- là một trong 99 trẻ em được tờ báo Daily Mail đưa ra khỏi đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. Giờ đây, cô đang tìm cách liên lạc lại với những người được không vận cùng đợt đang ở khắp nơi.
Viktoria Cowley không biết đích xác tuổi của mình, nhưng cô nghĩ năm nay cô khoảng 36 tuổi. Bị mồ côi từ bé trong cuộc chiến Việt Nam, cô thậm chí không biết cả tên bố mẹ mình.
Hồ sơ sớm nhất được lưu lại là từ tháng Tư năm 1975, khi cô xuất hiện trên trang nhất báo Daily Mail, lúc mới hai tuổi. Cô là một trong 99 trẻ em được không vận khỏi Sài Gòn, nhờ sứ mạng nhân đạo của tờ báo này trong lúc lực lượng cộng sản (Vietcong) tiến vào Sài Gòn lúc cuộc chiến đến hồi kết thúc.
Tít lớn của tờ báo khi đó tuyên bố các trẻ em mồ côi đã được an toàn, thoát khỏi một tương lai bấp bênh và có thể là số phận kinh khủng đang chờ đón.
Giờ đây, ba thập niên đã trôi qua kể từ khi tới nước Anh, Viktoria - hay còn gọi là Vikki, đang sống tại Eastbourne - mới bắt tay vào một sứ mạng của riêng mình, là kết nối lại với những người được đưa đi cùng đợt. Cho tới nay, cô đã liên lạc được với 15 người.
Cô tìm được người đầu tiên sau nhiều tuần tìm kiếm trên mạng thông tin về vụ không vận. “Cuối cùng tôi tìm thấy người đầu tiên - là người có tên giống tôi, và cũng ở cùng cô nhi viện với tôi ở Sài Gòn. Sau đó tôi liên hệ với cô ấy qua mạng và có người bạn đầu tiên cũng là người Việt được nhận làm con nuôi như tôi”.
Giờ đây, cô muốn tìm tiếp 83 người còn lại.
Cô nói: “Tôi rất muốn liên lạc với họ, chia sẻ câu chuyện, chỉ để tìm hiểu xem họ biết rõ về họ đến đâu, cũng như về vụ không vận khi đó”.
Cảm giác về bản thân
Vụ không vận diễn ra vào tháng Tư năm 1975, là ‘con đẻ’ của tổng biên tập báo Daily Mail khi đó là David English.
Chiến dịch này diễn ra sau khi có đợt sơ tán hơn 2000 trẻ mồ côi tới Mỹ, do Tổng thống Gerald Ford ra lệnh, mà rất nhiều trong số đó được cho là con của lính Mỹ.
Trong số 99 trẻ được đưa tới Anh, không phải tất cả đều là trẻ mồ côi và rất nhiều vẫn còn gia đình tại Việt Nam. Các em trong độ tuổi từ vài tháng đến vị thành niên.
Bản thân Vikki được nhận vào một gia đình ở Seaford, là khu nghỉ bên bờ biển tại Đông Sussex. Douglas Cowley, người khi đó đang làm việc ở Việt Nam, đã cùng vợ là Jennifer nhận cô làm con nuôi.
Cô chính thức được nhận làm con nuôi vào ngày 6/1/1976 - là ngày mà cô kỷ niệm làm sinh nhật của mình - và giờ đây cô làm việc cho cảnh sát Sussex.
Tuy nhiên, chỉ mãi gần đây Vikki mới quan tâm đến quá khứ của mình. Trong một thời gian dài, cô không muốn tìm hiểu, do sợ những chi tiết quá khứ có thể vừa đau buồn, vừa khó vượt qua.
“Tôi đã hài lòng với cuộc sống của mình, và biết rằng để tìm kiếm những câu trả lời cho các câu hỏi của mình có thể đơn giản là một việc làm không kết quả. Tôi ở trong một dạng như khủng hoảng về bản sắc. Thực tế là tôi đã từng không được ai yêu thương, hay mong muốn. Thế nhưng khi được nhận làm con nuôi, tôi đã được yêu thương”.
“Khi tôi còn rất nhỏ, cha mẹ tôi thường hay kể về chuyện nhận tôi làm con nuôi khi chúng tôi ngồi quanh bàn ăn bữa tối Chủ Nhật. Điều duy nhất tôi muốn nghe là tôi đặc biệt như thế nào và làm sao cha tôi lại chọn tôi trong tất cả lũ trẻ đó”.
Và trong một thời gian dài, cô đã sợ về những gì sẽ xảy ra nếu cô trở về Việt Nam để tìm kiếm câu trả lời.
“Tôi sợ giới chức Cộng sản sẽ không bao giờ cho tôi rời đi nữa. Cuộc sống tại một đất nước xa lạ, với ngôn ngữ tôi không hiểu, mất hoàn toàn những điều an toàn, an ninh là một điều kinh khủng. Thực tế này hằn sâu trong tâm trí tôi, hình thành một rào cản vĩnh viễn, một bức tường không lay chuyển nổi, khiến tôi hết tò mò về những gì đã xảy ra với tôi trước khi tôi tới nước Anh”.
“Thực tế này ngăn cản tôi tìm hiểu về một nền văn hóa mà tôi nhẽ ra có thể dễ dàng liên hệ, hoặc nhẽ ra đã dung dưỡng tôi”.
Mọi thứ bây giờ đã thay đổi. Vikki dùng các mạng giao tiếp xã hội để thiết lập các quan hệ với những người VN sống ở hải ngoại và tìm lại những người được đưa đi cùng đợt với cô. Cô còn lên kế hoạch về thăm quê hương lần đầu tiên vào năm tới.
“Giờ đây, tôi muốn tìm hiểu xem những gì đã thực sự xảy ra. Tôi muốn tìm hiểu về những gì đã tạo nên tôi”.
“Có thể tôi sẽ chẳng bao giờ tìm thấy mọi câu trả lời cho những câu hỏi của tôi, do không phải mọi thực tế đều được ghi lại, vì vậy chắc tôi sẽ phải ước đoán nhiều. Đó là lý do tại sao những người được nhận làm con nuôi khác là rất quan trọng. Với thực tế và những dự đoán, tôi có thể cố phác thảo ra câu chuyện đời mình ngày trước là thế nào”.
Vikki giờ đây thấy mình đang trong một hành trình xúc động khi cô tìm cách xâu chuỗi quá khứ mà cô đã từng chia sẻ với những người được không vận khỏi Sài Gòn đến nơi an toàn.
“Khi tôi chia sẻ và liên lạc được với thêm nhiều người, tôi càng hào hứng với sứ mệnh này. Tôi cũng cảm thấy quan tâm hơn tới những người tôi liên lạc, muốn giúp đỡ những người không được may mắn như tôi nhằm có thể trợ giúp hoặc cho họ thêm những mối quan hệ mới”.
Và nếu cuộc tìm kiếm những thông tin về thời thơ ấu không mang lại gì thì nó cũng được bù đắp bằng những người mà cô đã có dịp gặp gỡ trong hành trình.
“Tôi biết rằng tôi đã gặp được những người bạn trong cuộc đời thông qua một thực tế độc nhất là chúng tôi bắt đầu đời mình bằng hoàn cảnh không may mắn”.
“Cuộc không vận trẻ em ngày trước cứ như thể một tấm kính mà khi hạ cánh xuống nước Anh đã bị vỡ tan. Tôi giờ đây đang cố gắng tìm kiếm những mảnh vỡ để gắn lại tấm kính này”.
Bài 'The babies airlifted out of Saigon' được chương trình BBC South East Inside Out ở vùng Đông Nam Vương quốc Anh phát trên sóng 9/11/2009 và có mặt cả trên trang BBC Magazine.