Con cua bạn câu được là cua Mỹ. Bạn phải đậy nắp giỏ vì các con cua công kênh nhau bò lên, con này giúp con kia cùng thoát hiểm. Còn con cua Việt của tôi, không con nào bò lên được cả, con nào mà mon men bò lên cao một tí là những con cua khác kéo nó xuống liền…
Chưa năm nào làng An Lạc chúng tôi mừng lễ Phục Sinh vui đến thế. Các cụ có biết tại sao không ? Thưa, vì vị tiên chỉ làng tôi, Cụ Chánh, nhập đạo Công Giáo. Trong lễ đêm Thứ Bảy trước Chúa Nhật Phục Sinh, Cụ và cụ B.95 đã được Cha Paolo làm lễ Thánh Tẩy. Mỗi cụ được choàng một tấm khăn trắng lớn và tay cầm một cây nến cháy sáng tượng trưng cuộc đời mới, sức sống mới. Chưa bao giờ cộng đoàn nhà thờ vỗ tay chào mừng hai cụ to đến thế. Giáo dân ở đây đã quen Cụ lâu rồi, vì mỗi ngày lễ Tạ Ơn hằng năm, Cụ đều đến dự và lập lại lời cám ơn giáo xứ đã bảo lãnh cụ từ trại tỵ nạn Thái Lan khi xưa. Lần này Cụ cũng làm cả nhà thờ cảm động. Cụ nói: Năm 1981, khi đón chúng tôi tại phi trường, Cha Paolo bảo: Chúng tôi biết cụ theo đạo Ông Bà ở VN từ bé, xin cụ cứ tiếp tục sống theo đạo của cụ. Đời sống, lời nói và việc làm của Cha đã làm tôi thao thức bao nhiêu năm. Tôi và bà bạn già của tôi đây thấy mình hạnh phúc vô cùng vì chúng tôi vẫn còn được thờ ông bà tổ tiên như xưa, chỉ thờ thêm Thiên Chúa ở bên trên. Từ nay, trong thánh lễ chúng tôi có thể cầm tay mọi người và cùng đọc chung lời kinh kêu Thiên Chúa là Cha, Lạy Cha chúng con ở trên trời…
Nói đến đây rồi Cụ Chánh nghẹn ngào, cụ B.95 cũng khóc theo. Ai trong nhà thờ cũng cảm động. Cha Paolo chủ lễ liền ôm lấy hai cụ. Cha Paolo lên tiếng trong cơn xúc động: Lời cụ vừa nói hay hơn bài giảng của tôi.
Trong lễ rứa tội này, anh John là người đỡ đầu cho cụ Chánh, và Chị Ba Biên Hòa đỡ đầu cho Cụ B.95. Bây giờ là thời đại điện tử, trong túi ai cũng có iPad. Bao nhiêu người trong nhà thờ đã đưa máy iPad lên để chụp những giây phút đáng ghi nhớ này.
Chiều Chúa Nhật Phục Sinh là một đại tiệc tại nhà Cụ Chánh. Đầu bếp là Chị Ba Biên Hòa. Người khách danh dự là Cha Paolo. Trong buổi tiệc chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện, nhưng câu chuyện làm tôi cảm động và nhớ nhất là chuyện Cụ Chánh kể. Rằng một lần kia vào mùa xuân Cha đến thăm chúng tôi bất chợt, ngay đầu bữa ăn. Tôi mời Cha ăn cơm với chúng tôi, Cha đã vui vẻ ngồi ngay xuống và ăn rất vui vẻ thân tình. Cuối bữa ăn, lúc uống trà, tôi hỏi Cha rằng: Ông bà chúng con ở trên bàn thờ kia, chúng con nhìn thấy ông bà hằng ngày, thế còn Thiên Chúa của Cha thì Ngài ở đâu, ở trên trời hay ở trong nhà thờ? Cha đã trả lời tôi ngay: Thiên Chúa ở ngay đây, rồi Cha chỉ tay ra mảnh vườn trước cửa kia, Cha nói: Vườn bây giờ đầy hoa vàng hoa đỏ, đầy rau xanh tươi thơm ngát. Khi Cụ trồng hoa và trồng rau, cụ có thấy màu vàng màu đỏ ở trong đất không, cụ có thấy mùi hoa ngạt ngào ở trong đất không? Chắc chắn là cụ không thấy gì. Thế cái màu vàng màu đỏ, cái mùi hương thơm ngát kia từ đâu ra ? Đó, cụ ơi, Thiên Chúa đó. Câu này làm tôi nhớ đời. Cái vườn nhỏ trước cửa sổ phòng ăn đã làm tôi thấy Thiên Chúa. Bây giờ mỗi lần tôi cầu xin với ông bà tổ tiên thì tôi cầu với Thiên Chúa trước vì Thiên Chúa là đấng đẻ ra ông bà tồ tiên…
Người vui thứ hai trong bữa tiệc này là anh John và Chị Ba Biên Hòa.
Anh John nói trước mặt Cha Paolo: Chúa đã nhận lời chúng con hằng cầu xin. Từ bữa nay trở đi, mỗi sáng Chúa Nhật vợ chồng con sẽ lái xe đến rước hai cụ cùng đi lễ nhà thờ với gia đình chúng con. Nào, còn niềm hạnh phúc và niềm vui gì lớn hơn !
Sau bữa tiệc thì Cha Paolo ra về vì ngài còn bao nhiêu việc ở nhà thờ. Dân làng An Lạc của tôi thì ở lại rất lâu, vì còn bao nhiêu chuyện vui vẻ để kể cho nhau nghe.
Cụ Chánh tâm sự đầu tiên: Xưa nay lão hằng kính phục 2 người, đó là Đức Lạt Ma và Đức Giáo Hoàng đương kim Phan Xi Cô. Câu Cha Paolo nói với lão ở phi trường ngày xưa đúng y chang lời Đức Lạt Ma nói với một anh Do Thái. Anh này không thích đạo Do Thái nên đã nhập đạo Công Giáo. Theo đạo ít lâu, anh chán và đi sang gặp Đức Lạt Ma để xin theo đạo của Ngài. Đức Lạt Ma đã vỗ vai anh mà nói: xin bạn cứ giữ đạo của bạn hiện nay, hãy sống vui vẻ hết mình theo lời Chúa dạy, yêu tha nhân như chính mình. Như vậy cũng là đạt đạo của tôi. Còn Đức Phan Xi Cô thì hôm Thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, ngài đã làm tôi cảm động quá. Các bạn biết gì không, Thứ Năm trước lễ Phục Sinh thì các nhà thờ có nghi lễ Rửa Chân cho 12 người được kén chọn trong cộng đoàn tượng trưng 12 môn đệ khi xưa. Vị chủ tế đến quỳ xuống trước mặt họ rồi rửa chân cho từng người. Năm nay, tại Roma, Đức Phanxicô đã không làm lễ rứa chân cho 12 người vị vọng ở đại giáo đường, mà ngài đã vào trong nhà tù rửa chân cho 12 tù nhân, 6 tù nam và 6 tù nữ. Cử chỉ và nét mặt của ngài rất chân thành, ngài qùy xuống, rồi đổ nước rửa chân, rồi lau chân cho từng người, lau xong ngài còn hôn vào chân họ. Tôi thấy 3 tù nhân đã khóc. Có một nữ tù nhân ôm đứa con hai tuổi trên tay, ngài đã rửa chân và hôn chân cả hai mẹ con. Đây là một vị đại thánh.
Tuần trước, có ông bạn già bên Âu Châu đã viết thư sang chúc mừng lão nhập đạo Công Giáo. Ông ta cho biết là ông ta rất vui mừng vì lão đã đi cùng con đường với Cựu Hoàng Bảo Đại, GS Vũ Quốc Thúc, GS Nguyên Sa Trần Bích Lan, Thi Sĩ Hà Thượng Nhân, Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. Lão giật mình. À, thế ra vào cuối đời các vị này cũng nhìn thấy Thiên Chúa như mình.
Cụ Chánh vừa ngưng thì anh John tiếp lời ngay. Anh bảo: Hôm nay là ngày vui lớn, ngày hạnh phúc của 2 Cụ. Chắc ai cũng muốn phát biểu, cháu sợ mất phần nói nên xin cho cháu nói liền bây giờ. Bữa nay cháu không cần Cụ B.95 yêu cầu, không cần vợ nhắc, cháu xin kể chuyện thời sự ngay. Tháng Tư này nhiều chuyện lắm.
Thứ nhất là chuyện 2 con cá. Sáng sớm ngày mồng một vừa qua, cô Tôn Nữ gọi điện thoại. Ở Canada này, thường không ai gọi điện thoại trước 8 giờ cả. Điện thoại mà reng trước 8 giờ sáng là chắc có việc khẩn cấp. Cô Tôn Nữ gọi lúc 7 giờ, giọng đầy hốt hoảng: Anh Chị John ơi, CSVN tan rồi. Em vừa đọc email trên mạng rằng tứ trụ Sang Trọng Hùng Dũng tuyên bố giải thể Đảng CSVN như Ông Gorbachev ở Liên Xô ngày xưa. Anh Chị mở máy ra coi ngay đi.
Bà cụ B.95 lên tiếng hỏi: Đó là tin đảng CSVN đổ mà sao vừa rồi anh bảo là tin mua cá? Anh John cười ha ha một chập rồi nói: Ở Canada có thói quen là ngày đầu tháng Tư bạn có thể nói phịa ra nhiều tin, càng phịa giỏi càng lừa được nhiều người thì càng vui, và việc bịp và đánh lừa này không ai bắt lỗi cả. Dân Canada gọi việc này là ‘ cá Tháng Tư, Poisson d’avril, April Fool’.
Đó là con cá của Cô Tôn Nữ. Còn một con cá thứ hai của báo chí. Cũng sáng sớm ngày mồng một tháng Tư, tờ nhật trình ‘24’ ở Toronto đã đăng một tin lớn, kèm với một họa đồ chi tiết. Bài báo đưa tin là chinh quyền Canada thấy dân chúng càng ngày càng hay xuống tắm biển ở miền Trung Mỹ, nhất là mùa đông, nên chính quyền đã quyết định dùng ngân sách thặng dư và các khả năng về khoa học kỹ thuật, sẽ xây một cái đảo nổi rộng 10 cây số vuông, ở gần xứ Jamaica và Haiti. Trên đảo sẽ trồng rất nhiều cây phong và các vườn cây ăn trái, với những nhà nghỉ mát, quanh đảo là những bãi tắm rộng mênh mang. Tất cả đều miễn phí cho công dân Canada xuống đây tắm nắng…
Chị Ba Biên Hòa thấy cô Tôn Nữ mắc cở đỏ mặt, chị liền giơ tay ngăn chồng không cho anh kể chuyện cá tháng Tư nữa. Anh John thấy dân làng cười vui đủ rồi anh mới kể sang chuyện khác. Anh bảo: Xin hết chuyện cá nha, sau đây là chuyện thời sự có thiệt:
- Một di dân gốc Việt Nam định cư tại Montreal miền nói tiếng
Pháp ở Canada đã doạt giải nhất về văn chương, giải mang tên ‘ Canada Reads 2015’. Giải này do thông tấn xã CBC đề xuất, đã được tổ chức trong 14 năm qua. Mục đích là tuyển chọn những tác phẩm có thể làm thay đổi nhãn quan và vượt qua mọi định kiến để soi sáng một vấn đề.
Người đoạt giải toàn quốc năm nay là nhà văn Kim Thúy với tác phẩm RU viết bằng Pháp văn.
RU là câu chuyện một em bé rời Saigon khi mới 10 tuổi, theo gia
đình vượt biên, tỵ nạn ở Mã lai, được Canada nhận và cho định cư tại Montreal. Trong tác phẩm RU, Kim Thúy viết về chính đời mình.
Ông Camaron Bailey, giám đốc nghệ thuật Đại Hội Phim quốc tế ở
Toronto đã nhận định trên đài CBC: Đây là một trong hàng triệu câu chuyện về những người nhập cư Canada. Một phụ nữ tỵ nạn gốc Việt viết chuyện về đời mình, câu chuyện thật đau lòng, nhưng đẹp, được thể hiện với một bút pháp tài tình. Tôi đọc RU bằng lý trí và rồi trí tôi được nối với con tim. RU đã mở rộng lòng nhân đạo và nhãn quan của người Canada.
Nhà văn Kim Thúy năm nay 46 tuổi. Tác phẩm RU đã đoạt 2 giải văn chương khác vào năm 2010 và 2012. Đã có ấn bản bằng Anh văn. Thật là một niềm hãnh diện lớn không chỉ riêng cho nhà văn Kim Thúy mà cho cả cộng đồng người Việt, trong đó có vợ tôi, và cả tôi nữa, ha ha.
Tin thời sự tiếp theo là tin Rước Đuốc cho Thế Vận PAN AM. Đây là thế vận hội của Liên Mỹ Châu, năm nay được tổ chức tại Toronto vào tháng Bảy sắp tới. Còn hơn hai tháng nữa mới bắt đầu, nhưng cuộc rước đuốc cho lễ khai mạc đã khởi sự. Khởi điểm là thành phố Teotihuacan ở Mexico, sẽ di chuyển qua 130 vùng, bó đuốc sẽ được 3.000 lực sĩ chuyền tay nhau, theo hướng bắc tiến, qua các phương tiện xe hơi, máy bay, xe lửa và tàu biển. Thế vận hội Liên Mỹ Châu này có 41 quốc gia tham dự với 6.600 lực sĩ thi tài trong 16 ngày.
Thời sự tiếp theo là tin những quả bom trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại liên hệ tới tên gọi ngày đau thương 30 tháng Tư. Ngày này nên mang tên gì ? Tôi thấy nhiều tên lắm: Tháng Tư Đen, ngày Quốc hận, Ngày tranh đấu cho Tự Do, Hành Trình tìm Tự Do…Chỉ vì cái tên mà nhiều người chống nhau, chống một cách dữ tợn, chống mạnh hơn là chống VC.
Về việc cãi nhau này tôi thấy nhà văn Mặc Giao đã viết một bài rất hay, đăng trên DienDanCongLuan ngày cuối tháng Ba vừa qua và trên nhiều cơ quan ngôn luận khác. Tôi thích bài này. Xin trích vài dòng của Mặc Giao:
…Việc đầu tiên khối người Việt chúng ta phải làm là đừng tấn công nhau nặng hơn đánh cộng sản, đừng rút giây chặt cầu để khi cần nhau còn có thể nhìn mặt nhau không ngượng. Bốn mươi năm rồi, chúng ta không học được bài học này sao? Miến Nam VN mất vào tay CS cách đây 40 năm. Phe thắng cuộc gọi ngày 30/4 là ngày chiến thắng, ngày giải phóng Miền Nam. Phe thua cuộc gọi đó là ngày quốc hận, ngày mất nước, tháng Tư đen. Ai muốn gọi gì thì gọi, muốn kỷ niệm kiểu gì tùy ý và tùy theo lập trường của mình. Chẳng ai áp đặt được ai. Bốn mươi năm qua vẫn vậy.
… Năm nay chuyện tranh cãi về tên gọi ngày 30/4 trở nên sôi nổi. Lý do xuất phát từ Canada do việc Ông Nghị sĩ gốc Việt Ngô Thanh Hải đệ nạp Dự luật S-219 ‘ Hành Trình Đến Tự Do ‘ ( Journey to Freedom ) tại Thượng Nghị Viện Canada. Nội dung ghi nhớ ngày mất Saigon mở đầu cho phong trào bỏ nước đi tìm tự do của hàng triệu người VN, trong đó có khoảng 300.000 người hiện sinh sống ở Canada. Dự luật đã được Thượng Viện chấp thuận ngày 8/12/2014 và đã chuyển sang Hạ Viện ngày 10/12/2014…Ngay khi dự luật được phổ biến, nhiều cuộc tranh cãi đã xảy ra xoay quanh cái tên và tác giả….
Việc tranh cãi đang đi vào gay cấn. Nhiều mũ VC đã được đem ra… Cụ Chánh làng tôi lên tiếng: Giá mà chúng ta biết tương kính, bất đồng nhưng không bất hòa, thì tốt đẹp biết bao. Các bạn có nghe thấy tiếng cười và vỗ tay của CSVN không? Canada quá tốt với người Việt tỵ nạn chúng ta chứ. Cách đây 20 năm, Canada cho chúng ta dựng đài kỷ niệm thuyền nhân ở thủ đô Ottawa, và 20 năm sau lại cho dựng dài tưởng niệm các nạn nhân CS cũng tại thủ đô Ottawa, và sắp ban hành luật S-219 ghi nhớ ngày các thuyền nhân tỵ nạn bỏ nước đến đây tìm Tự Do. Chúng ta còn muốn gì nữa?
Cộng sản VN đã phản ứng mạnh mẽ chống dự luật này, từ Nguyễn Tấn Dũng đến bộ Ngoại Giao. Một số người Việt xưa nay chống CS cũng lớn tiếng chống đối dự luật, thậm chí còn mạ lỵ Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh hải, kết tội ông là Việt gian. Những người này làm như vậy thì có khác gì về cùng phe với CS để vô hiệu hóa một cơ hội hiếm có chưa từng xảy ra trong Thế Giới Tự Do. Nào có nước nào tốt với người Việt tỵ nạn chúng ta bằng nước Canada không?
Ông ODP gật gù hoan hô kiến chúng ta phải biết ơn nước Canada. Ông nhiệt liệt tán dương bài ca của hai vợ chồng nhạc sĩ Vũ Tiết Hùng và Tôn Nữ Thùy Lan ở Ottawa. Bài ca rất hay, cả nhạc cả lời. Mấy dòng cuối bài làm ai cũng cảm động:
… Oh Canada! Oh Canada! Forty years ago I was lost and stateless, Then Canada adopted me, let me stay, and gave me a new homeland Thank you Canada ! Merci Canada !
Canada ơi ! Canada ơi! Bốn mươi năm xưa tôi là người mất nước và vô tổ quốc. Canda đã nhận tôi, cho tôi ở lại, và còn cho tôi một mái ấm gia đình. Xin cám ơn Canada, xin ghi ơn Canada !
Ký giả Robert Bosteller của báo Ottawa Citizen đã viết bài giới thiệu bài hát và hết lời khen ngợi trên trang nhất.
Rất nhiều dân biểu Canada đã ủng hộ dự luật S.219 mang tên ‘Hành Trình tìm Tự Do’. Đặc biệt ông Peter Kent, cựu bộ trưởng, hiện là dân biểu vùng Thornhill, Ontario, đã ca ngợi dự luật này rất dài, phần cuối bài phát biểu, ông kết luận:
… Dự luật tưởng niệm ‘ Hành Trình tìm Tự Do’ mang 3 ý nghĩa này:
- nó đánh dấu sự kiện bi thảm Saigon thất thủ 30/4/1975
- nó vinh danh những người Canada đã bảo trợ và đón nhận những người tỵ nạn VN
- nó tán dương những đóng góp phi thường của những người tỵ nạn VN cho đất nước gấm hoa này của chúng ta.
Ông ODP giơ tay xin phát biểu: chưa biết việc một số đồng hương đang đánh nhau này sẽ đi tới đâu. Gần đây tôi đọc được câu chuyện tiếu lâm, nó diễn tả y boong việc phe ta đánh phe mình hiện nay. Chuyện kể 2 ông đi câu cua, họ ngồi bên nhau. Một ông Mỹ một ông Việt. Ông Mỹ câu được con cua nào thỉ bỏ vào giỏ rồi đậy nắp rất cẩn thận, trong khi đó ông Việt câu được con nào thì cũng bỏ vào giỏ nhưng không hề đậy nắp. Ông Mỹ thấy lạ mới hỏi ông Việt về việc này. Ông Việt cười tỉnh bơ:
- Con cua bạn câu được là cua Mỹ. Bạn phải đậy nắp giỏ vì các con cua công kênh nhau bò lên, con này giúp con kia cùng thoát hiểm. Còn con cua Việt của tôi, không con nào bò lên được cả, con nào mà mon men bò lên cao một tí là những con cua khác kéo nó xuống liền…
Làng tôi nghe xong thì ai cũng gật gù rồi nói: Quả đúng vậy.
Ông ODP thấy dân làng còn muốn ông nói nữa nên ông kể tiếp. Rằng ông cũng mới đọc được câu chuyện về sự thành công của một người Việt ở Hawaii, do nhật báo Ngườii Việt ở Cali phổ biến nhân dịp 30 tháng Tư. Đó là triệu phú Lâm Quốc Thanh chủ nhân hệ thống bánh ngọt nổi tiếng La Tour Bakehouse. Lò bánh của ông làm không kịp bán. Ông cung cấp bánh cho nhiều hãng máy bay quốc tế, nhiều khách sạn nổi tiếng, nhiều hệ thống siêu thị. Sau 1975 ở VN ông làm nghề bán vé số. rồi nhờ vượt biên thành công, ông được tới Mỹ. Ông làm đủ nghề để sinh sống. Nghề cuối cùng là làm cho Bánh Mì Ba Lẹ. Từ nghề này, ông tìm hiểu và học hỏi về làm bánh, rồi từ đó ông tiến lên thành triệu phú. Mỗi năm số doanh thu của ông hơn 20 triệu mỹ kim. Ký giả Thiên An thuộc báo Người Việt đã đến phỏng vấn và hỏi ông về những bí quyết đã giúp ông thành công như hiện nay, ‘Ông Thanh Ba Lẹ’ đã vui vẻ trả lời: Tôi thường khuyên con tôi những điều này:
- không cờ bạc hút sách
- phải thành thật, thành thật và thành thật
- không kiêu ngạo và ức hiếp người nghèo
- cố học lên cao, càng cao càng tốt
- lễ phép với mọi người. Ai khen con tôi thông minh thì tôi không thích bằng khen nó lễ phép
- đặt nhân viên lên hàng đầu, mình tốt với nhân viên thì nhân viên sẽ hết lòng với mình
- đọc sách Học Làm Người. Cuốn sách Đắc Nhân Tâm nổi tiếng của Dale Carnegie là sách gối đầu giường của cha con chúng tôi. Đọc, suy ngẫm rồi thực hành.
Cả làng vỗ tay khen bài học quý của triệu phú Lâm Quốc Thanh trên đây.
Anh John lại giơ tay xin nói tin thời sự chót: Làng ta nhớ đi coi xuất hát Exodus Saigon vào ngày 2 tháng Năm của của đạo diễn Hoàng Hùng nha. Nghe nói qúa nửa tài tử là những thiên tài người Canada. Canada hát về VN…
Chị Ba Biên Hòa nhân danh chủ bếp bữa tiệc mừng, đã hỏi Cụ Chánh: Trên đây là kinh nghiệm của người ở xa. Thế còn cụ tiên chỉ ở ngay đây, nhân đại lễ hôm nay xin Cụ đôi điều với dân làng.
Cụ Chánh giọng đầy cảm động: Tôi được sống tự do và ấm no như thế này, luôn có bạn vàng vây quanh như thế này, luôn sống trong không khí đầy tiếng cười như thế này, tôi thấy mình hạnh phúc vô cùng. Xin tạ ơn Thiên Chúa, xin tạ ơn đất nước gấm hoa thiên đàng này.
TRÀ LŨ
Tin vui: Tác giả Trà Lũ đã viết xong ‘Chuyện Cười Trà Lũ Toàn Tập’, gồm 4 cuốn 300, 400, 500, 600 chuyện cười, tổng cộng hơn 1.800 chuyện cười khác nhau. Đây là món quà trang nhã và ý nghĩa để tặng người thân. Giá bán 4 cuốn và cước phí bưu điện là 95 Gia kim hay Mỹ kim. Xin liên lạc trực tiếp với tác giả