main billboard

Lời Tòa Soạn. – Nội san Bách Việt của Phong Trào Công Giáo Quốc Dân thường được coi là một Tổ Chức của Giới Trẻ Công Giáo Miền Đông Bắc Hoa Kỳ và Canada

 Lời Tòa Soạn. – Nội san Bách Việt của Phong Trào Công Giáo Quốc Dân thường được coi là một Tổ Chức của Giới Trẻ Công Giáo Miền Đông Bắc Hoa Kỳ và Canada

số đặc biệt Xuân Mậu Thìn đã đăng bài “Vụ Công Giáo San Jose: Một Thảm Kịch Văn Hóa Thời Đại” của Giáo Sư Cao Thế Dung. Trong phần mở đầu, tác giả cho biết bài báo kể trên trích ra một phần từ chương thứ XIV, (Phụ lục về Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại) trong cuốn CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRONG DÒNG SINH MỆNH DÂN TỘC, tác phẩm được mô tả là một công trình nghiên cứu rất công phu, viết về lịch sử Giáo Hội Công Giáo từ năm khởi thủy 1599 đến 1987 do tạp chí DÂN CHÚA xuất bản, dự liệu phát hành vào cuối tháng tư để chào mừng Đại Lễ Phong Hiển Thánh. Nhận thấy bài báo của Giáo Sư Cao Thế Dung đầy những chân tình tha thiết trước tương lai của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại, trong đó có Cộng Đồng Công Giáo tại San Jose, Chính Nghĩa đã điện thoại xin hân hạnh đăng lại trên Chính Nghĩa, GS Dung hoan hô và cho biết tác phẩm của Ông đang chờ giờ “hoàng đạo” để ra mắt.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài của GS Dung trong một tác phẩm chắc chắn có nhiều khám phá mới lạ về quá trình trên 450 năm của lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mà vụ “San Jose” cũng có thể mô tả là một vụ “bách đạo... trắng”.

*****

caothedungBản chất Việt Nam và cũng là bản chất của Giáo Hội Việt Nam vốn bất khuất, anh hùng, nhưng còn một bản chất cao quý khác là tự do, ẩn nhẫn và khai phóng. Không ai trong thế giới loài người hiện nay có thể hiểu tường tận thấm thía và sau đây về hai chữ Tự Do cho bằng người Việt Nam. Với một con “tầu” như chiếc lá tre giữa biển Đông, người Việt đã đem cả thân mệnh mình và gia đình đổi lấy Tự Do.

 “Thế nào là người đàn ông Việt Nam!” Đó là đề tài tác giả nói chuyện với một số sinh viên trong cuộc gặp gỡ tại Nữu Ước hè 1986. Tác giả định nghĩa: “trước kẻ thù như hải tặc và cộng sản chẳng hạn, chúng lôi vợ con chúng ta ra để định bắn chết, thì người đàn ông Việt Nam, một con người không quỳ lạy trước bạo lực, sẽ đến quỳ lạy trước quân thù, van xin quân thù hãy bắn chết mình, thay mạng mình để vợ con được sống”. Người đàn ông Việt Nam đa số rất thương yêu trọng quý vợ con, sẵn sàng chết để cho vợ con được sống, ấy vậy mà dám đem cả vợ con lên chiếc “tầu” mong manh ọp ẹp phiêu lưu ra biển Đông để tìm Tự Do. Là người Công Giáo thì từ khi bước lên tầu đã trao phó cho Chúa, khước từ cả sự sống may ra tìm được Tự Do. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam xây dựng trước hết từ ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tự Do y như ý nghĩa cao cả ấy. Và cũng như thế, Cộng Đồng Công Giáo VN Hải ngoại xây dựng trên lòng can đảm vô biên, can đảm trước mọi thử thách. Nhờ vậy, chỉ trong vòng chưa tới 5 năm, Đại Hội Công Giáo đầu tiên được tổ chức tại Mountain View từ 23 đến 27 tháng 7 năm 1980. Hàng chục ngàn người nô nức tham dự. Hình ảnh LM Nguyễn Văn Tịnh, chủ tịch Liên Đòan và Tu Sĩ CGVN tại Hoa Kỳ nổi bật giữa nền trời xanh bát ngát của hy vọng và yêu thương. Kế tiếp năm 1981, Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ tại Portland Oregan lên tới hàng ngàn người.

 Trước đó, Đại Hội Thánh Mẫu tại Carthage, Missouri từ ngày 13 đến 15 tháng 5-1978 đông tới hàng ngàn người. Năm 1987, Đại Hội tập trung trên 45.000 người, so với năm 1981 là 6.300 người.

NHÀ THỜ VIỆT NAM: ĐÌNH LÀNG NƠI QUÊ NGƯỜI

Sau Đấng Thiêng liêng và Tổ Quốc thì còn gì quý hơn thiên mệnh con người, còn gì bằng Hạnh Phúc, vợ chồng cha con? Ấy vậy mà vì Tự Do, người Việt Nam đã đem cả thân mạng mình, cả thân mệnh của vợ con mình “một sống chín chết” đổi lấy Tự Do. Công Giáo Việt Nam Hải ngoại được xây dựng trên nền tảng bất khuất này cũng như cuộc Di Cư Vĩ Đại năm 1954 xây dựng trên đức tin Kitô rất rực rỡ.

Ước nguyện của giáo dân San Jose là tiếng kêu trầm thống khởi từ ý nguyện đặt nơi Thiên Chúa, Đấng đã và đang được tung hô và vinh danh từ các nguồn suối thanh âm khác nhau của loài người và từ các nền văn hóa và văn minh khác biệt của loài người.

Vừa đặt chân tới nơi định cư, dù ngôn ngữ còn cách trở, tập thễ Công Giáo VN đã lập thành các Cộng Đoàn. Hơn một thập niên đã qua, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam vừa là thành tựu rực rỡ nhưng cũng là thảm kịch ở một vài nơi như San Jose, California mà giáo dân lại là nạn nhân của ngộ nhận, độc đóan và do từ vết thương “ung thư nội bộ” rất đáng buồn phiền.

Ngày 17-10-1987, trong dịp đến chủ tế và ban phép lành cho sơ đồ kiến tạo nhà thờ Giáo Xứ Việt Nam tại vùng Silver Spring, ngoại ô Hoa Thịnh Đốn, thuộc Tổng Giáo Phận Thủ Đô Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục James Hickey phát biểu: “Các Anh Chị Em đã tìn được Tự Do tại xứ sở Tự Do này nhưng nếu Anh Chị Em để mất đi Văn Hóa và Truyền Thống của Dân Tộc mình thì đó là một thảm kịch”.

Thảm kịch ấy đã diễn ra tại Giáo Phận San Jose từ năm 1984, và kéo dài cho đến ngày nay với đầy phẫn nộ, xót thương và nước mắt. Hàng ngàn giáo dân ở San Jose chỉ có một ước vọng được thờ phụng Chúa trong căn nhà Việt Nam rất mực thương yêu, trong ngôn ngữ Việt Nam rất mực mặn nồng, vì ở đó là văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt, vì ở đó là điều Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng lên tiếng cổ võ, khuyến khích. Đức Giáo Hòang muốn thể hiện một Giáo Hội hợp nhất của các dân tộc, triệt để tôn trọng và phát triển, bảo vệ và củng cố những độc đáo đặc thù về văn hóa của mọi dân tộc trong Giáo Hội toàn cầu. Nguyện vọng của trên 3.000 giáo dân Việt Nam vốn rất chính đáng. Phải có một Giáo Xứ Thể Nhân đã đành mà còn phải xây dựng Căn Nhà Việt Nam để phụng thờ Chúa trong tình tự Việt. Lẽ tự nhiên không có Chúa Việt, Chúa Mỹ, Chúa Da Đen, Da Trắng, Da Vàng, chỉ có một Chúa lòng lành chí nhân chí thánh trong hàng vạn phương cách khác nhau để vinh danh Chúa trong các dòng thác văn hóa và truyền thống của nhân loại. Chỉ có một Giáo Hội toàn cầu của người Công Giáo, nhưng có hàng ngàn Giáo Hội địa phương với văn hóa và tập tục khác nhau. Danh từ hội nhập này đã lỗi thời, ngoan cố và độc đóan y như thời thực dân và chủng tộc chủ nghĩa, nhất là về phạm vi tôn giáo và là Công Giáo.

Căn Nhà Việt Nam, nơi thờ phượng Thiên Chúa của giáo dân Việt Nam, nơi một cách đơn giản vẫn là cái Đình Làng, là trung tâm văn hóa Việt, là nơi anh em đồng hương tay bắt mặt mừng, là nơi “tối lửa tắt đèn có nhau” và là nơi tiếp nối giao hưởng giữa các thế hệ Việt ở hải ngoại trong dòng thác đa văn.

Canada và Úc Đại Lợi đã tiên phong đi trên con đường văn minh đa diện và nhân bản, hai nước ấy đã chấp nhận tính cách đa văn của một quốc gia di dân (Multicuturism). Từ 2.000 năm trước, dân Việt Nam cũng đã chấp nhận một nền đa văn giao lưu (acculturation). Tuy dân Việt là khối đại đa số, nhưng lại chấp nhận các nền văn hóa đặc thù và khác biệt của 50 dân tộc thiểu số anh em trong đại cộng đồng quốc dân Việt Nam.

Có một Giáo Xứ Thể Nhân và cần một Thánh Đường Việt Nam để thờ phượng Chúa là yêu cầu thiết thực để bảo vệ truyền thống và là truyền thống của một nền văn hóa giao lưu đa dạng như văn hóa Việt Nam.

Có một Giáo Xứ Thế Nhân vì cần một dòng thanh âm rất mực yêu thương, rất mực nồng nàn đằm thắm để thờ phụng Thiên Chúa vì đó chính là ý nguyện từ chính Chúa đặt nơi Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Ước nguyện của giáo dân San Jose chính là tiếng kêu trầm thống khởi từ ý nguyện đặt nơi Thiên Chúa, Đấng đã và đang được tung hô và vinh danh từ các nguồn suối thanh âm khác nhau của loài người và từ các nền văn hóa và văn minh khác biệt của loài người.

“BIẾN CỐ CÔNG GIÁO SAN JOSE” là dấu hiệu của một thảm kịch mà Đức TGM. James A. Hickey đã long trọng lên tiếng đối với Cộng Đồng Công Giáo Việt ở Thủ Đô Hoa Kỳ.

Có những “trụ sở địa phận” từ miền Trung Bắc Di Cư trong Tổng Giáo Phận Saigon thì cũng có những Căn Nhà Việt Nam yêu dấu trong các giáo hội địa phương Âu Mỹ.

Người Công Giáo Việt Nam đã nỗ lực xây dựng những Căn Nhà Việt Nam trong điều kiện muôn vàn khó khăn, “thảm kịch công Giáo Việt Nam tại San Jose” là tiêu biểu của một đổ vỡ vì vô ý thức văn hóa. Giới Phật tử có thể dễ dàng dựng một ngôi chùa ở bất cứ nơi nào trên đất Mỹ. Người Công Giáo Việt Nam không được dễ dàng như thế. Dù đã có một Trung Tâm Công Giáo qui mô như San Jose do chính giáo dân lao động kiến tạo nhưng vẫn lại là một thảm kịch. Đây là hệ lụy chung của Công Giáo Việt Nam, một Giáo Hội chỉ vốn thành công trong phấn đấu gian lao, trong tinh thần tử đạo, kể cả trong nhục tủi, phẫn uất và bất công. Tuy nhiên Giáo Hội Việt Nam thành công trong mọi điều kiện khắc nghiệt nhất của hòan cảnh vẫn là nhờ Giáo Hội có lãnh đạo và trên dưới nhất trí một lòng.

Vụ San Jose trước hết là do “ta không bảo được nhau”, khởi đầu một bên là LM Nguyễn Văn Tịnh, Giám Đốc tiên khởi của Trung Tâm Việt Nam và Hội Đồng “Giáo Xứ” tức Cộng Đòan, một bên là mấy linh mục không vừa ý, không thuận với LM Tịnh, mỗi bên đều có lý do riêng nhưng giáo dân lại là nạn nhân nghiệt ngã của những “lý do riêng” của “các Ngài”.

Vào năm 1987, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, riêng tại Mỹ đã có trên 20 Giáo Xứ Thể Nhân và Đặc Xứ (Mission). Tác giả đã có dịp đi khắp Hoa Kỳ từ một thị trấn hẻo lánh như Cedar City Iowa đến Fostoria Ohio, từ Lexington Kentucky đến Eric Pennsylvania . . . đâu đâu Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam cũng phấn chấn thành công và hết lòng giữ đạo theo truyền thống, sống với đức tin, sống đạo trong văn hóa và mỹ tục của dân tộc ngoại, trừ “Công Giáo Việt Nam San Jose” vẫn là một thảm kịch kéo dài trên 3 năm không lối thoát.

Thoạt đầu khối Công Giáo San Jose là những giáo dân nhiệt tình nhưng rất tự hào dân tộc, tự hào về văn hóa và nguồn gốc. Phải chăng đó là nguyên do của thảm kịch được tác tạo bởi yếu tố ngoại vị xuất phát từ những ngộ nhận, từ kiêu hãnh chủng tộc và lãnh đạo, từ “lố lăng chậm tiến” và từ “vô ý thức văn hóa”.

Họ Đạo Việt Nam tiên khởi tại Hoa Kỳ với một ngôi Thánh Đường Việt Nam thuần túy về mọi lãnh vực văn hóa và truyền thống lại ở mãi tận thủ phủ Lincoln, xa xăm giữa Trung Mỹ thuộc tiểu bang Nebraska, giáo dân không tới 500 người nam nữ, già trẻ. Hơn 10 năm thành lập, Giáo Xứ Việt Nam ở Lincoln được giáo quyền địa phương cũng như giáo dân địa phương rất tín nhiệm và kính phục, không ai đặt vấn đề hội nhập.

Họ Đạo Việt Nam vào hàng lớn nhất là Họ Đạo Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Northern Virginia thuộc ba miền lớn rộng từ Alexandria đến Arlington và Fairfax. Từ ngày thành lập, Họ Đạo sinh hoạt nhịp nhàng, đoàn kết nhất trí, mỗi chủ nhật 3 lễ Việt Nam, nhà thờ đông nghẹt, nơi ấy vang vọng dòng âm thanh bát ngát của những tiếng kinh cầu Việt Nam và là trung tâm văn hóa sống động nhất trong vùng. Giáo Xứ Việt Nam Northern Virginia được giáo quyền và gáo dân địa phương tín nhiệm và kính trọng với những cảm tình đặc biệt. Giáo Xứ Việt Nam ở các nơi nào cũng đều như thế như Richmond, như Norfolk miền Trung và Nam Virginia, như giáo xứ Albuquerque giữa miền sa mạc New Mexico với giáo dân không bao nhiêu mà đã lập được ngôi Thánh Đường, khánh thành long trọng vào năm 1987, một giáo xứ có thể gọi lá “thuần Mỹ” mà lại trở thành “thuần Việt”. Ngôi Thánh Đường Việt Nam ở Albuquerque là điểm son rực rỡ của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải ngoại, Đức Giám Mục địa phận Albuquerque rất tự hào về ngôi Thánh Đường VN trong một địa phận sa mạc mênh mông mà ở đó lại mọc lên cây nhân sinh Việt.

New Orleans là trường hợp ngoại hạng. Nếu Dòng Đồng Công có phúc lạ được ĐGM Law bảo trợ năm 1975 thì giáo dân New Orleans cũng có một phép lạ khác, một hồng phúc khác được TGM. Hannon cưu mang, bao bọc ngay từ những ngày đầu vào tháng 8 năm 1975. Được TGM Hannon khuyến cáo và cổ võ giáo dân gìn giữ, phát triển văn hóa và truyền thống Việt.

Số giáo dân của Giáo Xứ Việt Nam trong phạm vi địa phận New Orleans và vùng phụ cận lên tới trên 10.000 (thống kê chưa chính thức). Linh mục chính xứ hiện nay là Đức Ông Mai Thanh Lương, du học Mỹ từ năm 13 tuổi, song vẫn giữ được đầy đủ căn bản của nếp sống Việt. Giáo Xứ Việt Nam ở New Orleans quy tụ các linh mục hầu hết còn trung niên và du học ngoại quốc lâu năm. Nền tảng của Giáo Xứ là Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam được thành lập vào tháng 9-1975 do LM Trần Công Nghị làm Giám Đốc tiên khởi. Một số đông linh mục còn trẻ sống chung và làm việc trong một Trung Tâm không thể tránh được những khác biệt, mâu thuẫn tự tại, xích mích và đụng chạm vì đó là tính chất rất người. Tuy nhiên các linh mục Việt Nam ở New Orleans đã tạo được tinh thần làm việc tập thể (team work), biết phân công, có lãnh đạo, biết nhường nhịn, ẩn nhẫn, biết lui, biết tới và nhất là biết được quan trọng là do mâu thuẫn hay đụng chạm, xích mích vẫn phải cộng tác với nhau vì giáo dân và Cộng Đồng. Đó là phương thức đã làm cho Công Giáo Việt Nam tại New Orleans thành công rực rỡ.

Với ý chí, phải sống với Việt Nam tuy phải hội nhập nhưng phải sống với nhau và cùng nhau. Giáo Xứ Việt Nam tại Orleans do một Cha Xứ với nhiều Cha Phó coi cộng đoàn khác nhau, nhưng đã đạt được mục tiêu Một Việt Nam trong đại thể Hoa Kỳ - Một Việt Nam độc đáo trong độc lập cá biệt độc đáo giữa một Hoa Kỳ đa chủng, đa văn nhưng không thể nào là một Việt Nam “melting pot”. Được như thế trước hết là Việt Nam có một Căn Nhà Chung: một ngôi Thánh Đường cho người Việt Nam – một ngôi đình cho Cộng Đòan Việt Nam – vì đó là cái nôi văn hóa để vừa sống với Đức Tin Kitô và sống với nhau trong văn hóa Việt tình, Việt tinh và Việt tộc. Giáo Xứ Việt Nam tại New Orleans phải được coi là một trong những mẫu mực. Ta phải phân biệt được rằng, Hội Nhập không thể là đồng hóa và hội nhập là cá nhân hội nhập chứ không thể đem cả một Cộng Đoàn để hội nhập. Không còn vấn đề hội nhập nữa, người Việt tại Hoa Kỳ hiện nay sau 13 năm định cư đã nằm trong dòng sông (mainstream) của Hoa Kỳ.