàng nghe tiếng thì thầm, cứ lập đi lập lại nhiều lần. Xuân ngừng tay vẽ, đi nhanh đến bên giường bệnh.
Giao nằm đó, mắt mở to, nhìn qua khung cửa sổ và đếm tới đếm lui:
– Mười hai, một lúc sau: mười một, rồi: mười, cuối cùng là: chín, tám, bẩy, gần như là liên tiếp nhau.
Xuân lo lắng cũng nhìn qua cửa sổ. Có gì ngoài đó mà đếm vậy? Chỉ là một cái vườn nhỏ, trơ trụi, ảm đạm và tiêu điều. Kế đó, là bức tường trống trải, đổ nát của căn nhà gạch kế bên, trên đó, một thân cây già và gầy guộc đang bám lưng chừng vào bức tường loang lở. Gốc cây lồi lên và mục nát cả rồi. Trận gió thu đã làm cây rụng gần hết lá, giơ ra mấy cành khô trơ xương trên bức tường gạch.
Xuân hỏi:
– Giao đếm gì vậy?
– Sáu, Giao vẫn tiếp tục đếm, giọng thì thào: “rơi nhanh hơn nhiều Xuân ạ. Cách đây ba ngày, vẫn còn cả trăm cái, Giao đếm mà nhức cả đầu. Bây giờ thì dễ quá rồi. Lại thêm một cái nữa rơi, chỉ còn năm cái thôi”.
Xuân gắt lên:
– Năm cái gì mới được chứ?
– Lá! Lá trên cái giàn cây khô kia. Khi chiếc lá cuối cùng rơi, cũng là lúc Giao phải đi rồi Xuân ạ. Ba hôm trước Giao đã biết như thế rồi. Bác sĩ không nói gì với Xuân à?
– Trời ạ! Xuân chưa từng nghe cái tư tưởng kỳ quặc ấy bao giờ. Lá trên cái giàn cây kia thì có quan hệ gì đến bệnh của Giao chứ? Giao đã từng yêu cái giàn cây ấy kia mà, vậy thì, cô bạn ngu xuẩn của Xuân ơi, bỏ cái ý nghĩ ngu ngốc ấy đi nhé. Tại vì sáng nay bác sĩ vừa nói với Xuân là Giao sẽ lành bệnh sớm lắm. Xem nào, đúng là ông ấy nói cơ hội lành bệnh của Giao là mười phần trên một đấy. Cơ hội ấy nó cũng bình thường như ta có cơ hội cưỡi ngựa trên đường phố hay đi bộ lang thang trước các tòa cao ốc ở New York thôi.
Nào! Bây giờ bạn hãy uống chén nước súp này đi, rồi còn để yên cho cô Xuân này vẽ tiếp nhé. Cô ấy còn phải bán tác phẩm của mình để mua rượu porto cho cô bạn bệnh hoạn của cô ấy này, rồi lại còn phải mua thịt sườn nướng cho chính cô ấy nữa, thèm quá rồi.
Giao vẫn nhìn ra cửa sổ:
– Không! Xuân không cần phải mua thêm chút rượu porto nào cả. Ðôi mắt Giao vẫn dán chặt trên giàn cây khẳng khiu ấy: lại một chiếc lá nữa vừa rơi xuống. Không, Giao cũng không muốn uống nước súp nữa. Chỉ còn có bốn cái lá trên cành thôi. Giao muốn nhìn chiếc lá cuối cùng rơi trước khi trời tối, và rồi Giao cũng sẽ ra đi.
– Bạn yêu dấu! Xuân nghiêng người về phía Giao: “Giao có hứa với Xuân sẽ nhắm mắt lại và không nhìn ra cửa sổ nữa cho đến khi Xuân vẽ xong. Xuân phải giao tranh vẽ cho tòa soạn vào ngày mai đó. Xuân cần ánh sáng để làm việc, chẳng lẽ Xuân lại đóng cửa sổ làm việc trong bóng tối à?”
Giao hỏi lạnh lùng:
– Xuân vẽ bên phòng bên kia được không?
Xuân quả quyết:
– Tốt hơn là Xuân phải ở gần Giao trong lúc này. Hơn nữa, Xuân không muốn Giao tiếp tục nhìn chăm chăm vào cái giàn cây bệnh hoạn ấy nữa, có gì vui đâu?
– Vậy thì khi nào Xuân vẽ xong, phải báo ngay cho Giao nhé.
Giao dặn dò rồi nhắm mắt lại, nằm bất động như một pho tượng, thì thầm:
– Vì Giao muốn nhìn chiếc lá cuối lìa cành. Giao đã mệt mỏi vì chờ đợi rồi. Giao không đủ sức nghĩ ngợi nữa. Giao muốn buông xuôi hết, như những chiếc lá tội nghiệp kia.
Xuân ra lệnh:
– Cố gắng ngủ đi. Xuân phải sang bên cạnh gọi ông Bách lên ngồi làm mẫu cho Xuân đây. Chỉ đi một phút thôi. Không được đụng đậy gì cả nhé, cho đến lúc Xuân trở lại.
Ông Bách cũng đã từng là một họa sĩ ở ngay tầng dưới của nhà bên cạnh. Dễ chừng ông đã hơn sáu mươi rồi thì phải. Ông có hàm râu quặp xuống trên một khuôn mặt trông như con dê và một thân hình nhỏ thó. Trông ông như một con quỷ râu xanh. Ông Bách đã thất bại thảm thương trong nghệ thuật. Suốt bốn mươi năm trời, ông say mê với cây cọ, quên cả vợ. Ông chỉ mơ ước hoàn thành một tuyệt tác nhưng lại chưa bao giờ bắt đầu được. Từ bẩy tám năm nay, ông chẳng vẽ ra gì nên hồn, ngoại trừ kẻ chữ cho các cửa tiệm hoặc vẽ vài mẫu quảng cáo. Thế thôi. Ông xoay ra kiếm sống bằng cách thỉnh thoảng ngồi làm mẫu cho các họa sĩ trẻ trong khu này, những họa sĩ nghèo không đủ tiền thuê những người mẫu chuyên nghiệp. Ông uống rượu đế liên miên và không ngừng nói về tuyệt phẩm sắp tới của ông.
Nhưng bên trong cái vỏ dữ tợn ấy, ông hay diễu cợt và điều lạ là ông tự cho mình như một thiên thần hộ mạng do trời ban xuống để bảo vệ cho hai cô họa sĩ trẻ nhà kế bên. Ông rất hiền hòa với hai cô.
Xuân tìm ra ông dễ dàng qua hơi rượu nồng nặc, trong ngôi nhà lụp xụp, đèn đóm lờ mờ ở tầng dưới. Ngay góc nhà là cái giá vẽ, trên đó tấm toan còn trắng đã gắn trên giá từ hai mươi lăm năm nay, chờ đợi chủ nhân bắt đầu kiệt tác của mình.
Xuân kể cho ông nghe cái ý nghĩ quái đản của cô bạn, cùng cái nỗi sợ sệt và sự buông xuôi của Giao, phó mặc số mạng như những chiếc lá còn lại trên cành.
Ông Bách cười chế nhạo cái ý nghĩ lạ lùng ấy với đôi mắt đỏ ngầu, vì rượu hay vì lệ?
– Vớ vẩn! Sao cô ấy lại chết khi chiếc lá cuối cùng trên cành rơi xuống chứ? Tôi chưa từng nghe ai nói thế bao giờ! Không, tôi không ngồi làm mẫu cho một người ngu xuẩn như cô đâu, cô Xuân ạ. Sao cô ngu đến độ có thể chấp nhận cho bạn cô có cái ý nghĩ yếu hèn trong đầu như thế chứ? Trời ạ! Cái cô Giao đáng tội nghiệp kia.
Xuân chống chế:
– Cô ấy bệnh hoạn và rất yếu ớt. Có lẽ cảm sốt quá độ đã làm đầu óc cô ấy cũng trở thành bệnh hoạn nên mới có cái tư tưởng yếm thế ấy.
Rồi nói dỗi:
– Tốt lắm, ông Bách! Ông không muốn ngồi làm mẫu thì thôi. Nhưng như thế thì ông cũng ác lắm.
Ông Bách gừ gừ trong cổ họng:
– Cô đúng là đàn bà! Ai nói không ngồi mẫu bao giờ! Ði, tôi đi với cô. Suốt từ nãy giờ tôi đã sẵn sàng để đi rồi. Nơi này không phải là nơi mà một người tốt như cô Giao phải nằm liệt giường. Ngày nào tôi hoàn thành được kiệt tác phẩm của tôi và trở nên giàu có, chúng ta sẽ cùng rời khỏi nơi này. Nào, đi.
Giao đã ngủ khi hai người bước lên cầu thang. Xuân đưa tay kéo màn cửa sổ xuống rồi đưa ông Bách sang phòng bên cạnh. Cả hai nhìn chăm chú nhìn qua cửa sổ, dán mắt vào cái giàn cây dễ sợ ấy. Rồi cả hai nhìn nhau không nói. Ngoài kia, mưa lạnh bắt đầu rơi hòa lẫn với tuyết trắng. Ông Bách, trong chiếc áo sơ mi xanh cũ bắt đầu lom khom làm mẫu trong tư thế một người thợ đang đào xới một tảng đá, cho Xuân vẽ.
Sáng sớm hôm sau, khi Xuân tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài, nàng sang phòng Giao, thấy bạn đã tỉnh dậy, đôi mắt mệt mỏi không thần sắc, đang nhìn chăm chú vào chiếc màn cửa còn khép kín.
Giao ra lệnh, giọng mệt mỏi:
– Mở màn cửa sổ ra, Giao muốn nhìn.
Xuân chán ngán tuân lệnh. Ô kià! Sau một đêm mưa gió dữ tợn, thế mà trên bức tường gạch kia, một chiếc lá vẫn còn bám víu, dựa sát vào tường. Chiếc lá cuối cùng trên cái giàn cây trơ trụi.
Chỉ còn một chút màu xanh yếu ớt nơi cuống lá, chung quanh lá, viền răng cưa đã ngả sang màu vàng úa, èo ọt, thế mà chiếc lá vẫn can đảm bám víu lấy cành cây, cao hơn mặt đất khoảng bảy tám thước.
Giao thì thào:
– Chiếc lá cuối cùng. Giao nghĩ là nó phải rụng đêm qua rồi chứ. Cả đêm Giao nằm nghe gió hú vù vù. Thế thì chắc nó sẽ rụng hôm nay, và cùng lúc đó, Giao cũng sẽ ra đi, Xuân ạ.
Xuân van xin:
– Giao yêu dấu! Nếu không nghĩ đến bản thân bạn thì cũng nghĩ cho Xuân chứ. Giao chết rồi, Xuân sống ra sao đây?
Nhưng Giao không trả lời. Sự cô đơn nhất trên cõi đời này vẫn là khi tâm hồn mình đã sẵn sàng chấp nhận ra đi. Nhưng tình bạn thắm thiết đã khiến Giao còn chút ý chí bám víu vào cõi tạm này.
Ngày buồn chậm chạp trôi qua, và trong cái màu sắc ảm đạm của buổi chiều chạng vạng, đôi bạn cũng có thể nhìn được chiếc lá lẻ loi vẫn còn cố gắng bám víu vào cành, in hình vào chiếc tường cũ kỹ. Ðêm hôm ấy, những ngọn gió Bắc lại về, mưa vẫn không ngừng đập từng hồi vào mái hiên, hòa với tiếng gió rít lên từng chập.
Trời vừa hừng sáng, Giao đã lạnh lùng ra lệnh cho bạn mở chiếc màn cửa sổ. Chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó.
Giao nằm giây lâu nhìn ngắm chiếc lá, và không hiểu vì động lực gì, nàng gọi Xuân, lúc đó đang đứng cạnh bếp hồng khuấy chén nước súp:
– Xuân ơi! Giao thật là dại dột, ích kỷ. Cái gì đã khiến chiếc lá kia vẫn sừng sững đứng đó để cho Giao thấy mình ác độc với bạn đến thế nào. Thật là tội lỗi biết bao khi mình chán sống. Chiếc lá mỏng manh kia còn biết bám víu lấy cuộc đời! Xuân ơi, mang cho Giao chút nước súp nóng nhé, một ly sữa nữa với vài giọt rượu porto, và và… à không, mang cho Giao chiếc gương cầm tay trước đã, còn nữa, đem vài chiếc gối cho Giao dựa lưng. Giao muốn ngồi lên một tí để xem bạn nấu bếp.
Một lúc sau, Giao nói tiếp:
– Ngày nào đó, Giao ao ước vẽ được vịnh Naples.
Chiều hôm ấy, bác sĩ Thạch lại đến. Xuân xin lỗi bạn, theo bác sĩ ra ngoài hành lang. Ông hoan hỷ bắt bàn tay gầy guộc lạnh giá của Xuân:
– Tốt rồi, chỉ cần cô chăm sóc tốt cho cô ấy, chúng ta sẽ thắng Tử thần.
Xuân cười gượng, rơi lệ cảm ơn. Bác sĩ Thạch hối hả:
– Bây giờ tôi phải đi thăm một con bệnh khác ở tầng dưới nhà bên cạnh đây. Tên ông ta là ông Bách, dường như ông ta cũng là họa sĩ thì phải. Nếu tôi chẩn bệnh không lầm, thì ông ấy bị cảm lạnh nhập phổi. Ông ấy già, lại yếu quá rồi, nên hy vọng mong manh lắm. Có lẽ tôi phải ký giấy cho ông ấy vào bệnh viện gấp hôm nay, để được thoải mái hơn.
Hôm sau, bác sĩ Thạch bảo Xuân:
– Bạn cô đã qua cơn nguy hiểm rồi. Cô đã thắng rồi đấy. Bây giờ, chỉ cần săn sóc và dinh dưỡng thôi, thế là đủ.
Rồi ông báo cho Xuân một tin buồn.
Chiều hôm ấy, Xuân vào phòng trong lúc Giao đang chăm chú đan một cái gì màu xanh dương. Nàng ngồi cạnh Giao, quàng tay qua lưng ôm lấy bạn và cả mấy cái gối dựa lưng:
– Giao à! Xuân muốn cho Giao biết tin này.
Giao mở to mắt nhìn đôi môi nhợt nhạt của bạn.
– Ông Bách, bạn thân của chúng ta đã qua đời trong bệnh viện sáng sớm nay rồi. Ông ấy bị sưng phổi từ hai hôm nay. Người gác dan đã tìm thấy ông ta vào buổi sáng sớm, sau cái đêm mưa gió khủng khiếp ấy, ngất xỉu ngoài hành lang với đầy cọ và màu sắc còn trên tay. Quần áo và giày của ông ta ướt đẫm nước mưa và tuyết lạnh. Họ không thể tưởng tượng được đêm ấy ông ta ở đâu mà lại nhiễm mưa lạnh đến ngất xỉu. Cuối cùng, mọi người khám phá ra cái đèn lồng hãy còn le lói cháy, và một chiếc thang té ngang trên mặt đất ngay dưới chân tường của nhà bên cạnh, dính bùn đất be bét, và rải rác quanh đó, nào cọ, nào khung vẽ với màu xanh, màu vàng pha trộn trên ấy.
Giao chăm chú nghe, trong khi Xuân đỡ bạn dậy, dìu Giao đến bên cửa sổ, chỉ tay vào vách tường loang lổ:
– Bạn yêu dấu! Hãy nhìn chiếc lá cuối cùng trên cái giàn cây khô héo kia. Có bao giờ Giao tự hỏi tại sao chiếc lá mong manh ấy vẫn còn đó, bất động, sau mấy đêm mưa gió tầm tã không? Bạn yêu, đó là tuyệt tác phẩm của ông Bách mà suốt đời ông mơ ước. Ông ấy đã vẽ chiếc lá, vào cái đêm mưa gió, cái đêm mà chiếc lá cuối cùng rơi.